Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Nghe tin anh mất, ở xa tôi không về thăm anh được. Phải mấy tháng sau có dịp trở lại quê mới đến thắp cho anh nén hương, nén hương tạ tội đối với một người mà mình thật sự kính trọng và thương yêu. Ngày trước, mỗi lần về quê tôi đều đến chơi với anh. Nhà anh ở bên sông Thạch Hãn, nơi khúc sông rộng lượn vòng quanh làng một hình cánh quạt mênh mông diệu vợi và hiu quạnh đến lạnh người. Anh dựng một cái chòi sau vườn nhà cạnh bến sông như một thảo am, bao nhiêu năm chăm lo kinh tế gia đình mình chị ngược xuôi chạy chợ gần nhà. Anh ngồi đó như một ẩn sĩ thời xưa, như một thiền sư đời nay đã bỏ ngoài tai mọi chuyện phù hư thế sự.

Đêm nào ngủ lại với anh, nói là ngủ mà suốt đêm ngồi uống rượu suông trước mênh mông trường thiên thu thủy. Anh ngồi im lặng hằng giờ. Đã bao mùa trăng vàng lạnh môi người đi qua, anh vẫn ngồi đó. Chỉ những khi hứng, anh mới thao thao bất tuyệt chuyện văn hóa Đông Tây, lịch sử địa lý, triết học... Những khi ấy, anh nói chuyện rất hấp dẫn, đưa ra nhiều nhận xét đầy bất ngờ và luôn cho thấy một đầu óc uyên bác, uyên thâm làm người nghe phải kinh ngạc. Vốn là người lòng còn vướng bận chút bụi trần đan thanh bia đá, đã nhiều lần tôi hỏi sao anh không viết sách, bỏ phí thì uổng quá. Anh không trả lời vội mà chỉ về một quãng sông gần chỗ chúng tôi ngồi. “Thôi viết sách làm gì, để thời gian mà Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…” Anh đọc câu thơ trích trong bài “Không đề” của Tuệ Sỹ mà cả anh và tôi đều thích. Nhưng mà trăng tàn nghĩa là trăng lặn, là bình minh, là trời sáng thì sao còn phải thắp đèn khuya. Tôi chọc khuấy anh. Anh nói “thắp đèn khuya” là để chờ đến khi trăng không còn sáng nữa mà chờ trăng lặn cũng là chẳng chờ gì cả. Tác giả là một thiền sư, sao lại viết “Phút vội vã bỗng thấy mình du tử”, sao lại là một kẻ lang thang, một kẻ giang hồ du tử… Thôi thôi, mượn lời Trung niên thi sỹ Bùi Giáng nói về câu thơ này: “Lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ, lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ trên một quê hương thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh”…

Hai chục năm trước, ngồi tư lự bên dòng sông này, anh nói: Thạch Hãn là đá chặn, cứ lên đầu nguồn sông trên Đakrông mới thấy lớp đá chặn như thế nào, nhìn đá ngợp lạnh khiếp đảm cả người, nó chặn ngang cả mặt sông. Ở Quảng Trị, sông nước thượng nguồn đổ về phải vượt qua bao thác ghềnh nên gầm réo dữ dội, sông ấy mới sinh ra cái điệu hò mái đẩy, đẩy thuyền ngược nước. Dứt khoát ngọn nguồn hò mái đẩy là của Quảng Trị, giai điệu đó phải là âm vang của những dòng sông dữ dội nhiều thác ghềnh, của con sông nhiều sóng gió. Còn hò mái nhì thì chưa khẳng định được, có thể từ vùng đất này du nhập về kinh đô.

Cơm hến cũng vậy. Món ăn đó thuộc về người mẹ Quảng Trị nghèo khó vì hết lòng với chồng con mà sáng tạo nên. Này nhé, mùa nắng nóng đi dọc mấy triền sông Quảng Trị thì biết, nhất là sông Thạch Hãn, người ta vớt chắt chắt bán khắp đầu làng cuối bãi. Người mẹ chỉ để lại một ít cơm nguội hôm qua, ruốc, tóp mỡ nhà nào ở quê mà không có sẵn, rau ráng thì quanh vườn có thứ gì ăn thứ đấy, ớt bột mình thì cay khỏi nói rồi. Chắt chắt chỉ cần gọi ơi ới ngoài ngõ là có mấy chị gánh hàng ra chợ ghé lại, mua bao nhiêu mà chẳng có, món quê kiểng nên giá vô cùng rẻ. Còn nước canh chắt chắt thì trong các loại hến nó đứng đầu sổ, ngọt sắc, mát ruột mát gan, mát tận trời - anh nói. Riêng cái món này thì tôi hiểu, hến ở Cồn Hến (Huế) và ở Hội An - hai nơi vẫn xem là thổ sản hến nhưng vẫn không nhiều so với chắt chắt ở Quảng Trị. Thứ hai, về độ ngọt cũng không sánh bằng. Món canh rau muống với chắt chắt thì ngon ngọt vô cùng. Mùa hè nắng đổ lửa, về quê chẳng cần cơm nước chi cả, chỉ cần một tô canh rau muống với chắt chắt, đập dập chút gừng và trái ớt trong vườn bỏ vào vừa húp, vừa và thì không có gì tuyệt bằng. “Ăn” canh đến no luôn. Nên tôi tin rằng cơm hến là đặc sản của Quảng Trị, khởi nguyên từ Quảng Trị chứ không phải ở đâu khác. Đôi khi đó là sự tranh giành văn hóa, mà người quê mình bị thua thiệt.

Ngày ấy, nhân nói về ba con sông đào thời Minh Mạng: Vĩnh Định, Vĩnh Điện, Vĩnh Tế. Trong ba con sông này thì sông Vĩnh Tế là dài nhất, dài tới 95 km, đào với công cụ thô sơ ròng rã trong năm năm mới đào xong, do hai vị quan Trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu và Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt thay nhau đốc thúc chỉ huy. Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước đến ngoài biên cho tới nhân dân được tiện lợi vô cùng”. Nhà nước đã huy động sức dân để làm nên kỳ tích về thủy lộ như thế. Anh nhắc, vua Minh Mạng là một nhà quản lý hành chính thiên tài chứ không phải chơi. Chuyện cũ kể, thời đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, vua đi kinh lý thấy nhân công đào đất có vẻ yếu xìu khó mà kịp tiến độ. Hỏi ra, là do không đủ ăn, bọn hậu cần nó ăn hết khẩu phần của thợ đào đất. Vua sai bắt năm người lo cái khâu “chợ búa” trảm liền tại chỗ. Bấy giờ sông Vĩnh Điện mới được thi công kịp tiến độ.

Sông Vĩnh Định của Quảng Trị cũng quan trọng lắm. Dù chỉ dài 17 dặm (khoảng 7,5 km) nối thông với sông Thạch Hãn ở ngã ba sông Chợ Sãi đến sông Lương Điền. Năm 1842, vua Thiệu Trị trên đường kinh lý ra Bắc ngang qua sông Thạch Hãn có làm thơ ca ngợi con sông này khắc trên bia đá bên bờ sông. Sông Vĩnh Định đã tưới tiêu, thông nối tạo ra một mạng lưới thủy lộ để thuyền bè xuôi ngược giao thương mua bán cho cả hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, thì chắc chắn sẽ có một quá trình lịch sử không phải vừa, sẽ có những chi tiết, sự kiện còn khuất lấp dưới lớp bụi mờ của thời gian cần được khai mở. Nên nhớ lịch sử của một vùng đất còn là văn hóa sử, là linh hồn của vùng đất đó. Dưới làng Phường Sở gần làng Đạo Đầu có bia mộ ngài Phan Văn Thúy, vị quan Thống chế được vua Minh Mạng giao cho chỉ huy mấy ngàn dân địa phương đào sông Vĩnh Định, dòng họ chắc còn lưu giữ những tư liệu cổ lục cho đời nay. Không biết bao nhiêu năm qua ở quê mình có ai đã từng nghiên cứu về đề tài này. Câu chuyện về sông Vĩnh Định không chỉ là đề tài sử học mà còn là một cảm hứng cho sáng tác văn học nữa. Các nhà văn Quảng Trị sao không khai thác đề tài này?

Tháng Chạp mưa bụi bay bay, tôi về. Anh cao hứng mướn một chiếc thuyền nhỏ rủ tôi đi thuyền và uống rượu, một hũ rượu nước nhứt ở quê chôn dưới đất cả năm được đào lên, anh gọi là đãi bạn cố tri ở xa về. Hoàng hôn trên sông quạnh quẽ, lạnh căm căm, cảnh sắc chơi vơi trông u buồn. Anh chỉ sông, (lúc ấy chưa có cầu bắc ngang như bây giờ) những đêm khuya nghe tiếng gọi đò trên sông vắng thật thê lương, ảm đạm buồn chết đi được. Có một người cũng sinh ra và lớn lên bên dòng sông này - phía dọc lên trên một chút, Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm đang ở nước ngoài, là một người bỏ rất nhiều năm nghiên cứu triết học đã có lúc muốn bỏ tất cả sự nghiệp bên trời Tây để về làm một căn nhà nhỏ bên sông Thạch Hãn để chỉ đêm đêm nghe tiếng gọi đò. Nghe chuyện, anh nói đó là ngụy tín. Tôi không chịu, cho đó là một mong muốn có thật, tâm trạng của con người sau những tuế toái đa đoan của cuộc đời kiểu như “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse. Có thể chỉ là thoáng qua, nhưng đó là giấc mơ, là tình yêu mà như ai đó từng nói tình yêu là không có thật, nhưng nỗi nhớ về dòng sông, về cố quận là có thật… Trời bỗng chuyển gió, anh kêu thuyền về lại bến cũ. Đêm trên sông vắng lặng lập lòe, đâu đó giang phong ngư hỏa xa vắng những ngọn đèn lay lắt, anh trầm ngâm nhìn sông rất lâu. Bỗng dưng anh quay lại rồi đọc hai câu cuối của bài thơ Không đề (Tuệ Sỹ) mà anh thích: “Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ/ Suối ngàn xa ngược nước xuôi ngàn”. Ngược nước xuôi ngànPhật giáo Bắc Tông nói đi là về đấy, về cũng là đi… Mà thôi, “Thưa rằng nói nữa là sai/ Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào” (Bùi Giáng). Rồi anh im lặng suốt đêm chỉ ngồi uống rượu suông ngắm trăng, chờ trăng rụng, trăng tàn.

Đêm đó là đêm cuối cùng uống rượu cùng anh.

Dù không nói ra, nhưng tôi chưa gặp một người nào yêu thương và gắn bó suốt đời với dòng sông quê nhà như anh. Về thắp hương cho anh rồi một mình ra sông. Nhớ anh, rót một ly rượu đầy rải xuống dòng sông bên chỗ anh ngồi. Vẫn thế, mưa bụi bay bay, mênh mông sông dài hoang lạnh hoàng hôn, giang phong ngư thủy không có gì thay đổi, chỉ vắng một chỗ ngồi để ai đó thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.

H.S.B

Hồ Sĩ Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground