Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ráng đỏ trên trời chiều Quảng Trị

T

ôi thường nói với người thân, với bạn bè rằng: Từ lâu rồi, tôi có một ước nguyện là được một lần đến Quảng Trị, về Thành Cổ và nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để kính viếng những linh hồn bất tử của các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nói thì dài dòng thế còn tôi chỉ nghĩ là phải đến ít nhất là hai nơi ấy. Đến để làm gì thì tôi có rất nhiều cớ buộc tôi phải đến, toàn những cớ không thể nói ra thành lời. Mỗi khi gặp tất cả những gì nhắc tôi nhớ lại cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược tôi lại nhớ đến hai địa danh ấy ở tỉnh Quảng Trị. Trước mắt tôi luôn hiện ra hình ảnh những chàng trai, cô gái tuổi mười bảy, mười tám, đôi mươi trên những tuyến đường, trên những chiến trường bời bời bom đạn. Nhất là nghe về cuộc chiến đấu của quân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ từng tấc đất Cổ Thành Quảng Trị. Tôi lấy làm tự hào vì được là những người cùng thời với các anh, các chị. Khi ấy tôi mới là cô bé mười bảy tuổi. Cô bé thôi, vì vóc người tôi nhỏ bé, đét đe như cậu con trai mười hai, mười ba tuổi thời bấy giờ nhưng tôi cũng có những tháng ngày phục vụ cho tiền tuyến lớn. Tôi cứ nghĩ, sự hy sinh, mất mát về cuộc sống của con người vì nghĩa cả dù anh hùng mấy cũng vẫn để lại nỗi đau, nỗi xót xa như muối xát lên vết cắt trên da thịt của người còn sống. Và vì thế người còn sống phải tự biết sống như thế nào để thực hiện tiếp những điều những người đã hy sinh chưa kịp làm, để không cảm thấy hổ thẹn. Tôi luôn luôn thấy như kẻ mắc nợ. Tôi phải đến Thành Cổ, đến nghĩa trang Trường Sơn để mong gặp được các chú, các anh đã yên nghỉ ở hai nơi ấy. “Những địa danh ấy là của cả nước, của cả dân tộc Việt Nam chứ đâu còn là của riêng Quảng Trị”. Có một anh bạn nhà văn ở Lào Cai đã nói với tôi như vậy. Ước nguyện của tôi đã được bạn bè văn chương Quảng Trị giúp đỡ và đón đợi tôi như đón đợi ngày trở về quê của một người em, một người chị xa nhà đã lâu.

Một ngày giữa tháng 9 năm 2007.

Thành Cổ Quảng Trị.

Buổi sáng, bạn đưa tôi đến Cổ Thành. Nhà văn Cao Hạnh, phó chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Trị, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt dành riêng xe của Tạp chí và cử Thuý Sâm, cán bộ phụ trách trị sự của Tạp chí đưa tôi đi. Ở thị xã Quảng Trị còn có Thi, một cây bút trẻ của Tạp chí Cửa Việt, đang đợi chúng tôi . Ngay từ khi bước lên xe, trong đầu tôi đã mông lung bao ý nghĩ không đầu, không cuối và trong lòng một cảm giác thật xốn xang như sắp được gặp người thân thiết. Tôi không nói với ai về cảm giác của mình. Khi ấy, trời đang mưa. Càng gần đến thị xã Quảng Trị mưa càng nặng hạt. Từ thị xã Đông Hà vào, ngay đầu cầu phía bắc sông Thạch Hãn, một tượng đài tưởng niệm ghi chiến công của hai mươi chiến sĩ trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu anh dũng trên trận địa đầu cầu này. Trong trận chiến đấu mười chín chiến sĩ đã hy sinh. Tôi nhìn lên tượng đài, nhìn lên hai mươi giọt máu tượng trưng cho hai mươi trái tim của những người lính dũng cảm, đánh lui cả tiểu đoàn địch để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Trong lòng tôi đã xốn xang lại càng xốn xang thêm. Và trời bỗng mưa ào ào như trút nước. Nhìn ánh mắt tôi lo lắng, Thuý Sâm  động viên: “Chị yên tâm. Mưa to thế này nhưng lát nữa ta vào Thành Cổ trời sẽ tạnh. Có nhiều lần địa phương hoặc Trung ương tổ chức lễ tưởng niệm và các hoạt động uống nước nhớ nguồn khác tại Thành Cổ và nghĩa trang Trường Sơn, khi chuẩn bị thì mưa to nhưng khi sắp bắt đầu buổi lễ thì trời lại tạnh ráo”. Chúng tôi vào đến Cổ Thành, quả nhiên mưa nhẹ hạt dần và tạnh hẳn. Bầu trời cao hẳn lên để lộ một khoảng trong xanh thăm thẳm, gió nhè nhẹ. Thành Cổ! Bây giờ là sự yên bình, lặng lẽ. Sau trận mưa, tất cả mọi thứ như được gội rửa, sạch sẽ, tinh khôi. Chúng tôi lên đặt hoa và thắp hương trên tượng đài. Đứng trước tượng đài hình ngôi mộ lớn và cột hướng thiên cao vòi vọi với mong muốn linh hồn các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát, bao nhiêu tình cảm, tâm tư, mong ước về Thành Cổ trong tôi từ bấy lâu nay oà vỡ. Nhìn cỏ lau bời bời xanh, trong đầu tôi cứ ngân lên những câu rời rạc: “...Cỏ xanh non tơ... Cỏ xanh non tơ... Người nằm dưới cỏ...”(*) và nước mắt cứ lã chã rơi. Lạ thay, tôi tin những nhân vật trong truyện ngắn “Khúc bi tráng” của tôi là có thật. Rất thật! Khi viết về họ, tôi cũng tin là họ có thật. Họ đã chiến đấu và hi sinh ở mặt trận Cổ Thành. Bên tai tôi văng vẳng giọng nói của Dũng đại đội, một nhân vật trong truyện: “Đừng khóc! Ai vào đây cũng khóc làm chúng tôi buồn lắm! Dù không quên chúng tôi nhưng chúng tôi muốn mọi người được vui vẻ”. Tôi tự hứa sẽ không khóc nhiều nữa nhưng không thể. Tôi muốn gọi thật to: “Dũng đại đội! Thắng - Hải Phòng! Các anh ở đâu?”. Nếu không có ai ở quanh đây chắc chắn tôi sẽ hét gọi họ đến lạc giọng. Và ở đâu đó trong Thành Cổ, họ sẽ chạy đến để hỏi thăm về người thân, về những đổi thay ở quê nhà. Phía dưới tượng đài có một đoàn khách đi xe mang biển 36. Họ đang chụp ảnh kỷ niệm. Tôi đành gọi khẽ: “Dũng đại đội! Thắng - Hải Phòng! Các anh đâu rồi!?”. Tôi gọi nhiều lần như thế và chợt thấy có một thanh niên rất trẻ đội mũ tai bèo hớt hải chạy đến nhìn tôi nhoẻn cười, chào khẽ: “Cô!”. Nụ cười mới tươi tắn và trẻ trung làm sao! Tôi lặng người. Nhìn kỹ thì đó là một cậu sinh viên tình nguyện.

Chúng tôi đến đặt hoa và tưởng niệm bên cạnh “Bức tường sinh viên” để tưởng nhớ hàng trăm sinh viên theo tiếng gọi của Tổ Quốc, đã xếp bút nghiên, rời giảng đường đại học lên đường nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh ở Cổ Thành. Tôi đã nghe kể: Có một cô giáo quê Hà Nội, người yêu của cô nhập ngũ khi đang học năm thứ ba trường Đại học Sư phạm. Anh đã chiến đấu và hy sinh ở đây. Đất nước hoà bình, thống nhất, cô giáo đã tình nguyện vào dạy học ở thị xã Quảng Trị với tâm nguyện được gần người yêu dấu. Một lần, cô dẫn học sinh đi tham gia lao động ở Thành Cổ, cô không dám dùng cuốc mà chỉ dùng tay để bới đất, nhặt cỏ. Học sinh của cô đã nhặt được một chiếc bút máy. Cô nhận ra kỷ vật thân quen. Lần tìm dưới cỏ, cô đã tìm thấy di hài của người yêu. Các bạn cùng đi với tôi gật đầu: Đã có nhiều trường hợp như thế! Chúng tôi rón rén đặt chân lên cỏ.

Theo đoàn khách, tôi đi vào nhà Bảo tàng Thành Cổ. Tôi lại gặp những nụ cười sáng ngời trên gương mặt sạm đen khói súng, gặp nụ cười của cha con ông già chở đò cho bộ đội ta qua sông Thạch Hãn vào tiếp viện cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Tất cả nụ cười ấy đều rạng rỡ, tự nhiên. Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ tuôn rơi. Lại một lần nữa tôi không thể giữ lời hứa với Dũng đại đội khi nãy. Tôi đã đứng rất lâu. Rất lâu trước những nụ cười của người lính quyết chiến, quyết thắng trên mặt trận Cổ Thành. Nụ cười của niền tin chiến thắng.

   Bên dòng Thạch Hãn.

   Dòng Thạch Hãn chảy qua phía bắc Cổ Thành Quảng Trị. Sau cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Cổ Thành năm 1972, dòng sông  này được ví là một Nghĩa trang không bia mộ.Học theo những người trước, tôi lội xuống nước để thả những bông cúc viếng hương hồn các anh. Sóng nước dập dềnh đưa những bông hoa nhỏ bé xuôi theo dòng. Tôi lầm rầm khấn khứa: “Xin hãy nhận tấm lòng của em!”. Nước sông Thạch Hãn trong xanh thăm thẳm. Vụm hai bàn tay vốc nước vã lên mặt, tôi thầm trách dòng sông: Giờ sao hiền lành thế này, cách chi mà 81 ngày đêm năm xưa ấy lại hung dữ dâng nước lên ngập chiến hào trong Thành Cổ, để bộ đội ta phải ngâm mình trong nước mà đánh giặc? Rồi lại cuốn trôi bộ đội ta qua sông nữa chứ! Đã có biết bao nhiêu chiến sĩ ta phải vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông!

   Gần bên bờ bắc, một con thuyền nhỏ chầm chậm ngược dòng. Những câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương, một cựu chiến binh đã cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Cổ Thành Quảng Trị nức nở trong đầu tôi. Sợ tôi đứng quá lâu dưới nước, bạn gọi. Tôi nán thêm chút nữa. Không thể nén lòng, dùng dằng, tôi lấy những câu thơ của Lê Bá Dương làm lời tạm biệt những linh hồn bất tử dưới dòng sâu:

   “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

   Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

   Có tuổi hai mươi thành sóng nước

   Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

   Dòng sông đáp lại bằng tiếng sóng vỗ ì oạp vào ven bờ như một sự ghi nhận, lại như một lời hối lỗi.

Chiều hôm sau

Trên đường đến với nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

   Từ thị xã Đông Hà, đi ngược về phía tây theo đường đi lên cửa khẩu Lao Bảo chừng ba mươi cây số, rẽ sang tay trái một đoạn là đến nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ra khỏi thị xã Đông Hà một lúc, nhìn sang bên đường, tôi thoáng nhìn thấy một chú bé chống nạng gỗ đứng ở sườn đồi nhìn xuống đường. Cạnh đấy có con bò đang gặm cỏ. Chú bé chỉ còn một chân! Tôi không muốn hỏi gì cả.  Trên đoạn đường khoảng 30 cây số đã nhìn thấy hai chiếc bảng lớn trên vẽ quả bom to đùng với dòng chữ cảnh báo “Có bom chưa nổ - Nguy hiểm!”, bên dưới là cái đầu lâu với hai hốc mắt đen sì trên hai khúc xương bắt chéo nhau và mũi tên chỉ vào khu rừng thông, rừng cây trồng chạy dọc theo con đường bê tông nhựa uốn lượn lên, xuống theo đồi dốc. Cây xanh đã che lấp những vết tích của chiến tranh khốc liệt trên vùng đất này nhưng tội ác của giặc thì vẫn còn ẩn nấp, rình rập đâu đây. Bom, mìn chúng rải xuống vùng đất này nhiều không kể xiết, sau hơn ba mươi năm hoà bình, qua nhiều đợt bộ đội tháo gỡ, rà phá mà vẫn chưa hết. Đã có rất nhiều người lớn, trẻ em bị vướng bom, mìn của Mỹ rải xuống huỷ diệt sự sống trên mảnh đất này trong cuộc chiến tranh xâm lược còn sót lại. Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm nhưng có rất nhiều cái chết của người dân lương thiện vì bom, mìn giặc gieo rắc lại rất thương tâm, đau xót. Nhiều đứa trẻ, nghỉ hè, vào rừng kiếm củi về bán lấy tiền mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới đã không còn được đến trường. Các em đã để lại một khoảng trống trên ghế nhà trường và nỗi đau xé lòng cho người thân, thầy cô giáo, bè bạn và lương tri mỗi con người. Nỗi đau còn hơn những khoảng trống trên những hàng ghế nhà trường, không thể khoả lấp. Chúng tôi ngồi im lặng trong xe. Tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong lồng ngực. Tôi thấy ánh sáng xanh lét và tiếng nổ ùng ục của bom mìn trong ký ức. Lòng tôi trĩu nặng một nỗi xót xa, căm giận. Tội ác không thể nào tha thứ!

   Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

   Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nằm trên những ngọn đồi nhấp nhô, xung quanh là rừng đại ngàn. Nơi để mộ chí là những khoảng đất bằng phẳng. Con đường bê tông nhựa, chạy quanh một hồ nước trong xanh, nghe nói không bao giờ cạn, dẫn chúng tôi vào thẳng tượng đài chính của nghĩa trang. Chúng tôi đặt hoa và thắp hương tưởng niệm. Có ai đó đánh ba tiếng chuông rền, âm thanh ngân nga như giọng hát con gái. Tôi nghe thấy tiếng núi rừng Trường Sơn đáp lại bằng âm thanh trầm hùng. Sẵn nỗi trĩu nặng bởi những suy tư dọc đường, nhìn xung quanh bạt ngàn bia mộ của các liệt sĩ sóng thẳng hàng như trùng trùng đội ngũ các anh, các chị trong đoàn quân ra trận tôi gặp khi xưa khiến tôi không thể cầm lòng. Tôi cứ đứng, hai bàn tay chắp lại đưa lên ngang mày, ngửa mặt trân trối nhìn lên hàng chữ trên tượng đài mà không rõ hàng chữ ghi là TỔ QUỐC GHI CÔNG hay ĐỜI ĐỜI GHI NHỚ CÔNG ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ. Tôi cứ đứng thế, rất lâu mà không nghĩ được điều gì. Nước mắt cứ lặng lẽ chảy. Cậu Hoài lái xe và Thuý Sâm giúp tôi đặt hoa, thắp hương xong lặng lẽ lùi ra bên cạnh. Họ kiên nhẫn chờ tôi dưới bóng cây Bồ đề thiêng mọc ngay phía sau tượng đài. Nghe kể: cây Bồ đề thiêng vì sau khi dựng xong tượng đài, cây Bồ đề tự nhiên mọc lên và nhanh chóng xanh tốt, rườm rà toả bóng. Chắc hai người bạn Quảng Trị tưởng tôi khấn khứa nhiều điều lắm. Mãi sau, tôi lén lau khô nước mắt, rời tượng đài, đi đến chỗ  hai người ngồi chờ và nghĩ vậy. Có một cậu bé chừng mười sáu, mười bảy, mặc bộ quần áo thẫm màu, da dẻ đen nhẻm, mái tóc khô cháy nắng, vàng như râu ngô đứng bên cạnh quả chuông đồng treo gần tượng đài. Thuý Sâm hỏi: “Ai vừa đánh chuông?” Cậu bé đáp: “Cháu!” Đứng giữa trùng trùng bia mộ, tôi băn khoăn: “Không biết khu bia mộ liệt sĩ tỉnh Ninh Bình, Nam Định ở chỗ nào?” Cậu bé nhanh nhẹn: “À, Khu bia mộ liệt sĩ Hà Nam Ninh! Để cháu dẫn”. Cậu bé thoăn thoắt đi phía trước chúng tôi. Tôi hỏi cậu bé: “Cháu là nhân viên quản trang ở đây à?” Cậu bé lắc đầu: “Không, cháu tự nguyện”. Tôi hỏi: “Nhà cháu ở đâu?” Cậu bé đáp: “Cháu ở bản cách đây gần chục cây số. Cháu là người dân tộc Vân Kiều. Sáng nào, dù mưa hay nắng cháu cũng đạp xe đến đây, giúp các cô chú nhân viên quản trang chăm sóc bia mộ liệt sĩ, tối đến cháu lại đạp xe về”. “Thế cháu không đi học à?” Tôi hỏi. Cậu bé cắm cúi bước, không nói gì. Cậu không muốn nói về gia cảnh của mình. Cậu bé làm tôi chạnh lòng. Một lúc sau, tôi hỏi thêm: “Vậy cháu sống bằng gì?”. “Đơn giản thôi cô. Cháu được hưởng lộc của các liệt sĩ. Người nhà của  các Liệt sĩ vào đây thăm viếng, họ cho gì cháu ăn nấy”. Tôi không nén nổi tiếng thở dài, nghĩ: “Thế cũng gọi là sống sao!”. Cậu bé ngần ngừ một lát như ngại ngùng về điều mình sắp nói: “Cũng có người cho cháu tiền. Ít thôi. Cháu dùng để mua hương thắp cho mấy chú, mấy cô, còn dành lại đủ tiền mua ổ bánh mì để ăn”. “Nhưng còn lâu dài về sau này nữa chứ?”. Cậu bé nhìn tôi, không trả lời. Tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ trước ánh mắt như ngạc nhiên, như trách cứ của cậu bé. Mình thực dụng quá mất rồi!

Hai người bạn đồng hành giúp tôi đặt hoa, thắp hương ở khu bia mộ liệt sĩ Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam trong khu bia mộ liệt sĩ Hà Nam Ninh. Khi ở thị xã Đông Hà, tôi đã mua một ôm những bó hương. Khi thường thì đã thấy là quá nhiều nhưng đến đây mới biết là chẳng thấm vào đâu. Một ôm những nén hương trong tay với mong muốn được thăm viếng từng hương hồn các anh các chị nhưng không thể nào, tôi đành lầm rầm khấn: “Gọi là một chút tri ân của em gái quê nhà tưởng nhớ đến công ơn của các chú, các anh, các chị. Thôi thì của ít lòng nhiều, xin anh linh các anh hùng, liệt sĩ đại xá và chứng giám cho!” Tôi đọc những dòng chữ ghi trên những tấm bia mộ. Tuy những hài cốt của các liệt sĩ quy tập về nghĩa trang Trường Sơn chỉ mang tính đại diện, nhưng cũng đủ thấy sự đóng góp về sức người  của ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thật lớn lao. Thấy ngày tháng năm sinh và ngày hy sinh, nhiều người còn rất trẻ. Mới chỉ mười tám, hai mươi, ngoài hai mươi một ít. Khi các anh, các chị ngã xuống chỉ bằng lứa tuổi con trai, con gái tôi bây giờ. Vào tuổi ấy, ngày nay chúng đang ngồi trên ghế giảng đường của trường đại học, đang học năm cuối của bậc trung học phổ thông. Tương lai sáng sủa đang mở ra trước mặt chúng. Ở tuổi ấy, thế hệ của các anh, các chị, của chúng tôi là ra mặt trận đánh quân thù, giải phóng quê hương, đất nước. Lịch sử giao cho mỗi thế hệ phải gánh vác một sứ mệnh khác nhau. Vì đất nước, vì dân tộc. Sứ mệnh nào cũng vinh quang cả! Tôi nhớ ngày ấy, các anh, các chị rất thích hát và nghe bạn bè hát. “Tiếng hát át tiếng bom” mà! Ở một đơn vị TNXP mở đường Trường Sơn, là em út của C4, tôi cũng hay hát. Hát nghêu ngao nhưng các anh, các chị trong đơn vị vẫn thích nghe. Bây giờ, giữa những hàng bia mộ liệt sĩ Hà Nam Ninh ở Nghĩa trang Trường Sơn, ngồi xuống và khe khẽ cất tiếng nghẹn ngào. Tôi hát:

... “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây

Bên nắng đốt, bên mưa quây

Em giang tay, em xoè tay

Chẳng thể nào xua tan mây

Chẳng thể nào che anh được...”(*)

Gió bỗng nổi lên. Rừng đại ngàn Trường Sơn rì rào như hoà theo tiếng hát tôi nấc nghẹn. Cả nghĩa trang đều nhuốm một màu hồng rực rỡ. Tôi nhìn lên bầu trời. Mặt trời đã ghé xuống đỉnh núi phía mờ xa nhưng ráng đỏ vẫn rừng rực như lửa cháy.

         ViÕt t¹i Qu¶ng TrÞ th¸ng 9/2007                                                        

                                                                                        H.P.N

 

 

 

 

 

___________

 (*) Lời bài hát “Cỏ non Thành Cổ” và lời bài hát “Sợi nhớ, sợi thương”.

 

Hoàng Phương Nhâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground