- Tại sao anh còn nhận trách nhiệm Bí thư phường Phú Hiệp? Tôi hỏi Trần Đăng Khoa – Người chiến sĩ Cồn Cỏ những năm ác liệt đánh Mỹ.
Lâu nay, Khoa đã về hưu, gia đình con cái đã ổn định, nhà cửa cũng đã khang trang. Với đồng lương cấp tá, anh đủ sống tinh tươm với cái giá thị trường nhẹ nhàng giữa thành phố Huế chưa đến nỗi ào ạt lắm.
Hình như Khoa không phải suy nghĩ gì về câu hỏi, và dĩ nhiên chưa hề chuẩn bị như “đối phó” với một phóng viên – nếu như người đó là phóng viên thật sự. Và cũng như không tránh câu trả lời, anh nói ngay:
- Đời tôi có hai vinh dự lớn mà một số bạn bè tôi thường không đủ. Và tôi đã xem đó là những hạnh phúc vô giá. Thứ nhất, tôi là một chiến sĩ Cồn Cỏ. Bác Hồ viết: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận, đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”. Từ trong “Đầy hoa thắng trận” đầu tiên ấy, vinh dự có phần tôi đóng góp! Thứ hai, vinh dự lớn nữa là tôi đã hạnh phúc sáu lần gặp và gần Bác. Mỗi lần gặp như được lớn khôn thêm. Từ cái tuổi được làm anh dân quân năm 1950, đến anh lính cụ Hồ năm 1951, ước mơ được gặp vị lãnh tụ vĩ đại – như bây giờ nhân dân ta và thế giới thường gọi Bác, tưởng như là một điều ảo tưởng. Thế mà sáu lần tôi đã được ở cạnh Bác, một đôi lần được Bác cho ngồi dùng cơm với Người. Và cả vợ tôi – Cô Lệ cũng được dự bữa với Bác. Không phải vì tôi, mà chính vì cô là một nữ thanh niên xung phong.
Trần Đăng Khoa như rưng rưng xúc động, vừa như phấn khởi, anh nói tiếp: - Như tôi đã kể trên, thì không có lý do gì mà tôi không nhận những công việc mà anh em hay phường phố còn tín nhiệm giao cho tôi. Như vậy mà tôi đã trả lời câu hỏi của anh rồi đấy!
Ngồi trong căn phòng nhỏ treo đầy ảnh kỷ niệm chụp bên cạnh Bác Hồ, bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều vị trong Chính phủ, tôi có cảm giác đây là “bảo tàng nhà” của Trần Đăng Khoa. Những con ốc biển trong chiếc tủ như gửi gắm cuộc sống một thời với đạn bom Cồn Cỏ cùng Thái Văn A, Nguyễn Văn Mật, Lê Ngọc Vân, Phan Đình Đơ… có người đến hôm nay không còn nữa. Những phút trầm ngâm, suy tư thoáng qua trên vầng trán của người cựu chiến binh, rồi anh trở lại say sưa với những kỷ niệm về Bác:
- Hồi đó, tôi đang theo học trường Lục quân ở Sơn Tây. Khoảng 57 hay 58 gì đó, cách mấy tháng nữa mới đến mùng 2 tháng 9. Đơn vị chúng tôi được tập luyện “đi đều” thật tốt để thực hiện cuộc duyệt binh. Được làm người lính đi trong hàng ngũ đi qua lễ đài long trọng ai cũng tự hào và phấn khởi. Mọi người cố gắng hết sức mình tập đúng răm rắp những động tác nhỏ.
Ấy thế mà sắp đến ngày lễ, cấp trên lại báo cho có những đồng chí phải ở nhà, có những đồng chí phải làm các nhiệm vụ “kẻ chỉ, kẻ ô” cho sân duyệt binh. Lệnh quân sự - không bàn cãi, chỉ biết chấp hành! Nhưng làm sao không ấm ức được, Bỏ ra mấy tháng ròng “một hai” theo quân nhạc, tưởng vinh dự biết bao thế mà cuối cùng lại nằm ở nhà hay vạch chỉ, kẻ đường! Nhiều đồng đội tỏ ra ngán ngẫm.
Thế rồi Bác đến thăm đơn vị. Bác Hồ đến bao giờ cũng đã là một sự phấn khởi lớn rồi. Trong phút chốc, những thắc mắc này khác đã tan biến để hòa vào cái mừng rỡ duy nhất là được gặp Bác. Sau những điều hỏi han, dặn dò, bỗng Bác nắm bàn tay trái đưa lên:
- Chú nào có đồng hồ tốt cho Bác mượn.
- Đồng hồ cháu… đồng hồ cháu…
- Của cháu,…Thưa Bác Vile của cháu!
Ai cũng muốn đưa của mình lên cho Bác, dù thời ấy cũng khó có loại đồng hồ “sáng giá” lắm.
Bác cầm lấy một chiếc. Bác vẫn cầm trong tay đưa lên cao:
- Đây có phải là đồng hồ tốt không?
- Có ạ, vâng ạ!
Và Bác thong thả nói:
- Đồng hồ tốt phải như thế nào. Tất nhiên là phải chạy đúng, chạy đều. Trong một chiếc đồng hồ, phải có nhiều bộ phận, nào là dây cót, bánh xe, kim giờ, kim phút, chữ số. Thiếu một bộ phận nào cũng không được. Như vậy Bác làm Chủ tịch, phải có bộ trưởng, thứ trưởng, cán bộ tỉnh, huyện, xã và nhân dân thì mới có Chính phủ, Nhà nước. Bác biết nay mai đơn vị các cháu sắp duyệt binh. Vậy cũng phải có người ở nhà trông nhà, canh gác, có đồng chí đi trong hàng ngũ, có đồng chí trước đó phải lo kẻ chỉ, kẻ vạch cho đồng đội đi cho thẳng hàng, cho đẹp mắt trước quan khách trong cả nước và quốc tế. Vậy bây giờ có chú nào còn muốn thắc mắc nữa không?
- Không… Không… Không ạ… Không ạ!...
Mọi khuôn mặt người lính chúng tôi như được rạng rỡ lên. Chỉ một ví dụ đơn giản, dễ hiểu bỗng xóa tan đám mù lớn thắc mắc trong lòng.
Trần Đăng Khoa say sưa tiếp:
- Tôi thường kể chuyện cho anh em chiến sĩ và đặt tên cho câu chuyện đó là “Chiếc đồng hồ của Bác”. Anh thấy được không nhà báo?
Tôi vẫn im lặng. Nhưng hẳn sự im lặng đã là đồng ý!
…”Một lần khác… Trần Đăng Khoa lại tiếp: Bác cũng đến thăm đơn vị. Bác vào thẳng các phòng ngủ, xem anh em có trật tự, vệ sinh không là điều Bác thường nhắc người lính chúng tôi. Bác không chê hay khen những gì ở trong phòng. Nhưng đến ngang giường của đồng chí Chẫn, Bác dừng lại và chỉ tay vào một tấm hình cô gái dán ở sát vách đầu giường. Đồng chí Chẫn đứng cạnh. Bác hỏi:
- Đây là giường nằm của chú à?
- Thưa Bác, vâng ạ!
- Thế chú đã có vợ chưa?
- Thưa Bác, cháu có rồi!
- Vậy chiếc ảnh ở đầu giường là của "thím" ấy phải không? Bác dùng chữ "thím" với một giọng rất nghiêm túc.
- Dạ thưa Bác, đấy là ảnh cháu cắt ở trong báo ra.
Bác quay lại vừa nói với Chẫn và như với mọi người vây quanh:
- Nếu bây giờ mà "thím ấy" cũng dán đầu giường ảnh một chàng trai đẹp đẽ nào đó, thì cháu nghĩ sao, nếu cháu bắt gặp.
- Dạ, dạ… thưa…thưa Bác…
Chẫn như ngẩn ra không nói tiếp được gì nữa…
Và Bác Hồ cũng không nói thêm ý nào nữa. Hình như ngần ấy lời của Bác đủ để cho Chẫn và chúng tôi phải suy ngẫm…
…Chúng tôi đã đứng xếp hàng theo đội hình sẵn ở trong hội trường. Người nào cũng ở một thế nghiêm nghị và chờ đợi. Bác Hồ đã bước lên bục. Đồng chí thủ trưởng cũng bước lên theo Bác. Bác đứng trên bục và nói chuyện. Sau mười phút Bác quay qua đồng chí hiệu trưởng trường:
- Cho bộ đội nghỉ, Bác còn nói thêm.
Đồng chí thủ trưởng đáp:
- Thưa Bác, thế là trong tư thế "nghỉ" rồi ạ!
Và Bác lại tiếp tục những lời huấn thị.
Bỗng đồng chí thủ trưởng nhấc một chiếc ghế tựa đưa lại gần Bác:
- Mời Bác ngồi kẻo Bác đứng lâu mỏi!
Bác nói luôn, và nhìn thẳng vào người chỉ huy đơn vị:
- Chú có mỏi thì chú cứ ngồi, bộ đội đứng được thì Bác cũng đứng được. Tưởng chừng như người chỉ huy lạnh toát cả người!
… Tôi được thay mặt đảo Cồn Cỏ báo cáo với Bác, Trung ương và Chính phủ. Bác lắng nghe từng chi tiết trận đánh, và mọi tình hình chiến sự cũng như sinh hoạt trên đảo. Bác lấy khăn chấm nước mắt khi nghe những Thái Văn A trên chòi cao trinh sát địch giữa bốn bề bom đạn của bốn máy bay F.105, 32, AD6 bắn và ném bom tới tấp vào trận địa, cùng hai tàu chiến ngoài biển cuồng nhiệt xối xả đạn vào. Thái Văn A không chịu xuống chòi để có thể có những công sự an toàn hơn. Nguyễn Văn Mật nằm đè lấy bộ máy ngắm của pháo khi bom nổ cạnh anh chỉ mấy mét. Cũng như Nga được y sĩ Lê mổ tám viết thương trong năm tiếng đồng hồ không có thuốc gây mê hay thuốc tê. Chính Nga còn động viên y sĩ mổ cho mình với đầy trời bom đạn. Nga không ngất xỉu mà chính y sĩ Lê đã ngất xỉu sau tám tiếng đồng hồ.
Trần Đăng Khoa lúc này như hoàn toàn xúc động. Anh sống lại với Cồn Cỏ chăng? Vâng, đúng thế! Và cả những lời Bác Hồ nói với Cồn Cỏ.
Bác hỏi:
- Có đủ gạo ăn không, có thực phẩm và rau xanh, có nước ngọt và súng đạn khí tài chiến đấu, hầm hào, anh em có ngủ được không. Bác hỏi từng vị trí trận địa một, Bác hỏi thương binh có đủ thuốc men, bồi dưỡng, đường sữa. Bác hỏi tất cả, tất cả.
Cuối cùng Bác hỏi:
- Áo quần có rách lắm không.
Tôi thưa Bác "Có ạ"!
Bác quay trở lại với tất cả đại biểu cấp Chính phủ, tướng lĩnh ngồi trong phòng:
- Ở biển nước mặn nhiều, áo quần chóng rách. Và nhiều thứ khác nữa, các chú nghĩ sao về nhiệm vụ, về tấm lòng đối với miền
Hội trường như chế lặng với những lời của Bác.
Có lẽ không cần phải người lính từng mặc áo trấn thủ. Những lời kể của Trần Đăng Khoa không còn là những kỷ niệm của riêng anh được hưởng, những bài học trong đời anh rút ra từ những sự việc của Bác, những lời dặn dò ân cần của Bác với đơn vị, đến đồng đội anh, đến với Cồn Cỏ cũng như đến với cả đất nước.
Anh lại nhận nhiệm vụ Bí thư một phường của thành phố hiện anh đang sống như từng là một Bí thư trên đảo Cồn Cỏ anh hùng. Anh không hề hình dung một sự khác biệt giữa bom đạn ác liệt của chiến tranh thời chống Mỹ với thời bình cơ chế mở cửa thị trường hôm nay. Anh chỉ thấy nhiệm vụ là nhiệm vụ. Tất nhiên anh hiểu sự sâu sắc tín nhiệm của cả tập thể đã bỏ những tấm phiếu cho anh. Và tôi cũng đã nghĩ rằng, chắc anh không đặt cả khoảng cách thời gian! Phải chăng tôi tự đánh giá anh bằng những thói thường cảm tính! Nhưng tôi tin những kỷ niệm hay đúng hơn là ký ức sẽ dạy anh nhiều trong cái tập thể rất mới, rất trẻ của thế kỷ sắp kết thúc này.
Nắm chặt tay Khoa, buông tay ra nói một lời tạm biệt, tôi lại cầm lấy tay Khoa lần nữa:
- Chào, chào đồng chí chính trị phó, Bí thư đảo Cồn Cỏ năm xưa anh hùng và đồng chí Bí thư phường Phú Hiệp hôm nay.
- Vâng, phải đâu chỉ là một câu chuyện bình thường với một cựu chiến binh từng là chiến sĩ Cồn Cỏ anh hùng. Trần Đăng Khoa ơi, tôi tạm dừng bút.
T.H