Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nơi con sông Hồng chày vào đất Việt

N

ếu ngọn phan-xi-păng được coi là “nóc nhà Đông Dưong” thì Lào Cai, cái đế của dãy Hoàng Liên Sơn chính là “mái nhà” vậy. Lẽ đời, đã leo lên đến mái nhà thì phải leo lên tận nóc nhà mà thoả thích ngắm nhìn hang xóm. Nghe nói trên đỉnh Phan-xi-păng trời trong lắm, bởi mọi sương khói tục trần đã nằm lại dưới mặt biển mây trắng xoá kia rồi. Ở đó, là xứ sở tuyệt vời của miền ôn đới với trăm, ngàn loại sinh vật quí hiếm. Nhưng muốn chinh phục “nóc nhà Đông Dương” phải bỏ ra sáu, bảy ngày leo núi cật lực, phải đối mặt với bao hiểm hoạ của môn thể thao mạo hiểm này, bởi chỉ cần sơ suất trượt chân là “giáng trần” từ chín tầng mây ngay. Vậy nên, mỗi năm hơn nửa triệu khách thập phương leo lên “mái nhà” Lào Cai mà có mấy ai thực hiện được chuyến chinh phục lên nóc!

Từ miền Trung, lần đầu tôi leo lên Lào Cai, mang theo kiến thức địa lý của cậu học trò hai mươi năm trước về một vùng đất có nhiều Apatit, có “nóc nhà” Đông Dương Phan-xi-păng, là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” và một Sa Pa “thành phố trong sương”.

Em Phai Li trong trang phục thiếu nữ Xa Phó tinh mơ đã giục chúng tôi leo lên cả ngàn bậc tam cấp lên đỉnh núi Hàm Rồng cao hai ngàn mét và giải thích: “Nguời ta bảo thích nhất là hai thứ: ngắm Sa Pa trong mây và đi chợ tình. Chợ tình thì phải đến đêm, còn ngắm cảnh phải đi từ bây giờ.”

Té ra ngắm cảnh ở Sa Pa cũng thật là bài bản và kỳ công, phải dậy sớm, leo núi từ tinh mơ. Chả trách mà ngày truớc nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh kỳ công mai phục trên núi Hàm Rồng, và khi ông đang làm “em” của…quận công thì bất ngờ mây đến. Ông đã không kịp kéo quần, cứ thế tồng ngồng mà tác nghiệp mới có được bức hình phong cảnh Sa Pa để đời.

Hôm tiễn tôi lên chuyến tàu SP1 ở ga Hà Nội, bạn tôi đã nhắc đi nhắc lại bài học vỡ lòng về “công nghệ” ngắm cảnh ở Sa Pa, rằng không được ngắm nhìn lung tung, phải ngắm có định hướng, phải theo đuổi một cảnh nào đó như theo đuổi một bông hồng thiếu nữ, phải thả hồn vào cảnh thì mới cảm được cảnh, và từ cảnh mới sinh ra tình, mới có thể thâm giao tri kỷ giữa cảnh với mình, vân vân và vân vân.

Nghe bạn, tôi cũng chọn một ô cửa sổ ở khu biệt thự mà năm 1938 người Pháp đã xây. Ô cửa sổ là khuôn hình sống động nhất. Tuyệt vời thay, hầu như ô cửa sổ biệt thự nào cũng thế, duờng như thiên nhiên ở đây đã chuẩn bị sẵn cảnh trường cho chúng tôi. Tiền cảnh là mấy cành đào phất phơ, trung cảnh là phố xá Sa Pa với lối kiến trúc đặc trưng có lẫn vài khóm sa mộc thẳng tắp, hậu cảnh là những ruộng bậc thang vàng hươm và nét núi xanh thẳm xa mờ. Chỉ còn mỗi việc là mở một bản nhạc thật du dương rồi ngồi nhìn vào khuôn hình mà…chờ! Chờ bao lâu? Một phút, ba mươi phút, một giờ hoặc có khi cả buổi, tóm lại bao giờ có mây mới thôi. Chờ mây, nhưng không được quên cảnh đã có trong khuôn hình, phải ngắm thật kỹ những đường nét, màu sắc của mọi vật trong bức tranh sống đó, bao giờ cảm thấy chúng thật than quen mới được. Và khi có mây, tức là cảnh đã đến. Mây sà xuống, lúc thưa lúc thật. Trong cái khuôn hình sống động làm bằng ô cửa sổ đó, những hoa lá, phố xá, đồng ruộng, núi non vốn hiển hiện rất thực, rất quen, bỗng nhiên mờ dần rồi biến mất để lại khuôn hình trắng xoá. Y như tất cả đã tan vào hư vô. Ây, lại từ góc nào đó phố xá quen thuộc chợt mờ mờ hiện ra rồi lúc ẩn, lúc hiện, mỏng manh như là sương mây…Cảnh sắc hư thực vô phân khiến tâm ta phiêu diêu cùng mây khói.

Lên tới đỉnh Hàm Rồng cao hai ngàn mét vào buổi tinh mơ. Chân người như ai dẫn lối lạc vào khu rừng đá với những “cây” đá đen trũi tua tủa mọc lên như những chiếc vây rồng. Thì ra mình đang ở đỉnh đầu con rồng đá trong huyền sử từ triệu năm rồi vẫn phục chầu về phía ngọn Phan-xi-păng. Hãy ngồi xuống dưới vườn đào trụi lá mà nhâm nhi chén trà linh chi ngàn tuổi, để mặc những vầng mây sà xuống vơn van bồng bềnh mang hồn ta rong chơi vào một giấc mơ hồ điệp rồi sẽ thấy mình đã hoá thành một tiên ông từ lúc nào.

Ở Sa Pa không có đêm hè chỉ có “đêm đông” giữa mùa hè mà thôi. Em Phai Li mời tôi chén rượu mắt trong veo và bảo: “Sán lùng đó anh”. Tôi nhấp một ngụm, lạ lắm, không quen như mình tưởng. Tôi đã nghe tên và đã từng uống các loại rượu Lào Cai nổi dạnh khắp nuớc. Rượu Sán lùng ở bản Xèo huyện Bát Xát  cất bằng gạo nương với nước suối Pò Sèn, rượu Bắc Hà chỉ có dân bản Phố huyện Bắc Hà chưng bằng loại ngô nếp với men lá rừng mới gọi là mỹ tửu vùng cao…Nhưng chén ruợu Phai Li đưa không phải thứ rượu Sán lùng tôi đã uống ở Hà Nội hay ở Huế. Thế mới biết, rượu Sán lùng chỉ uống ở Lào Cai, nếu mang về nhà thì không còn là Sán lùng nữa. Ngắm cảnh đã kỳ công, uống rượu xem ra còn phải kỳ công hơn nữa! Như đọc đựoc ý nghĩ của tôi, Phai Li nhanh nhảu giải thích: “Ấy mới là nét riêng trên “mái nhà Đông Duơng” này.  Rượu Sán lùng muốn chưng cho ngon phải lấy gạo trên “mái nhà”, lấy nước trên “mái nhà”, men lá trên “mái nhà”, củi lửa cũng trên “mái nhà”. Vậy muốn uống ngon thì cũng phải ngồi trên “mái nhà” mà uống chứ.”

Người Hơ Mông nói rượu Sán lùng là thuốc đuổi cái rét, cái đói, hèn gì chỉ mới một chén Sán lùng là tôi đã muốn cởi phăng cái áo ấm đang mặc để sán lại gần hơn bếp lửa của cô sơn nữ đang nướng hạt dẻ bên hè phố Sa Pa. Mà xung quanh, bao người cũng như tôi, cũng đã cởi hết áo ấm, cũng sà vào bếp lửa chếnh choáng men. Cô chủ hàng vừa đăt vào tay tôi hạt dẻ vừa nướng hôi hổi nóng, vừa xuýt xoa y như cảm đựoc cái nóng ấm từ tay khách phương xa. Đêm chợ tình Sa Pa, trai gái người Dao đỏ hẹn hò nhau qua tiếng kèn pi- lê, rồi từng cặp, từng đôi dắt nhau đi cho tận sáng mai. Người ở xa đến cũng muốn đi chợ tình, nhưng chúng tôi không dắt nhau đi mà dắt nhau đến. Ở đây không sợ bị lạc, không sợ bị lừa, rồi dường như ai cũng được tình tự, cũng được đắm say. Trai gái yêu nhau còn chúng tôi yêu họ, yêu đắm và say nồng mỗi đường nét hồn nhiên như núi cuả con người nơi đây và từng hương vị kỳ thú trên “mái nhà” này.

Tôi lại muốn đứng hàng giờ đầu cầu Hồ Kiều để ngắm nhìn con sông Hồng từ bên kia biên giới đỏ ngầu phù sa ầm ầm dũng mãnh đổ về đất Việt. Cầu Hồ Kiều bắc qua dòng Nậm Thi, bờ Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam, bờ Bắc là cương vực đất Trung Hoa, chính giữa cầu là biên giới Việt-Trung. Nậm Thi nước trong hơn, dòng chảy nhẹ nhàng hơn sông Hồng. Ở ngã ba, nơi Nậm Thi gặp sông Hồng vượt biên giới vào Việt Nam, bản tính khiêm nhường của nó thật rõ. Ban đầu nó nem nép sát bờ, rồi dần dần tỉ tê, rồi len lỏi, rồi bắt đầu hoà từng tí xanh của mình vào với dòng đỏ của sông Hồng đang sôi réo cuồn cuộn lao về xuôi…Dũng mãnh như sông Hồng là chí trai, yêu kiều na nết như Nậm Thi thực là duyên nữ. Cả hai rồi cũng quyện lấy nhau mà miệt mài chở phù sa về dâng cho đất Mẹ. Kề ngã ba sông ấy, bên nờ Nam dòng Nậm Thi có một ngọn núi tên là Mai Lĩnh. Gần ngàn năm trước là Hỏa hiệu đài nơi biên ải xa xôi của quốc gia người Việt. Đầu thế kỉ 17 nhà Nguyễn cho dựng đền thờ bậc khai quốc công thần Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông hồi thế kỉ 13. Đền thờ ấy, ba trăm năm rồi mãi linh thiêng dưới bóng cây cổ thụ. Đứng trên Hỏa hiệu đài, trong âm âm của bóng đa cổ thụ và lãng đãng khói hương, chợt như nghe đâu đó trong điệp trùng núi non vọng về tiếng gươm khua, ngựa hí của những thuở can qua. Đã gần ngàn năm, bao lần Hỏa hiệu đài rực lửa, mấy phen đất nước dậy binh đao, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Nhưng đất Việt luôn phục sinh, trường tồn và ngày càng vinh hiển. Ngọn Mai Lĩnh, Hỏa hiệu đài ngày ấy và bóng đa cổ thụ mấy trăm năm tuổi hôm nay vẫn còn đó, đường bệ và xanh tươi như những cột mốc “thiên thư định phận” tự thở nào.

Ngày còn là chú học trò phổ thông, tôi nhớ câu ca dao thật ai oán của kiếp lính thú đồn biên ải hay số mệnh những kẻ bị lưu đày :

Ai đưa anh đến chốn này

Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai

 

Một cảnh tượng sơn cùng thủy tận mà cho đến hôm bước chân lên tàu, tôi vẫn còn mường tượng. Nhưng tôi đã sai, mà nhiều người như tôi, cũng đã sai. Bởi từ một nơi sơn cùng thủy tận, biên ải xa xôi, Lào Cai đã thành cánh cửa lớn nhất ở vùng Tây Bắc Việt Nam để mở ra hành lang kinh tế nối thông cao nguyên Vân Nam, nơi có thị trường khổng lồ với bốn trăm triệu dân ở mười hai tỉnh Tây Nam Trung Quốc, chiếm đến 60% diện tích lãnh thổ nước này. Trong xu thế hội nhập để phát triển, chính phủ các nước trong tiểu vùng sông Mê Công đã quyết định hợp tác thông thương nhiều hành lang kinh tế vào mạng giao thông xuyên Á, mà R5 là kí hiệu của tuyến giao thông Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng. Từ cánh cửa này, gần bốn trăm triệu dân vùng Tây Nam Trung Quốc có cơ hội về với biển Đông rồi theo hành lang Bắc-Nam mà đi dọc Việt Nam, lại gặp được hành lang Đông Tây ở miền trung mà qua Lào, Thái Lan, Mianma...Ngược lại, hàng hóa của Việt Nam cũng từ cánh cửa lớn Lào Cai sẽ có cơ hội lên ngôi nơi xứ người. Để mở hành lang này, Chính phủ ta đã quyết định xây dựng tuyến đường bộ dài gần bốn trăm cây số từ Hà Nội lên Lào Cai với quy mô bốn làn xe, cùng hệ thống đường sắt hiện đại đủ sức đáp ứng lưu thông hàng hóa.

Trong khi mọi quyết định của Chính phủ đang nằm trên giấy tờ thì ở trên mái nhà Lào Cai, có một tuyến hành lang kinh tế đã mở, tạm gọi là hành lang kinh tế “dân gian” vậy. Mà có sao đâu, mọi con đường lớn đều được mở trên những lối mòn mà. Ấy là để nói sự chuyển động của “ mái nhà” Lào Cai trên lộ trình đi đến một hành lang kinh tế quan trọng và hiện đại. Cái hành lang kinh tế “ dân gian” vừa mới nói ở Lào Cai đã được mở từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã có những quyết sách cực kì táo bạo để rèn một mũi nhọn đột phá vào nền kinh tế, mũi nhọn đó là kinh tế cửa khẩu. Họ đi vay hàng trăm tỉ đồng để ngăn sông, bạt núi, xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế thương mại, rồi đi khắp nơi chào mời doanh nghiệp. Để có không gian hoạt động kinh tế, Lào Cai “buộc bụng” làm một cuộc “di cư” lớn chuyển toàn bộ cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tỉnh, thành phố Lào Cai về phía sau và nhường “mặt tiền” cho các doanh nghiệp. Hàng trăm dự án triển khai, vậy mà lãnh đạo không phải xách cặp về xin Trung ương, cũng không dây dưa nợ nần với doanh nghiệp. Có những dự án trong vòng một năm là ngốn sạch hàng trăm tỉ đồng.Vậy nhưng đồng tiền Lào Cai bỏ ra quả là “đồng tiền khôn”.Ông chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Bùi Quang Vinh thay vì trả lời bí quyết sử dụng đồng tiền vay thế nào cho hợp lí, đã dẫn chúng tôi ra công trình kè chống sạt lở bờ sông Hồng. Đây là cặp kè có tổng cộng năm cây số từ cầu Cốc Lếu đến cầu Phố Mới. Hàng năm nạn sạt lở xảy ra nghiệm trọng, ngặm nhấm dần mòn thành phố Lào Cai. Chờ kinh phí Trung ương thì biết đến bao giờ. Lào Cai quyết định vay tiền xây dựng. Mỗi cây số kè ngốn hết bốn mươi hai tỉ đồng, tổng cộng chi hết gần hai trăm năm mươi tỉ. Nhưng đổi lại, công trình hiệu ích tổng hợp này không chỉ đã chỉnh trị được dòng chảy sông Hồng, chống sạt lở, mà với việc lấn ra sông một trăm bốn mươi mét, họ đã tạo được một quỹ đất có thể lập một khu đô thị mới với bảy trăm tám mươi hộ dân cư có đủ công trình phúc lợi công cộng. Nếu tính thấp nhất mức giá ba trăm năm mươi triệu đồng mỗi lô thì khoản tiền thu được cũng đủ bù đắp khoản vay của tỉnh rồi.

Táo bạo là thế và hiệu quả là thế!

Nhưng không phải nơi nào cũng làm được như Lào Cai. Điều tâm đắc nhất mà ông Giàng Seo Phử, Ủy Viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho hay chính là sự đoàn kết đồng tâm, hiệp lực của cấp ủy và chính quyền. Thống nhất càng cao trong lãnh đạo thì cơ hội thành công trong thực hiện nghị quyết càng lớn. Nhờ những quyết sách táo bạo ấy mà Lào Cai đã làm nên cú nhảy ngoạn mục của một chú Kanguru lực lưỡng.

Năm 1995, Lào Cai còn là một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước với nguồn thu ngân sách trên địa bàn chỉ hơn mười tỉ đồng, vậy mà đến năm 2000 họ đã bỏ túi một trăm bảy mươi tám tỉ. Rồi năm 2004 họ vẫy tay chào từ biệt nhóm các tỉnh nghèo để hãnh diện bước vào câu lạc bộ năm trăm tỉ đồng. Năm 2005 chưa qua hết nhưng sáu trăm tỷ đồng đã nằm trong tầm tay người Lào Cai...

Quả là một hiện tượng! Và “hiện tượng” Lào Cai đã tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều du khách và nhà đầu tư đến tìm cơ hội trên “mái nhà” này. Một trong những doanh nghiệp nhanh chân nhất có lẽ là hãng giày Bitis. Ra đi từ cửa khẩu Lào Cai, sản phẩm của họ đã đứng vững và nổi tiếng trên nhiều thị trường ở Trung Quốc. Và để minh chứng cho duyên nợ của mình với mái nhà Lào Cai, Bitis đã trích một trăm năm mươi tỉ đồng trong khoản lợi nhuận thu được xây hẳn một cao ốc đồ sộ mười bảy tầng ngay đầu cửa khẩu Lào Cai. “Trẫy hội lên Lào Cai làm ăn” câu nói vui của ông Giàng Seo Phử không phải không có lí khi chứng kiến cảnh tấp nập đến quá tải ở các bên tàu, bến xe. Mà quá tải thật. Trong hai tuyến liên vận Việt-Trung thì lưu lượng hàng hóa, phương tiện và người qua lại ở cửa khẩu Lào Cai gấp hàng chục lần cửa khẩu Lạng Sơn. Riêng đợt lũ quét vừa rồi, ba ngày đường sắt bị tắc đã dồn lại hàng trăm toa tàu chất đầy hàng xuất khẩu...

Trên “mái nhà” Đông Dương, một cánh cửa lớn đã bắt đầu mở. Tôi cũng đã từng chứng kiến một cánh cửa lớn mở ra ở miền Trung, đó là cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Và hơn một lần được bước qua cánh cửa đó để rong ruỗi trên suốt hành lang kinh tế Đông Tây từ miền Trung Việt Nam qua Trung Lào, đến Đông Bắc Thái Lan. Từ khi cánh cửa lớn Lao Bảo mở ra, cả một vùng núi rừng Trường Sơn như tỉnh dậy, bao tiềm năng, bao dự định cất giấu bấy lâu nay bỗng nổi dậy tưng bừng. Chắc không chỉ riêng tôi, mơ một ngày cũng được rong ruỗi trên hành lang mới mở từ cánh cửa lớn trên mái nhà Đông Dương này. Lúc đó, cái mái nhà này đã đổi thay, khang trang, hiện đại hơn bây giờ nhiều.

  Đ.N.H.

Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 133 tháng 10/2005

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

23 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

23 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

23 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

23 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground