Đ |
ấy là một nơi có cái tên gọi khá dài mà theo cách nói hài hước của thầy Phan Văn Đản, giám đốc Trung tâm là “Một lần báo cáo hay bảo vệ dự án ở Bộ Giáo dục - Đào tạo tôi phải dừng lại “lấy hơi” mới đủ sức đọc hết cái tên dài dằng dặc ấy: “Trung tâm kỹ thuật - Tổng hợp - Hướng nghiệp - Dạy nghề tỉnh Quảng Trị”. Giờ thì đã là một cơ sở giáo dục hướng nghiệp có cơ ngơi bề thế bậc nhất của Quảng Trị, tọa lạc trên đường 9B, còn bốn, năm năm về trước… Hình như ký ức của tôi vẫn rất đậm nét hình ảnh của mấy dãy nhà cấp bốn xập xệ cạnh xưởng mộc UNICEF. Tôi nhớ rõ điều ấy bởi còn một ấn tượng khác: Năm 1991, lần đầu tiên Báo Quảng Trị được sắp chữ bằng vi tính tại tỉnh nhà (Trước đó thì sắp chữ chì hoặc mang vào Huế chế bản). Và cái nơi mà những chiếc máy vi tính được vinh dự trú chân đầu tiên ở Quảng Trị là những cái phòng “xập xệ” ở Trung tâm. Giờ thì máy vi tính đã quá quen với mọi người, có nhà còn sắm nó như một tiện nghi sinh hoạt, còn sáu năm trước, những chiếc máy XT đầu tiên xuất hiện ở Trung tâm hướng nghiệp- Dạy nghề (HN- DN xin gọi thế cho tiện) mang ý nghĩa của một cuộc “cách mạng” thực sự, và những người rất “i tờ” về tin học như tôi đã nhìn chiếc máy XT ấy với một vẻ mặt đầy kính nể. Nói chuyện “ôn cố” để “tri ân”- bởi câu chuyện về những máy vi tính đầu tiên về đây đã nói với ta cái ý nghĩa tồn tại đặc biệt của Trung tâm HN-DN trên mảnh đất nghèo cằn khô gió cát và khá xa lạ với máy móc hiện đại như Quảng Trị, dẫu rằng “vi tính” là “cái nghề” đang được xã hội “sủng ái” hôm nay, nhưng ở đây từ chỗ dạy vài nghề đến nay đã có mười sáu nghề với hơn 2.500 người theo học. Hành trình của Trung tâm HN-DN suốt mười ba năm qua đã ngày càng khẳng định vị trí của việc hướng nghiệp dạy nghề trong giai đoạn hiện nay - và không chỉ trong giai đoạn hiện nay, còn phải nhìn xa trông rộng hơn đến tương lai, cả thế ký 21 đang chờ trước mặt.
Khởi thủy của Trung tâm HN-DN chỉ là một đơn vị của Phòng Giáo dục Đông Hà, được thành lập từ năm 1983 - khi tỉnh Quảng Trị đang là một phần của Bình Trị Thiên, lúc ấy Trung tâm chỉ có vài căn nhà cấp bốn, có nhà còn lợp gianh với 8 giáo viên để dạy cho 200 học sinh các nghề may, mộc, điện dân dụng. Một sự hoạt động cầm chừng chưa thể tạo ra đột phá quyết liệt vào cái “thành trì” quen với “học” mà thiếu “hành”. Phải đến 1989, khi tái lập tỉnh, công tác HN-DN trong giáo dục được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa thể giúp cho Trung tâm tỉnh đảm trách trọn vẹn vai trò của mình. Một quyết định sáng suốt: Nhập xưởng mộc UNICEF vào Trung tâm HN-DN của Đông Hà để có một Trung tâm HN-DN mạnh cho tỉnh. Từ Trung tâm này sẽ tạo điều kiện để thành lập các Trung tâm HN-DN cho các huyện thị.
Thực tế cho thấy suốt cả một thời gian dài, chúng ta đã quá chú trọng đến việc dạy chữ cho học sinh mà quên mất một điều xã hội đang thiếu, rất thiếu những công nhân lành nghề, thợ bậc cao. Một xã hội sẽ như thế nào nếu chỉ có rất nhiều những nhà khoa học chỉ thí nghiệm nghiên cứu trong phòng máy mà vắng những công nhân áo xanh trong công xưởng, xí nghiệp. Với những quốc gia tiên tiến, thu nhập của một người thợ bậc cao, lành nghề cao hơn nhiều so với các giáo sư, tiến sĩ. Một nền kỹ nghệ mới đòi hỏi kỹ năng thực hành là điều kiện tiên quyết, tất nhiên không vì thế mà xem nhẹ vấn đề lý thuyết. Đáng tiếc thay, một thời gian dài giáo dục phổ thông dù có quan tâm đào tạo nghề song chỉ ở mức độ hình thức, mỗi tuần vài tiết mộc nề, lắp ráp một công tắc điện… Rời khởi ghế nhà trường, bước chân vào cuộc đời, trừ một số ít theo vào các trường đại học cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp, còn phần lớn học sinh trở nên lúng túng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Lại phải bắt đầu lại từ đầu, trong lúc đó, nhẽ ra với thời gian trên ghế nhà trường các cô cậu học trò thừa sức để học lấy một nghề đích đáng. Bởi thế, việc Trung tâm HN-DN ra đời không chỉ là việc bù đắp phần thiếu hụt đáng tiếc của giáo dục phổ thông trong một thời gian dài mà còn làm một cuộc cách mạng thực sự trong tâm lý học sinh.
Dõi theo bước đi của Trung tâm, không ai có thể phủ nhận một điều rằng Trung tâm đã phát triển bằng chính nội lực của mình. Ngoài việc dạy nghề phổ thông (hướng nghiệp) cho học sinh của mình, trung tâm còn đào tạo nghề cho học sinh chuyên ban của Trường Phổ thông Trung học Đông Hà, đào tạo nghề ngắn hạn ngoài xã hội, đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên kỹ thuật ở các cơ sở HN-DN khác. Công tác nghiên cứu khoa học gắn liền với việc sản xuất phục vụ cho dạy và học, ngoài ra Trung tâm còn dạy văn hóa bán công cấp ba có một số học sinh đặc biệt.
Có đến thăm những phòng dạy may, đan len máy, thêu máy, thêu tay, chế biến thực phẩm, làm bánh cho các buổi lễ, nghề mộc, tiện, gò hàn, sửa chữa xe máy mới thấy hết những cố gắng của thầy và trò. Có thể tất cả chưa to, đẹp, hiện đại như các Trung tâm “bè bạn” ở các thành phố lớn, nhưng đặt trong mối tương quan của Kinh tế-Xã hội tỉnh nhà phải thừa nhận Trung tâm HN-DN xứng đáng với lòng tin cậy của các học sinh và học viên. Theo thầy giáo Phan Văn Đản, có được điều này, có công lao không nhỏ của các ban, ngành cấp tỉnh và ngành giáo dục. Từ năm 1992, Trung tâm đã bắt tay cải tạo, nâng cấp xây mới cơ sở vật chất trường học hơn 600 triệu đồng. Đáng quý sao những tấm lòng người Việt xa quê vẫn canh cánh nhớ về một miền đất nghèo hiếu học. Chỉ vừa năm ngoái thôi, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu- Chủ tịch Hội Việt học ở Úc đã vận động quỹ hội tài trợ cho trường một phòng máy vi tính, một phòng “lap” học ngoại ngữ và phòng dạy nghề điện, điện tử cùng trang thiết bị cho phòng dạy thêm, dạy nữ công gia chánh… tất cả trị giá 400 triệu đồng. Tuy thế lớn hơn hết thảy chính là quá trình “tự vận động” của Trung tâm. Với ưu thế có sản phẩm tự dạy nghề, Trung tâm đã biến các sản phẩm ấy thành những trang thiết bị hiện đại hơn phục vụ cho việc dạy, học và sản xuất như máy photocopy, cưa vòng, một số xe máy cho các em thực hành sửa chữa trực tiếp. Giờ đây chỉ tính riêng trang thiết bị này đã có giá trị gần một tỷ đồng.
Không dừng lại ở mức dạy nghề đơn thuần, trăn trở tìm hướng đi thích hợp, đáp ứng yêu cầu của xã hội- đấy là một vấn nạn của nhà trường trong giai đoạn mới. Một ví dụ sinh động chứng minh cho sự “bứt phá” của Trung tâm là phối hợp với Đại học sư phạm thuộc Đại học Huế mở các lớp vi tính trình độ A, B với 292 người đang theo học, đồng thời mở lớp trung cấp tin học, hiện nay lớp trung cấp này có 70 học viên phần lớn là cán bộ công nhiên các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Với cách làm này Trung tâm HN- DN sẽ kịp thời “cung ứng” cho yêu cầu của thực tại những con người đủ sức đảm trách công việc cần đến tin học- vi tính ở đơn vị, cơ quan mình.
Hình như với thầy Đản, chuyện hướng nghiệp dạy nghề cho các em không dừng lại ở mức như một chức nghiệp, với thâm niên đáng nể: 38 năm trong nghề, từ thuở sông Bến Hải còn chia cách, năm 1958 thầy đã là giáo viên ở Vĩnh Linh, học trò của thầy có những người đã công thành danh toại, trở thành những cán bộ có học hàm học vị, đảm đương nhiều trọng trách của địa phương, ấy vậy mà theo dòng hối ức của thầy, tôi hình dung ra cái căn phòng nhỏ nơi Trường Cao đẳng Sư phạm Huế khi xưa dưới chân núi Ngự Bình, cái căn phòng có chiếc bàn nhỏ thầy vừa soạn giáo án để lên lớp cho sinh viên, vừa tranh thủ làm thêm với những chiếc máy đan len, bỏ mối cho hàng xuất khẩu nuôi con ăn học.
Vâng, đất nước đã qua những phen gieo neo và số phận đời người cũng truân chuyên cùng cuộc mưu sinh. Những chiếc máy dệt len của thầy Đản đã đỡ đần cơm áp cho vợ chồng con cái, cái nghề phụ dệt len ấy đã trợ lực cho đồng lương giáo viên còi cọc. Và từ đó cái ý nghĩ phải trang bị thêm nghề cho học sinh trở thành một cái gì như tâm niệm. Tấm lòng ấy được mở ra, giao hòa và tin cậy khi thầy gánh vác trách nhiệm vụ quản lý cái Trung Tâm Hướng Nghiệp Dạy Nghề của Quảng Trị.
Giờ có thể những ngày neo bần, phải gò lưng bên chiếc máy dệt len của thầy đã qua, nhưng những trang đời của học trò thầy hôm nay vẫn mở ra không ít thử thách. Qua những thầy cô ở Trung tâm HN-DN tôi được biết số học sinh vừa học chữ, học nghề ở trung tâm sau khi ra trường đã có thể tự lập cuộc đời với chính những kiến thức mà thầy cô ở Trung tâm HN-DN đã trang bị, có em làm thợ may, thợ mộc, có em thành thợ sửa honda… Rồi cùng với tháng năm, các em trở nên làng nghề, tạo dựng cơ đồ, gầy dựng cuộc sống. Đâu phải cuộc đời chỉ những ký sư “cổ cồn trắng”, làm một người thợ - Thật đơn giản là một người thợ, sống và phục vụ mọi người, một công dân tốt, ngần ấy thôi đã là một niềm vui cho xã hội.
Dẫu rằng những chặng đường đã qua của Trung tâm HN-DN đã gặt hái nhiều thành công nhưng đội ngũ giáo viên và học sinh vẫn chưa bằng lòng với điều đang có. Vẫn còn nhiều những khó khăn không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Mới tính sơ sơ nghề gò hàn và tiện thì chi phí nguyên vật liệu như tôn, phế liệu… đã ngốn một khoản tiền không nhỏ. Nghề sửa xe máy, để đảm bảo cho học viên học cần ít nhất 10 chiếc xe, cứ bình quân một chiếc theo thời giá hiện nay nhân lên cũng đủ… toát mồ hôi. Có thể những điều khó khăn kể ra sẽ có người nghĩ: Kêu cho có vẻ “hoàn cảnh” vậy thôi chứ một trung tâm tầm vóc như thế… Nhưng đó là sự thật không thể ở Trung tâm HN-DN Quảng Trị. Trong dự cảm về tương lai của nhà trường thầy giáo giám đốc Trung tâm có nói cho tôi biết ý đồ xây dựng nơi đây thành một trường dạy nghề hẳn hoi- như kiểu trường kỹ nghệ thực hành của các tỉnh bạn. Còn phần hướng nghiệp sẽ giao về cho chính các Trung tâm nhỏ, cấp dưới. Tất nhiên đây là một ý đồ rất tuyệt, suy cho cùng cuộc đời đã sinh ra chữ cái CUNG và CẦU cũng nên nói cho hết nhẽ rằng học sinh của ta có thế có nghề, học giỏi nghề nhưng khi ra trường sẽ về đâu? Về đâu khi mà chúng ta còn quá thiếu những nhà máy công xưởng, những cơ sở cho các em thực thi nghề mình đã học. Các thành phố lớn với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, một thợ có nghề, trình độ văn hóa đang là đòi hỏi bức thiết. Còn ta?
Có người cho rằng cứ dạy nghề cho các em. Ra trường với nghề trong tay, các em khắc tạo dựng được cơ nghiệp và chính cơ nghiệp ấy của các em sẽ góp lại làm sinh động hơn cái không khí công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thủ đô thị.
Tôi là người thích suy luận theo logic. Vì thế hành trình mười ba năm của một ngôi trường tranh tre nứa lá dạy lèo tèo vài nghề đơn giản cho vài chục em cho đến trường mới nguy nga, phòng ốc đầy đủ phương tiện, dạy nghề dạy chữ cho hàng ngàn người hôm nay đủ để tin rằng cơ đồ của Trung tâm trong vài ba năm tới trong dự phóng riêng mình sẽ còn lớn gấp bội. Hẳn nhiên không thể không nhắc thêm một điều mà thầy Đản nói với tôi lúc chia tay: Nghề cho học sinh - điều ấy đã trở thành chương trình bắt buộc cho các em học sinh phổ thông, nhưng sẽ trở thành khập khiễng mất nếu trong chiến lược phát triển công nông nghiệp của Quảng Trị không tính đến việc đào tạo một đội ngũ thợ lành nghề khi thế kỷ 21 đang chực chờ bên thềm năm 2000 trước mặt.
1-1996
L.Đ.D