Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Qua dòng Thạch Hãn

T

ết năm rồi, vì quá chén với bạn bè nên mãi đến đêm 28 Tết tôi mới đáp tàu từ Thành phố mang tên Bác về quê ăn Tết. Mấy chục năm mới gặp nhau, chẳng ai nỡ từ chối “chén tạc chén thù” nên ngồi trên tàu mà tôi có cảm giác như đi trong sương gió. Mãi đến khi nhà tàu giới thiệu trên loa rằng chúng tôi sắp tới quê hương của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn và sau đó là lời ca của một ca sĩ cất lên vừa du dương vừa tha thiết “bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về..." tôi mới tinh tỉnh. Nhưng bài ca “Câu hò trên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp và Đằng Giao ấy vừa chấm dứt thì tôi lại mơ mơ màng màng. Khi nhà tàu giới thiệu đoàn tàu của chúng tôi sắp qua sông Thạch Hãn thì nhiều cửa sổ bỗng bật mở và hàng trăm bó hoa trắng muốt được thả xuống dòng sông tặng cho hồn các chiến hữu của tôi đã chốt giữ Thành Cổ năm nào. Và, cũng vừa lúc đó, trong sự mơ màng của mình, tôi trông rõ hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh năm ấy rẽ nước, bay khỏi mặt sông. Mặt sông duyềnh lên, nước rơi lã chã tạo thành muôn ngàn đốm bạc lung linh huyền ảo như trong các truyện thần thoại của “Nghìn lẻ một đêm” ở xứ Bát Đa ấy. Họ lao qua các cửa sổ về quê ăn Tết với gia đình, làng xóm. Vì không còn ghế nên họ đứng hoặc ngồi vào lòng chúng tôi. “Người” ngồi vào lòng tôi là một chiến sĩ chừng 20 tuổi, trông quen quen. Tôi cố nhớ xem mình đã gặp cậu ta ở đâu. Có lúc như đã chộp được thì cái tên của cậu ấy lại trôi vào mung lung. Mãi sau, dễ chừng phải đến mươi phút, một chiến sĩ đứng gần đó hất hàm về phía cậu ta hỏi:

- Huỳnh ơi! Lại về Đồng Sâm với cái Sơ đấy à?.

 Trời! Đầu óc tôi sao mà mê muội đến thế. Tay ngồi vào lòng tôi này là Lê Văn Huỳnh, người làng Đồng Sâm, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Hắn với tôi vào trường Đại học cùng một năm và cùng “gác bút nghiên theo việc đao binh” một đợt. Năm 1972 ấy, chúng tôi đang học năm cuối cùng của đại học Xây Dựng thì nhập ngũ. Tôi vào Nam Bộ, Huỳnh vào Quảng Trị và cậu ta đã nằm lại trên bờ sông Thạch Hãn này. Hồi đầu năm tôi có được xem lá thư của cậu ta viết cho vợ trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” mà Bảo tàng Thành Cổ đã đào được trong hài cốt của cậu ấy. Tôi vỗ vai hỏi Huỳnh:

- Tớ cũng không rõ tại sao cậu viết lá thư ấy đề ngày 11/9/1972 mà cũng chữ cậu, ở cuối thư cậu lại viết cậu hy sinh ngày 2/1/1973?.

- Có gì mà lạ. Tớ chuẩn bị đi vào “cõi ấy” trước khi chúng ta thất thủ Thành Cổ năm ngày. Nhưng cái “bố” Nam Tào uống rượu say túy lúy hay sao ấy mà suốt từ ngày 11/9/1972 đêm ngày 2/1/1973, vị chi là một mười hai ngày, bố ta vẫn không dập tên tớ, mặc dù ngày nào tớ cũng đưa hàng qua sông Thạch Hãn.

- Vậy tại sao cậu lại biết chắc chắn là ngày 2/1/1973 cậu sẽ “đi”!?.

- Vì sao ấy à? Vì khi chúng tớ để mất Thành Cổ thì bọn chúng dấn tới. Chúng mở liên tiếp ba cuộc hành quân mang tên “Sóng Thần” là “Sóng Thần 36”“Sóng Thần 45”và “Sóng Thần 18” với ý đồ hất chúng tớ về rừng, chiếm lại phần đất đã mất trong năm 1972 để làm cái giá mặc cả với phái đoàn ta ở Hội đàm Pa-ri. Tình hình chiến trận lúc ấy căng như cái dây kéo co, chỉ cần chúng tớ nản lòng một chút là bên kia sẽ thắng. Trong thế trận lúc ấy, mũi chốt chặn của quân ta ở làng“Nhan Biều 1” không còn một viên đạn B41 nào. Với chúng tớ lúc ấy, Nhan Biều là danh dự của người lính, hai trung đội gùi đạn vào đấy, vừa đi vừa hát, na ná như tay Ga-vơ-rốt hát khi lên chiến lũy trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của đại văn hào Vích - to Huy - gô. Nhưng cả hai trung đội này đều đi “thám hiểm lòng sông Thạch Hãn”. Lòng tự trọng của trung đội tớ nổi lên, chúng tớ không thể thua cái tay loắt choắt Ga-vơ-rốt được. Thế là tớ viết vội ngày đi ấy vào cuối lá thư và gói nhiều lần túi ni lông, cho vào túi ngực rồi đi và hát như tay Ga vơ-rốt của cụ Huy-gô.

- Vậy cậu còn cầm lá thứ đó không và có thể cho tớ đọc được không?.

- Sao lại không.

Thế là tay Huỳnh trao lá thư cho tôi đọc. Còn hắn đứng dậy, cùng với hàng trăm linh hồn vừa bay từ mặt sông Thạch Hãn lên xe, ôm vai nhau, lắc lư hát bài “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Lá thư này, tay Huỳnh viết cho mẹ, cho anh em, cho đứa cháu đích tôn và cho vợ mới cưới chưa đầy bảy ngày của cậu ta. Trong đoạn cho vợ, cậu ta viết: “Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất. Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại làm theo lời anh dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày ở cuối lá thư. Em hãy đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Nếu được sống đến ngày hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại, hỏi thăm về Nhan Biều 1. Nếu tính theo xuôi dòng nước thì ở cuối làng...

Em thương yêu! Nhận tin này em hãy báo tin cho người bạn của anh mà ngày nào đã có dịp về ta chơi, theo địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, xóm Chính, thôn Hoàng Trì xã Hoàng Thắng, Hoàng Hóa, Thanh Hóa rằng Huỳnh đã hy sinh ngày 2/1/1973.

Thôi. Anh đi đây, Chào tất cả gia đình và làng xóm, quê hương”.

Đọc thư, tôi không sao cầm được nước mắt. Sao lại có những con người bi hùng đến vậy, những con người đi vào “cõi vô cùng” mà thanh thản đến lạ kỳ. Tôi còn đang sụt sịt thì cậu ta trở lại ngồi bên tôi, vỗ  vai tôi bảo:

- Văn! Việc gì phải sầu não. Vài năm nữa cậu cũng trở thành người thiên cổ như tớ thôi mà. Vậy từ ngày chúng tớ nằm lại bên hữu ngạn sông Thạch Hãn, những người còn sống đánh giá chúng tớ thế nào?.

- Tất nhiên cả dân tộc Việt Nam mình đều thấy được cái giá của độc lập, tự do. Không có các cậu thì dân tộc ta ngẩng đầu sao được. Có hiểu được sự nhục nhã khi dân tộc Việt Nam mình mất nước, ở các vườn hoa giữa Thủ đô mà bọn đô hộ chúng ta  dám ngang nhiên treo cái bảng ở lối đi vào một câu rất ngông cuồng rằng: “Cấm chó và người An Nam”mới thấy được cội nguồn sự hy sinh của các cậu. Tuy nhiên. Nhưng mà thôi.

- Sao phải thôi. Chúng tớ đi “chẳng tiếc đời xanh”, cậu tiếc gì lời nói?”

- Ừ. Cậu đã nói vậy, tớ cũng chẳng giấu diếm gì. Trong chúng tớ, những người còn sống, có kẻ chẳng những không thực hiện được lời trăn trối của cậu cho vợ và cũng là cho chúng tớ rằng “hãy nhớ tới công anh” mà chúng nó lại bảo, xin lỗi cậu nhé, cậu bỏ ngoài tai nhé, chúng nó bảo rằng các cậu cố thủ Thành Cổ là sự hy sinh không cần thiết. Vậy cậu nghĩ thế nào về những lời ấy?.

- Nghĩ thế nào ấy à? Hãy để cho lịch sử phán xét. Tớ chỉ nghĩ rằng, trên đời không có cái gì lại không có giá. Kẻ thù của chúng ta không cho không chúng ta như đã tung đô la “cho không” bọn ấy. Đến ngay đời cụ kĩnh chúng mình cụ Trần Hưng Đạo ba lần bẻ què vó ngựa của đội quân đã chiếm gần hết hai châu lục thì cũng có Trần Ích Tắc run rẩy trước vó ngựa nữa là. Cũng rất có lý của các cụ ta xưa, khi thấy con cháu hư đốn đã mắng yêu rằng: “Cha bố anh, cơm không muốn ăn lại đi ăn...”. Tớ nghĩ, dù gì thì chúng hắn cũng mang dòng máu con Lạc cháu hồng. Các cậu còn sống các cậu phải bằng mọi cách kéo chúng nó về với dân tộc, đừng để chúng đi ăn những của hôi thối ấy! Tớ nghe nói cậu là “Lều văn” của Thái Bình ta, vậy cậu có hay về quê tớ không?.

- Sao lại không. Tớ gặp vợ cậu dăm lần, tớ định làm ông mai cho vợ cậu với tay ở cơ quan tớ nhưng cô nàng không chịu. Cô ấy bảo đêm nào cậu cũng về với cô ấy, có đúng không?.

- Cũng chỉ gần đúng thôi. Vì tớ đang theo học lớp nhạc của Hội Cựu chiến binh dưới lòng sông Thạch Hãn nên vài đêm, tớ mới lại về với vợ, nhất là những ngày đông tháng giá như đêm nay. Chúng tớ vẫn gối đầu tay cho nhau như ngày mới cưới.

- Bậy!

Thế là, chúng tôi ôm nhau cười như nắc nẻ rồi cậu ta vẫy tay cho mấy bạn của mình đứng gần đó tới gần tôi. Một tay ôm cây đàn ghi ta lấy nhịp cho chúng tôi hát “Bài ca hy vọng” của Văn Ký rồi tiếp đó là bài “Anh vẫn hành quân” của Huy Du và Trần Hữu Thung. Lời của bài ca như từ trong máu thịt chúng tôi chảy ra. Chúng tôi cứ ôm vai nhau, cứ lắc lư hát, hát đến cháy lòng cháy dạ. Nhưng hình như, chỉ một mình cây đàn ghi ta không kham nổi những chỗ láy, chỗ lên bổng xuống trầm của bài ca, tôi hỏi tay Huỳnh:

- Ở dưới ấy, hình như các cậu thiếu những nhạc cụ cần thiết thì phải?.

- Đúng thế. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về hoặc ngày Thương binh liệt sĩ là bà con lại cho chúng tớ rất nhiều thứ. Không dám phụ lòng đồng bào, nhưng có những thứ ở dưới này chúng tớ không cần như tiền đô-la, xe máy...Trái lại, có những thứ chúng tớ rất cần cho “cuộc sống” như các bộ gõ để chúng tớ hát ca trù, đàn vi-ô-lông, đàn ắc – coóc để hát những bài hùng tráng hoặc đàn Tơ-rưng để hát những bài về Tây Nguyên thì lại không có. Tớ muốn nhờ cậu nói với các má, các chị và các em...những Tết sau cho chúng tớ xin mấy thứ ấy để chúng tớ ca hát dưới lòng sông...

- Dưới lòng sông?

- Chứ sao!

Tôi chưa kịp hỏi vì sao chúng hắn sống dưới lòng sông lại không ngạt thở thì đoàn tàu của chúng tôi đã vào ga Hàng Cỏ. Thế là các cậu ấy bay qua các cửa sổ. Tôi giật mình bừng tỉnh. Trông theo những cái bóng ấy. Chẳng thấy gì. Chỉ thấy bình minh đang lên và đây đó những bóng cây cổ thụ của Thủ đô đang mơ màng... trầm tư... ngả đầu vào dĩ vãng...

N.C.V 

 

 
Công Viễn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

4 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground