Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết để ... nhớ nhà

 TÙY BÚT

 

    I.

 cái  thời điểm nhớ nhung đau đáu  độ này, khi trời phương Nam se se lạnh sẽ thấy ai ai cũng chộn rộn chuyện tàu xe, giở tờ nhật trình nào cũng ầm ào chuyện dân kêu ca với tấm vé về thăm quê. Cho dù anh là ai, người đi bán dạo mấy món đồ như kiếng mát, bấm móng tay, hay anh là thợ giày da, cô công nhân dệt nhuộm, là công chức  hay doanh nhân…Tất cả đều một chữ “về” thao thức, về cho kịp chiều 30 tết đi cúng ông bà, cho kịp sáng mùng một đi dâng hương nhà thờ nội ngoại. Về quê, về quê, về quê… như một tiếng gọi âm vang từ cội rễ thâm sâu.

Tết của người Việt thiêng liêng đã đành, và còn vì những bể dâu lịch sử của mảnh đất này mà cái Tết với người Quảng Trị  càng thiêng liêng  gấp bội. Chẳng quê xứ nào trên dãi đất chữ S này lại trần ai như quê Quảng Trị.

Binh lửa chiến tranh dằng dặc mấy chục năm đã khiến cư dân miền đất này có nhiều cuộc thiên di. Sau hiệp định Geneve 1954 chịu cảnh cắt chia lần thứ nhất, rồi Tết Mậu Thân 1968, mùa xuân 1972, mùa xuân 1975,…những cái Tết của quá khứ gần như gắn liền với tiếng súng bom, mùi thuốc đạn pháo (ca-nông)  hòa trong mùi thuốc pháo đón xuân. Và sau đó là chia ly tao loạn. Có lẻ vì thế mà cảm thức Tết  luôn là một nỗi khắc khoải đến vô cùng trong lòng con dân Quảng Trị.  Nên chi với kẻ tha hương, Tết luôn là nỗi khát khao được trở về, không mang được tấm thân về bái lạy với  quê nhà, gót chân mình không lùa vào đất cát đường xưa lối cũ, thì chốn ngàn trùng cách biệt vẫn vái vọng cố hương. Trong chừng mực nào đó, Tết với nhiều người trước hết rất  giản đơn mà hun hút cõi lòng là để được về nhà, bởi khi đó, trong lòng kẻ tha hương quê nhà là thiên đường tuổi dại!

Nguyễn Thị Hoàng-một nhà văn quê Quảng Trị từng viết: Quê nhà: thiên đường của mỗi người và thiên đường quê nhà của riêng ta. Cái nỗi nhớ thiên đường quê nhà ấy luôn mịt mùng trôi trong miền hoài vọng, có khi hóa thành tâm bệnh. Bệnh nhớ nhà, bệnh hoài hương, bệnh “nostalgia”.

Cái từ “nostalgia”, vừa là nỗi hoài hương vừa là tên một căn bệnh chỉ một tình trạng bệnh lý liên quan đến sự khao khát những gì thuộc về quá khứ và thường là lý tưởng hóa những điều đó. Nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp, nostos có nghĩa là trở về quê hương, còn algos có nghĩa là nỗi đau, niềm khao khát. (Bây giờ, nostagia thường được hiểu là một cảm xúc của con người tiếc nuối về những sự vật, sự việc thuộc về quá khứ, còn để chỉ dấu hiệu bệnh lý “nhớ nhà”, người ta thường dùng cụm từ homesickness (nhớ nhà). Kẻ tha hương thường bị nỗi nhớ ấy “hành hạ” mỗi khi trời se sắt lạnh, thoảng hơi xuân trong gió, nghe mùa Tết chầm chậm đến.  Khi xưa, Nguyễn Bính - một đời thơ tài hoa, những ngày lưu lạc phương Nam cũng ngoảnh về đất Bắc mà rưng rưng cố quận: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”.  Bao nhiêu người giờ này đang ngoảnh nhìn mây trắng quê xưa?

Mà đâu cần chi xa hút chốn trời Âu bể Á mới nhớ, mới khắc khoải, như đã nói ở đầu bài viết, dân Quảng Trị  vốn do hoàn cảnh lịch sử lưu lạc nhiều vào phương Nam, đến đâu cũng gặp họ, nỗi nhớ quê quán thường trực trong mỗi người, nhất là độ Tết như thế này. Ngày xưa sự cách trở muôn phần quan san bởi chiến tranh, bởi cuộc sống cơ cầu, bởi đò giang ngăn lối, nhưng nay chỉ một giờ bay với Vietnam Airline là từ Sài Gòn đã ra đến Huế, một giờ xe đò nữa thì chạm mặt quê hương, biết là như vậy nhưng mà sao đường về quê nhà cứ cảm giác cách ngăn một màn mưa sương hoang hoải. Nỗi nhớ ấy khiến ai cũng thành nhà thơ. Tôi chưa thấy có hội đồng hương nào mà cứ độ Tết về thế này lại ra những tập san như hội đồng hương Quảng Trị ở các tỉnh thành. Cũng không phải văn chương huê dạng chi nhiều, chỉ  nhắc mãi nhắc hoài chuyện tiếng quê trọ trẹ, chuyện mái đình cây đa, chuyện mưa sa nước sỉa, ăn món này, nấu món kia,… năm nào cũng vậy, sách in ra rồi đọc, rồi ngâm ngợi, vậy mà nỗi nhớ ấy viết mãi năm này qua năm nọ không hết.

 

II.

Bởi nhớ quê nên chi đi tìm đồng cảm trong những bài thơ xưa cũ, những tấc lòng vang vọng qua ngàn năm, trải qua hơn cả thiên niên kỷ rồi mà vẫn như vừa nói ra với mình trong chén rượu chiều ba mươi Tết!

Hạ Tri Chương, nhà thơ Trung Hoa xưa, đi làm quan hơn 50 năm trên kinh đô Trường An, ngày về quê hương đã cảm khái:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi./ Hương âm vô cải, mấn mao tồi./ Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,/ Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?”dịch thơ:
Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao/ Trẻ con nhìn lạ không chào/ Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi? (Phạm Sĩ Vĩ dịch)
Nhưng đâu phải ai rời xa quê nhà rơm rạ cũng được làm quan như Hạ Tri Chương? Nhưng hầu như ai cũng là “thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi/ hương âm vô cải, mấn mao tồi”. Như  người xưa “hương âm vô cải”- giọng quê không thay đổi, cái “hương âm” Quảng Trị trọ trẹ mô tê răng rứa vẫn rổn rảng cất lên giữa đất khách quê người. Bởi tiếng quê không thay nên tiếng lòng  suốt đời thổn thức. Từ tạ quê nhà ra đi khi tóc đương xanh, tuổi đang xuân, thoáng chốc đã nghe mây trắng về ngang vầng trán. Kẻ công thành danh toại, người lận đận áo cơm, nhưng nỗi nhớ quê thì ai cũng như ai, khi heo may đã se sắt ngoài phố, thoảng trong gió mùi thơm của hương trầm vọng niềm cố xứ, ừ, rứa là thêm tuổi, thêm Tết, thêm nhớ nhung, cầm ly rượu Xuân mà nghe câu hát của Trịnh bay về từ hư không “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa-Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì.... Cái nỗi nhớ ấy luôn khản khắc đau đáu trĩu nặng lòng người khi đi qua miền đất này vùng quê nọ, gặp  bóng xưa rêu phong trong ngôi miếu cổ, một dáng cổ thụ đầu thôn, nước giếng làng soi bóng… thì cái “giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì” từ quê nhà cứ khắc khoải vang lên thầm thĩ trong mỗi buồng tim, rưng rức trong từng hơi thở để ký ức hoa râm lại lặn lội nhớ về  dấu xưa Quảng Trị, miền đất nghèo dẫu qua bao bể dâu binh lửa vẫn  man mác một quê quán thanh bình và nho nhã, thâm hậu mà huyền hoặc. Và lòng lại nhủ lòng rằng đã ta biền biệt bao lâu rồi, xa vắng bao lâu rồi những mùa “toóc rạ rơm khô”…

Ly hương là nỗi buồn tiền kiếp và máu thịt, nó đóng trong cung Thiên Di của lá số tử vi mà khi cất tiếng khóc chào đời, số mệnh đã khéo xếp đặt nên. Và cũng như Nguyễn Bính ngày xưa, những cư dân đất non Mai sông Hãn, vì những lý do thời cuộc, mưu sinh, đi theo cái cung Thiên  Di  trên lá số tử vi đời mình mà đành lưu lạc xứ người. Ly quê- cho dù quan san xa thẳm một đại dương hay chỉ cách vời một ngọn đèo Hải Vân mây trắng thì nỗi hoài hương trong mỗi con người khi xuân về Tết đến đâu có khác gì nhau?  Hóa ra cái nỗi nhớ quê ở đâu cũng thế, bất kể Việt hay Tàu, Âu hay Á, cổ hay kim. Cái phút ngẫu cảm  về quê để lại bài Đường thi tuyệt bút của Hạ Tri Chương của 1300 năm trước nào có khác gì cái cảm giác nhớ quê của những đồng hương Quảng Trị bây giờ đang lưu tán chân trời góc bể ?

Nhắc bài thơ của Hạ Tri Chương tưởng cũng nên nhắc thêm chuyện Trương Hàn, bởi Hạ Tri Chương về quê sau khi đã trả xong nợ quan trường, làm sao bằng Trương Hàn, đi làm quan xa, nhớ miền đất Giang Nam khi chớm thu về , nhớ rau thuần, cá lư đặc sản quê nhà đến mức nhớ chịu… không nỗi nên treo ấn từ quan, bỏ về quê. “Gió thu một tiếng bên tai - Thuần lư sực tỉnh nhớ mùi Giang Nam…”.(Thời buổi này không biết có vị quan nào dám bỏ hết danh vọng mà về quê vì nhớ không nhỉ?).  Mà nỗi nhớ ấy đâu chỉ ở con người?

Cổ  thư còn ghi lại điển tích “ Việt điểu sào nam chi, Hồ mã tê bắc phong”-con chim trĩ phương Nam của vua nước Việt dâng cho Chu Thành  Vương về nuôi trong vườn ngự vẫn chọn cành cây phía Nam mà làm tổ, con ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế khi nghe gió bấc thổi về thì ngoảnh mặt về phương Bắc hí vang-hóa ra niềm hoài hương nó kinh khủng đến vậy, là ngựa là chim còn vậy, huống nữa là những kiếp người luân lạc?

Đôi khi ngẫm nghợi, thấy rằng  nỗi niềm hoài hương cũng như  một khái niệm toán học, nỗi nhớ nhà nhớ quê ấy luôn là một hằng số miên viễn và bình đẳng cho tất cả  kiếp người tha hương. Cái nỗi nhớ ấy hẳn nó lớn lao lắm lắm mới bất chấp thời gian, bất kể không gian, mới  đủ rộng dài cho nỗi nhớ dày lên đến vô biên và cũng đủ hẹp để nằm yên trong buồng tim bé mọn của kiếp người ngắn ngủi. Có thể gọi đó là một hằng số của niềm hoài hương, của nỗi nhớ nhà đã có sẵn “từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người” rồi từ đó  ra đi tha xứ!

Hay như  bản tình ca bất hủ Torna a Surriento (Back to Sorrento) của Ernesto de Curtis (Italya) (đã được Phạm Duy chuyển qua lời Việt với tựa “Trở về mái nhà xưa”) :“Về đây khi mái tóc còn xanh xanh./ Về đây với mầu gió ngày lang thang/ Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng./ Ôi lãng du quay về điêu tàn”…  đã trở thành bất tử bởi nó chạm được vào nỗi hoài nhớ thẳm sâu ấy.

Những cuộc tìm về cố quận bao giờ cũng thế, cho dù anh có  kiêu bạc xiết bao trên bước lãng du, anh có coi kiếp người như cánh chim bằng bạt gió thì quê nhà vẫn trĩu nặng với hoài ức, vướng víu bước chân anh.

Một kiếp đời ly quê như thế, vậy thì sẽ làm gì  vào ngày cuối năm, khi nghe gió xuân len về giữa rét bấc còn hiu hắt, nhìn cành mai chúm chím nụ và mơ hồ trong tiếng gió xa có âm thanh rì rào của Hiền Lương, Thạch Hãn, Hiếu Giang  vọng về qua ngàn trùng mây trắng đèo cao : “Thôi nhé đừng hoài âm xưa .Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà .Người ngồi im bóng .Lắng nghe tháng ngày qua…”

Chắc chắn rồi, kẻ tha hương Tết không về được nhà  hẳn sẽ  rất buồn nhưng tôi e là vẫn còn may mắn.

Vâng, may cho những ai xa xứ còn có một quê nhà để nhớ về, bởi tôi có anh bạn làm thơ, quê gốc Bắc  sống giữa Sài Gòn để rồi cứ những ngày cận kề Tết anh lại loay hoay tiễn bạn bè về quê ăn Tết. Năm nào cũng thế, hết đưa bạn ra ga tàu, bến xe thì quay về ngồi với ly rượu trước hiên nhà mình mà thèm có một quê nhà đâu đâu để nhớ nhung chiều ba mươi Tết. Bạn tôi bảo, anh có quê hương mà thiếu quê nhà, không có thiên đường tuổi dại riêng mang nên câu thơ của anh viết chiều 30 Tết cứ rưng rức, nao lòng: “Ta quê hương mà thiếu một quê nhà/Chiều cuối năm nhìn những chuyến xe qua/Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ/Vắng tự trong lòng vắng thổi ra…” (Đỗ Trung Quân)…

 

L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground