Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quê quán tôi xưa

Đ

ấy chính là quê nhà thương khó của đời tôi.

Của hương hỏa riêng mang mà lắm khi quay quắt nhớ, không chỉ lúc lang thang xứ lạ quê người mà ngay cả khi ngồi trên bờ cỏ bên sông sau nhà hay ngã mình trên đống rơm vàng góc vườn sau mùa gặt, cái miền quê mơ hồ đâu đây cứ vọng về trong trí nhớ. 

“Quê quán tôi xưa”, Trịnh Công Sơn đã có một câu hát như bay về từ hư không “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì” Sau này anh Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) có cắt nghĩa rằng quê quán tôi xưa của nhạc sĩ không phải là cái làng Minh Hương phía bắc thành phố Huế, mạn cảng cũ Bao Vinh đi về. Nỗi nhớ “quê quán tôi xưa” của Trịnh chính là cái vườn địa đàng xa thẳm, cũng như những nghệ sĩ lớn, như Lý Bạch ví mình là một trích tiên bị lưu đày, như Văn Cao lạc bước từ chốn Đào Nguyên về trần gian, và nhiều nhiều người nữa, bởi, “cõi tiên không gì khác hơn là khát vọng hằng có nơi người nghệ sĩ của muôn đời” (HPNT).

Mới đây trong một tùy bút của một nhà văn trẻ cũng lấy tựa “Quê quán tôi xưa” để trang trải nỗi hoài nhớ quê nhà khi cô đang ở tận xứ sương mù Anh quốc. Đất khách quê người, nỗi nhớ hẳn mênh mang trĩu nặng khôn cùng.

Nhưng đâu cần chi trời Âu bể Á, dân Quảng Trị quê tôi do hoàn cảnh lịch sử của vùng đất, lưu lạc nhiều vào phương Nam, đâu cũng gặp họ, và nỗi nhớ quê quán thường trực trong mỗi người, nhất là độ Tết xuân về. Ngày xưa sự cách trở muôn phần quan san bởi chiến tranh, bởi cuộc sống cơ hàn, bởi đò giang ngăn lối, nhưng nay chỉ một giờ bay với Vietnam Airline là từ Sài Gòn đã ra đến Huế, một giờ xe đò nữa thì chạm mặt quê hương, biết là như vậy nhưng mà sao đường về quê nhà cứ cảm giác cách ngăn một màn mưa sương hoang hoải. Nỗi nhớ ấy khiến ai cũng thành nhà thơ.

Tôi chưa thấy có Hội đồng hương nào mà cứ độ Tết về lại ra những tập san như Hội đồng hương Quảng Trị ở các tỉnh thành. Cũng không phải văn chương huê dạng chi nhiều, chỉ nhắc mãi nhắc hoài chuyện tiếng quê, chuyện mái đình cây đa, chuyện mưa sa nước sỉa, ăn món này, nấu món kia, năm nào cũng vậy, sách in ra rồi đọc, rồi ngâm ngợi, vậy mà nỗi nhớ ấy viết mãi năm này qua năm nọ không hết.

Ai cũng có một “quê quán tôi xưa” trong mịt mùng hoài nhớ. 
Và cái nỗi nhớ ấy luôn khản khắc trong tôi như khi đi qua miền đất này vùng quê nọ, gặp bóng xưa rêu phong trong ngôi miếu cổ, một dáng cổ thụ đầu thôn, nước giếng làng soi bóng thì cái “giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì” vang lên từ quê nhà cứ khắc khoải như tiếng cuốc đêm hè. Nói nhớ như vậy cũng có căn nguyên của nó! 

Hồi tháng 10 mới đây, đi dự hội thảo lịch sử về triều đại nhà Nguyễn ở Thanh Hóa, khi đứng trước bức không ảnh chụp lăng miếu Triệu Tường ngày xưa nguy nga lộng lẫy đã thành bình địa sau bao dâu bể nỗi đời thì cái miền ký ức quê nhà hương hỏa ấu thơ lại hiện về mồn một.

Không phải là những đền đài chùa miếu uy phong , nhưng ký ức hoa râm của mái đầu đủ lặn lội nhớ về những dấu xưa man mác một quê quán thanh bình và nho nhã, thâm hậu mà huyền hoặc.

Quê tôi không có những đền to miếu lớn, cũng không có ai danh thần khoa bảng gì, một ngôi làng bình dị như muôn ngôi làng khác nơi miền đất gió cát. Và cũng vì thế mà nó mang vác một số phận như bao nhiêu ngôi làng nhỏ bé ấy, sau những bể dâu bom đạn, sau những bể dâu trên đời dân phận người, bể dâu trên những dấu tích tiền nhân từng may mắn vẹn nguyên đi qua chiến tranh.

Nỗi nhớ bắt đầu từ cái giếng hình vuông được kè bằng đá, bốn mùa nước trong vắt. Bây giờ lớn lên mới biết kiểu giếng ấy là của người Chàm chứ thời thơ dại chỉ mơ hồ biết đấy là cái giếng “thiêng”. Quê tôi hồi đó chưa có hồ đập thủy lợi, khát là nỗi ám ảnh của mùa hè khi gió Lào thổi ràn rạt , nước sông khô kiệt rong rêu và lòng giếng nào cũng trơ đáy, thế nhưng cái giếng Chàm với cây duối cổ thụ ngã bóng luôn ăm ắp nước ngọt, ngọt như những trái duối chín vàng sum suê trên cành, mang những niềm vui cho tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ. 

Cũng trong xóm tôi có một chỗ để thờ đạo học gọi là Văn Thánh, bà con trong xóm gọi là “Nương” Thánh- “nương” chính là cách gọi cái vườn quê của người dân Quảng Trị. Chỗ đó sau ngày hòa bình cỏ cây lên rậm rạp, nhiều rắn, không còn ai cúng lễ bởi sẽ bị coi là “mê tín dị đoan”. Văn Thánh ở xóm tôi không to lớn kỳ vĩ nhưng sau này lớn lên, nhớ về nó, tôi thường bâng khuâng nhớ câu thơ xưa của Nguyễn Bính “Nhà ta coi chữ hơn vàng, Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”. Cái nơi thờ tự những người hay chữ, tôn vinh đạo học của tiền nhân ấy nay cũng không còn.

Giếng Chàm, Văn Thánh, và nhiều nghè miếu u trầm chứa đầy những ký ức cổ tích của làng nữa đã thành bình địa. Tôi nhớ hôm xe ủi húc đổ tường thành miếu Văn Thánh, những viên gạch vồ đỏ au được gọt sạch lớp vôi làm hồ vữa, nhà nào cũng kiếm vài trăm viên về che chắn vuông sân, lát bể nước. Tôi cũng bon chen mang mấy chục viên gạch vồ về làm bồn hoa thì mạ tôi thét vang “ mang trả lại ngay, gạch thần gạch thánh đó”. Ôi mạ tôi, một người mù chữ nhưng trong sâu thẳm tâm can vẫn thành kính tôn thờ những dấu tích tiền nhân bằng những niềm mê tín hồn nhiên “ của thánh của thần- ăn một đền trăm”.

Ba mươi năm rồi, bao nhiêu mùa gió Lào đã thổi qua miền đất này. Trên những mảnh vườn xưa kia là dấu tích văn hóa của tiền nhân nay đã thành đồng lúa, thành thổ cư, thành đường cao phố rộng. Biết làm sao được, cũng không biết vui hay buồn hay trách cứ ai, chỉ thấy ngậm ngùi tiếc nuối.

 Đâu chỉ là chuyện dấu tích tiền nhân, gần gũi nhất là khu trung tâm thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được xây năm 1973, khi bom đạn đã im ắng trên miền quê tôi. Có lẽ ngày ấy không ai nghĩ đến chuyện di tích, chứng tích khi trên hai vai người dân trĩu nặng mỗi ngày là nỗi lo toan cơm áo. Cho nên khu trụ sở bề thế xinh đẹp mang nặng dấu ấn lịch sử ấy cũng bị hoang tàn mai một và trận bão số 8 năm 1985 đã xóa sạch dấu vết. Đã mấy lần trên địa điểm ấy được xây khu lưu niệm, tượng đài, cố phục dựng nguyên bản nhưng làm sao có được dáng nét khi xưa. Mới hơn 30 năm đã như thế trách gì chuyện những dấu tích tiền nhân đã hàng trăm năm?

Lan man chuyện quê nhà chợt bần thần nhớ ra những làng quê khác. Hôm về làng Trà Liên tìm lại dấu vết của chúa Nguyễn trong buổi đầu khởi nghiệp tôi đã không thể tin được trên nền cũ của ngôi chùa Liễu Ba thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (mà bức tượng đồng của ông nay được xếp vào hàng “bảo vật quốc gia”) sau khi chùa mất dấu thì nền chùa cũng không còn: Một khu lăng mộ của một dòng họ trong làng vô cùng bề thế đã được dựng lên trên chính nền chùa cũ. Những viên đá lót chân cột chùa vứt lăn lóc trong khu vực chùa xưa. Bao nhiêu nữa dấu vết tiền nhân đã bị ứng xử như thế? Chắc không phải là ít!

Thôi thì có nhắc cũng chỉ để hoài nhớ, bởi nếu phục dựng lại thì gạch đá bây giờ cũng không thể mang vác hồn cốt như khi xưa. Nhưng chắc chắn nếu có, nếu còn, những dấu tích u trầm đó của tiền nhân, hẳn nhiên tôi tin cái phần văn hóa làng mấy trăm năm ông bà đã ra công gìn giữ sẽ giúp cho hậu thế chút hương hỏa mang theo, với mỗi ngày đang sống trên quê nhà hay ra đi chân trời góc bể. Nó cân bằng cho con người giữa những chông chênh của nhịp đời chóng mặt theo tốc độ của những cuộc đua kim tiền mà quên đi những gì thực sự là “vàng đá” của đời người!

  
                                                                                                L.Đ.D

 

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 174 tháng 03/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground