Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thương nhớ Tết quê

TẾT LÀNG

 

B

ốn năm đi học xa nhà, mỗi năm về hai lần, vào dịp Tết và hè. Ngày hè thì không nói, nhưng Tết thì phải tận 26, 27 Tết mới được về, nên dường như mọi việc chuẩn bị cho cái Tết đã được bố mẹ chuẩn bị đâu vào đấy, chỉ việc đón Xuân thôi. Năm nay, may sao tôi về từ tận 21 âm lịch, cứ ngỡ sẽ được sống lại những ngày tháng cuối cùng của năm ngày nào. Nào ngờ.

Bình thường vào cử này là người làng tôi đã nhốn nháo đầu xóm, cuối thôn  “Tết về sau lưng rồi cô bác ơi!” Thế là dù có bận việc gì đi chăng nữa cũng để đấy, hay nếu có làm thì cũng huy dộng tất cả nhân lực xoay thật nhanh để xong trước ngày ông Táo lên chầu trời. Làng tôi có cái lệ, đón Tết từ ngày 23 âm lịch. Người lớn bảo: “Làm quần quật cả năm rồi, có mấy ngày cùng tháng tận trong năm có làm rốn cũng giàu hơn ai đâu, nghĩ sớm chút còn ăn chơi được, Tết thật sự rồi chả mệt bã ra còn sức đâu mà “ăn” và “chơi” nữa”.

Vậy nên từ 21, 22 đã thấy nhà nào nhà nấy thì thụp giã giò, rồi làm thịt lợn. Ông Táo làng tôi lên trời không chỉ bằng cá chép mà bằng cả chân giò, thủ lợn… Vào một sớm, trong cái giá lạnh mùa đông được phủ đặc bằng hơi sương còn tĩnh mịch bổng vang lên từ xóm giữa hay xóm trong, xóm ngoài tiếng lợn eng éc trước những tiếng gà canh tư là biết rằng mấy nhà đang chung nhau mổ lợn ăn Tết rồi. Con lợn được ngã ra, người quê là vậy, chia đều từ cái lưỡi đến cái đuôi. Riêng bộ lòng sẽ được làm cho mọi người uống rượu ngay tại đó. Và, nhà nào cũng có một hai đứa trẻ lẽo đẽo theo sau vừa là cho thoả mãn tính hiếu kỳ của chúng nó, vừa là làm chân sai vặt. Sau đó, kiểu gì cũng được bác chủ nhà cho miếng gan, miếng dồi chạy loăng quăng vừa nhai vừa nuốt nước miếng. Không hiểu sao, miếng lòng lợn ngon đến lạ, ngon đến tận năm sau. Hồi ấy, tôi cũng là một trong những đứa trẻ theo bố đi mổ lợn chung như vậy mà.

Càng gần Tết không khí càng rậm rịch hơn. Trời đất như cũng xuân hơn. Trời se se lạnh, mưa phùn lắt lay khiến con đường đê bụi đỏ mù lên trước đây như dịu lại, nữ tính hẳn. Ngoài đường, cành Đào với những nụ, những hoa đầu tiên bung cánh khoe sắc hồng ấm áp được người già, người trẻ bằng xe đạp, xe máy chở ngược chở xuôi về mỗi nhà. Rồi trong mỗi nhà, công việc như mọc ra nhiều hơn, toàn những việc không tên mà quay đâu cũng thấy, từ dọn vườn, dọn nhà đến chuẩn bị thức ăn, bánh trái.

Tôi thích nhất với việc gói và nấu bánh chưng. Bắt đầu là mấy chị em được bố mẹ giao nhiệm vụ đi rửa lá dong. Bàn tay nhỏ bé của tôi lạnh đến tê tái khi đưa tay và lá xuống dòng suối, rồi đặt lá lên mâm, dùng khăn miết thật mạnh để cho lá được sạch. Lạnh đấy, nhưng mà thích. Vì mình đã được cha mẹ tin tưởng, được làm thật sự chứ không phải một chân chạy lăng xăng nữa. Trong khi đó, mẹ làm nhân đậu, nhân thịt và ngâm gạo nếp ở nhà. Tối đến, bên mâm giữa nhà, dưới bàn tay rắn chắc của bố, những chiếc bánh chưng vuông vắn dần được hình thành sau những lần gập lá, buộc lạt. Tôi nhìn theo thao tác thoăn thoắt của bố mà quên cả nhiệm vụ cao cả là dùng lạt buộc hai chiếc bánh thành từng cặp. Cuối cùng, kiểu gì bố cũng giành cho anh em tôi một cặp hai chiếc bánh chưng con. Gọi là bánh chưng con nhưng nhân lại nhiều hơn ấy chứ, vì cuối cùng mà, nên còn bao nhiêu nhân bố cho cả vào đấy. Ngay sau đó, khoảng mười giờ tối là nồi bánh chưng bắt đầu đỏ lửa. Cái cảm giác ngồi canh nồi bánh vẫn sống lại trong tôi đến giờ. Trong khi ngoài trời  thì lạnh mà cạnh nồi bánh với những gộc củi tốt nhất, cháy đượm nhất  được giành từ lâu để Tết nấu bánh chưng cháy bập bùng thật ấm. Trong cái hơi ấm ấy, thêm mấy khúc mía lùi vào bếp, ăn vào ấm đến tận chân răng, ngọt đến tận gốc lưỡi. Thử hỏi, khung cảnh ấy, có ai không thích được cơ chứ. Với tôi, thích hơn nữa, háo hức hơn nữa là chờ được lấy cái bánh chưng con ra, thử đầu tiên. Mong ngóng lắm, chờ đợi lắm. Vậy mà tôi ngủ thiếp đi trong vòng tay của mẹ, của chị khi nào không hay.

Đếm cuối năm, mắt díp lại mà vẫn cố giương lên chờ đón giao thừa, để được hân hoan nhận tờ tiền mừng tuổi và lời chúc, lời dặn dò năm mới đầu tiên từ cha mẹ; để được nếm chiếc bánh trôi ngọt lừ tròng trành giữa bát mật sóng sánh như cô lại trong cái hơi lạnh nhưng thơm nồng của những làn khói hương cuộn tròn dùng dằng trong nhà không muốn bay đi của giây phút đầu năm mới; để được bố cho phép cậu cả nếm một chút vị cay cay ngòn ngọt của rượu vang với mong mỏi “Sang năm mới sẽ đàn ông hơn”.

Giờ đây, dường như Tết về chậm hơn và ra đi nhanh hơn. Điều này với người thành phố là hẳn vậy rồi, nhưng người ở quê cũng bắt đầu lây từ khi nào chẳng rõ. Tết vào đến ngõ mà họ vẫn tất bật với việc, như sợ nếu mình nghĩ ngơi trước một ngày thì nhà khác sẽ làm giàu hơn lên ngay ngày ấy vậy. Thành ra 28, 29 Tết vẫn có nhà đang bì bõm cắm từng thẻ mạ, xé làn nước lạnh chấm xuống chân bùn buốt cả năm đầu ngón tay nơi cánh đồng gần, cánh đồng xa. Sửa soạn tết ư? Ù cái lên quầy hàng tạp vụ xã đã có gần như đủ cả. Một hai người già còn lưu luyến những bánh chưng, bánh giầy, câu đối nhưng thấy con cháu cuốn đi theo công việc, chẳng buồn đoái hoài cũng đành buông xuôi, thu mình trong cái lạnh khác thường của đất trời những năm nay. Trời đất thay đổi, lạnh hơn. Lòng người thay đổi, ít để ý đến văn hoá Tết hơn. Hoa Đào cũng thay đổi, đỏ đấy, thắm đấy mà sao cứ thấy nhàn nhạt sao ấy, thật khó diễn tả bằng lời.

Gần Tết, thanh niên về làng đông hơn. Họ là những người con đi làm ăn từ mọi miền, mỗi năm chỉ về một lần vào dịp Tết. Cái làng tôi vốn quanh năm yên ả dưới những cánh cò, những rặng tre như sôi lên trong mấy ngày này. Họ về với túi to, bịch nhỏ; với tiếng xe máy chạy lồng lộn cả ngày đêm; với lời khen chê hàng shop, hàng siêu thị; với máy di động đời mới thi thoảng kêu tít tít lai…tịt vì sóng di động còn chập chờn “cơn tỉnh cơn mê” chưa phủ tới quê tôi. Ầm ào vậy, nhưng họ quên mất trò đánh đu, đấu vật, cò người…Rồi ra giêng, mùng 4 mùng 5, họ lại kéo nhau đi cả. Làng hết tết. Cái câu “Tháng giêng là tháng an chơi” không còn đúng với làng tôi nữa.

Sáng mùng 1, nhìn ra đường, những đứa trẻ khôi ngô đang bi bô khoe xem đứa nào đươc nhiều tiền lì-xì (chúng không còn dùng từ tiền mừng tuổi nữa), khoe Tết sẽ được đi đâu, về đâu, gặp những ai, sẽ được thêm bao nhiêu tiền lì-xì nữa mà tôi thấy bùi ngùi. Chúng không còn khoe áo mới như hồi tôi nữa (với chúng áo mới là bình thường quá, hiển nhiên rồi), chúng không còn chia nhau từng mãnh bóng bay hình con thỏ, con meo… mút đỏ miệng như hồi tôi nữa (với chúng như vậy là bẩn lắm, mất vệ sinh lắm). Phải! Không sai. Nhưng tôi vẫn có chút gì tiếc nuối. Tôi dám cá rằng, nếu những đứa trẻ này, trong những ngày Tết còn tung tăng với bóng bay, còn háo hức với hội làng thì lớn lên, chúng sẽ “thành nguời” hơn biết mấy.

Đồng Mọc: 1/2/2008

V.T.L

 

ĐƯỜNG LÀNG NGÀY XUÂN

T

rong cuộc đời mình, tôi đã đi trên nhiều con đường. Mỗi con đường lại cho tôi những trải nghiệm và những ngẫm suy rất riêng.

Con đường ngược núi cho tôi thấm cái cảm giác căng nhức của bắp chân khi bàn chân chưa biết mỏi. Đi trên con đường này tôi đã ngẫm thấy một điều: bàn chân đặt trên đá chưa chắc đã chênh vênh bằng đặt trên một vạt đất nơi dốc núi. Núi có bao giờ lở ở phía đá!

Con đường trên cát cho tôi thấy không phải cứ muốn tiến về phía trước là có thể bước về phía trước. Cát lún khiến bàn chân như lùi về phía sau. Hành trình đi trên cát đã dạy tôi rằng: nếu không đi tiếp mà dừng lại thì đấy là một bước trở về với quá khứ đã qua!

Con đường trải nhựa cho tôi ngấm cái nóng hầm hập như lửa nung giữa trưa hè. Có đi trên con đường này mới thấu cơn khát khi đi giữa rừng mơ mà không được hái ăn. Chợt nhận ra rằng muối đôi khi cũng cho ta đỡ khát!

Con đường đá ong cho tôi cảm giác buốt gan bàn chân, thót đến tận tim. Muốn tránh đi trên đá nhưng con đường vòng xa lắc xa lơ. Mới hay điều ta muốn không phải trong tầm tay!

Có những con đường đẹp như trong giấc mơ tôi cũng từng qua. Đại lộ Elise, đường tàu điện ngầm Paris, Berlin… Nhưng có một con đường cho tôi những bình yên, cho tôi những ấm êm đó là con đường làng quê tôi - con đường mà tôi gọi là - cho hồn tôi du xuân.

Xuân về gọi ký ức tuổi thơ. Ngày còn nhỏ, sớm mồng một tết, chị em chúng tôi lại ríu rít lên tàu về quê. Xuống một sân ga nhỏ, nhìn đằng đông, ngay phía trước mặt đã thấy con đường làng về quê tôi. Con đường thủng thẳng đi giữa hai cánh đồng xanh mềm lúa xuân mới cấy. Con đường uốn lượn theo mấy cái gò Ông Đống, Bà Đụn rồi ngả ra tiếp một cánh đồng làng. Con đường làng tôi ngày ấy chưa trải nhựa. Chị em chúng tôi vứt hết dép vào làn cho mẹ xách, chân trần chạy ton tón theo nhau. Một làn bụi mỏng cuốn lên theo chân chị em tôi. Chẳng thấy ai khẩu trang che kín hết cả nét xuân và cũng chẳng thấy ai phải ngả nón che nụ cười xuân khi nhìn thấy đám bụi mờ. Cái màu nhàn nhạt kia chỉ vừa đủ táp vào mắt con trâu già buộc bên gốc tre khiến nó hất cái mũi lên một tí. Con đường thả nhẹ một làn bụi mới ra con đường làng quê tôi.

Chạy chân trần thấy con đường đất màu nâu đỏ mềm mát dưới bàn chân chúng tôi. Tiết xuân se se lạnh. Cái lạnh dưới bàn chân chỉ thoáng đến rồi đi ngay. Chị em chúng tôi liệng trên mặt đường, nhón trên bờ cỏ, nô đùa cho đến khi những hạt mồ hôi li ti rịn trên thái dương. Lúc bấy giờ, con đường như mở lòng gọi mời chúng tôi nghỉ chân. Ghé mép đường, nơi ngọn cỏ len lén nhón chân đến thăm, chị em chúng tôi phệt mông, duỗi chân, tay chống sau, ngả người nhìn bầu trời xanh. Thấy gió vờn mây, thấy hồng pha tím, thấy cả giấc mơ mang màu xuân.

Một thoáng dừng chân, đường quê cho hồi nhịp thở bình yên, chị em chúng tôi lại lon ton theo cùng gió xuân. Đường làng quanh co bờ ao, giậu trúc. Những khóm cây dứa dại rậm rạp nhọn hoắt ba hàng gai. chị em tôi lay hoay bẻ lá, róc gai, đan bốn vòng là được cái chong chóng cho niềm vui chạy thi. Cái náo nức về quê đón tết cho chặng đường tám cây hóa gần.

Con đường làng bước qua cây cầu rồi leo dốc đê Cao Vương. Đoạn đường đê như vòng tay che bờ sông, chắn cánh đồng, ôm làng quê với biết bao chờ mong. Con đường xuôi xuống hai hàng tre rồi tãi ra mấy nhịp bình yên. Đến một khúc ngoặt, không một tiếng hô nhưng cả mấy chị em tôi đều chạy túa lua đến cuống chân. Nghiêng người lượn sang trái, chân như không bén đất, ngẩng đầu lên đã thấy ngôi nhà ông bà nội đã ở ngay phía trước mặt. Vút lên lanh lảnh tiếng em tôi: Em thấy trước! Em thấy trước! Ông bà ơi, chúng cháu đã về! Con đường làng đến đây ấm nồng hơn! Con đường làng quê tôi ngày tết dập dìu tình xuân. Em gái xinh vừa rời bếp má ửng hồng như nắng nguyên trinh. Ríu rít một bầy chúng bạn rủ nhau sang xem hội làng bên. Nghe gió đưa từng hồi trống gọi nhịp chân. Con đường làng đưa đón nụ cười duyên.

Dừng chân nghe nhịp thở bình yên. Thế là chúng tôi đã về bên ông bà tổ tiên! Con đường làng của tôi tạm chia tay để đi tiếp hành trình mến yêu. Chia tay con đường quê lưu luyến như chia tay tình thân! Bởi con đường đã ru êm hồn tôi, cho tôi đi về miền thanh an! Ôi! Con đường quê! Con đường gắn bó nhất miền nhân gian!

H.T.N

 

 

HƯƠNG XUÂN

 

B

uổi sáng đầu tháng giêng, mở cửa ra, sương nhẹ buổi sớm ùa vào như tấm choàng trắng cô tiên cổ tích ngày xưa mẹ thường kể, len nhẹ trong tâm hồn một cảm giác dịu dàng, như có phép màu  tan biến bao nhiêu mệt mỏi của những ngày trước đêm giao thừa. Cái cảm giác của tuổi ấu thơ ngày xưa mong tết đến, kính trọng đón mừng đồng tiền lì xì mới tinh từ tay ông bà.

Cảm giác đặc biệt nhất là hương xuân, không hiện diện mà như quanh quẩn đâu đây; khó tả lắm, nhẹ nhàng, tinh khôi?... Mỗi lần hít vào, cảm giác đó như chảy đều khắp mạch máu, tan hòa đến từng làn da, tâm hồn trở nên thư thái lạ kỳ. Dòng hương ấy chảy miên man khắp cơ thể, đưa ta về chốn siêu nhiên nào đấy.

Đến khi lớn lên, cái cảm giác ấy tuy có nhạt nhoà nhưng không mất hẳn, không còn lan toả mạnh mẻ như tuổi ấu thơ từng cảm nhận. Có lẽ cũng vì đời thường làm cho tế bào mất hết cảm xúc để nhận biết hương xuân diệu kỳ mỗi năm chỉ có một lần?...

Sáng nay, mở cửa ra sân vườn, vui vì ta còn cảm nhận được làn hương xuân, cảm nhận được nghĩa là tâm hồn ta chưa cùn mòn vì đời thường quấn quýt, cũng vừa đủ cho ta sống lại ký ức tuổi thơ, ký ức quá đẹp và thánh thiện. Nhìn những đứa trẻ rộn ràng trong bộ áo quần mới tinh tươm, không biết chúng có cảm nhận như ta thuở ấy? Chắc chắn là có,  nhưng không nhiều bằng, mỗi thế hệ có một cách cảm nhận riêng...

N.T

Văn Thành Lê - Hoàng Tố Nga - Nguyên Tiêu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 173 tháng 02/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground