Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Rèn trong lửa" ra mắt bạn đọc

T

hông thường giá trị một cuốn sách sau khi được biên tập, in ấn và ra mắt bạn đọc là do các tầng lớp đọc giả tự mình định lấy. Chẳng có lời tô vẽ, trau chuốt ngợi ca hoặc biện hộ nào của người viết, người sáng tạo ra nó làm tăng thêm phần trăm giá trị cho chính giá trị đích thực của nó. Cuốn “Rèn trong lửa” hôm nay có vinh dự được ra mắt bạn đọc là một công trình tập thể, chỉ nhằm mục đích giữ vững và nêu cao truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Quảng Trị. Thông qua những hồi ức về các chiến sĩ là những người con trung nghĩa của quê hương trong các nhà tù đế quốc thực dân lại càng không muốn nói những lời hay, ý đẹp về mình. Tôi chỉ xin thay mặt nhóm anh em làm sách có mấy lời như là dẫn giải mong phụ giúp thêm khi các đại biểu, các đồng chí, các bạn và đông đảo độc giả sau này có lòng yêu mến, lần mở và đọc từng trang sách.

Với gần bốn trăm trang sách có nhiều thể loại: Truyện ký, tư liệu lịch sử, bút thư, thơ, nhạc, ảnh, tranh đồ bản … cuốn “rèn trong lửa” chứa đựng những gì?

Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ban liên lạc tù chính trị yêu nước tỉnh Quảng Trị, thoạt bắt tay vào, nhóm anh em biên soạn sách chúng tôi thống nhất phải đảm bảo tính chính trị, tính chuẩn xác lịch sử, tính khoa học, tính văn học nghệ thuật, độc giả mới chấp nhận được. Để đạt yêu cầu nội dung, tính chất, chúng tôi đặc biệt chú ý để ưu tiên đưa vào sách những tư liệu lịch sử, những bút tích, ảnh hiện vật, những tên đất, tên người kể cả nhữg con số thống kê, bản danh sách tù chính trị yêu nước của Quảng Trị ở một vài nhà tù khét tiếng dã man mà mình có được. Quảng Trị chúng ta có hai nhà lao khá tiêu biểu: nhà lao Quảng Trị được bọn giặc lập ra gần như cùng thời với sự thiết lập nhà nước phong kiến triều Nguyễn và sự cai trị của thực dân Pháp, và tồn tại vô cùng tàn bạo dưới thời Mỹ ngụy; nhà đày Lao Bảo thì mang tính Quốc gia cùng danh mục với những Hoả Lò, Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo, Phú Quốc v.v… đã từng lưu đày nhiều chiến sĩ cách mạng tiêu biểu qua các thời kỳ không chỉ riêng Quảng Trị ta như Lê Thế Tiết, Lê Thế Hiếu, Hồ Chơn Nhơn, Đoàn Lân … mà khắp nhiều miền quê khác giặc đày về đây như Liêu Thanh, Hồ Bá Kiện, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu… “Rèn trong lửa” đã dành riêng hai bài khảo cứu về hai nhà tù này. Chắc chắn tư liệu chưa được đầy đủ, phong phú lắm, song đó là biểu hiện của một sự cố gắng lớn của người viết. Quảng trị chúng ta cũng có những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, không chỉ là niềm tự hào riêng mà là vinh quang chung cho tất cả dân tộc như đồng chí Lê Duẩn, Trần Hữu Dược, Hoàng Thị Ái… Rồi tiếp theo như các đồng chí Đặng Thí, Trần Quỳnh, Trần Mạnh Quỳ, Trần Trọng Tân, Lê Hành… “Rèn trong lửa” đã kể lại giản dị, vắn tắt hơn và cũng khá sinh động về những người con quê hương ưu tú ấy.

Mảng truyện ký khá dày viết về một đội ngũ chiến sĩ kiên trung trong nhà tù đế quốc thì muôn hình, muôn vẻ, nhưng điểm nổi bật có lẽ như nhận xét của nhà văn Xuân Đức trong lời bạt cho cuốn sách: “… Tập sách này trước hết cũng nhằm phản ánh lại một hiện thực. Nhưng theo tôi, đây là một hiện thực khác thường và phi thường. Khác thường bởi không thể có ở một cuộc sống đời thường và không thể chấp nhận được trên cõi sống thông thường của loài người. Hiện thực khác thường ở trong cuốn sách khiêm nhường này là hiện thực ở phía bóng tối, phía cái ác. Bởi vậy nó khác thường, vì bóng tối và cái ác là thứ không thể chấp nhận được... Nhưng nó lại phi thường bởi trong cái bóng tối khủng khiếp ấy, con người vẫn hướng về ánh sáng, và cao hơn là chính họ đã tỏa ra ánh sáng làm bừng tỉnh ngục tù, làm chói ngời niềm tin. Ánh sáng được thắp từ con tim, từ lý tưởng. Một thứ ánh sáng có thực hoàn toàn, bởi rằng chính ánh sáng đó đã làm nên một vũ trụ mới, một kỷ nguyên mới, một thời đại mới”.

Văn học nghệ thuật có một thiên chức là tái tạo hiện thực. Qua một số trang viết của “Rèn trong lửa”, quả là cái hiện thực khác thường mà phi thường về những người tù cách mạng như đồng chí Xuân Đức nói đã đuợc khơi thức cụ thể, rõ rệt, như xương như thịt, như máu như tuỷ, như làn roi quật xuống, như tiếng thét bật lên… Ta nghe có tiếng vỡ của xương mắt cá, xương ống chân; tiếng gãy của những bộ xương sườn; ta thấy màu máu tươi rói đỏ lòm ộc ra từ hai lá phổi trong bộ ngực khép lẹp bị giày đinh giẫm đạp liên hồi, màu lửa khét lẹt, màu khói đen bùng bùng bốc cháy của cả một nắm thuốc súng to tướng bị tọng vào mồm con người mà đốt. Một cái trợn mắt như tia chớp lưỡi dao, người tù phóng vào mặt quân ác quỷ. Biết bao cảnh xương tan thịt nát, máu chảy đầu rơi, ‘‘Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” như Tố Hữu đã nói về người nữ anh hùng Trần Thị Lý trong nhà tù Mỹ ngụy diễn ra từng phút từng giờ đối với người chiến sĩ cách mạng tù đày. Từ thực tế đến với nghệ thuật văn chương ở địa hạt này, đôi lúc ngòi bút của người viết tắc nghẽn lại vì xót xa, căm hờn, xúc động kính phục. Chỉ nói đến cuộc đời thôi mà lột tả cho được sự thật cũng đã khó khăn lắm, huống hồ trên mảnh đất Quảng Trị ta, kể từ năm 1926 đến năm 1975 có gần một vạn cuộc đời bị thực dân đế quốc bắt bớ, tra tấn, giam cầm, đày đọa vào cảnh lao lúng như thế! Những gì đã có được về người tù cách mạng trong cuốn “Rèn trong lửa” mới chỉ là một phần rất nhỏ bé về sự hy sinh chiến đấu mặt đối mặt với kẻ thù. Hơn thế nữa đây lại cuộc chiến đấu trên mặt trận thầm lặng của một thời dĩ vãng đã khá xa xưa. Trong cuộc chiến ác liệt không vang lên tiếng súng này, người chiến sĩ phải độc lập tác chiến. Phải chiến thắng giặc nhưng  cũng phải tự bảo vệ được mình. Chỉ có một lý tưởng cách mạng soi sáng, một sự khẳng định sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, một ý chí kiên cường, một trái tim gang thép để làm vũ khí mà đương đầu với giặc. Cuộc sống bình thường hằng ngày vốn đã vô cùng phức tạp, con người bị đẩy xuống đá vực, bị ném vào lò lửa, càng phức tạp biết chừng nào! Chỉ một mẫu thuốc lá, một cục đường nho nhỏ, một ngọn cỏ làm chất rau tươi, một con cá chột nưa, thậm chí đến một giọt nước đái, đôi lúc cũng trở thành sự cám dỗ, sự chết sống, được thua, sự thành bại, nhất nhất có thể xảy ra, ảnh hưởng to lớn đến mục đích, lý tưởng cách mạng. Thế mới biết trong tù nghiến răng chịu đựng, vắt óc trí lực để dùng sức mạnh tinh thần bẻ gãy quân giặc đã khó, việc giữ cho trọn mình với lý tưởng cách mạng lại càng khó hơn.

Ngoài các bài viết của Thanh Sơn về đồng chí Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Tưởng nhớ đồng chí Đoàn Lân của Đặng Thí Người chiến sĩ cộng sản Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu của Phan Sĩ Toàn là vừa mang tính chính luận vừa kể chuyện, trong hầu hết các chuyện kể khác nhau như “Những năm tháng đấu tranh rèn luyện trưởng thành” của Đặng Thí, Một bức chân dung nói về Hoàng Thị Ái của nguyễn Trung Hữu, “Chuyện anh em nhà họ Trương” của Linh Linh, “Sau song sắt Côn Đảo” của Trần Quỳnh, “Chặng đầu” của Hà Minh Quốc, “Vàng lửa” của Nữ Hoàng, “Ở tù đấu tranh, làm thơ” của Trần Trọng Tân, “Người tù viết con cá chuột nưa” của nguyễn Trung Hữu, “Người giao liên xứ uỷ Trung  Kỳ” của Nguyễn Tiến Đạt, “Người tù số 777” của Đinh Như Hoan, “Chuyện đi đày Côn Đảo” của Hoàng Phùng, “Lớn lên trong thử thách” của Hoàng Đức, “Người lựa chọn cái chết, người chiến thắng trở về’’ của Cao Hạnh, “Người của một thời” của Minh Tứ, “từ Côn đảo đến khám Chí Hoà” của Hoàng Đức, “Bốn lần bị bắt một lòng trung kiên” của Phương Hồng, “Giữa Năm Căn những năm tháng ấy” của Nguyễn Trung Hữu … Tất cả phần nào nói lên được phẩm chất anh hùng, thực sự anh hùng của những con người Quảng Trị quê hương mà tôi đã có mấy lời mạo muội thẩm định ở phần trên.

Trong tù hoàn toàn không chỉ có cái chết, mà có cả sự sống với đầy đủ mọi ý nghĩa của sự sống con người. Từ cái ăn đến cái mặc, sinh hoạt vật chất tinh thần, những mối quan hệ, chuyện đấu tranh, chuyện thương yêu đùm bọc che chở lẫn nhau, chuyện gia đình quê hương, bà con làng xóm một phút suy tư, một bầu tâm sự … mọi thứ vẫn diễn ra song song với cuộc vật lộn căng thẳng từng phút từng giây. Đoàn tù đầu tiên của 78 con em Quảng Trị bị đày ra Côn Đảo, khi còn lênh đênh giữa biển cả vẫn nhớ 19.5 ngày sinh của vị cha già dân tộc đã tổ chức lễ kỷ niệm trong cảnh xiềng xích: “Không ồn ào xúc động, lặng lẽ thầm kín trong những ánh mắt chan chứa tình yêu. Chúng tôi ngồi cả lên. Những dây thừng trói xiết những cánh tay giờ đây trở thành sợi dây chuyền sức mạnh. Từng cánh tay teo tóp cố gồng lên trong từng nút thắt để giữ tư thế ngồi nghiêm hướng về miền Bắc…”. “Chuyến đi đày Côn đảo” của Hoàng Phùng, trong tù thường xuyên, các chiến sĩ vẫn mở các lớp học. Cố vấn Phạm Văn Đồng đã nói về đồng chí Lê Duẩn: “Đồng chí Lê Duẩn trong thời gian đó đã cùng với anh em chúng tôi tham gia các hoạt động trong nhà tù nhất là trong việc học tập: học tập chính trị, học tập văn hoá…” Ở nhà tù Buôn Ma Thuột thời kỳ đồng chí trần Hữu Dực làm Bí thư Đảng uỷ còn tổ chức học tập cả quân sự. Trong bài “Cuộc duyệt binh của những người tù Buôn Ma Thuột” Vũ Tang Bồng và Lê Thanh Bài viết: “… Một số đồng chí trẻ khoẻ, trung kiên như Nguyễn Nhơn, Trần Thanh Tứ, Đoàn Khuê, Ngô Thuyền, Phạm Kiệt…. được chọn làm hạt nhân trung kiên phụ trách các trung đội, đại đội. Người huấn luyện là đồng chí Trương Văn Lĩnh, một trong những Đảng viên đầu tiên của Đảng đã từng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử vào học trường Quân sự Hoàng Phố…”. Và rồi họ đã tổ chức được một cuộc duyệt binh học theo phiên chế đội hình các binh chủng quân đội Liên Xô. Hai tác giả Vũ Tang Bồng, Lê Thanh Bài kể tiếp: “… Đúng tám giờ sáng ngày mồng một tết cuộc duyệt binh được tổ chức trọng thể tại sân nhà tù với sự tham gia của hơn bốn trăm tù nhân trước sự tò mò hiếu kỳ và có phần ngỡ ngàng của vợ chồng quản ngục Mi - Nhô cũng như của binh lính viên chức nhà tù … Sau lễ chào cờ, “Tổng tư lệnh” Trương Văn Lĩnh đọc “Nhật lệnh”. “Bộ đội” đi ba vòng quanh “Quãng trường”. “Đội quân nhạc” vừa đi đều vừa hát quốc tế ca và các bài ca cách mạng…”. Tất nhiên những từ: Tổng tư lệnh, nhật lệnh, bộ đội, quãng trường, đội quân nhạc đều đặc trong ngoặc kép, nhưng cũng thật là tài giỏi, thật là ngộ kỳ thay! Rõ ràng ở đâu có người chiến sĩ cách mạng kiên trung là ở đó luôn có sự sống.

Kẻ thù thường xuyên tạc người chiến sĩ cộng sản là những người khô khan không có tình cảm “Rèn trong lửa” đã sưu tầm được khá nhiều các tác phẩm văn nghệ của những người tù cộng sản. Trong tập một này chúng tôi cũng đã biên tập được một số bản nhạc và một số bài thơ: “Bài thơ Côn Đảo” là một tác phẩm khuyết danh được nhiều người tù Côn Đảo đọc đến thuộc lòng. Bài thơ kể về chế độ nhà tù dã man đối với tù nhân của bọn đế quốc tay sai ở Côn Đảo:

Xếp ơi xếp, tiếng từ đâu vọng lại

Người lính canh chân thất thểu bước vào

Anh gật đầu rồi cất giọng khao khao

Kêu chi thế cứ kêu lên mãi mãi

Lệnh ông tỉnh khi đến đây để lại

Bảo các anh khi chết mới được kêu

Còn có đau dù là ít hay nhiều

Cứ mặc kệ cứ nằm im chờ chết

Bảy thanh tre trói tròn quanh chiếc nóp

Cho vài người lôi cổ xuống Hàng Dương

Đó là lòng ưu ái của tỉnh đường

Đã dành sẵn cho những người cách mạng…

Thế nhưng khi tù nhân bảo cụ thể tối hôm qua có năm người vừa chết yêu cầu cho đi chôn thì người lính canh nói “cấp trên bận quá, tiệc chưa tàn và tất cả đều say” chỉ cử tôi đến đây để kiểm xác chết và “cho người khiêng đi liệm”. Trong khi đó những người tù đã biểu hiện lòng căm giận đối với kẻ thù và lòng thương xót đồng chí, bè bạn thật xâu xa.

… cửa đóng lại năm phút liền mặc niệm

Không nhang đèn nhưng mầu nhiệm làm sao

Không khói hương sao bảy toả ngạt ngào

Không đàn hát sao tim rung đều nhịp

Trong trầm lặng tiếng ai gào bi thiết

Gian phòng bên kêu bớ xếp xếp ơi

Ở ngoài sân từng mảnh lá bàng rơi

Nhặt làm giấy ghi thêm chồng tội ác…

Trần Trọng Tân giữa đêm tù Côn Đảo bốn bề sóng gió vẫn lắng nghe hơi thở của vạn vật đất trời:

…Ù ù gió thổi bốn bề lao xao

Ào ào sóng vỗ ào ào

Nghe như cách mạng dâng trào sục sôi

Sân tù xào xạc lá rơi

Cành khô răng rắc gãy rời thân cây…

Nằm nghe không bỏ sót một hoạt động của vũ trụ xoay vẫn và người tù – nhà thơ-liên tưởng đến ngày thắng lợi của cách mạng.

Lắng nghe nghe nữa lắng nghe

Đất liền vang tiếng dội về: Xung phong!

Lắng nghe, nghe cả tiếng lòng

Tình dân nghĩa Đảng hiếu trung một bề

Lạnh thân, lòng ấm ấm ghê

Ta nghe cả tiếng ngày về vui sao!…

“Mối tình đẹp” kể về mối tình của liệt sĩ Lê Hồng Tư người thanh niên trí thức Sài Gòn đã dũng cảm kiên cường đấu tranh trong lòng địch, kể ngang tầm với liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi: Anh ngõ ý lần đầu Ngập ngừng em từ chối… Nhưng khi Lê Hồng Tư không may sa vào tay giặc bị kết án tử hình người con gái ấy đã:

Giặc xử anh tử hình

Trong xà lim em khóc

Giận quân thù ác độc

Tự bảo em yêu anh

Anh ơi! Em vẫn tin

Anh sống hoài sống mãi

Mặc cho án tử hình

Trăm năm em vẫn đợi …

Về âm nhạc, bên cạnh những bản nhạc ngợi ca người chiến sĩ cách mạng của Trần Hoàn và hai nhạc sĩ Quảng Trị Lê Quang Nghệ, văn Báo, “Rèn trong Lửa” có in một bản nhạc tù khuyết danh: “Đi đày Côn đảo”, giai điệu bi thiết nhưng vẫn mang âm hưởng hào hùng chứa đựng đầy khí phách người chiến sĩ cộng sản hiên ngang.

Dù chỉ mới bước đầu với hơn bốn trăm trang sách ít ỏi “Rèn trong lửa” vẫn cố gắng khôi phục những giá trị tinh thần to lớn đã một thời từng là nguồn sức mạnh chiến thắng mà Đảng ta, phong trào cách mạng của chúng ta xây dựng, rèn đúc nên. Về mặt chữ nghĩa, văn chương nếu có chổ này chỗ kia còn hạn chế thì may mắn đã có hiện thực lịch sử bù đắp lại. Hiện thực đó như lời giới thiệu của đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hoan viết: “… Trong thời gian bị đày đọa về thể xác và tinh thần kéo dài hàng chục năm tại các “địa ngục trần gian” ấy, các cán bộ đảng viên chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường đấu tranh với kẻ thù một lòng tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tin tưởng ở thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam… Cuốn sách “Rèn trong lửa” không thể nào nêu hết cảnh bị đày đọa ở các địa ngục của kẻ thù nhưng phần nào đã nói lên được đức tính kiên trung với Đảng, với dân, khí tiết hiên ngang dũng cảm trước mọi kẻ thù của những người con quê hương Quảng Trị, giúp chúng ta hiểu thêm ý chí cách mạng, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vững bước tiến lên theo con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn …”.

Hán văn có câu: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, tôi muốn mượn bài thơ thật giản dị, đầy tính hài hước nhưng chứa đựng chất tư tưởng thâm thuý sâu xa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào hai câu thơ trên để viết nên như một câu  chuyện kể trong tập “Nhật ký trong tù” nổi tiếng của Người để kết thúc mấy lời vừa trình bày ở phần trên:

Một ngày tù nghìn thu ở ngoài

Lời nói người xưa đâu có sai

Sống khác loài người vừa bốn tháng

Tiều tụy còn như mười năm trời

Bởi vì:

Bốn tháng cơm không no

Bốn tháng đêm thiếu ngủ

Bốn tháng áo không thay

Bốn tháng không giặt giũ

Cho nên:

Răng rụng mất một chiếc

Tóc bạc thêm mấy phần

Gầy đen như quỹ đói

Ghẻ lở mọc đầy thân

May mà:

Kiên trì và nhẫn nại

Không chịu lùi một phân

Vật chất tuy đau khổ

Không nao núng tinh thần.

(Bốn tháng rồi)

Bác nói người chiến sĩ cộng sản đã chiến thắng gian khổ lao lúng nhưng lại nhờ “May mà kiên trì và nhẫn nại”. Có phải thế không? Không đâu! Đó là cách nói theo một nghệ thuật dùng từ phản nghĩa của Bác. Với người chiến sĩ cộng sản, chẳng có gì là ngẫu nhiên, chẳng có gì là “may mà’’ cả. Ở người cộng sản chân chính, suy nghĩ luôn có sẵn tình cảm, tư tưởng luôn được xác định sẵn. Bởi thế giới quan của họ là thế giới quan duy vật, nhân sinh quan của họ là nhân sinh quan cộng sản. Họ đã được vũ trang tư tưởng của một chủ nghĩa bách chiến bách thắng: Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Cho nên người tù cộng sản Hồ Chí Minh đã chiến thắng nhà tù vạn ác của Tưởng Gới Thạch là một lẽ đương nhiên. Một đội ngũ những chiến sĩ cách mạng con em của quê hương Quảng Trị không may sa cơ rơi vào tay giặc, nhưng đã vượt lên trên cái chết, mà cuốn “Rèn trong lửa” đã phản ánh được phần nào đó cũng là một lẽ tất nhiên. Bởi, họ là những người chiến sĩ biết chiến đấu cho lý tưởng độc lập, tự do dưới lá cờ vinh quang của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tôi xin trân trọng giới thiệu “Rèn trong lửa” với các bạn đọc.

Nguyễn Trung Hữu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 32 tháng 05/1997

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

1 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground