Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

10 cô gái Nam Phú và tấm Huy hiệu Bác Hồ tặng

TCCV Online- Trong đạn bom ác liệt, 10 cô gái Nam Phú mười tám, đôi mươi bên dòng Bến Hải bất chấp nguy hiểm xông pha tải đạn, cứu thương, sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh trả máy bay giặc Mỹ. Không chỉ dũng cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, 10 cô gái Nam Phú còn tích cực thực hiện “tay cày, tay súng”, bám đồng ruộng vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Năm 1966, tấm gương tiêu biểu của tập thể 10 cô gái Nam Phú đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.

Một thuở hào hùng

Trong căn nhà giữa một vườn cây trái xanh um, trĩu quả, bà Nguyễn Thị Hiệt 76 tuổi, một trong 10 cô gái Nam Phú thời đó ở thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam của “đất thép” Vĩnh Linh (Quảng Trị) bồi hồi về một thời hào hùng đẹp nhất trong cuộc đời, được sát cánh cùng với bộ đội chiến đấu giành giữ từng tấc đất quê hương.

Bà kể: Năm 1965, Mỹ và Quân đội Sài Gòn dội bom suốt ngày đêm ở Vĩnh Linh. Lực lượng Bộ đội, Công an, dân quân du kích khu Vĩnh Linh lập nên nhiều điểm, trạm chiến đấu, đánh trả máy bay địch. Tui lúc đó thuộc Tiểu đội nữ du kích Nam Phú. Bày tui ngày đêm mướt mồ hôi, quần quật gùi cõng lương thực, súng đạn, vũ khí chiến đấu ra chiến trường cho bộ đội, rồi từ chiến trường cõng cáng bộ đội chiến đấu bị thương về tại các trạm xá, bệnh viện giã chiến trên địa bàn để băng bó, cứu chữa cho họ. Có ngày đêm, chị em đi hàng chục chuyến, xa hàng chục cây số như đến bến đò B Tùng Luật ở xã Vĩnh Giang, thôn Hiền Lương của xã Vĩnh Thành để mần nhiệm vụ ni. Có đôi lần tui cũng đã ghi lại những trận đánh ác liệt để làm kỷ niệm. Vừa dứt câu, bà Hiệt đứng dậy vào buồng lúc sau trở ra với quyển nhật ký giấy đã ngả màu vàng ố bởi thời gian. Chúng tôi cố nhìn thật kỹ từng nét chữ, thấy một đoạn còn có thể đọc được: “Ngày 4/5/1965, sau 12 loạt bom mà chị em mình vẫn sống sót được. Lại mỗi người còn vác được 10 thùng đạn ra cho bộ đội Sông Lô đánh địch thả bom dọc bắc sông Bến Hải. Bộ đội nhìn mấy chị em mình không tin, lại còn trêu là Tề Thiên Đại Thánh hay sao mà việc vác đạn cứ nhanh như việc hô biến vậy...”.  

Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Nam ghi rõ: 14h30’ ngày 8/2/1965, 24 máy bay A.1H do Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu tướng Tư lệnh Không quân quân đội Sài Gòn chỉ huy, xuất phát từ sân bay Đà Nẵng, được hơn 60 máy bay thuộc các phi đội A.1E và F.100 của Mỹ từ các tàu sân bay đậu ngoài khơi vịnh Bắc Bộ phối hợp yểm trợ, đã ném bom xuống nhiều khu dân cư, nhiều xí nghiệp, trường học ở thị trấn Hồ Xá, Doanh trại Sư đoàn 341 thuộc khu vực Vĩnh Linh, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lớn nhất, dài nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử đối với mảnh đất Vĩnh Linh nhỏ hẹp.

Trở lại câu chuyện với bà Hiệt, đoạn bà bảo chúng tôi, người còn sống không gì may mắn bằng, nên những năm qua, mặc dù tuổi đã cao, sức yếu, bà vẫn đều đặn nhờ con cháu đưa mình đến gia đình những chị em đã từng chiến đấu, hy sinh để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân họ. Rồi bà run run xúc động: “Chị em bày tui sống chiến đấu cùng với nhau đến năm 1967, thì Nguyễn Thị Thỉ-lúc nớ mới 20 tuổi, trẻ măng, hy sinh. Thỉ bị trúng đạn rocket của địch khi đang gánh cơm ra chiến trường tiếp sức cho bộ đội”. Tội nghiệp Thỉ, nó là đứa hiền lành, tốt tính, lại đẹp nhất trong đám mấy chị em. Nó làm Trưởng phân chi hội phụ nữ Nam Phú, ai cũng yêu mến nó!”. Lần tiếp sức đó, ngoài bà Thỉ còn có bà Trần Thị Xiêm, cán bộ phụ nữ thôn Nam Hùng và nhiều người khác ở Vĩnh Nam hy sinh, do bị máy bay địch thả bom và bắn đạn rocket dày đặc như vải trấu trên mặt đất, mặt sông Bến Hải.

Tiểu đội nữ… bây giờ

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Hiệt có điều kiện tiến thân hơn so với những chị em khác trong Tiểu đội nữ du kích Nam Phú, nhờ vào sự chịu khó, kiên trì học hành của mình. 5 năm liền đảm vai Chủ tịch xã Vĩnh Nam, năm 1976 bà được tiếp tục đi học văn hóa, chính trị, về làm cán bộ Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Linh rồi  Hội Phụ nữ Vĩnh Linh, đến năm 1991 thì hồi hưu tại quê nhà Nam Phú. Song bà Hiệt không mấy may mắn về đời tư. Hiện bà sống với hai người con, một trai, một gái dù tuổi đã lớn vẫn chưa lập gia đình. Bà bảo, đời con người ai cũng có duyên phận riêng. Thân phận bà như thế này, là cũng vì hoàn cảnh chiến tranh, khi người bạn đời không còn muốn duy trì tình cảm với mình nữa, thì cũng để người ấy ra đi!

Tiểu đội nữ du kích Nam Phú ngày ấy, giờ 7 người còn sống. Ngoài bà Hiệt, có 2 người khác rất thân phận, là bà Nguyễn Thị Lành có chồng mà qua bao năm thời tuổi trẻ vẫn không may mắn có con, do bị nhiễm nặng chất độc bom đạn. Người nữa là bà Nguyễn Thị Xu 90 tuổi hiện ở thôn Nam Phú. Bà Xu từng có chồng, chồng bà là bộ đội nhưng ngày cưới do hoàn cảnh chiến tranh mà hai người không có được đêm tân hôn. Cũng từ sau ngày cưới, bà đã phải đợi chờ chồng ròng rã hơn 25 năm. Nhưng khi biết được tin chồng, thì đó là một tấm giấy báo tử chồng đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Sau này, bà Xu đi bước nữa, cũng là bộ đội, song ông ấy đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường biên giới phía Nam khi hai người chưa kịp có con với nhau. Ba mẹ, anh chị em bà Xu cũng đã mất trong chiến tranh, bà sống đơn thân hàng chục năm qua. May mắn lúc tuổi xế chiều, có người hàng xóm thảo thơm là chị Đoàn Thị Nhung, Phó trạm Y tế xã Vĩnh Nam chăm sóc lúc trái gió trở trời.

Hôm chúng tôi đến nhà bà Xu, hỏi chuyện Tiểu đội nữ Nam Phú ngày ấy bà Xu bỗng khóc nức nở. Bà bảo tuổi già không chồng, không con cháu thật cô đơn. May bà còn lưu giữ được những kỷ vật chiến tranh, là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời, và may mắn có chị Nhung thường xuyên bên cạnh, yêu thương và xem bà như mẹ ruột của mình, nên bà bớt chống chếnh hiu quạnh. Hai mẹ con cũng thường xuyên đem những kỷ vật chiến tranh ra xem như để an ủi, vỗ về. Trong số đó, bà còn lưu giữ được tấm hình 10 cô gái Nam Phú, được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người năm 1966.

Trở lại huyền thoại chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất của 10 cô gái Nam Phú thời chống Mỹ, cứu nước, bên dòng sông Bến Hải giới tuyến lịch sử, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Nam Phùng Thị Thủy tự hào: “Noi gương các thế hệ đi trước trên quê hương Vĩnh Nam Anh hùng, lớp trẻ chúng tôi đã không ngừng cố gắng học tập, noi theo; nỗ lực làm những việc có ích nhất cho cộng đồng, xã hội để không phụ công ơn to lớn của lớp ông cha mình đã đổ xương máu hy sinh vì nền độc lập, vì sự tự do của đất nước. Trường hợp neo đơn không nơi nương tựa như mẹ Xu thì xây dựng nhà tình nghĩa cho bà. Đồng thời, phát động phong trào thi đua học tập tấm gương chị Đoàn Thị Nhung về công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, xã hội từ thiện để con người thực sự yêu thương, gắn kết, ân tình”...

H.T– H.L

Hữu Thành-Hiền Lương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground