Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tìm

1

- Hồi công tác ở Savẵn, Savanakhet, Lào, những lúc rỗi rãi, tôi lại ra tựa mạn thân cầu Mitaphap để làm cái việc lẫn thẩn là đếm những chuyến  xe từ Thái Lan nhằm phương Đông trực chỉ. Phương Đông là Việt Nam, là Quảng Trị quê tôi. Tôi hiểu rằng, một du khách nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tìm cơ hội làm ăn hay đi du lịch, thăm thân nhân, tự khắc trong đó đã liên quan đến cả một quy trình rất thực tiễn và phong phú về lữ hành, lưu trú, mua sắm, tiêu dùng, maketting, an ninh, sự thân thiện và tôn trọng...mà các cơ quan hữu trách, các cơ sở dịch vụ phải tìm cách đáp ứng thật nhanh nhạy và tiện ích. Làm sao cho du khách đến Quảng Trị, đến Việt Nam một lần, muốn đến lần nữa và giới thiệu cho nhiều người cùng đến là cả một nghệ thuật phục vụ, giao tiếp, quảng bá... đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả của rất nhiều ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân sở tại. Một chuyến hàng thông quan cũng vậy. "Đồng tiền đi liền khúc ruột". Thời gian trong kinh doanh hiện được tính như sự đỏng đảnh của tỷ giá vàng trên thị trường, do vậy, thông thoáng, cởi mở, tạo thuận lợi hết sức cho doanh nghiệp thông quan trong thời gian ngắn nhất, chi phí rẻ nhất mà vẫn đảm bảo các thủ tục theo quy định là cả một nặng trĩu thách thức. Phấn đấu để vượt qua thách thức là có lạc quan trong đó.

Không phải đến tận bây giờ, chúng ta mới cảm nhận được niềm may mắn khi sở hữu con đường số 9, tuyến đường huyết mạch thông ra biển Thái Bình Dương của nhiều quốc gia Đông Nam Á, tuyến đường mà từ năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Beau đã từng khẳng định:" chỉ con đường này là thực tế nhất" và "đây là lối đi xuyên mơ ước, cái lỗ hổng lý tưởng dẫn ta vào nội địa xứ Đông Dương". Vào những năm 1990 trở về sau này, giữa bộn bề công việc hệ trọng cần sắp đặt, triển khai gấp rút và vận hành hiệu quả của một tỉnh mới tái lập, Quảng Trị vẫn dành sự quan tâm đặc biệt để đánh thức, khai thác tiềm năng kinh tê - xã hội đường 9 bằng các cuộc hội thảo khoa học, lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật, thu hút, kêu gọi đầu tư,  chủ động tham gia chương trình hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) mà con đường 9 là "xương sống chiến lược", từ rất sớm. Tỉnh đã ban hành một loạt các Nghị quyết về phát triển KT-XH gắn với EWEC như Nghị quyết về phát triển KT-XH miền Tây, miền biển; về phát triển du lịch; về xây dựng, phát triển đô thị...Đặc biệt, ngày 12/12/2006 Tỉnh ủy Quảng Trị đã ra Nghị quyết về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông- Tây đến năm 2010, có tính đến năm 2015.

Có thể khẳng định, khai thác lợi thế đường số 9 đã mở ra với rất nhiều tiềm năng và bước đầu đã thu được những thành tựu quan trọng,  nhưng  trên thực tế, để "lối đi xuyên mơ ước" này trở thành một con đường "thực tế và kinh tế nhất", vẫn còn nhiều việc phải làm.

2- Năm 2006 có một việc được đánh giá mang tầm "sự kiện", chứa đựng một thông điệp nhiều nhắc nhở mà ai có dịp đi lại trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đều biết, đó là những doanh nhân ở Savanakhet (Lào) đã "đánh" gần bốn trăm ngàn tấn hàng ngược lên Băng Cốc (Thái Lan) để xuất khẩu qua đường cảng biển bên bờ Ấn Độ Dương. Họ phải vượt một quãng đường tương đương cung đường Đông Hà- Hà Nội, lại phải sang sông lụy đò nhiêu khê qua dài rộng Mê Công cách trở (khi cầu Hữu Nghị 2 chưa khánh thành). Chặng đường này lại dài gấp đôi so với từ Savanakhet xuôi Quốc lộ 9 về Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo rồi ra các cảng biển miền Trung Việt Nam nằm bên bờ Thái Bình Dương. Lý do đường gần vẫn muốn đi vòng cho xa nằm ở một dích dắc nhạy cảm, đó là do chi phí đường xa nhưng rẻ chỉ bằng một nửa so với đường gần. Có dịp cật vấn một trong những doanh nhân tham gia "phi vụ" này khi có dịp sang công tác tại Savanakhet, chúng tôi mới vỡ lẽ, chi phí chính thức và phi chính thức ở các cửa khẩu, bến cảng, lưu thông trên các tuyến đường...ở Việt Nam đều khá cao nên dù đường gần mà vẫn không có lãi bằng đi đường xa qua ngã Băng Cốc, lên Ấn Độ Dương.

Chúng tôi đã được tiếp cận một phần trong Dự án khảo sát thực hành các tuyến đường bộ khu vực Mê Công 2007 (Project for Practical Realization of Mekong Region Land Routes 2007) của Bộ Kinh tế- Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Công Thương 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan tổ chức vào cuối năm 2007 tại Savanakhet (Lào). Dự án được trình bày ngắn gọn như một dụng cụ trực quan, sống động, dễ hiểu nhưng đọc xong ta có cảm giác vừa thú vị xen lẫn bàng hoàng bởi sự chính xác đến lạnh lùng của các số liệu thống kê do chính các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Dự án đã phác họa lộ trình vận tải của một ô tô vận chuyển hàng hóa từ thủ đô nước Thái đến thành phố Hồ Chí Minh qua các cửa khẩu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây bằng đường bộ vào tháng 10/2007 mất tám mươi bảy giờ bốn mươi lăm phút, trong đó thời gian chạy xe thực tế là ba mươi tám giờ, thời gian làm thủ tục hải quan, kể cả chuyển hàng là sáu giờ bốn mươi phút. Cũng một chuyến hàng, xuất phát từ Băng Cốc đến Hà Nội,  lộ trình có ngắn hơn nhưng còn nan giải hơn, mất đến bảy mươi chín giờ ba mươi phút, trong đó thời gian thực tế chạy xe là ba lăm giờ  bốn lăm phút, thời gian làm thủ tục hải quan là chín giờ!

Tại sao lại hiện hữu một tốc độ "rùa bò" như vậy trên một hành lang được cho là thông thương và nhiều thuận lợi đến nhường ấy? Câu trả lời là, tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, ngay chỉ tờ khai phương tiện vận tải qua cửa khẩu thôi đã có đến 35 tiêu chí phải khai. Điều đáng nói là trong ba mươi lăm tiêu chí này lại có nhiều tiêu chí trùng lặp nhau, khai đi, khai lại nhiều lần. Người chủ phương tiện nếu có kỹ năng thì còn đỡ, không thì đánh vật với tờ khai này không biết bao giờ mới xong! Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều năm qua, tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vẫn tồn tại nhiều loại lệ phí do 5 cơ quan thu bằng biên lai viết tay, rất thủ công và hết sức chậm chạp.

 Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế thương mại Đặc biệt Lao Bảo, một trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của Quảng Trị, tỉnh "đầu cầu" trên Hành lang kinh tế Đông- Tây đã từng rất sốt ruột và kiến nghị, phải nhanh chóng cải cách mạnh mẽ, triệt để thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người và hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ Lao Bảo, nếu không sẽ đánh mất vô vàn cơ hội trên tuyến hành lang quan trọng này. Ông Lê Hữu Thăng nhận định, có ba điểm mấu chốt để từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế trên tuyến EWEC là tiếp tục nâng cấp Quốc lộ 9, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, thông quan và thông tuyến cầu Hữu Nghị 2 qua sông Mê Công. Hiện giờ cầu Mitaphap, một bộ phận cốt lõi của EWEC đã được đưa vào sử dụng, chính thức nối vùng Đông Bắc Thái Lan và Hạ Lào, khai mở sự thông thoáng trên lộ trình dài 1.450 km, qua mười chín tỉnh, thành phố của bốn nước trong khu vực Đông Nam Á (Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam). Quốc lộ 9 đang được đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục nâng cấp giai đoạn 3, mở rộng cầu Xà Ợt và nhà ga Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, xây dựng đường cao tốc Cam Lộ- Tuý Loan để rút ngắn khoảng cách, tăng khả năng liên kết vùng và vận chuyển hàng hoá đến các cảng biển miền Trung từ các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đặc biệt, việc cải cách thủ tục tại các cửa khẩu cần phải được quan tâm đúng mức.

Trong nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và chấp nhận mạo hiểm là hai yếu tố không thể thiếu của một doanh nhân. Sáng tạo nhưng phải có tinh thần dám chịu rủi ro và nhiều khi rủi ro là cái giá phải trả cho sự sáng tạo.Tất nhiên, mạo hiểm không có nghĩa là làm liều, làm ẩu mà phải tính toán, lường trước các yếu tố rủi ro có thể xảy ra và rủi ro nào có thể chấp nhận được. Trong bối cảnh các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn thì mức độ rủi ro của doanh nghiiệp phải gánh chịu vì vậy tăng lên rất nhiều. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật, có hiệu quả, giảm thiểu mức độ rủi ro do khách quan đem lại thì việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính tại các cửa khẩu đóng một vai trò quan trọng. Trách nhiệm này trước hết đặt lên vai Cục Hải quan Quảng Trị.

 Thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Trị đã tập trung ưu tiên hoàn thiện việc chuyển đổi phương pháp quản lý theo công nghệ  quản lý hải quan hiện đại, đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện phương pháp quản lý rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường an ninh an toàn mạng. Chú trọng công tác thu thập và xử lý thông tin nghiệp vụ, công tác kiểm tra sau thông quan, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Quảng Trị tiếp tục triển khai hiệu quả thủ tục kiểm tra hải quan "một cửa, một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu Lao Bảo- Đensavan. Thủ tục này đã làm giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh, đáp ứng được yêu cầu quản lý và tích cực chuẩn bị triển khai giai đoạn 2. Ngành cũng đã triển khai thực hiện khai báo hải quan từ xa, thí điểm tại Chi cục hải quan cửa khẩu Lao Bảo và Chi cục hải quan Khu thương mại Lao Bảo. Chủ động nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và thực hiện thành công ở một số cửa khẩu, trên cơ sở đó đã được Tổng cục Hải quan phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành về xây dựng hệ thống quản lý phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đường bộ để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Năm 2008 Cục  Hải quan Quảng Trị đã thông quan nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho hơn 12.000 tờ khai xuất nhập khẩu với 502.910 tấn hàng hóa, làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 278.969 lượt hành khách, 61.568 lượt phương tiện vận tải và nộp vào ngân sách 249 tỷ đồng, vượt 24,5% chỉ tiêu được giao. Những nỗ lực của Cục Hải quan Quảng Trị đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy một giai đoạn chuyển biến mới về chất, giai đoạn bắt đầu chuyển từ kết nối giao thông sang cộng đồng phát triển thịnh vượng trên Hành lang kinh tế Đông- Tây.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong khâu cải cách thủ tục hành chính, nhưng hiện vẫn chưa hết những khó khăn, tồn tại đang hiện hữu trên tuyến đường liên Á qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Đó là việc hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh tăng mạnh, trong đó đáng kể là số lượng gia tăng khách du lịch Lào, Thái Lan, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần. Việc triển khai làm thủ tục qua cửa khẩu thường tập trung chủ yếu vào một thời điểm nhất định trong ngày, do đó Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dù đã khánh thành giai đoạn 1, nhưng vẫn có lúc bị quá tải về mặt bằng, máy móc phương tiện kiểm tra và khả năng phục vụ của cán bộ, công chức hải quan. Trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Trị cần  quan tâm quy hoạch để dành quỹ đất xây dựng công trình cửa khẩu giai đoạn 3, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế cửa khẩu trong tương lai. Bên cạnh đó, hiện Hải quan Quảng Trị và Hải quan Savanakhet đã ký kết biên bản triển khai giai đoạn 2 kiểm tra hải quan "một cửa, một điểm dừng". Tuy nhiên trên thực tế chưa thể triển khai được do phía hải quan bạn chưa sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc... Sự hỗ trợ kịp thời cho bạn để đảm bảo việc thực hiện kiểm tra một lần được thuận lợi đang đặt ra rất bức thiết.

3-Tôi đã từng men theo tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, từ Maesot, thuộc miền biên viễn Myanma - Thái Lan, qua Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kean, Yasothon, Mukdahan của Thái Lan đến Savanakhet "thị xã Thiên đường" của nước bạn Lào anh em. Đây là những vùng đất nguyên sơ và nghèo, cái nghèo yên hoà và nhân hậu. Dường như bản sắc văn hoá dân tộc đậm đặc của dãi đất này đã giúp người dân nơi đây đứng được ra ngoài cơn lốc của cơ chế thị trường năng động, xô bồ và nhiều bất trắc. Ông Thavorn, một hướng dẫn viên du lịch đã ví von một cách hình ảnh rằng, đây là vùng trũng của...thế giới phẳng. Những thác nước hùng vĩ, những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những mái chùa đổ bóng trong rừng sâu, tháp Ing Hang trầm mặc, thư viện cổ Hortai Pitok, nơi thời gian và những khúc hát  như ngưng lại trên từng tấm lá cọ, bảo tàng khủng long, linh vật mà thị xã Savẵn chọn làm biểu tượng, nhà đá Huan Hine thâm u, huyền sử rồi di sản thế giới Sukhocchai ở miền Bắc nước Thái trang nghiêm...đã từng làm đắm say rất nhiều du khách. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh tại Lễ khai mạc Tuần lễ Hành lang kinh tế Đông- Tây tổ chức vào cuối tháng 9/2007 tại Đà Nẵng rằng, Dự án Hành lang kinh tế Đông -Tây khởi động như một luồng gió mới đánh thức tiềm lực, khai thác tiềm năng hợp tác và sự bổ sung lợi thế giữa các nước về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người và mở rộng thị trường, nhất là tiềm năng biển, khai thác di sản văn hoá, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phát triển thương mại, đầu tư và du lịch, thu hút đầu tư trực tiếp từ trong và ngoài khu vực thông qua sự kết nối với thị trường quốc tế, nhằm mục đích xoá đói giảm nghèo cho hàng triệu người thuộc bốn nước nơi Hành lang đi qua. Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phân tích: Nói đến EWEC và du lịch biển, không thể không nhấn mạnh đến đặc điểm của cư dân phía Tây (Myanma, Đông Bắc Thái Lan, Trung Hạ Lào) do ảnh hưởng về địa hình cao, thời tiết khô nóng quanh năm, đang rất "khát" biển, sẽ theo các Tour du lịch về du lịch biển phía Đông. Bằng chứng là ngay sau khi cầu Mitaphap khánh thành, mặc dù thủ tục chưa thuận tiện nhưng trong sáu tháng đầu năm 2007, số khách làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là 155.820 lượt người, 17.347 lượt phương tiện, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2006. Hy vọng, chỉ với khoảng cách 240 km từ cầu Mitaphap đến Lao Bảo và hơn 300 km đến với các vùng biển của miền Trung Việt Nam, khi thủ tục qua lại cầu Mitaphap được thông suốt, khi du khách các nước khác chỉ cần làm thủ tục Visa vào một nước là có thể đến với các nước khác trong khối ASEAN, nhất định lượng du khách đi bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn. Thêm vào đó, EWEC được khơi thông, khoảng cách vận chuyển giữa đôi bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ rút ngắn lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác phát triển ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư...không chỉ trên phạm vi một ngành, một vùng, một quốc gia mà là liên ngành, liên vùng, đa quốc gia...

Đường số 9 và Hành lang Đông -Tây khi đó sẽ mang đầy đủ ý nghĩa  "thực tế ", "kinh tế nhất" và là "lối đi xuyên mơ ước" của cả cộng đồng trong khu vực trên ngút ngàn hành trình liên Á

4- Những lúc ngồi tựa thành cầu nơi xứ người, nghĩ về triển vọng của công cuộc hội nhập trên EWEC, tôi lại nhớ câu nói của nhà văn Lê Lựu :"Không có đột phá, không có sự thay đổi cơ bản, không có những cơn sốt vỡ da, những cuộc trở dạ rớm máu, ta sẽ thua bại ngay trên sân chơi lắm ngọt ngào nhưng cũng nhiều căng thẳng ấy..." Tôi ước ao Quảng Trị và Việt Nam quê mình mãi mãi không chỉ là điểm đến, mà là điểm dừng chân, ở lại, khám phá, tìm hiểu và làm ăn lâu dài của các doanh nhân, là nơi đi về gần gũi và tin cậy của các du khách trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, của khu vực và  cả thế giới nữa.

 Như dưới chân cầu kia, những hạt phù sa mặn mòi nơi đất đai xứ người, theo con nước Mê Công quặn mình đắp bồi cho vùng châu thổ Cửu Long thân thương nơi cuối trời đất Việt trước khi hoà ra biển cả...

Đ.T.T

 

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 178 tháng 07/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground