Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trường Sa và bè bạn

Đ

êm giữa đại dương thật muôn trùng huyền bí.

Chiều muộn, tàu ra khỏi quân cảng Cam Ranh thì gặp bão xa. Biển động, sóng tung tràn trắng xóa trên boong tàu. Tàu HQ 936 neo gần một đảo chìm, và dù dải san hô chạy dài hơn chục cây số đã chắn đỡ những cơn sóng lừng đại dương, nhưng vẫn đủ sức làm con tàu một nghìn tấn lắc lư, chao đảo. Cảm thấy trên đời này cái gì cũng quá bé nhỏ, mong manh…

Trên boong tàu, các thủy thủ câu cá suốt đêm. Cá chuồn ngợp ánh đèn pha phóng thẳng lên boong, thủy thủ chỉ việc nhặt bỏ vào sọt, để rồi sau đó làm mồi câu các loại cá lớn như cá thu, cá bò, cá hồng. Bữa trước thủy thủ câu được con cá sú hơn tám chục ký, tiếc thay lại không ăn được vì loại cá này lượng đạm rất cao, ăn vào dễ rối loạn tiêu hóa! Chú cá sú nằm thườn trên boong, hai mắt mở to, ngơ ngác nhìn ánh đèn pha chói gắt và không hiểu vì sao… Thủy thủ lại tiếp tục quăng mồi, sóng vẫn tiếp tục đánh dạt trắng xóa, tàu vẫn lắc dữ dội. Cơn bão đi qua hướng Philippin làm chết hàng trăm người. Mấy ngày qua tàu chạy vòng tránh bão đến hàng trăm hải lý, thay đổi hải trình…

Tốc Tan là đảo chìm. Tốc Tan là bãi san hô tuyệt vời để chắn sóng, là "vùng biển bình yên", nơi lý tưởng để tránh bão, tránh gió…

Đêm qua, bất ngờ thấy cây bàng quả vuông trên đảo Phan Vinh nở hoa vào hồi mười giờ đêm. Bàng quả vuông cũng giống như nhiều loài cây khác, như quỳnh hương, nở hoa vào một giờ nhất định, hương hoa thơm lừng. Từng cánh hoa trắng muốt, như ren như chỉ thêu thiếu nữ e ấp rồi bừng nở giữa đêm khuya. Gió biển mạnh quá, thổi bạt hương hoa bay giữa nghìn trùng. Làm sao có thể giữ được đôi chút hương hoa bàng vuông ấy mang về đất liền so với quỳnh hương trong một đêm thu se lạnh, nơi ban công nhà nàng tràn đầy mộng mị, để mà thấy rằng cái đài các kiêu sa bên cạnh cái phong trần biển cả?

Đã gần hai mươi ngày lênh đênh trên biển, bao nhiêu ước muốn, bao nhiêu dự vọng ở đất liền tạm gác lại, chỉ còn biết có sóng, gió, bão bùng... Chợt hiểu vì sao lính biển ít khi nói về dự định ngày mai. Mọi câu hỏi phóng viên đặt ra khi về đất liền anh/bạn/đồng chí sẽ làm gì, đều chỉ nhận được câu trả lời là một nụ cười nhỏ. Không bao giờ trả lời không phải là không có câu trả lời, chỉ vì biển cả khôn lường, sóng gió bất an, chẳng ai muốn nói trước bất cứ điều gì, và hơn nữa, phóng viên anh ta chỉ cưỡi ngựa xem hoa, vài giờ lên đảo gặp gỡ trò chuyện sao thấm được cái tình, cái nghĩa người ta hàng năm trời gắn bó keo sơn… Mấy lại, phóng viên là cái loài hay hỏi, cái gì cũng hỏi từ điều đơn giản tưởng như ai cũng biết rồi cho đến những điều phức tạp không ai biết; và có khi hỏi một đằng nhưng mục tiêu lại là điều khác nên lính biển dè chừng… Lính biển đã gặp gỡ quá nhiều nhà báo, phóng viên, lính biển cũng đã đọc quá nhiều bài báo viết về họ. Phóng viên, tự bản thể đã mang trong mình niềm kiêu ngạo nghề nghiệp và lính biển muôn đời vẫn sống bằng niềm kiêu hãnh của riêng mình…

Có vẻ như càng ngày phóng viên thấy lính biển càng trầm lặng, ít nói. Chẳng hiểu tại sao? Có phải vì cuộc sống đơn độc, chỉ dăm mười người trên một hòn đảo chìm quanh năm suốt tháng, họ đã quá hiểu nhau, biết nhau nên không cần thêm sự truyền thông bằng lời nói? Lớp lính mới đến thay quân thì ồn ào, náo nhiệt, còn những tay lính biển cũ, trầm trầm như chiếc bóng in đậm lên vách công sự bê tông. Cả đàn chó đông đúc ở đảo chìm Tốc Tan cũng vậy, chúng chỉ sủa hoắng lên một lúc khi có người lạ đặt chân lên đảo, còn lại, chúng… trầm ngâm! Thế nhưng lính đảo cho biết lũ chó giúp canh gác, bảo vệ đảo khá chu đáo, đêm chúng nằm ghếch mõm, đánh hơi trong tiếng biển gầm gào bất cứ thứ tiếng động lạ, hơi lạ nào để báo động cho lính đảo.

Buổi sáng, thức dậy trên đảo chìm Tốc Tan từ hồi kẻng bảo thức. Phía đông chân trời rạng màu đỏ ối, gió nhẹ mơn man. Thềm san hô nước xanh như ngọc trải dài, từ điểm A đến điểm C là 3,5 lý (hải lý = 1,82km), đến tiếp điểm B thêm 4  nữa. Mỗi điểm đảo là một, hai ngôi nhà nhỏ nhưng rất vững chãi. Thềm san hô lồi lõm, tạo thành những lòng hồ mênh mông, nước xanh ngăn ngắt. Bên ni bên nớ cách nhau dăm bảy cây số nhưng cũng phải khi nào có việc mới gặp được nhau. Phải có lệnh của đất liền mới được xuất xuồng CQ, đi lại giữa các đảo hay tổ chức đẩy đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền.

Xuồng CQ chạy với tốc độ 18 lý một giờ, lướt băng băng trên lòng hồ bình yên… Đáy lòng hồ rất đa sắc màu bởi được kiến tạo nên bằng thảm san hô mỗi ngày mỗi thay đổi. Chưa bao giờ nhìn thấy cái màu xanh ngọc bính tuyệt vời như thế, ấy là những nơi đáy hồ lấp đầy bởi cát trắng tinh, phản chiếu màu xanh dịu dàng đại dương. Xuồng chạy, rẽ sóng hất lên ướt rượt cả người. Cố giấu chiếc máy ảnh nhỏ vào sâu trong túi quần để còn mà tác nghiệp. Mà thực ra, chỉ cần vượt qua những con sóng lừng, những đợt gió mùa Đông Bắc lê thê trên boong tàu lắc lư dữ dội, và những cơn mưa giông quất rát mặt, rồi bước chân lên một hòn đảo chìm tí xíu, đã cho phóng viên bao nhiêu là thông tin rồi đấy. Có bao nhiêu câu chuyện rất hay nghe trộm được từ lính đảo, có bao nhiêu vấn đề nữa tận mắt chứng kiến cũng chưa thấy ai nói đến, nhưng tiếc thay… Bữa nọ, Thiếu tá Dũng thuyền trưởng mời lên giao lưu trên ca-bin. Gia đình thuyền trưởng có truyền thống hải quân, và vợ sinh con gái thứ hai được một tuần thì thuyền trưởng nhổ neo ra biển.  Phóng viên ngồi trò chuyện với cánh sĩ quan trẻ, nói về biển cả, về Tổ quốc và về mọi thứ, phóng viên chợt nhắc đến vài vấn đề nhạy cảm nho nhỏ, các sĩ quan trẻ ngồi im, thẫn thờ liếc mắt ra ngoài xa, khi đó hoàng hôn đã buông xuống giữa đại dương ngập tràn màu tím ngắt… Ôi Trường Sa! Người là Tổ quốc, Người là quê hương! Với chúng tôi, con dân nước Việt đã ngàn năm đánh giặc, thứ quý nhất trên đời là Độc lập, Tự do, chúng tôi hiểu và chúng tôi thề xả thân giữ vững Trường Sa trước phong ba bão táp…

Điểm B đảo Tốc Tan có một bàn thờ nhỏ, nơi tưởng vọng 5 chiến sĩ hải quân đã bị bão cuốn trôi năm nào. Thắp nén nhang, khói cuộn vòng day dứt luẩn quẩn không bay đi được, dù cho gió đại dương ngờm ngợp thổi. Trưởng đoàn khấn một lời giản dị, rằng các đồng chí sống khôn thác thiêng, dù thể xác các đồng chí không tìm được nhưng hương hồn các đồng chí vẫn còn mãi nơi đây, các đồng chí hãy phù hộ độ trì cho anh em đảo chìm Tốc Tan chân cứng đá mềm, bền gan, vững chí chắc tay súng giữ vững hòn đảo chìm đã từng nhuốm đỏ máu người Việt này… Nữ phóng viên khóc, những chàng lính trẻ mới ra thay quân cũng khóc. Lấy cánh tay quệt nước mắt, nước mắt cũng mang vị mặn mòi của muối đại dương.

Tự dưng được thèm tắm biển Trường Sa. Mùa gió chướng, nước chảy mạnh quá. Với kinh nghiệm từng ở đảo, phóng viên lân la hỏi các chiến sĩ nơi đảo chìm này vị trí nào tắm biển an toàn nhất? Chàng lính trẻ quê Hải Phòng thủng thẳng: "Với chúng em thì điểm nào cũng an toàn, còn với các anh thì phải hỏi chỉ huy!". Quả đúng thế thật, chỉ huy đảo lướt nhìn phóng viên một lượt từ đầu đến chân như thể đánh giá sức khỏe và khả năng bơi lội, rồi ấn định vị trí tắm cho phóng viên là dưới chân cầu tàu, đồng thời cắt cử hai chiến sĩ cảnh giới hai đầu, đề phòng phóng viên bị dòng biển chảy mạnh cuốn mất.

Bước chân lên thảm san hô trơn tuột, mấp mô, rồi ùa vào làn nước trong xanh Trường Sa, cảm thấy như thềm san hô đang dịch chuyển, quẫy động không ngừng. Bãi đá ngầm BC là như thế, cứ mỗi năm bãi đá lại nhô lên một tí, tưởng như nhìn thấy được. Lính ta chạy xuồng ra đánh cá, tàu lạ cũng cho xuồng ra quan sát, ta cho xuồng về, tàu lạ cũng cho xuồng về… Phóng viên mạnh dạn lặn xuống xem xét cái lồng sắt nuôi thực phẩm tươi sống của lính đảo chìm. Bao nhiêu là ốc biển to bằng cái ấm tích ở trong ấy, và tuộc (bạch tuộc), cá mú, cá hồng lính biển nuôi giữ. Có khách đến, một chú tuộc, dăm chục chú ốc đã được đưa lên xử lý.

Gặp lại bạn cũ trên đảo chìm Trường Sa là một điều quá bất ngờ. Vừa bước chân lên cầu tàu, phóng viên bị ai đó nắm chặt vai. Cái bàn tay lính biển chắc nịch và không quẫy ra được, ngẩng mặt lên, thì ra ông bạn cũ đã mười lăm năm nay bặt tin. Và đêm ấy trên đảo chìm, sau phần liên hoan chung toàn đảo, phóng viên được bạn dẫn về góc nhỏ phố nhỏ. Đấy là một thuật ngữ lính đảo đặt ra để chỉ những cuộc liên hoan riêng, nhỏ với vài người bạn thân. Những cút rượu nhỏ nhỏ, xinh xinh chứa trong những cái chai vốn dùng đựng dưa chuột muối, ngâm đẻn, hải sâm và nhiều sản vật Trường Sa nữa. Cứ mỗi thứ, bạn ép phóng viên làm ba chén. Say thật rồi! Và kể chuyện, và tâm tình và gọi điện cho bao nhiêu người bạn cũ… Bạn nói bữa trước nghe tin con gái năm tuổi ở nhà bị tai nạn giao thông, ở ngoài biển khơi giông tố này lòng bạn như có lửa đốt. Gọi điện về con gái vừa qua ca phẫu thuật nằm trong bệnh viện. "Con đau lắm ba ơi, con đau lắm ba ơi! Ba về với con đi, sao ba đi lâu về thế?". Khi bạn lên đường ra Trường Sa con gái mới ba tuổi, bạn cũng không thể hình dung nổi bây giờ nó lớn như thế nào. Bạn chỉ nói được một câu, rằng con chịu khó nhé, chỉ vài bữa vết thương lành rồi khi nào ba về ba tặng con con ốc biển đẹp lắm! Rồi bạn tắt máy, ra đứng ngoài ban công nức nở một mình. Và ngay lập tức, gió biển Trường Sa dào dạt thổi lau khô ngay hai hàng nước mắt chàng lính đảo phong trần…

Nhưng con ốc biển rất đẹp mà bạn hứa sẽ mang về cho con gái ấy, bạn đã tặng cho phóng viên! Phóng viên ngại ngần không dám nhận, nhưng bạn cứ dúi vào tay: "Ông cầm đi, không phải tôi tặng ông mà tặng con gái năm tuổi của ông! Phần con gái tôi sẽ tìm con ốc khác. Trường Sa thiếu gì ốc. Cầm đi, cầm đi!". Phóng viên cầm con ốc biển Trường Sa tuyệt đẹp trên tay, nghe như có tiếng gió đại dương ù ù qua đó. Hai con gái bé nhỏ của chúng ta, bạn à, chúng sẽ lớn lên thành thiếu nữ, rồi có thể chúng sẽ yêu thương những chàng lính biển, rồi cũng có thể chúng sẽ đến Trường Sa vào một thời gian nào đó sau này, và cái con ốc biển hôm nay bạn kỳ công lựa chọn tìm kiếm và trau chuốt kỹ càng đó, thể nào cũng gieo vào trí óc thơ ngây của chúng một kỷ niệm, một mơ ước dịu dàng…

Rượu đẻn ngấm rồi, chung chiêng chung chiêng như là say đất, nhưng phóng viên vẫn phát hiện được chiếc phong bì ghi tên người gửi là một cô giáo, còn người nhận thì không phải tên bạn mình. Thắc mắc thì được trả lời rằng đó là tên một người bạn nữa ở quân cảng Cam Ranh. Chỉ có gửi thư theo kiểu trung chuyển như thế thì mới nhanh đến được chồng mình… Chia tay bạn, phóng viên tự hứa khi về đất liền sẽ in những tấm ảnh chân dung rất đẹp của bạn rồi gửi cho gia đình bạn ở quê. Những tấm ảnh chân dung lính biển Trường Sa dù tay máy có kém đến đâu, thì cũng rất dễ đẹp, miễn là khéo chọn được cái bối cảnh biển trời nước mênh mông và đừng để ngược sáng. Sắp tết rồi, bạn sẽ về nhà mình bằng những tấm ảnh chân dung này nhé...

Tạm biệt điểm A, phóng viên được xuồng CQ chở sang điểm C Tốc Tan. Đấy là một ngôi nhà nhỏ, chật, chung quanh có nhiều lỗ châu mai. Lính đảo tất bật chuyển hàng hóa lên đảo. Nặng nhất vẫn là những cỗ máy phát của Viettel. Nơi đây Viettel đặt một trạm phát sóng BTS, phủ sóng cho một góc Trường Sa. Đảo chật, lại thêm bố trí máy móc cồng kềnh càng thêm chật chội, tưởng len chân không khéo là rơi tõm xuống biển… Lính đảo bận rộn, mãi lâu mới kéo được chàng thượng úy đen nhẻm ra một góc… Như thường lệ mọi câu phỏng vấn khuôn sáo và rỗng tuếch là đồng chí tên gì, ra đảo lâu chưa, tăng mấy rồi nhỉ? Phóng viên thôi hỏi mà tiết lộ rằng mình cũng từng là một tay lính đảo, thế nên mới được chàng thượng úy nói khe khẽ rằnghoàn cảnh gia đình em khó lắm anh ạ. Hai vợ chồng có một con trai ba tuổi mắc ung thư máu, hiện đang nằm bệnh viện huyết học Tp. Hồ Chí Minh, mẹ nó vốn là kế toán một công ty nay bỏ việc ôm con nằm điều trị dài ngày… Cứ vài ngày tốn chừng dăm triệu tiền thuốc, bết lắm anh ạ. Em ở đây thì chẳng tiêu pha gì, được đồng lương nào dồn hết về chữa bệnh cho con. Thế nhưng cũng nợ hơn trăm triệu rồi… Ra đảo tăng hai từ bữa tháng 7-2010, trước khi lên tàu anh em trong đơn vị quyên góp ủng hộ cho được bảy triệu tư, cầm gói tiền ra bưu điện gửi vào bệnh viện cho vợ mà lòng rưng rưng. Mà anh ơi, thằng con trai em nó nhớ em lắm anh ạ, nghe vợ em nói nằm trong phòng bệnh điều trị cứ có người đàn ông nào đến thăm người nhà cùng nằm viện, là nó chạy đến ôm chầm lấy, gọi "Ba! Ba! Ba!"… Anh ạ, em động viên vợ em rồi, có khó khăn gì em ở bệnh viện cố xoay xỏa một mình, để anh ở ngoài này còn có thêm đồng lương mà chữa bệnh cho con, chứ nếu anh xin về thì còn vất hơn nữa đấy. Anh ạ, dù đã nhận thức được như thế rồi nhưng nhiều khi đơn độc quá, vợ em nó cũng trách đấy… Ông bà hai bên đều nghèo cả, các em lại còn đang ăn học, cũng chẳng giúp được gì. Phóng viên ghi cho chàng thượng úy địa chỉ của Đại tá Trần Văn Thà, một lương y từng chữa nhiều người mắc bệnh nan y thành công bằng thuốc đông y, hiện sống ở số 62 Phù Đổng, thành phố Nha Trang. Và tự hứa với mình sẽ viết riêng một bài báo nhỏ về trường hợp này, những mong bạn đọc quyên góp ủng hộ giúp chàng lính biển chữa bệnh cho con…

Trong đời mình có bao nhiêu lời hứa, tự hứa, đến nay sơ kết lại không phải là không có điều hứa mà không thực hiện được. Những lí do khách quan, chủ quan, và cả sự quên lãng, vô tâm. Nhưng giữa biển cả xa xăm mù khơi này, lính đảo ít hứa với nhau lắm, nhưng đã nói một lời là như đinh đóng cột, như một lời thề. Bởi biển cả khôn lường, giông gió triền miên, không tin nhau, không dựa vào nhau làm sao sống được…

Từ Đá Lớn, tàu chạy vòng tránh bão qua Tốc Tan về tận đảo Phan Vinh. Suốt hải trình, thuyền trưởng Dũng hết ra vào ca-bin nhìn trời nhìn mây nhìn con nước, từng cơn sóng lừng như mái nhà bổ xuống… Khẩu lệnh ngắn gọn, điềm tĩnh của anh dẫn dắt con tàu nghìn tấn đến nơi an toàn. Nhìn trên màn hình GPS, thấy tọa độ đứng chân là những con số màu xanh chỉ vĩ độ gần xích đạo hơn vĩ độ Tp. Hồ Chí Minh. Cấu tạo thềm san hô đảo Phan Vinh và thời tiết ở đây có những đặc thù, khiến sóng rất lớn… lại phải chuyển một khối lượng lớn hàng hóa lên đây, trở thành vấn đề đau đầu với các thủy thủ. Thuyền trưởng Dũng điều khiển toàn tàu vào vị trí thả neo một cách điệu nghệ, đúng vào nơi độ sâu chừng ba chục mét. Phóng viên hỏi sao không neo chỗ kia sóng yên hơn? "Chỗ đó sâu năm trăm mét, anh ạ. Còn chỗ kia kìa, dịch ra một chút về hướng Tây Nam, bốn nghìn mét!". Vùng này nhiều cá mập lắm đấy, và dòng biển có xoáy ngầm dữ dội. Thảo nào phóng viên nhìn thấy bao nhiêu là gỗ, củi cứ như từ dưới đáy biển trồi lên, xiêu giạt.

Hôm đó, đúng ngày 22 tháng 12 năm 2011, kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân, khẩu phần ăn toàn tàu nhân ngày lễ được tăng cường một con cá diêu hồng cho mỗi mâm sáu người. Và không ai nghĩ rằng tàu phải neo tại đây đúng một tuần vì sóng lớn, không chuyển hàng lên đảo được…

Cho đến sau một cơn giông, trời bỗng dưng sáng ra, biển lặng yên như nước trong hồ, toàn tàu khẩn cấp hạ xuồng chở hàng và người lên đảo thay quân. Rồi đến giữa đêm, thuyền trưởng hạ lệnh nhổ neo chạy về đảo chìm Núi Le… Và trước đó, dạ tiệc nhỏ ngay trên boong tàu, chào năm mới và tạm biệt Phan Vinh. Hát say sưa bao nhiêu tình khúc Trịnh Công Sơn và hát về biển… Phóng viên ôm guitar lắc lư cùng nhịp sóng, bàn tay trìu mến trên phím đàn buông từng giai điệu đã quá lâu rồi không nhớ đến... Ký ức năm xưa cùng đồng đội trong những cánh rừng miền Đông Nam bộ, những cơn mưa rừng, những đêm hành quân trĩu nặng chợt ùa về xôn xao trong ký ức:"Mưa rơi mưa rơi, mưa thấu chăng đêm nào, mưa tuôn rơi nhanh như vô tình ngăn cách, chiếc hôn ban đầu và câu chuyện tình yêu…".

Tiếng guitar bập bùng, hòa trong tiếng biển khơi thầm thì lời Mẹ đại dương vĩnh hằng và bao dung…

 

                                       Núi Le, Trường Sa ngày 31-12-2011

T.H

 

 

 

 
TRẦN HOÀI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 209 tháng 02/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

21 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground