Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ô Lâu- Bến chữ

T

ôi đi theo xe của Đài Truyền Hình Quảng Trị. Nhận giúp thêm anh em bên “nhà đài” một vài ý để sẽ có được cái phim mà tôn vinh sức học của đất này.

Về phúc kinh, Câu Nhi mà tìm. May ra. Tôi có nói vậy với anh em. Bởi có chút kỷ niệm hồi trên núi với Trần Hoàn. Lần nào đó, gặp nhau giữa rừng. Trần Hoàn, Thanh Hải, Trần Nguyên Vấn và tôi. Chúng tôi đốt nứa khô, đun nước, pha trà và mọi sự khởi động chuyện văn chương, thời thế đều đổ dồn ngôn lực vào xứ Huế. Như Huế là mục tiêu của mọi hành trình. Bỗng Trần Hoàn lia một hòn đá nhỏ xuống con suối xanh lơ.

Đang ngồi trên đất quê mình đó nghe. Trần Hoàn chỉ tay về hướng đông và nói sôi nổi. Bờ bên kia mới là Thừa thiên. Bên ni về nữa, về xa nữa là Mỹ Chánh, Câu Nhi, Phúc Kinh ... rồi nước sông Ô Lâu lại vòng nhập vào đất Huế.

* * *

Tôi cũng đã có đôi ba lần. Về đêm. Về nhận gạo của dân góp nuôi mình. Khi lặng lẽ trong đội hình một đại đội, trong một tiểu đoàn. Ngậm tăm mà ríu bước theo nhau. Nhìn thấy đủ dòng sông, bến đá nhưng chỉ hai màu đen trắng. Hối hả vào cho được nhà một bà mẹ. Hít hít vào lồng ngực chút mồ hôi gian lao muôn thuở của đồng bằng. Đổ được vài chục lon gạo vào bị vào túi mà đeo lên vai. Rồi “chào mạ, chào em” mà bước vội. Về lại đến vùng đồi giáp ranh đã thấy nhớ bà con. Đưa ngón tay nào lên chót lưỡi cũng còn nếm được sức bùi bùi, thơm thơm của cám.

Một đời, tôi không sửa được cái thói cực đoan trong nếp nghĩ. Tôi ăn hạt gạo trăm miền nhưng đinh ninh rằng câu thơ nào của tôi cũng còn giữ chút dư vị bùi ngùi của cám gạo đồng bằng Quảng Trị. “Gạo Triệu Hải đỏ đằm ngang sóng vỗ. Vượt Trấm rồi rộn rã mái chèo khua”. Thơ ca Việt Nam thời chống Mỹ chấp nhận cho tôi chút thơm bùi ấy vào thi pháp.

Cái lão nông của làng Phúc Kinh khăn áo chỉnh tề như vào hội tế. Cảnh vào phim đã có đạo diễn truyền hình sắp xếp. Tôi thắp một nén hương tỏ lòng tri ân và xin phép được lượm lặt vài con chữ để khi phim dựng xong sẽ được minh xác trong lời bình.

Tại sao nơi là Phúc, nơi là Phú? Vậy là Phúc Kinh hay Phú Kinh?

Dạ ở làng tôi hiểu sao cũng được. Phúc hay Phú cũng là mình.

Vâng. Khoán ước của làng khắc lên bia gỗ phục tùng nguyên bản của năm 1774. Phúc chưa là húy tự của thời ấy. Thời ấy là Lê Triều.

Tôi hỏi lại niên đại trùng tu cuối cùng của ngôi miếu thờ.

 Dạ mới sau ni. Giải phóng Miền Nam được hơn chục năm gì đó.

Năm mà cả nước nhai hạt bo bo trẹo răng phải không?

Dạ phải phải.

Đói kém vậy lấy chi mà làm?

Dạ rứa mới thần tình. Câu trả lời này của trưởng thôn hay bí thư chi bộ gì đó. Tôi không để ý.

Ai đề xướng?

Dạ, cả làng.

Xã, huyện đồng ý chứ? Tôi quay sang trưởng thôn.

Dạ, hồi đó em còn nhỏ tuổi. Nhưng biết là xã huyện đồng tình. Ý dân mà bác.

Tôi nắm lấy tay anh. Giá anh ta là môn sinh đi thi hương, thi hội gì đó, tôi cho điểm. Tôi khuyên một vòng tròn son đỏ vào cái mệnh đề chắc nịch “Ý dân mà bác”.

                                                    ***

Tôi không dám nói năng nhiều. Đạo diễn truyền hình đã cho tôi bản dịch khoán ước làng Phúc Kinh. Khoa sử Đại Học Huế đã giúp bà con ở đây việc này, Rồi tôi sẽ đọc. Phim rồi cũng chỉ trích một đoạn về khuyến học để minh chứng một góc văn hiến có cội nguồn. Điều mà ở hội khuyến học Quảng Trị, Thầy giáo Trương Sĩ Tiến muốn gợi nhắc vào tôi. “Quảng Trị không nhiều khoa bảng. Ngàn đời nay trí lực luôn phải vắt kiệt vào hai tiêu chí, chống lại sức tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và dập tắt cường bạo ngoại xâm. Nhưng con dân xứ này tìm ra một hướng thích hợp. Tự học mà đứng lên”. Cái hướng ấy đang trước mặt tôi. Khắc trên phiến gỗ mít. Dựng phiến gỗ lên là chạm mái ngôi miếu thờ. Bản khoán ước có tuổi đời ba trăm. Có nét khắc chìm vào thư mộc một phần ba ly. Chiều rộng chiều dài phiến gỗ chỉ vẻn vẹn  bằng một con đò ngang. Vậy mà tôi trên con sông thời gian khi thong dong khi nhọc nhằn để mong đợi khúc có người đón con chữ lên bờ.

To nặng thế này thì cất giấu vào đâu? Tôi hỏi một trưởng tộc trong làng.

Dạ cũng không cất giấu vào đâu được!

Vậy mà còn?

Dạ...

Tôi nhìn mấy chấm lõm. Đó là vết bom bi găm vào. Vết thách thức láo xược của nền công nghiệp chiến tranh tận bên kia bán cầu. Dân Phúc Kinh đang nghiêng nghiêng về phía linh nghiệm của đất trời và thần thánh. Tôi không dám nán lại. Tôi nghĩ khác hơn. Cả hai tên đế quốc xâm lược đều mù tịt ngôn từ này. Nhưng nếu bình định xong xứ này, chúng sẽ “Cẩu” lên tàu. Nhờ hạm đội 7 Hoa Kỳ chở về. Tôi thấy người Mỹ cũng rất ham cổ vật. May thay, dân Phúc Kinh đã khôn ngoan. Cắm xuống đáy ao, lấp vào bụi rậm. Mà cũng lạ thay, không ai dám kể công lao này.

Thưa bác dân làng, tôi muốn rõ thêm điều này. Vậy là di vật quý báu này không lọt vào tay ai cả. Kẻ thù gian tham. Nhưng còn lụt lội... Tôi đã nếm được trận lụt năm 1950 ở thượng nguồn Ô Lâu.

Các vị bô lão bổ sung những thủy hỏa tiếp nối năm 1976, năm 1983, 1985 và như mắt ai cũng hải hùng mà dừng lại ở cái ngấn nước năm 1999.

Dạ còn kịp gác lên rường.

Cứu lúa, cứu người đã là công trình vĩ đại của người dân Hải Hòa, Hải Lăng năm lụt đó, cứu một văn bằng luật lệ, “Viết” ra thành quy ước của tổ tiên thì phải xếp công lao đáng nêu gương tột bậc của muôn đời. Không phải di huấn trong một đấng bậc nào trong thiên hạ mà quy ước để sống với nhau trong một cộng đồng. Dựa trên cơ sở đạo lý của nho học, trên kinh nghiệm tồn tại mấy trăm năm theo các vương triều Lý Trần vào lập xứ mà đặt ra một thứ luật lệ đầy tính nhân văn, dân chủ và công khai. Điều mà ở thời ta sống hiện tại phải trầy trật mấy mươi năm mới chụm đầu bàn luận lại.

Khoán ước làng Phúc Kinh có điều về khuyến học sau các lời khuyên khác về nông, ngư…” Con em trong làng nên trau dồi lễ nghĩa, ra sức cần kiệm, con trai bắt đầu từ Bảy, Tám tuổi nên dạy dỗ ở bậc tiểu học... những trẻ ngây ngô, ngọng liệu thì khuyến học việc nông trang...”

Phần dành cho con gái là ngoài các điều khuyên chung còn có việc gia chánh, việc tằm tơ canh cửi.

Và tổ tiên làng Phúc Kinh hạ một câu: “Việc nuôi dạy con người phải có cái gì khác với nuôi loài cầm thú...”

Đó là một làng. Một làng nằm mép nước sông Ô Lâu. Và như là làng nào bên tả ngạn sông Ô Lâu thuộc đất Hải Lăng xưa cũng đều vậy cả. Trên dưới hai chục đời người đã sinh cơ lập nghiệp để làm cho sông Ô Lâu có bên. Những bến chữ của sĩ khí văn phong.

                                                               ***  

Tôi nhấc máy điện thoại gặp thầy giáo. Võ Văn Hoa. Anh Hoa là phó phòng giáo dục Hải lăng và chỗ quen biết còn là anh đã có những bài thơ viết về cái nền học của quê nhà. Anh Cảnh cứ từ làng Phúc Kinh mà lui ra phía trước quốc lộ I. Tìm vào cho được nhà của con cháu họ Bùi. Đó là quê của một ông tiến sĩ cách ta dăm bảy trăm năm.

Vâng Vâng, tôi sẽ đến. Ở đó có còn dòng tộc Nguyễn nữa. Cội rễ của nhạc sĩ Trần Hoàn. Nhưng tôi muốn biết việc anh đang làm. Được không?

Hải Lăng hiếu học. Điều đó ngày nay có thể chấm đếm từ Vĩnh Linh vào, Hải Lăng biết giữ truyền thống của cha ông. Điều đó cũng đã rõ. Nhưng bước đi của chữ nghĩa thì mỗi miền quê một khác. Đã có lần tôi kể với bạn bè tôi ở Quảng Trị rằng mười anh chị tôi được gặp trên miền Trường Sơn trong thời đánh Mỹ thì quá nửa là có cái chữ oặt èo. Mà đâu phải dân Đakarong, Hướng Hóa. Đã có lần tôi nghe Ông Lê Chưởng kể rằng chi bộ Phường Sắn của ông lúc thành lập có bảy anh em. Năm đảng viên là dân thất học. Bước nhọc nhằn ấy là tồn tại khách quan. Bài căm thù giặc có khi chỉ cần học truyền khẩu. Tốt nghiệp không cần văn bằng chứng chỉ. Chỉ một cái nghiến răng là xách cây súng lên đường. Suốt mấy chục năm trên rừng, tôi không gặp bao giờ cảnh chất vấn về học bạ, bằng cấp của một chiến đấu viên nào.

Lại nhọc nhằn bước nữa. Không ít kẻ tưởng rằng kéo được ngọn cờ đại thắng lên chóp đỉnh vinh quang mà đâu cần là anh cử, anh tú, thì việc kiếm cái no cái ấm là cần chi phải tính đêm ngày. Có một khúc nhọc nhằn bước chữ. Lập công trạng bằng cái gậy mà vì mù tối bước chữ để gậy đập lưng ông. Lại phải gióng lên hồi trống báo động về sự học. Ngặt là một thời tâm thức cạn hẹp. Thiếu gì người dối giả vòng quanh. Coi sự học là mặt hàng mua bán được.

Tôi là người làm thơ. Việc học ở trường ít ỏi, chắp nối, song được bù đắp bởi một phương pháp. Dám ngửa tay xin khắp thiên hạ những hiểu biết để làm người. Nhưng nhà thơ. Có lẽ cũng na ná như việc học của cha ông thời trước. Giá tôi chọn âm nhạc, con đường tự học khó mà dắt dẫn lên tài năng lớn. Đó là khoa học về âm thanh, giai điệu. Đó là từ ký âm pháp đơn giản đến hòa âm, phức điệu. Đó là sự nhú mầm của một năng khiếu bẩm sinh đi lên chỗ tận cùng của khoa học.

Tôi theo đoàn làm phim vào một gia đình ở thôn Đông của làng Phúc Kinh. Hai vợ chồng cày cấy gieo trồng lúa nước. Rồi nhờ hạt gạo nuôi bốn đứa con ăn học. Bao nhiêu lúa gạo đong vào bì, bịch cũng chỉ đủ đánh đổi cho con cái chữ. Càng lên bậc học cao hơn, tỷ giá hoán đổi càng cao hơn.

Mừng cho anh chị. Tôi mở đầu câu ấy để làm quen. Nghe nói các cháu học khá. Anh chị dám gánh hết nhọc nhằn để các con học hành.

Dạ. Cũng phải rứa. Ngặt là đứa xong việc ở Đà Lạt về, đứa đang theo ở Đà Nẵng. Một đứa sẽ kết thúc bậc trung học năm nay. Và thằng út đang vào lớp tám. Thóc lúa làm ra không kịp. Mà đó là nói năm mưa thuận gió hòa. Như năm trời đất cướp công là cơ cực lắm.

Chỗ khó ấy là của Quảng Trị. Đặt tất cả mọi bài tính lo toan cho một nhà, một huyện và cả tỉnh trên hạt lúa thu về. Vậy mà nơi này nơi nọ chẳng thiếu gì người dũng cảm hi sinh. Dốc hết hạt lúa cuối cùng cho việc học. Bởi chỉ có thể đánh đổi được sự no ấm giàu sang của mai sau bằng cái chí dùi mài việc học. Kể cả việc trồng lúa. Tôi đã nghĩ đến chuyện vợ chồng người tôi đang tiếp chuyện. Rằng chẳng phải ngồi mà đợi, mà chờ các con. Học để gặp cho được sự ấm no trên mảnh ruộng của mình. Mười lăm năm gần đây công cuộc học để làm đã khá lên nhưng chắc chưa dừng lại đó.

Cô con gái đầu lòng xinh xẻo bưng khay nước ra chào

Cháu học xong năm nào?

Dạ mới năm ni

Chuẩn bị đi làm chứ?

Dạ, còn chờ có việc mà xin đã!

Đó là nghịch lý. Ngặt nghèo chẳng kém gì thủy họa thiên tai. Tôi chợt nghĩ đến một điều gì đó mà không tiện nói ở nơi này. Đó là những hoạch định từ một cấp lãnh đạo, cấp điều hành xã hội cao hơn. Tôi tự dặn mình “Trong lời bình cho cuốn phim về khuyến học, phải đề xuất thêm điều này cho mọi người cùng nghĩ”.

***

Ngồi đàm đạo với thầy Trương Sĩ Tiến có vài giờ. Ông cho tôi tất cả các văn bản có liên quan đến một công việc lớn của quê hương ông. Hội khuyến học Quảng Trị ra đời.

Chậm vậy sao anh?

Ông Tiến hướng về tôi. Tôi là người làm thơ. Dễ một chữ dùng mà trăm nghĩa hỏi. Nhưng sau cặp kính của người già trên mặt ông, tôi đọc được lời tâm đắc. Quảng Trị có khó khăn mang tính đặc thù. Sự chậm trễ đến bồn chồn gan ruột nhưng lực bất tòng tâm.

Anh đã đến với Hải Lăng khi lụt lội băng đồng. Tưởng chừng trôi hết thảy. Ông tiến hạ giọng xuống cung bậc rưng rưng. May mà còn chữ ở lại. Con chữ ở lại vì còn trong tâm thức con người. Sau có hai mươi chín tháng, tính đến ngày khai giảng năm nay. Sự thúc đẩy mau lẹ ấy như có thần phúc độ trì.

Tôi đọc được sức cuộn chảy tâm huyết đó trên từng dòng chữ hán quy ước của làng Phúc Kinh. Chảy qua ba trăm năm thành sông, thành dòng, thành bến. Xong công việc làm phim, tôi chưa chọn được cái cớ gì để nán lại. Tôi ra xe để quay về Đông Hà. Xe dừng ở phía cây bắc cầu Ô giang. Chỗ ngã ba thơ mộng ấy, tôi nhìn xuyên thấu thời gian. Tôi gặp lại róc rách đầu non một nhánh suối. Gặp lại tâm thức Trần Hoàn khi nhạc sĩ mơ màng về bến dưới Ô Lâu. Dưới sông, đâu từ phía chợ Câu Nhi, một tốp học trò đang ngược lên lối rẽ vào nhà thờ họ Bùi. Như chữ a, chữ b của thời nay đang muốn tìm vào kính tạ vị tiến sĩ đã dốc lòng khai phá, đắp xây cho muôn đời sau một bến sông. Bến tình, Bến chữ.

P.N.C

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 102 tháng 03/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground