Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự học ở quê tôi

C

ó một nhà nghiên cứu ở Huế, quê ở Quảng Trị, đã nói với tôi rằng anh đã tò mò thử thống kê các tên tuổi, quê quán của các nhà khoa bảng thuộc triều Nguyễn, từ tiến sĩ đến cử nhân qua các sách vở còn lại thì thấy người Quảng Trị chiếm con số đông nhất trong các nhà thờ xưa còn để tên trên bảng vàng bia đá. Anh bạn bèn lập luận rằng, sở dĩ Quảng Trị có nhiều người đỗ đạt dưới triều Nguyễn, chính vì Quảng Trị gần Huế nhưng không phải là Huế, nên con cái có chí tự lập, không ỷ lại vào cha mẹ, không mong chờ vào thế "con ông cháu cha" mà chỉ biết lo học. Mặt khác, nhờ ở gần kinh đô, nên có thể tìm thấy thầy giỏi, bạn giỏi và sách hay. Người Quảng Trị hơn hẳn mọi tỉnh khác, chỉ cần đi bộ một ngày là đến Huế, cái nôi đào tạo nhân tài của nhà Nguyễn. Anh bạn tôi phân giải tiếp, Quảng Trị xưa học giỏi là vì vốn là một tỉnh thuần nông, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, và chỉ có sự học mới có cách cứu gia đình thoát nghèo, và cũng không còn cách nào khác. Anh bạn tôi vốn là một bác sĩ sống ở Paris mà bấy lâu tôi cứ tưởng là quê anh ở Huế. Cũng như anh vẫn nghĩ về tôi như vậy. Anh tâm sự với tôi: Đời ông nội tôi nghèo lắm; có lẽ dân Châu Phi cũng không nghèo bằng dân Quảng Trị. Hồi tôi lớn lên ở quê với ông nội, chỉ được ăn cơm với mắm xương cá nghĩa là mắm không phải làm bằng cá mà bằng xương cá, do nhà giàu vứt đi, nhà mình nhặt làm mắm. Ông mệ tôi cực khổ mấy cũng cố cho cháu ăn học, mà mắt tôi đã chứng kiến một thế hệ những bà mẹ Quảng Trị hay đi Huế tìm mua sách về cho con học; sách của hội truyền giáo cũ chép tay "sách đắt mấy cũng mua". Nhờ thế, mỗi làng quê ở Quảng Trị đều có những "thư viện" nho nhỏ, tức là những chiếc rương chuông đựng đầy sách được niêm lại giống như của cải mà bác tôi định truyền lại cho con cháu. Bản thân tôi vừa được chuyển tiếp từ một mái trường học tiếng Pháp ở Huế, và bắt đầu làm quen với kho tàng văn học tiếng Việt từ cái rương chuông ấy. Tôi nhớ rõ đó là những cuốn Dế mèn phiêu lưu ký in ở tủ sách Truyền Bá, và cuốn Con chim ghi sừng in ở tủ sách Hồng. Cũng đều của nhà văn Tô Hoài. Qua hết những tiếng động của cách mạng tháng Tám và khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, hằng ngày tôi vẫn dùng các thức ăn tinh thần từ chiếc rương gỗ ấy ở làng quê, và vươn vai đứng dậy thành một người ăn học, theo kịp các bạn bè, vốn đang theo đuổi trò chơi tác-dăng từ điện ảnh.

Phải nói rằng tính văn hóa của ngôi làng Quảng Trị, bắt đầu tính tự học và nhiều người Quảng Trị giống như người Hà Tĩnh, trở thành người giỏi nhờ tự học. Họ giỏi không biết bắt đầu từ đâu, không phải đi vào những trung tâm văn hóa để học hỏi những người giỏi mà trở thành giỏi; họ vững vàng ra khỏi làng quê liền trở nên sức dài vai rộng, thành những nhân tài giúp nước. Đó là trường hợp của những ông Vĩnh Mai, Trần Qùy và nhiều người khác đã thi đỗ đầu trong thời kỳ học Quốc học Huế, và sau đó trở thành những nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Cần lưu ý rằng ngày xưa Nhà nước không với tới nổi việc tổ chức giáo dục ở làng mạc; sự đầu tư cho địa hạt này phó mặc cho địa phương tự lo. Thế nghĩa là việc học hành để đủ trình độ đi thi cử nhân, tiến sĩ đều do nhân dân và làng mạc tự mình đảm đương lấy. Nhân vật trung tâm trong hệ thống giáo dục ở các làng mạc xưa chính là những thầy đồ. Những vị thầy này đều đã trải qua những kinh nghiệm trường ốc qua các kỳ thi do Nhà nước chủ trì có thể họ cũng đã chiếm được những bằng cấp chính thống nhưng không muốn ra làm quan, lui về làng mở trường dạy học; theo lý tưởng "tiến vi quan, đạt vi sư" của kẻ sĩ nho giáo xưa, như ông Chu Văn An chẳng hạn. Có khi trong một làng có đến cả chục trường học do những vị thầy như trên chủ trì, và các sĩ tử xuất thân từ đó thì vừa mới ngày hôm qua còn ngồi trên lưng trâu, hôm nay đường đường trở thành một ông tiến sĩ "vinh quy bái tổ" tên tuổi dấy lên khắp một vùng và nghiễm nhiên trở thành niềm vinh dự của một dòng họ, tiếng thơm lan tỏa khắp nhiều vùng làng mạc. Dân gian đã sớm phát hiện ra vai trò trung tâm của những vị thầy, qua câu tục ngữ "không thầy đố mầy làm nên". Nhưng để bước đi những bước đi đầu tiên, việc mời mọc, tìm kiếm cho kỳ được những vị thầy đầu tiên thì không thể để mặc mỗi cá nhân lo liệu, nhưng chính làng mạc đã tạo điều kiện mở đầu cho những cuộc hành trình vạn dặm ấy. Đất Quảng Trị ấy đại diện xã vùng sâu vùng xa, và việc học của con em được làng mạc tận tâm lo liệu khiến cho tuổi thơ nào cũng có khả năng tìm thấy một mái trường dưới bóng một thầy đồ quán triệt đạo thánh hiền để truyền dạy lại cho thế hệ sau. Như trong hội ước sau đây của làng Câu Hoan (thuộc huyện Hải Lăng) ngày nay vẫn còn truyền lại cho biết:

"... Sáu mẫu học đều thì để nguyên như trước dùng vào việc rước thầy dạy học cho lứa tuổi học trò trong vòng ba năm đầu để cho học trò có trình độ có khóa sinh mới đem của mình mời thầy dạy để tiện việc học tập, đừng gây cho họ thiếu thốn trong việc học hành"(1). Có lẽ chúng ta nên theo dõi kỹ những văn bản truyền thống này của làng Câu Hoan vào thế kỷ thứ 19 về việc học, để biết một "làng học" của Quảng Trị xưa đã tận tâm lo cho việc học hành của con em trong làng như thế nào.

"Giao cho lý dịch ba mẫu giá tiền 48 quan để lo tế xuân thu nhị kỳ. Còn sáu mẫu giá 100 quan tiền chuẩn cấp cho học trò mời thầy dạy học, năm sào còn lại chuẩn cấp cho phú trưởng".

Như thế ở làng Câu Hoan lúc này đã có một trường hợp công lập của làng mở, làng chu cấp một phần tiền thầy (một trăm quan), và chuẩn cấp năm sào ruộng cho các phú trưởng. Lưu ý rằng diện tích này so ra, bằng một nửa số ruộng cấp cho lý trưởng. Đủ thấy sự đầu tư của làng trong việc học không phải là nhỏ. Làng còn thi hành một chính sách khuyến học ít thấy bằng cách tôn vinh những sĩ tử đỗ đạt nhằm kích thích niềm tin tưởng của sĩ tử vào việc học:

"Những vị khai khoa tiến sĩ văn, võ, bản xã làm một lễ tạ tam sinh (lợn, trâu, dê) lại được mừng tiền mười quan. Ngoài ra còn gia thưởng một mẫu ruộng canh tác suốt đời. Ai đỗ cử nhân văn, võ thì bản xã mổ một trâu làm lễ tạ, lại được mừng tiền 8 quan, gia thưởng năm sào ruộng canh tác suốt đời. Những ai đỗ tú tài, bản xã làm lễ tạ một bò, mừng tiền 5 quan và gia thưởng ba sào ruộng. Người nào đỗ hai, ba bốn lần tú tài cũng chiếu theo nghi lễ khai khoa mà biện lý còn việc thưởng ruộng không nên đặt ra những lúc khai khoa (1).

Vào thời kỳ này ở các làng quê Quảng Trị còn thành lập những hội khóa sinh chăn trâu: vì không đủ tiền ăn học và mua sách những kẻ mục đồng họp lại với nhau thành hội mà góp tiền mua sách để rồi vừa học vừa chăn trâu, người thì lo giữ trâu, những người khác thì lo đọc sách, để đến ngày họ cũng đèo bòng lều chõng cùng đi thi hương, thi hội, với những thầy khóa chính thống trong làng.

Một ngôi làng trọng sĩ như làng Câu Hoan, những trường học với những thầy đồ khoa bảng xuất thân, những rương sách gia đình, sách gì hay cũng có, những hội khóa sinh chăn trâu; thử nghĩ lại như vậy, chúng ta sẽ thấy trình độ văn hóa của một ngôi làng Việt Nam ngày xưa là cao biết chừng nào. Nó không chỉ rèn luyện ra những nhà nông tài giỏi bậc nhất, nó còn đào tạo ra những kẻ sĩ ăn nên nấu chín, đủ sức gánh vác quốc gia qua các triều đại để duy trì nòi giống Việt Nam. Xem thế, chúng ta đủ thấy chính sách khuyến học của đồng bào Quảng Trị xưa là hiệu quả biết chừng nào! Có thể chăng, bảo rằng những ngôi làng như thế đủ sức tạo ra ở nơi con người các nhà tâm lý học Karl Jung gọi là tiềm thức văn hóa có đặc điểm di truyền từ một xã hội mà Truyện Kiều gọi là "văn chương nết đức, thông minh tính trời"

Ông Hoàng Hữu Xứng sau đây có thể biểu trưng cho người "giỏi" ở Quảng Trị. Ông người quê ở làng Bích Khê, thi đỗ cử nhân năm Nhâm Tý thời Tự Đức (1852), được vua Tự Đức đánh giá là "con tuấn mã trong hàng cử nhân". Ngoài việc ông bị phê phán một cách sai lầm trong vụ tử thủ thành Hà Nội bên cạnh Hoàng Diệu, ông là một danh gia văn hóa của thế kỷ 19 qua các sự kiện sau: Dù chỉ mới đỗ cử nhân, ông vẫn được triều đình cử đi chấm tiến sĩ. Qua những kỳ thi hội, ông đã chấm lấy đỗ những nhân vật sau đây về sau trở thành những danh nhân lịch sử: Vũ Phạm Hàm (đậu Thám Hoa) - Nguyễn Thượng Hiền (đậu Hoàng Giáp năm 1885) - Chu Mạnh Trinh (đậu Tiến sĩ) - Đào Nguyên Phổ (đậu Tiến sĩ) - Ngũ Phụng Tề Phi của Quảng Nam (đậu Tiến sĩ và Phó bảng năm 1898). Với tư cách Toản Tu Quốc Sự Quán, ông là người sau cùng duyệt bộ sử Đại Nam Thực Lục (Đệ Ngũ Ký) trước khi dâng lên cho vua xem. Ngoài ra ông còn là tác giả của bộ sách địa lý "Đại Nam Quốc Cương Giới Vựng Biên" ghi chép rất cụ thể về các nước giáp giới đương thời như Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện và các yếu tố địa lý như khung gian (sông Cửu Long), quần đảo Trường Sa.

Ông có hai người con trai đều đậu đại khoa, trong đó một người là Phó bảng, người con trưởng là Hoàng Hữu Bính thi đỗ Hoàng Giáp (1919), một người cháu ruột gọi ông bằng bác là ông Hoàng Hữu Đàn thì bị lôi ra đánh đòn trước miếu Khổng Tử vì đi thi... chỉ đậu tú tài; bà con trong làng gọi ông là Tú Đàn. Ông Tú Đàn là một nhà thư pháp nổi tiếng, những người giàu có ở Huế thường có mốt xin một cặp câu đối của cụ Phan Bội Châu rồi tìm đến ông Tú Đàn để nhờ viết chữ, gọi là "câu đối cụ Phan, chữ nghè Đàn". Ông tự ý bỏ việc Thư ký Tòa sứ để đi hoạt động cách mạng cho Hội Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, đã hai lần dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu, bị thực dân Pháp bắt bỏ tù Côn Đảo. Ra tù ông dự thi một cuộc thi viết chữ đẹp của người Hoa ở Chợ Lớn, và giành giải thưởng của kỳ thi này nộp vào qũy Hội cách mạng. Sau ông bỏ đi tu, và xây dựng nên hai trung tâm Phật giáo lớn là Huế và Nha Trang. Hiện nay, ở tổ đình Hải Đức (Huế) vẫn hương khói thờ ông gọi là hòa thượng Giác Phong.

Có một người quê Quảng Trị rất giỏi khác mà tôi rất lấy làm kính phục là ông Trần Hữu Dực. Ông làm đến chức Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dù bản thân ông mới đỗ tiểu học. Hồi tôi ở miền Nam mới ra được ông Dực tiếp riêng ở Phủ Thủ tướng, và khuyên tôi cố gắng tiếp tục, học nữa, học mãi. Ông nhắc lại những kỷ niệm  của ông có liên quan đến sự học hành của ông hồi còn ở tù ở Lao Bảo. Trước hết là nỗi gian khổ mà bản thân ông phải gánh chịu là mỗi ngày gánh hai mươi đôi nước dưới sông Sê Pôn, ngoài ra còn gánh thêm hai mươi đôi nước cho một đồng chí bị ốm. Dưới sông Sê Pôn thường xuyên có những loại cá ăn thịt người, hay xúm đến rỉa vào chân ông mỗi khi ông lội trong nước. Lần ấy ông bị bệnh sạn đọng ở lòng bàn chân bước đi rất đau nhưng y tế nhà lao không có thuốc gây tê để mổ. Ông yêu cầu nung một que sắt chui thẳng vào vết thương tách rời mảnh sạn ra khỏi bàn chân thay vì mổ bằng dao. Sau đó ông đi lại như thường.

Dọc đường đi hành dịch, ông chú ý nhặt về những bao thuốc lá đóng lại thành vở chép bài, cùng một mẩu viết chì vót cực nhọn. Ông thường giả đau để nằm trong chuồng cọp và trùm kín bằng một chiếc chăn dày. Bên trong chiếc chăn là một chiếc đèn hột vịt mà điểm sáng chỉ bằng chân hương, và đủ soi cho ông dùng cây bút chì viết lên mẩu bao thuốc lá bọn lính gác đi lại bên trên không thể nào ngờ nổi.

Hồi đó ông muốn dạy địa lý địa cầu cho anh em trong tù. Do đó ông phải soạn bài. Bài học thứ nhất: Trái đất. Trái đất là nơi con người sinh ra, lớn lên, xây dựng những nền văn minh rồi chết đi. Vậy ta phải hiểu rõ trái đất để bảo vệ trái đất. Đó là bài học thứ nhất về trái đất. Hồi đó nhóm bạn tù đã bầu ông Trần Hữu Dực làm Trưởng ban giáo dục. Vì thế ông có trách nhiệm phải soạn ra bài giáo khoa để dạy cho họ. Ông nghĩ: Muốn làm tốt cách mạng, người ta phải có văn hóa. Cứ thế địa lý trái đất tiếp tục hết bài này đến bài khác.

Tôi thầm nghĩ gan lì như thế, lại quyết chí học hành như thế, lẽ nào không trở thành người giỏi?

Ý thức từ mỗi sự vất vả qua thời gian đã tan mỏng ra và mất dần dấu vết của nơi xuất phát, thành ra tiềm thức văn hóa của một vùng. Con người lớn lên trong một ngôi làng được thấm nhuyễn tiềm thức văn hóa của làng ấy. Đó là luật di truyền của một cộng đồng gọi là "thông minh tính trời" đó vậy.

Có thể khẳng định rằng ý thức khuyến học là một thuộc tính ở cộng đồng người Quảng Trị từ đó nhân tài được rèn luyện và đào tạo qua nhiều đời, và cho đến ngày nay vẫn không hề bị buông lỏng. Hồi trước mỗi khi công tác ở Vĩnh Linh, tôi đều phải đi băng ngang một xóm sơ tán của bà con Hải Vĩnh giữa đồng tranh Kinh Môn (Gio Linh) ở đó tôi luôn luôn gặp mấy cụ già xin lá thuốc để vấn hút. Họ nói rằng chính họ cũng có tự trồng lấy thuốc lá, nhưng thuốc trồng được đều phải để dành đem ra chợ bán để mua kính đeo mắt theo học lớp xóa mù chữ. Và họ thèm thuốc biết bao.

Tôi chia xẻ với họ những lá thuốc lẻ xin được ở Vĩnh Linh, và bùi ngùi thương cảm về tình trạng thiếu thốn của họ. Trẻ con thì dù bom đạn vẫn đi học ở một vùng làng xa, còn những người già thì đeo đuổi các lớp bình dân học vụ trong xã, tất cả đều quyết học cho biết chữ để đọc được sách báo cách mạng. Mỗi khi về tôi đều có đi ngang một ngôi làng cổ, ở đó học sinh là những nông dân già, cô giáo là những thiếu nữ ở Bắc vào, và sách vở là những tấm đất sét viết bằng những que củi, viết rồi lại xóa. Lòng tôi cảm động biết bao, thương người dân quê tôi không nề hà khó khăn để giành lấy một mảnh của cuộc sống nhân văn, của làng văn hóa. Những bước tiến lên nền văn minh của họ diễn ra dưới ánh đèn tù mù có khi phải kê lên một bao cát cho vầng sáng tỏa ra đủ rộng để đọc sách, mỗi khi có tiếng động cơ của máy bay bay qua thì tất cả mọi ngọn đèn đều đồng loạt phụt tắt, cả lớp học đều chìm đắm trong một quan cảnh tối như đêm. Tôi tự thấy mình không có quyền đứng ngoài cuộc trước sự phấn đấu của con người quê tôi. Tôi bèn ghi tên vào một lớp xóa nạn mù chữ ở tỉnh tôi. Nghe nói học viên ban đêm ngày ấy, bây giờ đang phải gánh vác những trách nhiệm ở làng xã, và chút vốn liếng để dành dưới ngọn đèn tù mù thuở ấy đã giúp họ làm nên muôn màu của cuộc sống hôm nay.

Tôi cũng hết sức vui mừng được tin phong trào khuyến học phát triển mạnh ở Quảng Trị. Dĩ nhiên như vậy thôi, hạt giống văn hóa đã được gieo sâu trong lòng đất từ lâu đời, từ khi lịch sử còn hàn vi.

       Huế, tháng 9 năm 2005

      H.P.N.T

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 139 tháng 04/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground