Ba mươi năm trước, vào mùa hè năm 1966 tên Mai Hồng Nhị, một cán bộ đại đội tiểu đoàn 4 bất mãn đã chiêu hồi địch khai ra hậu cứ trung đoàn đóng tại xã Vĩnh Tú. Lập tức chúng cho hàng đàn hàng lũ máy bay bâu về Vĩnh Tú đánh phá suốt ngày đêm hòng nghiền nát xã này bằng bom đạn. Trên trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay gào rú điên loạn. Dưới đất mịt mù bom đạn, ngùn ngụt lửa khói. Lơ lửng cành tre ruột người lủng lẳng.
Vào thời điểm đó ban ngày đại đội tôi chốt bảo vệ cầu Điện còn ban đêm cơ động về Vĩnh Tú đánh máy bay bảo vệ dân. Đêm hôm ấy chúng tôi về thôn Tây Một. Đường cát toang hoác những hố bom, xe kéo pháo không thể vào thẳng trận địa được, đành phải dùng sức người. Mỗi khẩu pháo có sáu, bảy pháo thủ thêm hàng chục dân quân nhưng bởi thiếu chỗ để bám vào đẩy nên dẫu đông người xạc chân, rạp lưng xuống cố đẩy, khẩu pháo cũng nhích dần từng tấc một, nhiều lúc nó nằm ì đến tội nghiệp trước những chớp lửa loang loáng của bom đạn vây bốn phía. Ai nấy ruột gan nóng bừng. Cứ duềnh mặt trên đường kiểu này dễ toi lắm. Cầu được cuộn dây móc vào pháo mà kéo thì hiệu quả biết nhường nào nhưng đào đâu ra của hiếm ấy lúc này?
Bỗng nhiên từ ngược hướng pháo sáng một người lùn, mập chạy bộ về phía chúng tôi ôm trước bụng một gói gì trăng trắng.
Có ai đó hỏi:
- Mi bỏ đi mô về rứa?
- Đi lấy chạc (dây) kéo pháo chứ đi mô - người lùn mập trả lời từng tiếng một, giọng ồm ồm.
- Răng lâu rứa?
- Ồ, thì phải để cho người ta làm đã chơ.
Nhiều tiếng người (toàn là giọng Vĩnh Tú) nhao nhao cùng cất lên một lúc "Việc chi mà làm? Ai cử đi làm? Làm cái chi ở mô? " khiến người lùn, mập đứng khựng lại nhưng một lát sau anh ta liến thoắng một mạch:
- Không ai cử tui đi nhưng mắt tui chộ (thấy) một dù pháo sáng đang bay là là xuống đất vội vàng vọt theo. Chạy theo hắn muốn lỏng đầu gối mà hắn không chịu rớt, tui bèn nhảy đựng lên kéo hắn xuống cho mau. Nào ngờ khi miềng túm được vào dây thì hắn lại bay lên cao hơn, càng ngày càng cao. Ngó xuống đất chộ đen thui, ngửa mặt lên chộ cái bụng máy bay trắng hếu. Chết cha rồi, miềng vớ phải đực (cái) dù còn kẹt trong máy bay. Mà cứ đu đưa hoài ra ri không khéo thằng máy bay hắn chở miềng sang Mỹ thì biết đường mô mà về. Thôi được, đã thế ni thì phải cho thằng Mỹ biết mặt dân quân Vĩnh Tú nhà miềng. Bụng nghĩ vậy, tôi liền chùm hum người túm dây trèo ngược lên chui tọt vô bụng máy bay. Ui cha, dù nhiều cả xứ, toàn là thứ mới keng chưa kịp thả, miềng cắt trụi hết được một đùm to rồi vội vàng lần dây mò xuống ngay. Đây này, tui không nói trạng mô...
Anh ta cười một tràng dài rồi quẳng ra trước mặt chúng tôi một cuộn to đùng những dây dù trắng xanh. Nhiều tiếng cười cất lên sảng khoái, nhất là đám lính chúng tôi, ai cũng biết anh ta bốc lên khịa chuyện, nhưng sao mà khịa chuyện giỏi thế, nhanh thế, ứng tác tài thế, trước đây mấy phút, hàng loạt câu hỏi dồn dập của đồng đội tưởng chừng đẩy anh ta nép vào chân tường, nào ngờ chỉ bằng một mẩu chuyện tếu anh ta xoay ngược tình thế. Phút chốc chúng tôi quên đi nỗi nhọc nhằn và hiểm nguy rình rập chung quanh, ai nấy háo hức bắt tay vào công việc. Những chiếc dây mảnh mai ấy được kết lại to cỡ ngón tay, buộc vào càng pháo, mỗi dây khoảng bảy, tám người kéo, còn bao nhiêu đẩy pháo chạy băng băng.
Về sau một số thanh niên xã Vĩnh Tú nhập ngũ bổ sung cho đơn vị tôi. Tay thanh niên lùn mập kể chuyện "rút dù" hôm nọ được điều về khẩu đội do tôi trực tiếp chỉ huy. Anh ta tên Viện. Những ngày ngồi trên mâm pháo trực chiến, tranh thủ lúc máy bay địch chưa đến, Viện kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện trạng Vĩnh Hoàng nào là "Bắt bọp... bắt... bọp", "Cải hổ đi cày", "Ăn khoai lang bị đui mắt"... chuyện nào cũng hay, cũng nổ ra những trận cười thú vị. Anh ta có cả kho chuyện trạng, bởi Viện là người Vĩnh Hoàng (tên gọi Vĩnh Tú ngày nay là một phần của xã Vĩnh Hoàng trong kháng chiến chống Pháp). Mặt khác bọn tôi lại đang chiến đấu trên đất Vĩnh Hoàng nên những câu chuyện anh ta kể có cái gì đó như thôi thúc chúng tôi, nhắn gửi chúng tôi hãy ngẩng cao đầu lên mà chiến đấu.
Cứ thế những chuyện trạng nọ ngày này qua tháng khác ngấm dần vào chúng tôi lúc nào không hay đến mức trong đại đội tôi ai cũng kể được chuyện trạng. Đương nhiên phải thừa nhận rằng loại chuyện này phải là người Vĩnh Hoàng kể bằng chính cái âm sắc tiếng nói địa phương của họ, thi thoảng xen vào đôi từ tiếng Việt rất cổ mới thú hoặc ai đó phải bắt chước được giọng nói người Vĩnh Hoàng mới hay. Đại đội tôi phần lớn lính là dân Bắc mới vào Vĩnh Linh được một vài năm, ai cũng chịu khó học giọng Vĩnh Hoàng nhưng duy nhất chỉ y tá Dần đạt khoảng sáu, bảy mươi phần trăm. Những đêm Viện đi đào công sự chúng tôi vây quanh Dần bắt anh ta "kể chuyện đêm khuya" bằng chính cái giọng Vĩnh Hoàng mới học được. Trong những câu chuyện đó có không ít truyện được sáng tác ngay trong thời điểm chúng tôi đang sống kiểu như chuyện "Rút giây dù" của Viện hay chuyện đào địa đạo xuyên qua nước Cuba ở tây bán cầu chẳng hạn. Phong trào nói chuyện trạng này được anh Riên chính trị viên đại đội khuyến khích và ủng hộ. Bản thân anh cũng là một cây kể chuyện rất có duyên. Về chuyện trạng Vĩnh Hoàng còn có thể viết dài dài nhưng tôi xin tạm dừng ở đây để nói một chuyện khác.
Trong khẩu đội tôi có H. quê Hà Tĩnh là một pháo thủ có kỷ luật và kỹ thuật khá tốt. Nhưng rồi những trận chiến đấu liên miên suốt ngày đêm mà cái ngày ca khúc khải hoàn còn xa lắc song trước mắt cứ dăm ba trận lại vắng đi vài đồng đội thân yêu đã tác động mạnh đến cậu ta. Dạo này H. kém ăn và có vẻ buồn buồn nhưng lại rất siêng phơi cơm nguội. Cơm ăn thừa dù vài ba môi cũng được H. thu vén phơi khô cất kỹ nhưng không bao giờ cho ai đụng đến một hạt. Khi túi cơm đã gom được chừng vài ký thì một hôm tôi gọi riêng H. ra hỏi:
- Này, cậu phơi cơm khô làm gì mà chăm thế?
Dường như tưởng tôi biết hết mọi chuyện, H. thú tội ngay:
- Các anh thông cảm cho em. Em phải chuồn thôi. Bom đạn thế ni trước sau gì cũng mất gáo. Em còn một mẹ già ở quê quanh năm hen suyển nghèo lắm, em mà chết mẹ em còn cực nữa. Anh hỏi phơi cơm khô làm gì ư, lương khô ăn đường đó, được không anh? Hay là tiện thể anh... anh... cùng đi với em cho vui. Em sẽ gắng phơi thêm ít cơm nữa, thừa cho anh em mình cuốc bộ về tới nhà. Mà chẳng phải cuốc bộ đâu, trên đường ra thiếu gì xe phải không anh...
Trời ơi, thì ra chuyện không đơn giản dừng lại ở mấy nắm cơm khô nữa, nó đã vượt xa hơn sức tưởng tượng của tôi rất nhiều. Mà lạ sao nó nói một chuyện tày trời với tôi lại gọn gàng, đơn giản đến thế? Không rào trước đón sau, không ướm lời thăm dò, không thanh minh, không gì hết, lạ nữa là chưa hỏi nó đã nói toạc móng heo ngay. Không chừng thằng này giăng bẫy thử mình đây. Tính toán như vậy tôi độp luôn:
- Không được! Mày không được đi đâu hết. Không ai có quyền rời vị trí chiến đấu lúc này.
Không cần biết H. có nghe hay không tôi giải thích thêm một tràng dài về nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự của người chiến sĩ trước vận mệnh dân tộc nghĩa là lặp lại những lời rất cũ mà cả tôi và H. đều nghe hàng chục lần. Ngoài miệng nói với H. như vậy nhưng trong lòng tôi rất phục tay H. dám nói thật cho dù phải đổi bất cứ giá nào. Ừ mà sao nó không sợ tôi báo cáo sự việc này với trung đội trưởng hay chính trị viên thì không những cuộc ra đi của nó càng khó khăn gấp bội mà tương lai binh nghiệp của nó cũng không mấy sáng sủa? Phải mất nhiều năm sau tôi mới hiểu ra chỗ phức tạp này. Thì ra tay H. này không phải loại xoàng. Ngày đó nó đã đọc được ý nghĩ của tôi cũng đang muốn chuồn nên chi nó không ngần ngại dám đánh bài ngửa vừa giảm nhẹ tội vừa nhanh chóng tìm được đồng minh. Vâng, thú thực ngày đó tôi tuy đã được đề bạt làm khẩu đội trưởng nhưng cũng không phải sắt đá gì, vẫn có những giây phút yếu hèn trước cái chết của đồng đội và bom đạn kẻ thù. Những đêm thức trắng kéo pháo, những ngày nắng lửa ngồi trên mâm pháo như trên chảo rang, những tràng rốc két vàng khé, những loạt bom bi xanh lét lụp bụp quanh mình, những chùm bom tạ, bom tấn ném vào trận địa tối tăm mặt mũi, những xác người cháy đen, dập nát ... tất cả đã làm cho tôi gần như kiệt sức cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng sự đời ở hiền gặp lành. May cho tôi ngày ấy có bà mẹ nuôi ở xóm Nam Hùng (Vĩnh Nam) là mẹ Luyện hay mang khoai và nước chè ra trận địa cho bộ đội phòng không. Mẹ thuộc tên hầu hết các chiến sĩ đại đội 27 của tôi. Không rõ trời xui đất khiến thế nào mà mẹ lại biết chuyện của tôi và H.
Một buổi tối mẹ rầu rầu nói với tôi:
- Mấy bữa ni tau nghe chộn rộn chuyện bây định bỏ trốn. Không được làm bậy nghe. Bây làm rứa là nhục nhã lắm. Nhục cho cha mẹ, anh chị em bây ở ngoài quê, nhục cho làng xóm, nhục cho mấy thằng chỉ huy đơn vị bây, nhục cho mặt hai thằng bây, nhục cho cả tau nữa. Bây không được liều, người ta chịu cực khổ, đạn bom được thì bây cũng phải ráng mà chịu, lâu rồi quen đi. Tra (già) như tau còn chịu được huống hồ thanh niên tụi bây...
Rồi mẹ còn nói nhiều, nhiều nữa, có lúc lâm ly thống thiết (ấy là lúc mẹ kể về cuộc đời ở đợ cơ cực của mẹ trước cách mạng), có lúc nổi đóa lên mẹ mắng nhiếc tôi như con cháu trong nhà (ấy là lúc mẹ vặn hỏi là sao dám bỏ chạy giữa lúc trận địa lại đang rất cần người này).
Thú thực bữa đó quá xấu hổ với mẹ. Gần bảy chục tuổi đầu, không thiết đi sơ tán, mẹ dám trụ lại trên mảnh đất chiến trận ngợp trời này, ngày ngày tự nguyện mang nước ra trận địa cho bộ đội với ước mong duy nhất bắn rơi nhiều máy bay. Hóa ra tôi chẳng là cái đinh gì so với mẹ. Một bà già kề miệng lỗ, một chữ bẻ làm đôi không biết mà có nhận thức và ý chí cao như vậy trong khi tôi được học hành kha khá, trẻ, khỏe lại được rèn luyện và nằm trong quân đội mà không có sự nhận thức bằng mẹ hoặc có nhận thức được nhưng học chẳng đi đôi với hành. Mẹ cao vời đến thế! Mà cũng chẳng riêng gì có một mẹ Luyện cao vời. Gần một tháng qua ở Vĩnh Tú, bom đạn Mỹ cày xới đến nát bét xã này, hàng chục người bỏ mạng mà sao dân ở đây trong đó có Viện nay đã trở thành chiến sĩ đại đội tôi vẫn lạc quan yêu đời thế, họ vẫn không ngớt kể chuyện trạng, nói trạng tạo ra những trận cười hồn nhiên, sảng khoái tựa như bom đạn tận ở đâu đâu chứ không phải hằng ngày dội xuống chính đầu họ. Rồi còn bao nhiêu đồng đội của tôi họ đâu có mềm yếu trước kẻ thù? Rồi còn y tá Dần bom đạn là thế vẫn chịu khó ghi chép tất cả những chuyện trạng anh nghe được vào một quyển sổ mà theo anh ta bảo "để sau này nếu không may hy sinh thì có cái kể lại cho lớp chiến sĩ mới". Chao ôi, sao họ giỏi giang, anh hùng thế, còn tôi và H. sao khốn nạn vậy?
Thế rồi sau lần gặp mẹ Luyện về đơn vị tôi suy nghĩ rất nhiều. Vẫn đi đào công sự, vẫn chặt lá ngụy trang, vẫn chỉ huy khẩu đội bắn máy bay, vẫn làm hàng chục công việc nặng nhọc và nguy hiểm của người lính trong chiến tranh nhưng lòng luôn ray rứt một nỗi niềm xấu hổ, ân hận, cho dù cái hành động tồi tệ của tôi và H. mới chỉ trong dự định. Bên tôi H. cũng có một tâm trạng y hệt. Sau cùng được H. đồng tình chúng tôi kể hết sự tình với chính trị viên. Anh hoan nghênh sự thành khẩn của tôi và H. và nhẹ nhàng khuyên bảo điều hơn lẽ thiệt tuyệt nhiên anh không nói nặng một tiếng nào. Thế là tôi và H. đã giải tỏa được nỗi lòng lại hăng say công tác, chiến đấu như xưa.
Năm tháng qua đi. Cuộc chiến ngày một khốc liệt tưởng chừng sức người không trụ nổi, vậy mà cả tôi và H. đều trưởng thành cứng cáp lên. Cả hai đứa đều lập công trong chiến đấu, được thưởng Huân chương, được kết nạp Đảng. Phần tôi được thăng quân hàm Trung sỹ.
Sang năm 67 trong một trận chiến đấu bảo vệ cầu Hạ Cờ tôi bị thương khá nặng. Vào lúc trận địa bời bời lửa đạn các o Ngọc, Oai, anh Chiến, Trung thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp... (bây giờ đã lên chức ông mệ) không mảy may tính toán băng qua bom đạn đưa tôi đi cấp cứu kịp thời. Về sau, được biết lần ấy chính bà Ngọc đã tiếp máu cho tôi, nhờ vậy vết thương chóng bình phục. Ra viện tôi chuyển công tác. Tại đơn vị mới này tôi gặp một người con gái Vĩnh Linh rồi trở thành vợ chồng, ít lâu có thêm thằng cún, vậy là đã có một gia đình nho nhỏ trên mảnh đất tôi và những đồng đội tôi đã đổ máu.
Năm tháng vùn vùn chạy. Mới đó mà đã đến tuổi nghỉ hưu. Không có điều kiện về quê hương bản quán tôi định cư luôn nơi quê vợ. Vẫn biết "Quê hương là chùm khế ngọt" song trên đời này vì nhiệm vụ, vì mưu sinh, vì một ngàn lẻ một lý do khác nhau con người ta phải rời quê hương mình sống ở những miền đất xa lạ, âu cũng là lẽ thường. Có người ra đi khi còn ẵm ngửa, có người tuổi đã xế chiều, lại có người khi ngấp nghé miệng lỗ. Tôi là một trong số đó. Ra đi, đi bộ đội lúc tóc trên đầu còn xanh, cuốc bộ một mạch từ Thanh Hóa vào Vĩnh Linh và ở lại đây suốt quãng đời trai trẻ gần trọn ba mươi lăm năm.
Trong ba mươi lăm năm ấy không thể không nhắc lại một mẩu chuyện nhỏ. Có một lần tôi về quê nghỉ phép. Bà chị ruột lấy chồng xã bên tới nhờ làm mấy việc vặt. Làm được một lúc tôi gọi "Chị mang giùm cho cái đòn triêng" rồi ngồi hút thuốc đợi. Đợi mãi không thấy, tôi vào nhà tìm, nhà vắng tanh. Nghĩ là nhà không có, chị đi đâu đó mượn nên yên tâm ngồi đợi.
Nào ngờ lúc chị về lại thấy xách lễ mễ một cái chiêng. Hỏi "chị xách cái này về làm gì?" Chị nói "Cậu vừa bảo đem cho cái chiêng đó thôi". Tôi ngớ người ra, quá là bé cái nhầm. Khi hồi đáng lẽ phải nói với chị mang cho cái "đòn gánh" lại quen mồm như quê vợ nói thành "đòn triêng", chị nghe không rõ nên phải cất công tìm ông trưởng ban bảo thọ mượn chiếc chiêng đem về. Mới hay cả tiếng nói trong tôi cũng đượm đầy chất Quảng Trị.
Mấy mẩu chuyện vặt dông dài chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng lại gắn trong tôi rất chặt, rất cần thiết và tác động mạnh mẽ một quãng đời của tôi. Vâng, thuở ấy nếu không có những lời răn đe khuyên nhủ của bà mẹ nuôi Vĩnh Nam; không có những trận cười tóa lên sang sảng át tiếng gầm rú bom đạn của những người dân Vĩnh Hoàng; không có bà Ngọc cho máu; không có những dân quân Vĩnh Giang, Vĩnh Quang đầm mình trong bom đạn đưa tôi đi và về qua con sông Bến Hải; không có những xã viên Vĩnh Thủy dám dong trâu vượt qua bãi bom nổ chậm kéo pháo mắc lầy cho đơn vị tôi v.v và v.v... thì chắc chắn không có tôi ngày hôm nay, càng không thể có một sĩ quan cao cấp quân đội hoàn thành nhiệm vụ được nghỉ hưu. Phải thừa nhận cái "chất" Vĩnh Linh, cái"cốt cách" Vĩnh Linh góp một phần vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là quyết định làm nên tôi. Thử tưởng tượng những ngày bom đạn ngút trời ấy tôi không gặp được những con người quý giá ấy, không giữ vững được ý chí thì hôm nay cuộc đời trôi nổi ra sao? Nên chi khi viết những dòng này tôi không có ý định sám hối (mà tôi chẳng có tội tình gì sám hối cả), còn như cái ý định khốn nạn chưa thành, tôi đã báo cáo với tổ chức ba mươi năm trước rồi còn gì. Hôm nay viết ra khi con tim mách bảo rằng hãy nói lên lòng biết ơn vô hạn sự cưu mang, nuôi dạy của Vĩnh Linh. Lẽ ra bài viết này phải được viết ra sớm hơn nhưng xin tất cả thông cảm cho không phải bất cứ điều nào nói ra sớm cũng đều có lợi. Tôi sinh ra rồi lớn lên ở một làng quê nghèo Thanh Hóa, đó là quê hương! Cha mẹ tôi, quê hương tôi sinh ra tôi và hình thành cho tôi nhân cách, còn Vĩnh Linh là quê hương thứ hai của tôi và hệ quả tất yếu của điều này rằng Quảng Trị là quê hương thứ hai của tôi. Tôi lấy làm vinh dự, tự hào về điều đó nhưng cũng có lúc buồn về điều đó. Là bởi vì lúc còn làm việc một ít người có trách nhiệm vẫn xem tôi là "dân ngoại lai". Thưa rằng, đúng, mẹ không chôn núm rốn của con trên đất Quảng Trị nhưng những nếp nghĩ về đạo lý làm người của Vĩnh Linh; trong phổi của con mấy chục năm qua hít thở khí trời Vĩnh Linh; trong mấy cháu nội của mẹ một nửa máu Vĩnh Linh làm ra chúng. Thử hỏi ngần ấy yếu tố đã đủ để làm nên một Vĩnh Linh, một Quảng Trị trong tôi chưa?
Và hôm nay tôi được sống những năm cuối đời trong một căn nhà nhỏ gối đầu ven biển Cửa Tùng vui thú điền viên với dăm chục gốc tiêu chè, đàn gà, bầy lợn. Cuộc sống vật chất vẫn đạm bạc như thuở nào nhưng tài sản tinh thần có lẽ ít ai có: ngước nhìn ra biển sừng sững một Đảo Cồn Cỏ hai lần anh hùng, quay sang phía Đông Bắc cách dăm, bảy cây số là làng hầm Vịnh Mốc lừng danh, ngoảnh về phía Nam vài trăm mét là đồn Biên Phòng 204 anh hùng, cúi xuống lô đất dựng nhà cũng là đất của một xã (Vĩnh Quang) anh hùng, xa hơn một chút là cầu Hiền Lương lịch sử... Tất cả những nơi đó đều có một đoạn đời của tôi cũng là Vĩnh Linh, là Quảng Trị trong tôi cả đó.
May thay lớp con cháu tôi và bà con cô bác, cháu con xóm giềng của tôi đã và đang được kế thừa những tài sản quý hiếm ấy.
Trại Việt Cửa Tùng 7/1996
T.B