Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Cổ - Miền tưởng vọng

H

ai mươi năm trước, những ngày này tỉnh Quảng Trị vừa được tái lập sau khi tách ra khỏi tỉnh chung Bình-Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế). Ngày ấy, một phóng viên báo Quảng Trị đã về thị xã Quảng Trị - từng là tỉnh lỵ của Quảng Trị gần hai trăm năm với cuộc chiến khốc liệt mùa hè 1972 khiến thị xã thành bình địa. Bài báo đầu tiên chị viết về Thành Cổ khi đó đã giật một cái tít rất ấn tượng: “Thành cổ hay Thành cỏ".

Mà cỏ thật, cỏ ngút ngàn thị xã, cỏ tràn ngập bờ thành hoang phế, cỏ bời bời trong khuôn viên thành xưa với chu vi gần 4 cây số mà xưa kia từng có dinh án sát, lãnh binh, nhà đoan, thương cuộc…

Cỏ trùm lên bao nhiêu dấu yêu thị xã từng có một quá vãng đẹp như một bài cổ thi viết trên tờ giấy hoa tiên trải mềm dọc theo dòng Thạch Hãn. Sau năm 1972, tất cả chỉ còn là gạch vụn và cỏ dại. Thành Cổ được người dân cất mất dấu “^” và mặc nhiên được gọi với một tâm trạng nửa như hờn dỗi, nửa như thân phận…

1. Số phận đã đưa đẩy tôi về làm cư dân của thị xã này gần 7 năm với hơn hai ngàn ngày sống ở đó. Ký ức về thị xã hiền thương ấy bao giờ cũng khiến tôi nhớ đến những con phố đã ám ảnh trong nhiều câu thơ, những khúc ca nghiêng trĩu nhung nhớ một khung trời bình yên trong những hồi ức của những lớp anh chị học trò Trường trung học Nguyễn Hoàng. Và cũng chính từ đây tôi đã tìm thấy, hình như mảnh đất này luôn có sứ mệnh là nơi để người ta tưởng vọng. Cả Thành Cổ này là một miền tưởng vọng xuyên suốt lịch sử của mình.

Cho đến một ngày tôi phát hiện có một khoảng đất tên gọi là Nghĩa Trũng đàn nằm cách căn nhà cũ của tôi ở thị xã Quảng Trị không xa lắm, chỉ có một quãng đồng, bên kia con kênh Nam Thạch Hãn, và tôi sửng sốt khi nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng đấy là một trong những nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của nước ta...

Lần giở những sử liệu mới hay tấc đất nào nơi Thành Cổ này đều quá đỗi thiêng liêng. Một sự ngẫu nhiên của lịch sử chăng ? Hay có sự sắp đặt nào mà mảnh đất Quảng Trị này luôn là nơi những liệt sĩ chọn để nằm lại? Nghĩa Trũng được lập từ 1872, đúng 100 năm sau, ngay trên vùng đất với ngôi làng có Nghĩa Trũng này một cuộc chiến đã diễn ra ròng rã 81 ngày đêm để rồi đi vào lịch sử như một trận chiến khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ: Thành Cổ Quảng Trị - mùa hè đỏ lửa 1972

Bây giờ thì không ngày nào không có những đoàn khách đến thăm viếng, tưởng niệm những liệt sĩ ở Thành Cổ, ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9...những nghĩa trang cấp quốc gia với cả vạn nấm mồ, nhưng ít ai biết Nghĩa Trũng nơi góc làng Thạch Hãn ấy cũng là một nghĩa trang quốc gia của những nghĩa binh Tây Sơn áo vải cờ đào đã ngã xuống trong trận chiến đại thắng quân nhà Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789) đã được quan Tuần Vũ Hà Nội người họ Hoàng làng Bích Khê (Quảng Trị ) đưa hài cốt vượt dặm trường từ đất Bắc vào nằm lại chốn này.

Câu chuyện về Nghĩa trũng cũng thật dài...

Nguyên ủy của Nghĩa Trũng bắt đầu từ ngài Hoàng Hữu Lợi, người làng Bích Khê (nay là xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), tước Trung Nghị đại phu Phó đô ngự sử, thường nằm thấy những nấm mồ vô chủ nằm dọc theo sông Thạch Hãn vào mùa mưa lũ thường bị xói lở trôi lộ hài cốt, ông mới động lòng từ tâm bỏ tiền nhà ra mua mấy sào ruộng của làng Thạch Hãn để làm nơi quy táng những hài cốt phận bạc kia. Cũng là chuyện làm việc Nhân, trồng cây Đức cho con cháu đời sau như bản chất thuần hậu của người dân vùng Thuận Quảng. Đấy là năm Tự Đức thứ 25 (1872). 

Rồi cứ thế, cái hành trình của những lưu dân Nam tiến, bỏ thây nơi bãi lau biền cỏ bên dòng Thạch Hãn nhất loạt đều được con cháu của cụ quy về nơi Nghĩa Trũng này, chăm lo hương khói. Nếu chỉ thế thì Nghĩa Trũng cũng chỉ là một “nghĩa địa tình thương” chứ đâu thể gọi là “Nghĩa trang liệt sĩ”? Nhưng đến đời con của cụ Hoàng Hữu Lợi, vị trưởng nam của cụ là Hiệp biện Đại học sĩ, Bình Như Hoàng Hữu Xứng sau này làm quan Tuần vũ Hà Nội, nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang vô chủ, hỏi han kỳ lão quanh vùng mới hay rằng đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại.

Hàng chục năm trôi qua không ai khói hương chăm sóc nên thành mả hoang. Quan Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng đã thuê người cất bốc, thu nhặt hài cốt hơn 600 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa Trũng ở quê ông, mảnh đất mà thân phụ của ông đã mua. Như thế, Nghĩa Trũng làng Thạch Hãn đã trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa mộ phần là những vong hồn bơ vơ trong trời đất, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào.

Từ đấy nối đời con cháu họ Hoàng thay nhau hương khói săn sóc những mộ phần nơi Nghĩa Trũng. Đời vua Thành Thái, Nghĩa Trũng Quảng Trị được đưa vào quy chế Quốc gia, triều đình ban ruộng tự điền, người làng chăm lo hương khói được miễn sưu thuế, xuân thu nhị kỳ tế lễ có quan Tuần vũ Quảng Trị đứng chủ tế...

2. Hơn trăm năm dâu bể trôi qua, chiến cuộc mùa hè năm 1972 đã biến Nghĩa Trũng thành bình địa. Hòa bình trở lại, cái mảnh đất vùi xương cốt mấy ngàn sinh linh ấy không ai nhớ. Rồi cùng với thời gian, con cháu họ Hoàng và dân làng Thạch Hãn đã góp công góp của xây lại miếu thờ, đến tháng 8/1996 tất cả con cháu Hoàng tộc làng Bích Khê từ khắp nơi trên thế giới cùng các lương dân, kỳ lão làng Thạch Hãn góp sức đại trùng tu, tấm văn bia Nghĩa Trũng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút, có đoạn: “Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây Đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời.” 

Điều ấy hình như đã thành một tập quán thật đẹp của người họ Hoàng làng Bích Khê. Và cũng chính họ Hoàng làng Bích Khê là một trong số những dòng họ làm rạng danh cho đất làng bởi những nhà cách mạng, nhà văn, nhà khoa học, những danh sĩ từ mấy thế kỷ nay: cụ Hoàng Thị Ái , nữ đảng viên cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, nữ kỳ thủ cờ vua nổi tiếng thế giới Hoàng Thanh Trang nay sống ở Hungary con của bậc “kỳ sư” Hoàng Minh Chương đã đào tạo, huấn luyện nhiều đại kiện tướng cờ vua cho nước ta, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, hoạ sĩ Hoàng Ngọc Biên… Hôm đi thăm nhà thờ họ Hoàng ở làng, đọc danh sách đóng góp xây dựng các công trình của làng mới thấy họ Hoàng còn có hàng chục tiến sĩ, kỹ sư, nhà báo… nay sống hầu khắp các châu lục trên thế giới. Một dòng họ với những người thành đạt không chỉ vinh danh cho cả gia tộc mà còn làm rạng danh cho cả xứ sở.

Giữa một vùng cỏ cây quanh năm xanh mát được tưới tắm bởi nguồn nước sông Thạch Hãn, tôi bỗng giật mình: Con sông Thạch Hãn, được vua nhà Nguyễn cho khắc chạm dòng sông lưu dấu lên Cửu Đỉnh trong sân Thái miếu cùng với bao nhiêu vưu vật, địa linh của đất nước. Sông chảy từ thượng nguồn ra Cửa Việt, sông đã trôi qua hàng trăm làng mạc mọc dọc bãi biền ven sông, vậy mà sông vẫn mang tên của một ngôi làng nhỏ bên sông: làng Thạch Hãn.

Và nước nguồn dòng sông đó bây giờ đắp bồi cho bao vườn tược hoa trái ruộng nương của dân một vùng đồng bằng Triệu- Hải rộng lớn. Đã không ít những linh hồn đã chọn mảnh làng này để nằm lại, có thể tro xương của những hồn thiêng ấy đã đi một hành trình cả ngàn dặm đường từ xứ Bắc về đây và giờ đã hoá thành cát bụi lẫn vào đất đai xứ này, như sau này cả vạn người lính trẻ đã nằm lại đất Thành Cổ mùa hè 1972. Tất cả họ đều chọn đất này để nằm lại. Như dòng sông biểu tượng của Quảng Trị- đã chọn tên của mảnh làng này để mang theo!

3. Ngày tái lập tỉnh Quảng Trị, bao nhiêu cơ quan công sở về Đông Hà đứng chân thì có một tờ Tạp chí chọn nơi đây để đánh bạn với cỏ lau và gạch vỡ. Có lẽ đó là sự lựa chọn đầy ngụ ý của nhiều người, và Tạp chí Cửa Việt những năm đó thực sự đã tạo một dấu ấn cho Quảng Trị, vượt ra khỏi sự khu trú của một tỉnh lẻ. Với sự “trợ vi” của miền đất thiêng, với những tên tuổi như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập... đã khiến tờ tạp chí vang danh và thu hút những tên tuổi văn chương của quốc gia (và cả quốc tế).

Dẫu nhiều phen lận đận nhưng tôi tin rằng trong trí nhớ những nhà văn, những nghệ sĩ, những tên tuổi của văn chương Việt... đã từng ghé qua tờ Cửa Việt những năm tháng đó, đã ngồi uống rượu gạo trên khoảng sân đầy cỏ của ngôi nhà làm tòa soạn mà thị xã đã ưu ái dành cho, chắc rằng mỗi khi nhớ về Quảng Trị sẽ có một vùng sáng ký ức hắt lên từ những đêm Thành Cổ đầy đom đóm lập lòe ấy. Và có thể đó cũng là một sự tưởng vọng trong tâm thức. Rồi dâu bể tháng ngày, tờ tạp chí đình đám một thời cũng nối gót ra tỉnh lỵ Đông Hà. Và thị xã Quảng Trị vẫn cứ âm thầm đi lên, lặng lẽ mà bền bỉ, như một câu thơ của Ngô Minh viết về thị xã Quảng Trị này “Phố bờ sông nhà lên tầng tìm gió”.

Hai mươi năm qua, Thành Cỏ đã mọc lại phố phường. Trên hoang tàn gạch vỡ kia Đài Tưởng niệm mọc lên, những lối cỏ được lát hồng màu gạch, cây xanh đã vấn vít vươn cành gọi chim về, cho dẫu thế thì bờ sông ngợp gió kia , dòng nước biếc xanh trôi qua thị xã vẫn còn một chút gì hoang vắng.

Chính những ngày tháng 7 của hai mươi năm trước, một người lính từng chiến đấu trên chiến trường Thành Cổ Quảng Trị đã về đây, gom chút phụ cấp còm cõi để mua hết hoa huệ trong ngôi chợ nghèo rồi nhờ một chiếc thuyền nan chèo ra giữa dòng Thạch Hãn để thả xuống những cánh hoa tưởng niệm đồng đội. Và những câu thơ đã bật ra như một niềm đau cất giữ từ bao nhiêu năm qua, khi những đồng đội anh đã nằm lại đáy sông này trong 81 ngày đêm khốc liệt giữ Thành Cổ Quảng Trị: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”

Từ chiếc thuyền nan thả hoa của người cựu binh Lê Bá Dương hai mươi năm trước đến những đêm thả hoa dâng nến như một nghi lễ tri ân của người dân thị xã này đã là một câu chuyện có hậu khi đúng dịp kỷ niệm 20 năm Quảng Trị tái lập, 200 năm thị xã này thành lỵ sở của xứ này thì bờ sông Thạch Hãn có một bến thả hoa, một nhà hành lễ, một quảng trường Giải Phóng, một tháp chuông nối nhau liên hoàn tạo nên một cụm công trình kiến trúc tưởng niệm trĩu nặng niềm tri ân.

Và đêm 26/7/2009, khi bờ Nam sông Thạch Hãn khánh thành cụm công trình tưởng niệm này do Vietin Bank và Vinashin ủng hộ với kinh phí xây dựng lên đến 18 tỷ đồng thì sáng 27-7, ở bờ Bắc, một bến thả hoa khác cũng vừa được khởi công do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cung tiến với kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 1972. Công trình nằm đối diện với Bến thả hoa đăng bờ bên kia của sông Thạch Hãn, dự kiến hoàn thành dịp 27-7 năm tới.

 Vậy là một Thành Cổ dường như bị lãng quên, giờ tất cả đang vỡ vạc những chân trời hoài vọng. Hai mươi năm, cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng giờ đây không có gì thuộc về lịch sử của miền đất này lại bị quên lãng. 

                           

                                                                                L.Đ.D

 

 
 
Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 188 tháng 05/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground