Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ông lão dưới chân núi Linh Sơn

Từ dưới đồng bằng nhìn lên, dãy Trường Sơn điệp trùng những núi và núi. Núi ken nhau lớp lớp, tầng tầng dài ngoài ngàn dặm như một đàn voi của đấng Trời Đất đang tung vòi trẩy lên phương Bắc. Đàn voi thần ấy chẳng biết bắt đầu cuộc trường chinh tự bao giờ, nhưng đích thực khi qua vùng đất Vĩnh Linh, một chú thiên tượng đã cao hứng chạy ra khỏi đàn, tung tẩy trên thảm lụa vàng của vùng Vĩnh Thủy, cơ chừng thật phỉ chí tang bồng. Trong sử sách phong kiến còn lưu, chú thiên tượng đó chính là ngọn núi có tên Linh Sơn. Ấy thế nhưng dân tứ chiếng chẳng mấy ai biết và gọi đến cái tên sang trọng này. Họ cứ một mực truyền từ đời này sang đời khác cái tên "quai nôi" là Đôộng Lòi Reng.
 

Ngọn Linh Sơn, hay Đôộng Lòi Reng ấy hẳn là nét kỳ thú của tự nhiên bởi giữa bát ngát mênh mông vùng đồng bằng sải mỏi cánh cò của các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long... lại bất chợt trồi lên một ngọn núi. Tuy đỉnh núi không có mây vờn, sườn non chẳng có giống hùm beo nhưng hiện hữu của Linh Sơn giữa chốn bình điền chính là cái duyên sơn thuỷ cho mảnh đất này vậy. Vào những ngày trời đẹp, trèo lên điểm cao nhất của Đôộng Lòi Reng, nơi cái đầu của con voi khi đứng nhìn ra biển lại thấy đảo Cồn Cỏ như con rùa vàng mới ngoi lên khỏi mặt nước, bơi mãi hoài giữa đại dương bao la. Rùa vàng Cồn Cỏ cùng voi núi Linh Sơn tạo nên hình thể Qui - Tượng độc đáo và hẳn là tác nhân thiên địa tới cốt cách nhân sinh trong lớp người bản xứ. Hồi chúa Nguyễn đem binh ra đánh nhau với chúa Trịnh ở  giới tuyến sông Gianh, khi ngang qua đây thấy voi thần phục chầu ra Bắc đã nổi giận sai lính đánh một trăm trượng thật đau rồi thích chữ vào đá đổi tên Linh Sơn thành Bất Nghĩa Sơn. Đến thời chống Mỹ, điểm cao 74 của Linh Sơn đã giúp quân dân Vĩnh Linh thắng lớn nhiều trận, tạo nên ngày đen tối đầu tiên của không lực Hoa Kỳ trên đất miền Bắc, các anh lính pháo binh ta đã nhất mực “minh oan” cho Bất Nghĩa Sơn thành Bất Khuất  Sơn.

* * *

Ở dưới chân núi Linh Sơn có một làng quê hàng thiên kỷ nay tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra phía con sông Sa Long uốn lượn như thân rồng đổ về phía cầu Hiền Lương mà ra Cửa Tùng. Ở đó có một ông lão năm nay xấp xỉ tuổi tám mươi mà cốt cách phong nhan còn được dân làng ví như ngọn Linh Sơn đường bệ. Thượng thọ đến vậy hẵn là bậc "cổ lai hy" trong thiên hạ. Riêng với ông, tám mươi năm, dưới chân ngọn Linh Sơn, nhất cử nhất động vạn vạn nỗi thăng trầm như chính mảnh đất Vĩnh Linh quê nhà cũng đủ để cho người vô thần nhất cảm được khí chất của đất đai Linh Sơn hiển linh mồn một.

Ông lão vốn chẳng có tên. Hay nói đúng hơn, giống như phả danh của ngọn Linh Sơn người ta gọi là Đôộng, Đôộng Lòi Reng. Còn ông, dân làng gọi ông là ông Út. Một cái tên truyền thống nhất trong những di sản về truyền thống văn hóa của làng quê Quảng Trị. Nó phản ánh cái khó nghèo, lam lũ của người nông dân Vĩnh Linh, mà hầu như nhà nào cũng thế, sinh con ra giữa đồng đất, theo nghiệp cấy cày mà chẳng đủ thời gian để tìm cho con một cái tên, cứ thế mà gọi con trai đầu gọi là Cu Nậy, con trai út gọi là Cu Út. Lớn lên, kẻ đi học, người đi làm ăn xa có chút chữ nghĩa thì đổi tên khác cho đỡ quê mùa. Riêng ông Út quanh năm đầu tắt mặt tối, lam lũ ruộng vườn, một chữ cũng không biết nhờ ai dạy bảo, ông quên mất chuyện phải tìm cho mình một cái tên. Vậy nên thời gian bàng bạc đã đưa Cu Út lên Eng Út và đưa mãi đến thành ông Út bây giờ. Ngót tám chục năm rồi nhưng tên ông Út vẫn là một danh từ đẹp nhất trong những danh từ riêng mà người Đức Xá quê ông cảm nhận, dù đó là ai, một chú mục đồng lên bảy, hay vị lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh. Nói cho đúng hơn thì ông cũng có một cái tên nhưng chỉ để lưu truyền trong sổ sách giấy tờ, và cũng chẳng do cha mẹ mà do Cách mạng đặt cho. Dựa vào những đặc điểm cá nhân ông trong hoạt động phong trào, các vị lãnh đạo địa phương đã “đặc cấp” cho ông cái tên: Hoành! Vì thế trong lý lịch, bản thân ông Út có đủ họ tên là Trương Hoành. Cách đây hơn một năm, trong phong trào "uống nước nhớ nguồn", “đền ơn đáp nghĩa" cánh nhà báo chúng tôi đã lặn lội về các làng quê để ghi lại những sự tích, những nhân vật anh hùng nức tiếng một thuở chiến tranh đang tiềm khuất quá vãng trong cuộc sống khốn khó của đời thường. Và thật tình cờ tôi đến được dưới chân núi Linh Sơn để gặp ông lão họ Trương ấy.

Tôi còn nhớ có một bác nông dân nhiệt tình cùng lóc nhóc sáu bảy đứa trẻ dẫn tôi từ đường lớn vào nhà ông Út. Chỉ một quãng đường chưa tới trăm mét mà bỗng chốc tôi có cảm giác như người nông dân bạc phếch áo vải nón cời kia đang hóa mạo thành một guide thượng thặng để hùng biện về những chiến công của ông Út trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ông Út có vóc người lừng lững, cao lớn. Ở tuổi bát thập mà phong độ vẫn còn như lực điền tráng niên đất Vĩnh Thủy thời chuyên phụng chỉ Hoàng đế bắt sống cọp dữ tiến cống kinh thành. Người làng bảo hồi còn trai trẻ, ông Út vật ngã bốn, năm người là chuyện thường. Một nhà báo đồng nghiệp ở Vĩnh Linh dặn tôi: "Chuyện ông Trương Hoành anh có thể đọc lại trên các số báo Nhân dân và Quân đội nhân dân những năm chống Mỹ, có thể nghe một số cán bộ lão thành đã nghỉ hưu ở Hồ Xá, hoặc nghe dân làng Đức Xá kể cũng được. Họ biết rất nhiều về ông, nhưng anh nên nghe tự ông kể là hay nhất". Nghe lời bạn, tôi mới nhận ra một điều: Giai thoại về ông trong dân gian có nhiều và thực hay, nhưng cảm nhận từ chính ông mới đúng “gu” của người viết lách. Bởi chẳng vì ông có khiếu kể chuyện (ngược lại) mà chính là cái mà ông không hề đã động đến công lao, cống hiến của mình như một bản thành tích cá nhân. Câu chuyện của ông thật sự gây xúc động cho cả người kể lẫn người nghe. Đó là những hoài niệm về một thời trai tráng nghĩa khí của người Linh Sơn. Tôi đã nghe ông kể nhiều lần về chuyện cũ và mỗi lần như thế giọng ông nghe thật thẳm và loãng ra, điệp một màu lam chiều trên ngọn Linh Sơn trầm mặc. Bóng dáng ông Út lại thấp thoáng giữa điệp trùng trai tráng Thủy Ba, trên cả những sự tích. Tôi cảm giác như ông Út thích kể chuyện xưa để thỏa cái niềm tiếc nuối của con đại bàng già không còn dọc ngang thanh thiên. Bọn trẻ làng hầu như đứa nào cũng thuộc các kỳ tích của ông Út, chúng tự hào về cha ông và non nước Linh Sơn. Nghĩa khí ấy hẳn sẽ theo bước đường con trẻ mãi tới tận chân trời góc bể nay mai.

Ông Út cẩn thận lôi từ trong tủ thờ ra một bộc to dốc xuống sàn nhà một đống những Huân, Huy chương đủ kiểu, đủ màu áng chừng hai ki lô. Tôi nhẩm đếm có hai mươi lăm tấm Huy chương công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", trong đó có mười tám chiếc đánh số liên tục mười tám năm liền: Có những năm ông được tặng thông đến hai Huy chương vì thành tích sản xuất và chiến đấu. Tôi cũng đã từng ngồi đếm hàng chục tấm Huân chương khác mà Nhà nước đã tặng cho ông Út trong những năm chống Mỹ. Nào là Huân chương lao động hạng hai, Huân chương chiến công hạng hai, Huân chương Quyết thắng hạng hai, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều loại Huân, Huy chương vẻ vang khác. Những tấm Huy Chương đầy ắp quá khứ là những kỷ vật thiêng liêng của một nông dân như ông. Chúng gợi nhắc một quãng đời hoành tráng của bản thân, của quê hương trong những ngày khói lửa.

Những ngày khói lửa... Năm 1944 chàng thanh niên họ Trương tham gia lực lượng cách mạng địa phương làm tiểu đội trưởng tự vệ cho Ủy ban kháng chiến Khánh Đức hoạt động dọc tuyến hành lang từ vùng địch hậu chiến khu Thủy Ba. Khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cuối, ông làm trung đội trưởng tự vệ cùng anh em cải trang thành nông dân kéo về đồng bằng làm mười mẫu ruộng lấy thóc gùi lên chiến khu trước mặt của ba đồn Tây còn đóng trong vùng. Năm 1953, huyện tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Vĩnh Thuỷ, bà con tham gia trên một ngàn người. Ông Út ngồi gác cách đó chừng một cây số. Tiết trời se lạnh, nhá nhem, ông thấy phía sau lưng tốp bà con đến dự mít tinh có một đám “nông dân" ngậm tăm mà hình như ai nấy đều dấu vật gì cồm cộm dưới lần áo vải ra chừng súng đạn. Không kịp báo tin đến Ban tổ chức, ông ném hai quả lựu đạn vào đội hình địch, lựu đạn nổ ầm ầm, bọn lính đứa ngã, đứa tháo lui chúi đầu xuống ruộng, bắn như vãi đạn về phía ông... Nhắc lại kỷ niệm ấy, ông Út lần tay xuống bắp đùi, viên đạn của chúng còn cồm cộm theo ông hơn bốn chục năm nay. Thỉnh thoảng trở trời nó như mọc tay chân, quẫy nhẩy lung tung trong cơ thể. Ông bảo có hề gì, vì đêm đó tuy ông bị thương nặng, máu me đầm đìa nhưng cuộc mít tinh giải tán an toàn, tránh được một cuộc thảm sát đẫm máu dân làng dưới mấy chục ngọn tiểu liên. Năm 1957 tổng kết kháng chiến, ông Út xứng đáng là đại biểu duy nhất của huyện Vĩnh Linh được ra Hà Nội dự Đại hội Quyết thắng toàn quốc và gặp Bác Hồ.

Ông Út mân mê một tấm Huân chương màu bạc lấp lánh, bàn tay ông run run. Hồi ức một ngày đầu năm 1965. Người Vĩnh Linh có ai không nhớ cái ngày Mỹ ném bom đầu tiên khởi xướng một cuộc tàn sát hủy diệt kéo dài tám năm trên đất giới tuyến.

Riêng với ông Út đó là ngày mà ông đã tới tận cõi chết và quay trở về. Hôm đó đúng ngày 8 - 2 - 1965 khu vực Vĩnh Linh triệu tập Đại hội Công Nông Binh xuất sắc. Ông Út cùng ba mươi mốt đại biểu khác xuống ẩn nấp tại một căn hầm của Đại hội, ngay giữa vùng tọa độ. Khi lắng tiếng bom, người ta đào lên ba mươi mốt liệt sĩ, riêng ông Út còn thoi thóp, toàn thân bị phỏng và bị sức ép trào máu khắp tai, mũi, miệng. Sau ba tháng nằm viện ông Út chống gậy về làng, các bác sĩ thán phục: "Những ca như thế cầm chắc tử vong thôi, thật là một người có sức khoẻ phi thường". Lại có người tin rằng bởi trong ông có thần Linh Sơn phù trợ. Còn ông chỉ cười, nói trạng: "Trung đội trưởng dân quân, chưa bắn Mỹ phát nào, chết sao nhắm mắt nổi".

Những ngày đánh Mỹ, núi Linh Sơn quê ông là một trận địa pháo phòng không. Ông Út khoác khẩu súng trường K44 nặng chịch thoắt ẩn, thoắt hiện từ đầu làng, đến cuối xóm, khi ra đồng lúc lên nơi sơ tán của bà con. Ông cùng lực lượng dân quân đào công sự cho bộ đội, cày cấy trên đồng lúc lặng yên và giăng lửa đạn lên trời mỗi khi máy bay đến. Dứt mỗi trận bom, ông lao vào cứu chữa nhà cháy, hầm sập. Ngày đó đất Vĩnh Thuỷ dưới chân Linh Sơn thật ác liệt, hoang tàn. Nhưng khí thế đánh Mỹ của dân Linh Sơn thì ngày càng như lửa cháy. Ông Út kéo sập cả ngôi nhà gỗ quý rộng năm gian của mình để làm hầm trú ẩn cho bộ đội phòng không. Và cả nước nhớ mãi ngày 11 - 11- 1966, khi sáu chiếc máy bay Mỹ bốc cháy trên bầu trời Linh Sơn, đó là ngày đầu tiên đen tối của bọn không lực Hoa Kỳ trên đất Bắc Việt. Còn ông Út trở thành người dân Vĩnh Linh đầu tiên bắt được giặc lái Mỹ.

Ông còn nhớ rất rõ lúc đó khẩu K44 đen trũi trong tay đang góp lửa trên trời thì một chiếc máy bay bổ nhào bùng cháy to như cái nhà kho lừng lững giữa trời. Một chiếc dù đỏ bật ra. Phi công! Ông Út bất chấp trên đầu cả bầy máy bay quần đảo, xốc súng lao theo bóng chiếc dù đang nương gió dạt về phía núi. Thằng Mỹ vừa xuống đất đã tháo dù mở máy bộ đàm liên lạc với đồng bọn. Người ta đã dạy ông khi gặp giặc lái Mỹ là hô to "Hen sơ ấp” hay "hen sơ ủ” gì đó, ông quên béng cả, vả lại ông có biết chữ đâu mà nhớ.

Tốt nhất là tiếp cận rồi bất thần quật ngã thằng giặc. Thì ra cũng chẳng khó gì, lại dễ hơn việc ông vật con bò đực hồi trước. Ông Út đập vỡ cái máy nhỏ đang rè rè như dế kêu ra chừng làm hiệu liên lạc rồi dong thằng thiếu tá Mỹ về làng. Cả bộ đội và dân làng lần đầu tiên thấy thằng Mỹ bằng xương bằng thịt kéo nhau đến rất đông. Có người ức quá vác rựa xông váo đòi róc, đòi chém cái đầu, cái tay để trả thù. Bụng ông Út cũng muốn phanh thây hắn ra, nhưng trông hắn thiệt thiểu não, không như khi đang gầm rú trên trời. Ông lựa lời giải thích chính sách tù binh của Nhà nước rồi đưa hắn về hầm mình trú ẩn. Vợ ông đem ra rổ sắn luộc và nồi nước chè đứng đũa mời hắn ăn bữa "bày". Thằng Mỹ loay hoay trước món “đặc sản” không hề có trong cẩm nang tự cứu rồi vừa ăn vừa "thank you” rối rít. Thế rồi khắp Vĩnh Linh truyền nhau bài vè về ông Út, trong đó có đoạn:

Trương Hoành điệu bộ ra oai

Bắt giặc lái Mỹ giơ tay xin hàng.

Các báo lớn ở Trung ương, báo, đài Khu vực chụp hình đăng bài về ông như là một bông hoa chống Mỹ rực rỡ nở rộ trên vùng núi Linh Sơn.

Lại một tấm Huân chương nữa lấp lánh trên đầu ngón tay chai sần của ông già Linh Sơn. Người ta hãy còn nhắc đến chuyện chôn cất liệt sĩ của ông Út như là một sự kiện kỳ lạ nhất trong công việc mai táng. Thời đó, sau những trận oanh kích dữ dội của giặc Mỹ, có những hầm trúng bom, thây văng trăm mảnh, đầu vương bờ tre mà tay chân vắt ngọn mít. Ông Út tỉ mẩn kiếm tìm thu lượm, bất kể cảm giác nhờn nhờn mỡ người trên hai tay suốt cả ngày. Nghĩa tử là nghĩa tận, há chẳng phải là phần ruột thịt của mình đó sao, ông nghĩ thế và làm thế. Những ngày đó ông hay đi qua một quãng đồi đến nơi sơ tán của bà con dân làng. Có một mộ liệt sĩ trẻ của bộ đội pháo phòng không do chính ông mai táng mấy hôm trước bị bom đánh bật lên, phơi trên mặt đất nóng rảy, bốc mùi nồng nặc. Ông một mình đào huyệt táng lại. Chiều về, sau một loạt bom tọa độ, nấm mồ ấy lại bật lên ông chôn xuống, đến mai bom lại xúi lên... Ngày qua ngày, ông Út táng lại ngôi mộ liệt sĩ ấy đến năm lần như thế, thằng giặc mới chịu để yên cho.

Năm 1967 giặc Mỹ không thực hiện hiệp định ngừng bắn ở Vĩnh Linh, việc đưa bà con tản cư ra Bắc bằng xe ô tô không triển khai được, đã có xe chở bà con bị trúng bom thương vong nhiều bên Hồ Xá. Ông Út cùng nhiều anh em dân quân khác của Vĩnh Thủy đã xung phong cáng võng những cụ già và thương binh ra Bắc. Chặng đường khiêng cáng thật vất vả và xa xôi từ Vĩnh Linh ra tận Hà Tĩnh. Người thuộc diện đưa ra Bắc thì nhiều mà lực lượng vận tải lại ít ỏi. Không ngần ngại ông đã xung phong làm việc bằng hai. Thế là ông cùng ông Tào, ông Cư đảm nhiệm khiêng hai cáng. Một người đi sau, một người đi trước, còn ông Út đi giữa và hai đòn khiêng trên vai, gánh hai người trên võng. Như thế, nhóm khiêng cáng lạ lùng của ông Út đã vượt qua hàng ngàn cây số lên dốc xuống đèo, băng qua hố bom, hố pháo ròng rã ba mươi ba ngày trời để đưa mười bảy đồng chí thương binh và cụ già ra nơi tập kết an toàn.

Sau chuyến vận tải "hành khách" vô cùng độc đáo đó, ông Út được giao tham gia vào một chuyến vận tải "hàng hóa” khác không kém phần đặc biệt gian khổ. Ông có nghe các vị chỉ huy trên huyện kể về một "đoàn tàu không số” cảm tử chở súng đạn từ Hải Phòng vô tận Vũng Rô nhiều chuyến an toàn bằng đường biển. Và ông noi gương họ chỉ huy đội hải thuyền cơ động bí mật chở súng đạn vào chiến trường Quảng Trị. Đó là vào thời điểm đầu năm 1968, ông chỉ huy ba thuyền có mười hai dân quân cảm tử.

Đêm xuống, thuyền của họ bốc đầy súng ống đạn dược từ Hồ Xá lặng lẽ xuôi về sông Bến Hải qua cầu Hiền Lương theo dòng Cánh Hòm vượt qua đất Gio Linh vào tận Mai Xá, Cửa Việt. Một tháng trời như thế "đoàn thuyền không số" của ông Út đã vượt qua về giới tuyến, khôn khéo tránh máy bay, pháo hạm của địch, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí tiếp tế cho quân ta ở phía Bắc Quảng Trị, góp phần vào chiến thắng của quân dân Gio Linh, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị.

Chiến tranh kết thúc, ông Út được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Huyện triệu tập ông đi dự hết Hội nghị này đến hội nghị khác và như hồi chống Pháp kết thúc, ông được dịp ra Hà Nội báo cáo thành tích của mình. Và cũng như xưa, báo cáo của ông Út là bản độc đáo nhất, có thể nói có một không hai trong Hội nghị tầm cỡ. Vì rằng ông chẳng biết chữ, lên diễn đàn, trước hàng ngàn người ông chỉ kể đơn giản nhất công việc của một dân quân xã, bằng ngôn ngữ của đất đai quê nhà.

Sau hơn một tháng, trên ngực lấp lánh Huân chương, ông Út về làng treo khẩu K44 đen trũi lên vách, cùng bà con dân làng xây dựng cuộc sống mới bên chân núi Linh Sơn còn nham nhở đạn bom và ngổn ngang sự tàn phá. Tưởng thế đã yên, ai ngờ dòng máu nghĩa hiệp, yêu người của trai Tổng Thuỷ vẫn còn nóng chảy trong cơ thể ông lão. Ông tham gia phong trào tập thể, gương mẫu trong lao động sản xuất. Hàng chục năm liền làm Hội trưởng phụ lão và Hội bảo thọ, có nhiều công lao trong gìn giữ trật tự an ninh thôn xóm. Ông Út bỗng dưng được mọi người tôn vinh là "già làng" thực sự của người Đức Xá. Nhà nào có việc gì cần là có ông, đoàn thể có việc gì cần lại có ông. Ông tham gia bàn bạc, ông xắn tay áo làm, ông phân tách trái phải, vận động mọi người tham gia, nhất là các phong trào của tập thể. Người làng coi ông là bậc mẫu mực trong cuộc sống để mà noi theo...

Tôi đã từng về gặp bà con Đức Xá, cả với những người như ông Trần Xuân Liêu bí thư Đảng cơ sở hay ông Phan Ngọc Hùng Chủ tịch UBMTTQVN huyện Vĩnh Linh đều là những cán bộ ở Vĩnh Thủy, biết hết hoạt động của ông Út. Có một điều ai nấy đều sửng sốt, ngạc nhiên khi chợt nghĩ ra rằng: vì sao ông Út công lao như thế mà giờ đây không được hưởng một chế độ nào của Đảng và Nhà nước dành cho người có cống hiến. Các vị lãnh đạo địa phương ở xã và ở huyện đều nói: Ông Trương Hoành rất xứng  đáng được coi là công dân tuyệt vời nhất trong số những công dân tuyệt vời của Vĩnh Thuỷ. Mặc dù Nhà nước chưa phong tặng cho ông danh hiệu Anh hùng nhưng đã từ lâu nhân dân Vĩnh Thủy chúng tôi luôn coi ông là người anh hùng thực sự của quê hương.

Chuyện ông Út không được phong tặng anh hùng và những thắc mắc của bà con bỗng nhiên rộ lên từ ngày mà Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách đổi mới về chế độ với người có công trong kháng chiến. Ông Út hàng ngày phải điểm chỉ, chứng nhận công lao cho nhiều đồng chí, bà con địa phương đã từng hoạt động cùng mình để họ làm các thủ tục kê khai cần thiết. Nhưng còn ông, chết đi sống lại, thương tật chiến tranh như thế mà đến cái thương binh hạng nhẹ cũng không có. Cũng có lúc ông nghe người bà con vào tận Đà Nẵng để khám giám định, nhưng vì thể lực mạnh quá cho nên không một thông số nào giúp ông lọt qua. Với lại ông chẳng muốn chạy vạy, bươn bả vì chút lợi công danh, ông nói: "Tôi suy nghĩ và tôi làm việc tốt, chính là vì tình cảm với bà con làng xóm, với gia đình, tổ tiên chứ đâu phải để vì được cất nhắc hưởng lợi về sau”.

"Thật là thiếu công bằng hết sức, có người trong chiến tranh rúc hết bờ này bụi nọ trốn việc, trốn giặc, đạp phải mảnh chai thành tật rồi chạy được sổ thương binh. Còn những người như ông Út, công lao ai cũng biết, thế mà tám chục tuổi vẫn phải cùng bà vợ già lặm cặm cuốc moóc nương vườn để kiếm cái ăn nuôi thân". Một nông dân ở Đức Xá đã bực tức thốt lên như thế. Tôi chẳng hiểu lời của bác nói có đúng không, nhưng nhìn lại gia cảnh ông Út thì quả thực ông gánh chịu nhiều thiệt thòi. Băn khoăn vì điều đó tôi đã dò hỏi nhiều nơi về trường hợp của ông, vì sao chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Chuyện thật là dài và mỗi người mỗi ý. Có người khẳng định hồi đó ông được xét để làm thủ tục nhưng ông lại "nhường" cho người khác. Có người cho rằng vì không biết chữ nên ông Út không thể đọc được báo cáo thành tích trước các Hội nghị mừng công. Cũng có người giải thích là vì chẳng ai đứng ra "chạy" cho ông... Chung qui cũng bởi thủ tục tiến hành mà thôi. Tôi biết rằng có nhiều cá nhân đơn vị cơ sở công lao thành tích ngày xưa thật xứng đáng để được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng chẳng ai đứng ra để làm thủ tục, giấy tờ cần thiết mà trình lên cấp trên. Vì vậy trong khi hết đồng đội này, đơn vị bạn nọ lần lượt nhận lãnh vinh quang thì bản thân dù vinh quang hơn thì vẫn tiềm khuất trong ký ức người trong cuộc, trong vỏ bụi thời gian.

Hình như ông Út không muốn nói đến chuyện so sánh người này kẻ nọ để khẳng định công lao của mình. Ông vẫn cặm cụi bên mảnh vườn dưới chân núi Linh Sơn, vẫn năng nổ đến từng cửa, từng nhà bà con làng xóm để giúp điều tốt. Người Anh hùng của làng quê dù bao thăng biến vẫn đường bệ như ngọn núi Linh Sơn quê nhà. Dẫu chẳng phải non cao, núi thẳm, kỳ vĩ, ảo huyền, chỉ là một quả núi đá cách mặt biển vẻn vẹn bảy mươi tư mét thôi, nhưng cũng đã cho một làng quê tựa lưng hàng thiên kỷ, đủ để chắt khí, nước tạo dựng cốt cách cho những thế hệ người ưa làm điều nghĩa hiệp, và cũng đủ để cho người đời đứng xa trăm dặm vẫn rõ mồn một hình thể thiên tượng giữa chốn bình điền.

 

Trại viết Cửa Tùng 7-1996

Đ.N.H

Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 24 tháng 09/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

20 Phút trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

3 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground