Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sâu nặng nghĩa tình

T

hời gian cứ thế, thấm thoắt trôi. Cuộc đời và số phận của mỗi con người cũng được cuốn theo dòng đời năm tháng, trưởng thành cùng xã hội. Đến khi có dịp hồi tưởng lại thì, Chao ôi! Sao nhanh thế! Mới đó mà đã 40 năm trôi qua.

Ấy là trong những ngày người dân Quảng Trị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương, rộn ràng và háo hức mừng ngày hội lớn. Phấn khởi và tự hào với bao thành tựu, đổi mới trên quê hương bao nhiêu thì cũng sâu lắng, ngậm ngùi bấy nhiêu khi nhớ về những năm tháng gian khổ mà hào hùng và chảy nước mắt khi gặp lại những con người của những năm tháng ấy. Dưới đây là một trong những câu chuyện đầy cảm động đó.

* * *

Ngày 13.3.2012 trong tiết trời mưa phùn se lạnh của cái rét tháng hai. Như đã thông báo trước, tôi đón anh cùng với đoàn BS. RHM- Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm RHM Đà Nẵng, ngay tại Trung tâm thương mại Lào- Thái ở Đông Hà. Sau bữa cơm trưa vội vã ở quán Tân Châu, đoàn BS. RHM lên xe đi Ba Lòng cho kịp tổ chức khám chữa bệnh về RHM buổi chiều cho nhân dân. Còn tôi đưa anh (PGS. TS. Lê Đức Lánh - Trưởng khoa RHM đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh) ngược trở lại nhóm khám ở xã Hải Trường, Hải Lăng, nơi Đoàn BS. RHM  đại học Y dược Huế đã đến lúc 11h.

Trên đường đi anh nói: - Lát nữa em ghé Thành Cổ cho anh viếng thắp nén nhang. Rồi anh nhỏ nhẹ trải lòng với tôi: - Nhanh thật đấy, đã 40 năm! Anh đã tham gia chiến dịch mùa hè đỏ lửa ở Thành Cổ Quảng Trị năm 72, anh là người may mắn hơn các đồng đội của anh! Đồng đội ngã xuống cho anh được sống, được đi đến tận chiến dịch mùa xuân 1975, rồi được học hành và trưởng thành. Nên nhiều lần ghé về Thành Cổ Quảng Trị thắp nén nhang cho đồng đội mà anh cảm thấy như vẫn còn mắc nợ với lương tâm...Chiến tranh qua đi đã 40 năm mà Quảng Trị đổi thay chưa nhiều. Thành Cổ được xây dựng lại chưa xứng tầm với sự hy sinh của chính Thành Cổ.

Tôi tiếp lời anh: - Đúng vậy anh ạ, nhân dân cả nước, lãnh đạo cả nước đến đây ai cũng thương cảm cho sự tàn phá nặng nề và sự hy sinh lớn lao của Quảng Trị. Nhưng 40 năm qua, Quảng Trị chưa được đầu tư một công trình nào lớn cho xứng với sự mất mát đó, mà Quảng Trị đâu có thiếu thuận lợi. Nhân lực có, cửa khẩu có, cảng biển có, đường sắt có. Quảng Trị chỉ có Nghĩa Trang là nhiều thôi anh ơi!.. Anh ngắt lời tôi, nét mặt hơi buồn và suy tư trầm lắng:

- Quảng Trị lắm người tài giỏi. Anh nhớ mãi câu nói của Bác Duẩn, một nhà chính trị lỗi lạc. Sở dĩ anh nhớ lâu là vì khi vào bộ đội mình viết chữ đẹp, nên luôn được phân công kẻ vẽ khẩu hiệu: - Nếu kỷ luật là sức mạnh của quân đội ,thì tư tưởng là linh hồn, là xi măng gắn quân đội thành một khối thống nhất, rắn như thép vững như đồng ...

Tôi tiếp lời anh: - Em rẽ đường sân bay Ái Tử qua cầu An Mô đưa anh ghé thăm di tích tưởng niệm Bác Duẩn rồi lên Thành Cổ.

Anh thốt lên: - Ôi, thế thì cám ơn em quá !

Ở nhà tưởng niệm Bác Duẩn, sau khi thắp nhang, ghi sổ lưu niệm, chúng tôi qua bảo tàng. Anh chăm chú xem các tư liệu ghi lại quá trình hoạt động của Bác Duẩn, bắt tay người hướng dẫn, trao chút quà nhỏ cám ơn rồi anh nói với tôi: - Theo anh ở đây thiếu hai sự kiện nổi tiếng của Bác. Thứ nhất là câu giáo huấn đối với quân đội, thứ hai là ghi âm lời đọc diễn văn truy điệu Bác Hồ...

Trời vẫn mưa bay nhè nhẹ, dòng Thạch Hãn trong xanh lững lờ. Anh nhìn dòng sông chảy mà tâm hồn lắng đọng như nhìn vào cõi xa xăm, ngược dòng thời gian bốn mươi năm về trước để hồi tưởng hay kiếm tìm đồng đội của mình. Bến thả hoa, gác chuông Thành Cổ huyền ảo trong mưa bay hiện hữu sự tôn kính của người sống hôm nay đối với người đã khuất. Những hồi chuông cất lên vang xa lẫn vào không trung, lay động tâm hồn những đoàn người viếng thăm, gửi tấm lòng thành của họ đến hương hồn những người đã ngã xuống trên mảnh đất thiêng này.

Đến nhà đón tiếp Thành Cổ, anh xin gặp người phụ trách để ủng hộ số tiền mười triệu đồng, gọi là đóng góp để cải thiện đời sống anh em phục vụ hương khói cho các đồng chí của anh đã nằm lại mãi mãi nơi này.Thắp nén nhang ở tượng đài Thành Cổ và đài tưởng niệm sinh viên, nhìn anh rớm lệ mà lòng tôi lắng lại. Tôi chạnh nghĩ, khoảng mười, hai mươi năm nữa thôi, những bằng chứng sống, những con người làm nên lịch sử 81 ngày đêm Thành Cổ chấn động địa cầu kia không còn nữa. Các thế hệ mai sau đâu có được diễm phúc chứng kiến những giây phút thiêng liêng như tôi lúc này!..

Rời Thành Cổ chúng tôi đi Hải Trường. Suốt cả chặng đường anh lặng im suy tư. Thấy vậy tôi cũng không muốn khuấy động khoảng lặng trong tâm hồn anh nữa.

Làm việc với đoàn khám từ thiện xong, trời nhá nhem tối, chúng tôi vội quay về Đông Hà. Tôi ngõ ý muốn đưa anh đi lai rai một tí. Anh cám ơn, kêu mệt xin được cho nghỉ sớm.

Sáng hôm sau, tôi đón anh ở khách sạn Mê Kông lúc 9h sáng. Trời đỡ mưa hơn nhưng vẫn đang còn ẩm ướt lắm. Lên xe tôi hỏi thăm: - Đêm qua ngủ được không anh? Anh kể: - Mình ngủ mê mệt đến 4h tỉnh giấc, từ lúc ấy đến giờ cứ day dứt về kỷ niệm trận đánh Ngầm Đuồi và cầu Tàu hoả ở Cam Thanh.

Anh bảo cho anh đến lô cốt đầu Đường 9, nơi đón Phi-đen Cat-tơ-rô. Đưa anh đi tôi nói: - Lô cốt phá rồi không còn nữa! Anh thốt lên: - Tiếc nhỉ. Năm ấy anh trong đoàn quân đón Phi-đen Cat-tơ-rô ở lô cốt này!

- Thế từ đây đi ngầm Đuồi còn xa nữa không?

- Được! Em sẽ đưa anh đi. Bây giờ không còn là Ngầm Đuồi nữa mà là cầu Đuồi lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đến cầu Đuồi tôi cho xe đi chậm lại. Anh nhìn xuống dòng sông rồi chậm rãi kể: Bên đùi trái anh có vết sẹo kỷ niệm của lần bị thương ngay Ngầm Đuồi này đây. Hôm đó anh đứng làm hoa tiêu cho xe pháo qua ngầm bị máy bay đánh bom. Dân ở đây tốt lắm em ạ. Anh nhớ mãi gia đình ông Nhơn ở bên Ngầm Đuồi này có hai cô con gái tên là Mai và Miện đều là du kích; có cậu con trai hồi đó chừng 12 hoặc 13 tuổi, không biết bây giờ có còn không, làm sao tìm gặp được? Tôi ủng hộ anh ngay: - Giờ anh em mình tới xóm đó hỏi thăm xem còn không.

Cách cầu Đuồi chừng 500m, ở xóm Tam Hiệp thấy một bà già bên đường, tôi dừng xe lại nói với anh:

- Để em hỏi bà già chắc sẽ biết.

Đúng như phép màu, bà nói ngay:

- Có ông Nhơn ở xóm này, nhưng ông ấy chết rồi. Nói đoạn đưa tay chỉ về phía đường chừng 200m, bà nói:

- Con trai ống ấy còn đó, chỗ quán nước cái thằng cụt chân ấy.

Cả tôi và anh đều mừng hẳn lên, phóng xe tới quán nước. Chủ quán đang dọn dẹp ở sân thấy người lạ đứng lên nhìn. Bước xuống xe, anh đứng chững lại nhìn anh chủ quán rồi thốt lên:

- Trời ơi ! giống ông Nhơn quá chừng!

Tôi nói tiếp luôn: - Đây là thầy tôi, năm 72 đi bộ đội ở nhà ông Nhơn có hai cô con gái tên là Mai và Miện.

Chủ quán tiếp lời: - Dạ! Nhà em đây nhưng ba và hai chị đã mất rồi. Hồi ấy, trong hai anh bội đội ở đây có một anh người Thái Bình hay kể chuyện vui.

Anh lên tiếng: - Anh bộ đội người Thái Bình là tôi đây.

Chủ nhà ồ lên: - Trời! Bốn mươi năm rồi mà anh còn nhớ về thăm, quý hoá quá!... Mạ ơi! Nhà có khách quý đây... Bà ở dưới bếp bước lên, anh bước tới cầm tay run run, mắt anh rướm lệ. Bà mẹ quá xúc động chậm rãi nói: - Anh còn sống, nhớ ghé về thăm như ri quý rồi!.. Anh xin phép thắp nén nhang cho ông Nhơn và hai cô Mai, Miện. Rồi trao cho bà ít tiền làm quà. Riêng anh con trai đang làm quán nhiều hơn, gọi là giúp chút ít.

Giây phút chứng kiến cảnh này, tôi thấy khóe mắt mình cay cay. Tôi quay mặt đi để giấu sự xúc động của mình. Ôi, đẹp làm sao, cao cả mà bình dị làm sao những cuộc đời như anh. Mười tám tuổi, đang là sinh viên sư phạm Hà Nội lên đường nhập ngũ. Chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào năm 70-71, rồi 72 ở Quảng Trị đến năm 75 giải phóng Sài Gòn chuyển sang học y khoa, du học Tiệp Khắc rồi làm tiến sĩ bên Úc, giờ là PGS. TS.- Trưởng khoa RHM đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Sống giữa phồn hoa đô hội nhưng không quên những năm tháng gian nan đầy kỷ niệm ân tình để hôm nay trở về Quảng Trị, tìm về những tháng ngày gian lao mà sâu nặng nghĩa tình.

* * *

Chúng tôi vội vã trở về Đông Hà, kịp xe đi Đà Nẵng để anh bay về thành phố Hồ Chí Minh vào chuyến bay tối. Chia tay tôi anh nói:

- Sang năm anh sẽ tổ chức một đoàn về thăm, khám bệnh từ thiện ở vùng Tam Hiệp, Cam Thuỷ và tìm lại gia đình mẹ con bà Nghĩa ở Cam Thanh gần cầu đường sắt. Cám ơn em đã cùng anh, cho anh có hai ngày ở Quảng Trị đầy ý nghĩa và sâu nặng ân tình, hẹn gặp lại.

                                                                                             T.V.D 

 

Trương Văn Duyến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 215 tháng 08/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground