Chúng tôi vừa họp Khu ủy xong, đang triển khai Kế hoạch Đông Xuân 1967- 1968 cho chiến trường Trị Thiên- Huế, thì ngày 19-11-67 Khu ủy và quân khu nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng và mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền, thời gian bắt đầu chiến dịch này là Tết Mậu Thân (tức ngày 31- 01- 1968 dương lịch). Ngày 03-12- 1967, Thường vụ Khu ủy đề nghị Trung ương cử tôi từ Khu ủy xuống tham gia Đảng ủy Mặt trận đường 9 (gồm Gio Linh- Cam Lộ và bắc Hướng Hóa) để tiện cho việc kết hợp quân sự với chính trị, địa phương với chủ lực. Trước khi lên đường đi Bắc đường 9, đồng chí Bí thư Khu ủy nghe tôi trình bày phương án toàn diện trên địa bàn ba huyện phía Bắc. Rồi đồng chí nhấn mạnh: “Địa phương phải tích cực phục vụ chủ lực để đánh sập từng mảng tuyến phòng ngự của địch trên tuyến đường 9, mở hành lang cho quân chủ lực tiến vào Nam”. Tôi mang theo một số anh em điện đài và bảo vện rời Động Chuối ra đi. Dọc đường ghé cơ quan Đoàn Bảy là một hướng chia cắt địch rất lợi hại trong chiến dịch sắp tới. Tôi đến đây đã trưa lắm rồi mà các anh Hồ Sĩ Thản, Vũ Thắng, Vũ Bình… vẫn còn xúm quanh tấm bản đồ để bàn kế hoạch thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của Khu ủy và Quân khu. Sau bữa cơm thân mật toàn chuyện chiến đấu, các anh lưu luyến tiễn tôi và dặn: “Từ đây trở ra, do gần đường 9 nên phi pháo địch nhiều, anh đi đường phải hết sức cẩn thận”. Tôi vượt đất Triệu Phong sang đất Cam Lộ. Càng đi càng thấy mặt đất loang lổ những hố bom hố đạn. Tiếng máy bay do thám rè rè dọc các tuyến đường. Tiếng pháo từ hạm đội bắn vào chát chúa. Chúng tôi phải vừa đi vừa lựa thế ẩn nấp, mãi gần tối mới đến cơ quan Ban cán sự bên bờ sông Vĩnh Phước phía Tây Đông Hà, Nam đường 9. Đến đây tôi nhận được điện Khu ủy chuyển điện của Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho tôi tham gia Đảng ủy Mặt trận B5, và chỉ thị cho tôi nhanh chóng truyền đạt Nghị quyết Khu ủy cho Đảng ủy Mặt trận.
Tôi đã kịp thời thực hiện chỉ thị của Khu ủy và cuối tháng 12, Đảng ủy Mặt trận B5 đã họp xác định nhiệm vụ: “Tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, chủ yếu là Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một tuyến phòng ngự của chúng ở đường 9 để phát triển vào Trị Thiên- Huế. Thu hút lực lượng Mỹ - ngụy từ các chiến trường khác càng nhiều càng tốt, giữ chân chúng và tiếp tục tiêu diệt. Hiệp đồng chặt chẽ với các chiến trường trên toàn quốc, tạo điều kiện cho chiến trường Trị Thiên - Huế khởi nghĩa giành thắng lợi ở thành phố, chủ yếu là Huế, và giải phóng nông thôn”. Từ nhiệm vụ đó, Mặt trận đường 9 được tổ chức thành hai chiến trường Đông và Tây. Chiến trường Tây gồm hai Sư đoàn 304 và 324 cũ, Trung đoàn 27 và lực lượng của 270 ở Vĩnh Linh cùng với D27 của Ban cán sự, hai C của hai huyện Cam Lộ và Gio Linh và hàng trăm du kích. Ngoài ra còn có đoàn đặc công nước IA của Bộ cùng phối hợp.
Sau cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, tôi triệu tập họp Ban cán sự và một số cán bộ huyện truyền đạt Nghị quyết và triển khai kế hoạch thực hiện, rồi tranh thủ xuống nắm tình hình ở vùng Cùa. Cùa là một vùng gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa nằm sát đường 9, là nơi có truyền thống cách mạng lâu năm, huyện đã phải dựa vào hai xã này để làm bàn đạp và phục hồi phong trào trong những ngày đen tối. Địch đã dùng cả đại đội bảo an cùng công an kìm kẹp, khống chế dân, chúng bắn chết đồng chí Đàn là Đảng viên Cộng sản để uy hiếp tinh thần quần chúng. Mặc dù vậy, Cùa vừa là nơi thí điểm phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền làm chủ ở nông thôn trước ngày 05-7-1964 do tỉnh chỉ đạo. Trong những năm đen tối ấy, cơ sở ta vẫn tồn tại và phát triển, đội ngũ cán bộ vẫn ngày càng đông thêm. Riêng ở Cam Chính, có lúc chỉ còn một mình đồng chí Đàm, sau lại được rút ra để bổ sung thêm các đồng chí trẻ tuổi và gan dạ như Quyết, Đàn… xây dựng cơ sở có hàng chục cán bộ mới. Lần này trở lại Cùa, tôi thấy Cùa không còn như trước. Nhân dân bị tập trung, cây cối xơ xác hoang tàn, chỉ có một điều không đổi khác đấy là lòng dân. Mặc dù bị bom vào khu tập trung nhưng lòng dân luôn luôn hướng về cách mạng. Cứ mỗi năm, họ lại mong ngày Tết đến, không phải để có áo mặc, bánh chưng mà để đón thư chúc Tết của Hồ Chủ tịch gửi cho đồng bào cả nước. Trước đêm tôi đến, các cán bộ ở huyện là Đàm, Đàn, Quyết đã len lõi vào gặp cơ sở để đưa tiền cho dân chuẩn bị lương thực thực phẩm cho chiến dịch. Khi tôi vào còn đưa thêm tiền, không thấy họ lo sợ gì và rất mừng vì được cách mạng tin tưởng. Đêm hôm ấy, anh em vùng Cùa lấy được lương thực thực phẩm nhiều hơn bao giờ hết. Từ chỗ lấy từng bơ nay lấy được hàng tấn trong một đêm.
Dân ở đây rất thương anh em hoạt động bí mật, vì thương quá mà không biết làm gì hơn ngoài việc cho ăn cho uống no nê. Chúng tôi vào nhà một bà mẹ, mẹ hỏi ngay: “Các con đói lắm rồi phải không? Có sẵn cơm cá, thịt đây rồi, để mẹ dọn cho mà ăn ba “méng” cho khỏi đói”. Đồng chí cùng đi với chúng tôi vốn hóm hỉnh nên nói ngay: “Chà cơm có cá, có thịt ngon thế mà mạ chỉ cho ăn ba méng thôi à?” Cô con gái của mẹ đứng sau lưng anh ta thấy vui quá nhịn cười không được liền đấm yêu cho mấy cái vào lưng, một tiếng kêu nhỏ phát ra: “Bọ ơi, con quẹo cả lưng rồi!” Ông cụ trong nhà vui tính liền nói: “Bọ đã có thuốc lá chữa, con và các anh vô ăn cơm đi, ăn xong là lưng hết quẹo”. Không phải chỉ một nhà vui như vậy mà cả thôn đều vui. Khi chúng tôi rút lui, mà đồng bào vẫn chưa chịu đi ngủ, họ thức để cầu mong cho chúng tôi rút lui được an toàn.
Nắm được tình hình vùng Cùa rồi, tôi về cơ quan xem xét mọi việc và lệnh cho D27 vượt đường sang phía Bắc hoạt động. D27 đi hôm trước thì hôm sau cơ quan Ban cán sự bị bom địch ném tơi tả vì điện đài ta hoạt động địch phát hiện được. Nhưng anh em an toàn cả. Đồng chí bảo vệ nói với tôi: “Hôm ta đi ra, có lúc gặp pháo bắn như đón nguyên thủ quốc gia. Nay bom lại dội như đánh đáo. Anh tính sao? Tôi cười nói: “Trận bom này là chúng nhắc chúng ta phải chuyển cơ quan chỉ đạo đi nơi khác. Ta phải chuyển sang vùng Lâm – Lang – Cam - Vũ ngay, kẻo muộn”. Chúng tôi vừa chuyển đến Lâm Lang xong thì bom và pháo địch dội tới tấp vào vị trí cũ, nhưng ở đây chỉ còn lại lán trại, cây cối và những căn hầm trống không.
Trước Tết mười tám ngày chiến dịch Khe Sanh được châm ngòi bằng trận đánh Tân Lâm, rồi ta đánh vào Cà-Lu, Động Trị, phong tỏa đường sông từ Cửa Việt lên Đông Hà. Sau khi tiêu diệt quận lỵ Hướng Hóa (đêm 20-01-1968), ta chiếm Huội San, tiêu diệt cứ điểm Làng Vây án ngự dọc đường 9. Ở hướng Đông, ta đánh khắp từ giới tuyến vào Đông Hà đến Cửa Việt, nổi bật nhất là đánh giao thông thủy bộ, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ- ngụy, tạo đà cho giờ tổng tấn công và nổi dậy vào đêm giao thừa.
Và đêm giao thừa đã đến. Tiếng súng tấn công đã hoàn toàn thay thế cho tiếng pháo nổ mừng xuân. Bánh chưng, bánh tét trở thành nguồn tiếp tế đặc biệt cho quân giải phóng, Sư đoàn 320 đúng giờ G đã nổ súng đánh vào chỉ khu quận Cam Lộ, đoàn IA đặc công rước đánh chìm hàng chục tàu địch ở Cửa Việt Yên, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang phối hợp chặt chẽ tấn công vào các mục tiêu được phân công hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy tấn công diệt ác phá kềm, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận… Trận càn của địch ở Đông Gio Linh bị đánh bất ngờ, hai xe tăng bị ta đánh cháy và tám mươi tên bị tiêu diệt. Quân ta thừa thắng xông lên, trung đoàn I (độc lập) được sự giúp đỡ của nhân dân đã vượt qua sông Thạch Hãn, tràn vào đồng bằng Triệu Phong…
Đêm mùng 3 Tết tại gia đình làng Nghĩa An thật nhộn nhịp, đấy là đêm khởi nghĩa của trung đội nghĩa quân xã Cam Thanh, xã Cam Thanh là xã có truyền thống cách mạng. Nhiều người lính trong trung đội này có quan hệ tốt với cơ sở cách mạng ở địa phương. Biết được tình hình đó, tôi rút một đồng chí binh vận có kinh nghiệm bố trí về Cam Thanh cùng với chi bộ tìm cách vận động binh lính khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn, được sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Bí thư cơ sở, đồng chí Cảnh cán bộ binh vận đã cùng Chi bộ ở đây móc nối được với trung đội địch và thống nhất được giờ khởi nghĩa. Đêm mồng 3 Tết, đúng giờ quy định, toàn trung đội tập trung ở đình làng. Trung đội trưởng cầu an bỏ trốn. Trung đội phó lên thay, đứng trước hàng quân tuyên bố khởi nghĩa, đi theo cách mạng. Nguyện vọng của họ là muốn làm nghĩa binh của nhân dân chứ không muốn làm tù binh của nhân dân mình. Đêm ấy, gia đình vợ con, người thân của các nghĩa binh và đồng bào Cam Thanh vô cùng xúc động tưng bừng đón họ trở về quê hương là, lại cuộc đời.
Nhưng trên cục diện chiến trường đường 9, hành lang vào
Đợt hai chiến dịch bắt đầu ngày 10-02-1968 bằng cuộc tấn công vây hãm Khe Sanh. Ở hướng Đông có nhiệm vụ phối hợp đánh chặn địch trên sông Hiếu. Tôi nhận được lệnh này, liền triệu tập các đồng chí Tú Anh, Toàn, Dũng vạn đò, Ba chủ tịch Cam Giang để giao nhiệm vụ huy động quần chúng địa phương tham gia, và giao cho đồng chí Trần Phố ủy viên Ban cán sự phụ trách điều động lực lượng. Kết quả D27 và các đại đội địa phương huyện và nhân dân phối hợp với đoàn IA đặc công nước đã bí mật cắm cọc và cài ngư lôi ngăn sông Hiếu, làm cho đường vận chuyển của địch trên sông này bị tắc nghẽn ba ngày, và bị thiệt hại rất lớn về người lẫn của. Địch huy động máy bay ném bom vào chỗ bị tắc nghẽn, và rải xăng dầu đầu nguồn nước để đốt. Những đống lửa trôi bập bềnh trên mặt nước giống như trận hỏa công trên sông Xích Bích. Trong không khí hào hùng đó, chúng tôi tạm gọi cho trận sông Hiếu là “trận Bạch Đằng mới”.
Càng về sau, địch càng phản kích quyết liệt, nhất là từ sau khi quân rút ra khỏi thành phố Huế. Ở vùng địa hình trống trải như Đông Gio Linh, bộ đội và du kích chiến đấu rất ngoan cường nhưng hy sinh tổn thất khá lớn. Khi rút lui chỉ đủ sức thu thập thương binh, còn liệt sĩ đành phải để lại cho tổ chức phục vụ chiến trường của địa phương giải quyết. Có một sự việc vô cùng cảm động: Một bà mẹ theo du kích đi tìm liệt sĩ (ba ở trại tập trung Gio Hải), và mẹ đã xin nhận một thi hài liệt sĩ. Mẹ ôm thi hài mà nói rằng: “Mẹ đã đi tìm con của mẹ nhiều năm, nhưng không gặp. Mộ con của mẹ bây giờ không biết ở đâu. Hôm nay mẹ xin con về với mẹ để làm con của mẹ, hôm sớm có mẹ có con”. Anh em du kích nghe mẹ nói đều rơi nước mắt và đã giúp mẹ đưa thi hài liệt sĩ về nơi an táng nghìn thu.
Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt hơn, tháng 3-1968, tôi phải dờ cơ quan ra xã Trung Hải, đây là một trong ba xã ven bờ sông Bến Hải, chỉ có du kích mà không có dân, chỉ có chiến đấu mà không có sản xuất, đi không dấu nấu không khói để đảm bảo bí mật…
Sư đoàn 320 tạm thời lui về phía sau để củng cổ. Tôi kịp thời đến chia tay Sư đoàn và anh Kim Tuấn, người bạn cũ của tôi thời chống Pháp ở Thái Bình. Bây giờ anh là người lính cũ duy nhất còn lại với Sư đoàn. Ngay cả Sư đoàn của anh bây giờ cũng thiếu vắng đi rất nhiều sau chiến dịch Mậu Thân. Những giọt nước mắt của chúng tôi đã ứa ra trước lúc chia tay…
Mới đó mà đã hai mươi tám mùa xuân trôi qua. Có thật nhiều mùa xuân để nhớ như mùa xuân 1975 miền
V.S