Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quê nhà

L

àng tôi là một vùng đất bằng phẳng nằm kẹp giữa sông Thạch Hãn và một con đường quan nối từ thị xã đến Cửa Việt. Dân làng phần nhiều sớm đi tối về giữa chợ Chùa và chợ thị xã Quảng Trị để buôn bán kiếm lời. Số còn lại theo nghề nông. Do chưa có công trình đại thuỷ nông như bây giờ, nên ruộng chỉ làm một vụ, còn lại là vụ trái mà dân làng quyết rằng: Làm trái, biết trái cứ làm/ Được mùa, mất mùa cũng được.

Theo tôi nghĩ, vụ trái biểu hiện đức kiên nhẫn của làng tôi, với cái bóng còng lưng của những bà mẹ già đổ dài trên những tấm nương đất khô. Do đó, những cô gái xinh xắn ở làng tôi thường có tên tục là Nương (vườn o, hình như có ý nhắc nhở về cái căn cơ nghề nông của dòng họ mình. Ngoài cái tên Nương dễ thương ra, trí nhớ hun hút của tuổi thơ tôi chỉ còn đồng vọng tiếng hát đuổi chim của lũ trẻ con lãng đãng trên các nương rẫy nghe thật buồn và trong những trưa hè giọng hát hoang dại ấy luôn luôn khiến người ta buồn ngủ:

Cu...(ơ hờ)...quạ

Quạ...(ơ hờ)...men

Men...(ơ hờ)...chao

Trước sau tôi chỉ sống ở làng một năm rưỡi của thời thơ ấu, vừa đủ thời gian để học hết lớp nhì và học kỳ một của lớp nhất, tại một nhà trường đặt tạm nơi một cái đình làng bên sông Vĩnh Định. Thấy tôi vừa từ Huế ra, có vẻ còn ngơ ngác trước môi trường xa lạ ở làng quê, các bạn học cùng lớp đâm ra ái ngại, thường dành cho tôi sự che chở phát sinh từ tâm hồn thơm thảo của họ. Thí dụ như một anh bạn to cao trong lớp, vẫn hay rủ tôi về nhà anh ở lại buổi trưa, đã vui vẻ ccõng tôi trên lưng khi băng qua những đám lố nhố những cục đất mới cày mà chân tôi không quen bước. Tuy một thời gian ngắn ngủi như thế, nhưng hình ảnh làng tôi đủ sức chiếm lĩnh vị trí độc tôn trong ký ức tuổi thơ của tôi. Trong quãng thời gian dài dằng dặc của một đời người, mà người ta vẫn gọi là “hoa niên” trong tôi chỉ còn đọng lại kỷ niệm về những ngày tháng ở làng; có vẻ như ngoài làng tôi ra tôi không còn sinh trưởng ở một nơi nào khác; và bao nhiêu nguồn cội văn hoá, bao nhiêu vốn kiến thức dân gian về văn chương, mỹ thuật.v.v...tôi thu lượm được trong cuộc sống đều đã được ươm mầm từ ngôi làng nhỏ bé ấy. Sau này lớn lên, tôi đã đặt chân đến nhiều nơi trên trái đất, thế nhưng, nhờ có “làng” tôi không trở thành một vật vô định trong không gian, hay là đám rong rêu bồng bềnh trên mặt đại dương; tôi đã thuộc về một “toạ độ” nào đó cụ thể trên mặt hành tinh. Do đó, tôi vẫn nghĩ rằng một con ngưòi dù tiếng tăm lừng lẫy đến đâu cũng không thể tự cho mình lớn lao hơn quê hương của mình được. “Ngày xưa” và “bây giờ”... Có một nghịch lý ma quái khiến tôi mắc kẹt hoài trong đó, không làm sao thoát ra được. Hay là tôi đã ăn phải bã của Lỗ Tấn rằng “cái bánh bao thời nhà Chu to hơn cái bánh bao thời bây giờ”. Sao cái “ngày xưa” ấy, hồi tôi còn là một chú bé nhà quê chạy đuổi theo con chuồn chuồn óng ả bay dọc theo những đường làng, ôi cái “ngày xưa” ấy sao mà đẹp đến quặn lòng! Trước cái cổng gạch của nhà thờ họ này là một con đường dài dẫn đến bờ sông; rẽ trái, đi theo bờ sông thì gặp đường cái quan dẫn đến chợ Sải. Đó là con đường tôi đi học ngày xưa. Con đường này luôn luôn được quét tước bởi ngọn gió nam mùa hè  khiến những ngọn lá tre khô bị thổi bay mất hết, sạch đến độ tôi cứ muốn nằm lăn ra đất, đừng bao giờ đến ngồi bó rọ nơi lớp học nóng nảy, chật chội của tôi. Hằng ngày tôi thường xuống tắm ở dòng sông này, bơi ra nhặt ốc gạo trên một toà miếu cổ đã chìm xuống đáy sông không biết từ đời nào, rồi trèo lên lưng trâu đứng cao lên, thổi tù và với chiếc kèn thật to quấn bằng lá dứa dại, vừa theo trâu lội vào bờ. Ven dòng sông này là một bãi dâu xa tít về tận làng dưới để tuổi nhỏ lêu lỏng của tôi tha hồ đi bắt dế những đêm trăng xanh biếc, trải mênh mông dưới ánh sao. Vẫn còn mãi trong tôi hình bóng những cây cau cao ngang đầu và trên đọt thỉnh thoảng reo lên những tiếng chim khách báo trước có người đến chơi, và cũng còn trong tôi, những con đường làng sâu hun hút, nơi đó những chấm lửa đom đóm rọi sáng thời gian của tuổi ấu thơ mà tôi mãi mãi đi tìm. Lâu nay ở Huế, tôi không thể nào tìm thấy cả một chấm lửa đom đóm trong một thành phố dư dả ánh điện; hình như lũ đom đóm đã kéo về những ngõ tối nồng nàn mùi rơm rạ. Thời kỳ thơ ấu này tôi được che chở bởi làng quê kỳ diệu giống như một tổ chim bình yên; nay tôi biết thêm rằng một khi đã rời khỏi cái tổ ấy, tôi sẽ rơi vào một đất nước mịt mù khói lửa. Điều đó bắt đầu sự kiện chú Thu con mệ Giỏ ở cạnh nhà tôi bỗng nhiên mang vẻ mặt lạnh lùng đứng gác ở ngã ba đường làng, lưng mang quả lựu đạn bằng gỗ và một chiếc mã tấu to bản. Mọi con đường rẻ vào làng tôi đều bị rào kín lại bằng củi nè, với những thanh niên dân làng đứng gác dọc đường; thế là dân làng tôi nhập vào phong trào rào làng chiến đấu, đã mặc nhiên đứng vào một phe trong cuộc chiến chống Pháp. Con đường bờ sông tôi vẫn đi đến trường chui qua một cổng làng tam bợ có anh tự vệ đi trước, tháo gỡ những vật nổ treo trên tấm cửa tre để chúng tôi đi qua được an toàn. Thỉnh thoảng trong đêm tối, có một tên “Việt gian” nào đó bị bắt, vào ban ngày lính Pháp và lính bảo vệ ở trên huyện kéo về làng đốt nhà, bắt người và bắt đi một vài người nào đó mà chúng nghi là hoạt động cho Việt Minh. Một buổi chiều, đi mua sách trên tỉnh về, ngang qua bãi cát làng An Tiêm, tôi bỗng gặp một thanh niên tay bị trói quặt ra sau lưng, đi giữa hai gã tây đen mang súng đi kèm; người thanh niên có một dòng máu chảy ứa ở khoé miệng, nhìn tôi mỉm cười âu yếm. Té ra đó là anh Nguyễn Văn Cửu, bạn học cùng lớp nhất của tôi, ngồi ở bàn cuối nơi ngôi trường Triệu Phong ở chợ Sải. Từ đó, tôi mơ hồ cảm thấy chiến tranh đang vây bọc lấy tuổi thơ của tôi, và làng tôi không còn là nơi trú ẩn an toàn đối với một chú bé thích mơ mộng như tôi. Tôi từ giã chốn quê nhà yêu dấu, từ giã chiếc cổng ngói của ngôi nhà thờ họ rêu phong để trở lại Huế sống nhờ căn nhà bên ngoại của tôi. Ở Huế tôi theo lũ bạn bè làm Tạc Dăng Dôrô trang bị gươm súng đầy mình và chơi đánh giặc giã, và đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ từ bao giờ chẳng biết.

Thời gian tôi công tác ở tỉnh Quảng Trị, có lần tôi được Uỷ ban phân công đến tại ngã ba làng tôi để đưa những hàng binh đủ mọi sắc phục trở về làng cũ của họ, chỉ với điều kiện không để họ mang theo khí giới nào lúc đi đường. Tại địa phương chỗ tôi đóng cơ quan có một cô du kích đi đón chồng ở phía bên kia về. Đi được mươi bước, người chồng cô vốn là một lính thuỷ quân lục chiến, âu yếm vợ hãy trao súng cho mình vác về làng cho, vác đi làm chi cho nặng! Thế là, anh không trao A R15 cho vợ, mà còn mang luôn khẩu AK báng xếp của cô du kích xã về làng. Vô tình đặt tôi vào thế làm ngược lại lời của Uỷ ban đã dặn. Tôi đi cạnh đó nghe rõ hết, nhưng cũng không can thiệp. Đến những lối đi rẻ vào những ngôi làng có những nhóm nhỏ tách ra khỏi đoàn người, kéo đi rồng rắn trên đồng lúa. Có những người mắc quần áo lính ở một cành sung nào đó rồi nhảy ùm xuống nước tắm. Trông họ thảnh thơi như thể chiến tranh đã hết từ nay.

Ngày ký kết Hiệp định Pari, từ địa điểm đóng cơ quan ở Do Linh, tôi đã chạy băng đồng nóng lòng về thăm lại làng tôi. Dọc đường, vài nhóm thanh niên dân quân đã tới trước, đang cố gắng dựng những căn nhà đàng hoàng, hình như ăn ở lâu dài với hàng xóm, dù cột kèo phải buộc bằng dây thép gai; vì khắp mặt đất, không còn một thanh tre nào đủ dài bằng một sợi lạt, do bom đạn bấy lâu nay vằm nát hết cả. Không còn bóng cây nào để phải che khuất tầm mắt; nhìn khắp đồng bằng  Triệu Phong tới sát biển, chỉ thấy dáng những người lõng thõng đi trên mặt đất. Cứ nói sòng phẳng từng lời, theo nghĩa đen, là quê hương của tôi đã bị chiến tranh “lột da”. Đất của nhà thờ họ Hoàng của tôi, ngày xưa con cháu đông vui đến là thế; anh Chỉ với cây bút truyền thần tài hoa đã vẽ hết chân dung của các chiến sĩ yêu nước cận đại; là bà Hoàng Thị Ái người chiến sĩ cộng sản kiên cường sống ngoài một trăm tuổi; ông Hoàng Thi Thơ đã trở thành một nhạc sĩ lừng danh ở miền Nam; là ông Hoàng Hữu Kình, người chiến sĩ cách mạng đầu tiên dám đấu bè vượt côn đảo trở về với đồng đội; cô bé Hoàng Thanh Trang đã trở thành đại kiện tướng cờ vua thế giới; là tiến sĩ toán học Hoàng Hữu Đường, nhà trí thức đầu tiên đã mở ngành học tiến sĩ cho nền đại học Việt Nam; những nhà toán học và những nhà doanh nhân thành đạt tất cả quá khứ khoa bảng hiển hách và hiện tại đầy tài năng bện chặt lấy nhau để góp vào thành chất liệu của làng tôi; trước mắt tôi bây giờ đã biến thành một khu cỏ dại trong đó nhấp nhô những hố bom pháo và những căn hầm bộ đội. Tôi đảo mắt ra bốn phiá xung quanh để tìm cái cổng nhaf thờ họ ngày xưa tôi và anh Chỉ vẫn thường ngồi chơi ô làng hoặc đánh tú lơ khơ bằng những hạt đậu qua mà anh Tố chốc chốc lại chạy lên xóm Nương Âm lượm về; tôi nhớ da diết tiếng hát đuổi chim muông của lũ trẻ con cất lên từ những nương rẫy khắp nơi trong làng. Trên con đường cái quan dẫn đến thị xã đã là con đường đi học của những người lừng danh và sống ở làng mạc dưới kia; ví dụ hoạ sĩ Lê Bá Đảng “nổi tiếng khắp thế giới” hiện sống ở Pháp; trong “không gian Lê Bá Đảng” thường xuất hiện những dấu chân đi khai phá mọi con đường; như giáo sư tiến sĩ Hồ Ngọc Đại (cũng nổi tiếng không kém gì anh Đảng trong giới khoa học ở Hà Nội), với lý tưởng đậu tiến sĩ để đi dạy tiểu học và đem lại cho tuổi thơ niềm tâm phục khẩu phục rằng đi học là một niềm hạnh phúc thật sự; như luật sư Nguyễn Hữu Liêm mà giới Việt Kiều ở Mỹ ai cũng biết, đã bỏ một phần tiền túi xây trường mẫu giáo cho xã, kéo cả vợ con về thăm quê... Những người ấy đã bỏ lại cánh diều tuổi thơ của họ trên những cánh đồng quanh đây; và chắc là hồi nhỏ tôi đã từng ngồi chơi nơi chiếc cổng gạch yêu quý, và những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi; chung quanh chỉ thấy loài cây “ma vương” che kín mặt đất, và rũ lá sau bước chân người, vẽ thành một vệt đường xơ xác... Loài cây ma vương này dân làng gọi là cây “hổ ngươi”, đầy gai nhọn, thỉnh thoảng người ta lấy về làm thuốc trị huyết áp. Loại cây hồi đó mọc khá nhiều nhưng cũng chỉ lưa thưa trong góc vườn; bây giờ thì nó tỏ ra chẳng sợ ai cả, cành bậm, lá to và đặc biệt hạt của nó vùi lẫn trong đất không thể nào dọn sạch được. Bây giờ thì cây ma vương mọc xum xuê quanh bàn chân tôi, che kín mặt đất, kéo đến tận khu vườn bên kia, lại cũng là cây ma vương. Tôi nhìn quanh khu vườn ra ý tìm tòi, mới biết rằng hai bàn chân mình dẫm lên một đống gạch vụn, có hai chữ “Hoàng Tộc” khắc trên vôi vữa. Thì ra cái cổng nhà thờ họ mà tôi đã tìm kiếm nãy giờ đã nằm ngay dưới bàn chân tôi. Tất cả đó là số phận của ngôi làng phát tích của dòng họ tôi, bên bờ sông Thạch Hãn, và nói đúng theo ngôn ngữ của không quân Mỹ, là “lột vỏ trái đất”

Tôi về làng dự lễ lạc thành ngôi nhà thờ họ vừa được con cháu trùng tu lại. Đất xây dựng đã được hợp tác xã giao trả lại cho họ Hoàng, và các con cháu thành đạt trong dòng họ đã bỏ tiền ra chuộc lại đất, xây lên một ngôi nhà thờ khang trang, hợp nhất các chi nhánh xưa nay vẫn tồn tại riêng lẽ của họ Hoàng. Con cháu ở nước ngoài về khá dông; và tôi đã gặp lại nhiều người thân đã cùng sống với tôi thuở nhỏ. Người đại diện cao nhất của con cháu họ Hoàng là bà Tần ở nước ngoài về khá đông; và tôi đã sống bên cạnh những năm về làng, thuở ấy bà buôn bán nuôi mẹ già, xuôi ngược các chợ huyện và chợ tỉnh. Tôi nhớ thuở ấy bà Tần mang một nhan sắc thôn nữ rất yêu kiều, tên tuổi vang lừng khắp một vùng quê khói lửa. Bây giờ thì bà trông là lượt hơn, sang trọng hơn nhưng có lẽ không xinh đẹp bằng hồi trước. Hình bóng của bà được ghi khắc trong bài hát “Đường xưa lối cũ” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “...Khi tôi về bồi hồi trong nắng. Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón tôi về. Nào ngờ người em ra đi khi xuân chưa tàn. Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng?..”. Bài hát ấy của một nhạc sĩ viết về em gái của mình, là một bài hát thấm sâu lòng người, vì nó thiệt thà “có tính Quảng Trị”.

Buổi chiều, tôi ra ngõ, nhìn bâng quơ ra cánh đồng. Trước kia, nơi đây có một cái hồ, nước xanh biếc quanh năm. Tôi và anh Chỉ thích trèo ra ngồi vắt vẻo ở ngọn cây dừa để xem cành lá của nó sà xuống gần mặt hồ. Bây giờ hồ đã biến mất thành ruộng của hợp tác xã. Cái cổng theo bản vẽ mới này thì lớn hơn cái cổng hồi tôi còn nhỏ. Bây giờ thì cổng rộng để ôtô có thể ra vào được nhưng nó không có vẻ thân mật, để anh Chỉ và tôi ngồi chơi ngắm đường quan như cũ. Hình như lũ chim sẻ của ngày xưa đã trở về từ những cánh đồng thời gian nào không biết, kêu lách chách trên đầu chúng tôi và bay hút vào bên trong ngực tôi. Vui một nửa, buồn một nửa, tự dưng nước mắt tôi rưng rưng.

Huyền thoại phương Đông kể rằng, sau cái chết, xương thịt con chim phượng hoá thành tro than, để năm trăm năm sau nó sống lại trên đống tro xương của nó. Trong cuộc chiến vừa qua, thời gian không đến nỗi dài như thế. Chẳng cần đến năm trăm năm, con chim phượng huyền thoại của làng tôi đã tái sinh trên tro xương của mình.

Buổi trưa tôi nằm nghỉ ở một phòng khách của nhà thờ mới làm. Ngọn gió nào phía sau đồng thổi đến, mát rượi và trong trẻo lạ thường, như một trời sương toả khắp không gian. Tôi nghĩ thầm lan man; chiến tranh đã huỷ hoại tất cả; nhưng lại được hàn gắn lại tất cả. Giống như lời một câu thơ của Nguyên Sa:

Và tất cả những gì nguyên lành

 Đều xây cất trên một chút gì đỗ vỡ.

Vâng, cả tâm hồn con người cũng vậy.

 

                                                                           Huế, tiết lập thu 2005

                                                                                     H.P.N.T

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 137 tháng 02/2006

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

19 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

19 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

19 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

19 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground