Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cụ cử nhân Nguyễn Xuân Luyện - Vị khoa bảng cấp tiến

Vừa giành chính quyền chưa được bao lâu một hôm cha tôi bảo: Sáng nay ở nhà giúp cha có khách.

Tôi biết khi cha đã nói vậy là có khách quý, nhưng cũng hỏi để biết rõ hơn. Khách là ai hở cha?

Là cụ cử nhân, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị.

Thế là tôi biết được cụ cử nhân Nguyễn Xuân Luyện, mà lâu nay tôi đã nghe danh.

Tôi làm những việc của một tiểu đồng như quạt hỏa lò nấu nước sôi. Lau rửa bộ ấm trà cổ xưa, mỗi khi có khách quý mới đem ra dùng. Vừa làm vừa nhìn ra đường để xem cụ cử ra làm sao.

Phủ Triệu Phong có mấy cụ khoa bảng danh tiếng như cụ cử nhân Võ Châm người làng Nại Cửu. Cụ cử nhân Hồ Thâm (thân sinh Giáo sư Hồ Ngọc Đại) và cụ cử nhân Nguyễn Xuân Luyện. Mỗi vị đều mang một khí phách độc đáo tiếng tăm vang dội ở Quảng Trị. Cụ Võ Châm hóm hỉnh chửi quan trên bằng thơ trào phúng. Cụ Hồ Thâm cắn đứt lưỡi chảy máu rồi phun thẳng vào quan Phủ Định (Tri phủ Triệu Phong). Còn cụ Nguyễn Xuân Luyện thì nho nhã, điềm đạm, nhưng ba lần từ chối quan trường. Sau khi đậu cử nhân, được bổ đi trị nhậm cụ lấy cớ cha già mẹ yếu không đi xa được mà từ chối.

Lần thứ hai được bổ đi trong địa phương, cụ lấy cớ vừa ốm dậy, sức khỏe không cho phép. Còn lần thứ ba cụ lấy cớ chuẩn bị cho thi đại khoa năm tới.

Thực chất là cụ không muốn dính đến quan trường làm bù nhìn cho Pháp. Cụ đã bí mật tham gia các phong trào yêu nước, từ lúc có Cần Vương cho đến Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sau này. Cụ bí mật ra nước ngoài tham gia các khóa huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Khi tôi làm xong mọi việc thì có tiếng từ ngoài đường.

Vâng, thưa cụ nhà anh Đoàn Lân ở đây. Cha tôi áo quần tử tế xuống tận bậc thềm cuối cùng đón cụ cùng vị khách cùng đi.

Mới thoáng qua tôi tưởng ông Học Thược. Ông này có đi thi và đỗ Tú tài. Sau bỏ thi đi lập đồn điền tham gia hoạt động bí mật.

Cụ cử Luyện người cao nho nhã, có đôi mắt sáng và tóc đã bạc quá nửa. Cụ bận quần đùi màu mỡ gà, sơ mi trắng, mũ cát trắng đi xăng đan. Chẳng khác nào một công chức phán sự ở các tòa thời ấy.

Khi khách chủ đâu vào đó trên bộ trường kỷ xưa. Cụ cử mới hỏi cha tôi những vị cách mạng bị tù trong vùng có thân quen như ông Trần Trọng Ngung, Đoàn Bá Thừa, Đặng Thí… Những vị này là con dân làng An Tiêm, xã Triệu Thành. Khi bà nội tôi xuất hiện, cụ đứng dậy nắm tay hỏi thăm an ủi.

“Mệ đã sinh ra anh Đoàn Lân, một chiến sĩ cộng sản hy sinh cho cách mạng từ năm 1930 là vinh hạnh lắm”, cha tôi vào bàn thờ đem ảnh bác Đoàn Lân ra cho cụ xem. Cụ nhìn bức ảnh được phóng to khá rõ ràng.

Đoàn Lân số tù 538, ngày 29 - 11 - 1929. Bức ảnh này được chụp tại lầu sứ Quảng Trị trước khi bị đày Lao Bảo.

Tiếc thật, anh Lân còn hôm nay thì Quảng Trị có thêm một lãnh đạo tiếng tăm. Rồi cụ nói với cha tôi. Hồi ấy tôi ở xa, nhưng tiếng tăm anh Lân với bài truy điệu ở Lao Bảo vang xa ra khỏi Quảng Trị.

Bà nội tôi khóc và cụ an ủi: Nay nước nhà độc lập có vinh dự lớn lao mà gia đình ta đã đóng góp. Cụ hút thuốc lá vấn như các cụ già Quảng Trị.

Tôi đứng xa, sau cánh cửa bản khoa nhìn cụ rồi nhìn lên ảnh thờ ông nội thấy có nét chung.

Năm 1948, có dịp lên Chiến khu Ba Lòng khi Pháp đã đánh chiếm tỉnh Quảng Trị. Tôi nghe cán bộ bảo nhau, cụ cử Luyện là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh. Đời sống cán bộ thiếu thốn khó khăn. Nhưng với cụ thì được Chính phủ ưu ái theo chính sách Nhân sĩ. Nhưng cụ không nhận tiêu chuẩn ấy, mà cùng đồng cam cộng khổ khoai sắn, rau tàu bay như bao cán bộ lúc bấy giờ.

Vậy là từ một nhà Nho, một vị khoa bảng yêu nước cụ đã hoạt động cách mạng rất sớm, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, là tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Trị cùng các ông Đặng Thí, Trần Sâm, Nguyễn Hữu Khiếu, Vĩnh Mai (cụ sinh hoạt cùng chi bộ với nhà thơ Vĩnh Mai), cũng áo quần bà ba đen, dép cao su. Mỗi khi đi công tác về các huyện đồng bằng vùng địch tạm chiếm, bên cạnh thường có một cán bộ trẻ đi theo giúp việc và làm thư ký. Khi cụ Võ Liêm Sơn, Chủ tịch Liên Việt Khu 4 đi dự Hội nghị ở Việt Bắc về ốm nặng rồi qua đời năm 1949. Chính phủ mời cụ Nguyễn Xuân Luyện ra Khu 4 làm Chủ tịch Liên Việt cho đến ngày hòa bình lập lại năm 1954.

Theo Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, sau khi Chính phủ về lại Thủ đô Hà Nội, Viện Hán Nôm được thành lập. Để quy tụ các bậc khoa bảng, túc nho như các cụ Bùi Kỷ, Phạm Thiều, Lê Thước… Cụ cử nhân Nguyễn Xuân Luyện được nhà văn Đặng Thai Mai (Viện trưởng) điện mời ra Hà Nội, tiếc thay lúc này cụ cử Luyện còn nhiều việc ở Khu 4 và là Chủ tịch Liên Việt tỉnh Quảng Bình. Mà ở Quảng Bình cụ Đặng Phúc Thông thì đang ở Trung Quốc chưa thể về để nhận bàn giao và đến khi cụ Thông về thì cụ cử Luyện bị ốm nặng rồi qua đời vào ngày 3 tháng 7 năm 1962, hưởng thọ 73 tuổi. Được tin cụ qua đời, Chính phủ chỉ thị tỉnh Quảng Bình tổ chức tang lễ trang trọng. Nhà văn Đặng Thai Mai vào viếng và đọc điếu văn: “Đồng chí Nguyễn Xuân Luyện thân mến của chúng ta không còn nữa!

Với cái chết của đồng chí Nguyễn Xuân Luyện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mất đi một ủy viên trung ương thân mến. Hội Việt - Trung hữu nghị mất một Phó Chủ tịch lão thành tiêu biểu… Chúng tôi là đoàn đại biểu đồng hương Quảng Trị vào Đồng Hới dự tang và tiễn đưa…”

Năm 2014, anh Nguyễn Văn Vũ (cháu nội của cụ cử) cho biết: Cụ được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tôi tìm đến nhà anh ở phường Kim Long (thành phố Huế) thăm gia đình và thắp hương bày tỏ tấm lòng kính trọng với vị khoa bảng cấp tiến mà tôi đã vinh hạnh thấy lúc còn thiếu thời.

Cụ là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ ở tỉnh nhà không màng danh lợi, cống hiến trọn đời mình vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Mùa xuân năm 2016, tôi về thăm làng Lập Thạch. Ngày trước làng thuộc xã Triệu Lễ huyện Triệu Phong, nay là phường Đông Lễ thành phố Đông Hà. Tâm sự với tôi, nhiều vị cao niên muốn giữ tên làng Lập Thạch đã có hơn 500 năm, từ độ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Ái Tử dựng bờ mở cõi. Làng vẫn như xưa, nhà thờ, đường sá được xây mới: Con sông hiền hòa vẫn chảy qua làng về Cửa Việt như bao đời nay. Một ngạch đất đã sản sinh ra cụ cử trước đây và nhiều Tiến sĩ hiện nay, làm vinh danh cho Lập Thạch, cho Quảng Trị hôm nay. Thành phố Đông Hà nên có tên đường Nguyễn Xuân Luyện (nếu chưa có tên). Bởi tên tuổi của cụ, tầm vóc của cụ xứng đáng được như vậy.

N.L

Nhất Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 263

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground