Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thượng lập hè 1967

 Xong loạt bom của tốp B52 thứ hai, anh Kham nói với tôi:

- Mày ra nhanh xem nó đổ bom ở mô, rồi về báo cáo. Tôi chạy lom khom ra cửa hầm chữ A sâu cách mặt đất chừng hai mét. Mùi khói bom xộc vào mũi vào mắt cay xè. Ngước nhìn qua bờ cát bên kia thấy nhà Hoát sập rồi. Đất đá lởn nhởn vùi lấp mảnh vườn xanh. Mới rồi đây, trước khi tụi B52 đến cướp chừng nửa tiếng tôi cùng tổ trực chiến ở nhà hầm hợp tác xã ghé vào xin nước uống. Hoạt - trung đội trưởng dân quân xóm Mới - đang chẻ lạt cho đội sản xuất nhổ mạ. Anh xởi lời mời chúng tôi uống nước chè "xeng" mới hái vườn nhà. Thế mà giờ đây ngôi nhà và mảnh vườn xinh xắn không còn nữa. Không biết giờ anh ở đâu ?

Tôi nhìn ngược lên phía làng Tứ Chính thấy từng cột khói cao lớp lớp đụn lên đen kịt che phủ ngang trời. Từ xa, tiếng âm âm vần vũ, tôi phát hiện là lũ thứ ba sắp tới. Tôi vọt nhanh vào, chưa tới miệng hầm chỉ huy thì loạt thứ ba rào rào đổ xuống. Mặt đất chao võng. Ngực tôi tức tưởi, đầu váng vắt. Một bàn tay ai đó kẻo nhanh tôi vào trong hầm. Chờ dứt tiếng nổ của bom, bọn tôi phủi bụi đất xốc súng luồn nhanh ra chiến hào. Từ phía đầu dóc Lòi Đình tiếng la thét dữ dội. Kham, chỉ huy trưởng cụm trực chiến ra lệnh:

- Con Niềm, thằng Vọng ở lại. Còn thằng Trực, thằng Thọ, thằng Lâm chạy lên phía Lòi Đình. Con Xoa, thằng Nại chạy lên trằm Nác, còn tao và thằng Thệng đi xóm Mội. Nhanh lên!.. Chúng tôi tản ra theo lệnh "ông" chỉ huy nhích hơn tôi vài tháng tuổi.

Tôi, Thọ, Lâm buồn bã chạy giữa làng mà như chạy vào nơi tứ địa. Toàn hố bom với hố bom. Nhà và cây cối đã gãy tanh bành. Cổ họng đắng chát khi nghe Chúc, con gái đầu của ông Đàn thảng thốt gọi:

- Mấy eng ơi, có thấy cha tui, mạ tui, mấy đứa út tui mô không?

Rồi như hoảng loạn, Chúc kêu ngắt từng tiếng nghẹn giọng:

- Cha mạ... ơi! Triển...Lãm ơi. Phía sau cô chị, đứa em út lũn cũn chạy theo. Cả người nó ướt đầm đầy bùn đất.

Tôi vừa chạy vừa nói với lại :

- Mi ở đó cho (giữ) thằng út để tụi tao tìm cho... Bụng tôi nóng lắm. Nóng như ăn rất nhiều ớt bột vậy. Bàn tay trái tôi giật giật. Linh tính, tôi chạy ngang qua nhà mình. Vẫn còn. Ngôi nhà tranh nhỏ nhoi nằm lại cách hố bom tấn chừng mươi thước. Một lớp đất và cây cối bốc lên phủ lấp. Tôi chạy xộc vào nhà. Trống không ! Mạ tôi đâu? Tim tôi giật thót, đau thắt. Mụ Thức nhà bên cạnh tôi, từ trong hầm chữ A của tôi thò đầu ra:

- Mi Trực, về đó hà? Con Dẫn mô? Dẫn là con mụ.

- Mạ tôi mô? Mụ?

- Đi bứt bổi rồi. Lên động Từ Chính ấy!

Thế là xong, xong thật rồi mạ ơi !

Lâm giục: - Đi mày!

Tôi khoác súng và chụp vội chiếc võng dựng bên hầm rồi cùng Thọ, em chạy lên phía Lòi Đình.

Vừa chạy lên hầm đội 6 thì thấy lửa cháy to ở phía nhà kho của Ty Lương thực Vĩnh Linh sơ tán về. Phải cứu kho. Cả ba đứa chạy mau đến đó. Ngọn lửa bao phủ gần hết mái kho thóc. Đến nơi đã thấy mấy chị công nhân đội máy xát đang chạy tới chạy lui múc nước tạt vào. Lâm nhanh nhẹn túm lấy mớ bao tải nhúng vội vào nước và vội vàng leo lên mái. Tôi cầm ngay chiếc câu liêm giật những ngọn lửa táp vào tranh kẻo xuống đất. Chừng mươi phút sau kho được cứu khỏi ngọn lửa ác tăng. Cả ba đứa chúng tôi người đen đúa và cứ thế chạy đến sân kho hợp tác thì gặp hai đứa là con Em con o Anh, thằng Phúc con chú Sô, mặt đứa nào đứa nấy cắt không ra máu. Miệng méo xệch, mếu máo:

- Chết hết? Chết hết rồi eng ơi... hu hu...

Thúc, xã đội phó xã đội Vĩnh Long chạy vụt qua. Tôi nghe trong gió tiếng của Thúc gào thét:

- Hòa ơi? con tôi đâu? Hòa ơi!...

Chạy lên gần Lòi Dính, Thúc đứng như trời trồng. Bọn tôi chạy vật đến. Tôi lay gọi Thúc:

- Eng Thúc, eng Thúc, răng rứa!

Như sực tỉnh, Thúc nhìn bọn tôi ngơ ngác:

- Con Hòa đi hái củi với tụi con thằng Phúc chưa về! Rồi như trở lại bản năng của người chỉ huy, Thúc ra lệnh:

- Mấy chú chạy đi tìm giùm?

Mấy anh em tủa ra các ngã. Tôi chạy gần mép Trằm Nác phía Tây Bắc Lòi Đình thì bắt gặp con Hòa đang nằm ngáp ngáp cạnh bãi tre la ngà tóp gốc. Những thân cây tre ngà cứng cáp tứ tung vung vãi hơn sào. Tôi vày cuốn băng cá nhân, mở ra và băng vết thương ở cổ họng em. Hai bàn tay tôi chựng lại khi chạm vào lớp da non tơ của em bé gái. Một đứa bé ngoan hiền và hồn hậu. Rồi tôi bế vội đứa bé gái chừng mười tuổi trên tay mà nghe nặng chịch. Tôi bước đi về phía làng Thượng Lập từng bước thật chậm. Mắt nhìn xoáy vào vết thương ở cổ em máu đang nhền nhện chảy. Tôi biết em không qua khỏi, bởi mắt em vô hồn. Đôi mắt trẻ thơ xanh trong là vậy mà bây giờ mây bạc kéo ngang qua. Em đã đi vào cõi vô cùng mà chưa kịp biết vì sao? Khi đến gần lòi Tàu Voi thì gặp Cao - chú ruột của cháu Hòa - Khi nhận ra tôi bế cháu của mình trên tay, anh kêu lên một tiếng gọn lỏn:

- Hòa!

Rồi hai môi anh mím chặt lại. Mắt anh vốn đã to nay như mở thêm ra tròn xoe từng ngấn máu. Tôi lặng lẽ đến gần anh. Anh đưa hai bàn tay đen thui lũi ra phía tôi.

Tôi trao đứa cháu gái cho anh. Anh ẳm cháu vào lòng và đột ngột quay ngoắt lầm lũi bước về phía làng.

Tôi xốc súng lên vai, đi tiếp.

Làng thật tang thương, bay nát. Đất làng giờ sắt thép và hóa chất của nền văn minh của chú Sam đã cho cát vốn mịn màng là vậy nay bom sát thương, bom cháy làm cho vón lại khô cứng như những tảng bánh tráng khổng lồ. Cây lá xanh mướt ở một vùng nước mạch nay tơ tớp cong queo, úa vàng tanh hắc khói đạn.

Đi ở giữa làng lòng ngổn ngang trăm mối. Không biết mẹ tôi giờ sống chết nơi nào? Nhìn bà con người chết người bị thương, trâu bò, nhà cửa, vườn tược, cày cuốc vật dụng bị bom B52 hàng trăm quả dội xuống một lúc ba chiếc một dồi lên dập xuống không biết bao nhiêu bận mà lòng như muối xát.

Tôi đi đến cạnh nhà bà Mạnh bắt gặp một tốp mấy anh bộ đội ở đơn vị trinh sát đặc công C24 thuộc Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh đang hối hả tay xẻng bới ba anh bộ đội và bà Mạnh bị hầm sập. Một anh người Hà Nội bị dẹp cánh tay mới cứu lên được. Huỳnh y tá người địa phương đang chăm sóc. Còn bà Mạnh và hai anh nữa đang được cứu lên.

Thọ và tôi tạt qua phía trước: Đây là nhà ông Quả, Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Long. Nhà tan, hầm bẹp dúm. Một hố bom đã bứng trọn sân phơi cùng giếng nước. Ngôi nhà gõ một đời ông chắt bóp mới làm ra được nay chõng chơ bốn vó tươm tướp mảnh bom, còn mái nhà hất tung tóe về phía mép lòi Tàu Voi. Nhìn vào cửa sau chiếc hầm sập thấy phía trong rỗng không, chỉ thấy dấu chân chạy ra phía chiếc hầm dưới rặng tre. Hầm ngoài nương cũng có dấu chân chạy ra. Lạ thật. Tìm kỹ một hồi không thấy ai. Chẳng lẽ bà vợ của ông Quả có đứa bé trai út hơn năm và thằng anh nó ba tuổi lại đi đâu giữa lúc này? Người Bí thư Đảng bộ trên năm chục tuổi này vốn là một người nông dân chất phác, thật thà. Ông thường ít nói. Hễ đã nói thì tiếng ông cứ rũ rĩ rù rì dịu ngọt mau lọt tai người nghe, ông thường ở ngay tại trụ sở của ủy ban Đảng ủy xã ở xóm Hòa Nam để tiện việc chỉ đạo chiến đấu và sản xuất. Toàn xã Vĩnh Long có đến mấy nghìn dân trải ra trên một địa bàn xung yếu có đường Quốc Lộ 1A, có đường 15A huyết mạch lên Bến Quan, Bãi Hà, lên nối với đường mòn Hồ Chí Mình. Có doanh trại của đơn vị công binh, có bến đò Phúc Lâm bên dòng sông Sa Lung nối phía Đông và phía Tây Vĩnh Linh ngày đêm xe pháo và binh lương đi ra mặt trận. Rồi có bốn hợp tác xã Thượng Hòa, Sa Lung, Gia Phúc, Quảng Xá rất cần có sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, ủy ban, xã đội Vĩnh Long nên chi ông rất ít về nhà là vậy. Thương ông, thương những đứa con ông, chúng tôi đi tìm. Rất may là sau loạt bom thứ nhất, bà Quả một tay ẩm đứa nhỏ, một tay dắt thằng lớn bươn bã chạy giữa màn khói tạt qua nhà bên cạnh tránh nhờ. Hú vía. Nếu không...

Rồi chúng tôi đi tìm và kiếm. Ở giữa xóm, đây là nhà ông Ngân có anh Đề đi B trọc. Ở nhà chỉ có ông bà già 70 tuổi và đứa con gái không mẹ lúc còn nằm ngửa (vợ của ông bị giặc Pháp bắn lúc Quýt con gái ông còn nhỏ nay ông tục huyền với bà Lẽn). Bên gốc cây sầu đông bom cắt cụt, bà Lẽn nằm chết ở đó. Ống nước làm bằng thân cây lồ ô lăn lóc bên cạnh. Ngôi nhà mua lại một phần tư nhà thờ họ Trần Đức gãy đổ. Tôi nhìn bà già có chồng mà chưa hề một lần sinh nở mà ngùi thương một kiếp người. Mấy mươi năm nuốt lệ vào trong ẳm bồng con chồng mà cháy bỏng niềm mơ về một giọt máu hoài thai từ bụng của mình cưu mang và sinh nở. Thế rồi lặng lẽ mà yêu thương mà đắp bù cái trống vắng của người được làm mẹ. Những đứa con chồng rất thuận thảo và hiếu nghĩa coi bà như mẹ. Âu cũng là sự đáp đền nghĩa trọng. Thế mà giờ đây bà nằm đó đơn lẻ không một tiếng khóc. Chao ôi Thằng giặc Mỹ ác thế.

Tôi đi trong sự căm giận lũ quỷ người và tiếc nhớ người đàn bà xấu phận.

Đường Cồn Du chạy ngoằn ngoèo từ dốc sáu độ đường 1A băng qua trạng cát đập Rườu Rườu leo lên dốc Miếu Thù Kỳ xuôi về nhà Ngang xuyên mép Lòi Đình ở đây là trạng Cồn Du, nơi ngày ông Cửu Bướm đi giữ dưa vào chập choạng tối, bất chợt gặp cọp.

Hai phía đều bất ngờ, nhưng ông Cửu Bướm đã bình tĩnh bởi nhờ miếng võ gia truyền với tay thước ông đã mau mắn tấn công trước làm cho chú cọp xám hoảng kinh mà cúp đuôi lủi mất.

Và cũng chính nơi đây người con trai của làng Thượng Lập là anh Trần Văn Luận người Bí thư huyện ủy Vĩnh Linh dã đứng lên thuyết trình về “Đường cách mệnh" của Bác Hồ cho dân làng nghèo Thường Lập - Nơi một địa phương trong ba địa phương ở Vĩnh Linh có chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương đầu tiên. Gần một nghìn người đứng nghe anh, người của "Thượng cấp" phái về. Chính đất làng Thượng Lập này anh sinh ra và hy sinh vì dân.

Rồi cũng chính nơi đây Lòi Đình nơi mà đội xích vệ đỏ thời tiền khởi nghĩa mùa Thu tháng 8-1945 đã đêm liền đêm dưới sự hướng dẫn của Trần Đức Sô, Trần Văn Khoa về võ nghệ mà võ sư Nam Khởi Cát Sơn truyền dạy nay được các anh đưa ra cho các bạn dân cày lấm đất cát của làng học vì những vỡ lòng về võ học để đặng mai này ra giúp dân, giúp nước thoát cảnh vong nô. Và cùng những  người dân cày ấy đã làm nên Cách mạng mùa Thu.

Tôi lặng lẽ nhìn làng. Lặng lẽ nhìn gần bốn chục nhân mạng hầu hết là đàn bà và trẻ nhỏ, ông già bà cả đã nằm chết suốt chiều dài hơn cây số của đất làng. Người chết nhiều nhất là ở đường Côn Du, ở Cựa Đình, Gia Dóm. Những người xã viên nông dân "một cục bắt một hòn" này chỉ biết làm lúa, làm khoai biết nuôi con và thờ phụng ông bà tổ tiên thờ làng, thờ họ chứ họ có hận thù gì đâu với cái nước Mỹ xa xôi kia?

Những người nằm chết hôm nay đây, họ cũng có những nỗi riêng thật đơn sơ, thật chân chất. Như anh Trần Đức Hiếu lúc mẹ sinh ra đã thiệt thòi, miệng đã thiếu phần thịt cả hàm trên hàm dưới, tiếng anh phát ra nghe méo mó nhưng âm điệu thật ấm. Anh hiền đến nổi không làm cho con ong cái kiến phải đau lòng. Ai cũng thương anh bởi anh cũng thương bất cứ ai. Thế mà giờ đây, anh chết thật thảm. Cả thân xác anh chỉ gói gọn trong cái khăn dù pháo sáng chưa đầy thước ta. Khi cầm trên tay mớ thịt vụn vằn, anh Thúc, chị Thị Con khóc rưng rức. Rồi nữa, anh Trần Đức Trát, tháng trước vợ anh, con anh chết một đêm, cả nhà bốn mạng chưa kể đứa con đang hoài thai trong bụng mẹ. Còn sót lại một đứa bé được bà o đưa về nuôi. Và tất tật những số phận đơn bạc của người đã khuất còn hằn dấu trong mắt, trong tâm người làng Thượng Lập đang sống ở đây, đang chiến đấu ở chiến trường. Mặt trận đã hình thành từ rất lâu rồi, nay càng thấy nó là cần thiết cho sự sinh con của nòi giống, của làng quê. Tìm lại gương mặt của làng, người dân quê Thượng Lập ắt phải cầm súng.

Hè năm 1967, dân làng Thượng Lập quê tôi đã trải qua bốn đợt B.52 rải thảm bom làm cho làng trở thành bình địa, chưa kể các loại máy bay siêu hạng hiện đại, của các cổ đại bác tầm cỡ. Đủ cả các loại bom loại pháo.

Thế nhưng từ trong lòng ruột cát, đất đai của làng Thượng Lập, sự sống vẫn tồn tại dẵng dai mà bền chắc.

Anh Trần Đức Tuyên cùng khẩu đội đại liên đã bằng một điểm xạ ngắn, vào trưa tháng 7, ngày rất nhiều nắng ấy đã bắn rụng một con Ma F4H của không lực Hoa Kỳ. Chiếc máy bay từ biển vào chưa kịp cắt bom đã hứng trọn loạt đạn nóng bỏng căm thù của người dân quân đất tuyến lửa Vĩnh Linh, nó phải chịu hỏa táng ở phía Tây dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.

Rồi nữa khẩu đội DKZ 75 của dân quân Thượng Lập đã vượt dòng Bến Hải vào Cửa Việt diệt tàu Mỹ. Ba phát đạn đánh đắm hai tàu từ Hoàng Hà lên Đông Hà ngay ở trước làng Vĩnh Quang Thượng của xã Gio Quang.

Rồi những con trai con gái ra mặt trận mang trong lòng mình hình bóng người mẹ, người cha, người em, người chị đã oan ức chết dưới tầm bon B.52 và các loại khí cụ chiến tranh hiện đại Hoa Kỳ.

Tôi và  những chiến binh mặc áo nhiều màu "ăn cơm Bắc đánh giặc Nam " đã sống và chết vì đất làng Thượng Lập. Với mảnh làng nhỏ nhoi này đã nuôi tôi và những  người con ở đây lớn lên để làm nên chiến thắng. 

Một mùa hè như hè 1967 sẽ tỏa nắng trong đời.

Trại viết Cửa Tùng

H.H.

Hải Hiền
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 25 tháng 10/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

7 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground