Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những ngọn núi ảo ảnh

 

N

hững ý niệm hình thành trong tuổi thơ của tôi chiếm một vai trò quan trọng trong vốn liếng văn hóa của đời người, đến nỗi tất cả những gì tôi học hỏi được trong cuộc sống sau này ngẫm lại cũng không làm tôi khác đi hơn bao nhiêu so với những gì tôi đã biết vào thuở đó, thuở tuổi thơ hoang đường con người vẫn tin là có tiên sống mãi trên đời. Năm nào đó, ba tôi đổi về làm sếp ga Thừa Lưu, một ga nhỏ nằm gần chân núi Bạch Mã. Đêm rằm tháng giêng, tôi theo ba tôi vào trong làng xem cầu cơ tiên, một thú chơi tao nhã thường diễn ra trong đêm trăng nơi những vườn đào ở Huế. Cầu cơ tiên không phải để hỏi chuyện họa phước, mà chỉ để xin thơ: Thơ do tiên giáng được một người không biết làm thơ viết ra trên mặt cát bằng một que bút đào. Tôi còn nhớ đêm xưa ấy, dưới ánh trắng ngời của tiết Nguyên tiêu, trong mùi trầm hương u hoặc toả khắp khu vườn, giọng người ngâm thơ hầu đồng tiên dóng dả, bí ẩn như giọng chầu văn của lễ hội Hòn Chén:

Ta có lúc rong chơi Tam đảo

Lại trải qua ba mươi sáu động tiên

Từng xem thương hải tang điền

Bầu trời  đã rộng ngày tiên lại dài...

Đến lúc tiên giáng, trả lời câu hỏi cho biết đạo hiệu, quê xứ và chốn sơn động của tiên, bút dào trả lời:

- Đào hoa lưu thủy, bận tậm làm gì...

Bài thơ tiên giáng đó có bốn câu, trí nhớ thơ dại của tôi chì còn giữ lại một câu đầu, do bởi ba tôi đã giảng giải hào hứng về câu này: “Thừa Lưu xa khứ, nhật tinh di”. Nghĩa rằng: “Cỡi trên dòng nước xe đi, mặt trời và các vì sao chuyển vần”. Lại hiểu theo cách thứ hai: “Ga Thừa Lưu tàu đã qua, còn lại tinh tú chyển động trên trời". Thơ phiếu diễu hiền triết như vậy, không phải tiên thì người trần làm sao nổi? Ba tôi nói vậy.

Những đêm thơ bút đào thuở nhỏ đã hình thành dần dần trong tôi ý niệm về Tiên, về cõi Đào nguyên có ngày tháng dài không hết, và những Người đẹp muôn đời.

Qua cát bụi đi hoài mỏi chân, ý niệm kia đã đâm chồi nẩy lộc trong tâm thức tôi thành nỗi khát vọng về vĩnh hằng nhiều khi làm tôi quặn lòng, chừng nào cái nhìn buồn bã của tôi quay về phía những bãi biển nương dâu mênh mông nơi trần thế.

Bạch Mã là ngọn núi cao ngất ở phía Nam Huế, gấp ba lần độ cao của đèo Hải Vân, đến nỗi ngay cả vào tiết đẹp trời cuối xuân, núi hứng sương mù từ biển vào toả thành những cơn mưa mịt mùng, giống như bóng núi đổ lênh láng xuống mặt đất suốt quãng quốc lộ ngang qua dưới chân nó. Trước thế chiến, đây là thành phố nghỉ mát lừng tiếng phụ cận kinh đô Huế, biệt thự hoa viên trải khắp sườn đồi, thung lũng, đắm chìm trong nỗi tĩnh mịch thâm nghiêm của rừng đại ngàn. Sau chiến tranh đến nay cũng gần hai chục năm tôi nhiều lần lên chơi Bạch Mã, lần nào cũng nửa chừng quay về vì tắc đường. Đường vừa sửa xong năm trước, năm sau đã vỡ nát thành hồ thành đống dưới sức điên đại của mưa rừng. Bẵng đi vài năm quay trở lại, con đường đã biến mất tăm dưới một tán rừng mới y nhiên tự tại như thể đã lâu lắm chưa ai đặt chân tới. Lưng chừng núi trở lên, khí hậu Bạch Mã là môi trường sinh trưởng kỳ diệu dành cho mọi loài thảo mộc. Một quả thông rơi trên đường nhựa cũng nẩy mầm, rễ xuyên qua đá để lớn lên. Những cây thông già tuổi mọc trên mặt đường hoang phế hàng chục năm có hình dáng to khỏe, đầy u bướu và thấp lùn, có giá trị như cổ vật đối với nghệ nhân chơi cây cảnh ở Huế, tiếc là không sống được khi rời núi.

“Cây rừng Bạch Mã lớn nhanh một cách dị thường” Đó là nhận xét của Cò - Yêu - Đời, một Trưởng Hướng đạo kỳ cựu, hồi xưa ấy năm nào cũng lên cắm trại ở Bạch Mã. Lần ấy, ông phát hiện một cây nhỏ ngay cạnh căn lều của ông, thân thẳng, ngọn chĩa nạng hai, rất lý tưởng để trở thành một chiếc gậy hướng đạo; tuy nhiên cũng phải chờ nhiều năm nữa để cây lớn lên. Năm sau trở lại chỗ cũ dựng lều, tìm cây hoài không thấy, ông nhìn lại, cây vẫn đứng đấy nhưng đã cao lớn ngoại cỡ, thân to bằng cây cau, không còn dùng làm gậy được nữa. Cò - Yêu - Đời bây giờ đã là một cụ già trên tám mươi, ký ức rỗng dần chuyện đời, cái gì còn lại hiển nhiên là điều không thể quên. Chi một năm thôi, có lạ không?

Và nếu thế, tại sao người ta không nghĩ tới việc tái tạo Bạch Mã bằng cách trồng lại cây rừng ở đây? Trồng lại những cây thông tỏa hương nồng sau cơn mưa, cây hoàng đàn thơm nhẹ trong giấc ngủ rừng lang thang, cây tùng gọi về tiếng hót véo von của con chim nhồng, và trồng giùm lại những cây mimosa tỏa một thời hương phấn trên đầu em, ngày tôi tạ từ em xuống núi để bắt đầu cuộc vong thân của những gã Lưu Nguyễn thời hiện đại. Với tôi, Bạch Mã bây giờ không phải là thiên nhiên, mà là cõi hỗn mang vô nghĩa lúc cuộc sống mới bắt đầu ở một noi nào đó trên trái đất. Thiên nhiên phải trải qua một nghìn năm để đạt tới cứu cánh nội tại của nó là văn hóa và văn hóa là báu vật dành cho con người. Người ta hoàn toàn có khả năng tái sinh văn hóa thiên nhiên của Bạch Mã bằng cách “bố trí lại cơ cấu cây trồng” như thường nói. Cây ở núi này chỉ đòi hỏi thời gian khiêm tốn để trở thành rừng, hoặc trong kinh nghiệm của Cò - Yêu - Đời: "Chỉ cần một năm".

Tôi cùng đi với đoàn võ sinh Karatedo của Nghĩa Dũng Đường trong cuộc hành hương lên Bạch Mã thường kỳ của võ đường với mục đích hàn dưỡng nhân cách và lý tuởng hành thế. Chủ trì Nghĩa Dũng Đường, bạn tôi, võ sư xuất thân từ trí thức, bản lĩnh quyết liệt nhưng phong thái từ tốn, sống nghĩa hiệp, cốt cách rất giống các vị sư phụ thời cổ. Nhờ các võ sinh, tôi khỏi bận tâm về chuyện mang vác, ăn uống, lều trại, hoàn toàn thảnh thơi cùng với Dương đi lủi rừng.

Được khám phá vào năm 1932, ở độ cao 1450 m, với khí hậu cận ôn đới (từ 4 đến 22 độ tùy theo mùa), khu quần sơn Bạch Mã được đánh giá là một khu vực có khí hậu dễ chịu nhất trên toàn Đông Dương để xây dựng một khu nghỉ miền núi. Ngay dưới chân núi là cầu Hai Phá, Bạch Mã hứng được hai ngọn gió trong một ngày - gió biển và gió lục địa - và đây là một ưu đãi hiếm có đối với sức khỏe con người. Nếu so sánh giữa Đà Lạt và Nha Trang, hoặc Sapa và Đồ Sơn, thì Bạch Mã chỉ cách bãi tắm Cảnh Dương nổi tiếng bằng một con đường đèo ngoạn mục dài 19 km và nối liền với Huế bằng một đường ô tô dài 1 giờ 15 phút từ đỉnh núi. Bao quanh Bạch Mã là khu vực rừng già phía Nam Huế, nơi cư trú mênh mông của thú hoang, nơi tồn trữ vô tận của nhiều loài thảo mộc hiếm, của phong lan và thổ lan, đang được quy hoạch thành lâm viên quốc gia.

Cho đến trước biến động lịch sử 1945, Bạch Mã trở thành một thành phố nghỉ mát hấp dẫn người tứ xứ, với 130 biệt thự và một mạng lưới giao thông ngang dọc khắp nẻo quần sơn, chằng chịt đến nỗi nhìn trên bản đồ thấy in như hệ thống những nếp gấp của não bộ. Thời đó, ở khu trung tâm Bạch Mã có chợ và những cửa hiệu cung cấp đầy đủ thức dùng hàng ngày, nhà bưu điện với tổng đài điện thoại liên lạc bình thường với bên ngoài, dịch vụ ô tô đều đặn đảm bảo nhu cầu đi lại và tiếp phẩm giữa Bạch Mã và Huế. Quán cà phê, trạm y tế, sân bóng rổ, sân quần vợt, hồ tắm... gần đó, có công viên Đá reo (park delà pierre-qui-chante) trải rộng giữa thung lũng dành cho trẻ con nô đùa và tắm nắng một cách an toàn, vì hầu hết đường sá đều cheo leo bên bờ vực, hoặc quanh co dưới chân những vách núi dựng đứng. Ở tầng thấp hơn của núi, một khu vực mênh mông dọc theo suối Morang được quy hoạch cho ngôi làng trồng rau và hoa, cùng đất đai dự kiến dành cho những trại chăn nuôi và vụờn cây ăn trái... Những lâm viên, vườn bách thảo và khu bảo tồn thảo mộc trải rộng khắp vòng ngoài. Và tất cả thành phố bằng kiến trúc kiểu âu đó đắm mình trong một không gian huyền nhiệm kiểu phương Đông, với thiên nhiên đầy hoa rừng mùa xuân, nắng rực rỡ mùa hè và sương khói mộng ảo mùa thu, nơi đó cây và đá sạch như vô nhiễm, mây trời và tiếng suối reo khẽ đánh động trong tâm linh giấc mộng tiền thân nào tuồng như con người đã quên đi từ lâu.

Tôi đã từng đến và thấy, và lang thang với Bạch Mã trong những năm bình yên của đầu thập niên 60, để may còn giữ lại được trong ký ức hình ảnh hầu như còn nguyên dạng của một thế giới trước khi nó tan vỡ, hoặc đúng hơn, bị nghiền nát.

Còn bây giờ... Tôi và Dương với dao rừng trên tay, tuôn bụi lủi bờ đi xuyên rừng trong ý định tò mò thử tìm lại dấu tích của những ngôi nhà cũ. Trên hồ sơ còn lại, tôi biết thời xưa nơi những cánh rừng này là liệt trang viên của những nhân vật vang bóng một thời: những ông Thượng thư như Tôn Thất Quảng, Hồ Đắc Khải, Tổng đốc như Hồ Đắc Điềm, tri thức thượng lưu như Hồ Đắc Di, Thân Trọng Phước, doanh nhân Bùi Huy Tín, Viên Đệ; những bà Xơ trường J eann e Dáre, các tu sĩ dòng Prancescain và Rédemptoriste, và cả ông trùm mật thông thái Sogny... Đến giờ G của lịch sử là cuộc nổi dậy của cách mạng Tháng Tám, sân khấu Huế hạ màn, mỗi người bằng một con đường khác nhau, đã biến mất khỏi thế giới Bạch Mã, để lại một trái núi không người.

Luồn đi giữa rừng lau, thỉnh thoảng chúng tôi phát hiện dưới cỏ một mảnh nhỏ còn lại của một con đường, và quả nhiên gần đó bao giờ cũng hiện ra một nền nhà hoang phế, không còn gì cả ngoài mấy mảng tường vỡ vùi ngập dưới lau sậy cao ngút đầu. Hàng chục phế tích đã gặp, cái nào cũng giống cái nào, câm bặt về lai lịch của chúng, như thể tôi đang gặp những hài cốt mục rã trên một bãi chiến trường cổ không biết người ta đã đánh giết nhau từ thuở nào.

Như có một chủ đích trước, Dương phát đường lần xuống dốc, và chúng tôi đến ngồi nghỉ trên thềm nhà đổ ven một con suối cạn. Cũng thế thôi, lau ken dày tận chân thềm, những mảnh tường cụt đầu đen xỉn, nền nhà bị đào bới phủ kín dây bìm nở hoa tím. Tôi trạc áo cho đỡ nóng, và thấy rát khắp tay chân do mồ  hôi thấm qua những vết xước rớm  máu trên da thịt.

- Khu vực này trở nên dày đặc những nền nhà - Dương nói - Có lẽ không một nhân vật tiếng tăm nào ở Huế thời đó thiếu mặt trên ngọn núi này.

- Chỉ trừ hai người - tôi tiếp lời - là cụ Phan Bội Châu và cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Dương cười to:

- Vậy phải kể thêm người thứ ba nữa là Ngô Đình Diệm. Hồi đó Bạch Mã đã được phục hồi gần như trước kia. Ông Diệm có cấp đất cho một gia đình bảy người chuyên trồng hoa, sau đó ông lên chơi. Không nghe ông nói chi cả, chi quát tháo một trận về việc phá rừng làm nhà, xong hầm hầm bay về Sài Gòn.

Nhìn quanh khu nhà, tôi chợt nhận ra bóng dáng một cây anh đào len lỏi giữa đám cây đót. Dương và tôi phát quang chung quanh, và rõ ràng là một cây anh đào Đà Lạt. Trở về chỗ ngồi tôi chợt nhiên bâng khuâng:

- Không biết chủ nhân ngôi nhà này là ai.

Dương nói, với vẻ lơ đãng:

- Có lần tôi nghe mấy tay đi trầm nói đây là một biệt thự của bà đầm nào đó tên là Rome.

- Bà Rome chủ đồn điền ở Khe Sanh?

- Đúng thế, anh biết bà ta à?

- Tôi không biết bà. Nhưng lại có kỷ niệm riêng về bà.

Tôi kể lại với Dương. Hồi đó năm 1972, tôi đi chiến trường Quảng Trị, lúc này đang thời phản kích ở Thành cổ, pháo hạm đội 7 và phản lực Mỹ cứ nhè con đường này mà giã, như muốn chế biến Đường 9 thành món ham-buger của “mùa hè đỏ lửa”. Vốn máu la cà, tôi cứ tạt qua khỏi những trận bom pháo, nhẩn nha dọc một dòng suối lớn mà thuốc súng đã nhuộm đen ngòm như nước cống rãnh. Hỏi ra mới biết đó chính là “con suối La La - nước trong xanh hiền hòa” trong bài hát êm đềm của Huy Thục thời mặt trận Đường 9 vừa mở cách đó năm năm. Đêm đó, tôi ngủ lại trong một căn hầm chữ A của bộ đội sư đoàn 304 bên cạnh suối La La. Chỉ mong được uống một bát nước chè xanh vùng Cùa, ngả lưng một giấc qua đêm là hạnh phúc lắm rồi. Ngờ đâu mấy cậu bộ đội trẻ miền Bắc trải tăng ni lông mới, thắp đèn bão, đốt bếp dầu, xúm xít lại và đãi tôi một chầu... cà phê ra trò. Tôi từng nghe người Hà Nội uống cà phê rất sành, dù hoàn cành nào cũng có thể mời nhau những tách cà phê đúng gu Pháp nghiêm chỉnh (tôi vốn không ưa cà phê Mỹ). Nhưng ở chỗ chui rúc cạnh con đường xương máu ở Quảng Trị này lấy đâu ra món cà phê tuyệt hảo thế này, ngon hơn cà phê Lạc Sơn tôi vốn nghiện ngập thời ở Huế. Tôi tò mò, và được giải thích:

- Cà phê này ngon nhất thế giới, bởi vì nó là cà phê chồn.

- Cà phê chồn? là gì?

- Chồn ăn trái cà phê chín, “chế biến” trong dạ dày của nó xong thải ra ngoài, hạt còn nguyên xi như đã phơi xong. Vùng này mênh mông những đồn điền cà phê bỏ hoang lâu năm, cà phê chồn chất đống trong rừng, đủ cung cấp đại trà cho cả sư đoàn, còn chi viện sư 235 đang đánh nhau ở Thành cổ. Chỗ chúng em đóng quân đây, nghe nói là đồn điền của “Mụ Rôm”.

Lần đầu tiên tôi nghe một cái tên như vậy, mà trong lòng xiết bao cảm khoái, thầm biết ơn “Mụ Rôm” nào đó đã để lại cho chúng tôi món quà tặng cao quý như thế này. Ngồi quây quần dưới lòng đất ấm áp, kể với nhau toàn những kỷ niệm dịu dàng về cuộc sống mến yêu, đó quả là một khoảnh khắc hiếm hoi trong chiến tranh, những tách “cà phê Rôm” đã cho tôi sống đúng với bản chất con người là văn hóa, và chỉ bước ra khỏi căn hàm này, tôi sẽ đối diện với một cuộc sống nóng bỏng những thù hận và chém giết.

Sau đó tìm hiểu, tôi được biết ông bà Rome lên lập đồn điền ở vùng này từ thời đầu khai thác Đường 9. Ông Rome sau đi làm khâm sứ ở Viên Chăn lấy vợ Nhật và chia tài sản cho bà Rome một phần đồn điền này. Bà sống một mình, xây dựng cơ ngơi ở đây và có những biệt thự ở nơi khác, Huế, Pari... Đến năm 1954 thì bà bỏ đi đâu tuyệt mù khói lửa. Người cho tôi biết khá đầy đủ về bà Rome lại chính là cụ Hành, nhà cách mạng thuộc thế hệ đại lão hòa thượng, đã từng làm công nhân đồn điền từ năm 39 đến 42 và chính cụ đã xây dựng Chi bộ của tỉnh Quảng Trị ngay tại đồn điền bà Rome. Cụ Hành nói với tôi: “Bà Rôm đối xử với công nhân tử tế, không bóc lột như người ta tưởng”.

Dương chăm chú theo dõi chuỵện bà Rome như thể chủ nhân căn nhà hoang phế này là người thân xa vắng của mình.

- Ước chi gặp lại bà Rome lúc này thì vui biết mấy...

- Cả cụ Hành cũng thế, nếu gặp lại bà Rome ở Quảng Trị lúc này. Bà già lắm rồi, hoặc biết đâu bà đã không còn nữa...    

Tâm trí tôi tự nhiên cứ vướng vít quanh người đàn bà xa lạ này. Bà đã để lại cho tôi  một buổi tối “cà phê chồn” ở Đường 9 năm xưa, và một cây Anh Đào ở Bạch Mã bây giờ cho mình, bà không có một hạnh phúc gia đình bình thường như những người đàn bà khác. Cây Anh Đào chắc vẫn nở hoa giữa đám lau lách hoang dại và mỗi mùa Noel, tự nở tự tàn, đẹp một mình, như tâm hồn nhân hậu của bà.

Chúng tôi ăn bánh mì và tựa đá ngồi nghỉ trưa bên con suối sau “vườn” bà Rome, Dương kể cho tôi nghe lịch sử hủy diệt của Bạch Mã. Hóa ra vị sư phụ không thủ đạo bạn tôi đây lại là một nhà lãng mạn cấp thượng thừa, cả thời đói kém toàn quốc ăn bo bo, năm nào cũng lủi rừng Bạch Mã tìm Phong Lan.

Theo Dương, số phận của Bạch Mã diễn ra trong một thời gan dài, từ từ và do nhiều tác nhân khác nhau, giống như sự sụp đổ của những vương quốc trong lịch sử cổ đại. Cuộc thăng trầm sau hồi các chủ nhân lần lượt xuống núi kéo dài mười lăm năm, sau đó đến thời ông Diệm, Bạch Mã được hồi phục gần như xưa, hầu hết các biệt thự vắng chủ đều có người làm vườn coi sóc. Tai họa đầu tiên xảy đến cho Bạch Mã là cuộc chiến tranh màu da cam, diễn ra từ khoảng năm 1965 trở đi. Trước đó, rừng đại ngàn lan đến tận biển, đường ô tô qua các đèo phía nam Huế vào tận Hải Vân và chạy giữa rừng già. Thuốc khai quang trong nhiều năm đã hủy diệt rừng.

Toàn bộ sườn phía Đông Bạch Mã sau đó biến thành rừng lau và rừng non tái sinh, những biệt thự rỗng không trong niềm hy vọng kham nhẫn chờ một ngày chủ nhật trở lại khi cây rừng lại xanh lá.

Vào thời điểm Hiệp định Paris, một cuộc ác chiến kéo dài nhiều ngày đã diễn ra giữa hai bên trong chiến dịch “cắm cờ” giành quyền làm chủ Bạch Mã. Lần này bom Napan nhằm thẳng vào các biệt thự và khu vực rừng già ở phiền núi phía Tây. Về căn bản, coi như toàn bộ Bạch Mã đã bị thiệt hại. Tuy nhiên, ở mỗi ngôi nhà, phần còn lại vẫn vững chắc, với khả năng trùng tu không đến nỗi tốn kém lắm.

Chúng tôi dừng lại một nơi một phế tích xây bằng đá ven bên đường, tòa nhà khá to lớn, xưa kia là đồn quân trấn Bạch Mã. Dương tiếp tục câu chuyện, luôn luôn trong tình trạng bị ức chế về một dĩ vãng hoàng kim và một tương lai bất kham của trái tim núi từ lâu đã trở thành di sản trong cuộc sống vốn dĩ hư huyền của tâm hồn người lính. Dương nói với tôi bằng nét mặt nghiêm nghị, nhiều lúc lóe lên một ánh mắt phẫn nộ, làm như tôi chính là kẻ phải chịu trách nhiệm về mọi sự đỗ vỡ.

Sau 75, tôi lên đây, ít ra Bạch Mã vẫn còn được năm chục ngôi biệt thự, như ngôi nhà này chẳng hạn, mới chỉ bị tróc mái chỉ cần sửa chữa nhẹ. Nếu anh biết bảo quản từ đầu, thì bây giờ vốn đầu tư không lớn lắm, anh đã có trong tay một mạng lưới cơ sở hạ tầng để tái thiết Bạch Mã thành một trung tâm du lịch giàu có của đất nước.

Lúc đó cả tôi và Trịnh Công Sơn đang bận đạp xe đạp ra tận Cồn Tiên cuốc rẫy trồng sắn, sắn đào lên to bằng củ sâm. Làm chi có chuyện du lịch?

Dương tạm im, bỏ qua cái lối nói năng lừng khừng của tôi. Rồi tiếp tục nhiệt tình:

- Chỉ cần một đường dây télépérique, thì chỉ sau 15 phút anh có thể về tắm biển Cảnh Dương, trong khi Đà Lạt về Nha Trang phải mất 300 km. Hoặc chỉ bằng một cú điện thoại, anh có thể mở rượu nhâm nhi ở trên đỉnh Bạch Mã này, để chờ hải sản tươi của đầm Cầu Hai đưa lên. Mà khách sạn ở Bạch Mã đâu cần trang bị máy lạnh? Này nhé, có lần tôi ở Cầu Hai đang gió Lào ba mươi chín độ. Nhảy vô xe Toyota có máy lạnh, thấy khoái lỗ rốn. Lên tới đỉnh Bạch Mã mới bước ra khỏi xe, bèn thấy ngồi trong Toyota chẳng qua là hứng một chút gió quạt máy đỡ cơn nồng. Tại sao thời còn phải lên Bạch Mã bằng đường sạn đạo, đi bằng kiệu, cái ông Martin nào đó đã dám xây lên một khách sạn 15 phòng. Còn ta thì 20 năm hòa bình, lại vứt Bạch Mã dễ hơn vứt tiền qua cửa sổ. Tại sao?

Dương nói như nạt nộ. Tôi cười:

- Cái đó hãy hỏi cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan vẫn tự thán rằng “Mỹ âu đất có hẹp gì. Lại xin vào chốn Trung Kỳ Việt Nam”. Chẳng qua là tại... mả tổ!

* * *

Những năm dài xứ sở kiệt sức trong nạn đói, từng đoàn lô nhô đủ thập loại chúng sinh rùng rùng kéo nhau lên rừng để tìm cái ăn. Khổ nạn này tiếp khổ nạn kia, như cơn sốt, như bệnh dịch, những lũ người hốc hác, tơi tã, với một ít gạo muối lỏng lẻo trong túi vải, với rìu rựa và bật lửa lặn lội tận nơi rừng sâu núi thẳm mà đời họ chưa biết tới bao giờ, hy vọng ơ hờ rằng cõi xa xanh mù khơi kia ít ra cũng tìm thấy một cái gì đem về cứu đói cho cả nhà. Đi đốt rừng tìm xác máy bay lấy nhôm. Trèo lên những đỉnh núi chót vót để tìm bao cát và vỏ đạn. Băng ngàn qua tận Lào tìm trầm. Đãi vàng li ti trên những nguồn sông tận Tây Nguyên. Hoặc rẻ tiền nhất cũng chặt đót đem về làm chổi xuất khẩu sang Liên Xô. Quả cũng kiếm sống được qua thời buổi, nhưng người về xanh xương mét máu, và của rừng cũng như lúc cạn kiệt.

Người ta sực nhớ tới những biệt thự hoang tàn tại Bạch Mã, tình cờ phát hiện trong những năm lũ rừng những lúc đó chẳng buồn nghĩ tới. Thế là công cuộc tháo dỡ Bạch Mã được khởi động, xem như một sự khai thác “Tài nguyên rừng” vô hại, không ai ngăn cấm. Những vật liệu gỗ như khung cửa, xà nhà, vai rầm được chất lên xe trâu kéo về, lúc này con đường vẫn còn lưu thông được. Tiếp đến là tường và sàn nhà được đập vỡ để lấy sắt thép ở bên trong. Sau rốt tới gạch hoa, lúc đầu là thiên hô vạn hán, nay đã đến lúc đục gỡ tới viên cuối cùng. Trên những nền nhà tôi còn nhìn thấy những hố rất sâu đến tận móng, thường lấp đầy bởi những bụi cỏ tranh. Ấy là dấu hiệu tận diệt của một ngôi nhà người ta đào theo kiểu “khai quật” với hy vọng tìm thấy vàng chôn giấu ở dưới đó.

Cuối cùng, đến lượt con đường. Đường Bạch Mã ngay từ đầu đã được thiết kế rất công kỹ, với hệ thống cống thoát nước lớn nhỏ cắt ngang mặt đường để đẩy nước xuống vực. Khi không còn gì để kiểm thêm, những người “Thợ săn biệt thự” ở bạch Mã quay sang đập phá mặt đường để lấy sắt thép ở những cống thoát nước. Sự phá hoại này là vô phương cứu chữa; bởi vì cùng với rừng đã bị hủy diệt và hệ thống thoát nước bị đất đá lấp kín, lượng nước mưa khổng lồ từ trên núi đổ xuống biến con đường thành những dòng thác lũ kinh hồn cuốn phăng mọi cố gắng chắp vá đoạn dưới chân núi. Con dã tràng giao thông cứ hì hục đào đắp, để sau một mùa mưa, tất cả lại bị xóa sạch, và còn thảm hơn nữa, bị đào xoáy thành vực. Điều khôi hài là con dã tràng này đã ngốn hết một tỷ đồng trên một km cho công trình không bao giờ nghiệm thu của nó. Cứ thế đã hàng chục năm qua.

Chiến tranh và những biến động của lịch sử luôn luôn là những mãnh lực tàn phá những công trình xây dựng của con người. Nhưng sự tàn phá triệt để nhất nhiều khi lại đến từ chính con người trong những ngày bình thường với những dụng cụ thô sơ bằng tay, đi tìm cái gì để ăn, để sống qua cơn đói. Và tôi biết, tôi sẽ không bỏ ra một lời để ngăn cản họ dẫu khi tôi bắt gặp họ đang đập phá không phải vì sợ một hòn đá ném vào trán, mà vì tự thấy thiếu liêm sỉ về thái độ đạo đức giả. Dân không “ở yên” được ở chỗ nhân nghĩa, không phải là lỗi của họ, mà bởi thiên hạ thiếu một nền đại kính. Nguyễn Trãi nói vậy.

* * *

Suối Đỗ Quyên chảy quanh co qua thung lũng Morang, một khu đất bằng phẳng xưa kia dành cho trại hè học sinh. Đây từng là một khu vườn thiên nhiên đúng nghĩa, đẹp như tranh như thơ, với những cây tùng lão trượng hàng trăm năm, với những loại tập nào cũng thèm muốn, lơ lửng thinh không trên những ngọn cây dọc ven suối. Sau khi con suối bị đánh trọng thương hồi trước Hiệp định Pari, rừng già và cỏ hoa ở đây mười phần không còn được một, hai; chỉ loài hoa đỗ quyên rừng sống sót, nở miên man dài theo suối như một cơn say nồng của núi non. Cuối thung lũng, suối đỗ quyên bị dồn lại giữa hai bờ dốc đứng, đổ xuống ghềnh đá thành những bồn nước thiên nhiên tuyệt vời; ở đó đá như được kiến trúc thành hang động trong lòng những toà thành cổ. Tôi thoáng nghĩ, trong những thời xa xưa từng có bậc cao nhân ẩn sĩ nào đã tới đây, chỉ tĩnh tại trong động đá này mà không đạt hết mọi lẽ huyền vi của vũ trụ.

Nơi đoàn Nghĩa Dũng Đường cắm trại là bồn nước thứ năm trong chuỗi những ghềnh đá của suối Đỗ Quyên. Ở quãng này dòng sui hiền hòa chảy trên một bãi đá rộng và bằng phẳng dài hàng trăm mét, để rồi đổ xung theo một thành đá dựng thẳng và sâu hút, không thể nhìn thấy chân con thác ở bên dưới. Tôi thử mạo hiểm đến gần mép bờ đá nhìn xuống tụt nước dốc, mt gn một giờ mới đến chân ghềnh đá, nhìn lên. Một bức tường thành bằng đá liền dựng đứng cắt ngang trời, không biết đến my trăm mét bề cao, trên đó dòng thác lay động như một di lụa trắng. Đây là thác Xai-tô-đô, một cảnh tượng hùng vĩ bâc nhất của Bch Mã. Cư dân vùng thung lũng Nam Đông nhìn về núi, thy thác như trên trời đổ xuống. Còn dân vùng quanh Bạch Mã, gọi thác là “phướng”, ban đêm nghe “phướng” reo thì trời đang mưa chuyn sang nắng, nắng chuyn sang mưa. “Phướng” reo nghe được từ xa đến hàng chục cây s, rùng rùng như ngựa chạy.

Các võ sinh đi đẵn cây dựng trại, và những cô gái nhóm bếp nấu cơm chiều; Dương và tôi ngồi uống trà nơi một thạch bàn phẳng phiu gần bờ thác. Thành núi cao hai bên mở ra trước mắt chúng tôi một khoang cửa rộng nhìn xuống thung lũng Nam Đông, dưới đó suối Đỗ Quyên nay trở thành một dòng nước lớn lượn vòng trên đồng cỏ để đổ vào sông Hương ở thượng nguồn.

Nhiều năm rồi hẳn là ít ai lên tới đây, không thấy dấu người vãng lai, những bếp lửa, cọc dựng lều, bao bì ni lông vứt lại, chẳng hạn. Chút hơi hướng con người tôi tìm thấy ở đây là một cụm chân nhang bạc màu cắm trên mõm đá, chắc là di vật của những người ngậm ngải tìm trầm trong đêm rừng tối thẳm. Rồi nữa, trên mặt đá rêu mờ, tôi thấy một hàng chữ viết bằng hắc ín đã phai màu, bị bào mòn lỗ chỗ nhưng vẫn đọc được: Nối vòng tay lớn -198... Thế nghĩa là từng có một đêm rừng cách đây đã lâu, thời đó qua đây cũng chỉ những người thợ rừng lam lũ. Không ngờ “Văn hóa Trịnh Công Sơn” ta bà chốn rừng sâu ải tối này, ghê thật!

Chiều đã muộn, sương dâng mịt mùng dưới thung lũng. Khí núi tỏa ra lạnh buốt, chúng tôi lục ba lô lấy áo len ra mặc. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi chợt nhận ra những dấu lạ gần chỗ ngồi mà nãy giờ không chú ý đến, những dấu lõm hình cầu to bằng chiếc dĩa, nông và khác màu, lác đác trên mặt đá.

- Có vị đại hiệp nào lên luyện công ở đây?

- Đó là “cối” dùng để giã vỏ cây - Dương giải thích - có một loại cây mủ đặc biệt chỉ rừng này có. Người ta lên đây, bóc lấy vỏ đem giã ở suối này, lọc lấy mủ luyện thành chất nhựa màu nâu, dùng để bẫy cò. Bẫy cò là một nghề sinh sống của nông dân vùng này, về mùa lụt.

- Hết đi tìm trầm, đi đập biệt thự, nay lại còn đi giã nhựa bầy cò - tôi chép miệng. Trái núi này bây giờ hóa ra là nơi tấp tới đủ loại đời ba chìm bảy nổi. Thế lại còn “nối vòng tay lớn” nữa trời ạ.

Qủa là thế! Ngọn lửa bốc cao giữa hẻm núi, các võ sinh lại vỗ tay hát bài ca truvền thống của những đêm không ngủ năm xưa: “Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát...” thì về, ừ thì cười, ừ cát bui bay! Niềm vui tới mãnh liệt như cơn lốc. Sơn ạ, Mỗi lần về Sài Gòn, tôi vẫn tới Sơn chơi, khoảng mười giờ sáng, nhà Sơn vắng người. Hai đứa im lặng như Whis-ky, đọ trên vừng trán hững hờ những nếp nhăn của niềm hy vọng đã cũ. Thôi thế Sơn ạ.

Tôi ngồi im lặng giữa những võ sinh đang nồng nhiệt hồn nhiên cùng với tuổi thanh xuân của họ, chìm đắm trong ký ức sâu thẳm về những bếp lửa bản thượng những năm trời lênh đênh trên rừng. Đó là một thế giới riêng, âm u và đơn độc mang tính cách ly làm cho tôi không nhập nổi vào mọi dạng “lễ hội” hàng ngày quanh tôi. Sau chiến tranh người ta nói nhiều về những “hội chứng”... có lẽ thế, tôi đang nhiễm nặng “hội chứng lãnh cảm” của một người đã từng đắm say và đã bị phụ tình.

"Ta khi xưa, trên núi cháy chiếm ngôi thần linh rất thiêng.

Qua bao năm vui múa với anh em thần linh láng giềng”...

Tôi quay lại ngồi đốt thuốc một mình trên bờ thác Xai-Tai-Đô. Ánh lửa xa nhập nhoạng trên tán rừng tối thẳm chợt cồn cào trong tôi một nỗi gì không biết từ âm hưởng của bài hát Lửa trại xa xưa ấy, trong những đêm rừng Bạch Mã mà tôi tham dự với những bạn bè Hướng Đạo.

Hồi chiều, trước khi tới ngôi nhà cũ của bà Rome, tôi đã băng ngang một khu đất trống bằng phẳng mà tôi nhớ rất rõ, là khu vực trại Hướng Đạo ngày trước. Bây giờ là rừng lau, nhưng thời trước cách mạng Tháng Tám, cánh rừng này là nơi rèn luyện bản lĩnh của cả một thế hệ thanh niên để chuẩn bị hành trang đi vào lịch sử của mỗi người. Tất cả những gì tôi được biết về thế hệ ấy là từ những đêm lửa rừng về sau này, cũng quanh ngôi nhà gỗ giữa rừng cây hoàng đàn nơi thung lũng này, qua những huynh trưởng cựu trào như Cò - Yêu - Đời chẳng hạn.          

Trại trưởng Bạch Mã được xây dựng cùng một lúc với sự ra đời của Liên hội hướng đạo Đông Dương, vào năm 1937, bấy giờ trụ sở đặt tại Huế. Trại được thiết kế theo khuôn mẫu của trại trưởng Hướng Đạo Quốc tế Gihvell Park ở nước Anh, gồm đủ hội trường, thư viện, trạm y tế, sân lửa trại, vườn hoa, vườn rau v.v... Tuy nhiên, dưới mắt các ủy viên Hướng Đạo Quốc tế, Bạch Mã đẹp hơn Gwell Park nhiều, do suối nước trong lành và thiên nhiên kỳ tụyệt, nơi khác không sánh được. Bằng rừng Quốc tế hay “Khăn quàng Gvvell” với dây da đính hai mẫu gỗ phun lửa, là bằng cấp cao nhất của một Hướng Đạo sinh. Chương trình bằng rừng Gwell được áp dụng cho một chứng chỉ trung cấp gọi là “Khăn quàng Bạch Mã” còn “Khăn quàng Gwell” ở Bạch Mã được nâng cao hơn nhiều so với hệ thống Hướng Đạo Anh. Trên khăn quàng Bạch Mã có thêu biểu tượng nguồn nước (Werscau), chính là hình ảnh hai dòng suối hợp lưu trước sân trại, bây giờ vẫn thì thầm dưới cỏ lau. Tất cả những trụ cột sáng lập của phong trào Hướng Đạo Việt Nam đều đã được thi bằng rừng và lên đường ở Bạch Mã, trong đó có Giả Mã (tên rừng của Võ Thành Minh), Hồ Sứt (Hoàng Đạo Thúy), Chồn Fennec (Tạ Quang Bửu)... và những nhân vật nổi tiếng ở miền Nam như giáo sư Phạm Biểu Tâm, Luật sư Trần Văn Tuyên, hoặc những ông tướng trong quân đội Sài Gòn như Lâm Văn Phát, Trần Tử Oai... những con người ấy sau này theo đuổi những sự nghiệp khác nhau, và sống những số phận khác nhau nhưng tất cả đều đã xuất thân từ một trường đại học rừng núi, với một chứng chỉ có mác quốc tế là bằng trường Bạch Mã.

                                                                  H.P.N.T

(Còn tiếp).

Hoàng Phủ Ngọc Tuờng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 46 tháng 07/1998

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground