Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vọng niệm về Huyền Trân Công Chúa

Với chiến lược hòa hiếu tiến dần xuống phía Nam của vua tôi nhà Trần, mùa hạ năm Bính Ngọ, 1306, Công chúa Huyền Trân tuân lệnh vua cha Nhân Tông rời thành Thăng Long xa giá qua Chiêm làm dâu, đưa về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm…
 

Gần một năm chăn gối dâng hiến, tràn ngập tình duyên Chiêm- Việt; cuộc tình ân ái ấy tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại hậu thế một nỗi buồn man mác mang hồn sử thi bi ai da diết. Đầu tháng Chạp năm Đinh Mùi, 1307, Thái hậu Chiêm Thành Paramesvari- tức Công chúa Đại Việt Trần Huyền Trân cùng tuỳ tùng tả hữu, thị nữ thân tín và bốn vị tăng sĩ từ Thăng Long được vua Trần Anh Tông cử sang viếng vua Chiêm vừa mất trước đó mấy tháng, đã rời thành Đồ Bàn ra cửa Thị Nại, lập trai đàn chiêu hồn vua chồng Chế Mân, cầu cho ông được bình yên siêu độ nhẹ nhàng. Trong lễ chiêu hồn ấy Công chúa cũng lập một hoả đàn dành riêng cho mình, tính chuyện quyên sinh theo chồng. Nhưng ý định hoả thiêu không thành vì Công chúa vừa mới sinh con. Rồi từ cửa biển Thị Nại, Công chúa buộc phải theo đoàn thuyền do Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung và An Phủ sứ Đặng Vân chỉ huy, lặng lẽ rẽ sóng vượt trùng khơi trở lại quê cha đất tổ. Trong chuyến “hồi tôn bất đắc dĩ” ấy, đoàn thuyền của Huyền Trân gặp phải những trận cuồng phong vần vũ dữ dội, mưa như trút nước, triều cường dâng cao nên đành tấp vội vào Hóa Châu trú ẩn. Sau mấy tuần chờ đợi, ông trời nguôi ngoai cơn giận, Công chúa rời Hóa Châu lên thuyền tiếp tục cuộc hành trình.  Ngày mười tám tháng tám năm Mậu Thân, 1308, Công chúa về tới kinh thành Thăng Long.

Khi trở về lại Thăng Long, Công chúa Huyền Trân được đưa vào ở tại biệt cung đóng cạnh chùa Tư Phúc trong đại nội. Chùa Tư Phúc được xây dựng từ thời nhà Lý, là một loại Giác Hoàng Tự của Hoàng gia ở kinh thành. Sau mấy ngày nghỉ lấy sức, Công chúa quyết định xin phép vua Anh Tông cho mình lên núi Yên Tử vấn an vua cha Trần Nhân Tông - người anh hùng hai lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng đế quốc Mông Nguyên xâm lược; người đã lo xa cho cả dân tộc, với chủ trương, bằng hành động trực tiếp, dấn thân đi “đàm phán” mở đất phương Nam. Và cũng là người thanh thản cởi bỏ chiếc hoàng bào tối thượng, tự nguyện khoác lên tấm thân tri giác mảnh cà sa trăm miếng, để rồi thời gian thân hành vô ngã mà khai sáng, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm dấu ấn văn hóa và tư tưởng Đại Việt. Từ đấy ngài lấy hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ, hiện đang ẩn tu trên đỉnh mây gió tuyết sương, trấn ngự vùng đông bắc của Tổ quốc.

Suốt một ngày lóc cóc trên xe ngựa cùng người thị nữ, kể từ lúc rời khỏi kinh thành Thăng Long, đến tận chiều hôm Huyền Trân mới đến chân núi Yên Tử. Biết được Huyền Trân từ Chiêm quốc trở về đang thượng sơn, Đại Sĩ liền cho các thị giả xuống núi, chỉ giữ lại chú tiểu Pháp Đăng, sư thầy Bảo Sát bên mình để tiện sai bảo. Theo sự hướng dẫn của chú tiểu Pháp Đăng, Huyền Trân lên núi và đã gặp lại vua cha tại am Ngọa Vân trong nỗi hoan hỷ khôn xiết. Rồi từ am Ngọa Vân, Đại Sĩ cùng con gái, chú tiểu Pháp Đăng đi trước dẫn đường ngược dốc lên am Tử Tiêu. Tại am Tử Tiêu, Đại Sĩ sai chú Pháp Đăng ở lại quét dọn, còn ngài tiếp tục dẫn lối đưa Công chúa vượt lên tận đỉnh Tử Tiêu cao vút như chạm tới cổng trời xanh bạt ngàn mây khói. Truyền rằng nơi đây, những lúc nhàn rỗi các tiên ông từ Thiên đình thường xuống ngồi đánh cờ, ngắm miền hạ giới.

Trên một phiến đá phẳng và rộng, Huyền Trần được ngồi đối diện với vua cha trong thế toạ thiền. Đại Sĩ nhìn con gái hồi lâu như muốn san sẻ bớt gánh nặng nghiệp quả từ kiếp trước mà Công chúa đang hứng chịu, rồi ngài ân cần gợi hỏi tình trạng thế sự Thái tử Chế Chí nối ngôi, Hoàng tử Chế Đa Gia vừa mới sinh và nỗi lòng dân chúng Chiêm Thành kể từ khi Chế Mân qua đời. Công chúa kính cẩn thưa với Đại Sĩ hết thảy mọi chuyện, và còn “thắc mắc những lo âu” không hiểu được tại sao mình lại bị đưa về nước, phải bỏ lại đứa con thơ khát sữa vừa mới đứt ruột sinh ra đã chịu cảnh chia lìa mẫu tử… Dù rằng nàng quá hiểu cái giá của sự chia ly ấy đau đớn tột cùng, bởi chính nàng lúc mới vừa tròn sáu tuổi, người mẹ thân thương là Khâm Từ Hoàng thái hậu đã bạo bệnh ra đi… để lại nỗi sợ hãi, trống vắng trong tuổi thơ của nàng. Mặc dù trong những năm tháng côi cút mất mẹ nàng luôn nhận được sự bao bọc chở che của ông ngoại là Trần Hưng Đạo, sự nuông chiều chăm bẳm của vua cha Nhân Tông và cả sự nghiêm khắc dạy dỗ của Tuyên Từ Thái hậu, vừa là mẹ kế vừa là dì ruột của nàng; nhưng cái mà nàng cần hơn cả là hơi ấm nhân từ bao trùm lên của người mẹ! Và lúc này, chính sự chia ly giữa nàng với Hoàng tử Chế Đa Gia lại thêm một lần đau nát cõi lòng trong kiếp phù sinh của đời người làm mẹ! Phải chăng số phận nghiệt ngã của nhan sắc mà nàng phải  “chấp nhận” hy sinh lần nữa để thực hiện mưu đồ của vua tôi Anh Tông trong khi Thượng hoàng Nhân Tông đang tu ở trên núi cao cũng không hay biết gì!?

Nghe câu chuyện buồn tê tái, Huyền Trân nhận rõ khuôn mặt từ bi của Đại Sĩ bỗng nhiên đanh lại, mặc dù trước đó ngài rất vui khi thấy con gái cưng trở về bên cạnh. Từ một nơi sâu thẳm tận cùng thiền giác ngài như lộ vẻ phiền muộn nhiều hơn trong ánh mắt, nhưng qua sự điều hòa dưới cái nhìn quán tưởng của nhà Phật, bằng một hơi thở dài, rồi ngài lại cười với Huyền Trân!...

Ở núi Yên Tử, cạnh vua cha, bây giờ ngài đã là một vị Bồ Tát. Công chúa được Đại Sĩ dẫn đi thăm thú nhiều hang động dựng trên núi; và còn được người giảng giải cho nhiều điều triết luận cao siêu trong kinh điển Phật pháp, đồng thời khai mở tâm ấn cho Công chúa. Cũng tại núi Yên Tử, Công chúa gặp lại sư huynh Bảo Sát- người đệ tử xuất sắc đầu tay của Trúc Lâm Đại Sĩ mà trước khi sang Chiêm Thành làm dâu Công chúa đã một lần diện kiến. Những tưởng rằng lần chia tay ấy với sư huynh sẽ là mãi mãi. Nhưng nhân duyên siêu ngộ này khiến cho Đại Sĩ vừa hoan hỉ vừa lo lắng nên ngài mong muốn Công chúa sớm xuất gia thọ Bồ Tát giới. Về việc xuất gia của Huyền Trân, Đại Sĩ uỷ nhiệm cho sư Bảo Sát lo liệu, để Công chúa sớm có nơi tu hành.

Hơn một tuần vân du trên Yên Tử, ngày hai mươi chín tháng tám năm Mậu Thân, Công chúa cúi lạy Đại Sĩ, xuống núi trở về kinh thành, sống trong biệt cung. Hàng ngày nàng chỉ dành thời gian học đạo và cầu nguyện trước chính điện chùa Tư Phúc những mong quên đi nỗi nhớ da diết đứa con thơ còn đang khát sữa. Trong khi quỳ trước chính điện, Huyền Trân thường quán niệm rằng, có một ngày duyên lành phổ độ sẽ lên lại núi Yên Tử để được làm lễ xuất gia thọ giới với chính Trúc Lâm Đại Sĩ, cho đến khi thành đạo, rồi tìm về một chốn sơn thanh thuỷ tú nào đấy ở miền Hải Dương mà lập am tu hành. Nhưng có ai ngờ, lời quán niệm vô thường ấy đã không kịp ứng với Công chúa Huyền Trân.

Vào một buổi chiều u ám, ngày mồng ba tháng mười một năm Mậu Thân, nghĩa là chỉ hơn hai tháng sau kể từ ngày Huyền Trân bái biệt Đại Sĩ để xuống núi về lại kinh thành Thăng Long, Công chúa nhận được tin dữ: Thượng hoàng Nhân Tông - Trúc Lâm Đại Sĩ đã thị tịch vào lúc nửa đêm ngày mồng một, tại am Ngọa Vân! Đau như xé nát tâm can, không thốt nên một lời nào, Huyền Trân vào thẳng biệt cung một mình đóng chặt cửa lại. Suốt một ngày một đêm Công chúa không ra khỏi biệt cung. Qua ngày mồng năm, Công chúa mới lặng lẽ rời biệt cung sang chùa Tư Phúc quỳ trước chính điện cầu nguyện, và cứ quỳ như vậy cho đến khi tháp ngọc đựng xá lỵ của Đại Sĩ được vua Anh Tông và triều đình rước từ am Ngọa Vân trên núi Yên Tử đưa một phần về chùa vào ngày mồng bảy. Thiền sư Bảo Sát, sư huynh của Huyền Trân cũng theo đoàn hộ xá lỵ Đại Sĩ về chùa cùng chuyến ấy. Trong thời gian lưu lại chùa Từ Phúc, sư huynh Bảo Sát đã kể cho Huyền Trân nghe những giờ phút thiêng liêng cuối cùng của Đại Sĩ và những lời di giáo của người. Trước lúc về cõi Niết bàn, Đại Sĩ dặn dò Bảo Sát phải lo cho Huyền Trân xuất gia và sư huynh đứng ra làm lễ thế độ cho Công chúa, rồi tìm một nơi bình yên xa kinh thành để Công chúa tu học. Song vì qúa bận theo dõi và chỉ huy việc khắc lại Đại Tạng Kinh, sư huynh Bảo Sát đành phải cậy nhờ vị sư đệ của mình là sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh (núi này còn có tên là núi Trâu Sơn) thuộc lộ Kinh Bắc và nhập chúng tu học tại đây cho đến khi nào kiến thức Phật Pháp của Huyền Trân vững vàng. Sau đó, Thiền sư Bảo Phác sẽ tìm một nơi thanh tịnh để Công chúa an cư và tiếp tục tu học.

Vâng lời sư huynh Bảo Sát, chỉ hơn một tháng sau Công chúa Huyền Trân đã xuất gia tại núi Vũ Ninh và được học Phật dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Bảo Phác. Cùng học Phật với Huyền Trân đợt ấy, còn có một số vị tân ni khác, trong số này có một ni sinh vốn là em gái của nhà sư Trần Công Tịnh tu ở chùa Thụy Ứng, huyện Tiên Lữ mà Công chúa rất yêu mến, nên đã kết nhận làm sư muội. Công chúa Huyền Trân được Thiền sư Bảo Phác ban cho pháp danh Hương Tràng, sư muội là Hương Nghiêm. Ni sư Hương Tràng xuất thân từ danh phận một Công chúa, được vua Nhân Tông cho học hành cả Nho lẫn Phật rất sớm, lại nhờ bản tính thông tuệ, chịu khó, cho nên việc học Phật tại núi Vũ Ninh rất nhanh. Mới có mấy tháng mà Hương Tràng đã căn bản nắm vững cả kinh, luật, luận; ngoài ra còn đọc thông thạo kinh Phật bằng Phạn ngữ nhờ nàng học được từ hồi còn ở Chiêm Thành.

Tháng mười năm Kỷ Dậu, 1309, ni sư Hương Tràng lúc ấy vừa tròn hai mươi ba tuổi đã được Thiền sư Bảo Phác phái về tu tại chùa Hổ Sơn mới lập ở huyện Thiên Bản, thuộc trấn Sơn Nam. Ni sư Hương Tràng xin với thầy mình cho sư muội Hương Nghiêm theo cùng. Về nhập chúng tại vùng chùa Hổ Sơn còn có Công chúa Thuỵ Bảo, chị ruột Công chúa An Tư, con gái của vua Trần Thái Tông. Công chúa Thuỵ Bảo trước lấy Uy Văn Vương Trần Toại, sau Trần Toại mất sớm, vua Thái Tông lại gã bà cho Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng dòng dõi vua Lê Đại Hành. Năm 1285, Trần Bình Trọng chỉ huy tướng sĩ chặn giặc ở bãi Thiên Mạc, thất thế ông bị quân Nguyên giết, bà ở vậy một thời gian, rồi quy y cửa Phật. Thụy Bảo có pháp danh Tĩnh Quang- người mà theo phổ hệ nhà Trần, Huyền Trân phải gọi bằng bà. Nhưng về nhập chúng tại Hổ Sơn, Tĩnh Quang lại trở thành sư muội của Hương Tràng!

Nhớ khi mới về nhập chúng tại chùa Hổ Sơn trên núi Hổ Sơn, ni sư Hương Tràng quán niệm rằng chùa này mới gây dựng, còn non trẻ; núi này thấp bé không sánh được với ngọn Yên Tử, cho nên đã đổi danh thành Nộn Sơn, với một cách gọi khiêm nhường.

Cũng nên nhắc lại rằng, Thiền sư Bảo Phác là thầy trực tiếp của ni sư Hương Tràng, Hương Nghiêm và nhiều người khác nữa, trong đó có cả sư Huyền Quang. Sư Huyền Quang sau này trở thành vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhưng Thiền sư Bảo Phác lại là sư đệ của Thiền sư Bảo Sát, mà sinh thời Trúc Lâm Đại Sĩ mới lên núi ẩn tu lại dạy Huyền Trân gọi Bảo Sát bằng sư Bá!

Ni sư Hương Tràng tu ở chùa Nộn Sơn, ngoài Phật sự bà còn mở lớp học đồng ấu dạy chữ cho bọn trẻ con nhà nghèo, dạy dân trồng lúa theo giống mới của người Chiêm. Nhờ hiểu biết y thuật, bà còn là một vị lang y chữa bệnh cứu dân trong vùng có tiếng. Những năm tu ở Nộn Sơn, nhiều lần bà tìm về làng Thái Đường thuộc huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), nơi có mộ ba vua đầu triều nhà Trần, để lập am thờ tự chăm nom hương khói. Tại đây bà cũng dạy dân biết cách trồng dâu, dệt lụa theo lối người Chiêm.

Bà viên tịch vào đêm mồng chín tháng giêng khi mới ngoài năm mươi… Nhớ ơn bà, sau này dân làng Thái Đường dựng ngôi đền thờ ở gần bờ sông Thái Sư, hiện vẫn còn dấu tích, tôn bà làm Mẫu Huyền Trân. Và ở đền làng Hổ Sơn, bà được phong làm Phúc Thần. Truyền rằng, mỗi khi đất nước gặp nạn binh đao hay thiên tai dịch bệnh, bà thường hiển linh phò trợ giúp dân.

Đánh giá cao hành trạng của Công chúa Huyền Trân- ni sư Hương Tràng, các triều đại sau từ vua Chính Hoà nhà Lê đến triều Nguyễn Thiệu Trị, Thành Thái, Duy Tân đều có sắc phong bà làm thần. Ví như bản Sắc phong thần sau cùng vào triều Khải Định năm thứ 9, 1924, có đoạn: “Sắc cho xã Hổ Sơn, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, từ trước đã phụng thờ vị thần Huyền Trân Công chúa thuộc triều đại nhà Trần, nguyên được phong tặng Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Chi Thần trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng. Nhân nay gặp lễ đại khánh tứ tuần của Trẫm, vâng thừa mệnh lớn, ban chiếu đền ơn, tăng thêm thứ bậc cho thật tốt đẹp lễ nghi, phong lên bậc Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần, chuẩn cho đặc biệt phụng thờ, để khắc ghi ngày vui cả nước, tỏ bày điển lễ thờ tự!”…

Giữa tháng tư năm Bính Tuất, nhằm ngày Phật đản 2006, người dân Thuận Hóa quê tôi thành kính tưởng niệm 700 năm Công chúa Huyền Trân qua Chiêm làm dâu đem về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm… Cũng trong dịp này là ngày vía của Huyền Trân, tôi từ đất Ô, Lý xa xưa về lại chùa Hổ Sơn, nay thuộc xã Liên Minh huyện Vụ Bản, kính cẩn thắp nén hương thơm vọng niệm bà…

Tôi đứng trước ngôi cổ tự Hổ Sơn, phóng tầm mắt xa xa về phía núi, cảm nhận nơi đây một vùng hào khí với những sơn mạch đang ngùn ngụt lan toả. Thì ra, Hổ Sơn chính là quê hương của nhà chính trị ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tướng quân Song Hào, của nhạc sĩ Văn Cao, Văn Ký là quê nội ba nhà văn đồng thời là ba anh em ruột Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam và rất nhiều nhân tài hào kiệt khác nữa… Dưới bóng cây sanh xù xì cổ quái phủ kín mái chùa, hòa quyện với tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng thỉnh niệm của người dân Hổ Sơn dâng lên vị thần Huyền Trân Công chúa. Bất giác, tôi thấy lòng mình lay động, và đâu đó quanh vùng núi Hổ Sơn bỗng nổi lên trong gió một khúc Nam Bình, buồn man mác: Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi?... Đền nợ Ô, Ly…

                                                   Huế, ngày tưởng niệm Huyền Trân, 2006

                   D.P.T

Dương Phước Thu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 147 tháng 12/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground