Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những năm tháng đẹp

C

ách mạng Tháng Tám 1945 là bước ngoặt trọng đại trong tiến trình lịch sử nước nhà. Là dấu chấm hết cho một thời kỳ đen tối dưới ách thống trị thực dân, đồng thời cũng là sự kết thúc vĩnh viễn một hình thái xã hội phong kiến đã quá mệt mỏi kéo dài suốt mười thế kỷ.

Một chân trời mới mở ra với nền Cộng hòa non trẻ nhiều hứa hẹn. Đứng đầu nhà nước này là một vị Chủ tịch giàu cốt cách gánh vác, dường như ở đây đã có sự chuẩn bị mang ý nghĩa cơ trời vận đất, một thiên tài được lịch sử lựa chọn từ lâu để đến một ngày đứng ra nắm giữ sứ mệnh dẫn đường. Đó chính là cụ Hồ Chí Minh, là Bác Hồ muôn vàn yêu kính.

Những ngày tháng đẹp nhất trong những ngày tháng đẹp, để hôm nay ngoảnh lại chiêm nghiệm mỗi người trong chúng ta vẫn còn chưa hết rưng rưng. Hãy hình dung, từ trong vũng bùn nô lệ một đám đông khổng lồ bật dậy với hai bàn tay trắng và quả tim nóng, gọi nhau đứng quanh Người, gọi nhau làm một cuộc lên đường rất dài và rất nhiều chông gai, dám sống và dám chết vì nền tự do độc lập dân tộc, trong đó có tự do cho mình. Từ buổi đầu Bác đã trang trọng nói trước toàn thể đồng bào, “tự do cho một dân tộc mà không có tự do cho mỗi người thì cái tự do ấy liệu để làm gì”!

Thân phận mỗi người dân nước Việt đã được Người nhìn nhận bằng một tầm nhìn mang tinh thần nhân quyền ở một xã hội có đẳng cấp. Người trở về Tổ quốc như một huyền thoại, như một giấc mơ mà lại cũng hết sức gần gụi, chân thật. Người ra đồng cùng bà con tát nước chống hạn, cùng các cụ già trồng cây ở đầu làng, bón cơm mớm cháo cho trẻ thơ và làm thơ gửi cả nước mỗi bận xuân về.

Trong bản tự kể chuyện để lại Người đã viết vắn tắt: Nghề nghiệp xuất thân làm báo. Trình độ văn hóa, tự học. Trình độ ngoại ngữ, có năm thứ tiếng. Tên khai sinh, Nguyễn Tất Thành. Những tên thường gọi, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Lin, Thầu Chín, Hồ Quang và Hồ Chí Minh.

Mỗi tên là một giai đoạn hoạt động, mỗi tên là một chặng đường hiểm nghèo. Những cái tên khiến đồng chí đồng bào mỏi mòn ngóng đợi mà kẻ thù thì ái ngại lo âu. Con người khoan hòa nhân ái là thế lại có thể cũng là một nỗi ám ảnh khiếp hãi đối với các thế lực thực dân cũ và mới khắp hành tinh.

Đầu tháng chín năm ấy Người đọc Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình. Bản tuyên ngôn tự tay Người thảo bằng nội lực giống nòi, bằng hồn thiêng núi sông, bằng khí phách quật cường toàn dân tộc.

Vài hôm sau người cho gọi mấy đồng chí phụ trách Nha Công an Bắc Việt lên làm việc, lúc chia tay người dặn dò, sinh ra các chú là phải có bắt bớ, vậy Bác tặng các chú mấy câu để mang theo trên đường công tác lâu dài, “hay bắt không bằng bắt hay, bắt hay không bằng không hay bắt”.

Phương Tây có câu người mạnh là người biết nói đùa. Lại có câu mọi việc nghiêm chỉnh đều dấu dưới nụ cười. Thiết nghĩ sau nụ cười hôm ấy của Bác còn có mang mênh mông một tình yêu thương con người.

Ung dung mà lẫm liệt, trong cô đơn rét mướt Người đã thực hiện một cuộc lên đường đầy kiêu hãnh giữa một nhân loại đang vỡ ra biết bao biến cố khôn lường. Đấy là đi tìm đường cứu nước, là vượt bể thỉnh kinh học hỏi thiên hạ, ý tứ nhìn xem thiên hạ sinh sống ra sao, khu xử với nhau thế nào, ai thù ai bạn, đâu xấu đâu tốt và phải bằng cách nào đưa dân mình ra khỏi cảnh đọa đầy và ta là ai giữa thế gian này.

Là kẻ hành khất rách rưới không quê hương Tổ quốc? Vâng, quả có thế. Là kẻ bị săn đuổi ruồng bỏ? Vâng, quả có thế… Nhưng thưa, không hẳn chỉ có thế. Đây lại còn là người một mai sẽ nhảy xuống sông mở đập, áo vải phong phanh mà trí lự nuốt ngưu, là người lĩnh xướng, người chỉ huy, nhà kiến tạo xuất sắc, nhà tổ chức xuất sắc của một nhân dân, một Đảng xuất sắc.

Nhà văn Xô Viết Mendesstam nói, “Tôi nhìn thấy cụ cười Nguyễn Ái Quốc có mang bóng dáng một nền văn hóa tương lai”.

Ngày Người qua đời học giả Việt Nam Cao Xuân Huy viết chỉ một câu trên báo Nhân dân, “Cụ Hồ là người giản dị mà không lầm than, cần kiệm mà không hà tiện, nghèo nhưng không hèn, đầu đủ nhân trí dũng, đã có thể được gọi là lão thực”.

Người từng đã một lần khóc thầm trong đêm vắng Paris một mình ngồi đọc Luận Cương của Lênin bàn về phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa. Người từng kể trong những năm tháng bôn ba chìm nổi, chỉ thấy có dạo ở Mỹ nghe chừng dễ chịu hơn cả, bước ra đường người ta còn muốn chuyện trò vui vẻ với mình.

Người ghi vào tâm khảm câu nói hay của thổ dân da đỏ, “một người vì mọi người, mọi người vì một người” và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, say mê luôn Thomas Jefferson, một chính khách lỗi lạc, cha đẻ của bản tuyên ngôn đó. Khen ông này có nhân cách liêm chính, tầm vóc rộng, yêu người.

Suốt bốn mươi năm hoạt động Thomas Jefferson đã từng ở các cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ, Thống đốc bang, Ngoại trưởng rồi Tổng thống. Ông từng để lại những câu nói nổi tiếng, minh triết cần phải lớn lên cùng quyền lực của chúng ta! Minh triết dạy chúng ta rằng càng ít sử dụng quyền lực thì quyền lực càng lớn!

Hồ Chí Minh ra đời sau Thomas Jefferson gần hai thế kỷ ở hai miền xa lạ vậy mà cả hai đã cùng yêu minh triết, và đều là hiện thân của minh triết. Họ đã gặp nhau trong cách tiếp cận xem xét sự vật, lắng nghe được cả những tiếng gọi xa vời của thực tiễn, và cả hai đều nhún vai trước những gì gọi là giáo điều trì trệ thô bạo với đủ mọi biểu hiện thê thảm của nó và tất nhiên, sẵn sàng dẫm lên nó để đi tới.

Còn có một điểm chung giữa hai người nghĩ thật rất lạ lùng, hai người ấy sinh khác ngày nhưng lại đều biết chọn ngày quốc khánh nước mình để qua đời.

Thomas Jefferson mất mùng 4 tháng 7 năm 1815 còn Hồ Chí Minh mất mùng 2 tháng 9 năm 1969. Một trùng hợp ngẫu nhiên không giải thích, chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên đấy là Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trân trọng dẫn những lời hào sảng mang tinh thần nhân quyền cao mà Thomas Jefferson đã đưa vào Tuyên ngôn Độc lập Mỹ.

*

Về khuya, ngoài trời nổi giông. Nghe nói biển đang có ấp thấp nhiệt đới. Gió lùa rào rào lay động vòm sấu sau vườn. Tôi vẫn mải mở những trang ghi chép trong bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Tôi muốn biết vào những năm tháng gian nan thù trong giặc ngoài Bác Hồ đã làm gì, đã xử lý ra sao, đã lường tính thế nào trước những éo le lịch sử. Tôi hiểu Người đã làm hết cách để cứu vãn hòa bình, nhưng cơ chừng cuộc kháng chiến trường kỳ đang hiện ra trước mắt.

Sau ngày thành lập chính phủ Bác kêu gọi đồng bào lời lẽ thống thiết, chỉ rõ chúng ta đứng trước ba kẻ thù lớn, đó là giặc đói giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngoại xâm nguy hiểm thật nhưng vẫn đứng sau đói và dốt. Đói và dốt mới là mối lo trước mắt và cũng là mối lo lâu dài. Ngày khai trường năm đầu tiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Bác có thư gửi các cháu học sinh, trong thư có câu “một dân tộc dốt là một dân tộc hèn yếu”. Tôi muốn được chia vợi nỗi đau đớn trong lòng Bác.

Đầu 1947, trong những ngày Hà Nội ầm vang tiếng súng, ông Trần Công Tường Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi công văn xin ý kiến của Bác về chính sách đối với tù hàng binh trong chiến tranh, Người phê mấy dòng vào bên cạnh “Bàn ngay trong Chính phủ có gì không nhất trí thì đề đạt lên Chủ tịch cho quyết định”. Bây giờ tờ công văn ấy vẫn đang được lưu ở Cục Lưu trữ. Giữa năm đó, Bác viết thư gửi ông Giám đóc Nha bình dân học vụ Liên khu ba: “Ông giám đốc, các giáo viên, các cơ quan đoàn thể cố gắng làm thế nào để chu kỳ tháng sáu năm sau toàn thể nhân dân Liên khu từ tám tuổi trở lên đều biết chữ”.

Một phong trào chống đói diệt dốt phát triển khắp thôn cùng ngõ vắng, toàn dân làm hũ gạo cứu đói, toàn dân đi học và toàn dân tham gia kháng chiến. Mỗi tuần bác nhịn một bữa, giành thêm chút gạo cho bộ đội. Đường thôn lập lòe ánh đuốc ánh đèn, già trẻ đâu đâu cũng vâng lời Bác đến trường, tiếng học bài ê a râm ran. O tròn như quả trứng gà, ô thời đội nón ơ thời có râu. I tờ ít, tờ ít tít, tờ i ti, cu tí sờ ti cái tít.

Nhiều năm trước cách mạng học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã phát biểu trong báo giới, với dân ta chữ Quốc ngữ là một may mắn vô kể, cố bám lấy cái phao ấy nước nhà có cơ hội tiến bộ.

Học giả Nguyễn Văn Tố đã từng đứng ra lập Hội truyền bá Quốc ngữ và đã làm được vô khối việc nhưng vẫn không xuể, phải đợi đến sau cách mạng công việc này mới trở thành một phong trào rộng khắp và triệt để. Làm được thế bởi vì dân ta đã có trong tay một chính quyền của mình.

Anh trai tôi thuở nhỏ không được đến trường, năm cách mạng đã mười bốn mười lăm mà vẫn không biết đọc biết viết. Có một anh giáo được huyện cử về làng làm chiến sĩ diệt dốt, anh giáo xui mang vôi trắng ra để anh ấy viết chữ lên mông con trâu đực, mỗi hôm hai chữ, mười hôm hai mươi chữ. Còn chữ cuối cùng trong bảng chữ cái anh tôi chưa kịp học nốt vì anh giáo có lệnh gọi vào bộ đội, làm tiểu đội trưởng. Hai năm sau đủ cân đủ lạng anh tôi cũng xung phong tòng quân, vào bộ đội huyện lại gặp anh giáo lúc ấy đã làm trung đội trưởng. Gặp nhau anh giáo hỏi luôn, chú đã thuộc đủ hai mốt chữ cái chưa? Anh tôi đáp, báo cáo chỉ huy em biết đọc biết viết rồi. Vậy chú lấy gạch viết đại mấy chữ lên tường tao xem. Anh tôi cầm mẩu gạch non viết vèo mấy chữ cu tí sờ ti cái tít. Anh giáo gật đầu, khá, thằng này nhanh trí cho làm liên lạc. Làm liên lạc ngày nào anh tôi cũng phải cầm lệnh chạy tứ tung khắp huyện, mấy lần qua làng u tôi nghe tin choàng ra tìm nhưng đều mất hút nên mẹ con không gặp nhau. Đời anh tôi là một đời ôm súng đuổi giặc, cắm đầu chạy thục mạng. Chạy ở mặt trận Điện Biên, chạy dọc Trường Sơn xuống những cồn cát ven biển khu năm khu sáu, rồi chạy vào Đồng Tháp, chạy tuốt Mũi Cà Mau, chân đạp lên những ngọn sóng cao lừng lững, ra biển ra đảo. Đến khi về, đã là ba chục năm có lẻ, vai đeo lon tướng, vào Quốc hội. Lại gặp anh giáo giờ đã làm gì to lắm ở Trung ương, một hôm nghe anh tôi đứng lên báo cáo gì đó trên diễn đàn, ra uống nước ngoài hành lang hội trường anh giáo ghé tai bảo, quê mình có cái tật nói ngọng en nờ e lờ, phải chịu khó sửa mới được, như thế vẫn là chưa xong hai mốt chữ cái đâu đấy nhé. Hình như từ đấy anh tôi thường đun đẩy để người khác lên nói, còn mình thì ngồi dưới lắng nghe. Một lần anh tôi về thăm quê, tôi kể ngoài Hà Nội không biết nghĩ thế nào mà người ta lại cho hạ bức tượng đồng tưởng niệm ông Alexanderốt, là người đã có công làm cho dân ta cái chữ Quốc ngữ. Anh tôi lắc đầu lầm bầm nhiệt tình cộng ngu dốt sẽ thành phá hoại. Rồi anh nhìn tôi cười rất sảng khoái, anh là thằng chạy dọc chạy ngang khắp Đông Dương, chạy từ lúc tóc còn xanh đến lúc tóc râu bạc trắng, chạy đến lúc sắp hết đời mới chợt hiểu con đường mình vượt qua vẫn chưa phải đã dài, dài đến vô cùng phải là con đường học vấn, càng được học hành càng thấy mình dốt, sống làm người sự học là khó trên mọi thứ khó. Nếu như anh được cử làm Chủ tịch thành phố thì cái lệnh đầu tiên sẽ là cho dựng lại tượng đài Alenxanderốt. Bức tượng ấy đặt ở bên hông đền Bà Kiệu anh biết chứ. Có hai người dắt chúng ta đi học đấy là ông ấy và Bác Hồ. Một lần ngồi với anh giáo anh cũng đã nói như thế, anh ấy gật đầu khen, chú nghĩ phải, không thầy đố mày làm nên, bạc là đểu, biết nhớ ơn là một phẩm hạnh của con người.

Suốt quá trình dựng nước và giữ nước chắc chắn đã có nhiều, rất nhiều thành tựu vẻ vang được đánh giá cao. Những điều ấy đã nói nhiều, ai cũng biết rồi. Nhưng ngay ở những thành tựu tưởng rất bình thường trên thực tế lại vẫn có mang những giá trị nhân văn sâu sắc rất xứng đáng được ghi nhận và nghĩ kỹ lại thấy hết sức tự hào.

Chẳng hạn như mạng lưới cấp cơ sở và những cái hố xí hai ngăn của ngành y tế. Cuộc sống hàng ngày, người nghèo bao giờ cũng đông, người nghèo nhiều lúc ốm đau tính mạng trông đợi vào mạng lưới y tế đó, thiếu nó sẽ rất lúng túng, dễ có thể sa vào tuyệt vọng. Còn như cái hố xí hai ngăn ngày ấy thì thật thần tình, giá thử không có nó xuất hiện kịp thời hẳn dịch bệnh đã hoành hành dữ lắm, giòi bọ không khéo còn bò cả vào chăn chiếu giường phản các nhà, nhất là ở những nơi phố phường đông đúc. Trong tình cảnh chung tụt hậu tất nhiên y học khó lòng khá lên được, nhưng y học là y tế là hai lĩnh vực khác nhau, trong khó khăn y tế vẫn có thể chủ động phấn đấu tìm mọi cách chăm lo tốt nhất có thể cho đời sống xã hội. Nhớ lại để càng thêm biết ơn những thầy thuốc của một thời cảm động. Trong công việc cụ thể này chúng ta cần phải biết tôn vinh ông Phạm Ngọc Thạch. Những năm bom đạn ngành y tế đã lăn lộn làm tốt trách nhiệm này, rất tiếc giờ đây tình hình đã thành sa sút đi, nhìn chung là nó đã biến mất. Chúng ta đã để sểnh mất một thực tế tốt đẹp có thật.

Còn một kỳ tích nữa cũng cần phải nhớ, đó là việc đã xóa xong nạn mù chữ trên phạm vi cả nước. Hai thành tựu nói trên là những cố gắng phi thường của toàn Đảng toàn dân trong suốt nhiều thập kỷ, quả là đầy quyết tâm nghị lực, đầy khát vọng lãng mạn. Nó có vẻ đẹp mang tính ưu việt của bản chất xã hội. Những việc làm ấy đều đã được các tổ chức liên hợp quốc đánh giá chính xác và đã mang ghi vào sổ vàng.

Thêm một sự kiện vô cùng tự hào đã có trong sự nghiệp giáo dục nước nhà, đó là việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các trường, từ cấp cơ sở lên bậc đại học và trên đại học. Công sức các giáo sư, các vị trí thức các ngành bỏ vào đây là rất lớn, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và đồng chí Phạm Văn Đồng là không thể nào quên. Nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều chính khách ở các quốc gia thuộc hệ thống thứ ba tới thăm đất nước ta đã bày tỏ lòng khâm phục và đều mong một ngày kia đất nước họ cũng sẽ làm được những việc như Việt Nam đã làm.

Nhìn ra các khu vực khác của toàn xã hội, giờ đây chỗ nào cũng thấy có những điều bất cập rất đáng lo ngại. Có thể biện hộ những sa sút này bằng nhiều nguyên nhân, nhưng cũng không thể không nói cái nguyên nhân đáng giật mình nhất chính là vấn đề chất lượng của đội ngũ cán bộ. Chung quy là vấn đề cán bộ, cán bộ quyết định tất cả. Ở lúc này cán bộ là ngàn vàng không mua nổi nhưng ở lúc khác cán bộ lại có thể rẻ như bèo, là khó trông mong và nhìn vào thấy muốn thở dài. Đây là một nỗi lo chung của dân của Đảng, một thách thức rất lớn trong tình hình mới, thật sự không thể không lo âu bởi vì nó phương hại tới những vấn đề hết sức then chốt dẫn đến nguy cơ sống còn của đất nước.

Nhìn lại những năm tháng ấy chúng ta hiểu dân tộc mình đã làm nên một khúc dạo đầu rất đẹp và rất sang trọng. Đó là những năm tháng gian lao, một nhân dân với những phẩm chất mộc mạc mà bền vững đã thức dậy, đã ngẩng đầu cùng Người vượt lên muôn vàn thử thách và tất cả cùng tỏa sáng làm nên một thời đại hửng nắng mang đầy đủ chuẩn mực để có thể kiêu hãnh.

Đ.C

 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 195 tháng 12/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground