Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những năm tháng những đời người

M

ột lần ngồi vào chiếu để nghe canh quan họ là y như rằng lại thêm một lần được dẫn dắt vào mê cung của những tình cảm vừa lịch lãm vừa đằm thắm. Những khúc thức nhặt khoan vững chãi, những giai điệu vương giả bay lượn. Kìa những lời thở than mới bùi ngùi làm sao, chất phác làm sao. Đời sống một vùng đất vùng người mặn mà hiện ra với bao lớp lang tầng vỉa, ta chìm vào đấy để bắt gặp khuôn mặt tinh thần quê nhà.

Chàng buông dải áo em ra, Để em đi chợi kẻo mà chợ trưa, Chợ trưa rau sẽ héo đi, Lấy chi nuôi mẹ lấy gì nuôi em…Mình về em dặn câu này, Đâu hơn mình kết đâu bằng mình đợi chúng em.

Đã hẹn thế thì khó có đâu còn hơn nổi, ý tứ khôn ngoan không đâu hơn nổi, mà cũng chẳng đâu hơn nổi cái sức giăng mắc mỏng manh như tơ nhện mà thực lắm ràng buộc.

Dưới bóng giàn nhót của mảnh sân nhà đã bao lần tôi trãi chiếu mời trầu mời rượu, đã bao lần chủ khách ngồi đối ẩm đối tửu hân hoan quên cả sớm khuya. Áo sống mớ năm mớ bảy những mận những đào, cái cổ nghển lên để nhả lời, thon thả và kiêu kỳ như cọng lan cọng huệ, con mắt lấp lánh lửa, gương mặt ngời ngợi nồng nàn. Em là cây gừng cây cải, là giậu mồng tơi mọc hoang ngoài ngõ, mà lại đang là bà hoàng bà chúa trong lòng tôi. Mỗi lần nghe em hát lại thấy phải cảm ơn năm tháng, cảm ơn đất đai và tổ tiên, trong câu dân ca em hát có mang cái tình của muôn đời. Tôi tìm thấy dáng mẹ dáng chị dáng em giữa đám đông khăn áo, tôi nhận ra sức sống phồn thực của người dân tộc được cất giấu trong những luyến láy ý a gửi nón ý a qua cầu.

Những ngày xuân những tháng xuân tôi lang thang hội này hội khác, làng này làng khác, lang thang vào núi ra sông, tuởng không phải mình thì cũng chẳng ai như thế. Lang thang để nhòm vào đám đông, để nom thiên hạ sống và để sống cùng thiên hạ. Giàu sang mở hội, giàu sang cỗ bàn đã đi một nhẽ, nhưng giàu sang ăn uống ra sao, giàu sang mở hội chỗ nào mấy ai đã biết, tôi đi hội nghèo ăn cỗ nghèo ở những thôn những làng quanh năm phờ phạc, quanh năm bới đất lật cỏ, ngày dưng có cái buồn ngày dưng mà ngày hội có cái lo ngày hội.

Lang thang đến nỗi lắm lúc chán mình, càng chán càng phải đi, nói bâng quơ cười bâng quơ. Từ bé tôi đã thích mình như con chim Hoàng điểu trong một câu Kinh thi, nó nhảy nhót miên man ngoài gò vắng. Và đời tôi xem ra chỉ mỗi một mơ ước ấy là thành, có mơ có được.

Có lần tôi đã cả cười khi nghe một vị giáo sư kể câu chuyện, hai ông Toàn quyền Đông Dương trong lúc bàn giao công việc cai trị xứ này đã có nhận xét, phụ nữ Việt Nam hơn hẳn đàn ông Việt Nam, họ giỏi gánh vác và rất biết sống, còn đàn ông thì lười biếng viển vông, trọng nghệ thuật hơn trọng kỹ thuật, hầu như ai cũng mắc bệnh hám danh lợi, chỉ cần vứt cho họ chút quyền vặt, chẳng hạn một chức trương tuần là họ đã có thể trói ngay đồng loại.

Tôi cả cười là bởi tôi chưa thấy cần phải bàn xem điều họ nói liệu đúng hay sai, đúng thì đúng chỗ nào sai là sai chỗ nào, tôi cười vì tôi còn biết thuở đó hai ông đã ngồi bàn giao kinh nghiệm cai trị trong một đêm quan họ. Một khi đã ngồi nghe những người đàn bà vùng chúng tôi hát thì thôi chả cần phải nói gì nữa, khi cái giọng vàng anh vang rền nền nảy ấy cất lên thì chả cứ gì cánh đàn ông xứ này, mà  tôi nghĩ đàn ông khắp gầm trời này đều nên cảm thấy hoá ra mình vẫn còn thấp, còn đuối. Thấp ra sao, đuối ra soa thì hình như chỉ có lịch sử mới đủ tư cách bảo giúp chúng ta.

Đầu năm rồi tôi về Hà Nội tìm mấy anh em trong nhóm biên tập tờ Tiền phong cuối tuần, hẹn với họ suốt năm sẽ đóng cửa để viết loạt bài gọi là Miên man tuỳ bút. Mang hai chữ miên man đầy sức ám ảnh từ lúc còn nhỏ ra để đặt tên cho tập sách của mình. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn gật gù, được lắm. Báo giật tít in liền vài số. Đến những số sau thì nhà thơ Hữu Việt lại bàn, miên man mãi e bạn đọc dễ chán, thời buổi kinh tế thị trường cần phải đổi mới luôn mới ổn. Tôi đâm lưỡng lự, rồi tôi hỏi, vậy thì Thăm thẳm bóng người? Họ lại gật dù vỗ tay, rất hay. Trong miên man có thăm thẳm mà trong thăm thẳm có miên man. Miên man một cách nông nổi sẽ hoá mơn man, miên man sâu xa hoá ra thăm thẳm.

Một năm cộng tác với họ tôi thấy thật thú vị. Ngồi thức muốn rạc cả người, sang thu chớm lạnh ho khan mất một dạo, những lúc mỏi mệt chợt giật mình, tuổi tác nhắc ta đây, năm tháng nhắc ta đây, viết được gì thì viết đi, muốn nói gì thì nói luôn đi, để trong lòng mãi đến lúc ông Giời ông ấy điểm danh thì nếu có muốn nói ra cũng đã quá muộn, như thế cũng là mang thêm một cái lỗi với đời.

Một hôm nọ trong lúc đang khề khà trà lá bên đường Hồ Xuân Hương bỗng Hữu Việt nói to, cụ Thiên Tích nhắn cháu hôm nào anh thu xếp cho tôi được gặp ông Chu. Tôi sửng sốt nhìn vào khuôn mặt thư sinh của cậu ta mà bảo, nghe thế phải hiểu ông cụ đang nói mát rồi đấy. Ngữ bọn ta được các cụ gọi đến là mừng, làm sao dám để các cụ nhắn là cho được gặp. Hà Nội mấy ai không biết cụ Thiên Tích là một danh y, từng có hai khoá liền là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. Khắp từ Nam ra Bắc chỗ nào chả có những thầy lang nhất nhì thiên hạ, vậy mà ông cụ lại được đảm nhiệm cương vị ấy đủ biết uy tín lớn đến đâu, ai cũng hiểu phải là người đức cao đạo trọng như thế nào thì mới được đặt vào chỗ ấy. Tôi may mắn biết cụ Bách ít nhiều là do có cụ Kim Lân dắt đến nhà để xin cụ mấy chữ nhân một lần giáp tết. Hôm ấy tôI ngồi nhìn cụ cầm bút lấy mực rồi thảo lên tờ xuyến chỉ mà run cả người, mình vốn là đứa mỗ mốt mỗ hai đọc chưa vỡ sách nay được tới bên một tưởng lão có đẳng cấp như ông cụ hỏi sao không run chứ, run một cách sung sướng.

Thỉnh thoảng trong câu chuyện tài năng tên tuổi cụ Thiên Tích vẫn thấy cụ Bách nhắc đến với một lòng mến mộ và kính trọng đặc biệt. Cụ Tích hơn cụ Bách khoảng mười tuổi, một người quê Hưng Yên, một người quê Hải Dương hai tỉnh chung một dộc đất, xưa vẫn gọi là xứ Đông.

Sau 1954 ngành y tế có quyết định xây dựng một Viện Đông y bề thế, muốn vậy phải đầu tư mở trường mở lớp, tổ chức thi cử để tuyển người. Miền quê nào mà chả đang có những nhà nhiều đời theo nghề làm thuốc, đấy là những vốn quý được cất giữ trong nhân gian. Dăm cụ có chân cử nhân biết nghề thuốc, mươi cụ lang nổi tiếng các vùng được đón về để làm thầy, sĩ tử khắp nơi kéo về nộp đơn ứng thí, họ phải qua kỳ thi văn sách và kỳ sát hạch chuyên môn. Năm đầu chọn được hai mươi tám người, đấy là con số nhị thập bát tú.

Người nộp quyển sớm nhất lần ấy là cụ Thiên Tích, năm ấy đã trên dưới bốn mươi tuổi, ở làng đã là một ông lang tuy trẻ nhưng khá vững vàng. Ông Tích ra ngoài sân ngồi hút thuốc lào một lúc thì thấy ông Bách xong bài đi ra, hai ông hỏi thăm nhau, vậy anh người đâu, tôi người Gia Lộc, ông Tích mừng quá bảo, hai ta là đồng hương rồi, tôi bên Khoái Châu đây mà.

Họ thành đôi bạn vong niên gắn bó với nhau từ đấy. Cứ nghĩ đời mình với nhúm chữ Nho, chút kiến thức Đông y cha ông truyền lại thì sẽ quanh quẩn ở quê cho đến già, bỗng đâu thành người Hà Nội, được vời ra kinh học thuốc, thành thày thuốc triều đình, vui quá đi chứ, đến như Lãn Ông ngày xưa cũng chỉ vinh dự đến thế là cùng. Hai mươi tám ông lang trẻ ấy chính là những hạt nhân đầu tiên của Viên Đông y, tuy tuổi tác khác nhau nhưng tất cả đều có thể hiểu đã mang mệnh Sa trung kim, họ là những hạt vàng được đãi từ cát, là những cái mầm hiếm hoi còn lại của cái gốc y thuật vốn đã bị vùi lấp hắt hủi suốt hàng thế kỷ vừa qua. Khi Nho giáo đã mất vị trí độc tôn, các ông Nghè ông Cống còn phải nằm co trong ổ rơm, thì cổ học đành tiêu điều, có chu đáo đến mấy thì cũng chỉ để làm một thày đồ, thày thuốc, thày cúng, ngồi thu lu trước cổng đền cổng miếu mà viết sớ, nhặt hạt rơi hạt vãi sống qua ngày.

Trong cuộc sống xung đột tất yếu giữa hai nền văn hoá Đông - Tây, Nho giáo bị đẩy lùi, ngày càng sa sút núng thế. Chuyện ấy là dễ hiểu, là bất khả kháng. Ở ta suốt một nghìn năm, Nho giáo không phải chỉ là một lần mà đã nhiều lần chìm nổi, tình thế đó gọi là Giang Hán bỉnh linh. Dù chung một dòng chảy mà mỗi thời vẫn mỗi khác, mỗi miền vẫn mỗi khác, cái tính đa dạng thống nhất đó đã có trong xã hội phương Đông từ rất lâu đời.

Ngoài Bắc tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm được các cụ gọi là Nho mở, vì mở mà hoá rộng rãi, tránh được hủ lậu giáo điều, trở nên uyển chuyển có cái này lại còn có cái kia, vừa hàn lâm lại vừa dân dã, mộc mạc cũng là nó mà tinh kỹ cũng là nó.

Từ buổi có nhà Nguyễn, đàng trong đạo Nho được mở mang, đó là Nho lễ, còn gọi là Nho Huế. Nho lễ chăm chú những quy phạm lề luật, coi trong tế lễ cúng bái chập cheng, những lúc có nguy cơ mất dân thì kẻ cầm quyền nghĩ ngay đến việc lấy ngoài bài trong, nhờ cậy các thế lực ở xa để giữ lấy quyền lực một dòng tộc. Những lúc ấy nó thành chật hẹp và ích kỷ.

Chỗ này hoàn toàn khác với chủ trương của các cụ Phan Bộ Châu và Phan Châu Trinh. Các cụ tuy hai mà nhìn chung vẫn là một, đều bắt đầu từ quẻ Tuỳ để có phép ứng xử giống nhau. Quẻ Tuỳ mang đến cách suy xét sự vật minh mẫn, không câu nệ máy móc, không cứng nhắc ương gàn, hết sức thong thả và đầy kiên nhẫn bởi hơn đâu hết, đây là một quá trình không đơn giản, không thể nôn nóng.

Chung quy trăm sự vẫn là vấn đề dân trí, nó vừa là cái trần lại vừa là cái nền, một khi cái trần và cái nền đều còn thấp thì hết thảy đặt trên nó đều thấp theo, không thể tính chuyện nhảy vọt chặn đầu đi tắt bỏ qua giai đoạn, tính toán thế là tự lừa mình, giống như câu chuyện tiếu lâm có anh nhà quê nóng ruột vì càng nhìn vào ruộng nhà mình càng thấy lúa lên chậm quá, anh ta bèn lội xuống nắm thân lúa kéo lên, được mấy hôm ruộng héo vì lúa đứt hết rễ.

Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung đã và đang là một vùng trũng của thế giới, hôm qua là thế mà hiện tại vẫn là thế, trũng vì dân trí thấp, dân trí thấp khó lòng đứng dậy, khó khăn là ở chỗ ấy, cái phải chăm lo là ở chỗ ấy.

Cụ Phan Bội Châu đi tìm thế Ỷ dốc, còn cụ Phan Châu Trinh nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy chỉ còn cách Pháp - Việt đề huề. Thế cũng là ỷ dốc cả mà thôi. Ỷ dốc là tựa lưng, các nước lạc hậu muốn thoát khỏi cảnh nghèo nàn nô lệ thì không thể chạy tọt về nhà đóng chặt cửa mà phải biết chủ động mở cửa để tự cường dân tộc. Văn minh phương Tây là cứu cánh, cần phải biết đón nhận nó, khôn ngoan là tìm lấy cho mình một nước tiên tiến làm chỗ dựa, vô phúc thì phải dựa phải cọc mục, tốt phúc thì tìm được cọc vững. Đằng nào cũng cứ là phải dựa. Nói tự lực cánh sinh cũng là nói cho thích mồm thế thôi chứ thực là duy tâm. Trước hết phải biết làm học trò người ta.

Có người bàn, nghĩ như các cụ là đầu hàng, là thủ tiêu đấu tranh. Lại có người cho rằng đấy mới thật là khôn ngoan, là cách tính trí lự. Sinh thời cụ Huỳnh đã nhận xét cụ Phan Châu Trinh không cải lương mà là một nhà cách mạng lão thực.

Chẳng riêng gì ở ta hay ở Trung Quốc, thuở ấy bên Ấn Độ cũng có những bậc trí giả suy nghĩ như vậy, họ hiểu cần phải noi gương người Nhật, đấy là những người đi tiên phong, chủ động mở cửa đón ngọn gió của nền văn minh phương Tây đang có cơ tràn ngập. Ông thánh Gandi và nhiều bậc hiền triết trong đó có nhà thơ lớn Tagore đã lựa chọn cho dân tộc mình một phương pháp đấu tranh không có báo động. Các vị nhìn ra khắp lục địa thấy các cuộc cách mạng đang nổ ra chẳng qua cũng chỉ là những đám cháy lớn, đó là những cuộc xô đẩy đâm chém hỗn độn. Chả chắc đã đi đến đâu. Họ từ chối cái gọi là đấu tranh giai cấp, không thể tin đó lại có thể là động lực phát triển xã hội, theo họ đây là một lầm lẫn tai hại, làm tan nát, làm rối loạn ráo cả. Đấy là dấu hiệu con người hoảng hốt từ chối tương lai, là sự chạy trốn trước tự do. Và không thể xem nó là cứu cánh của loài người trong hành trình tự giải phóng mình.

Những tinh thần cơ bản của tư tưởng cứu nước cứu nhà mà các bậc tiền bối trong thiên hạ đề xướng đã được một thanh niên Việt Nam tên là Nguyễn Ái Quốc đón nhận trực tiếp từ cụ Phan Châu Trinh và từ những trí thức cấp tiến đang đứng quanh cụ Phan lúc đó ở Paris. Nguyễn Ái Quốc đón nhận trân trọng và bắt đầu từ buổi ấy không ngừng bổ huyết không ngừng sáng tạo, biến nó thành kim chỉ Nam cứu nước. Đã có quẻ Tuỳ còn phải có quẻ Hằng, giữa muôn vàn biến động, giữa những ngổn ngang vận động của thực tiễn cách mạng vẫn luôn luôn có một hằng số không thể để mất, nó là cái bất biến giữa vạn biến, với Bác, đó là Tổ quốc, là dân tộc.

Năm 1960 nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, phóng viên cơ quan truyền thông Novotxki tại Hà Nội đã làm một cuộc phỏng vấn Bác và Người đã trả lời một cách rành mạch, thẳng thắn. Tôi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin bắt đầu từ lòng yêu Tổ quốc. Trước Bác, chưa thấy có người cộng sản nào ở ta và ở khắp thế giới đã nói được một câu đơn giản mà cứng cỏi đến vậy.

Sau cách mạng Tháng Tám nhà nước Cộng hoà non trẻ đứng trước ba thách lớn, đấy là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Với một tầm nhìn chiến lược Bác Hồ đã đặt giặc đói lên hàng đầu rồi đến giặc dốt, sau mới đến giặc ngoại xâm. Giặc ngoại xâm tưởng đáng sợ nhất những vẫn chỉ ở hàng cuối, đói mới là khẩn thiết, rồi đến dốt, dốt chính là vấn đề dân trí, dân trí được đẩy lên thì nước nghèo sẽ thành giàu, yếu sẽ thành mạnh, ngoại xâm đến thì ngoại xâm lại đi.

Trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên sau Cách mạng Bác đã viết, Một nước dốt không phải là nước mạnh.

Nhớ lại một chút những chuyện nay đã lùi vào quá khứ cũng chỉ là để ôn cố tri tân, để mỗi bận xuân về với nhiều thách thức nhiều đòi hỏi mới, mỗi người lại có dịp chiêm nghiệm và khoẻ khoắn đi tới.

Mới đây tôi cùng Hữu Việt dắt nhau đến cụ Thiên Tích đón cụ và mấy đệ tử gần gũi về thăm Bắc Ninh. Đang là mùa thu, nắng gió đẹp, mời cụ dời nhiệm sở một ngày làm chuyến vãng cảnh thu cũng là một ý nghĩa. Vào nhà cụ phải qua một chiếc cầu xi măng bắc qua một con ngòi hai bờ đã được lát đá học thuộc vùng Thanh Nhàn, phố xá mở mang nhiều, nhà nào củng cố ngoi thêm lên một cái nóc nhọn bên trên có trang bị cột thu lôi và cánh quạt thông gió, nhìn chung là khá mừng, chỉ hiềm mùi nước đen ngòm dưới ngòi là không thể khen vào đâu được. Có lẽ xưa các cụ đã nhìn thấy rồi ra con cháu sẽ khấm khá lên và chúng sẽ đổ mực xanh, mực tím xuống vùng mình cho nên ở nơi con ngòi sắp đổ vào đã được đặt tên từ lâu là Đầm Mực, là Thanh Trì. Có bà già từ quê tìm ra thăm con cháu khi về làng đã khoe, chúng nó ở góc nào Hà Nội tôi không nhớ chỉ nhớ trên nóc nhà có đặt trạm khí tượng, trước nhà có cái rãnh thối.

Cụ lang Thiên Tích lui về nghỉ hưu từ lâu, ngôi nhà cụ chật hẹp nấp sau một bức tường cao, bên kia bức tường là một trường học, trẻ con ê a suốt ngày. Tiếng là đã hưu nhưng trên thực tế là vẫn chưa được nghỉ, một tuần lễ có bảy ngày, cụ chỉ được phép treo biển không tiếp khách vào chủ nhật, còn những ngày khác là của nhân dân. Bà con già trẻ tìm đến nhà cụ một cách lễ phép nhưng liên tục từ sáng đến tối không lúc nào ngớt. Người ốm ngày càng nhiều vì người đẻ ngày càng nhiều. Mỗi người được cụ dành cho mươi mười lăm phút để bắt mạch hỏi bệnh và cho đơn, ngoài cổng là cửa hàng nho nhỏ bốc thuốc theo đơn cụ ra, do chú học trò yêu của cụ đứng, như thế là rất tiện. Mỗi người đến xin đơn cụ chỉ nhận đúng mười ngàn, ở tuổi chín mươi ba, chả biết lúc nào ông Giời ông ấy gọi đi, nhưng giờ vẫn thấy còn tỉnh táo lắm, sống không giàu, đến giờ còn chưa giàu thì bao giờ mới giàu, nhưng nhờ Giời vẫn đầy đủ và tinh thần là rất ung dung. Con cái đều đã thành gia thất, cho ra ở riêng, chỉ một đứa cháu nội đích tôn là năng về với cụ nhất, về là để cụ chỉ bảo thêm cho, anh ta đã tốt nghiệp Đại học Y khoa hạng ưu tú, được mời đến nhận mũ áo thủ khoa tại nhà Thái học Văn miếu Quốc tử giám, hiện vẫn đang học nốt chương trình bác sĩ nội trú và bắt đầu học qua Đông y.

Anh học trò chịu trách nhiệm đứng bốc thuốc ngoài ngõ tên là Chu Xuân Trường thì chỉ học hết hệ phổ thông trung học là tìm ngay đến cụ để xin cụ dạy cho chữ Nho và truyền cho nghề thuốc. Học hành chăm chỉ, tính nết thuần hoà, mới ngoài ba mươi ra đường chả ai dám đoán là cậu này đã học qua tứ thư ngũ kinh, đã đọc được sách Y lý, có chỗ nào khó thì đã có cụ giảng giải cặn kẽ. Một ông học trò nữa cũng được xem là đệ tử ruột, nay đã ngoài năm mươi, làm kinh tế giỏi, lại là một võ sư thuộc phái võ Vĩnh Xuân, mươi mười lăm năm qua tìm đến cụ xin học nghề thuốc, nay sức học cũng đã chắc chắn. Đấy là anh con trai tướng Trần Tử Bình, anh ta tên là Trần Việt Trung.

Lúc chúng tôi bước vào thì cụ Tích áo quần lụa mộc Hà Đông, thong thả ra cửa đón khách. Một cụ già tóc bạc, da dẻ hồng hào, mắt sáng, miệng tươi, vừa đạo mạo vừa quắc thước. Đứng ở đằng sau là hai học trò, Việt Trung cao lớn, Xuân Trường đậm chắc, cả hai đều trầm tĩnh và nhã nhặn. Đến lúc ngồi vào bàn chỉ có tôi là được xếp ngồi trước cụ còn Hữu Việt là ngồi bên tôi, hai học trò như để giữ lễ đã ngồi lui vào chỗ dành cho họ ở phía trong. Hình như trước lúc chúng tôi tới ba thầy trò đang ngồi luận về bệnh của bốn mùa vì trước mặt hai anh vẫn đang thấy có đặt cuốn Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh.

Sau lưng cụ Thiên Tích lúc này là bức tường quét vôi trắng, ở giữa treo mấy chữ của cụ lang Bách viết tặng, Y Đạo Xương Minh. Hai bên tả hữu có đôi câu đối cụ Tích tự làm tự viết, nói về đời mình, nghề mình, để tự tặng cho mình, Bất tri tướng tất vi y xuất sử ngô nhân câu hữu dụng, Năng cứu bệnh tức cứu mệnh tử sinh tạo hoá diệc vô quyền. Không biết làm tướng thì làm nghề y, sống như thế cũng là có ích, chăm lo chữa bệnh cho người cũng là cứu mệnh người, chuyện sinh tử đâu phải chỉ tạo hoá mới có quyền can thiệp.

Ở một mảng tường khác có treo bức ảnh chụp đủ mặt hai mươi tám vị của lớp học đầu tiên do Viên Đông y mở. Thấy tôi chăm chú nhìn vào tấm ảnh lồng trong khung kính, cụ Thiên Tích cười hiền hậu:

- Đấy là mấy chục anh em chúng tôi nửa thế kỷ trước, tôi đứng giữa, ông Bách bên cạnh, còn một bên là ông bạn nay đã về nghỉ ở quê trong Nghệ An, ông ấy cũng vừa mới qua đời ít lâu. Điểm ra cũng không còn được mấy người, anh tính tuổi già ai chả phải đi, đến Hoa Đà, Biển Thước đều cũng phải đi cả.

- Cháu nom ông nào cũng nâu xồng giản dị, những khuôn mặt ở lại mới thân thuộc làm sao. Kìa có cụ nào đứng ở cuối hàng tóc bờm sờm, áo đại cán vá víu nom như một lão nông tri điền vậy nhỉ?

- Ông ấy trong Thanh, người chân thực lắm, rất vững về mạch, chúng tôi nhiều khi vẫn phải hỏi đấy. Năm ngoái còn làm thơ mừng xuân gửi tặng tôi, hẹn đang thu xếp để ra ngoài này rủ nhau đi đâu chơi một chuyến, nhưng cứ đợi mãi mà vẫn chưa biết đến bao giờ. Chuyến này anh cho ông con tôi về bên Bắc thật mừng quá, giá mà có ông ấy cùng đi, đến lang Bách ở ngay đây mà cũng không dám rủ nữa là vì thấy dạo này mắt mũi cũng đã xuống.

Cụ Thiên Tích ngồi lặng trước bàn, chén nước cầm trong tay nguội lâu rồi, ánh mắt đặt vào một nơi xa xôi.

Chúng tôi làm thành một đoàn tháp tùng cụ Thiên Tích đi chơi Kinh Bắc. Thoạt đầu hãy qua đất Thuận Thành để đến chùa Dâu, đứng bên tháp Hoà Phong ngắm con cừu đá tưởng niệm nhà sư Tây vực theo gia đình qua đây buôn bán làm ăn, gặp cảnh cha mẹ mất sớm, nhà sư còn nhỏ tuổi đã được gửi vào tu và đắc đạo tại chùa này. Chuyện ấy đã từ hai ngàn năm trước, lúc ấy Dâu là một trung tâm thương mại sầm uất, sông Dâu thông ra sông Hồng sau khi đã qua Phố Hiến là quê cụ Tích. Lúc bấy giờ Phố Hiến là một thương cảng lớn, là cửa ngõ có tầm vóc trong khu vực.

Thuyền buôn từng đoàn dong buồm từ Hoa Nam xuống, Nhật Bản sang, Nam Dương lên, Ấn Độ qua. Sứ thần La Mã trên đường tới Trung Hoa cũng đã tạt vào thăm thú, lúc về ngồi viết du ký có nhắc tới Chợ Dâu Phố Hiến.

Bấy giờ đã là đầu Công lịch, đất này còn gọi là Giao Chỉ châu, thời Hán Vũ Đế đếm cả vùng mới chỉ có một vạn bốn nghìn hai trăm mười bốn nóc nhà. Đó là cuộc điều tra dân số đầu tiên của loài người.

Một vùng châu thổ trù phú, mênh mang lau sậy mênh mang bờ bãi đang khô ráo dần. Trước mặt là bể Đông, sau lưng là miền đồi thoai thoải rồi chập trùng núi cao rừng đại ngàn nguyên thuỷ sẫm đen chim kêu vượn hót. Trâu từng đàn gặp cỏ trong thung khe, hổ cọp ngồi bên mép nước, ngoài sông trong đầm là thuồng luồng ma Nam, là những con dải mép vàng.

Tôm cá nơi nào cũng lắm, lại có rau diếp cải ngồng, răm ngổ thì là bầu mướp. Lại có bánh chưng bánh dầy, bánh khoái bánh rợm, bánh đa bánh đúc, bánh cốm bánh gai. Thổi cơm nồi đất, kho cá niêu đất, canh cua sanh đồng, ngồi quanh mâm gỗ mâm đồng, cầm đũa bưng bát, uống nước vối nước chè có chén đất nung men màu da lươn. Mổ lợn mổ gà có dao có thớt, có nia có sàng, lá dong lá chuối.

Mỗi năm một mùa nước một mùa khô, đường bộ vẫn đang còn ít, ra khỏi nhà là bơi thuyền thúng, thuyền thúng như con thoi như lá tre. Ngồi trên thuyền gọi nhau ơi ới, chào hỏi nhau thì nói, đi đâu đấy, ăn cơm chửa. Những cô gái quen ngồi hát bằng miệng mà không biết múa bằng chân bằng tay. Ra đường nón thúng quai thao, váy sồi nhuộm đen, yếm sồi để trắng, đầu chít khăn vuông mỏ qụa, chân không guốc dép mà vẫn nõn nà. Con trai ít lời, đầu vấn khăn rìu, quanh năm ở trần, bụng dưới đóng một cái khố, bơi giỏi hơn vật, ném lao xỉa cá thạo hơn bắn cung bắn tên.

Một hôm, hôm nào không ai nhớ, chỉ biết đã rất lâu. Nàng Mỵ Dung ra bãi quây mùng trút xiêm áo bì bũm tắm giữa đêm hè, gáo dừa dội tới tấp, nước chảy đến đâu cát trôi đến đấy, một lúc thì thấy anh chàng họ Chử trần truồng hiện dưới chân mình. Thế là họ quấn lấy nhau thành vợ thành chồng. Lúc về già thì đã đầy đàn con cháu, nhà ấy ăn khoẻ đẻ khoẻ.

Về sau nhớ ơn ông bà đám con cháu bảo nhau lập đền thờ. Lập đền là để tôn vinh tổ tiên nhưng lại cấm kị lũ con gái không được ra sông tắm nữa. Các nhà phải đào giếng, phải xây bể trước sân bắt chúng nó gánh nước về. Nhưng cấm đoán bao giờ cũng là việc của người già còn lũ trẻ thì thây kệ, chúng nó vẫn cứ len lén ôm sáo ra sông. Có sông ai muốn tắm đồng, làm thân con gái em mong đợi chàng.

Không ít đứa đánh liều bơi qua sông Cái vào rừng tìm Sơn Tinh, ra cửa bể tìm Thuỷ Tinh, vào mãi châu Hoan châu Ái châu Ô châu Lý để tìm Thạch Sanh chàng Lú, tìm chúa Chổm chúa Nguyễn. Người làng thì thầm, người làng rất hay thì thầm, con bé nhà ấy bỏ đi theo giai mất rồi.

Sức níu giữ của quê nhà xem ra yếu ớt hơn tiếng gọi của đời sống. Quẩn quanh bao đời nay là dấu hiệu già cỗi hèn yếu, cái sức vượt lên đi tới của người Việt so với tổ tiên ngày trước chừng như đang chững lại, đang mệt mỏi suy thoái.

Trong lúc cụ Tích một mình một bóng đứng giữa sân chùa lắng nghe tiếng chuông tiếng mõ từ nhà tổ vọng ra thì chú Xuân Trường ghé tai tôi thầm thào, ông em hôm nào cũng dậy sớm tụng kinh niệm phật, đầu năm lên chùa tụng kinh Dược sư cầu tránh bệnh cho mình, cho con cháu và cầu sự minh mẫn để được chữa bệnh cho chúng sinh. Em bao giờ cũng túc trực một bên, lắng nghe tiếng mõ mà biết chỗ nào ông ngập ngừng vướng để kịp nhắc ông nhớ ra. Tiếng mõ của ông mềm mại nhặt khoan như những lúc ông đi quyền vậy. Luyện võ, tập múa, tập đàn  là ba việc có cùng một gốc họ hàng cho nên trong nhạc trong múa mới thấy có vũ điệu vũ khúc.

Từ chùa Dâu chúng tôi tìm đến thờ Sĩ Nhiếp Nam Giao Học Tổ. Vừa bước xuống xe cụ Tích đã chỉ tay lên cổng đền mà bảo, chữ Giao kia viết lầm mất rồi, Giao ở đây là Giao chỉ chứ không phải ngoại giao. Thắp hương xong bước ra cửa đền cụ lại vỗ vai ông từ mà dặn, trong này có đôi câu đối sơn son thiếp vàng đắt tiền nhưng tiếc rằng vế bên trái đã viết nhầm chữ trí. Trí ở đây là trí tuệ, trí thức, là dân trí chứ không phải là chí hướng, lúc nào có dịp về Hà Nội thì tìm cụ Bách nói cụ viết lại cho, chữ cụ ấy đẹp. Để chùa chiền đình miếu đổ nát không đành, đến lúc có tiền để sửa thì càng đau hơn vì chữ nghĩa không những xấu lại sai be sai bét, thật xấu hổ quá. Bên chùa Cổ Loa vừa rồi cũng thế, có ông bộ trưởng nào đó nghe nói đất ấy thiêng nên đã cung tiến vào chùa một cái chuông rõ to, nhưng đọc mấy dòng trên chuông thì dòng nào cũng sai một chữ, bốn dòng hỏng bốn chữ, thế mới tài. Chắc là ngài bỏ tiền trọn gói rồi phó mặc cánh thợ muốn viết thế nào thì viết. Viết chữ không phải là việc của mấy ông thợ, thợ thuyền có việc của thợ thuyền chứ.

Trên đường về tỉnh tôi đã mang kể câu chuyện cụ Vũ Thơ lúc còn làm Bí thư Hà Bắc đã về thăm ngôi đền này. Đang đánh nhau to trên biên giới, có dư luận nên phá cái đền này đi cho rảnh mắt, cụ Vũ Thơ về huyện họp đã bảo anh bí thư huyện uỷ dẫn mình tới đó. Đứng trước cổng đền nhìn vào ông cụ thấy sân vườn cỏ mọc um tùm, có con thỏ trắng ở đâu nhao ra, mái đền cả mấy góc đều sụt ngói như sắp sập, ông cụ lắc đầu, thôi chả cần phải vào nữa, để tôi về nhắc các anh bên văn hoá sớm lo trùng tu ngôi đền này. Chiến tranh dù kéo dài bao lâu so với lịch sử vẫn chỉ là chuyện một lúc, còn văn hoá mới là chuyện muôn đời. Bạ gì cũng đòi phá là có lúc con cháu sẽ kéo nhau vào hang mà ở. Tôi trước khi đi thoát ly làm cách mạng đã có vài năm dạy chữ Nho cho đám trẻ ở mấy vùng quê nhà, với con người ta chữ nào cũng phải biết trân trọng, học được chữ Tây cũng quý mà học được chữ Hán cũng quý, người mà không biết tri ân là hỏng.

Xế chiều chúng tôi về đến nhà. Cụ Thiên Tích vừa kịp ngồi xuống tảng đá đặt cạnh gốc sấu trong sân thì một người đàn ông chừng bảy chục tuổi đã lòng khòng cõng đứa cháu bước vào cổng.

- Chào cụ, cháu nghe có cụ về…

Tôi vội vàng đỡ lời:

- Bác Ngô Vĩnh, vốn là kỹ sư nông nghiệp từng đã là bộ đội, sau đó có gần chục năm sống trên nông trường Tây Bắc, là anh em một lối ngõ với gia đình cháu.

Cụ Tích gật đầu ra ý nhắc tôi nói ngăn ngắn thôi, rồi cụ quay sang cười vui vẻ với hai ông cháu anh Vĩnh:

- Cháu nội hay cháu ngoại đây, thử đặt cháu xuống cho tôi xem.

- Thưa nó là cháu ngoại đấy ạ.

- Mấy tuổi mà vẫn chưa chịu nói?

- Cháu đã trên ba tuổi rồi mà vẫn cứ ê a.

- Nó có hay nghiêng đầu hiếng mắt không?

- Nó thường nghiêng đầu hiếng mắt mỗi khi muốn nhìn vào vật gì.

- Vài hôm nữa mời ông ra tôi ta bàn kỹ rồi cho cháu uống thuốc, không phải đưa nó theo nữa.

Anh Vĩnh cảm ơn xin phép mang cháu về. Anh lại ghé lưng ngồi xuống đợi thằng cu quàng hai tay lên cổ mình. Cụ Tích nhìn theo buông nhẹ một câu, cũng vất vả đấy nhỉ.

Đêm ấy trong mảnh sân nhà có hát Quan họ. Cụ Tích ngồi trên một chiếc đòn, còn tất cả chúng tôi đều xếp bằng dưới chiếu. Chúng tôi vây quanh cụ, hai cô gái yếm đỏ áo dài tứ thân khăn vuông mỏ quạ được ngồi bên cụ để vừa hát mời trầu mời rượu. Hát một hồi bỗng cụ đòi nghe ả đào. Mấy cô bé kêu chúng cháu chưa tập ả đào ông ạ. Vậy thì tôi hát cho mà nghe. Cụ cầm chiếc đũa gõ nhè nhẹ vào miệng bát để tìm nhịp thay cho tiếng phách rồi cụ hát luôn một bài do chính cụ đặt lấy lời. Dưới trần mà thấy ngọc nhân, Ngọc lân trích ký hoá thân cô đào, Tay nâng chén ngọc mời chào, Ngọc sơn nghiêng ngả lòng nào chẳng say, Ngọc lành còn đợi giá buổi vàng thau, Ngọc đá chưa phân minh, Ngọc bán rao uổng báu liên thành, Đành cất kỹ trong rương treo giá ngọc, Ngọc trắng chớ hề hoen vết đục, Ngọc không tỳ phẩm ngọc mới cao, Đem vũ phu mà tráo ngọc được sao, Ai tìm ngọc tới non cao đừng sợ mỏi, Đập ngọc đẩu tuốt gươm ra muốn hỏi, Hà cớ chi ngọc lại để ngâu vầy, Gìn vàng giữ ngọc cho hay.

Đồn rằng thân phụ ông cụ là người hay chữ và rất đa tình, đã từng là bạn cùng lứa với Tản Đà và cũng đã từng có lúc mang lòng thương cô đào Trang em gái Tản Đà. Nghĩ tới bạn thấy em như thấy mặt, Ngừng tay chầu lạnh ngắt một hồi, Người mà đến thế thì thôi, Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly, Hoa thơm em giữ lấy thì…

Đồn rằng cụ Tích ngồi trong nhà nhìn ra sân thấy người mẹ ôm đứa con bước vào, nghe tiếng trẻ khóc tấm tức, thở khò khè, thế là đã biết nó ốm ra sao. Nghe bệnh người lớn đã khó, nghe bệnh trẻ nhỏ còn khó gấp bội phần, là vì với chúng không thể đoán định theo cách thức thông thường văn vấn vọng thiết. Ông cụ phải lắng nghe, phải ngửi, phải cảm nhận, phải linh tính, phải những gì nữa thì chỉ riêng ông cụ biết, có khi cũng chỉ là chợt thấy, rất nhiều chợt thấy và chẳng mấy khi sai lầm, hơn người hình như là ở chỗ đó. Thế ông cụ mới có tên là Thiên Tích, sách có câu Thiên Tích thông minh, thánh phù công dụng.

Theo cụ Thiên Tích thì tâm bệnh ở Đông y không phải bệnh tim, Tâm là bao gồm cả trung khu thần kinh não tuỷ. Người vô lo vô sợ thì chả mấy khi đã mắc tâm bệnh. Chẳng may có bị thì một mặt dùng thuốc điều hoà phủ tạng khí huyết, mặt khác củng cố tu dưỡng tinh thần lo gì không khỏi. Vậy thế nào là ung thư, ung thư của Đông y cũng không hẳn là Kăng se. Y học cổ truyền nói ung thuộc dương, thư thuộc âm, bệnh do khí huyết bất hoà, ung mang dương tính sôi nổi bên ngoài, thư mang âm tính âm ỉ bên trong. Còn như cái mà Tây y gọi là “K” thì Đông y bảo là nham bệnh. Nham bệnh do uất kết lâu ngày mà phát ra, hãy xem những người bị bệnh đó có mấy ai là thanh thản đâu, toàn là lo sớm lo chiều, lo ăn lo uống, lo công danh sự nghiệp không được thoả mãn… Những người có thân mà không biết phận, tư tưởng u uất, tâm động dục sinh.

Nghe thế đủ hiểu ra cái bí mật của sống lâu sống khoẻ là ở như cần phải biết tự điều hoà âm dương, phải tìm được cho mình sự hài hoà cân bằng trong mỗi ngày sống. Mỗi ngày sống đẹp là một ngày xuân mỗi tháng sống đẹp là một tháng xuân, đời người luôn luôn là những ngày xuân, những tháng xuân, đời người là một mùa xuân.

Một ngày kia đang thiêm thiếp bỗng cụ Thiên Tích chợt tỉnh, có ai vừa gọi mình. Người ấy đứng ngoài sân nói vọng vào:

- Bên nhà các cụ đang muốn gọi bác về.

- Ngay hôm nay ư?

- Còn tuỳ, để bác tự tính xem, cũng có thể là mai kia hoặc một vài năm nữa.

- Sao không vào nhà lại đứng ngoài đó?

- Vội qua đò, sáng đến nơi rồi.

- Vậy cứ về trước, tôi chưa vội, có đi đâu mà vội.

Không có tiếng đáp lại. Rõ ràng là người làng, không lẫn vào đâu được chỉ hiềm một nỗi khó nhận ra là ai. Đấy là tiếng Phú Thị Mễ Sở tám thôn bát xã, xưa là thuộc Đông An huyện, Khoái Châu phủ, mãi sau này mới gạt sang Văn Giang.

Khi còn nhỏ cụ Tích đã từng trông thấy ông Nghè Dụ, gọi là Nghè Bút Thiếp. Ông cụ thường đứng vẩn vơ đầu ao, áo the khăn xếp, tay run run chống chiếc gậy trúc. Ngày nào cũng đứng, đứng cả buổi, chả hiểu cụ già nghĩ gì trong đầu. Nghe nói đầu cụ những chữ là chữ, không nhiều chứ sao đậu được tiến sĩ. Người qua kẻ lại thấy bóng cụ là chào, nhưng cụ chả buồn hỏi xem ai đang chào mình, chỉ gật đầu đáp lễ.

Từ bấy đến nay đã ngót trăm năm, nếu có một người dám thách thức với thời gian thì đó chính là cụ Tích. Kẻ đứng đầu ngõ để người khác cúi chào và kẻ sinh ra là để cúi chào người khác giờ đều đã khuất núi, khuất núi mà cái bóng vẫn đang còn gửi lại đâu đó. Có một nơi vẫn đang cất giữ những hình bóng đó đấy là tâm khảm cụ Tích. Giữ bằng tâm khảm lâu bền hơn giữ bằng trí nhớ, trí nhớ có lúc lẫn lộn, có lúc lãng quên, còn giữ bằng tâm khảm là chôn chặt trong lòng, là nuôi nấng là gieo trồng.

Vào năm khởi phong trào đâu đâu cũng bàn đến chuyện đứng dậy cướp chính quyền. Trong làng có chị Gái Nhỡ cao hơn cánh đàn ông hẳn một cái đầu, hai cẳng chân dài như cái thang, tiếng nói lại ồm ồm, chỉ được cái mặt mũi là tươi sáng, nụ cười rất ấm áp. Có cụ già biết nhìn tướng lắc đầu bảo, con bé này khó lấy chồng. Vậy mà chẳng bao lâu sau đó chị đã đi lấy chồng, lấy một anh Pháp lai Ấn, đang làm đại diện cho một hãng buôn bán tơ lụa, văn phòng đặt trên Phố Hiến. Anh này thạo tiếng ta, ăn nói lại có duyên, tên là Pier du boire, nhưng người làng thấy khó đọc quá tên gì mà loằng ngoằng như dây rau muống, họ không nhớ nổi mới bảo nhau gọi quách là anh Bi cho tiện. Gọi thế để dễ cho cả đôi bên, là anh và người làng. Chị Gái cười khanh khách, chị nói, thế là từ giờ anh ấy nhà cháu có tên Việt, cảm ơn các cụ các bác đã đặt tên cho nhà cháu, chúng cháu xin.

Nhật đảo chính Pháp, làm chủ Phố Hiến, ngôi nhà của Bi thuộc diện đóng cửa, hai vợ chồng phải dắt nhau về sống tạm dưới làng. Họ mang theo một chuyến ô tô đầy ắp chăn đệm quần áo, tủ gương giường lò xo và cả một con chó to như con bò, nom rất ngốc nghếch mà hoá ra dữ như cọp.

Bi thường dắt vợ rong chơi trên đường làng, thỉnh thoảng vợ chồng lại dừng chân ngắm cây mít cây cau, khen làng ta đẹp, cây nhiều hơn cây công viên thành phố lại rất đa dạng sinh học. Anh nói với vợ anh thích nhất là những vườn nhãn cổ thụ, không ở đâu có những khu viên quý như ở đây. Gặp ai họ cũng chào, vui sướng được chào, vui sướng được cảm ơn. Có người cho thế là văn minh, lại có người bĩu môi khó chịu. Vẽ, có ai cho cái gì đâu mà phải cảm ơn!

Lại có những bà đon đả nói như nói với thằng cu cái hĩm, rỗi đến nhà chơi, chúng mày phải gọi tao là cô là dì là thím. Này tao không phải là chị của chúng mày đâu nhá, bà là bà của vợ chồng hai cháu. Ai cũng nói to như quát, chỉ nghĩ người ta là giống ở xa đến, không quát tướng lên làm sao hiểu nổi. Anh Bi chỉ cười, dạ vâng, thưa vâng ạ.

Một hôm hai vợ chồng tìm đến nhà cụ Tích, ngày ấy người làng đã gọi cụ là anh lang Tích. Bi than thở mình dạo này mắc chứng mất ngủ, trằn trọc suốt đêm tảng sáng mới chợp mắt được một lúc.

Lang Tích khuyên nên chuyển sang ngủ giường tre cho thông thoáng, chân dài quá khổ thì xoay chéo mà nằm. Tiện ngoài sân đang có đống ngải cứu vừa cắt về, lèn chặt cho họ một bao. Lại sai con cháu chạy ra ngoài bờ ao cắt lấy một bao cúc tần, bảo mang cả về sao lên rồi nhét vào cái vỏ chăn làm đệm. Riêng hai cái gối thì nên nhồi chè mạn và quả bồ kết nướng ngủ không ngon giấc cứ đến đây bắt đền tôi. Quả nhiên vợ chồng ngủ ngon giấc, họ lại đến chơi, mang tặng thầy lang một túi thuốc lá Cotap là thứ rất xa xỉ ở làng.

- Cảm ơn anh đã bày cho tôi cách chữa mất ngủ tài tình. Tôi muốn hôm nào được đến làm học trò của anh liệu anh có bằng lòng không?

- Anh cứ đến, nhưng nghề thuốc nếu định theo là phải theo suốt đời, anh đã có nghề buôn bán tơ lụa hết loạn nên quay về với nó thì hơn.

- Biết vậy nhưng tôi vẫn muốn có thêm chút hiểu biết về Đông y, đối với tôi Đông y từ lâu đã là một bí mật lớn. Lẽ tất nhiên tôi cũng hiểu đây là một nghề khó theo, nó là nghề gia truyền, cha truyền con nối. Trên đồng ông lão đi bừa, như bố ông lão ngày xưa đi cày. Bi nói rồi cười khùng khục thật dễ thương.

Sau vài tháng đi lại họ thành thân, cũng là lúc nổ ra Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Đám thanh niên trong làng vác mã tấu, vác cả phủ việt sơn son thiếp vàng trong đình trong miếu, rầm rập suốt đêm suốt ngày. Họ đi mốt hai mốt, chân tay vung vẩy bụi mù đường. Mặc dù cứng tuổi hơn chút ít nhưng lang Tích cũng được gọi vào giữ một chân tự vệ, anh vác đòn càn đứng gác đầu làng. Một hôm có người chỉ huy bảo, cái thằng Bi không khéo là Việt gian chứ chẳng chơi, nó ranh như ma xó, thằng ấy mà làm Việt gian thì cách mạng bỏ mẹ có ngày.

Lang Tích vội can, ấy chết, anh ấy đang muốn nhờ tôi nói với các anh xin cho theo Việt Minh đấy. Người chỉ huy không nói năng gì chỉ lừ mắt.

Vài hôm sau mấy trai tráng trong làng đến rủ Bi ra bãi xem trẻ con thả diều tối mịt vẫn chưa thấy về, cơm canh nguội ngắt, chị Gái nóng ruột chạy bổ đi tìm chồng. Lang Tích chột dạ đi hỏi dò rồi kéo chị ra chỗ vắng mà khuyên, đừng ở làng nữa, đi đâu thì đi, càng xa càng tốt, anh ấy bị người ta bỏ rọ trôi sông mất rồi.

Chị Gái ôm đầu chạy lên đê, khóc nức lên nghe ồ ồ không ra tiếng. Cứ thế chị bỏ làng đi luôn, từ đó người làng cũng không ai còn gặp. Đến giờ chỉ cụ lang Tích là vẫn đang còn nhớ cái bóng thất thểu của người đàn bà hôm ấy trong ráng chiều đỏ bầm. Cái bóng đen đúa như nắm giẻ bị gió cuốn lăn trên mặt đê, đó là cái bóng đang đi tìm một cái bóng.

Ôi cái làng Việt mới lạ lùng làm sao, mỗi lần nghĩ đến nó lại càng thấy khó hiểu. Ta đã từng gửi lại đấy nhiều yêu thương và ta cũng đã để lại nơi ấy không ít hờn giận. Nó giống như một bát thuốc đắng vì cho quá nhiều phụ tử, không uống không được, bởi không uống thì không sống nổi mà một lần uống vào là một lần chẳng mấy dễ dàng. Cái làng Việt luôn luôn là một câu hỏi lớn của lịch sử.

Dòng sông Hồng vừa thoát ra khỏi hai bờ thành phố đã mau chóng tìm lại được vẻ trầm tĩnh của mình. Nó nhoài trôi lặng lẽ giữa miền đồng bằng thân thuộc. Những mảnh đất đang được cày xới, những luống đất nâu chạy ngang chạy dọc từ chân đê ra tới mép nước. Rau tháng ba xanh rờn, hoa cải vàng hào phóng nở rộn ràng như không cần biết ai là người đang nhìn ngắm nó.

Cụ lang Tích kéo hai đệ tử của mình cùng dừng chân, họ tìm một mô đất cao để ngồi xuống. Đôi vợ chồng trẻ đang lúi húi cắm cọc tre để làm giàn cho những bụi cây củ đậu có chỗ leo, họ ngẩng lên nhìn ba ông con và hiểu ngay đấy là khách đợi đò về Mễ Sở.

Cụ Lang thong thả rút cái điếu trong túi vải mà Xuân Trường đang ôm khư khư, cụ vê một điếu thuốc rồi xoè liền mấy que diêm. Gió sông mạnh quá tóc cụ loà xoà phủ khắp mặt, Xuân Trường và Việt Trung bất chợt cùng giật mình, nom thày hôm nay có dáng vóc một đạo sĩ nhiều hơn là một ông lang.

Ông cụ nói, xuân thuộc mộc là ôn bệnh, mùa này trẻ nhỏ nóng sốt nhiều. Hạ thuộc hoả là nhiệt bệnh. Thu thuộc thuỷ là ngược bệnh, bệnh thăng từ dưới lên. Sang đông thuộc kim là hàn khí khái thấu, người già vất vả, xương cốt nhức mỏi bệnh từ cái lạnh bên ngoài thấm vào, rồi sau đó lại từ trong phát ra. Bệnh của người và vật cứ theo các mùa mà diễn. Cổ nhân nói y võ dưỡng sinh, ai tin phòng bệnh hơn chữa bệnh thì nên học võ. Trong võ có tiêu có đả, tiêu là phá đòn, đả là đánh lại sau khi đã cản được đòn. Nghề thuốc cũng tương tự vậy, dùng thuốc để tiêu trị bệnh rồi sau đó không quên tẩm bổ nâng sức bệnh nhân lên.

Võ Vĩnh Xuân mà các anh đang theo đuổi là phái võ lấy nhu thắng cương nhược thắng cường, thoạt kỳ thuỷ là của một bà tên gọi Vĩnh Xuân làm ra, cũng là một chi phái thuộc dòng Thiếu Lâm. Tinh thần quán xuyến là dĩ nhu chế cương, nó dạy người ta phải biết thua, hai bên dàn quân bên nào rút lui chính là bên ấy thắng, cụ Lão tử nói vậy. Vĩnh Xuân cận chiến dĩ đoản chế trường. Thái cực quyền tuy cũng là nhu võ nhưng dùng trường đòn, mỗi lối một cách tiến một cách thoái. Trong sách Binh thư yếu lược, Đức Trần Quốc Tuấn nói, Lấy đoản binh chế trường trận. Đối phương đánh từ xa mình áp sát mà đánh. Dẫu sao suy cho cùng thì cái võ đánh vào lòng con người mới là võ siêu việt nhất.

Con hổ mạnh là thế nhưng vẫn phải có miếng, con hầu con rắn con bọ cạp cũng vậy, mỗi con đều có thế võ của nó, chỉ có con trâu là khờ khạo chẳng miếng mủng gì, vậy mà có lần thày thấy một chú trâu bị dồn đến đường cùng đã liều mạng đánh nhau với hổ, loanh quanh thế nào mà hổ bị trâu lấy sừng ghè bẹp vào vách đá. Mấy ngày sau người nhà đốt đuốc đi tìm, thấy nó vẫn đứng nguyên không nhúc nhích hai chân sau choãi ra, khi thấy tiếng người đến gần nó mới hoàn hồn lùi lại, xác hổ rơi xuống, con trâu cũng lăn đùng ra chết vì sợ.

Người thâm hậu tới độ siêu phàm là người quên võ, chẳng còn nhớ miếng nào vào miếng nào, chẳng hiểu mình thuộc môn phái trường phái nào, họ biết thu mình nhín nhịn, ôn nhu nhún nhường, ấy vậy mà chỉ cần bằng một hơi thở dài là hoa rơi lả tả, ho lên một tiếng là cá sông nổi lên, vỗ nhẹ tay một cái là nhạn rơi xuống đất. Thày đang nghĩ nghề thuốc cũng vậy, nghề giáo cũng vậy, nghề văn cũng vậy, muôn nghề đều thế, còn phải nguyên lý nguyên tắc, còn cãi nhau phải trái đúng sai, đi một bước tính một bước là vẫn đang còn ở dưới tầm, một khi đã thành vô chiêu thì những gì hôm qua được xem là quan trọng sống còn nay bỗng hoá thành trò trẻ.

Năm tháng đầy vơi như dòng nước ngoài kia. Chùm củ đậu đang giấu mình dưới luống ngọt nhất là vào lúc ta thấy ngọn lá của nó đã úa vàng. Cụ Thiên Tích tự hiểu cái ngày mình phải về với tổ tiên chừng cũng sắp đến, chỉ còn là chuyện nay mai. Cụ nghe thấy trong cơ thể đang có những chuyển động khang khác.

Sẽ có ngày ta phải làm một chuyến trở về, một chuyến đi thật thanh thản, cô đơn vắng vẻ, và dòng sông Cái buổi ấy hẳn sẽ mịt mùng sương khói, gió như từ cõi lạnh lùng nào thổi tới và sóng nước như mê như tỉnh, tất cả chập chờn chợt nhớ chợt quên.

Bóng quê xa mờ, dáng ai xa mờ, ta xin để lại hết thảy, xin trút bỏ hết thảy, xin mang cho hết thảy, tha thứ và xin lỗi hết thảy. Ta chỉ xin được mang theo từ đây một ánh lửa bập bùng mà ta đã thắp sáng suốt nhiều thập kỷ vừa qua.

Sẽ thật là thần diệu khi con đò đón ta qua sông buổi ấy là một con thuyền thúng được đan bằng nan tre lấy trong vườn nhà, ngõ nhà. Ngồi ở mạn thuyền cầm mái chèo có chị Gái Nhỡ và anh Bi, đứng ở mũi thuyền là ông Nghè Bút Thiếp, ông già chống gậy trúc nhìn ta gật đầu mà bảo, ta nhận ra cháu rồi, ta đã biết cháu vừa hoàn tất tốt đẹp một kiếp người. Ta mừng vì gặp lại cháu.

 

 Đ.C

 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 168 tháng 09/2008

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

20 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground