Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ven vùng sa mạc

Q

uảng Trị có hai vùng cát - cát trắng tinh như giấy trắng. Một vùng lớn, một vùng nhỏ. Vùng lớn gọi là Đại Trường Sa, vùng nhỏ gọi là Tiểu Trường Sa. Nếu nhìn theo địa lý thì cũng có thể là những sa mạc được. Đại Trường Sa chạy suốt cả bề dài tỉnh, lại là bề dài của biển. Chẳng có núi non, chỉ trừ một số vùng đồi đâm ngang ra biển tạo thành cái vịnh sau được gọi là Vịnh Mốc, nơi có địa đạo nổi tiếng trong thời chống Mỹ. Tiểu Trường Sa - vùng cát nhỏ chỉ nằm gọn khoảng từ múi thị xã Quảng Trị vào quá Diên Sanh một ít, khoảng hơn chục cây số. Một dãy làng viễn lớp cát Đại Trường Sa ấy như một dải đăng ten xanh để mở tiếp ra những cánh đồng.

Một vùng hoàn toàn không có sông suối, trừ những con khe nhỏ, nước trong vắt chảy từ lòng những đụn cát xuống, có khi là ranh giới của làng này, làng khác. Mùa hè nước chỉ ngang mắt cá chân, nhưng mùa mưa tháng tám, chín có thể trở thành những thác nước mạnh cuốn trôi cả cửa nhà cây cối. Nhưng vẫn là nước mưa, mước thấm, hỉ có thể là nguồn nước tưới cho cây cối, chứ không là đường nước giao thông được. Vì thế, vẫn giữ riêng một tính chất là một vùng khô cạn. Chính cũng vì thế mà đã có một cái chợ mang tên Chợ Cạn.

Quảng Trị có rất nhiều chợ - tinh nào mà chả thế - những chợ lớn, chợ nhỏ có thể kể tên: chợ tỉnh (chợ thị xã) chợ Sãi thành lập từ thời Chúa Sãi vương, chợ Phiên Cam Lộ, chợ Sòng, chợ Do, chợ Thuận, chợ Huyện (huyện Vĩnh Linh), chợ Cầu, chợ Diên Sanh. Nói chung chợ nào cũng được hình thành gần sông, để thuyền bè đi lại buôn bán. Thế nhưng chợ Cạn lại nằm trên một trục giao thông không sông nước, phục vụ cho một quần tụ đường kính phải đến năm, bảy cây số. Ngày ngày chợ họp với khách xa nhất từ Long Quang An Trạch, Lệ Xuyên hay gần nhất An Lưu, An Phó, Thượng Trạch - chả là chợ Đóng trên đất An Lưu và Thượng Trạch, chen giữa một khe nước. Hai chợ là một, bởi vì mỗi ngày đóng mỗi chợ, nhưng mang tên chung là chợ Cạn.

Chợ không có nhiều quán xá, hàng dãy như những chợ thông thường ta thấy. Chỉ mỗi vài ba nhà ở mỗi bên trở thành những cửa hàng tạp hóa để bán vài thứ hàng lặt vặt: bánh xà phòng, lít dầu, vài tờ giấy bổi, giấy quyến để quấn thuốc lá hút. Phía đất Thượng Trạch là vài người làng ra mở quán và trở thành dân chợ. Còn trên mảnh đất An Lưu là đôi người dân "ngụ cư" cũng trở thành dân chợ, vào buổi tối cho bà con ở gần. Họ có thể bán chịu, để rồi đến mùa lấy nợ bằng lúa đồng sản xuất, kể cả hàng thủ công của những vùng lân cận: chiếc rá, chiếc rổ, cái ghế, chiếc giường tre. Chả là Thượng Trạch có hai nghề chính: làm ghế mây và làm bún Đạo Đầu - bánh dầy, bánh ít và Phương Sơn - nghề tre, làm giường, làm chõng. Một Linh Chiểu có nghề bắt lươn - phải gọi là truyền thống bí mật, bởi vì cha chỉ truyền cho con trai nghề nghiệp và tài nang của mình thôi, chứ không sang nghề cho con gái sợ nhỡ con mình nếu lấy chồng nơi khác, nghề sẽ đến với anh chàng rể nơi xa lạ!

Ngày xưa đất nước cũng mất đi nhiều ngành nghề truyền thống do cái quan niệm hẹp hòi "sợ mất nghề" để đến cuối cùng khi người cha không có con trai nối dõi đành mang theo xuống đất những tài năng mà đến bây giờ nhìn lại những sản phẩm lưu truyền không tìm được cách khôi phục là thế! Đáng tiếc thay!

Chợ Cạn là một điểm trên cái diềm đăng ten xanh viễn cái dãy sa mạc trắng tinh cát. Vượt qua mảnh sa mạc ấy là dãy làng biển chuyên nghề cá, mực, nước mắm. Quanh vùng xem chợ Cạn là tụ điểm, nên chợ Cạn cũng có thể xem là chợ cá của vùng biển. Đêm, ngày thuyền về là nam, nữ gánh cá chạy, vượt qua hàng dăm dặm đường cát ấy - họ gọi là "chạy rỗi" để đến chợ, tỏa vào làng bán cá, đổi cá, (đổi bằng lúa). Đàn bà thì không phóng khoáng như đàn ông nên luôn luôn kín đáo. Còn đàn ông thì đi biển cũng như chạy rỗi có khi là trần như nhộng. Có khi họ dùng chiếc quần bọc hai ống lui phía lưng, còn phía cạp che cái phần quan trọng để truyền dòng giống hay là chiếc quần cứ thoải mái nằm trên những thúng cá. Vào gần làng, gần chợ họ mới trở lại là người "văn minh" được che đậy kín đáo.

Cũng cần thấy xa xưa, vải vó hiếm quý, đắt, có người không sắm nổi bộ áo quần nên thường mặc rách và vá víu. Chuyện có thật là có những cặp vợ chồng chỉ có một chiếc quần để đi ra ngoài thay nhau.

Cái vùng cát sa mạc ấy cũng đã biến đổi đôi chân người vùng biển. Họ chạy trên cát, họ đi trên cát quanh năm, suốt đời, nên tất cả đã có đôi chân chữ bát. Chỉ mãi sau này nhờ phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô, nên chắc chắn rằng  họ sẽ có dáng đi đẹp đẽ, thẳng đứng như những vùng khác.

Quanh vùng chợ Cạn là những cánh đồng trũng, nên cũng là một vùng cá đồng khá phong phú. Ngoài những tấm hồ ao tự nhiên, đến mùa lụt hình như tất cả cá ngạnh, cá chép đều tụ hội. Trên con đường chạy qua chợ Cạn ra thẳng Linh Yên, Long Quang với "tháng bảy nước nhảy lên bờ" là cá cũng đồng thời nhảy theo lên. Dân làng với những cái rập, một loại lưới úp cầm tay chộp lấy những nàng cá chép bụng đầy trứng dọc con đường có cái tên rất hữu nghị - đường Bạn... Chắc chắn tên của con đường là nói tắt hai chữ hạ bạn - miệt dưới, so với con đường miền trên - miền núi thường gọi là đường "thượng bạn".

Điều đáng nói của cái chợ Cạn là cái nôi tuồng hát bội của miền Trung đã được nổi tiếng với nhiều đào kép mà bây giờ chúng ta gọi là những nghệ sĩ.

Ở Thượng Trạch có những ông như Trần Luận từng được điều động vào phục vụ ở triều đình Huế, sau được ban chức tước đến nhất phẩm cũng ngang với ông Trần Lạn, người An Lưu, cha của Trần Dục, luôn đóng vai Tề Thiên Đại Thánh, đã từng là đội trưởng đoàn Ba Vũ và cũng từng đi biểu diễn tại Nhật.

An Phó nằm giữa An Lưu và Thượng Trạch cũng nãy sinh những vai tuồng như Trần Ứng. Gốc của ông Trần Luận là Thanh Hóa, vào chợ Diên Sanh sau dời ra chợ Cạn đã bốn đời đều là con nhà hát tuồng. Vì thế chợ Cạn có một rạp hát tuồng biểu diễn quanh năm cho một vùng, và được hình thành một gốc gác gọi là "Lò tuồng Chợ Cạn". Và cả tỉnh Quảng Trị chỉ có một "lò tuồng" ấy. Phải chăng đấy cũng lại là một cái "lò văn hóa truyền thống".

Quảng Trị là nơi giao thoa hai nguồn văn hóa Việt - Chàm. Vùng chợ Cạn, ngay tại thôn Phương Sơn hiện giờ vẫn thờ một vị thần - dân không biết gốc tích của thần, nên cứ gọi theo chất liệu là "thần đá". Lâu dần, đá trở thành tên riêng của thần, đến nỗi người dân phải kiêng tên mà gọi là "Đớ", nói lệch chữ đá, vì cho đó là tên húy của ngài. Chẳng những thế, còn không cho phép táng cột nhà bằng đá mà chỉ được chôn hoặc kê gạch mà thôi. Đúng ra, đó là một tượng Chàm - tượng thần Si-va. Tượng được tạc bằng đá sa thạch ngồi trên mình thấy khoanh thần rắn Naja mà chiếc đầu rắn vươn lên từ phía sau lưng lên đỉnh đầu hình thành như một chiếc mũ nhỏ của pháp sư. Vị thần ngồi xếp bằng tròn, hai tay xếp vào lòng trong khung chân xếp, tư thế uy nghiêm.

Chợ Cạn được xếp vào loại chợ cổ cảu Quảng Trị. Cứ nghe những giọng nói những làng quanh để thấy điều đó. Nhiều thổ ngữ tồn tại chính là những từ rất cổ của tiếng Việt chúng ta.

* * *

"Tây ra đường bạn

Lựu đạn nổ rồi,

Ơi eng ơi ả,

Tắt lả thổi đèn".

Mở đầu đoạn vè đầy thổ ngữ có nghĩa là "ơi anh ơi chị, tắt lửa tắt đèn" ấy chính là mở đầu cho một cuộc kháng chiến chống Pháp khi địch về đóng đồn Chợ Cạn vào khoảng năm 1948. Tất nhiên trước đó, vào năm 1947, hầu như tất cả bộ đội của cả Huế, Quảng Trị đều rút về vùng chợ Cạn để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của đất nước. Ngày ấy, vùng chợ Cạn đã được mệnh danh là "chiến khu đồng bằng". Và cả những năm về sau, tuy Bộ chỉ huy toàn lực lượng Bình Trị Thiên không đóng tại vùng ấy mà đóng sâu trong vùng núi Dương Hòa, Hòa Mỹ, Câu Nhi, Ba Lòng, nhưng cái dải đăng ten xanh làng mạc - mà người ta gọi là "hàng chữ nhất" lại là nơi trú quân qua lại thường xuyên của hai trung đoàn Quảng Trị và Thừa Thiên 95 và 101. Bom đạn Pháp luôn luôn là nỗi chết chóc, nhưng "nước đã là nơi nuôi dưỡng và sinh sôi của cá". Và cũng không ít trận chiến thắng đã mở ra trên vùng ven sa mạc ấy. Cả một vùng đồng bằng không rừng núi che chở ấy vẫn tồn tại là một vùng tự do độc lập trước mắt quân thù luôn luôn rình rập trở lại đó. Chính đồn Chợ Cạn đã phải rút chạy từ đầu 1950.

Vấng đến thời chống Mỹ, cũng hình thành trở lại cái tuyến nuôi quân giải phóng, và cũng là vùng mở đầu cho cuộc tiến quân của tiểu đoàn 8 thẳng mạch vào tận cửa Thận An Thừa Thiên Huế bây giờ.

Chợ Cạn - khô cạn cả một vùng bọc viền sa mạc cát trắng bỏng rang mùa nắng lửa cũng đã thay da đổi thịt dần lên từ sau năm 1975 giải phóng toàn miền Nam. Con đập thủy lợi Trấm đã kéo dòng nước Thạch Hãn vè khắp vùng Đông của huyện Triệu Phong Quảng Trị đã tạo ra một vựa lúa ổn định cho hàng vạn nông dân chỉ sống bằng hạt lúa.

Điện mở sáng xua đi cái tối tăm ngàn đời trước, và Chợ Cạn đã từng trở thành một thị tứ khai sinh và trưởng thành. Và cũng không còn là một thứ "chợ lưu động" khi bên này, khi bên khác. Hôm nay, chợ đã cố định, ổn định để sáng sáng lại họp, lại vui, lại ngồn nộn hàng hóa đủ loại kể cả hàng ngoại.

Trong tâm linh, trong tâm thức lại nuôi dưỡng sức tài, lại trở về cội nguồn sâu thẳm xa xưa, với những lễ té thần, xây lăng miếu, đền thờ họ tộc để như một lời cầu nguyện cho cuộc sống xã hội chủ nghĩa mà họ đang sống.

Để hiểu suốt chiều sâu đất nước, chiều sâu một tỉnh, một vùng, lẽ nào chỉ phóng xe đến một thành phố, một thị xã, một thị trấn? Khách du lịch, khách nghiên cứu chắc không bỏ một vùng ven sa mạc đầy đủ yếu tố, cổ, kim, văn hóa truyền thống và chiến thắng giặc kể cả đang chiến thắng đói nghèo!

                                                                                                        T.H

Trần Quốc Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 41 tháng 02/1998

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground