Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trước mặt là dòng sông

Sông Hiền Lương...

 Tôi vẫn giữ thói quen nhớ đến sông này mỗi khi trong tâm mình có những chuyện buồn. Chẳng phải vì tôi sinh ra ở miền quê bên sông, cũng chẳng phải bởi sông đã sống trong tôi quá nhiều kỷ niệm. Mà có gì khác thế. Điều gì ư, tôi cũng không thể biết. Đời sống tâm linh của loài người quả là khó hiểu, có điều muốn quên, chẳng quên, có điều không nhớ, lại nhớ... Một lần lâu rồi, tôi đi thuyền dọc sông từ Cửa Tùng ngược lên Bãi Hà. Thủa ấy rừng chưa bị cấm, chúng tôi chặt củi về xuôi bán lấy tiền vào năm học mới. Mùa hạ cao xanh, sông xanh thẩm, trời xanh thẩm, gió nồm nam rười rượi... nhưng trí óc tôi lúc ấy chẳng như bây giờ, không cảm nhận gì nét thuỷ mặc Hiền Lương, chỉ là trí óc một thằng trai mười sáu tuổi giữa thời bao cấp, đói nhiều, đêm nằm ngủ chỉ toàn mơ thấy cơm. Lũ chúng tôi có năm thằng như vậy. Ngày lên đường, mạ gói cho tôi đùm  gạo chừng chục “loong”, một bao sắn khô, ít mắm, ruốc, tép  - những thức ăn sản vật của biển quê. Năm thằng trai biển háo hức lên rừng. Riêng tôi đây là chuyến đi đầu tiên, còn với những bạn của tôi, chúng đã đi nhiều, từ khi chỉ mới chín, mười tuổi, thành ra tôi là cái đứa vụng về nhất bọn.

Và bắt đầu từ cái ngày ấy, tôi đã nhận ra một dòng Hiền Lương khác, không hẳn là Hiền Lương trong những bài giảng sách giáo khoa lịch sử và văn học. Chuyến củi ấy không thành công lắm, sau này tôi nghĩ vậy, bởi trong chuyến đi rừng dài nửa tháng, năm thằng trai biển phát sinh mâu thuẫn, đánh nhau đến toạc đầu, chảy máu, nhưng chúng tôi vẫn có được một thuyền củi đầy mặp... bán đủ tiền nộp vào năm học mới...

Nhiều năm sau tôi mới dám nghĩ rằng, lịch sử đôi khi chẳng nói lên điều gì cụ thể, tất cả chỉ là khái niệm, còn những con người, số phận? Tất cả đã bị lịch sử, với lời lẽ to tát ghi dấu thời đại vùi lấp. Bây giờ, số phận của mỗi một trong năm đứa chúng tôi thủa ấy đã rất khác xa... Trong bức tranh toàn cảnh của quá khứ - hiện tại trên một vùng đất nhiều biến cố, cuộc thăng trầm của năm thằng chúng tôi chỉ là những điểm màu không nổi bật. Cuộc tao ngộ năm xưa ấy trên dòng Hiền Lương đã ghi vào một trang nào trong toàn bộ tiến trình đời sống mỗi đứa chúng tôi?

Mười lăm ngày chui rúc, vất vả trong rừng, ba trong năm thằng tham gia “trận chiến” sứt đầu mẻ trán, nhưng cuối cùng, chúng tôi đã chuyển củi ra đến Bến Tắt để xuôi thuyền. Mặt sông quãng này đã thoáng, vì nằm rừng lâu ngày, trước cái rộng rãi bất ngờ của sông, nổ máy, cả năm thằng dong thuyền xuôi về biển, hét vang cả dòng sông: “Hơ hơ... ơ... Ha ha... a...”. Sông vọng lại: “Hơ... ơ... Ha... a...”. Và nắng vàng, nắng xiên khoai chếch sau lưng râm ran như kiến đốt. Tôi ngồi quay lưng lại phía núi, thôi, tạm biệt chuyến đi rừng đầu tiên của đời tôi đã ghi một dấu ấn hoang dã. Chuyến đi đã cho tôi một số nhận thức mới, mà trong những năm qua, tôi bịt bùng trong hơn hai ngàn cuốn sách ba tôi đem về, và khối kiến thức mô phạm của các thầy cô giáo vây kín tôi giữa trận đồ bát quái thật giả, trắng đen, cao cả và thấp hèn. Dòng sông vẫn chảy, tiếng máy thuyền vỗ nhè nhẹ vào không gian tĩnh lặng. Tôi là cái đứa hay nghĩ ngợi nhất trong bọn, nhưng những suy nghĩ ấy cũng đã làm sức vóc tôi mệt nhoài. Ngủ thiếp đi trong nắng chiều sông xôn xao, trên sạp thuyền, trong cơn say sóng dìu dịu, khi tỉnh dậy, rụi mắt, đã thấy bóng dáng chiếc cầu sắt Hiền Lương đằng xa kia rồi. Chỉ mới mười lăm ngày ở rừng mà giờ gặp lại, thấy chiếc cầu như thân thương nhiều hơn... Bấy giờ cầu đã già nua, ọp ẹp lắm rồi. Người về lễ hội quá đông, chen lấn, mắc kẹt trên cầu, không nhích được một bước. Cầu gãy đấy! Ai đó thốt lên, thế là tranh nhau qua cầu, lại càng thêm mắc kẹt. Một em bé trượt chân, rơi thẳng xuống dòng sông! Và tất nhiên, một thanh niên không nghĩ ngợi, quẳng lại trên sàn gỗ cầu chiếc đồng hồ “Pôn-Dốt” tròn, cũ kỹ, lao ngay xuống sông cứu em bé. Sau này tôi được biết, anh thanh niên đó là học sinh Trường cấp 3 Hồ Xá về cắm trại bên sông.

BN. nói tôi là con người của những dòng sông, theo chị, là bởi tôi có duyên khi kể chuyện về sông suối, tôi cũng không dám tin đó là sự thật, chỉ mơ hồ nghĩ rằng, quả là khi nói với một người nào đó, về một miền quê nào đó, tốt nhất hãy kể về con sông nơi đó. Tất cả mọi dòng sông trên đất nước Việt thân yêu này, đều mang trong mình một đời sống, một dòng chảy hàng thế kỷ. Chạm  vào sông là chạm vào lịch sử, bề dày năm tháng vinh quang và đau khổ, không nguôi biến động, vật đổi sao dời. Trầm tích lòng của sông, chính là Thời Gian. Tôi đã nói với BN. như vậy...

Cầu Hiền Lương hôm đó vào lễ hội mừng ngày Tổ quốc thống nhất,  trọn vẹn một nhà, nước non liền một dải. Một quãng sông tưng bừng, người và cờ, biểu ngữ, thuyền trôi như mắc cửi, người ta tổ chức ca bài chòi, đua thuyền, hò đối đáp trên sông. Hôm ấy tôi bắt gặp những ánh mắt xăm xoi dò hỏi của bao người bên sông và trên sông, khi chúng tôi chở củi chui qua gầm cầu. Sao, giữa một ngày vui trọng đại này lại đi rừng chặt củi? Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, không còn ngày nào nữa hay sao? Không biết đến truyền thống, lịch sử của quê hương đất nướcsao? Nhưng khi nhìn rõ chúng tôi chỉ là một lũ nhóc, một lũ học trò nghèo, những ánh mắt có phần tha thứ. Thuyền chúng tôi lạc lõng giữa Hiền Lương cờ hoa lễ hội hôm ấy. Cái mặc cảm mình là người ngoài cuộc còn theo đuổi tôi nữa trong một thời gian, đến mấy chục năm sau...

Sau đó, cuộc sống tôi có nhiều biến động. Tôi đã vấp những sai lầm nho nhỏ, những mộng tưởng huyền hoặc như lớp sương xa lãng đãng trên mặt sông buổi sớm chớm đông. Tôi ảo vọng ngay cả trong từng giấc mơ, cho đến khi nhận ra đã quá lãng phí một thời gian quý giá.

Từ cái ngày ấy trên dòng Hiền Lương, đã trải qua một khoảng thời gian hai chục năm để mỗi người trưởng thành thực sự. Hai chục năm nước vẫn chảy dưới chân cầu. Sự bào mòn của nước, dẫu có được ghi nhận bằng các máy móc công trình hiện đại, vẫn không thể sánh với sự đo đếm, cảm nhận của người. Tôi đã thử cảm nhận ngay chính bản thân mình trong những nỗi đau khổ nhỏ bé của riêng tôi, như khi những người tình đầu tiên đi qua cuộc đời. Trong những đêm ấy, tôi ra ngồi ngoài bờ sông nghe nước lên dào dạt. Sông khoả lấp tôi trong âm thanh đời sống lan toả mênh mang. Sông, đã hoá giải những nỗi buồn riêng tư... Từ cái ngày ấy, tôi đã trở thành một con người khác, đến nỗi bạn bè cũng phải thốt lên, hoài nghi cho những cách ứng xử của tôi với cuộc đời...

Sông Hiền Lương,

Thế kỷ hai mươi.

Đó là một thế kỷ tuyệt vời của những phát minh khoa học, những cũng là thế kỷ khủng khiếp nhất của ngang ngược, bạo tàn. Hiền Lương đã chứng kiến cả hai thái cực đó của nhân loại. Bên kia bờ Nam, là một công trình khoa học bậc nhất dùng để giết người: hàng rào điện tử MắcNamara! Đạo đức, triết học và tất cả những gì tương tự tưởng như đều vô nghĩa trước sự thật máu người vẫn đổ đêm đêm... Máu đỏ nhuốm lên hàng rào dây thép gai và những trái mìn có ngòi nổ kiểu bánh xe đồng hồ. Tôi hình dung những bánh xe đó như là cái âm bản chết chóc của bánh xe lịch sử vĩ đại. Những chiếc bánh xe đồng hồ  mìn Mỹ đã quay ngược lại tiến trình đi tới của nhân loại và không thể nào cứu vãn nổi sự sụp đổ tan tành của những âm mưu ngông cuồng. MắcNamara sau này đã thú nhận trong một tập hồi ký là đã sai lầm, rất sai lầm ! Chính ông ta và nhiều người như ông ta đã sai lầm trong cuộc chiến Việt Nam! Thế nhưng, đã có rất nhiều người lên tiếng, tại sao Mắc vẫn chưa có một lời xin lỗi người Việt! Phải, tại sao những dối trá khủng khiếp dẫn đến cái chết của hàng triệu sinh mạng, lại chỉ được thanh minh một cách trịnh  thượng, bằng một tập sách “bettselet” lợi nhuận cao? Cái hàng rào Mắc hiện đại bậc nhất ấy, chỉ một thời gian ngắn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là đã không còn dấu vết trên mặt đất. Tất cả những gì còn sót lại của Mắc nếu sử dụng được cho việc tạo dựng lại cuộc sống hoà bình, người Quảng Trị thâu nhặt hết về dựng nhà dựng cửa trên vùng đất thương tích của mình... Nhưng còn trong lòng đất, thì cái chết và khổ đau vẫn còn rình rập cho đến tận bây giờ, những năm đầu tiên thiên niên kỷ thứ ba. Bây giờ người ta không còn ngạc nhiên nữa khi biết rằng Đài truyền hình Quảng Trị có một chương trình độc đáo, phát hàng tuần, đấy là “Giáo dục phòng tránh bom mìn”. Người Quảng Trị, không thể để trí óc mình thiếu đi một chút kiến thức cơ bản về bom mìn, để hoá giải những nỗi đau còn tránh được? Mấy chục năm qua, không ngày nào Quảng Trị vắng tiếng bom mìn phát nổ, người vẫn tiếp tục nằm xuống bởi chiến tranh!

...Lũ năm thằng chúng tôi, mãi gần hai mươi năm sau mới có được một lời xin lỗi về vụ đánh nhau trong một khu rừng thượng nguồn Hiền Lương năm nọ. Sau một thời gian dài biệt tăm, lang bạt giang hồ chi xứ, tình cờ gặp lại bên vỉa hè phố xá Sài Gòn hào hoa tráng lệ, điện thoại, rồi tụ tập nhau lại, một chai rượu nghèo, nhìn lại trên vai mình, đứa nào cũng hao gày năm tháng, âu lo và buồn bã. Đứa sửa HonDa, đứa lái máy cẩu, đứa làm thợ in... Trong một lúc, năm thằng ngồi lặng yên, mặc cho kỷ niệm trôi chảy như những đám lục bình đang trôi chảy ngoài sông Sài Gòn trước mặt. Rồi một thằng lên tiếng, sao không nói với nhau một lời xin lỗi? Trong một lúc, cả năm thằng tức thở! Ôi chao, kỷ niệm buồn, lẽ nào cứ đeo đẳng, như mối nợ tiền kiếp? Rồi tự nhiên, cả năm thằng thầm thỉ hát nhè nhẹ bài “Câu hò bên bến Hiền Lương”, hỡi chim hãy dừng, cho ta gửi đến phương xa vời. Hò ơi... Dù cho bến cách sông ngăn, dễ gì chặn được duyên anh với nàng... Ôi chao, nhớ nhà kinh khủng. Cả năm thằng biệt xứ đã lâu, có đứa sớm vương vào tình yêu, ra đi đã có một người con gái âm thầm chờ đợi, nên bài hát, dẫu là của một thời đất nước cắt chia vẫn như còn rất đúng tâm trạng. Nhưng rốt cuộc, cũng chỉ mình tôi trở về, đơn giản là vì tôi học nghề công binh, dò phá bom mìn. Còn nơi nào trên đất nước này nhiều bom đạn, mìn, vật liệu nổ như Quảng Trị quê tôi... Tôi quay về như một lẽ tự nhiên của đời sống, như khi người ta qua sông rồi thì phải nhớ lúc chưa qua, qua được sông này, một dòng sông khác đã hiện ra trước mặt...

Tôi về giữa buổi chiều ngập nắng trên sông. ánh sáng lấp loá trên gương mặt sông hiền lành trôi chảy. Xe qua cầu Hiền Lương lồng lộng gió nồm và tiếng sóng rào rạt. Hình như bờ bên kia đã lở thêm một quãng, mà bờ bên này chẳng thấy bồi thêm? Tôi thẩn thơ, tự gặm nhấm trong mình một quy luật triết học, ấy là, nơi này có một người ra đi thì nơi kia có một người đoàn tụ. Chỉ riêng tôi trở về nhưng còn bốn người bạn tha hương, đất khách quê người. Có lẽ, chẳng lúc nào lòng bạn nguôi nỗi dằn vặt mình đã không có mặt trong những ngày tháng cam  go, vất vả của quê hương trằn mình ra khỏi chiến tranh và đối mặt với bao nhiêu khó nhọc vừa qua. Và cái mặc cảm mình là người ngoài cuộc lại một lần nữa chảy đến trong tâm hồn. Lũ bạn tôi từng nói, thế hệ chúng tôi luôn đứng ngoài cuộc vận động lớn lao của lịch sử, chúng tôi sinh ra khi chiến tranh đang vào hồi kết cuộc, và rồi mỗi đứa một phương mưu sinh, kiếm sống... Như là dòng Hiền Lương đã chảy, đang chảy và sẽ chảy... Tất cả đã được đóng đinh, mặc định, không thể nào khác được. Bạn tôi ơi, hãy nghe một câu nhạc Trịnh, sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?... Một tấm lòng và một đức hi sinh, chỉ cần thế thôi là bạn có thể đi đến và uống nước của bất cứ dòng sông nào, vượt qua bất cứ sông nào mà hoà nhập vào dòng chảy vĩ đại của lịch sử.

BN. chất vấn tôi, rồi những bạn bè của chị cũng rất thắc mắc, là tại sao tôi chọn nghề công binh dò gỡ bom mìn rồi tự dưng lại “nhảy” sang nghề khác? Trong một đêm trăng biển Cửa Tùng, tôi cũng tự hỏi mình như vậy. Tại sao nhỉ? Quảng Trị bây giờ đang rất cần những người làm công việc này, giải phóng đất đai - tư liệu sản xuất của nhân dân. Tất cả các công trình xây dựng đều phải dọn sạch mặt bằng trước khi đào hố móng. Việc tôi tự dưng đổi nghề đã làm Chủ nhiệm công binh  tỉnh đội rất giận dữ. Ông là một người đã gắn trọn đời với bom mìn, bê tông, cốt thép. Ban đầu ông nghi ngờ phẩm chất đạo đức của tôi khi tôi quyết định như vậy. Ông là người tốt bụng, ngay thẳng, nóng tính. Ông quát: “Quân đội cho mi học thành tài để về phá bom, phá mìn phục vụ quê hương, răng mi phụ lòng? Mi sợ chết à? Mi muốn nhàn thân à, mi ra ngoài nớ viết báo, đua làm răng được với người ta cháu ơi! Phải chịu cực khổ, hiểm nguy mới mong có ngày vinh quang chớ!”. Ông nói với tôi thật lòng như người cha nói với ngưòi con. Còn tôi, chẳng phải vì sợ chết, chẳng phải muốn nhàn thân mà đổi nghề. Có điều chi đó, hình như nó đã mặc định nghiệp chướng tôi từ những ngày là chú học trò bịt bùng trong hơn hai ngàn cuốn sách ba tôi mang về. Cái ngày mà tôi nghĩ trên đời này chẳng có gì quý hơn bốn thùng đạn B40 chất đầy sách của riêng tôi. Tôi đọc trong sách, thấy những chân trời chiến tranh và hoà bình,  những cuộc đời rộng mở, những vĩ nhân và tiểu nhân... Và cái buổi chiều nắng vàng nắng xiên khoai ngồi trên thuyền củi đầy mặp xuôi dòng Hiền Lương, tôi đã bắt đầu mơ màng đến một cuộc dấn thân nhiều bất trắc, chỉ riêng tôi... Những bất trắc nhưng không như mỗi lần tôi dẫn bộ đội hành quân đi dò mìn là mạ tôi bày hoa trái, thắp hương khấn Trời Phật phù hộ độ trì tôi đi chân cứng đá mềm, đừng có trái mìn nào phát nổ khi tôi làm nhiệm vụ...

Chúng tôi hành quân qua nhiều miền quê cát trắng tưởng chừng như rất đỗi tinh khôi, tinh khôi đến mức khó có thể hình dung rằng nơi đó từng trải qua cuộc chiến khốc liệt. Cát đã xoá nhoà dấu vết, chỉ lòng người là chưa thể một sớm một chiều lành lặn vết thương. Đơn vị tôi trú quân trong một làng nghèo Hải Lăng, tôi đã gặp  người thượng sỹ nguỵ quân  cũ, với mục đích liệu ông ta có thể cho biết đôi chút về tình hình bố trí mìn của quân Mỹ trước đây, trên địa bàn vừa là chiến trường xưa vừa là quê quán của ông. “Ông thượng sỹ” là người đàn ông có đôi mắt u uất buồn, dáng nho nhã, hỏi ra mới biết từng đã học triết học và lịch sử năm thứ ba ở Huế, bị bắt lính. Ông nói: “Thưa ông sỹ quan, tôi chỉ là quân tiếp vụ, trước cũng có qua lại vùng này nhưng thông tin mà ông cần thì quả thực là không biết. Nơi đây là vùng giao tranh dữ dội, chà đi xát lại nhiều lần của cả hai bên, bom đạn, mìn các loại không thể thống kê vì bố trí không quy luật...”. Nói chuyện về ông, tôi nhớ đến bộ phim “Miền đất không cô đơn”, có hình tượng nhân vật tên ác ôn chế độ Sài Gòn đã bất hợp tác khi cách mạng tìm đến hắn, nhờ hắn cung cấp bản đồ bố trí mìn của giặc, để ta dễ dàng hơn, ít đổ máu thêm trong công cuộc hồi sinh, xây dựng cuộc sống mới. Sau cùng, hắn phải trả giá bằng cái chết của chính vợ con hắn. Một cuộc biến động của lịch sử đã thức tỉnh lương tâm  nhiều người. “Ông thượng sỹ”, tôi tin không phải người như vậy. Bởi bằng chứng là cô con gái rượu của ông đang ngồi thêu đằng kia – Lạy Phật, sao xinh đẹp quá chừng! “Thưa ông sỹ quan...”. “Tôi còn ít tuổi, xin ông cứ gọi bằng tên!”, tôi khẽ nói chen ngang vào câu chuyện ông kể về quãng đời tuyệt vời của ông thời còn là sinh viên Huế. “Thưa, không chi mô, ông... anh chỉ huy à!”. Từ lúc ấy, tôi bắt gặp cô bé thoáng nhoẻn cười tinh nghịch và ánh mắt rất trong. Từ buổi ấy, cô bé cũng gọi tôi là “anh chỉ huy”, như người cha không may mắn của cô đã gọi tôi. Phải, biết đâu không có cuộc chiến chia lìa vừa qua, ông đã trở thành một giáo sư đại học, hay chí ít cũng là một người trí thức? Hai chúng tôi, một già, một trẻ, một sĩ quan Quân đội nhân dân và một thượng sỹ ngụy quân cũ ngồi nói chuyện với nhau nhiều đêm, về mọi thứ trên đời. Tôi vẫn thích nghe ông kể về lịch sử, lai lịch vùng đất này, về những đồ gốm cổ của người Chăm vùi sâu trong cát cùng những quá khứ xa xăm thanh bình và biến động...Và vẫn đằng kia là cô bé xinh đẹp ngồi thêu hoài thêu hoài... Hỏi sao không đi chơi với bạn bè, sao không học bài, Huế? “Là tại vì Huế thích nghe cha và “anh chỉ huy” nói chuyện”. “Chuyện người lớn, biết chi mà nghe lỏm!”. “Không biết mới thích nghe đó, “anh chỉ huy” cấm ư?”. Không không, tôi dại chi mà cấm một người đẹp đêm đêm thêu hoài thêu hoài và ánh mắt rất trong đằng kia. Một buổi sớm mùa xuân. Một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân. Em thơ ơi chiều nay học hành, trong sân chơi bạn và thầy im lời. Cầu Trời Phật cô bé kia không phải là Huế! Chúng tôi phát tuyến dò mìn mãi về Cửa Việt, không còn dịp nào trở lại vùng quê nghèo cát trắng ấy. Vậy mà tôi lưu luyến mãi một điều gì khó gọi thành tên. Hôm chia tay rất vội, cô bé đi học về chạy ra nơi tập trung vừa lúc xe chuyển bánh, đứng vẫy tay chào các anh lính công binh cho đến khi mất hút cuối làng. Thế hệ chúng tôi không có hận thù! Phải chăng cát, với sự bền bỉ trí tuệ tuyệt vời đã hoá giải mọi lời nguyền?

Đã có những lần tôi từ Đông Hà qua Dốc Miếu trong đêm trăng. Đây là một quả đồi cực kỳ lợi hại về quân sự, là trận địa pháo quân Mỹ năm xưa nã đạn sang bờ Bắc... đã có rất nhiều bộ đội ta hi sinh. Dốc Miếu nay sầm uất hơn bởi những hàng quán đón khách tốc hành, một nghĩa trang liệt sỹ ngày nào cũng lồng lộng gió bốn phương. Rừng cao su tốt xanh lạ kỳ, tôi biết, nhiều lần là nguồn cảm hứng của các nhà nhiếp ảnh Quảng Trị... Còn gì có thể điển hình hơn, là rừng cao su chênh chếch trong một ánh nắng “ven”, và tán lá xanh rầm vĩnh cửu để gửi gắm vào đó, tụng ca cuộc hồi sinh vĩ đại trên vùng “đất chết”? Từ Dốc Miếu, phóng tầm mắt về phía Bắc, thấy vệt sáng mờ trong ánh trăng bạc, đấy chính là Hiền Lương. Năm 1998, đã có một chiếc cầu Hiền Lương mới bằng bê tông cốt thép được bắc qua, song song với chiếc cầu sắt già. Đèn cao áp sáng lung linh soi rõ gương mặt sông, chỉ có cầu sắt già vẫn chìm trong bóng tối. Nhiều tình nhân đã dừng lại trên cầu để tự tình. Tất cả họ rồi sẽ cùng qua cầu, qua sông, vào Nam hay ra Bắc, hay cũng có những tình nhân vĩnh viễn chia lìa từ chính nơi đây?

Vậy là, sau khi bị Chủ nhiệm công binh “quạt” một trận tơi bời về đạo làm người, tôi đã thêm một lần nữa ra đi... Chủ nhiệm dúi vào tay tôi ít tiền: “Cho mi đi đường uống nước...”. Tôi cầm tay ông, bàn tay của người đã đi qua cuộc chiến vừa qua và hôm nay tiếp tục đối mặt với một cuộc chiến chết chóc khác ẩn sâu trong lòng đất. Tôi thầm xin ông tha thứ cho sự nông nổi của tôi, nếu có thể gọi là như vậy... Sáng tháng Tư, trời Quảng Trị sáng trong, dòng Hiếu sáng trong và trên cánh đồngAn Lạc đã thấy người thu hoa chuẩn bị cho ngày lễ Toàn Thắng... Xe qua Hiền Lương, trong tôi bỗng thức dậy tiếng hét to không âu lo ngày nào trên thượng nguồn của lũ học trò: “Hơ hơ... ơ... Ha ha ... a...”, tiếng sông vọng lại: “Hơ... ơ... Ha... a...”. Xe qua Quán Hàu, sông Nhật Lệ... Xe qua phà Gianh, sông Gianh ... Xe qua đèo Ngang... Đến chiều, hoàng hôn, lờ mờ bóng núi, rụi mắt đã thấy dòng sông Lam trước mặt. Thành phố lên đèn.

                                                                               Tháng 4 năm 2002

T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 92 tháng 05/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground