Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thao Thức cây lúa nước

L.T.S: Cuối năm 1995, Ban Dân tộc và Miền núi triển khai đưa dự án chuyển giao công nghệ về cây lúa nước, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc đến với đồng bào dân tộc xã Vĩnh Khê – những người có vinh dự mang họ Bác Hồ. Vụ lúa đầu tiên trên diện tích 30ha Vĩnh Khê đạt ngay năng suất năm tấn/ha. CV xin trân trọng giới thiệu  <>  của Lê Nguyên Hồng cùng những bài ký về bộ đội biên phòng, về thủy lợi, về kiểm lâm Hướng Hóa… Ghi nhận những thành tích đã đạt được của nhân dân Quảng Trị chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XII và dâng lên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII

Có một vùng quê tôi chỉ đến đôi lần mà không hiểu tại sao trong lòng cứ thao thức mãi. Vùng quê ấy rừng núi trập trùng, bản làng thưa thớt, chưa có một nhà dân nào lợp bằng mái ngói. Con người ở đây bốn mùa khoai sắn thay cơm nhưng không hề kêu ca về số phận nghèo tại một miền rừng sâu heo hút. Đó là xã Vĩnh Khê, một xã miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh.

Không hiểu vì duyên nợ gì mà khi nhắc đến Vĩnh Khê, lòng tôi day dứt không sao quên được! Ai đã từng sống ở đồng bằng, ở phố phường nhộn nhịp, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng, khi đến Vĩnh Khê mới thấy hết nỗi gian truân vất vả của đồng bào dân tộc. Khi nền văn minh lúa nước  của người Kinh đã chuyển sang nền văn minh công nghiệp với khoa học tiên tiến thì đồng bào miền núi Vĩnh Linh nói chung, xã Vĩnh Khê nói riêng mới bắt đầu bước vào thời kỳ làm quen với kỹ thuật chăm bón lúa nước. Điều ấy cũng lý giải được vì sao đồng bào dân tộc miền núi tụt hậu gấp so với miền xuôi.

Lần này trở lại Vĩnh Khê, vẫn những con đường ngoằn ngoèo dưới những chân đồi, vẫn núi trập trùng đánh lừa tầm mắt, nhưng tôi đã nhận thấy ở Vĩnh Khê đang có những điều rạo rực ấp ủ trong lòng người, lòng đất. Vẫn chủ tịch xã Hồ Trung trong căn nhà lợp lá có nhiều chổ nhìn được sao trời mà mấy lần gia đình muốn lợp lại nhưng chưa có đủ tiền. Hình như Hồ Trung không quan tâm đến điều tôi vừa chợt gặp và phân vân ấy mà chỉ sôi nổi kể về vụ lúa đông xuân được mùa sắp thu hoạch. Theo Hồ Trung hai héc ta ruộng cấy giống lúa VN10 ở bản Xung Phong áp dụng kỹ thuật theo chương trình chuyển giao công nghệ đã được Ủy ban Dân tộc và Miền núi thẩm định đầu tư có khả năng đạt năng suất trên 4,5 tấn mỗi héc ta. Lần đâu tiên trong đời, đồng bào Vĩnh Khê mới thấy những bông lúa uốn cong trĩu hạt ngay trên đồng ruộng của mình. Hồ Trung đưa chúng tôi đến bản Xung Phong để chứng kiến tận mắt những thửa ruộng đầy ắp lúa trải vàng trong nắng. Tôi thực sự bất ngờ khi đưa tay nâng từng bông lúa dài, chắc mẩy. Những bông lúa này không khác gì những bông lúa được mùa dưới xuôi. Cũng bùn đất này thôi bao nhiều thế hệ ở Vĩnh Khê đã gieo cấy một vụ lúa mà năng suất cao lắm cũng chỉ bằng một phần ba bây giờ. Đồng bào không dám bón phân vô cơ. Theo kể lại, có lần huyện bán đạm về, đồng bào muốn năng suất lúa tăng nhanh, nên vung đạm không cần tính toán. Nào ngờ lúa bị cháy rụi hết. Khi được nghe cán bộ nông nghiệp huyện phổ biến kỹ thuật bón phân thì đồng bào cứ nghĩ: bón tăng thêm số lần đạm và kaly thì lúa sẽ tốt và năng suất cao hơn. Nào ngờ lúa cứ xanh mãi, không chịu trổ bông theo mùa vụ. Mọi người nhìn nhau nghi ngờ. Và họ trở lại lối canh tác nguyên thủy của mình, không nghĩ đến kỹ thuật. Từ đó trong xã lan truyền một cái tin: Ruộng Vĩnh Khê không bón phân hóa học được, cái bùn cái đất ở đây không ưng như vậy. Rồi những mùa tiếp theo, cây lúa cắm xuống ruộng được chăng hay chớ, cứ lớn lên còi cọc, lèo tèo, bông và hạt lúa thưa. Đồng bào chỉ lo khấn mưa thuận gió hòa cho cây lúa mau lên, nhiều bông, đừng để cháu con thiếu đói. Thế nhưng trời thì cao quá mà cây lúa cứ trơ ra và bùn đất ngày càng nghèo kiệt. Cả xã có trên 30 héc ta lúa nước thì nhiều năm trước chỉ có bản Xung Phong năng suất lúa có cao hơn so với các bản khác bởi một lẽ: Nhiều hộ đồng bào bản Xung Phong hồi chiến tranh chống Mỹ là học sinh K8 đã từng sơ tán sống ở tỉnh Ninh Bình từ năm đến sau năm, để tiếp cận với cách làm lúa nước và cây ăn quả. Bản Xung Phong tiếp nhận chương trình hai héc ta lúa nước một cách chủ động thoải mái. Cán bộ giáo viên trường Đại học Nông nghiệp II Huế, rất bất ngờ khi thấy đồng bào tiếp thu kỹ thuật các giai đoạn của cây lúa rất nhanh chóng. Từ khâu ngâm, ủ giống, làm đất, gieo cấy đến chăm bón, phòng trừ sâu bệnh trên ruộng bản Xung Phong được các bản trong xã theo dõi, học tập để hướng dẫn cho đồng bào bản mình…

Nhìn những thửa ruộng cấy giống lúa VN10 được đầu tư đúng kỹ thuật, tôi nghĩ rằng: Giá như bao nhiêu năm qua, đồng bào miền núi Vĩnh Khê áp dụng khoa học kỹ thuật với cây lúa nước như thế này thì đời sống đâu đến nổi nghèo khó mãi đến hôm nay.

Màu vàng của lúa sắp đến mùa gặt hái chạy dài theo thung lũng gợi cho tôi nghĩ đến chiếc khăn lụa bằng tơ tằm óng ả vắt ngang màu xanh thắm của cây rừng bên cạnh những triền đồi khoai sắn xanh um. Tôi đứng tần ngần bên ruộng lúa mà ao ước các xã miền núi ở Vĩnh Linh đến đây để học tập thì chẳng bao lâu nữa, trong bữa ăn hàng ngày bát cơm sẽ đầy thêm, khoai sắn sẽ lùi dần, và khi nhắc đến miền núi đừng ai nghĩ rằng: Ở đó chỉ có khoai sắn và nghèo khổ. Tất nhiên đồng bào miền núi còn nghèo túng là trách nhiệm phải quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng cái chính vẫn là trách nhiệm tự có của đồng bào, của xã, của bản. Những năm qua với đồng bào dân tộc, cái khó thực sự bó cái khôn. Không thể vượt nổi giới hạn khó khăn để đi lên. Ai đã đến với đồng bào thì mới hiểu và thông cảm với những con người bốn mùa lam lũ với nương rẫy, nắng mưa để góp nhặt từng củ sắn, bắp ngô bé gầy, không sao thay đổi được cuộc đời. Xứ sở đất rộng người thưa, bốn bề đồi núi cách biệt với trung tâm huyện thị thì sự lạc hậu, thua kém sẽ là sự hiển nhiên.

Hồ Ngoan Chủ nhiệm HTX, Hồ Bông Trưởng bản Xung Phong đều nói với tôi ngay bên ruộng lúa “… Hạt lúa này là của Nhà nước cho đồng bào phấn khởi vô cùng. Năm 1996, Nhà nước đầu tư cho bản Xung Phong 15 héc ta cao su và một số cây ăn quả. Chương trình dự kiến giúp cho dân giống, một phần công cày ải đất và kỹ thuật trồng, chăm sóc, còn phân bón đồng bào tự lo liệu. Thế cũng quá quí rồi. Đồng bào ưng Nhà nước cho thêm phân bón kẻo đồng bào nghèo quá, không dám kêu nhà nước nhưng … biết làm sao được”. Tôi rất hiểu cái bụng của đồng bào, nghĩ sao nói vậy. Tôi cứ ghi lại những ý kiến chân tình này của Chủ nhiệm và Trưởng bản để chương trình hiểu được những khó khăn và bức xúc muốn làm theo hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến nhưng sức đầu tư của đồng bào rất bị hạn chế, để tiếp thêm sức cho đồng bào thực hiện chương trình trồng cao su năm 1996 này.

Chuyện về bản Xung phong thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ đối với cây lúa nước thành công, có lẽ bắt nguồn từ cơ sở sâu xa nhất là nhiều đồng bào đã có giai đoạn làm quen với cây lúa nước từ thời sơ tán ra miền Bắc trong những năm chiến tranh. Sau một thời gian dài bị lãng quên, nay được nhà nước gợi lại và chỉ đạo thực hiện nên đồng bào tiếp thu không có gì bỡ ngỡ. Bí thư chi bộ Hồ Hồng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồ Thị Xường, xã đội trưởng Hồ Quí, cán bộ tài chính xã Hồ Thông.v.v.. đều là những học sinh K8 hơn 20 năm trước đây đã sống trên quê hương Ninh Bình, Thái Bình. Thời ấy họ đã giúp gia đình nơi sơ tán ươm bèo hoa dâu, gieo mạ trên sân, có người còn biết bón phân, chăm sóc lúa qua từng thời kỳ. Nếu họ là người Kinh thì công việc trồng lúa đã đi vào nề nếp từ lâu lắm rồi. Anh Hồ Quí nói vui vẻ: “Bây giờ, nếu bản nào ưng phổ biến về cây lúa, miềng cũng đảm nhận được…”. Từ nay trở đi việc áp dụng khoa học kỹ thuật đối với cây lúa nước không còn xa lạ với đồng bào Vĩnh Khê.

Đến với Vĩnh Khê, tôi còn được biết thêm, đầu năm 1996 có một đoàn cán bộ phi chính phủ thuộc Hà Lan mới đến Vĩnh Khê có ý định đầu tư một chương trình gì đó  nhưng khi khảo sát thấy xã quá nghèo, họ sợ bỏ vốn đầu tư không thu lại được kết quả nên rút lui và nói với cán bộ Ban Dân tộc và Miền núi của tỉnh rằng: miền Trung đã nghèo, nhưng ở đây lại rất nghèo, khó đầu tư vốn…Họ lắc đầu rời Vĩnh Khê trong tâm trạng băn khoăn. Thế mà cây lúa nước, cây ăn quả của chương trình bước đầu đưa vào Vĩnh Khê đã thấy ngay kết quả khả quan. Vụ gặt này, đồng bào sẽ ăn mừng một vụ lúa bội thu chưa từng có xưa nay, và họ khắc sâu vào lòng tình cảm của Đảng, Nhà nước, soi thấu tận nơi thẳm sâu của núi rừng xa vắng. Chính cụ Hồ Xoàng 102 tuổi của bản Xung Phong đã thốt lên: “Bác Hồ và Đảng thương đồng bào miền núi, ngày càng thương hơn. Đảng đem cái chữ, đem no ấm đến cho đồng bào, ơn đức ấy cao dày lắm…”. Con cháu nghe cụ già nói đều xúc động, rưng rưng.

Từ những mô hình về chuyển giao công nghệ cây ăn quả, cây lúa nước ở từng hộ gia đình thí điểm của Vĩnh Khê, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh đã rút ra được hiệu quả, kinh nghiệm trong đầu tư thâm canh cây lúa và cây ăn quả để cho mọi người cùng hăng hái làm. Tiếng lành đồn xa. Những gì Vĩnh Khê làm được đã thu hút nhiều đoàn của huyện bạn về  tham quan. Trong tháng 5.1996, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh đã tổ chức hai đợt cho các xã đồng bào dân tộc của các huyện có nhiều ruộng nước và có điều kiện phát triển trồng cây ăn quả về tham quan chương trình này (trong thời gian lúa ngậm sữa). Nói chung các xã đều thấy Vĩnh Khê đất đại xấu, có điều kiện thiên nhiên không ưu ái hơn họ, nhưng Vĩnh Khê lạm được như vậy thì các xã cũng chắc chắn sẽ làm được. Tham quan đợt một: sáu xã ngày 4/5/1996; tham quan đợt hai: tám xã ngày 14/5/1996.

 Chủ tịch xã Hồ Trung lại đưa chúng tôi đến bản Khe Trằn, Khe Cát để thăm những vườn cây ăn quả được trồng vào cuối năm 1995 tại 23 gia đình theo chương trình chuyển giao công nghệ cùng đợt với cây lúa nước ở bản Xung Phong. Trong số gần 2.500 cây ăn quả gồm: Cam, quýt, vải, nhãn, hồng được lấy giống từ viện cây ăn quả Việt Nam (Hà Nội), thì chỉ hao thất chưa đầy 3%. Thì ra đất cát nơi Vĩnh Khê hợp với cây ăn quả. Mới trồng được nửa năm mà đa số cây đã cao 60 Phân, nhiều cây 70 phân, tán rộng 40 phân. Nhìn những vườn cây ăn quả hàng hàng thẳng tắp, bíp non mập mạp ai cũng thèm muốn mình có được vườn cây ăn quả như thế này. Toàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ở miền xuôi của huyện Vĩnh Linh cũng chưa có mấy vườn cây ăn quả gia đình đẹp như thế. Nhiều gia đình đồng bào cứ nhờ chúng tôi mua giùm giống cây ăn quả tại Viện cây ăn quả Việt Nam, đừng mua ở nơi nào khác. Trong tư tưởng, nhiều gia đình muốn phá những cây tạp trong vườn để trồng giống cây ăn quả mới. Niềm vui của Đồng bào cứ nhân lên theo sức lớn của vườn cây. Họ phần chấn nói với nhau bằng tiếng dân tộc, nhưng qua cử chỉ, ánh mắt, chúng tôi cũng ngầm hiểu được rằng: Họ sẽ trồng thêm nhiều cây ăn quả trong vườn; rồi đây họ hy vọng có những mùa quả chín xếp hàng xen lẫn với thì trường miền xuôi… Và họ không còn sợ túng thiếu khi mất mùa lúa, khoai. Cuộc sống của họ sẽ đổi thay… Ai hiểu được điều họ nghĩ cũng đều ứa nước mắt, ước mơ đơn sơ ấy mà mãi đến bây giờ đồng bào Vĩnh Khê mới có. Đất Vĩnh Khê mênh mông phơi mình dưới mưa nắng mà người dân bao đời vẫn chịu khó nghèo. Nền văn mình đồng bằng cũng chỉ le lói ở miền núi mà thôi. Đồng bào cứ ám ảnh trong suy nghĩ: Trời không cho sướng thì đành cam chịu chẳng dám đua chen với đời … bây giờ đồng bào nói với nhau: “ nếu không được Đảng, Nhà nước dắt dìu thì biết bao giờ mới có được những gì đã ao ước, không biết thế nào là ăn no, mặc đẹp, chẳng biết tính tuổi theo tháng năm mà chỉ nhớ theo mùa rẫy…

Chương trình chuyển giao công nghệ cho xã Vĩnh Khê được tiến hành trong ba năm (1995-1997). Năm 1996 là năm thứ hai thực hiện chương trình với 15 héc ta cao su ở bản Xung Phong, 7 héc ta lúa nước ở bản Bến Mưng, Đá Moọc, Khe Lương. Xây dựng một mô hình chăn nuôi, chủ yếu là nuôi lợn. Nghĩa là, bản nào cũng được hưởng sự ưu ái của Nhà nước, gia đình nào được tiếp nhận chương trình đều có bản cam kết với Ban Dân tộc và Miền núi của tỉnh. Lòng người dân tộc vốn ngay thẳng như cây rừng trước gió, trong như nước suối, nói là làm không biết sai lời hứa. Họ coi lời hứa là sự thiêng liêng không thể thay đổi được. Họ trung thành với lời hứa của mình suốt cuộc đời trung thành theo cách mạng. Khi nhận chương trình chuyển giao công nghệ, các bản đã bàn bạc, quyết tâm làm thật tốt, không để mất lòng tin đối với Nhà nước. Nhìn hai héc ta lúa với 5 héc ta vườn cây ăn quả gia đình, mọi người đều có niềm tin: Đồng bào Vĩnh Khê tiếp thu chương trình chuyển giao công nghệ đảm bảo chắc chắn, cuộc sống sẽ ngày càng đi lên. Riêng Chủ tịch xã thì khẳng định:

-               Xã Vĩnh Khê sẽ chuyển hướng cơ cấu kinh tế từ nông – lâm nghiệp sang cây công nghiệp làm chủ đạo. Chỉ có như vậy đồng bào mới thực sự đổi đời…

Vĩnh Khê sẽ làm được điều đó. Bởi vì đồng bào rất khao khát vươn lên, rất ghét khó nghèo, lạc hậu. Sắp tới hồ chứa nước Bão Đài được xây dựng sẽ là một lợi thế cho đồng bào làm lúa nước, đất tăng thêm độ ẩm, tạo điều kiện cho cây công nghiệp phát triển nhanh chóng. Khi đường giao thông mở ra, nối các bản của Vĩnh Khê với thị trấn Bến Quan, thị trấn Hồ Xá, sự giao lưu giữa miền núi với đồng bằng không còn cách trở xa xôi thì sự khó nghèo, lạc hậu sẽ thay thế bằng no đủ văn mình. Tương lai ấy của Vĩnh Khế chắc sẽ không còn xa nữa.

Với Vĩnh Khê, lòng tôi thao thức mãi. Cái vùng quê này khi xa rồi cứ thấy nhớ bâng khuâng. Nhớ cái bản chất thật thà, mộc mạc của đồng bào. Nhớ Chủ tịch xã gần suốt một đời lăn lộn với quê hương mà chưa có đủ tiền sửa lại nếp nhà tranh lổ chỗ soi trời. Vĩnh Khê bây giờ đang còn nghèo lắm, cả xã chưa có nhà dân nào lợp ngói … nhưng tôi vẫn tin những gì gian khó hôm nay sẽ lùi dần vào dĩ vãng, khi mà cả Vĩnh Khê đã bắt tay vào cuộc đổi đời từ cây lúa nước, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày…

Nhà nước đã tạo cho Vĩnh Khê niềm tin và cách nghĩ mới, mở hướng cho Vĩnh Khê vươn dậy, đi tới. Đồng bào Vĩnh Khê đã từng đạp lên gai góc ngổn gang, lập nên nương rẫy, tạo dựng cuộc sống, bảo vệ sự sinh tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác thì trong bước chuyển động mới này đồng bào sẽ không chịu bó tay, sẽ làm nên những mùa lúa năng suất không thua kém đồng bằng cùng với những vườn cây trĩu quá, những đồi cao su bạt ngàn xanh tốt như cây rừng. Lúc ấy, màu xanh no ấm của Vĩnh Khê sẽ sung sức nối tiếp với màu xanh của các xã đồng bằng, rút ngắn dần khoảng cách MIỀN NÚI – MIỀN XUÔI.

Với năng suất lúa của 2 ha chuyển giao công nghệ và sản xuất trong vụ Đông-Xuân 95-96 vừa qua là 50 tạ/ha.

Ngoài ra, vườn cây ăn quả 2450 cây mới bén rễ bữa tháng giêng, tỉ lệ sống đạt 98% gồm cam, quýt, hồng, nhãn vải; tỉ trọng cam quýt bưởi chiếm hai phần ba; đã chuyển giao cho 24 hộ nông dân. Trong kế hoạch 1996 này, diện tích lúa nước Đông Xuân sẽ được nâng lên 7 ha. Nhưng đó chưa là tất cả, còn 15 ha cao su, 7 ha màu trồng ở các chân ruộng một vụ, 5 ha cây ăn quả; Vã dĩ nhiên là thêm phần chăn nuôi lớn với 10 mô hình. Mỗi một mô hình sẽ được hỗ trợ xi măng gạch, cùng vật liệu thưng che, hai con lợn giống, một phần thức ăn tinh trong chu kỳ  nuôi và phòng dịch. Mục tiêu: Nuôi sáu đến bảy tháng xuất chuồng đạt trọng lượng 60 đến 70kg/con.

Thật là niềm hạnh phúc ngoài mong ước. Rằng, ở Vĩnh Khê, người dân bản ẩn mình vào trong khu vườn ăn quả vừa mơn mởn cành để cùng thao thức với cây lúa nước, đặng gặt hái được một mùa lúa bội thu đầu tiên…

                                                                                    Vĩnh linh, tháng 5/1996

L.N.H

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 21 tháng 06/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

9 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

12 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground