Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trại văn nghệ Cùa năm ấy

“Trại Cùa họp giữa vòng máy bay quần liệng

Bế mạc rồi hai đứa xuống Thanh Hương

Anh đi vào miệt Đại Lược Vĩnh Xương

Tôi trở ra vùng Kim Giao Cổ Lũy

Giặc vừa càn mất bao nhiêu đồng bào đồng chí

Ta đem thơ về rịt vết thương đau”.

 

Đ

ó là bài thơ của Lương An (1920 - 1985) “Anh đến là chúng ta đang thắng” viết tặng nhà thơ Thanh Hải tháng 10 năm 1962 khi năm đó chúng tôi cùng nhau đi đón Thanh Hải từ miền Nam ra thăm miền Bắc, “Cách nhau chỉ một mái chèo. Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây”. Theo lộ trình, Thanh Hải phải sang Trung Quốc trở về Mục Nam Quan rồi mới xuôi về Hà Nội.

Khổ thơ trên như gợi lại một hình ảnh của Trại Văn Nghệ Cùa cách đây gần 60 năm. Sau nhiều năm kháng chiến kiên cường (1947 - 1952), quân dân ta khắp nước đang trên thế phản công và đang đi vào giai đoạn chuẩn bị cho Tổng tiến công giặc Pháp. Mọi lực lượng cả nước cần phải được huy động, chiến trường Trung bộ, nhất là Bình Trị Thiên là nơi xung yếu nhất phải vùng lên mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa.

Từ khi thành lập, nhất là những năm 1949, 1950, Chi Hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 đã ra sức giúp đỡ phong trào văn nghệ 3 tỉnh Bình – Trị - Thiên khói lửa. Nhà văn Bùi Hiển từ Nghệ An vào, bộ áo quần nâu, nón lá, dép râu, xắc cốt luôn bên người đã xuống tận vùng sâu Thừa Thiên ghi chép và sáng tác. Anh Lưu Trọng Lư với những bài thơ kháng chiến “Tiếng hát tăng gia, Ngò cải đơm hoa” đang sôi nổi lăn lộn ở vùng Ba Lòng Quảng Trị. Tôi còn nhớ nhạc sĩ Phạm Duy, năm 1950 còn là Thiếu úy Đoàn văn công Quân khu 4, vai mang đàn ghi ta sáng tác và hát sôi nổi “Bà mẹ Gio Linh, Bên ni bên tê” ở Phong Điền và cả vùng Bao Vinh ngoại ô Huế. Các anh đến, phong trào văn nghệ ở ba tỉnh Bình Trị Thiên được cổ vũ, phát triển.

Nhưng chừng ấy chưa đủ. Chi Hội Văn nghệ Liên khu 4 cần phải giúp đỡ, tác động mạnh hơn để lời thơ câu hát ở đây phải tiến lên tương xứng với các trận đánh nổi tiếng của ta ở khắp 3 tỉnh, lực lượng văn nghệ ở đây phải thực sự vùng dậy góp gió vào hoạt động của quân dân đang ngày đêm sôi nổi.

Đó là mục đích của trại Văn nghệ 3 tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức tại Cùa, một xã của huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị tháng 9 năm 1952.

Ba chúng tôi : Thanh Hải, Nhất Hiên, tôi (Lê Trọng Sâm) và một số đội viên Đội Truyên truyền lưu động tỉnh Thừa Thiên do anh Thái Quang Ngoạn làm đội trưởng từ Chiến khu Dương Hòa băng rừng ra Chiến khu Hòa Mỹ vùng núi Phong Điền và qua hai ba ngày đêm đi bộ đã tới Cùa đêm 2 tháng 9/1952. Gặp ngay Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Giăng Màn ở Quảng Bình băng U Bò mà đến, ba lô nặng trên vai, ruột tượng gạo ngang lưng, vì đã biết nhau qua một số sáng tác, gặp nhau đây lớn tiếng cười ha hả; Xuân Hoàng còn cao hứng đề nghị đọc thơ ngay trong tối đó. Ai nấy cũng đều ngứa ngáy. Tỉnh Quảng Trị là nơi sở tại, có sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, của Chi Hội Văn nghệ Liên khu 4, tất cả các cán bộ văn hóa, văn nghệ ở đây đều được sung vào ban tổ chức. Lương An, chủ nhóm Nguồn Hàn, tuy còn dáng dấp ông phán trước đây nay cùng với Dương Tường, nhà thơ trẻ, cán bộ chủ chốt của Ty Thông tin, giấy bút trong tay ban đêm đạp rào đi phân phối nhà ở trong dân cho chúng tôi.

Chín mười giờ tối rồi mà vẫn thấy sự xuất hiện của đồng chí Trần Trọng Tân, sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, có thời là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hiện còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị được đặc trách giúp đỡ cho Trại Văn nghệ Cùa này.

Anh Tân cùng đến với anh Chế Lan Viên. Ôi ! đây là lần đầu tiên tôi gặp anh, tác giả của Điêu tàn nổi tiếng. Cũng là bộ áo quần nâu, dép lốp to bản, sổ nhỏ nằm trong túi. Nụ cười thân mật, chan hòa, nói năng êm đềm nhỏ nhẹ, thế mà anh là đại diện và phái viên của Chi hội Văn nghệ Khu 4, khiêm tốn nhưng lại giữ chức to. Anh là linh hồn của Trại.

Đến sáng mai 3/9 thì càng thấy đông đủ hơn, có cả anh Bùi Hiển, Hồng Chương. Còn nhớ Hồng Chương là tác giả của bài Đội biệt động nổi tiếng mà chúng tôi hay ngâm lên trong các chợ kháng chiến, lời thơ hào sảng biết bao :“Thuở đất nước mịt mờ khói đạn/Thân nam nhi dày dặn gió sương/Tuốt gươm cắp súng lên đường/Bừng bừng khí thế, hào hùng chí trai”. Và hai ba chục anh chị em cán bộ văn nghệ, văn hóa ở 3 tỉnh, nhiều nhất là ở Quảng Trị, đa số trẻ măng, hăm hở.

Còn nhớ cả một số anh : Hồ Vi (thơ), Trần Quốc Tiến (họa), Đình Quang (Đoàn trưởng) của Phân khu bộ cùng đến dự, các chàng này bận quân phục nhưng nói năng có phần lãng tử. Theo dự kiến, lúc đầu cuộc họp định tiến hành ở Ba Lòng nhưng để được an toàn hơn, gần dân hơn nên đã chuyển về làng Cùa. Tôi còn nhớ một ngôi làng đông dân, nhiều vườn hồ tiêu, nhiều chè, nhiều cây mít cao lắm trái mà dưới chân là đất đỏ ba-dan, mưa xuống là nhắc dép không nổi.

Hội trường là một cái lán tranh tre, nứa lá còn hôi mùi tre non, dưới tán rộng của hai ba cây to che mắt máy bay địch. Chỗ ngồi là những thanh tre bện lại có cọc chắc cắm vào đất. Trang trí đơn sơ nhưng có cả quốc kỳ và ảnh Hồ chủ tịch dán ngay vào phên nứa.

Thời gian không có nhiều cho các cuộc thuyết trình và bàn luận. Anh Chế Lan Viên lên diễn đàn trong cái hội trường nhỏ ấy. Qua gần hai tiếng, bằng một lối nói đầy xúc cảm và nhiều hình tượng, anh nêu lên ba vấn đề chính. Thứ nhất : tình hình chung cuộc kháng chiến và nhiệm vụ sắp tới của toàn dân quyết đi đến Tổng phản công. Thứ hai : tình hình sáng tác của anh em văn nghệ Bình Trị Thiên. Thứ ba : lập trường và nhiệm vụ của văn nghệ sĩ, nhấn mạnh vào vai trò của anh chị em 3 tỉnh : đi về cơ sở, tranh thủ sáng tác nhiều hơn và mạnh hơn, viết những điều tai nghe mắt thấy nhằm ca ngợi và động viên quân dân ta chiến đấu. Trong buổi nói chuyện, anh luôn nhìn chúng tôi, nhấn mạnh bằng lời nói sắc sảo, bàn tay, cái nhìn cương nghị. Anh nói nồng nhiệt với tất cả phải xác định dứt khoát chỗ đứng, lập trường sáng tác, không mập mờ địch ta, không mềm yếu, không bi lụy.

Anh Bùi Hiển từ tốn nêu lên những vấn đề anh bắt gặp trong cuộc chiến đấu của dân quân du kích, bảo vệ mùa màng, rào làng chiến đấu, một số sáng tác của các cơ sở mà anh đã được chứng nghiệm trong các cuộc đi thực tế vừa rồi ở các nơi.

Nghe sao mà hấp dẫn, tâm trí được tỉnh táo ra, ngòi bút muốn được viết ra, bài thơ bài hát phải được gấp rút phơi bày, ai nấy cảm thấy rạo rực. Còn nhớ trong cuộc họp ấy có cả Nguyễn Khắc Thứ tác giả của bài ký sự “Trận Thanh Hương” nổi tiếng sau này và chắc là cả Xuân Hoàng, Thanh Hải và nhiều anh em khác trong cuộc đọ sức một mất một còn của ta trước kẻ thù, các tài năng sau này được nở rộ chắc cũng đã được ươm mầm nảy mạnh từ các buổi thuyết trình này.

Cuộc nói chuyện có khi dừng lại vì khoảng 8, 9 giờ từ phía biển có một tốp máy bay Pháp quần liệng, súng ca nông giặc đã nổ ùm ùm và nhìn về xa miệt dưới đã có nhiều đám khói mờ các ngôi nhà bị đốt. Nếu chúng tiến lên Ba Lòng và Cùa thì chắc là cuộc họp này phải di chuyển. Nhưng khoảng 10 giờ sáng, anh em bên huyện đội Cam Lộ báo là chúng chỉ càn quét lớn ở miệt dưới Phong Điền và đã kết thúc.

Tuy vậy, vẫn phải cảnh giác. Ăn cơm trưa chớp nhoáng, cơm trộn sắn có canh rau và chút thịt gà, không có cả giấc nghỉ trưa, chúng tôi kéo nhau ra ven làng, cạnh các giao thông hào dài, sâu đã đào sẵn do bà con chuẩn bị 
ba ngày trước.

Để dành một buổi chiều để trao đổi thảo luận nhưng thật ra chẳng có vấn đề gì to lớn. Nhớ lại, thời đó, chúng tôi còn trẻ, đa số mới vào nghề, nhiệt tình thì rất lớn nhưng suy nghĩ còn miên man, nhiều vấn đề chưa xác định rõ rệt, vốn sống chưa có mấy, cách viết còn sơ khai cho nên các bài nói chuyện trên của các anh quả thật là những bài học vỡ lòng, những bài tập đọc nhưng rất thấm thía. Nó đi vào những trái tim non và nở hoa.

Tưởng một vài chuyện diễn ra trong chiều này cần được nhắc lại cũng là để ôn lại không khí thời ấy và có thể cũng rút ra được những gì tốt và chưa tốt, đúng và chưa đúng cho hiện nay và sau này. Đấy là câu chuyện của hai bài thơ và một câu hò địch vận, hôm đó được đem ra mổ xẻ để nâng cao lập trường và xác định quan điểm sáng tác.

Bài thơ của anh Xuân Hoàng, bài “Qua Bố Trạch” sáng tác năm ...... mà đến nay tôi vẫn còn thuộc lòng. Một bài thơ hay, nhiều tứ đẹp mô tả một vùng sâu của Quảng Bình với những tên sông núi và con người đẹp đẽ vùng lên chiến đấu. Cái không ổn và trại văn nghệ này đem ra nhận xét, có phần phê phán là còn những nét tiểu tư sản, bây giờ xem lại thật ra là oan ức cho nhà thơ quê Đồng Hới :

       “Bố Trạch - Một vùng dân nghèo đất đỏ

       Dưới chân Ba Rền thăm thẳm mịt mờ xanh

       Rú Nguốn Rào Son mấy lần diệt giặc

       Và Quách Xuân Kỳ, Phan Khắc Hy, Đặng Tất

       Có những chàng trai vừa lớn lên

       Chạy súng trung châu, chiều ghi vào nhật ký :

       Đời tươi như nắng ở lòng em...”

Không thấy khen những câu trên, chỉ phê phán hai câu dưới mang phong vị tiểu tư sản : giặc đánh cho tơi bời, lại còn ghi nhật ký. Và sao trong gian khổ vậy mà đời tươi như nắng được. Xem ra là ấu trĩ một thời.

Bài thơ thứ hai là bài “Em nữ cứu thương người Pháp” của Văn Tôn lúc đó và Hải Bằng sau này. Bài thơ tốt, không có sai sót gì nghiêm trọng nhưng tại sao lại đi ca ngợi một người Pháp và đôi đoạn còn tỏ ra ủy mị, yếu ớt. Cũng oan đấy chứ.

Bài thứ ba là một câu hò vận động binh lính ngụy quay về với kháng chiến mà chúng tôi cũng hay hò qua loa sắt tay, loa cát tông vào các đồn địch để kêu gọi anh em quay về. Lần này thì diễn tại chỗ : một chị trong Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Thừa Thiên tay nắm mo cau làm loa hò lên một đoạn dài. Và rồi ai cũng nghễnh tai lắng nghe đoạn cuối :

         “... Trong đồn anh nhớ em không

         Ngoài đồn em nhớ em mong anh về”

Thật là mặn mà tình tứ lắm chứ, có tác dụng làm đau đầu và dồn sâu sự ngẫm nghĩ của lính ngụy để ngày mai lặng lẽ ra khỏi đồn trở về với gia đình, với lũy tre xanh và cuộc kháng chiến. Thế mà trong cuộc họp đó đem ra phân tích mổ xẻ tại sao lại còn thương nhớ người bên kia chiến tuyến. Hồi đó, đối với “chúng” chỉ có nã đạn mà thôi. Cũng trăm phần ấu trĩ. Mà tất cả đều phải im lặng tiếp thu.

Vì so sao được với bài “Nhớ lấy để trả thù” của Chế Lan Viên sáng tác ở Thừa Thiên năm 1952 thời kỳ đó. Những vần thơ đanh thép : “Nhớ lấy để căm thù/Cắn răng mà nhớ mãi” mà tất nhiên, theo cách nghĩ thời đó, ai mà nói chuyện khác đi, có chút màu mè lả lướt là kém lập trường cách mạng rồi. Thời thế đi lên, hoàn cảnh đổi khác, ngay lúc ấy rất nhiều chúng ta, có thể nói gần như tất cả đều cho lời phê phán như trên là đúng. Gặp lại Xuân Hoàng hai mươi năm sau ở thành phố Hồ Chí Minh, trên giường bệnh, nhắc lại chuyện xưa, anh không tức tối gì mà vẫn với giọng cười ha hả vô tư, giọng cười như xúy xóa. Một thời như thế đó.

Cuộc họp bạn kết thúc bằng một tối lửa trại. Những bó sim khô đặt ở giữa để làm mồi. Xung quanh là các khúc tre già, gốc cau, gốc bưởi và cả những lẻ gỗ to được bửa ra cho lửa cháy đượm và lâu đến tàn cuộc. Tất cả bà con dân làng kéo đến của trời cho, hôm nay có một đêm văn nghệ.

Anh Chế Lan Viên và một số đồng chí nói những lời tổng kết và dặn dò, chắc nịch mà thấm thía. Sau đó là các tiết mục ngâm thơ, ca hát, hò giã gạo, hò đối đáp và những tiểu phẩm sân khấu ngắn. Có những bài thơ của Lương An rất mùi và rất phù hợp với khung cảnh chiến đấu, nhất là bài Chị Lái đò với “Đò em lên xuống Ba Lòng”. Tôi nhớ nhất là con người tao nhã và giọng ngâm thơ của Dương Tường lúc ấy còn quá trẻ, mới 25 tuổi, sinh năm cùng tôi (1927) học sinh từ Huế về quê tham gia kháng chiến, có nhiều bài thơ hay, tươi mát, trữ tình. Bài thơ anh ngâm vang hôm đó là bài “Cây bí dân quân” hay làm sao. Tôi chú ý nhất và đến bây giờ vẫn nhớ được mấy câu và giọng lên xuống trầm bổng của anh trong bài “Bà mẹ Triều Tiên”. Có lẽ đây là một trong ít ỏi bài thơ hướng ngoại đầu tiên của những năm đầu kháng chiến chống Pháp mà anh đang ngâm :

       Bà mẹ Triều Tiên ơi ! Vì sao con mẹ ra tiền tuyến

       Mà mẹ không hề nước mắt rơi !

Câu thơ như dội vào lòng, giọng ngâm cao vút sao mà da diết thế ! Dương Tường còn hoạt động văn nghệ đắc lực ở Quảng Trị trong một thời gian sau và tiếc thay, tài hoa bạc mệnh, ban ngày bơi qua sông Thạch Hãn quyết lên chiến khu Ba Lòng đúng theo giấy triệu tập, giữa dòng, chuột rút, ba lô nặng, bị dòng nước cuốn trôi, ngày 24 tháng 6 năm 1953, 9 tháng sau ngày chúng tôi gặp nhau ở đây.

Càng về cuối, Thanh Hải lúc đó mới có một số bài thơ ngắn và một số câu hò cũng say sưa biểu diễn, còn nhớ giọng còn dẻo lắm. Anh Xuân Hoàng cũng chẳng bực bội gì câu chuyện bài thơ anh lúc sáng, đang vui vẻ, dõng dạc đọc một bài khác của mình, lần này chắc toàn bài không còn một chút dư vị tiểu tư sản nào, còn nhớ anh nhiều lần ngước lên với đôi kính lấp lánh có lóe lên màu lửa trại hôm ấy.

Đây là một đoạn đường, một dấu ấn thật sâu sắc cho những tâm hồn văn nghê sĩ cả ba tỉnh Bình Trị Thiên thời đó, tuy đa số còn non trẻ, tất cả đã đi lên sau này và đã phát huy xứng đáng với những trận thắng vang dội Thanh Hương, Thanh Lam Bồ, Ba Đồn... Còn ghi rất đậm bao tâm hồn và sức bút sáng tạo đầy sức sống của cả ba tỉnh góp phần vào dòng suối văn nghệ kháng chiến chống Pháp đang cuồn cuộn chảy lúc ấy và mãi chảy sau này. Mơ màng nhìn lại, nhớ lại thì dưới gót chân anh chị em vẫn còn in đậm màu đất đỏ vùng bán sơn địa Cùa - Cam Lộ thời ấy. Và kỳ lạ thay, chất kết dính của vùng đất này cũng là chất kết dính của bao tâm hồn văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên với công cuộc đấu tranh và giải phóng của đất nước. Tâm linh và hiện hữu !

L.T.S

Lê Trọng Sâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 192 tháng 09/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground