Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nửa thế kỷ, Lũy thép - Lũy hoa

T

rong âm vang vó ngựa hào hùng của nhà Lý thịnh trị, năm 1069 , dưới thời Lý Thánh Tông, miền quê Vĩnh Linh đã được hình thành và năm 1075 được Lý Thưởng Kiệt cho vẽ vào bán đồ giang sơn Đại Việt. Miền quê này đã trải qua nhiều tên gọi, từ Ma Linh sau đổi thành Minh Linh (đời nhà Lý), Chiêu Linh (đời Hàm Nghi) và Vĩnh Linh (đời Thành Thái) cho đến nay. Nhiều tên gọi trong lịch sử, nhưng tên gọi ấn tượng nhất, đặc trưng nhất của một miền quê từng đảm trách sứ mệnh đầu cầu giới tuyến, tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu thuẫn giải phóng miền Nam, đó lả danh tiếng luỹ thép Vĩnh Linh. Đã tròn nửa thế kỷ, kể từ ngày lịch sử trọng đại 25-8-1954, ngày giải phóng huyện Vĩnh Linh, ngày mà tên thực dân Pháp xâm lược cuối cùng rút khỏi đất Vĩnh Linh, đất thép Vĩnh Linh đã qua biết bao mùa “nở đầy hoa thắng trận” và hoa dựng xây, cho muôn người được nức lòng “Bỗng nghe vần thông vút lên cao” trong thơ Bác hào sảng. Và như vậy, tôi muốn được gọi tên: luỹ thép-luỹ hoa. Xin được mượn hai chữ “luỹ hoa”, tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết về cuộc chiến đấu quyết tử của thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Một sớm mai nắng vàng rót mật xuống bát ngát xanh thẫm vùng đồi xã Vĩnh Thuỷ, tôi đã chạy xe "đánh võng" với từng cung đường đồi trồi trụt chập chùng, bươn bả với từng trang trại “mệt nhoài” như ong say mật nhưng tầm tay của tôi không sao với tới hết mỗi đời người, mỗi rừng cây đang ngày ngày mở ra mênh mông nơi đây. Vĩnh Thuỷ, miền quê nổi tiếng với làng Thuỷ Ba bắt cọp thuở xưa, với chiến khu Thuỷ Ba kiên cường, dạn dày chống Pháp mà dư vang còn truyền trong tráng ca “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Hướng về Nam, ai đã vô Đông Hà, đã đi Ngô Xá, đã qua Thuỷ Ba, Bích La, Triệu Phong...” với trận đánh ngày 11-11-1966 thắng lợi giòn giã, được Bác Hồ gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh “đánh giỏi, tháng lớn” chỉ trong một ngày đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái Mỹ, khiến Ních-xơn, Tổng thống Mỹ đã phải cay đắng thú nhận đó là “ngày đen tối nhất của không lực Huê Kỳ”. Miền quê anh hùng đó trong thời bình giờ đây chính là nơi tiêu biểu về phát triền kinh tế trang trại của huyện Vĩnh Linh. Có hộ cả hai đời cha, con cùng làm trang trại, con vừa làm, vừa học theo cha, cha truyền nghề và bàn giao dần công việc cho con để "hạ sơn" lúc tuổi già, đó là hộ cha con ông Dương Biều và anh Dương Minh. ông Dương Biều ở Thuỷ Ba Tây, Vĩnh Thuỷ đã cùng con lên vùng đồi của xã khai phá đất làm ăn ngay từ khi vùng này hãy còn chưa có dự án kinh tế mới, rồi trở thành một trong những hộ đầu tiên trồng thí điểm cây cao su ở Vĩnh Thuỷ. Sau nhiều năm miệt mài đánh vật với đất, với thử thách vàng đá của thời gian, ông Biều nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ, anh Minh khi đi theo cha vỡ đất hoang là 29 tuổi nay đã 40 tuổi, cha con ông đã luyện nên mỡ màu cho đất và được đất đai đền bù bằng một cơ ngơi cây con phong phú, giàu có: 16,3 ha cao su, gần 800 gốc tiêu, 1 mẫu sắn để chăn nuôi lợn, cá, 4 sào mặt nước nuôi 2500 con cá/năm, 3 con trâu để cày kéo và lấy phân bón, tất cả cho tổng thu nhập 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, "vàng trắng" luyện nên từ đất đỏ đã cho nguồn thu khá nhất, triển vọng nhất. Anh Minh cho biết với 5 ha cao su đã đưa vào khai thác, anh đã thu nhập bình quân từ cao su 160.000 đồng/ngày, lúc được giá là 250.000 đồng/ngày, tính ra, bình quân thu từ cao su 2,5 triệu đồng/tháng. Cứ với mỗi ha cao su đưa vào khai thác năm thứ 3 thu dược từ 18-22 triệu đồng/năm, trong mấy năm tới đây, khi 16,3 ha cao su của trang trại cha con ông Biều đều được đưa vào khai thác năm thứ 3 cả, sẽ cho tổng thu đạt trên dưới 300 triệu đồng, một con số triệu phú. Cây đã thuộc đất rồi, mà người cũng phải thuộc cây nữa, thì nước nguồn "vàng trắng" mới ứa tràn chan chứa. Anh Minh say kể với tôi về cái bí quyết khá điệu nghệ của một “người thuộc cây”.

- Hiện tôi cạo được 30 kg/ha, với cây cao su khai thác năm thứ 3, trong lúc đó, bà con chỉ cạo được 22-23 kg/ha thôi. Tôi cạo được nửa bát, vợ tôi lúc đầu chỉ cạo có tráng bát thôi, vì tay chưa dẻo. Lúc cạo, đừng miết dao mà chỉ cần "xoác" dao phía ngoài thôi, lát cạo đưa nhanh, mủ chảy nhiều. Miết dao làm toe mủ .

- Hoá ra, cũng có khi, tay đàn ông dẻo hơn tay phụ nữ - Tôi chợt đùa để cho anh Minh đắc ý ngầm, chị Minh được thẹn thùng cùng chồng như thuở còn người dưng nước lã.

Đất lành chim đậu. Ngoài cao su, cây công nghiệp chủ lực, đất vùng kinh tế mới xã Vĩnh Thuỷ đã du nhập ca những cây mới từ xa tới như cây vải thiều Lục Ngạn, Hà Bắc. ông Đỗ Duy Thảo, quê ở Mỹ Lộc, Nam Định, đi bộ đội vào đất lửa Quảng Trị từ nám 1 96 1 , lấy vợ ở Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh, lên lập nghiệp ở vùng đồi Vĩnh Thuỷ đã 7 năm nay, nhận thấy đất đồi Vĩnh Thuỷ và Lục Ngạn, Hà Bắc giống nhau, chàng rể Vĩnh Linh người Bắc này đã đem cây giống vải thiều Lục Ngạn vào "bén duyên" với đất Vĩnh Thuỷ trước lạ sau quen. Từ lúc đầu, năm 1998, chỉ mới trồng thử 40 cây, đến nay, trang trại của ông đã có đến 700 cây vải thiều đứng chân, những lứa cây đầu đã cho thu hoạch được vài tạ, ba năm nữa sẽ thu rộ tất cả. Tôi đi theo ông Thảo như thôi miên, như lạc trong vùng đồi trang trại của ông, ông khoát tay chỉ ra mênh mông xanh tốt cây rưng, cây cao su vùng rừng hàng chục ha bên cạnh, chỉ ra dưới chân đồi, một hồ cá rộng mới đắp đập, tạo một nét hữu tình sơn thuỷ, rồi quay nhìn gần xuống chỗ mình đang đứng, cạnh những cây vai thiều nhú đầy lộc nõn, có nhiều cây cam sành đã xanh đậm lá cành mà trên thân còn đeo tấm giấy "cặp chì" bọc ni lông ghi tên nguồn gốc cây giống ở Vĩnh Long, miền Nam. ông này thạo làm vườn đây, tôi thầm nghĩ. Bước lạo xạo trong tiếng đất soi vùng đồi cày vỡ, ông Thảo nói rành rọt như nhà thổ nhưỡng:

- Đất sỏi ở Lục Ngạn nhạt màu, không đỏ, chứ sỏi ở đây là sỏi son, rất hợp với cây vải thiều. Vải thiều ở đây ngon hơn Lục Ngạn do đất tốt hơn, tỷ lệ giờ nắng cao hơn. Hấp thu nắng nhiều, quả vải có lượng nước ít, trở nên dòn và ngọt hơn. Vải Lục Ngạn quả to hơn nhưng mềm, bệu, ăn không ngon bằng.

Trở về trong vườn nhà ông Thảo, ngồi dưới bóng râm mát cây vái thiều, tôi thấy dưới từng gốc cây, ông Thảo đặt từng thùng gỗ nuôi ong. Ông nuôi được 15 đàn ong, ong lập đàn, xây tổ trong 1 5 thùng, cho mật ngọt 4-5 lần trong năm. Từng bầy ong chui ra, chui vào thùng gỗ, tiếng ong vo ve tròn trịa làm óng vàng cái nắng vùng đồi đậm đà hương mật đất đai, cây trái. Cả một cơ man các loài hoa: hoa cây rừng, cây trăm hoa vàng, hoa cao su, hoa vải thiều, hoa chôm chôm, hoa cam sành... cho những bầy ong nuôi hút mật no tròn.

Các hộ lên khai phá vùng đồi, đứng vững “chân đồi” được là nhờ nguồn lực của “chân đồng”. Nhiều năm qua, năng suất lúa Vĩnh Linh, nói như anh Trần Hữu Chút, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh là đã "được bẫy lên", từ sản lượng 23 ngàn tấn năm 1995 đã lên đến 35,5 ngàn tấn năm 2003, từ chỗ thiếu ăn (năm 1990) đã tiến đến cân đối được lương thực và có "dôi dư" bán ra thị trường. Nhờ vậy, nhân dân có điều kiện đầu tư khai thác tiềm năng đất đồi, đất đỏ, phát triển những cây, con có giá trị kinh tế cao như cây lạc, từ 1000 ha năm 1995  nay nâng lên 2300 ha, nhất là cây cao su tiểu điền, Vĩnh Linh làm khá nhất, từ 1900 ha năm 1995  nay nâng lên 4500 ha, trong đó có 1000 ha đã cho "vàng trắng"... Lấy đồng nuôi đồi và lấy ngắn nuôi dài. Chủ tịch huyện Trần Hữu Chút kể tôi nghe một chuyện hơi hướng nghe như chuyện... trạng mà không trạng: "Có lần, ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ về thăm vùng cao su tiểu điền xã Vĩnh Hoà. Ông Tạn hỏi dân: Lúc nào thì trả được vốn vay trồng cao su? Dân nói ngay: Bây giờ trả được, vì bên dưới cây cao su đã có các cây ngắn ngày cho thu nhập như lạc, môn...".

Trên đất luỹ thép-luỹ hoa Vĩnh Linh, cái mới đã nảy sinh bằng cây mới, giống mới, đặc biệt, cái mới còn nảy sinh bằng nghề mới, chưa hề có trong công nghiệp Quảng Trị. Giờ đây, đi qua thị trấn Hồ Xá nhộn nhịp, tất bật chợ trên, chợ dưới, mọi người không thể không để mắt tới một nhà máy mới vừa mọc lên, đó là Nhà máy giấy và bao bì của Công ty TNHH Bắc Trung Bộ. Các anh Phan Đình Sơn, giám đốc và Nguyễn Ngọc Quý, trợ lý giám đốc Công ty TNHH Bắc Trung Bộ đã dẫn tôi vào hai phân xưởng của nhà máy, một phân xưởng giấy và một phân xưởng bao bì, với 3 dây chuyền có tổng công suất 10.000 tấn/năm. Từ một công ty hình thành năm 2001, chỉ chuyên về xây dựng cơ bản giao thông, thuỷ lợi..., giờ chuyển qua một nghề mới chưa từng có trong công nghiệp Quảng Trị là nghề sản xuất giấy và bao bì, Công ty TNHH Bắc Trung Bộ đã thuê chuyên gia Trung Quốc chuyển giao công nghệ trong 4 tháng và thuê chuyên gia về sản xuất giấy ở trong nước "cố vấn" thêm về kỹ thuật. Trong rào rào tiếng máy quay đều, trải ra từng thảm giấy trắng tinh mà các nhà kinh doanh đã chọn để đề tên thương hiệu hàng hoá của mình lên đó, anh Quý nói với vẻ phấn khởi, tự tin: "Nhà máy mới bước vào sản xuất đã tiêu thụ hơn 100.000 cái bao bì các loại. Hiện COSEVCO (Tổng Công ty xây dựng miền Trung) cần 3000 cái bao bì/ngày, nhưng chúng tôi chưa đáp ứng kịp. Do chưa đủ hàng, chúng tôi chỉ mới cung ứng hai ngày một chuyến khoảng 5000 cái". Bước đầu, Nhà máy giấy và bao bì của Công ty TNHH Bắc Trung Bộ chỉ mới sản xuất giấy ka-ráp, sau đó sẽ sản xuất nhiều loại giấy khác, ngoài giấy ka-ráp là các loại giấy đúp lệch màu trắng và vàng, giấy rô-ki làm bìa vở học sinh, giấy vệ sinh. Nhà máy có tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 20 tỷ đồng, đã đầu tư 14 tỷ đồng, thu hút gần 200 lao động với mức lương bình quân 500.000 đồng/tháng. Đề bắt kịp với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng in ấn nhãn hiệu hàng hoá, Nhà máy đặt mua một máy in Trung Quốc giá 500 triệu đồng, mỗi năm dự kiến in khoảng 5 triệu bản. Anh Quý dự cảm: "Cùng với việc mở rộng, phát triển các khu công nghiệp, nhu cầu bao bì cần nhiều, thị trường giấy bao bì là rất lớn". Điều mà anh Quý đã dự cảm, đương nhiên là đúng rồi, nhưng để dẫn tới thành công của một hướng đi đúng, điều đó tuỳ thuộc vào việc nhà máy phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Và những "cú hích" của tỉnh Quảng Trị về ưu đãi, về hỗ trợ đầu tư dành cho nhà máy trong bước đầu "khám phá" nghề mới là rất cần thiết. Cho giấy nở hoa và hoa "thương hiệu nhiều nơi nở trên giấy Bắc Trung Bộ. Tôi nghĩ rằng, hoa giày Bắc Trung Bộ phải biết nở trong kiêu sa để không phụ với mảnh đất "Máu và Hoa" đã nuôi dưỡng nó, bởi lẽ, khi các nhà kinh doanh đã chọn trang giấy miền luỹ hoa để trao gửi đoá hoa thương hiệu dấu yêu của mình, họ đã nhận được niềm vinh danh từ một mảnh đất nức tiếng thế giới của Việt Nam: Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng... Và vì thế, đoá hoa thương hiệu thêm rạng rỡ. Một ngày nào đó, anh Sơn, anh Quý được in những thương hiệu nhãn mác về đặc sản biển Cửa Tùng, về sản phẩm du lịch Cửa Tùng chẳng hạn, hương giấy Bắc Trung Bộ sẽ càng lan toả sâu hơn, xa hơn. Nhưng để được xứng đáng thì phải nỗ lực thật nhiều, anh Quý, anh Sơn!

Về với biển Cửa Tùng, nơi của những thương hiệu du lịch và đặc sản biển nổi tiếng, tôi xuống bến cá Cửa Tùng, xã Vĩnh Quang và bỗng thành người "đi chợ cá", dẫu đã chiều rồi, chợ vẫn lao xao mua bán. Vĩnh Linh có khá nhiều mô hình làm giàu từ nuôi trồng thuỷ sản, phát triển kinh tế biển, nhưng tôi xin chọn ở miền biển Cửa Tùng một mô hình, tạm đặt tên hơi lạ là “lấy ngư nghiệp nuôi du lịch” đó là mô hình của hộ anh Nguyễn Xuân Công, ở thôn An Hoà 1, Vĩnh Quang. Ngồi trong nhà anh Công, ngôi nhà trở mặt ra trước bến cá Cửa Tùng, tôi cảm nhận biển đã ở trong nhà anh bằng mùi hương nằng nặng, mặn mà từ gió biển hào phóng phả vào, biển ở trong nhà anh khi tôi thấy có người mang đến cho anh những con tôm to mới bắt được ngoài biển về làm giống. Anh Công đã mở cơ sở sản xuất tôm giống Thành Công đặt ven biển tại Vịnh Mốc, Vĩnh Thạch từ năm 2001, mở sớm nhất vùng Vĩnh Linh và sớm hơn cả cơ sở Nhà nước của ngành thuỷ sản. Nguồn vốn đầu tư huy động từ 5 anh em bà con với anh Công, gồm 500 triệu đồng xây dựng nhà trại, mua sắm máy móc và 300 triệu đồng vốn lưu động cho một vụ sản xuất. Cơ sở của anh Công đã sản xuất được 3 năm, 6 vụ bình quân mỗi năm bán ra 20 triệu con tôm post (P12-P15) và vài ngàn con tôm bố mẹ, thị trường bán ra ngoài tỉnh Quảng Trị còn có các tỉnh thành Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế... Trong năm 2003, cơ sở của anh Công đã làm ăn khá "trúng", doanh thu đạt 900 triệu đồng, trừ chi phí ra, lãi ròng 500 triệu đồng. Nghề sản xuất tôm giống mà mấy anh em anh Công học được do tình cờ mà cũng do cơ duyên: vùng Của Tùng có nguồn tôm mẹ rất phong phú, thế là mấy anh em anh Công theo nghề buôn bán tôm mẹ, rong ruổi dặm dài mang bán khắp Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Thuận..., tận mắt thấy người ta nhân tôm giống, từ đó học hỏi, thuê thầy, thuê thợ về làm theo. Và làm đàng hoàng, bởi nghề gì cũng phải đặt chữ tâm làm đầu. Có lần, anh Nguyễn Xuân Nam, anh ruột anh Công, phụ trách kỹ thuật cơ sở tôm giống này dẫn tôi xem các bể sản xuất tôm giống (tất cả 30 bể, 180 m3 nước/vụ sản xuất), vừa soi đèn pin cho tôi lần đầu thấy những con ấu trùng tôm nổi li ti hình mũi kim, vừa "triết lý" nghề nghiệp: "Tôm mẹ vùng Cửa Tùng cỡ 2-3 lạng/con, các nơi khác thấp hơn. Mỗi con đẻ chừng 3-4 lần, đẻ đầy trại là cho phóng sinh chứ không giết, không ăn tôm mẹ. Tôm mẹ cho đẻ quá nhiều lần sẽ dẫn đến chất lượng tôm giống thấp. Làm nghề phải lấy chữ tín. Ở trong Nam, có nơi cho tôm mẹ đẻ mãi cho đến khi chết luôn. Đang đà tấn tới, anh Công dự định mở thêm một trại nuôi tôm giống nữa với 24 bể, mức đầu tư 300 triệu đồng. Nhờ tích luỹ từ nghề nuôi tôm giống, anh Công đã làm được một "tuyệt chiêu”: bỏ ra 1,2 tỷ đồng xây dựng một khách sạn 15 phòng bên biển Cửa Tùng, sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 4-2004. Cũng như nghề nuôi tôm giống, nghề kinh doanh khách sạn tới đây của anh Công một phần nào đó đã được sự mách bảo nhạy cảm từ... con tôm, từ bạn hàng mua tôm giống." Khách đến nghỉ ở Cửa Tùng khi thừa, khi thiếu-anh Công nói về cung cầu của nghề mới-có khi mình đặt phòng nghỉ cho bạn hàng cũng không có, hết phòng".

Như đã nói, nhà anh Công trở mặt ra cửa lạch Cửa Tùng, nơi cuối dòng Bến Hải, nơi đôi bờ Vĩnh Quang, Vĩnh Linh và Trung Giang, Gio Linh sẽ được nối với nhau vĩnh viễn bằng cây cầu Cửa Tùng "tầm cỡ 53 tỷ đồng" đang được thi công bắc qua. Cầu Cửa Tùng là một chiếc cầu có vai trò đặc biệt, không chỉ là cầu dân sinh mà còn là cầu du lịch nối thông tuyến Cửa Việt Cửa Tùng-Hiền Lương-Vịnh Mốc. Nhìn ra những cần cẩu dựng ngất trời xanh đang chờ cẩu búa cho những nhịp cầu được gióng giã đóng xuống, trước mặt nhà anh Công, tôi nghĩ, có lẽ nào, anh Công lại không nhạy cảm với du lịch được. Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, lòng bỗng nghẹn trào khi nghĩ về những năm tháng bi hùng, khi cầu Hiền Lương bị chia đôi, khi cầu Cửa Tùng chưa thể bắc qua, khi dòng Bến Hải quặn thắt trong nỗi đau “dòng sông một bờ”, đôi bờ vẫn qua về với nhau son sắt bằng nhịp cầu lòng dân bền chặt. Thuở ấy, để ngăn chặn, đập tan từ trong trứng nước âm mưu của địch đánh phá Vĩnh Linh và miền Bắc, ta phải tạo ra cách "đánh trong lòng địch". Tôi đã gặp ông Lê Viết Trinh, quê ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, Gio Linh, 69 tuổi, đã được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, người từng chỉ huy tổ tình báo K1 do Công an vũ trang Vĩnh Linh xây dựng từ năm 1962 ở bờ Nam sông Bến Hải, nghe ông kể chuyện đánh trong lòng địch. Trong 5 thành viên cua tổ K1, có một người làm trưởng đài truyền tin cơ yếu quận Trung Lương (thuộc huyện Gio Linh ngày nay) của địch, nhờ vậy, ông Trinh đã biết được cái khoá mật mã của những bản tin địch thường truyền từ giới tuyến Nam sông Bến Hải vào Sài Gòn. Nắm được tin của địch, ông Trinh báo cho bờ Bắc biết qua "hộp thư", theo ngày đã định trước trong tháng. Lúc đột xuất, ông Trinh đích thân vượt sông Bến Hải trong đêm để báo tin sang. ông nhẩm tính, tù năm 1962 đến 1967, trong suốt 6 năm, ông đã vượt sông Bến Hải 600 lần. "Khi không phải vượt sông thì gói tờ giấy viết tin trong ni lông, gọi là "hộp thưa rồi giấu hộp thư tại một vị trí đã định trên bờ sông, hoặc buộc thư sâu dưới nước vào một que sáo đã định cua trộ sáo đơm cá trên sông, người của ta biết mà đến lấy-ông Trinh hào hứng say chuyện-trong thực tế, cung đã có 'những hộp thư của đồng đội mình bị địch biết, địch đã sao thư, sao xong, địch để lại nguyên dấu vết, có khi ta không biết thư đã bị sao. Để đề phòng địch sao thư, tôi thường làm dấu riêng cho thư của mình, chẳng hạn buộc một sợi tóc vào thư người nhận thư thấy sợi tóc còn, chứng tỏ thư không bị địch sao". Nhiều chiến công phá vỡ âm mưu của địch, bảo vệ bờ Bắc đã được bắt đầu từ những nguồn tin rất giá trị do tổ K1 của ông Trinh cung cấp. Tôi đã hỏi đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đôi Biên phòng tỉnh Quảng Trị, nguyên trưởng ban trinh sát Công an vũ trang Vĩnh Linh để "xác minh" về giá trị những bản tin của tổ ông Trinh. ông Hà đã lục tìm cuốn sổ đỏ có từ năm 1959 mà ông đã ghi các sự kiện đáng nhớ trong đời hoạt động trinh sát của mình, với nét mực không mờ theo năm tháng, vừa đọc sổ, vừa kể: "Tổ ông Trinh đã cung cấp nhiều tin giá trị như tin toán biệt kích nguỵ định đánh phá loa phóng thanh đầu cầu bờ Bắc, phá cầu Hiền Lương. Biết trước ý đồ của địch, ta đã tăng cường lực lượng bảo vệ. Bại lộ, địch xoay qua đánh cầu tre Thượng Đông làng Huynh Thượng, Vĩnh Sơn, lúc đó là vào năm 1965. Được cơ sở ông Trinh nắm tình hình, cung cấp sơ đồ, ngày 12-12-1966, ta đã bắt được tên Nguyễn Ngọc Sung, lưới trưởng lưới B334, thuộc toán gián điệp "A-l1-Bắc Ải Vân", Bộ tổng tham mưu nguỵ, lưới này chuyên thu thập tình hình ta. từ Vĩnh Linh Tên Sung này nguyên là huyện uỷ viên Gio Linh đã đầu hàng, phản bội. Tên này chính là nguyên mẫu của nhân vật Trần Sùng trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Ông Trinh còn cung cấp tình hình hoạt động của tên Phương, tên ác ôn khét tiếng quận Trung Lương, cái loa phát ngôn cho hệ thống truyền thanh Nam sông Bến Hải chuyên nói xấu miền Bắc, được nguỵ phong là "Anh hùng chống Cộng trên sông Bến Hải”. Nhờ vậy, lúc 23 giờ ngày 26-7-1963, ta đã tìm đến đúng chỗ tên Phương để trừng trị hắn bằng một phát súng côn".

Từ những lần đôi bờ Bến Hải đã nối với nhau bằng nhịp cầu lòng dân thuỷ chung mà “Nhịp cầu K1” của ông Trinh là một trong muôn vàn minh chứng, cho đến giờ đây, “Dòng sông một bờ” đau thương thuở nào đã có nhiều cầu nối, cầu Hiền Lương hiện đại, cầu Hiền Lương phục chế, và nay mai, cầu Cửa Tùng thông xe nữa; lịch sử đã có nhiều bước chuyển ngoạn mục. Cầu nối vào tương lai đã rộng thênh thang. Với cây cầu Cửa Tùng đang bắc, với con đường du lịch Cửa Tùng-Vịnh Mốc lượn qua thềm biển, với nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã và đang được xây nên nhộn nhịp như khách sạn của anh Công, khách sạn của các cơ quan đơn vị khác..., bãi tắm Cửa Tùng đang mang một dung nhan mới, làm lộng lẫy thêm cho ngôi vị "Nữ Hoàng của các bãi tắm". Nhờ vậy trong năm 2003, bãi tắm Cửa Tùng đã có một mùa tắm kỷ lục từ trước đến nay: lượng khách đông gấp đôi năm trước, kế hoạch thực hiện đạt 200%. Đi đi về về với biển Cửa Tùng, ngắm nghía “hòn ngọc của các biển thừa lương” như người Pháp đã công nhận, thưởng thức một vẻ đẹp đã được tả rất điệu đàng trên trang sách Tiếng Việt lớp 4, Nhà xuất bản Giáo dục mà con tôi đem khoe với tôi: “Người xưa đã ví bờ biển Cửa Tùng giống như một chiếc lược đồi mồi cài vào mái tóc bạch kim của sóng biển”, trong tôi cứ trở đi, trở lại một ý nghĩ: cái nhà nghỉ mát của toà khâm sứ Huế xây năm 1896, sau đó, vua Duy Tân sử dựng từ năm 1907, có tên gọi là nhà Thừa Lương Cửa Tùng, nay dấu vết không còn, nhưng vị trí của nó từng đặt ở đâu bên biển Cửa Tùng? Trong ký ức của những người già đã ngoài 80 tuổi ở Vĩnh Quang mà tôi dò hỏi, nhà Thừa Lương thuở ấy đặt ở vị trí Đồn biên phòng 204, Cửa Tùng hiện nay, nhà lợp tranh, dựng trên một cái cột to. Cạnh nhà Thừa Lương, còn có một ngôi nhà nữa mà quan phụ đạo người Pháp dùng làm nơi để dạy vua Duy Tân. Những ngôi nhà này chỉ liên quan đến những tên thực dân đô hộ, ăn chơi thì không có gì đáng bàn. Nhưng những ngôi nhà này đã gắn với một phần đời của vua yêu nước Duy Tân, thế mà tại những vị trí này, hiện vẫn không có một tấm biển nào được cắm lên để ghi dấu ẩn bước chân ông vua yêu nước. Chính tại Cửa Tùng, vua Duy Tân lúc mới 16 tuổi đã nói một câu nổi tiếng còn vang mãi trong tâm thức lịch sử của người Việt: "Tay nhớp lấy nước mà rửa, nước nhớp lấy chi mà rửa". Cái nhục nước nhớp vì thực dân, đế quốc, Vĩnh Linh tuyến đầu và Quảng Trị cùng cả nước đã rửa sạch rồi. Sứ mệnh mới là sớm đưa nước thoát nghèo, trở thành nước giàu, nước công nghiệp vào năm 2020, Vĩnh Linh cùng cả tỉnh hẳn đã và sẽ có phần gánh vác xứng đáng của mình, cho đẹp mãi danh luỹ thép-luỹ hoa.

N.H

Nguyễn Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 117 tháng 06/2004

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

5 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground