Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sâu thẳm mạch nguồn Ô Lâu

Nếu nói rằng qua bao thăng trầm của lịch sử, làng là nơi bảo tồn tinh túy, là hồn của văn hóa dân tộc để vận vào làng Câu Nhi thì có thể thấy đây là một làng quê của miền Trung còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa, người dân nơi đây từ bao đời nay luôn tôn trọng sự học. Theo mạch nguồn đó, sáng mai nay tôi lần tìm về…
 

Trước hôm chúng tôi về Câu Nhi, trời đổ cơn mưa lớn. Dòng nước sông Ô Lâu cuồn cuồn chảy. Đường về làng qua mưa sạch hơn và xe có thể chạy băng băng bởi đã được tráng nhựa. Anh Bùi Văn Hồng, chủ nhiệm HTX Câu Nhi kể cho tôi câu chuyện vui. Chuyện là anh phóng viên Hà Thạch Hãn (báo Tuổi trẻ) vào thành phố Hồ Chí Minh đã lâu mới có dịp về thăm quê. Bước xuống xe trong đêm tối, cậu ta thuê ngay một chiếc xe ôm về làng. Thấy xe cứ chạy theo đường nhựa bon bon, cậu ta tỏ ý nghi ngờ, kiểu nghi ngờ của dân thành phố liền buột miệng nói với bác tài thôi đừng chạy vòng vèo để tính thêm tiền nữa, vì anh là người làng. Anh chạy xe ôm không nói gì, chỉ khi đổ khách xuống tận nhà người bà con, Hà Thạch Hãn mới ngượng ngập bởi chưa cập nhật được thông tin làng mình giờ có đường nhựa chạy về tận ngõ xóm.

Trước khi tìm hiểu chuyện học, chuyện xây dựng làng văn hóa, tôi tiếp cận với các anh trong lãnh đạo địa phương về đời sống kinh tế của xã nhà trong mấy năm gần đây. Hoàng Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Hải Tân, một người còn đang trẻ có phong cách năng động đi thẳng vào câu chuyện:

- Cũng khó lắm mới được như bây giờ anh à. Anh tính xem xã có 1.120 hộ với 5.284 nhân khẩu được phân thành 4 thôn (cũng là 4 HTX), người dân chủ yếu làm nông nghiệp với diện tích đất canh tác nông nghiệp 520,46 ha là không lớn. Năm rồi tổng thu của xã mới đạt hơn 18 tỷ đồng, so với năm 1999, 2.000 tăng thêm được 4,15 tỷ đồng thì coi như còn là xã nghèo.

Tôi góp chuyện:

- Nói vậy chứ với một địa bàn như Hải Tân, bình quân thu nhập của người dân 3,3 triệu đồng/năm, bình quân lương thực 820kg/người là đã khá rồi. Nhưng điều tôi băn khoăn là làm sao để phá được thế độc canh cây lúa? Bảo cho biết:

- Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ qua đã đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo chỉ tiêu phấn đấu và hiện đang đạt được là: Nông nghiệp 58%, Tiểu thủ công nghiệp 13%, Thương mại - dịch vụ 29%. Nằm ở một địa thế như Hải Tân, sản xuất của dân chủ yếu vẫn còn là nông nghiệp, thương lại - dịch vụ không đáng kể, còn lại là sản xuất cát sạn, đúc bờ lô, phát triển nghề mộc, nề. Mới đây xã đã chủ trương khôi phục nghề nón lá, một nghề truyền thống ở thôn Văn Quỹ. Hiện đang xúc tiến, đã vay được 200 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng đã được tính đến là ngoài tiêu thụ trong thị trường nội tỉnh, còn cung cấp cho đầu mối tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hải Tân là nơi hội đủ cả hai yếu tố “nhất cận thị, nhì cận giang” nhưng đời sống của người dân chưa phải là giàu có. Lo cái ăn, cái ở, cái mặc cho dân đã khó, khó hơn là làm sao để đời sống văn hóa, dân trí được nâng cao. Xã có 4 thôn thì đã có 2 thôn Câu Nhi và Văn Quỹ đã được công nhận làng văn hóa, hai thôn còn lại là Văn Trị và Hà Lỗ đang phát động xây dựng làng văn hóa. Anh Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng văn hóa huyện Hải Lăng cùng đi cho hay huyện đang chuẩn bị thực hiện đề án xây dựng huyện văn hóa điểm của tỉnh và với những xã có bề dày truyền thống như Hải Tân phải là những xã đi đầu. Cũng đúng thôi bởi ở đây có những làng như Câu Nhi có lịch sử lập làng từ rất sớm, hình thành cách đây 600 năm, nghĩa là vào thời kỳ cuối nhà Trần, đầu nhà Lê, khoảng giai đoạn 1407 – 1427. Một trong những di sản văn hóa có giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu là đình làng, chùa Quan Khố, khu Văn Thánh, miếu thờ các vị danh nhân của làng, trong đó Đình làng Câu Nhi được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (năm 2001).

Theo sự dẫn dắt của ông Bùi Hữu Kha, Trưởng làng Câu Nhi, chúng tôi tìm về những dấu tích của làng. Có lẽ Hải Tân là xã còn lưu giữ được nhiều dấu ấn của làng xưa. Cả xã có đến 21 ngôi đình cổ, được tôn tạo, phục chế qua các thời kỳ. Hôm chúng tôi về thăm, nhà thờ họ Bùi ở Câu Nhi đang được xây dựng lại. Ông Bùi Văn Lập, nguyên Trưởng phòng nông nghiệp huyện Triệu Hải (cũ), một người con trong dòng họ đang tất bật với việc xây dựng lại nhà thờ họ nhiệt tình giới thiệu cho tôi về danh nhân tiến sĩ Bùi Dục Tài, về Thượng thư Bộ Lại triều Tây Sơn Bùi Văn Tú và ngôi nhà thờ đang được xây dựng với sự đóng góp của con em trong dòng họ. Hai vị này có bài vị được thờ tại nhà thờ họ. Ở Câu Nhi những danh nhân người làng học hành đỗ đạt, “kinh bang tế thế” luôn được tôn vinh. Tên tuổi của họ được nhắc đến đầu tiên trong văn tế của làng vào những ngày lễ hội, cúng tế, lưu tiếng thơm muôn đời cho hậu thế noi gương. Nói đến Câu Nhi là nói đến quê hương của rất nhiều vị có công với nước luôn được nhân dân tôn thờ. Trong đình làng bên cạnh việc thờ những vị nhiên thần như Thần Hoàng, thần Nông… là thờ các vị danh nhân người làng Câu Nhi làm quan dưới các triều đại như Tướng công Phạm Duyến; Úy Lạo sứ Nguyễn Chánh; Mậu hóa hầu Trần Quý Công; Đô đốc Hoàng Phúc; Tiến sĩ triều Lê - Bùi Dục Tài; Quan tướng triều Mạc - Hoàng Bôi; Thượng thư triều Tây Sơn - Bùi Văn Tú Thượng thư triều Nguyễn - Nguyễn Tăng Doãn.

Một trong những truyền thống tốt đẹp đã được các thế hệ dân làng giữ gìn và phát huy là truyền thống hiếu học, mà người có công khai sáng là Bùi Dục Tài, người con ưu tú của làng. Ông là người mà theo Dương Văn An trong “Ô Châu Cận Lục” là “sớm nên sĩ vọng, đột phá khai hoa”. Chỉ trong vòng 12 năm theo đuổi đèn sách (1490-1501) ông đã đỗ cuộc thi Hương. Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1502), ông đỗ kỳ thi Hội. Cũng năm đó, Bùi Dục Tài vinh dự đỗ Tiến sĩ (đệ nhị giáp tiến sĩ) ở khoa thi Đình, được “sắc tứ vinh quy”, được sắc phong trật hàm thất phẩm, khắc tên vào bia và hiện nay vẫn còn tấm bia ghi tên ông tại Văn Miếu - Hà Nội. Có thể nói ông không chỉ đem lại niềm vinh dự tự hào to lớn cho làng Câu Nhi mà còn là mốc son đánh dấu lịch sử khoa cử xứ Đàng Trong, đặc biệt là việc mở mang sự học từ đó hội nhập với cả nước, đưa nền văn hiến dân tộc không ngừng được kế tục và phát triển, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam rạng danh muôn thuở. Luôn tưởng nhớ đến người con ưu tú của làng, ở Câu Nhi còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến Bùi Dục Tài như đình làng, chùa Quan Khố, khu Văn Thánh, nhà thờ họ Bùi, lăng mộ ông. Một giải thưởng cấp chính quyền nhà nước tỉnh Quảng Trị mang tên ông - Giải thưởng Bùi Dục Tài cũng đã ra đời vào dịp Quốc Khánh 2/9/2003 đã được trao lần đầu tiên cho 33 cán bộ, học sinh trong tỉnh đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học nhằm khích lệ phong trào khuyến học.

Như dòng Ô Lâu chảy mãi không ngừng nghỉ, các thế hệ tiếp nối của con em dân làng luôn thể hiện tinh thần hiếu học của các bậc tiền nhân. Là vùng quê nghèo thuần nông thấp trũng “chưa mưa đã úng”, đời sống của người dân còn nghèo khó nhưng bảng vàng truyền thống của làng thì ngày càng rạng danh khi hiện nay làng có đến 7 vị có học vị tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đang công tác ở trong nước. Đó là Tiến sĩ toán học Đào Bá Dương; Tiến sĩ y khoa Lê Thị Quế; Tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Thu Hà ở Hà Nội; Tiến sĩ y khoa Lê Chí Dũng; Tiến sĩ kinh tế Bùi Phước Trung; Tiến sĩ hóa học Bùi Văn Sô ở thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ y khoa Bùi Văn Minh ở Mỹ. Làng còn có trên 400 thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư… đang công tác ở trong tỉnh và trong nước. Hiện có nhiều con em trong làng đang theo học ở các trường đại học. Có nhiều gia đình có 3-5 con em thi đỗ đại học như gia đình ông Bùi Văn Hòa có 4 con vào đại học, gia đình ông Bùi Công Đồng có 5 đứa con đều học đại học và cao đẳng; gia đình ông Bùi Phước Hùng có hai con học đại học và 1 thạc sĩ… Làng còn có 18 người đang là cấp sĩ quan cấp tá trong lực lượng QĐNDVN. Câu Nhi cũng là quê hương của Cố nhạc sĩ Trần Hoàn; ra đi mang theo hồn đất, tình người của làng quê có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, ông trở thành một nhạc sĩ tài hoa của đất nước.

Chúng tôi rất đỗi vui mừng được biết hiện nay lãnh đạo và nhân dân Hải Tân rất coi trọng sự học của thế hệ con em. Từ xã đến thôn mỗi dòng họ đều có Ban khuyến học. Bình quân mỗi nhân khẩu đóng góp 2.000 đồng/năm để xây dựng quỹ. Mỗi năm xã trao hơn 5 triệu đồng tiền thưởng cho học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và học sinh thi đỗ vào đại học. Điều đáng buồn là năm qua, nơi chính quê hương của danh nhân Bùi Dục Tài lại không có người nào nhận được Giải thưởng Bùi Dục Tài. Tôi mang điều này trao đổi với lãnh đạo xã, các anh cũng rất băn khoăn và đang quyết tâm vận động con em của mình cố công học tập, nghiên cứu để đạt được giải thưởng cao quý này trong những năm tới.

Chợt nhớ hôm trước cử nhân sử học Lê Chí Tài, một người con làng Câu Nhi được cơ quan trao cho nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học di tích lịch sử của làng đã nói với tôi rằng ở Câu Nhi có rất nhiều di tích lịch sử cần được tôn tạo, phục chế, nhưng do để tập trung nên vừa qua mới đề cập đến di tích Đình làng. Theo anh, sắp tới cần tôn tạo, phục chế lại khu Văn Thánh đang xuống cấp nằm trước đình làng. Đây là nơi người xưa thờ Khổng Tử và những vị học hành đỗ đạt. Tôn vinh và chăm lo cho sự học là con đường ngắn nhất để xây đắp một cuộc sống văn minh. Biết vậy nhưng với một vùng quê còn bao khó khăn bộn bề như Hải Tân, hẵn rằng còn nhiều điều phải phấn đấu, như phải làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã có phong trào dẫn đầu về các tiêu chí làng văn hóa, phải giải quyết tốt chính sách cho thân nhân 176 gia đình liệt sĩ, 11 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 70 đối tượng thương binh, 150 đối tượng gia đình có công, phải quan tâm sự học của con em để phát huy truyền thống hiếu học của quê hương… là việc làm không dễ. Hoàng Văn Bảo băn khoăn khi nói về ước vọng xây dựng xã  nhà ngày một đi lên so với tiềm năng, nội lực hiện có. Khuôn mặt anh sớm già dặn so với tuổi ngoài ba mươi phải gánh vác trọng trách việc làng, việc xã.

Trong khi đời sống còn khó nghèo, người Câu Nhi vẫn nuôi chí làm giàu cho mình trước hết bằng học vấn. Trên đường trở về, tôi tranh thủ rẻ thăm, hỏi chuyện ông Bùi Công Đồng, người làng Câu Nhi, một gia đình đã phổ cập đại học cho các con. Với phụ cấp ít ỏi khi tham gia công tác Mặt trận xã và người vợ ở nhà chăm chút ruộng vườn, chăn nuôi, cuộc sống gia đình ông còn lắm chật vật. Thế nhưng ông nói đầy quyết tâm: “Dù khó khăn đến mấy vợ chồng tôi cũng cố gắng để nuôi các con ăn học tử tế”. Năm đứa con của gia đình ông lần lượt vào các trường đại học, đứa học ngành nông nghiệp, đứa học bách khoa, đứa học kinh tế… Cứ thế đứa trước ra trường có việc làm quay trở lại giúp cha mẹ nuôi em đi tiếp sự học.

Khi nói về sự học hành đỗ đạt, người ta thường nói đến phong thủy địa lý. Cũng bình dị như bao làng quê nhưng ở Câu Nhi có một nhánh sông phân dòng chảy qua tuy nhỏ nhưng rất sâu thẳm. Nơi làng quê “Câu Nhi văn vật” bên dòng sông  Ô Lâu có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa này, mạch nguồn sự học được khơi nguồn từ buổi danh nhân Tiến sĩ Bùi Dục Tài “đột phá khai hoa” vẫn chảy mãi từ quá khứ đến hiện tại, chảy vào tương lai. 

                                                                                                                     M.T

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 113 tháng 02/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground