Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Tháng tám mùa thu, tổ quốc và mẹ...."

TCCV Online - Không hiểu sao những ngày đầu thu tháng 8 tôi thường hay nhìn lên vòm trời cao rộng, ở đó “Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu” (Hữu Thỉnh). Cái cảm giác giao mùa thường tạo ra cho ta những chống chếnh bất ngờ. Vừa oi nồng nắng hạ đã chớm se dịu vào thu. Trời thu xanh cao, mây trắng như cũng nhởn nhơ hơn, có gì đó chùng chình chậm lại so với tốc độ cuộc sống chóng mặt đời thường. Thu cũng như một đời người qua cái tuổi nồng nhiệt của chàng trai mùa hạ đến sự điềm tĩnh tự biết của lứa tuổi trung niên, khi mà tầm nhìn, tầm nghĩ được đúc kết, được thanh lọc thành những kinh nghiệm sống thì thu vẫn đa mang, đa cảm với đời. Vườn thu sáng nay có gì khác lạ, muôn màu hoa khoe sắc như dồn hết sự căng nhựa nồng nàn tích lũy, chắt lọc qua nắng gió mùa hạ để có dịp dâng hiến hết mình tỏa hương, tỏa sắc. Hoa Tường Vi trở mình từng chùm mỏng mảnh qua kẽ nứt của cành cây tưởng là khẳng khiu khô ráp. Hoa Ngọc Anh như những chiếc loa kèn vàng bò men theo bờ tường với từng chùm buông thỏng vào thu. Và bao nhiêu loài quả ríu rít gọi chim về: Hương ổi phả vào ta bao ký ức tuổi thơ, quả na mở mắt tròn xoe chín dần trong im lặng. Thu cứ đến lặng lẽ mà ân nghĩa biết bao khi đất nước Việt Nam ta có riêng một mùa thu Tháng 8. “Mây của ta trời thắm của ta- Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” nhà thơ Tố Hữu trong một niềm cảm hứng bất tận đã hào sảng thốt lên như thế trên đường “Ta đi tới”.

Cách đây  71 năm cách mạng Tháng 8 như một thiên anh hùng ca sáng ngời trong lịch sử. Nhân dân khắp nơi nô nức vùng dậy cướp chính quyền với những vũ khí thô sơ nhưng kết lại đồng lòng thành một làn sóng như triều dâng, bão nổi. Con thuyền cách mạng dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng tài ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vượt qua sóng gió hiên ngang đứng trụ vững với một nhà nước non trẻ. Bao địa danh đã khắc vào lịch sử: Một mái đình Hồng Thái, một cây đa Tân Trào, một Bắc bộ phủ mến yêu nằm trong lòng Thủ đô ngàn năm thiêng liêng văn hiến. 67 năm đã trôi qua, lớp người ngày ấy đã thành ông thành bà chắc mỗi khi chống gậy đi qua quảng trường Ba Đình ai cũng có niềm hạnh phúc xốn xang khi nhận ra lớp cháu con kế tiếp sự nghiệp của mình với những tư duy thần thái mới trong công cuộc xây dựng đất nước. Đại lộ của tương lai đã được mở ra bắt đầu từ những vệt đường mòn thuở ấy. Và nắng thu ở đây “Nắng quê hương mang sắc nắng Ba Đình” và quả thu ở đây“Nắng quê hương chín dậy cả cây vườn”, nắng thu dịu và ngọt như mật ong bởi “Tháng tám mùa thu xanh thắm”.

Có lẽ trên thế giới chỉ có đất nước Việt Nam mới có hai chữ “đồng bào” để nói về nhân dân từ truyền thuyết bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Tổ quốc và mẹ đó gắn bó với nhau từ xa xưa như vậy. 50 đứa con lên rừng, 50 đứa con xuống biển. Biển và rừng cùng chung nhịp đập của trái tim lớn, cùng chung huyết mạch của cội nguồn “đồng bào”. Dáng hình đất nước thật mảnh mai nhưng lại sừng sững như một con đê chắn bão. Yếu tố “nước” biến hóa khôn lường, tùy cơ ứng xử: “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”, nhà thơ Huy Cận khi viết về đất nước đó kết tinh lại phẩm chất của con người Việt Nam như vậy.

Giữa quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2/9/1945 hình ảnh người lãnh tụ đó rút ngắn lại khoảng cách thật gần gũi, bình dị và tự hào với mỗi người dân khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc tuyên ngôn khai sinh đất nước dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Hai tiếng “đồng bào” rất đỗi thiêng liêng lần đầu tiên được tôn vinh sưởi ấm lòng người trong nắng thu Ba Đình lịch sử. Có lẽ không có hình ảnh nào đẹp hơn: “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” (Tố Hữu) trong giây phút thiêng liêng ấy.

Có rất nhiều bài thơ viết về mùa Thu lại gắn với hình ảnh đất nước. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi mở đầu bài thơ “Đất nước” nổi tiếng của ông bằng những hồi tưởng có sức gợi ngân vọng da diết trong lòng mình: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới - Tôi nhớ những ngày thu đó xa - Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”. Và hình ảnh đất nước hiện lên thật hào sảng: “Trời xanh đây là của chúng ta - Núi rừng đây là của chúng ta - Những ngả đường bát ngát - Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Sông Hồng - sông Cái - sông Mẹ của đất nước có những khúc chảy quặn thắt nhưng bừng lên sắc đỏ trĩu nặng của yêu thương và đồng vọng. Nhà thơ Nam Hà đó từng viết một tráng khúc về Tổ quốc: “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”. Có những câu thơ đến bây giờ đọc lên chúng ta vẫn thấy niềm tự hào xúc động: “Đất nước của những người con gái, con trai - Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép - Xa nhau không hề rơi nước mắt - Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”. Giọt nước mắt của những cuộc chia tay trong chiến tranh gợi cho ta hình bóng mẹ già lồng trong hình Tổ quốc. Không có đất nước nào trên thế giới lại có dáng núi Vọng Phu của người vợ chờ chồng tạc vào mây trắng như ở đất nước Việt Nam ta. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những phát hiện rất minh triết khi nhận ra đất nước có: “Cặp vợ chồng yêu nhau góp lên hòn Trống Mái” và: “Những người dân nào đó góp tên ông Đốc, ông Trạng, bà Đen, bà Điểm - Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi - Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”. Khi mà dọc dải đất hình chữ “S”của đất nước thân yêu chúng ta có: “Những cuộc đời đã hóa sông núi ta”.

Có lẽ không có tượng đài nào vinh quang hơn tượng đài Bà mẹ anh hùng ở Quảng Nam, ở mảnh đất kiên trung những ngày đánh Mỹ nơi quê hương mẹ Thứ đó có hơn 10 đứa con ra trận không về. Nước mắt đó chảy ngược vào lòng mẹ. Tổ quốc và mẹ đã hóa làm một. Khung cưởi dệt vải của mẹ Hoàng Thùy Loan, người đó sinh ra cho đất nước một vĩ nhân thật bình dị biết bao. Tiếng thoi đưa hay tiếng lòng của mẹ. Chợt vọng lên trong tôi những câu thơ da diết của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh khi viết về người mẹ thật đời thường, thật Việt Nam mà cũng thật lớn lao, thật nhân loại: “Ăn đi con nào đưa cho mẹ xới - Mẹ vẫn giấu con chuyện này: xóm dưới… - À thôi, chẳng vội để mai sau - Giặc tan rồi nắng đỏ chín buồng cau”.

Những ngày thu đất nước này tôi nhiều lần ngẩn ngơ đứng lặng trước những bến sông. Bến sông còn đó, con đò còn đây lặng lẽ cắm sào nửa như trông ngóng, nửa như hoài vọng ngỡ là bình yên mà thăm thẳm đơn côi. Cầu lớn đó bắc vượt qua sông. Nhưng chúng ta không bao giờ quên những chuyến đò ngang ngày ấy: “Con đò ngang quay ngược lại chờ tôi - Bát nước chè giữa trưa hè đậm chát”. Cũng như không thể quên được con đò của mẹ Suốt đưa những đoàn quân qua sông Nhật Lệ giữa: “Nắng trưa cồn cát chang chang Quảng Bình”. Con đò - dòng sông như một hình ảnh đất nước thu nhỏ. Và bắt đầu từ đây những làn điệu dân ca với nhịp khoan thai của mái chèo hay nhịp hò khỏe khoắn của bài ca lao động đó mang lại cho đất nước những giá trị văn hóa phi vật thể truyền từ đời này sang đời khác. Và tiếng mẹ “Ầu ơ…” trên cánh võng đó chắp cánh cho bao thế hệ lớn dậy như huyền thoại Thánh Gióng với rặng tre đằng ngà với những ao đầm nở ngát thơm hương sen mùa hạ: “Tháp mười đẹp nhất hoa sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về hình ảnh của Bác rất đẹp: “Ôi người cha - Đôi mắt mẹ hiền sao”. Vâng, đôi mắt mẹ của vị lãnh tụ kính yêu vẫn dõi theo suốt dặm dài đất nước. Tổ quốc bấy giờ là tượng hình của mẹ. Mẹ bấy giờ là Tổ quốc ở trong con…

N.Q.H

(Nguồn- Tạp chí Hồng Lĩnh)

Nguyễn Quốc Huy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground