Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ Củ Chi đến Vịnh Mốc

A

o ước mãi rồi tôi cũng đã đến được với đất thép Củ Chi, quê hương địa đạo kiên cường, bất diệt trong suốt 30 năm kháng chiến thần thánh của dân tộc chống đế quốc xâm lược. Rời thành phố Hồ Chí Minh tấp nập sầm uất và phồn hoa tráng lệ chừng 60 km, du khách sẽ đặt chân lên quê hương địa đạo và được sống trong một bối cảnh, một không gian sử thi, huyền thoại của những tháng năm kháng chiến hào hùng.

Hệ thống địa đạo Củ Chi gồm có hai khu vực, đó là địa đạo Bến Đình và địa đạo Bến Dược. Ở Củ Chi, địa đạo được hình thành sớm nhất là vào năm 1948, trong lòng đất của hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, về sau lan rộng sang nhiều xã khác. Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, phong trào đào địa đạo ở Củ Chi phát triển rất mạnh, nhất là đầu năm 1966, khi Mỹ đem sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ” mở cuộc hành quân lớn mang tên Crimp nhằm càn quét, đánh phá vùng căn cứ cách mạng và đưa sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đến lập căn cứ Đồng Dù. Đến năm 1967, khi quân Mỹ mở cuộc càn Cedar Falls vào vùng “Tam giác sắt” hòng triệt phá căn cứ, tiêu diệt lực lượng cách mạng, hệ thống địa đạo Củ Chi đã đạt tổng độ dài lên đến trên hai trăm km. Về Củ Chi, du khách ngỡ như cầm giữ được thời gian, cầm nắm được không gian lịch sử của một thuở “Máu và Hoa”, đau thương mà anh dũng, dù chiến tranh đã lùi xa hàng thập kỷ. Cảm nhận đặc biệt và độc đáo đó có được ở du khách, phần lớn là do ở khâu bảo lưu, gìn giữ và phục dựng, làm cho các yếu tố gốc của di tích trở nên sinh sắc, sống động trong vẻ vẹn nguyên lung linh, bất tử của nó tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Đến với Khu di tích địa đạo Bến Đình hay Bến Dược, du khách đều được bắt gặp những anh giải phóng quân mang sắc phục màu xanh, mang chiếc mũ tai bèo “dễ thương như một bàn tay nhỏ, chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, ...mà xông xáo mà tung hoành ngang dọc” (Tố Hữu), những cô du kích Củ Chi mang áo bà ba đen, khăn rằn vắt vai, đấy chính là những nhân viên quản lý di tích Củ Chi trong trang phục truyền thống của một thời oanh liệt, sẵn sàng dẫn du khách bước vào chiêm ngưỡng thế giới huyền thoại Củ Chi. Trong một sớm mai dưới sắc trời Củ Chi xanh thắm, dưới sắc cây rừng Củ Chi xanh thẫm có từng tia nắng vàng xuyên qua lộng lẫy, tôi đã được một anh “du kích” Củ Chi dẫn đi thăm lại những căn hầm bí mật che giấu cán bộ, bộ đội ta, những hầm chông mai phục quân thù. Anh thành thạo gạt từng xác lá để mở nắp hầm cho tôi xem, rồi thành thạo khoả từng xác lá để che kín hầm lại. Bên những lối đi trong rừng Củ Chi, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những hình sáp tạc những anh bộ đội, những cô du kích mang dáng vẻ tươi tắn, lạc quan, sẵn sàng xuất quỷ nhập thần. Sau khi dạo một vòng trong rừng, tôi bắt đầu tạm rời thế giới trên mặt đất để chui xuống địa đạo. Trước khi xuống địa đạo, tôi và những du khách khác đã bước vào hội trường để nghe một cô “du kích” Củ Chi giới thiệu qua về đặc điểm địa đạo Củ Chi và xem một đoạn phim tư liệu về Củ Chi đánh Mỹ. Qua nghe giới thiệu bằng sa bàn và xem phim, tôi hình dung ra địa đạo Củ Chi là một hệ thống đường hầm chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất sâu, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, từ đường “xương sống” (đường chính) toả ra nhiều nhánh, có nhánh trổ ra sông Sài Gòn để thoát hiểm. Giặc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn hiểm độc hòng triệt phá địa đạo Củ Chi như: dùng nước phá địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” (loại lính công binh nhỏ con), dùng chó béc giê, xe cơ giới phá địa đạo, gieo cỏ Mỹ phá địa hình nhưng địa đạo Củ Chi vẫn trụ vững và phát triển. Chui dưới đường hầm hẹp, phải cúi khom người, có lúc tưởng chừng nghẹt thở nhưng tôi chẳng ngại ngần và còn được tiếp thêm sinh lực khi tự hào nghĩ rằng sức mạnh Việt Nam, vấn đề tại sao Việt Nam thắng Mỹ vẫn là một câu đố bí ẩn đối với người Mỹ và du khách nước ngoài. Ra khỏi cửa địa đạo, tôi lên ngồi nghỉ trên hầm địa đạo đặt trước cửa. Trên hầm, có bàn ghế cho du khách quây quần ăn sắn luộc, uống nước chè xanh, những món ăn, thức uống dân dã gợi nhớ một thời cọng rau bẻ nửa, củ sắn chia đôi, đậm đà nghĩa tình kháng chiến. Sắn luộc và chè xanh được nấu từ bếp Hoàng Cầm giấu khói. Hèn gì, trên đường trở ra, băng qua rừng Củ Chi, tôi bắt gặp đó đây, trên những đám cỏ còn đẫm sương mai, từng làn khói trắng từ bếp Hoàng Cầm lan toả là là mặt đất, những làn khói kín đáo giấu mình trong làn sương sớm, thương người Củ Chi kiên cường đánh giặc, khói đã hoá thành sương! Nét đặc sắc trong việc gìn giữ, khai thác di tích có hiệu quả tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đó là khả năng tái hiện, phục dựng không gian chiến tranh, không gian lịch sử độc đáo như vậy đó. Tôi hỏi anh Đặng Văn Thuyên, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và được biết, tại Khu di tích này đã và sẽ có nhiều không gian được tái hiện là không gian vùng giải phóng, không gian trước năm 1965, lúc chưa bị địch tàn phá, không gian giai đoạn 1965 - 1968, không gian vùng trắng..., khu giải trí với tổng mức đầu tư trên hai mươi tỷ đồng.

Trong không gian lịch sử huyền thoại Củ Chi, các sản phẩm du lịch phục vụ du khách cũng mang tính độc đáo riêng, góp phần đánh thức ký ức lịch sử Việt Nam trong tâm tưởng du khách. Quầy lưu niệm bày bán cho du khách những món hàng đặc biệt như mũ tai bèo, những chiếc bật lửa được làm từ vỏ đạn, những hàng lưu niệm nhỏ xíu khác được làm từ mảnh bom, đạn cối. Ở nơi này, nơi kia trên thế giới, máu vẫn chảy vì khủng bố, vì chiến tranh “đổi máu lấy dầu”. Ở Củ Chi, Việt Nam, những vỏ đạn đế quốc xâm lược nay được dùng làm hàng lưu niệm cho du khách. Du khách muôn nơi, trong đó có du khách nước ngoài càng hiểu hơn cái giá của Hoà bình và Tự do, trong thế giới hiện đại vẫn còn những bất ổn khó lường. Tiếng súng vẳng lên trong trường bắn ở Củ Chi mà du khách bắn đi hàng ngày chỉ là tiếng súng thể thao, tiếng súng tiêu khiển, tiếng súng không chảy máu. Do tạo nên sự phong phú trong việc tái hiện lịch sử, sự phong phú về các sản phẩm du lịch, Khu di tích địa đạo Củ Chi đã có sức thu hút mạnh đối với du khách, mỗi năm có trên bảy trăm ngàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.

Được sống với thời gian, không gian lịch sử Củ Chi, trong tôi lại dấy lên một nỗi nhớ địa đạo Vịnh Mốc đến lạ lùng. Củ Chi - Vịnh Mốc, hai địa đạo nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giờ đều cùng trở thành những địa chỉ du lịch độc đáo, hấp dẫn hiếm có trên thế giới. Là một địa chỉ của DMZ tour nổi tiếng thế giới, địa đạo Vịnh Mốc là điểm có sức thu hút du khách vào bậc nhất của Quảng Trị. Điều đáng nói là khả năng thu hút du lịch của địa đạo Vịnh Mốc còn có thể tăng lên hơn nữa, khi việc gia cố, tôn tạo di tích này được hoàn chỉnh, khi trên đất Vĩnh Thạch có thêm nhiều sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo và khi ngành du lịch Quảng Trị vươn lên tham gia điều phối được nguồn khách DMZ tour từ Huế ra. Quá trình gia cố, tôn tạo di tích địa đạo Vịnh Mốc, tái hiện không gian lịch sử Vịnh Mốc diễn ra nhiều năm nay để phát huy hơn nữa hiệu quả khai thác di tích. Có thể nói, cũng giống như địa đạo Củ Chi, hệ thống địa đạo Vịnh Mốc là một “toà lâu đài” bằng đất với nội thất phong phú bên trong như: bố trí ba tầng, có nhà hộ sinh, bệnh xá, hội trường, giếng nước...đủ sức bảo toàn và nuôi lớn “sức mạnh Việt Nam” khiến cho du khách nước ngoài phải kinh ngạc và thán phục. Nhưng về mặt tái hiện không gian, thời gian sử thi, về mặt mở ra phong phú các hoạt động dịch vụ, các sản phẩm du lịch bổ trợ để làm tăng hiệu quả khai thác di tích, có lẽ Vịnh Mốc cần sớm tìm hiểu và học theo cách làm của Củ Chi. Những nhân viên tổ quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc có cần mang trang phục của bộ đội, du kích Vĩnh Linh thời đánh Mỹ hay không? Có cần sớm tổ chức phòng chiếu phim tư liệu về đất thép Vịnh Mốc cho du khách hay không? Đó là những việc rất đáng quan tâm. Cần có những sản phẩm du lịch, những mặt hàng lưu niệm đặc thù nào của Vịnh Mốc, của Quảng Trị dành cho du khách? Tôi đem niềm trở trăn này gửi cho chị Lê Thị Tố Hoài, tổ trưởng tổ quản lý di tích địa đạo Vịnh Mốc, chị bộc bạch:

- Hàng lưu niệm bán cho khách là mấy ấn phẩm giới thiệu di tích đôi bờ Hiền Lương, làng hầm Vĩnh Linh, là mũ tai bèo đặt ở Huế đưa ra. Hàng lưu niệm chưa có cái đặc sắc, cần phải tìm người biết cách làm. Năm trước, chúng tôi cũng đã đi học tập cách làm của Củ Chi.

- Thế còn các dịch vụ khác, chẳng hạn như ăn uống, giải khát cho du khách vẫn đang còn thiếu. Vậy khách xoay xở thế nào?

- Buổi trưa, khách ngồi ăn ở nhà trưng bày. Đa số khách bới đồ ăn theo, ngồi ăn trên xe hoặc cạnh gốc cây. Nói chung, các dịch vụ cho khách ở đây còn chậm - Chị Hoài nói.

Chợt nhớ có lần gặp anh Nguyễn Bình, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, nghĩ tới Vịnh Mốc trong mối liên tưởng với Củ Chi, tôi hỏi anh về việc có thể mở ở Vịnh Mốc một dịch vụ bắn súng thể thao như ở Củ Chi được không, anh cho biết: “Mở dịch vụ như thế là được. Vấn đề là phải phối hợp với Huyện đội Vĩnh Linh chẳng hạn, về mặt chuyên môn. Nguồn thu được phân chia cho các bên phối hợp”. Được biết, Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh đã soạn thảo một phương án khai thác kinh doanh dịch vụ tại các di tích trong tỉnh, trong đó có địa đạo Vịnh Mốc. Mong cho con đường từ phương án đó đến hiện thực được rút ngắn và có tính khả thi cao.

Dĩ nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, cho nên không ai lại đi so sánh kinh doanh du lịch ở Vịnh Mốc với Củ Chi bao giờ cả. Điều đáng lưu ý là khác hơn và khó hơn Củ Chi, Vịnh Mốc không nằm gần trung tâm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước như Củ Chi. Đã vậy, kinh doanh du lịch ở DMZ tour nói chung, ở địa đạo Vịnh Mốc nói riêng còn gặp phải một vướng mắc lâu năm chưa tháo gỡ được, đó là vướng do phụ thuộc nguồn khách từ Huế, nơi “đầu nguồn” lữ hành, vướng do tình trạng tư nhân cạnh tranh thu hút khách khá quyết liệt ở Huế, làm phá giá gốc. Tôi nhớ câu chuyện chị Hoài kể với giọng buồn buồn và tiếc nuối: “Có những ông khách Tây ra Vịnh Mốc thích đi tắm biển nhưng lái xe không cho đi. Đi địa đạo mà giống như đi chạy giặc vậy. Vì trong đoàn có một ông khách Tây phải vào Huế cho kịp giờ ra sân bay, lái xe lo vào nhanh cho kịp, trễ giờ bay sẽ bị Tây đền. Có người xin ra tắm biển hai phút, chỉ mới ngụp một cái đã phải lên xe, người còn ướt đẫm lại bị lái xe rầy. Quảng Trị không làm chủ tua tuyến được, phải phụ thuộc quá nhiều”. Tổ chức tắm biển cho khách cũng chính là một hoạt động du lịch bổ trợ, tại sao không? Để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc như chị Hoài đã kể, đòi hỏi ngành du lịch Quảng Trị cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch Huế cùng tham gia điều phối đầu nguồn, vừa phải có một tổ chức hướng dẫn du lịch đủ mạnh, vươn lên làm chủ tua tuyến.

Sớm tìm cách thoát ra tình trạng còn nghèo nàn, đơn điệu trong khai thác di tích, trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, vận dụng thích hợp cách làm du lịch của các nơi, trong đó có Củ Chi, một mô hình có sức thuyết phục và hiệu quả cao, hẳn rằng một ngày không xa nữa, sức hấp dẫn du lịch của địa đạo Vịnh Mốc sẽ tăng lên bội lần, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch Quảng Trị.

N.H

NGUYỄN HOÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 235 tháng 04/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground