Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về vùng đất học Hải Lăng

T

riết lý “Dân cường, Quốc phú” đã được dân tộc ta ý thức ngay từ buổi đầu lập quốc. Vì vậy, từ ngàn xưa việc học và khuyến học, vốn đã là vấn đề quan trọng được thể hiện trong ý chí của các minh quân và cũng là đạo lý tình cảm trong các cộng đồng dân cư. Vua Quang Trung từ khi mới lên ngôi đã ban “chiếu lập học” với lời khẳng định hùng hồn: “Việc xây dựng đất nước lấy khuyến học làm đầu. Việc trị quốc lấy tuyển nhân tài làm gốc”. Tấm gương sáng ngời của Bác Hồ trong thời đại mới về việc học đã cổ vũ và dẫn dắt chúng ta. Và hiện nay, nói như thầy Trương Sĩ Tiến - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị thì khi Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch nước kêu gọi: “Xây dựng cả nước thành xã hội học tập” vấn đề học và khuyến học thực sự trở thành một việc nóng hổi và bức thiết.

Trung tuần tháng mười hai, được tin tỉnh Quảng Trị chọn năm gia đình tiêu biểu trong phong trào khuyến học tham dự Đại hội biểu dương “Gia đình Hiếu học” toàn quốc lần thứ nhất tại thủ đô Hà Nội, tôi tìm về Hội khuyến học tỉnh, thầy giáo Nguyễn Văn Vượng thông báo cho tôi biết: Hải Lăng đang là huyện dẫn đầu phong trào Khuyến học trong toàn tỉnh. Tôi quyết định trở lại Hải Lăng. Mảnh đất vùng phía nam tỉnh Quảng Trị, từ xưa đã được Nhà Nguyễn sắc phong là vùng quê văn vật.

Đi qua hai cuộc kháng chiến thần thánh, Hải Lăng là vùng đất kiên gan đã làm nên bao sự tích anh hùng trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Người dân Hải Lăng không từ nan một trở lực nào để xây dựng quê hương. Việc học cũng thế, người dân Hải Lăng luôn trọng việc học, lấy việc học làm đầu, làm cơ sở tăng cường nguồn nhân lực cho xây dựng và kiến thiết quê nhà.

Ngay từ ngày mới giải phóng, khi những tàn dư văn hóa của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ để lại còn nặng nề, Đảng bộ Hải Lăng đã xác định: “Việc trồng người phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Phát triển giáo dục, nâng cao dần trình độ văn hóa của quần chúng nhân dân. Cải tạo trí thức cũ, đào tạo trí thức mới. Luôn nghĩ đến việc bồi dưỡng người tài để đáp ứng cho nhu cầu ngày một tăng của sự nghiệp xây dựng và quản lý đất nước”. Điều này, thế kỷ XV, tiến sĩ Thân Nhân Trung, một danh nhân chính trị, văn hóa, quê gốc Kinh Bắc đã viết trong bài minh bia (1484) rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và thịnh đạt, nguyên khí suy thì thế nước yếu và xuống thấp. Vì vậy, các bậc thanh đế, minh vương chẳng có đời nào là không lấy việc nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí là việc hàng đầu”… Hải Lăng đã biết theo lời người xưa để vận dụng vào hoàn cảnh huyện nhà hiện tại. Nhất là những ngày đầu mới chia tách huyện, cơ sở vật chất về GD - ĐT trở lại vạch xuất phát ban đầu. Đảng bộ và nhân dân Hải Lăng thực sự đã quan tâm đến giáo dục. Đầu những năm chín mươi, khi Hải Lăng được chia tách từ huyện Triệu Hải cũ, huyện đã đầu tư 12,6 tỉ đồng tập trung xây dựng cơ bản, trang bị cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Và cho đến bây giờ, trong Nghị quyết Đảng bộ huyện vẫn xác định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế xã hội. Chú trọng tư tưởng Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Và muốn huyện phát triển chỉ có thể tăng cường nguồn lực con người. Mà muốn như thế, trước hết con người phải có kiến thức văn hóa, khoa học kĩ thuật, kỹ năng sáng tạo nghề nghiệp, tự chủ mới thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện. Nhờ thế ngành Giáo dục huyện thực sự chuyển biến mạnh mẽ, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Từ con số không ban đầu, đến nay ở Hải Lăng mạng lưới trường lớp của các ngành học, cấp học thực sự phát triển đa dạng, cân đối, vững chắc, ngày càng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện. Toàn huyện có hai mươi mốt trường mầm non, hai mươi bốn trường Tiểu học, mười tám trường Trung học cơ sở, bốn trường Trung học phổ thoongw, một trung tâm KTTH hướng nghiệp, một trung tâm GDTX. Số lượng con em đến trường chiếm tỉ lệ cao. Hàng năm huy động 78% cháu mẫu giáo đến lớp, trong đó có đến 99,3% số cháu học mẫu giáo lớn chuẩn bị vào lớp một. Với hơn ba vạn người đi học. Bình quân trên ba người dân có một người đi học. Hải Lăng còn là huyện sớm nhất được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - Xóa mù chữ (năm 1992), đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở (năm 1999); năm 2003 được công nhận đạt chuẩn phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở theo tiêu chuẩn mới. Cán bộ chủ chốt các phòng ban hầu hết có hai bằng đại học chuyên môn và chính trị. Vào thăm thầy cô giáo Phòng Giáo dục huyện, nhân ngày Nhà giáo 20/11, tôi đã ghi vào sổ tay của mình những thành tích mà Phòng GD - ĐT Hải Lăng đạt được: “- Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba; - Bộ trưởng Bộ GD Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc về phong trào hai giỏi; Nhiều năm liền là đơn vị mạnh cấp tỉnh trong Giáo dục Đào tạo; - Nhiều bằng khen, giấy khen khác”… Trên nền Giáo dục của huyện hôm nay, với một bề dày thành tích như thế, Hải Lăng đã xây dựng được một phong trào học tập và khuyến học rộng khắp trong nhân dân. Những thành tích hôm nay về Giáo dục như thế được bắt từ mạch nguồn truyền thống hôm qua.

Sử sách ghi lại truyền thống hiếu học xuất hiện rất sớm ở Hải Lăng. Khoán ước của làng Phú Kinh xã Hải Hòa cách nay 300 năm đã khẳng định một điều rằng: việc mở mang học vấn, đào tạo người tài không chỉ là chủ trương trong các triều vua mà đó còn là nguyện vọng, tình cảm và đạo lý trong lòng dân. Khoán ước ghi: “Ai ai cũng phải học, học chữ, học nghề, học đạo lý làm người”. Hoặc “ Học trò nghèo chăm chỉ học được trợ cấp. Đi thi được cấp tiền gạo làm lộ phí nhằm giúp con em chú tâm vào đèn sách, ứng chí thành đạt…” Không chỉ có Khoán ước ở Phú Kinh mà nhiều làng xã, họ tộc ở Hải Lăng đã lập quỹ khuyến học bằng “học điền” để thưởng cho con em học hành đỗ đạt tạo nên một truyền thống tốt đẹp đến hôm nay. Ví như ở làng Câu Nhi, xã Hải Tân: “Những ai khai khoa tiến sĩ, bản xã làm lễ tạ tam sinh (lợn trâu dê), mừng mười quan tiền và gia thưởng ba sào ruộng”. Bây giờ ở làng Câu Nhi kế thừa truyền thống của các bậc tiền bối, nêu cao sự học, động viên cháu con cũng bằng chế độ “học điền”. Bác Bùi Xuân Kha, trưởng làng Câu Nhi, cháu đời thứ 21 của vị tiến sĩ khai khoa cho xứ Đàng Trong là ông Bùi Dục Tài, rạng rỡ kể với chúng tôi về truyền thống hiếu học của con cháu họ Bùi, của làng. Con cháu của làng học hành thành đạt cho đến bây giờ có trên 400 người là kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, hai giáo sư và nhiều phó giáo sư. Hàng năm làng đóng góp quỹ khuyến học tính theo đầu canh tác. Cứ một sào ruộng, nộp hai ki lô gam thóc. Con em học giỏi được thưởng tiền theo bậc học. Cháu nào học giỏi cấp huyện, tỉnh được thưởng 200 nghìn đồng. Riêng với họ Bùi, con cháu học giỏi được thưởng động viên 300 nghìn đồng, cao hơn phần thưởng của làng…

Các thế hệ nối tiếp con dân Hải Lăng luôn thể hiện tinh thần hiếu học của các bậc tiền nhân. Có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào và bất cứ đâu, con dân Hải Lăng cũng luôn nêu cao sự học. Nhiều người con của Hải Lăng bằng trí tuệ và nổ lực của mình, họ lại làm rạng danh quê hương một lần nữa. Đó là những nhà khoa học, những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp đã đóng góp nhiều cho đất nước như: Nguyễn Hữu Mai người Hải Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ điện than; Nhạc sĩ Trần Hoàn quê Hải Tân (nguyên là Bộ trưởng Bộ VHTT, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó ban Tư tưởng văn hóa Trung ương được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lần đầu tiên); Thượng tướng Trần Sâm quê Hải Xuân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Trần Mạnh Quỳ, quê Hải Phú, lão thành cách mạng 30 - 31, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi; Thượng tướng - Tiễn sĩ Nguyễn Khánh Toàn, quê Hải Tân, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, v.v… cùng nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, cán bộ cao cấp, nghệ sĩ, doanh nhân khác.

Nối tiếp truyền thống ông cha, lớp lớp học sinh sau này cũng có nhiều người học giỏi đạt giải quốc gia và quốc tế như: Hoàng Ngọc Chiến quê ở Hải Quế, đoạt giải ba toán quốc tế; Nguyễn Kim Phương ở Hải Vĩnh, đoạt giải nhất toán toàn quốc; Em Thái Ngọc Ánh ở Hải Quy, đoạt giải ba Olympic vật lý toàn quốc; Em Cáp Thị Thành ở Hải Xuân đoạt giải nhất Văn lớp năm toàn miền Bắc; Em Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở Hải Phú đoạt giải nhất Sinh quốc gia lớp 12; Em Lý Phương Sơn cũng ở xã Hải Phú học sinh lớp 11 nhưng đạt giải ba Tin học quốc gia lớp 12. Và hàng năm nhiều học sinh của huyện giành những giải cao cấp tỉnh. Tính đến nay có hơn năm mươi em đạt giải quốc gia và hơn một ngàn năm trăm em đạt giải cấp tỉnh.

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ngày nay, ở nhiều làng xã Hải Lăng, nhiều gia đình đã dành hết của cải để đầu tư cho việc học của con em, mong mỏi cháu con thành đạt, thành những tài năng nở rộ. Ví như gia đình ông Nguyễn Ngọc Huấn, một trong những hộ gia đình nghèo ở thôn Xuân Viên, xã Hải Dương, cha mẹ đều là lao động nghèo, có tám người con cả dâu, rể đều thành đạt trong việc học, người là bác sĩ, người kĩ sư điện, người kiến trúc sư, người giáo viên, người kỹ sư nông nghiệp… Gia đình ông là một trong năm gia đình vừa qua được tỉnh chọn tham dự Đại hội biểu dương “Gia đình Hiếu học” toàn quốc lần thứ nhất tại thủ đô Hà Nội. Trong bản báo cáo thành tích ông có nói rằng: “Xác định đầu tiên của gia đình chúng tôi, tri thức là vốn quý của con người. Có học mới nên người. Có học mới có hạnh. Từ đó mà chấp nhận mọi gian khổ để nuôi dạy con và cho con cái học tập đến nơi đến chốn”. Gia đình ông Bùi Công Đồng làng Câu Nhi xã Hải Tân có sáu người con thì năm người đã tốt nghiệp đại học và một cao đẳng. Còn gia đình bà Phan Thị Nhạn ở xã Hải Phú, có ba con đều vào đại học, trong đó người con đầu đoạt giải nhất quốc gia Toán lớp 12 và được tuyển thẳng vào đại học…

Trò chuyện với chúng tôi về phong trào khuyến học Hải Lăng, thầy Trần Đới, trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, Phó chủ tịch Hội khuyến học huyện cho biết: Truyền thống hiếu học ở Hải lăng đã có từ xa xưa, nhưng Hội khuyến học chính thức thành lập và Đại hội lần thứ nhất tổ chức ngày 22 tháng 12 năm 2002, nghĩa là mới được hai năm. Hiện tại Hội khuyến học Hải Lăng có một ban chấp hành và hai mươi mốt chi hội thành viên của hai mươi mốt xã. Hội đã liên tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động về phong trào khuyến học. Nhờ thế mà nhận thức trong nhân dân về tầm quan trọng của việc học và khuyến học đã được nâng lên rất nhiều. Họ thấy rằng khuyến học thực sự đã đem lại lợi ích thiết thực cho việc học, việc trau dồi kiến thức cho con em và chính bản thân họ. Vì thế mà phong trào đã thu hút, tập hợp được ngày càng nhiều lực lượng quần chúng, cá nhân có tâm huyết cho phong trào. Công tác khuyến học đã đi sâu vào mỗi cá nhân, từng gia đình, từng làng xã trên địa bàn huyện. Thông qua công tác khuyến học, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, giúp đỡ cho ngành Giáo dục phát huy được những mặt tốt, hỗ trợ có hiệu quả việc tháo gỡ những khó khăn trong công tác huy động, duy trì số lượng học sinh đến lớp cũng như đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Có nhiều xã một trăm phần trăm thôn làng thành lập Chi hội khuyến học như xã Hải Thượng, thị trấn Hải Lăng, xã Hải Phú, Hải Tân, Hải Ba… đưa tổng số chi hội các thôn làng lên 197 chi hội. Nhiều họ tộc đã thành lập ban khuyến học. Hiện nay có 156/580 họ tộc thành lập Ban khuyến học. Các chi hội khuyến học của các thôn làng, Ban khuyến học của các dòng họ đã hoạt động ngày càng có hiệu quả là nhờ có tổ chức, hoạt động có bài bản. Nhất là các chi hội khuyến học, ban khuyến học đều cử người đứng đầu huyện, xã, thôn xóm, dòng họ làm trưởng ban. Ví như ở huyện thì đồng chí Bí thư Huyện ủy làm chủ tịch danh dự hội. Ở xã thì bí thư xã. Thôn, xóm thì có trưởng thôn. Dòng họ thì có trưởng dòng họ. Ở các cấp trường học thì Hiệu trưởng làm chủ tịch hội. Cơ quan thường trực của huyện đặt tại Phòng Giáo dục đào tạo. Phong trào tạo thành một chuỗi xích hoạt động thông suốt từ hội về cơ sở. Và nhờ có bộ máy hoạt động đồng bộ đó mà công việc được giải quyết kịp thời, có hiệu quả và tranh thủ được sự giúp đỡ của tỉnh, của nhiều ban ngành, các tổ chức xã hội, cá nhân cho hoạt động khuyến học.

Trong những năm qua, phong trào khuyến học ở Hải Lăng hoạt động thực sự có hiệu quả. Các cấp hội đều xây dựng được quỹ khuyến học rất lớn. Đến nay, quỹ khuyến học toàn huyện đã có trên một tỉ đồng. Riêng hội khuyến học của huyện đã có tới 330 triệu đồng, nhiều chi hội, ban khuyến học có từ mười đến ba mươi triệu đồng, điển hình như Hải Tân, Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Thành, Hải Quế… Riêng Hải Thiện đã lấy chính sách “học điền” xưa để áp dụng cho chi hội như làng Đại An Khê, làng Lâm Xuân, hoặc xã Hải Tân có làng Câu Nhi… hàng năm có nhiều dòng họ chọn ngày giỗ tổ, hoặc những ngày lễ hội của làng để phát thưởng cho con em học hành đỗ đạt. Điển hình như ở Hải Thọ, Hải Thành… Họ Hoàng ở Hải Thành là một trong những dòng họ nổi bật trong công tác khuyến học, có quỹ trên một trăm triệu đồng. Dùng Từ đường của dòng họ để xây dựng tủ sách, tổ chức thuê giáo viên dạy ngoại ngữ cho con em trong dòng họ từ rất sớm, khi mà phong trào học ngoại ngữ trong cả tỉnh còn hạn chế cũng như thời điểm giáo viên ngoại ngữ còn rất ít. Ở thời điểm ấy, huyện Hải Lăng cũng đã có chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ” cho giáo viên Anh văn, bằng cách: Ưu tiên biên chế chính thức, cấp nguyên lương không qua thời gian tập sự và hỗ trợ một triệu đồng cho mỗi giáo viên ngoại ngữ về nhận công tác. Một triệu đồng bấy giờ mua được ba chiếc xe đạp là nguồn vốn rất có ý nghĩa đối với những giáo viên mới ra trường. Nhiều dòng họ cũng đã tổ chức xây dựng quỹ và phát triển đều đặn hàng năm như họ Phan, họ Nguyễn, họ Trần ở Hải Thọ, họ Văn Viết ở Hải Phú, họ Bùi ở Hải Tân, họ Đoàn ở Hải Quy… Cùng nhiều cơ quan, trường học đều làm tốt công tác khuyến học như Huyện ủy, UBND huyện, Mặt trận, trường tiểu học, trường THCS thị trấn…

Hội khuyến học huyện thường xuyên quan tâm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các em không vì khó khăn mà bỏ học, và khi đi học thì có điều kiện tốt nhất như hỗ trợ áo quần, sách vở, bút mực. Ngay từ những năm 1992, huyện đã tiến hành xây dựng “quỹ bảo trợ tài năng”. Lúc đầu chỉ có 70 triệu, đến nay quỹ đã có trên 330 triệu đồng. Hằng năm trích từ tiền lãi cộng với tiền hỗ trợ từ huyện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân để phát thưởng cho học sinh được tuyển vào đại học và học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, động viên, khích lệ rất nhiều các em trong phong trào tự học, tự rèn vươn lên học giỏi. Từ năm 2003, Hội đã tiến hành phân công đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó. Tiêu chí là: mỗi cơ quan đỡ đầu một học sinh khó khăn, bước đầu đã có năm em được đỡ đầu; mỗi xã đỡ đầu hai em; trường tiểu học đỡ đầu một em; trường Trung học cơ sở đỡ đầu hai em. Hội tìm kiếm các nguồn học bổng bằng cách tập hợp danh sách học sinh khó khăn, kêu gọi và tranh thủ sự giúp đỡ các tổ chức từ thiện để bổ sung nguồn quỹ Hội. Nhờ vậy mà nhiều học sinh nghèo học giỏi đã vượt qua được khó khăn. Một em học sinh nghèo thi đỗ đại học ở Hải Thượng đã nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng. Tổ chức từ thiện ở chùa Quán Thánh, Hà Nội hỗ trợ tám triệu đồng và một chiếc ti vi cho một học sinh nghèo ở Hải Quế…

Cùng với việc huy động quỹ, Hội khuyến học Hải Lăng còn có mô hình hoạt động hội phong phú, đa dạng. Nhất là việc xây dựng mô hình xã hội học tập ở cơ sở. Mô hình này còn được gọi là: Trung tâm học tập và sinh hoạt cộng đồng. Thông qua mô hình hoạt động này, các trung tâm khuyến học đã sử dụng hội trường hợp tác xã, trụ sở của UBND xã để hoạt động. Đến tại thời điểm này, toàn huyện đã có hai mươi bốn trung tâm. Ở mỗi TTHT & SHVH cộng đồng, được chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị hỗ trợ mười triệu đồng, chủ yếu là trang thiết bị bên trong như tủ sách, âm ly loa máy, bàn ghế, bảng đen và ba mươi đĩa CD bao gồm các nội dung về sản xuất, pháp luật, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng môi trường văn hóa… Nhờ những TTHT & SHVH cộng đồng phổ biến rộng rãi và kịp thời mà nhân dân khắp mọi làng quê được nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, về pháp luật, cũng như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng tốt môi trường văn hóa. Bộ máy hoạt động các trung tâm do UBND xã ra quyết định thành lập theo tinh thần tự nguyện. Huyện cử một ban chỉ đạo, tập trung các cán bộ đầu ngành. Nhờ có sự quan tâm sát sao của lãnh đạo huyện, từ bộ máy các trung tâm cũng như nhận thức của nhân dân ngày càng cao mà nhiều TTHT & SHVH cộng đồng có nội dung hoạt động hết sức đa dạng, phong phú.

Phong trào Khuyến học ở Hải Lăng phát triển thực sự là cả một quá trình nhận thức sâu rộng trong nhân dân. Phong trào tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho giáo dục phát triển. Động viên trên sáu mươi phần trăm nhân dân lao động được học tập, và là người bạn đồng hành xây dựng sự nghiệp giáo dục chính quy của nhà nước. Từ khi có phong trào khuyến học, phong trào thi đua học tập ở Hải Lăng thật sự khởi sắc. Mỗi một gia đình ý thức được niềm vinh dự khi con cái học tập tốt, có giải cấp huyện, cấp tỉnh. Từ đó mà thi đua nhau phát triển không ngừng sự học.

Thực hiện đường lối của Đảng “Xây dựng đất nước thành một xã hội học tập”, giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, “Giáo dục - Đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn Dân”, Hải Lăng đang là lá cờ đầu, là một xã hội học tập từ huyện đến xã, thôn làng, chi họ tộc đến gia đình, làm sáng ngời truyền thống con dân của một vùng quê văn vật.

Hải Lăng, tháng 12 năm 2004

T.S

Thúy Sâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 125 tháng 02/2005

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground