Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tây Bắc - Những nẻo đường xuân

Â

m vang của bài hát "Đường lên Tây Bắc xa xôi!" như còn đọng lại cho những ai đã một lần đến được cái: "Xứ Thái mù sương" đồi núi chập chùng hiểm trở mà đường giao thông huyết mạch duy nhất chỉ có quốc lộ 6, rải đá cấp phối, xe lên dốc vượt đèo bò chậm như rùa. Trong gió lạnh sương mù, miền Tây Bắc đứng sừng sững thành một khối cao chắc nịch.

Con sông Đà - sông lớn không kém sông Thao vạch một dòng chảy, chia Tây Bắc thành hai phần lãnh thổ gần như bằng nhau tạo thành con đường thủy tự nhiên từ đồng bằng đi ngược lên phía Tây. Ở vào thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiêu lục" mô tả về Trấn Hưng Hóa khi xưa, đã viết về sông Đà: "Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà Giang độc bắc lưu" -  Nghĩa là "mọi con sông đều chảy ra biển Đông, chỉ riêng sông Đà ngược lên phía Bắc". Chứng tỏ người xưa đã có cái nhìn toàn diện về núi sông, đất nước! "Dòng sông Đà chảy về xuôi, đem niềm vui cho mọi người". Câu hát hôm nay để ta có cái nhìn thực tế hơn về dòng sông lắm thác nhiều ghềnh sẽ bị ngăn lại làm hồ chứa nước, cung cấp nguồn điện năng vào đầu thế kỷ này. Công trình thủy điện Sơn La lớn nhất đất nước đang khởi công xây dựng. Tôi cứ miên man về dòng sông thì đến chỗ suối Rút thuộc huyện Đà Bắc, chảy theo hướng Tây - Đông, đến thị xã Hòa Bình thì quật lên Bắc rồi nhập vào sông Hồng Quảng Trung Hà (Sơn Tây).

Tạm dừng chân sau 70km xuất phát từ thủ đô Hà Nội, ghé thăm "Xứ Mường" tỉnh địa đầu của Tây Bắc theo trục đường 6. Đến quê hương của sử thi "Đẻ đất đẻ nước" (Mo Mường) là niềm tự hào của dân tộc Mường -  áng văn thơ cổ đúng như cái tên của nó Đẻ đất -  Đẻ nước - Đẻ người, được người Mường trân trọng như thể "Sống chụ xôn xao" của dân tộc Thái vậy. Nếu bạn đến "Xứ Mường" vào dịp mùa xuân, thì đâu đâu cũng nghe thấy "hùng binh, binh hùng binh" tiếng cồng chiêng gõ nhịp trong mùa lễ hội, mà người sử dụng nó là các cô gái Mường trong trang phục lễ hội biểu diễn. Cùng với hoa Đào, hoa Mận khoe sắc, đây đó lấp lánh chiếc cạp váy trên ngực áo (phụ nữ Mường mặc váy cao tận ngực) trong bộ trang phục áo trắng, váy đen là nét đặc sắc của phụ nữ Mường. Chiếc cạp váy nổi tiếng bởi hoa văn trang trí thêu chỉ nhiều màu mà người phụ nữ Mường là chủ nhân của nó. Về kinh tế thì chiếc cạp váy Mường là một thương phẩm. Người ta dệt không nhằm tự túc mà chủ yếu để cung cấp cho thị trường. Đó cũng là một nét đẹp văn hóa được phô ra trong bộ trang phuc có hai màu đối chọi nhau là màu trắng của áo và màu đen của váy.

Đất Mường về mặt hành chính có huyện Mai Châu. Người Thái Mai Châu cư trú lâu đời cạnh dân tộc Mường nên đã tiếp thu một số nét của văn hóa Mường. Phụ nữ Thái ở đây cũng chít khăn trắng Mường và mặc váy Mường có cạp váy. Ai đã ở Hòa Bình cũng đều công nhận cạp váy do họ ( người Thái) dệt chỉ giữ mức trung bình, nhưng mặt "phà" (chăn) do phụ nữ Thái Mai Châu dệt là đẹp nhất tỉnh, người Mường Hòa Bình cũng rất hâm mộ.

Qua suối Rút từ giã cái bản cuối cùng -  bản Nót của Hòa Bình, leo lên đèo dài 3km dọc theo thung lũng Nậm Tôn, ta sẽ đến bản Bong nơi địa phận cao nguyên Mộc Châu để vào đất Sơn La. Mộc Châu là huyện đầu của tỉnh Sơn La, vùng thảo nguyên có khí hậu gần giống với Sa Pa, rét cắt da cắt thịt, nhưng về mùa hè nhiệt độ trên dưới 20oC. Khí hậu mát mẻ cũng là điều thuận lợi cho cây công nghiệp chè và chăn nuôi bò sữa. Một thời bánh sữa Mộc Châu là thứ quà biếu nhau khi về phép, đi công tác về xuôi. Chè và bò sữa là vùng kinh tế quan trọng của tỉnh Sơn La trên đường công nghiệp hóa làm giàu cho tỉnh. Cây đào ăn quả tuy chưa là thương phẩm, ở đây cũng nhiều, người ta trồng làm cảnh xung quanh nhà, xung quanh nông trường, đã để lại kỷ niệm đẹp: "Về mùa thu" "Tôi đi để mặc cỏ may/ hai bên bờ biếc ghim đầy quần tôi/ nắng vàng đang trải trên đồi/ gỡ từng sợi cỏ tôi ngồi nhìn thu". Mộc châu không chỉ có thế. Thời kháng chiến 9 năm, còn là cơ sở cách mạng, có đội du kích Tú Nang đánh nhiều trận nổi tiếng. Rồi khu căn cú Mộc Thượng, Mộc Hạ là những cơ sở hoạt động cách mạng, nuôi giấu chiến sĩ, cán bộ hoạt động kháng chiến, người viết bài này mới chỉ là khách "cưỡi ngựa xem hoa" theo dọc hành trình lên Tây Bắc.

Rời cao nguyên 956 mét so với mặt biển, xuống thấp dần đưa ta đến  một vùng thấp là Yên Châu - quê hương của ca từ "Người Châu Yên em bắn máy bay" của thời chống Mỹ. Đất Yên Châu nóng, có khí hậu tiểu lục địa gió Lào, miền Nam chuyển ra Bắc, thì xoài Yên Châu là độc tôn. Thời còn kinh tế bao cấp xe qua đây thường dừng lại để nghỉ giải lao, giải khát thứ hoa vườn nhà bên các quán cóc vắng chủ, có xoài, chuối, me chua, những dóng mía, dâu da rừng” khách ăn xong cứ tự giác bỏ tiền vào cái giỏ treo trên cột theo giá tiền ghi trên giấy. Tự giác vì không có người coi bán. Cũng là nét văn hóa đẹp thử lòng tin của khách qua đường. Là sản phẩm vườn nhà, dân bản bán như cho, nó chưa phải là hàng hóa. Những quán tự giác ấy nay không còn và đã được thay bằng những quán ăn, uống giải khát có bánh kẹo, bia, thuốc lá, có bàn ghế sạch đẹp, có người bán, người phục vụ chu đáo cho khách qua đường.

Từ Mộc Châu mát lạnh mùa hè như thể cuối thu, thì vào đến Yên Châu trán đã lấm tấm mồ hôi và bụi đường. Yên Châu có ưu thế về mặt bằng, quảng đường trải dài mấy chục cây số đến giáp chân đèo Chiềng Đăng, xe chạy nhanh hơn, tầm nhìn không vướng núi thì như thể cánh đồng lúa ở đồng bằng. Dưới chân đèo, bên con suối cạn có gốc me già cổ thụ soi bóng mát. Thời chiến tranh khách thường đỗ lại ngược, xuôi ở đây nghỉ ngơi, thổi nấu cơm nước, là chỗ giấu xe an toàn. Đó là thời kì máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, xe phải đi đêm đèn gầm, ngày nghỉ chờ đến 17, 18 giờ xe mới tiếp tục lên đường đi tiếp. Đèo dài mấy chục cây số quanh co uốn lượn hình trôn ốc xuống thấp dân, một bên núi, một bên là vực sâu, xe gặp nhau tìm điểm tránh cũng nan giải. Người ngồi trên xe nhiều phen cũng thót tim, vực sâu hun hút, nếu lỡ ra xe đổ thì ôi thôi như “rang cà phê”... chỉ còn biết đặt niềm tin vào tay lái của các xế.

Vào mùa mưa , núi lở tắc đường, xe hai chiều gặp nhau, chỉ còn cách chờ công nhân giao thông dọn đường, cũng chỉ bằng sức người và cuốc xẻng. Nếu nhanh cũng phỉa hai ba ngày, nếu không có lương ăn dự phòng chỉ có đói, tiền trong túi cũng chẳng mua được gì ở nơi đây. Lang thang vài cây số tìm vào bản, mua được dăm củ sắn (dân bản họ cũng không muốn bán vì kinh tế tự cung tự cấp đâu có dư  thừa) đã hạnh phúc cầm cự chờ thông đường. Lúc này câu hát tiếp “Nếp nhà sàn thấp thoáng” có khói bếp là là bay là niềm hy vọng cho khách nhỡ độ đường. Tôi có quen anh bạn công tác ở Ty Giao Thông, có lần anh nói chuyện vui khi chúng tôi đang tranh luận với nhau về kinh tế và văn hóa. Anh ta nói: cùng với sự phát triển về kinh tế và văn hóa ở miền núi, câu “đầu tiên” (không phải là “tiền đâu”) phải là giao thông. Mà xe cộ thì chỉ có xe chạy xăng mới khỏe leo dốc tốt. Xe “một cầu” chớ có lao đầu lên Tây Bắc, liệu “các ông” hành khách có đẩy được vài chục cây số “pa-ti-nê” không? Trong cảnh mùa mưa rừng núi, đôi lần cũng phải đun xe, tôi mới hiểu thế nào là “một cầu”, xe “ba cầu”, cũng như sự quan trọng của đường sá, xe cộ. Cái thời đã qua của thập kỷ năm mươi, sáu mươi. Bây giờ đã khá nhiều, niềm mơ ước về con đường và xe cộ đã được cải thiện. Từ Hà Nội lên Sơn La chưa đến một ngày. Đèo Chiềng Đông không còn phải lên đèo, đường viền quanh đèo đã rải nhựa, rộng rãi đủ sức cho hai xe tránh nhau, các xế vi vu tha hồ vẫy tay chào xe ngược xe xuôi.

Đến Yên Châu vào ban ngày ta ít gặp dân bản, họ đi làm nương, công việc đồng áng, lác đác trong bản chỉ có trẻ nhỏ và người già. Tôi tò mò dừng chân tìm người trong câu hát tiếp “dân quân ta với súng trường, bắn “thần sấm” phải rơi” của các cô gái, chàng trai lập công đầu bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến tranh. Lúc này đây, các cô gái Châu Yên -  người có chiếc khăn piêu đội đầu đẹp nhất vùng. Ở nơi địa đầu “xứ Thái” khăn piêu phụ nữ Yên Châu có phần sặc sỡ, ưa dùng màu nguyên đối chọi mạnh như đỏ rực, vàng nghệ, vàng chanh, trắng, xanh lá cây, xanh lơ cùng với những chùm “cút piêu” đung đưa của các cô gái Thái duyên dáng không mấy khi vắng mặt trên nương. Leo qua những thửa ruộng bậc thang, trên mặt bằng có dốc thoai thoải, những thảm cỏ non còn xanh mơn mởn, các cô gái Thái đang nô đùa, cười vui tìm những ngọn guột non về để làm món xôi nộm. Một thứ rau rừng dễ kiếm, tựa như rau dớn dưới xuôi, ngọn xoắn hình trôn ốc, giống như những chùm hoa “cút” trên khăn đội đầu. Cảnh và người dân làm tôi liên tưởng đến các thiếu nữ trong thôn dưới xuôi trong “mùa Xuân chín” của thi sĩ Hàn Mạc Tử:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thiếu nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Thì ra các cô “gái quê” ở đâu cũng như vậy, họ giống nhau ở sự trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời. Thế là tôi đã gặp bóng dáng của “nụ cười sơn cước”.

Vượt qua đèo Chiêng Đông vài giờ nữa, xe đưa ta về trung tâm thị xã Sơn La. Nếu bạn lại đến vào dịp sau tết Âm lịch tháng hai, tháng ba thì đúng dịp

bắt gặp các thứ cây hoa mọc tự nhiên trên các triền núi, không phải thứ hoa chơi cắm lọ hay chậu cảnh. Dân địa phương còn dùng để nấu canh như thể hoa thiên lý ở dưới xuôi.

Dân gian Thái ví loài hoa này như người con gái Thái trong trắng. Hoa Ban Tây Bắc đã vào thơ, vào nhạc, có trong ca dao, truyện kể, nếu đếm các từ có Hoa Ban trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” (Sống chụ xôn xao) ta cũng nhặt được khá nhiều từ. Cái thị xã lòng chảo nằm gọn dưới chân quả đồi có nhà tù Sơn La, một thời là thủ phủ của khu Tây Bắc có mười tám Châu huyện.

Dừng chân lên khu đồi thăm nhà tù Sơn La - chứng tích về tội ác thực dân đế quốc hãy còn đó , nó cũng là thứ địa ngục trân gian, thực dân Pháp giam cầm tù chính trị. Câu ca dao đau lòng “Nước Sơn La, ma Hòa Bình” tuy nay không còn nhưng cũng làm ta nhức nhối về cái nơi gọi là “An trí”, nơi thực dân giam cầm , đày ải các các chiến sĩ cách mạng mà trong danh sách có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu,...và nhiều cán bộ hoạt động cách mạng khác. Thực dân Pháp đưa tù chính trị lên đây nhằm cách ly với phong trào ở dưới xuôi. Nhưng rồi chính các đồng chí bị tù đầy lại là những người ươm hạt giống cách mạng và gieo mầm. Cái nơi “khỉ ho, cò gáy” đã xuất hiện anh Lò Văn Giá  -  người dân tộc Thái làm liên lạc dẫn đường cho tù vượt ngục. Anh bị địch phục kích bắn chết. Liệt sĩ Lò Văn Giá ngã xuống vẫn còn những “Anh Giá” tiếp theo sau này cùng chung sức trong đoàn quân Tây Tiến giải phóng Tây Bắc, rồi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Cây đào Tô Hiệu do chính tay anh trồng trên mảnh đất nhà tù, nay đã thành cây cổ thụ cứ mỗi độ xuân về vẫn đơm hoa, két trái là một minh chứng cho sự “gieo mầm hạt giống cách mạng”. Vào những dịp kỷ niệm các cô giáo thường dẫn học sinh lên đây để nhắc nhở các em về công ơn của những người đã ngã xuống cho Tây Bắc được đẹp giàu như ngày hôm nay. “Cây đào do bác Tô Hiệu trồng đấy các em ạ!”. Tôi được nghe câu nói đó đến trăm ngàn lần nhưng đều không chán, mắt rớm lệ rưng rưng.

Thị xã Sơn La bình dị nằm gọn trong thung lũng dưới chân đồi Khau Cả, những nếp nhà sàn thấp thoáng viền xung quanh như “bảo vệ” cho thành phố xinh đẹp với những nhà mái ngói, nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng đêm đêm điện sáng, đèn cao áp rồi đèn màu nhấp nháy như lời vẫy gọi, mời gọi du khách tới thăm Sơn La. “Em gái Mường La” hôm qua bị giặc Pháp giết chết cả cha lẫn mẹ. Cô gái Mường La hôm nay không còn khổ đau, em đang gọn gàng trong trang phục, áo “xửa cỏm” , váy đen chấm gót, khăn piêu trên dầu, ta có cảm tưởng như được ngắm một pho tượng bố cục chặt chẽ vừa thon thả, vừa vững chãi  trên đôi tay tài hoa, bàn tay vuốt thon như “cuộn lá hành” đang ngồi trên khung cửi đặt dưới mái nhà sàn.

“Ngồi xổm thêu được chim phượng hoàng

Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa xo xe”

Như trong dân ca Thái từng ca ngợi. Hình ảnh người phụ nữ Thái ta còn hay bắt gặp trên nương, trên sàn chơi. “Hạn Khuông” -  trong những dịp lễ hội “Xên bản”, “Xên Mường”... trong vũ điệu xòe Thái mà người trong nước cũng như người ngoài nước đều ca ngợi.

  Người Thái sống quần cư đông nhất ở các huyện trong tỉnh “ Thái Đen “. Xen kẽ với họ còn có các dân tộc anh em như Mông Dao, Khơ – Mú, Kháng và Lào. Vào thập kỉ sáu mươi, người Kinh dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới cũng khá đông ở các tỉnh của Tây Bắc, nên có câu ca rằng :

  “ Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình

  Ba Thái chung tình xây dựng quê hương “

Còn người Kháng, họ sống tâp trung ở ven sông Đà, cũng là dân tộc có biệt tài đóng thuyền độc mộc (hay còn gọi là thuyền đuôi én) giỏi nhất vùng mới thích ứng được với dòng sông có “ Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” (Đường lên Mường Lễ bao xa - Ca dao cổ ). Người Thái có câu “ Thuyền tốt không bằng thuyền người Kháng, Dao tốt không bằng dao người Lào”. Cũng như xòe Thái là thứ văn hóa độc tôn của dân tộc Thái nhưng nó cũng có ảnh hưởng đến các dân tộc khác láng giềng. Các dân tộc cùng chung sống với nhau đoàn kết xây dựng quê hương làng bản ấm no hạnh phúc.

Sơn La là tỉnh nghèo, bình quân đầu người còn dưới 100USD, còn đang trăn trở trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nay mai thủy điện Sơn La là nguồn năng lượng lớn, cả nước sẽ có thêm hàng tỉ KW điện, Sơn La sẽ nhanh chóng trên con đường hội nhập. Nhưng hôm nay, người dân sở tại phải rời làng bản đến nơi ở mới để nhường đất cho việc xây dựng lòng hồ,

Vì nghĩa lớn, vì cả nước, họ vui vẻ rời làng đi về nơi ở mới. Chỉ khác là việc rời làng bản không phải như cảnh chạy giặc xưa kia như câu chuyện lịch sử ra đời của “ Khau cút”...” Họ dời bản ra đi vào đầu tuần trăng non, khi dựng nhà, họ phải làm hai thanh tre quét vôi trắng bắt chéo nhau gắn trên nóc nhà để những người đồng tộc nhận ra nhau”. Thì hôm nay họ đã nhận ra nhau sớm hơn trong thời kì cả nước đang công nghiệp hóa.

Tiềm năng của Tây Bắc còn lớn hơn, nó còn ủ trong lòng đất, trên núi rừng. Rồi đây bên cạnh Hoa Ban trắng, chúng ta còn có thêm cả hoa Anh Đào của xứ Phù Tang, của Đông Nam Á và của thế giới phương Tây xa xôi trên con đường đầu tư, hội nhập và phát triển. Sơn La, Tây Bắc sẽ là nơi dừng chân của khách du lịch bốn phương.

Tôi cứ lan man theo cuộc hành trình, dừng chân dưới chân đèo Pha Đin: “ Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, thơ của Tố Hữu). Trời Tây Bắc trong veo và se lạnh đang vào cuối thu. Trên đỉnh đèo sương mù còn đang lởn vởn một màu trắng đục phủ kín cả màu xanh cây cỏ núi rừng.

                                                     N.T

Nguyễn Thái
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 140 tháng 05/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground