L.T.S: Liên tục trong tháng 6.1996, ở Quảng Trị tổ chức hai cuộc hội thảo mà mục tiêu đều hướng đến những vấn đề về Văn hóa dân tộc. Ngày 15.6.1996, Phát thanh truyền hình sáu tỉnh Bắc miền Trung mở hội thảo tại Đài PTTH Quảng Trị bàn về việc làm thế nào giữ gìn và phát huy bản sắc Văn hóa dân tộc. Ngày 20.6.1996, UBND tỉnh Quảng Trị và Sở VHTT mở Hội nghị bàn về việc xây dựng LÀNG VĂN HÓA và GIA ĐÌNH VĂN HÓA. Đây là một cuộc vận động lớn của tỉnh nhà, mà các cơ quan ban ngành của tỉnh đang khẩn trương phát động, triển khai. Chuyên mục Văn hóa và thời đại số này C.V. trân trọng giới thiệu bài tham luận của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Thứ trưởng Bộ văn hóa tại đại hội VIII của Đảng cùng hai bài viết trong các Hội nghị trên của các nhà quản lý vừa là những nhà văn, nhà báo có danh tiếng của tỉnh giúp bạn đọc tham khảo.
C |
húng tôi rất vui mừng ở Đại hội lần này, Đảng đã chính thức xác định đường lối công nghiệp hóa - hiện đại hóa là nội dung cơ bản của quá trình đi lên của đất nước trong vài mươi năm đến. Là người công tác ở ngành Văn hóa Thông tin, chúng tôi cũng rất phấn khởi thấy công tác văn hóa được Đại hội hết sức quan tâm, đặt thành vấn đề riêng trong báo cáo chính trị, với một hệ thống, quan điểm, chủ trương khá hoàn chỉnh. Vì vậy trong bài phát biểu này chúng tôi muốn nói lên một số nhận thức bước đầu của mình về công tác Văn hóa Thông tin trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Nhìn lại lịch sử lâu dài của dân tộc, chúng ta đã thấy rõ được cha ông xưa coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, chăm lo xây dựng một quốc gia văn hiến. Điều đó có cơ sở của nó. Bởi vì sống ở khu vực Đông Nam Á, nơi tồn tại những quốc gia có lực lượng kinh tế và quân sự rất lớn, lại có nền văn minh khá lâu đời, nếu không đặt đúng vấn đề văn hóa thì không tránh khỏi bị động hóa. Mặt khác văn hóa luôn tiềm ẩn một hệ thống động lực và khả năng điều chỉnh hết sức quan trọng, nếu biết khai thác nó thì sẽ xử lý đúng các xung đột về lợi ích giữa các cộng đồng người, những mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo, giữa cá nhân, cộng đồng và xã hội, giữa gia đình, làng và nước... tạo ra những biến đổi to lớn và sự ổn định lâu dài cho đất nước.
Chúng ta tự hào về Văn hóa Việt Nam và truyền thống coi trọng văn hóa của cha ông. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, qua hàng ngàn năm, cho mãi đến hôm nay, văn hóa nước ta vẫn tồn tại trên cơ sở một xã hội nông nghiệp cổ truyền, với những hạn chế của phương thức sản xuất làm ăn đó.
Hơn nửa thế kỷ vừa qua văn hóa nước ta phát triển mạnh mẽ nhờ thừa hưởng những thành quả chính trị tốt đẹp của Cách mạng tháng Tám, của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong chặng đường đầu tiên. Để phát triển lên trình độ cao, trở thành một thời kỳ phục hưng văn hóa của đất nước, văn hóa nước ta đang hướng vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Báo các chính trị của Đại hội Đảng lần này đã chỉ rõ: "Mục tiêu công nghiệp hoá hiện đại hóa là biến nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh".
Rõ ràng với mục tiêu đó, sự nghiệp công ngiệp hóa hiện đại hóa sẽ mở ra môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp tích cực vào quá trình biến đổi của con người đất nước. Đây là thời cơ hết sức quan trọng của Văn hóa Việt Nam và những người làm công tác Văn hóa Thông tin cả nước. Mặt khác, do tính phức tạp nhiều mặt của cuộc đấu tranh nhằm đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa và khả năng đi nhanh của công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nước ta, đòi hỏi hoạt động văn hóa thông tin phải vươn lên nhiều mặt, vượt qua nhiều thử thách để tồn tại và phát triển.
Vậy câu hỏi đặt ra: Văn hóa Thông tin có thể đóng góp được gì cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước?
1- Chúng tôi nghĩ, trước hết, là vấn đề con người. Công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày nay lấy con người làm nhân tố cơ bản để phát triển, con người ở đây là con người Việt Nam, không loại trừ một ai, đang sống và làm việc trên bất cứ lĩnh vực nào, thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, trong nước hay ngoài nước đều phải và có thể góp sức mình cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tự chuẩn bị mình thành sức mạnh của công nghiệp hóa hiện đại hóa. Đó là sự tham gia của toàn dân, sự biến đổi của toàn dân tộc theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Văn hóa Thông tin cùng với các lực lượng xã hội có trách nhiệm lớn trong chuẩn bị nhân tố con người. Sự chuẩn bị đó bắt đầu từ thời thơ ấu cho đến khi con người có thể bắt tay vào lao động, chiến đấu và tiếp tục hoàn thiện dần những năng lực và phẩm chất của họ cho đến cuối đời. Trong thời đại ngày nay, văn hóa nghệ thuật với khả năng đưa ra những lời giải giàu tính nhân văn sẽ giúp ích nhiều cho con người tự điều chỉnh mình theo những tiêu chuẩn của cuộc sống, của lý tưởng, nhờ đó con người Việt Nam sẽ có đóng góp quyết định cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
2- Cùng với văn hóa nghệ thuật, thông tin đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thông tin đề cập ở đây là thông tin đại chúng, bao gồm những loại hình thông tin phổ cập cho hàng triệu người, như sách báo, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, các hệ thống truyền thông và sản phẩm điện tử chứa đựng thông tin, các lực lượng thông tin lưu động ở cơ sở... ngày càng phong phú hiện đại.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đấ nước, thông tin đại chúng có vai trò rất lớn trong nâng cao nhận thức, mở mang dân trí, chuẩn bị những điều kiện và khả năng hành động của hàng chục triệu con người. Kinh nghiệm của mười năm đổi mới vừa qua cho thấy, nhờ có chính sách phát triển và thể chế quản lý thích hợp, hoạt động thông tin đại chúng của nước ta có thể đóng góp tích cực vào quá trình biến đổi nhiều mặt của đất nước, góp phần điều chỉnh, ngăn chặn những mặt trái chiều trong cuộc sống. Nếu trong thời gian tới chúng ta có chính sách phát triển và quản lý tốt hơn nữa thì thông tin đại chúng nước ta sẽ là lực lượng vật chất đáng kể góp phần đảm bảo cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đồng thời là vũ khí chính trị sắc bén bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
3- Trong thời đại ngày nay khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩy con người tới lối sống công nghiệp gấp gáp, căng thẳng thì văn hóa thông tin là "cái van" điều chỉnh quan trọng toàn bộ lối sống xã hội, giảm nhẹ những biến dạng đạo đức, tinh thần do hoàn cảnh khách quan chi phối. Sẽ đến lúc chúng ta nhìn thấy hàng triệu người, tự giác đi vào đời sống văn hóa, trở thành thành viên văn hóa trong các lễ hội, các ngày sum họp gia đình, họ tộc, trên các điểm vui chơi, giải trí, các sinh hoạt nghệ thuật, thư viện, bảo tàng, điện ảnh... ở đó họ khôi phục cho mình một nhân cách văn hóa rộng rãi, thoát khỏi thực tế công nghiệp hàng ngày hết sức vất vả, căng thẳng. Như thế văn hóa có trách nhiệm với mỗi con người, mỗi gia đình và ngược lại mỗi con người mỗi gia đình sẽ đem tới cho văn hóa sự phong phú vô tận của một xã hội luôn luôn vươn tới thống nhất trong sự đa dạng.
4- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay đòi hỏi chúng ta phải gắn mình với quá trình quốc tế hóa nền kinh tế thế giới, phải mở rộng giao lưu và tiếp nhận những kinh nghiệm thế giới, mặt khác vẫn giữ vững tính độc lập tự chủ, tinh thần tự lực tự cường trong hoạt động kinh tế, làm cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp năng động sáng tạo, giàu cốt cách dân tộc. Muốn mở rộng giao lưu hay nâng cao tính chủ động, sáng tạo, chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể không tính đến những truyền thống văn hóa tinh thần của dân tộc khi quyết định các giải pháp quản lý, phương thức khuyến khích lợi ích, sự lựa chọn các mục tiêu và công nghệ... Điều quan trọng hơn nữa trong giao lưu và hội nhập kinh tế, có thể xuất hiện quá trình bào mòn vô hình các giá trị văn hóa tinh thần dân tộc, lý tưởng cách mạng của nhân dân ta, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một vấn nạn của nhiều nước đang phát triển khi đi vào công nghiệp hóa. Sự sa sút văn hóa dân tộc đến lượt nó lại tác động xấu quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, dẫn đến "phản phát triển". Đó là một vòng xoáy trôn ốc theo chiều đi xuống rất tai hại. Vì vậy chấn hưng văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa là nhiệm vụ thiết thân đối với hoạt động văn hóa, đồng thời cũng là yêu cầu bức thiết trong quá trình biến một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp tiên tiến.
5- Bản thân ngành Văn hóa Thông tin cũng đang quản lý một khối lượng sản phẩm Văn hóa Thông tin và dịch vụ văn hóa thông tin khá phong phú, đa dạng có thể góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là các sản phẩm xuất bản, điện ảnh, băng hình, các loại văn hóa phẩm, sản phẩm mỹ nghệ, công nghiệp in, dịch vụ quảng cáo, các galery nghệ thuật, dịch vụ vui chơi giải trí.v.v... với các loại hình đó, nhiều nước trên thế giới đã biến nó thành những ngành công nghiệp lớn, tham gia xuất khẩu. Gắn bó với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của nước ta nhất định phải được bổ sung, tăng cường về nhiều mặt, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ văn hóa nước ngoài, đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Qua năm điểm trình bày trên, chúng ta có thể nói rằng Văn hóa Thông tin không phải là lĩnh vực tiêu tốn, đứng ngoài sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà ngược lại khi được đặt ra đúng mức Văn hóa Thông tin sẽ góp phần to lớn trong quá trình phát triển đất nước, phục vụ lợi ích nhân dân.
Từ trách nhiệm và thời cơ to lớn đặt ra, Văn hóa Thông tin phải làm gì để tự đổi mới và phát triển, đóng góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa?
Bước đầu suy nghĩ, chúng tôi thấy nổi lên những vấn đề sau:
1- Xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin, động viên nhân dân chủ động sáng tạo văn hóa, không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin, hình thành rộng rãi mạng lưới văn hóa thông tin cơ sở, đồng thời không ngừng nâng cao vai trò tổ chức quản lý văn hóa của các cơ quan nhà nước là vấn đề hết sức quan trọng của công tác Văn hóa Thông tin hiện nay.
Quá trình nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân, hình thành đời sống văn hóa thông tin sôi động từ cơ sở trước hết phải từ quan điểm xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin, động viên nhân dân đem tài năng, sức người, sức của xây dựng đời sống văn hóa thông tin cho mình và những người xung quanh. Thực tế ở nhiều nơi đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ được sử ủng hộ, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặc dù ngân sách nhà nước dành cho văn hóa chỉ tăng lên vừa phải, nhưng nhân dân ta đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thông tin như: Xây dựng làng văn hóa, tổ chức các điểm vui chơi giải trí lành mạnh, các tủ sách, các thuyền văn hóa, các nhóm ca nhạc, các câu lạc bộ nghệ thuật, các hội trùng tu bảo quản các di tích văn hóa lịch sử, các nhóm nghe đài, đọc báo.v.v... sáng kiến rất nhiều, hình thức rất phong phú. Những người đứng ra tổ chức vừa muốn góp phần xây dựng văn hóa, tỏ rõ tài năng, vừa mong có lợi ích nhất định. Cái đúng cái sai có khi chưa rõ ràng. Tuy nhiên nếu nhà nước, thông qua ngành Văn hóa Thông tin kịp thời khảo sát, đánh giá, có quy định chặt chẽ, hướng dẫn kịp thời, nâng đỡ tài năng, sáng kiến nghĩa là bắt tay quản lý theo định hướng của Đảng, luật pháp Nhà nước thì nhất định quá trình xã hội văn hóa thông tin sẽ tạo ra những năng lực văn hóa to lớn mà chúng ta không lường hết được.
2- Để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bản thân ngành Văn hóa Thông tin cũng phải được hiện đại hóa nhanh chóng ở những khâu quan trọng nhất đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sử dụng văn hóa thông tin ngày càng cao trong nhân dân. Chúng tôi nghĩ nhà nước cần tăng cường đầu tư giúp đỡ có trọng điểm các văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, các đơn vị văn hóa nghệ thuật được hình thành từ nhiều thế hệ đủ sức nâng cao chất lượng sáng tạo, phục vụ, có những tác phẩm, công trình có giá trị thu hút công chúng làm cơ sở để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những sản phẩm văn hóa độc hại thị hiếu thấp kém đang lan tràn trên thị trường. Đây là cuộc đấu tranh "xây", "chống" trong văn hóa, trong đó "xây" là mặt cơ bản, lâu dài, quyết định, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, "chống" là biện pháp cấp thời cần giải quyết tốt. Ngành Văn hóa Thông tin có trách nhiệm triển khai thật tốt Quyết định 25/CP và Nghị định 87/CP của Chính phủ để đảm bảo hai mặt xây, chống được triển khai đến nơi đến chốn. Là những người làm ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, người làm công tác văn hóa thông tin mang một nhược điễm cố hữu là rất lúng túng trong lưu thông, phát hành những sản phẩm của mình. Vì vậy một nội dung quan trọng của Văn hóa Thông tin thời gian đến là phải làm tốt hoạt động phát hành các sản phẩm phim ảnh, sách bảo, băng hình, các hoạt động nghệ thuật... đến tận tay người sử dụng, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng và nhất thiết phải quản lý chặt chẽ thị trường văn hóa.
3- Tiếp tục tăng cường tri thức, năng lực và bản lĩnh văn hóa thông tin bằng tiếp cận từ hai phía: Khai thác phát huy đầy đủ hơn nữa các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa kinh nghiệm quý báu trong đời sống văn hóa nhân loại. Cuộc đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc chỉ thành công trên thực tế khi chúng ta biết tiếp cận, khai thác, phát huy đúng đắn tinh hoa văn hóa thế giới. Thông qua tiếp cận tinh hoa văn hóa nhân loại mà làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trước mắt chúng ta cần cố gắng để trong vòng mươi, mười lăm năm kho sách Hán Nôm của cha ông ta để lại có thể biên dịch xuất bản xong, kho tàng văn hóa nghệ thuật của các dân tộc anh em được sưu tầm, giới thiệu tương đối có hệ thống, kiểm kê lại toàn bộ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa để có kế hoạch bảo vệ, sửa chữa.
4- Mở rộng giao lưu văn hóa thông tin giữa các nước trên thế giới và khu vực là yêu cầu khách quan của vận động văn hóa hiện nay, mặt khác phải hết sức tỉnh táo đối phó cuộc tiến công về văn hóa thông tin do các thế lực thù địch chĩa vào nước ta như một biện phát hết sức quan trọng của chiến lược "diễn biến hòa bình". Chúng ta cần làm tốt việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam và nền Văn hóa phong phú của dân tộc với bầu bạn năm châu, tăng thêm tình hữu nghị, sự hiểu biết và bầu không khí quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và ổn định của đất nước, mặt khác không thể cúi đầu chấp nhận trật tự văn hóa tinh thần do chủ nghĩa đế quốc áp đặt, cần có kế hoạch từng bước nâng cao khả năng chủ động ứng phó của các cơ quan văn hóa thông tin của ta, kịp thời phê phán những luận điệu sai trái, thù dịch. Sớm xây dựng chiến lược hiện đại hóa hệ thống thông tin, báo chí, xuất bản của nước ta để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin quốc tế ngày càng tinh vi, hiện đại, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân.
5- Thực sự chăm sóc, phát huy các tài năng văn hóa, nghệ thuật, nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ gồm cả ba khâu: quản lý, kỹ thuật và nghệ thuật có phẩm chất, trình độ chuyện môn cao, tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức Ngành Văn hóa Thông tin là vấn đề mấu chốt để văn hóa thông tin trở thành mặt trận to lớn mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh văn hóa văn nghệ là một mặt trận và mỗi văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa là một chiến sĩ trên mặt trận ấy. Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, tư tưởng đó vẫn nguyên vẹn giá trị của nó. Nhìn vào hoạt động văn hóa thông tin những năm qua, ở nơi nào, lúc nào những tư tưởng của Bác bị hạ thấp thì ở đó hoạt động văn hóa bị biến thành một món hàng tầm thường, công tác văn hóa và cán bộ văn hóa bị coi thường, nhiều vấn đề phức tạp trong đội ngũ phát sinh, công tác văn hóa thông tin không bắt kịp đòi hỏi cuộc sống.
Vì vật theo chúng tôi công tác xây dựng đội ngũ, phát triển tài năng, nâng cao hiệu lực bộ máy là công tác hết sức quyết định cho sự đổi mới và ổn định Ngành Văn hóa Thông tin trước yêu cầu mới to lớn của đất nước. Công tác đó cần đặt dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng, trên cơ sở chư nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, của đường lối chính sách cán bộ của Đảng.
Đó là khả năng tự đổi mới vô cùng quan trọng của hoạt động văn hóa thông tin để góp phần đổi mới đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
N.K.Đ