Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trở lại Vĩnh Linh thân thương

Tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Vĩnh Linh, từ số này, CV sẽ lần lượt giới thiệu những bài viết nhiều tâm huyết nói về vùng đất được mệnh danh là MIỀN ĐẤT LỬA

Ba mươi lăm năm trước, năm 1957, khi nước nhà còn bị chia cắt, tôi đã về sống và làm việc với bà con cô bác, các út, các cháu thiếu nhi tại mảnh đất anh dũng lịch sử Vĩnh Linh. Tôi đã được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, bảo vệ của nhân dân, công an, quân đội, nhất là ở thôn Hiền  Lương, nơi thuyền bè bờ Bắc cũng như bờ Nam cứ hằng tuần đều tập trung ở đây để tổ công an liên hiệp hai bên kiểm soát và tuần tra, tổ công an lại làm việc bờ Nam. Từ thực tế cuộc sống tôi đã dựng tác phẩm “Tìm gặp người thân” mô tả lại một bữa thuyền bè bờ Nam cập bến Hiền Lương, bà con ở bờ Bắc đều tập trung ở gần cầu Hiền - Lương để tìm người thân của mình trong các thuyền phía Nam, nơi một phần bà con cô bác ruột thịt của mình đang ở. Nhưng sự gặp gỡ thân thiết thường bị anh cảnh sát của Diệm trong tổ liên hiệp theo dõi, nên bà con miền Nam tuy gặp gỡ người thân của mình ở bờ Bắc nhưng không dám biểu lộ tình cảm công khai mà dồn nén dấu diếm, vì sợ khi trở về miền Nam chúng vu là liên lạc với Việt Cộng sẽ bị đánh đập tù đày. Ngoài tác phẩm trên, một đề tài nổi lên là tình cảm của nhân dân miền Nam luôn luôn hướng sang là cờ đỏ sao vàng của miền Bắc. Tôi cũng vẽ nhiều tranh phong cảnh nổi lên sự đau thương diễn ra trên sông Hiền Lương tạm thời chia cắt hai miền ruột thịt. Để dựng lên các tác phẩm trên, tôi phải nhờ bà con từ cụ già, bà mẹ ẵm con, chị phụ nữ, anh thanh niên, các cháu thiếu nhi, đồng chí công an của ta trong tổ liên hiệp và cả tên cảnh sát của Mỹ Diệm. Dù công việc của gia đình sản xuất rất bận nhưng bà con đã đứng mẫu hàng mấy ngày để tôi hoàn thành tác phẩm. Muốn có đò để đi giữa dòng Hiền - Lương nhìn được cả bờ Bắc và bờ Nam, bà con cũng giúp người, giúp thuyền để tôi dựng được tác phẩm lịch sử “Đôi bờ Hiền - Lương”. Vừa qua, tỉnh Quảng Trị có tổ chức trọng thể kỷ niệm 20 năm giải phóng Quảng Trị, ở đó, cả một phòng tranh của nhiều học sĩ ở Trung ương vẽ tại khu vực Vĩnh Linh những năm nước nhà còn chưa thống nhất. Ở phòng triển lãm này tôi có đóng góp 4 tác phẩm, trong đó có tác phẩm “Tìm gặp người thân”, “Đôi bờ Hiền - Lương”…. Những tác phẩm tôi coi như của quý vô giá mà tôi giữ lại không bán. Từ lâu tôi ao ước có dịp trở lại Vĩnh Linh làm việc. Cuối tháng 5 vừa rồi tôi mang đồ và xe đạp trở lại mảnh đất lich sử thân thương này. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy và sau khi gặp gỡ trao đổi công việc, các đồng chí có đề nghị: từ đây đến năm 1994 Quảng Trị sẽ tổ chức 40 năm thành lập khu vực Vĩnh Linh (1954-1994) và 35 năm mở đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ kính yêu. Các đồng chí thường vụ Tỉnh muốn nhân dịp đó tôi sẽ tổ chức một phòng tranh những tác phẩm vẽ về Vĩnh Linh những năm 1957 và Vĩnh Linh ngày nay, 1992, và những tranh tôi vẽ tại đường Hồ Chí Minh năm 1974. Tôi vui vẻ chấp thuận, các anh trong Thường vụ có đưa tôi về thăm Cửa Tùng, sau đó về Hiền Lương và Vĩnh Mốc. Trên 3 tuần làm việc tôi đã vẽ được nhiều tranh nói lên sự đổi mới đi lên của đất nước, trong đó có huyện Vĩnh Linh anh dũng và yêu quý của chúng ta. Về Cửa Tùng cùng ở với các đồng chí công an biên phòng, những người thân quen từ lâu đối với tôi. Cảnh Cửa Tùng với thuyền bè tấp nập, buôn bán đông đúc. Những chiếc thuyền to được đóng gần xong, trên bãi là đàn bò, đàn dê, người đi chợ tấp nập. Trở lại thôn Hiền-Lương rất may mắn Huyện ủy lại giới thiệu tôi đến gia đình bà Lê Thị Yêng mà năm 1954 mới là một cô gái nông thôn 18 tuổi, tráng bánh cuốn nay đã 53 tuổi, con cháu đề huề và vẫn làm nghề cũ. Gặp lại người xưa, cảnh mới biết bao bồi hồi xúc động. Tôi thấy mình là người rất hạnh phúc, những ngày đau thương chia cắt đã sống với bà con địa phương, nay nước nhà đã thống nhất và từng bước đổi mới đi lên. Trước đây, biết bao mơ ước được vào bờ Nam vẽ tranh, nay đã là hiện thực. Ngồi ở bờ Nam nhìn sang bờ Bắc lúc vẽ tưởng như thực như mơ, tôi đã hào hứng vận dụng những kinh nghiệm trên 50 năm vẽ tranh phong cảnh để diễn tả con sông Hiền - Lương lịch sử. Trong niềm vui hạnh phúc đổi mới của đất nước. Ở Vĩnh Mốc, xã anh hùng với những địa đạo nằm sâu trong lòng đất, kẻ thù chúng biết Vĩnh Mốc là địa đầu của miền Bắc tiếp tế cho miền Nam và đảo Cồn Cỏ anh hùng, nên Mỹ Diệm đã dốc bom đạn một cách dã man, tàn nhẫn muốn hủy diệt cuộc sống của bà con Vĩnh Mốc bằng hai bàn tay với những dụng cụ thô sơ, cái cuốc, cái xẻng đã đào sâu vào lòng đất để làm việc, sinh sống, dạy học, đẻ con… Đây thật là một kỳ tích phi thường mà lòng yêu nước và ý chí quyết thắng đã tạo được một địa đạo với đường đi lối lại rộng trên một ki lô mét vuông, làm cho địch sửng sốt bàng hoàng đi đến thất bại hoàn toàn năm 1973. Sự tích anh hùng đó phải viết thành pho lịch sử lớn. Với thời gian rất hạn chế tôi cố dựng hai tác phẩm:

1) Các cháu thiếu nhi lớp mẫu giáo vui hát trong địa đạo. Trong giờ nghỉ nhìn các gương mặt tươi sáng với cặp mắt đen lánh lung linh thật đáng yêu với đôi tay nhỏ như cánh bướm múa hát.

2)Tôi đã tìm gặp chị Tường đã sinh con ở địa đạo năm 1968, năm bom đạn quyết liệt nhất, nay là bà mẹ vui vẻ, tươi tắn đang chơi với cháu gái Lan 6 tuổi. Hai mẹ con trong những bộ áo tươi tắn nói lên sự vui vẻ hồn nhiên của những con người được sống trong một đất nước độc lập, tự do. Tôi cũng tranh thủ ghi lại cảnh nắng chiều rực Vĩnh Mốc với những cảnh quan quen thuộc với những bờ tre, bụi chuối, hàng dừa, bà mẹ ẵm con, đàn bò gặm cỏ bên lề đường và xa xa là biển và địa đạo.

Những ngày sống ở Vĩnh Mốc nói riêng cũng như ở huyện Vĩnh Linh nói chung, tôi như trở về quê nhà thân mật, đầm ấm. Các đồng chí Hồ Báo – phó Bí thư Đảng ủy xã, anh Ngơi phụ trách Bảo tàng, gia đình bà Xúy nơi tôi ở và làm việc. Điều rất đáng quý là công việc của bà con ở biết rất vất vả, luôn chân, luôn tay, nhưng khi cần người đứng mẫu, mang vác đồ vẽ từ nhà ra địa đạo, các cháu gái, cháu trai đã giúp và làm việc với tính trách nhiệm cao rất đúng giờ. Tất cả điều đó thôi thúc tôi phải vẽ cho đẹp, cho tốt, ghi lại những sự biến đổi kỳ diệu của con người trên mảnh đất lịch sử và anh hùng này. Trong công cuộc nghệ thuật nói riêng, Cách mạng nói chung phải có tâm huyết, phải có tấm lòng tin tưởng vào nhân dân, vào Đất nước thì công việc gì ta cũng làm được. Đó là kinh nghiệm tôi đúc kết được qua gần 60 năm tôi hoạt động nghệ thuật. Tôi rất vui mừng thế là chuyến đi vẽ ngắn ngày của tôi ở Vĩnh Linh đã thành công tốt đẹp và tôi hứa với đồng chí Phan Chung - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhất định ở triễn lãm 40 năm thành lập khu vực Vĩnh Linh 1954 -1994 tôi có thể giúp tỉnh ta một phòng tranh nghiêm chỉnh, đẹp về Vĩnh Linh và đường mòn Hồ Chí Minh trên mảnh đất Quảng Trị thắm thiết tình nghĩa.

Tôi thấy mình có được một hạnh phúc lớn của người nghệ sĩ chân chính, những công việc mình làm hợp với lòng dân và quy luật Cách mạng.

Từ triễn lãm năm 1990 của tôi tổ chức tại Hà Nội - kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tôi đã đến cảng Nhà Rồng ở thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo của Vũng Tàu, Bà Rịa đất mũi của Minh Hải và tháng 5 vừa rồi ở Vĩnh Linh, Quảng Trị….vẽ những cảnh đẹp của đất nước, những sự kiện lịch sử, những con người trung với nước, hiếu với dân, những cháu gái đẹp người, đẹp nết để bổ sung vào phòng tranh lớn: “ĐẤT NƯỚC MÙA XUÂN” sẽ trọng thể khai mạc tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 2/9/2000, phòng tranh mà tôi chuẩn bị gần 3 thập kỷ này để mừng nhân dân ta, Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu dấu đang bước vào thế kỷ thứ 21 đầy thử thách nhưng thật sáng lạn và huy hoàng. Đây là món quà tinh thần tôi dâng lên Bác Hồ muôn vàn kính yêu khi Người vừa tròn 110 mùa xuân, dâng lên nhân dân Việt Nam đôn hậu tình nghĩa đã biến tôi từ người họa sĩ nô lệ mất nước thành người họa sĩ - chiến sĩ Cách mạng vì nhân dân mà phục vụ và chiến đấu.

V.G

Văn Giáo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground