Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

108 ngày bên Cửa Việt

C

uối năm 1966 Nguyễn Đức Tuân vào đất liền làm trợ lý tác chiến ở tư lệnh mặt trận 20. Đầu 1968 Trần Văn Thà cũng được gọi vào. Lệnh trên bảo anh: “Cứ nghỉ ngơi đi đã”, nghỉ chừng mười ngày, Thà nghe loáng thoáng anh em nói với anh: “Thà vào để làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 47”.

Trần Văn Thà đoán không biết mình sẽ đến mũi chiến trận nào đây, chắc chắn cũng chỉ xung quanh Quảng Trị thôi. Nghĩ vậy, để nắm chắc địa hình Quảng Trị, anh vào phòng tham mưu, tìm bản đồ Quảng Trị nghiên cứu đất đai, sông núi, đường đi lối lại. Không ở ngoài đảo nữa, lính đóng quân trong đất liền, chắc sẽ chạm trán với Mỹ nguỵ đang ở đây.

Trần Văn Thà hỏi Nguyễn Đức Tuân:

- Đánh nhau với bộ binh Mỹ, loại vũ khí nào của Mỹ là đáng gờm nhất?

Tuân đáp:

- Súng phóng lựu của Mỹ rất nguy hiểm. Nó bắn rất dễ trúng. Đạn nổ vỡ hàng trăm mảnh, sát thương lớn, nếu không có hầm hố. Tên nó là M79.

- Còn phòng thủ, tác chiến của chúng ra sao?

- Không đáng ngại, song pháo của chúng và trực thăng cũng là hai thứ đáng gờm.

Đùng một cái, Trần Văn Thà được liên lạc đưa giấy mời, gọi đến bộ chỉ huy, gặp Lê Kỳ Lân và Hoàng Nhuận. Trong cuộc gặp này thấy có cả Trần Thanh Điệu, thượng úy của một tiểu đoàn cao xạ.

Lê Kỳ Lân giao nhiệm vụ mới cho Trần Văn Thà:

Anh về làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 47. Lân chỉ qua Điệu - Trần Thanh Điệu sẽ làm chính trị viên trưởng của tiểu đoàn anh. Nhiệm vụ của D47 là vào bóp cổ thằng Mỹ ở Cửa Việt, không cho nó chi viện quân và đưa lương thực lên Đông Hà, Khe Sanh. Tại Cửa Việt, làm sao đó, nó hút quân từ trong phía Nam ra, càng nhiều càng tốt.

Ngay trong tuần đó, Trần Văn Thà, Trần Thanh Điệu lên nhận quân ở nông trường cao su Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú.

Ban chỉ huy tiểu đoàn có thêm: Trần Quang Thế, tiểu đoàn phó, Trần Thanh Lục, chính trị viên phó tiểu đoàn, Đặng Đình Nhu trợ lý tác chiến.

Trong buổi nhận quân này, cấp trên nói rõ nhiệm vụ của tiểu đoàn:

- Cửa Việt là một hải cảng quân sự của địch. Sông Hiếu bắt nguồn từ chân dãy Trường Sơn, chảy qua Rào Quán, qua Mai Lĩnh, Đông Hà, đổ ra Cửa Việt. Cửa Việt, sông Hiếu là đường vận tải đường thủy rất quan trọng của địch cho các căn cứ quân sự ở Đông Hà, Khe Sanh. Chúng ta sẽ đánh tàu vận tải của địch từ Cửa Việt vào sông Hiếu. Đánh địch ra giải tỏa, giữ vững trận địa. Lực lượng vũ trang tại chỗ, phải phát động quần chúng giành quyền làm chủ ở địa bàn ta đóng quân. Ông Nguyễn Sanh là thường vụ tỉnh ủy, hiện làm bí thư xã Gio Cam, ngay bên bờ sông Hiếu. Cần gì cứ liên hệ.

D47 phối thuộc chiến trường với D của anh Tạc làm D trưởng, thuộc B5. Tiểu đoàn anh Tạc có một đại đội 82, sáu khẩu; một đại đội DKZ, sáu khẩu; một đại đội 12 li 7, bảy khẩu; một đại đội đặc công nước Hải quân. Hai tiểu đoàn này lại được sự hỗ trợ của một đại đội bộ đội địa phương quân và hai đại đội dân quân của Vĩnh Linh với mười hai khẩu DKZ. Tổng số lính trải dài để đánh vận tải thủy của địch dọc Cửa Việt, sông Hiếu gần một ngàn người. Tiểu đoàn 47 của Trần Văn Thà đặc cách đánh Cửa Việt, và đoạn sông Cửa Việt - Đông Hà.

Các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng lực lượng đánh tàu đường thủy ngồi suốt một ngày nghiên cứu trận địa trên sa bàn, phân công các đơn vị ngay trên địa bàn. Ngay đêm ấy, các tiểu đoàn lên kế hoạch tác chiến của tiểu đoàn mình, viết thành văn bản, gởi lên bộ chỉ huy để xét và quyết định.

Các tiểu đoàn xác định, chuyến đánh tàu vận tải này, thế nào ta cũng phải đụng đầu với pháo, bom, máy bay trực thăng, xe tăng của địch. Bao nhiêu chưa rõ, nhưng rõ ràng cuộc chiến này không phải ngày một, ngày hai, mà có khi một, hai, ba tháng.

Cấp trên duyệt kế hoạch tác chiến của tiểu đoàn rồi, tiểu đoàn sẽ giao nhiệm vụ cho các đại đội, các mũi chiến đấu trực tiếp. Sau ba ngày giao nhiệm vụ, ban chỉ huy tiểu đoàn xuống tận nơi kiểm tra xem các đơn vị đã hiểu kế hoạch thế nào, lên kế hoạch tác chiến cụ thể của đơn vị mình ra sao.

Trần Quang Thế D phó đã từng chiến đấu trên địa bàn này, anh tỏ ra hăng hái, nhiệt tình trong kế hoạch tác chiến của tiểu đoàn. Đặng Đình Như, trợ lý tác chiến cũng tham gia ý kiến rất thiết thực.

Duyệt xong kế hoạch, các đơn vị lĩnh trang thiết bị và vũ khí để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Anh nào cũng mang lỉnh kỉnh: súng AK với hai cơ số đạn, cuốc xẻng, trang bị cá nhân của mình. Ngay cả tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thà, ngoài trang bị cá nhân, anh còn mang thêm hai quả cối 82. Mọi người học tập anh mang giúp khí tài cho anh em pháo binh.

Anh em động viên nhau:

- Gắng mà mang súng đạn. Cuộc chiến đấu của chúng ta cần cái đó nhất.

Trước hôm lên đường, anh nuôi cho toàn đơn vị ăn một bữa thỏa thuê. Lương thực, thực phẩm tăng cường đáng kể, vậy mà anh em ăn sạch: “ăn no để mà đánh khỏe”. Không ngờ cuộc bồi dưỡng sức lực kéo dài đến năm ngày. Tuổi trai đang tuổi ăn, tuổi ngủ, chỉ năm ngày thôi, anh nào cũng thấy mình khỏe hẳn ra.

Đúng ngày 19 tháng 01 tiểu đoàn hành quân, vượt Cửa Tùng Luật. Đại đội 2 được phân công đi trước, dẫn đầu. Chị em dân quân Tùng Luật được thông báo trước cuộc hành quân này, bảy chị đưa bảy thuyền tới bến. Mỗi thuyền chở được hai tiểu đội. Nếu tính tròn mỗi chuyến bảy thuyền qua sông chở được 168 người. Như vậy, tất cả khí tài, tiểu đoàn 47, chỉ cần bốn chuyến là thong thả.

Một sự tình cờ không lường là pháo binh bên bờ Nam bắn cầm canh vu vơ đúng trong lúc thuyền đang qua sông, quân ta hy sinh một người, bị thương hai người. Tiểu đoàn nhờ du kích Tùng Luật đưa hai thương binh, một liệt sĩ về phía sau chạy chữa và chôn cất đàng hoàng.

Trên đường hành quân, có một đại đội hải thuyền của ngụy đóng ở Xuân Khánh. Trần Quang Thế tiểu đoàn phó được giao nhiệm vụ cùng đại đội hai đi đầu dẹp cái gai trước mắt. Lâu nay đại đội hải quân này chưa được đụng độ với quân chínhh quy của ta nên chúng chủ quan, lơ là cảnh giác cho nên khi bị tập kích với một lực lượng mạnh, chúng không kịp trở tay, bị diệt hoàn toàn. Trận đầu mở màn tiểu đoàn 47 đã chiến thắng vẻ vang.

Dẹp xong chướng ngại, cả tiểu đoàn tiếp tục hành quân, giữ bí mật đường đi. Đến đúng 4 giờ sáng, như kế hoạch đã định, tiểu đoàn đến vị trí dự kiến trên sa bàn. Nơi đến, có một trung đội tham báo đóng, cũng như gặp đại đội hải thuyền, Trần Quang Thế và đại đội hai dẹp luôn.

Đến địa điểm, đều rất có thể xảy ra là bất cứ lúc nào cũng có thể đụng đầu với bộ binh, máy bay trực thăng địch, nên mệnh lệnh đầu tiên được phát ra là tất cả mọi chiến sĩ phải có hầm cá nhân để tạm trú và sẵn sàng chiến đấu.

Các đại đội trưởng lần lượt đến nơi, các chiến sĩ của mình đào hầm, nếu không hợp với đội hình chiến đấu, được sửa sai ngay. Đã tính đến đội hình chiến đấu, thì bất cứ người lính nào cũng phải chấp hành để nếu vào cuộc người nọ hỗ trợ người kia dàn thành trận địa, như vậy mới thật sự vào trận.

Năm giờ sáng, tất cả đã xong hầm.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn do Trần Văn Thà dẫn đầu, đi kiểm tra đội phẫu, gồm bác sĩ, y sĩ và các y tá. Đâu cũng đã vào đấy. Đội cứu thương kề ngay đội phẫu cũng hầm hố đàng hoàng, chỉ có điều hành quân suốt đêm mệt nhọc, đến nơi lại đào hầm trú ẩn ngay, anh nào cũng mệt. Chỉ huy đến, anh nào cũng đang ngủ gà ngủ gật ngay trong hầm hoặc ngay trên miệng hầm.

Riêng đại đội đặc công phải xuống sông thả mìn, để chuẩn bị nếu tàu địch đến bất ngờ, sẽ gặp mìn ngay. Biết nhiệm vụ của mình, các chiến sĩ đặc công chấp hành nghiêm chỉnh.

Đúng như bẫy đã dăng, năm chiếc thuyền từ Cửa Việt kéo vào, trúng mìn của đặc công cài, hai chiếc chìm, còn ba chiếc tháo chạy, DKZ bắn đuổi theo cháy cả ba chiếc.

Tại Cửa Việt lúc này có tiểu đoàn 1 bộ binh thủy quân lục chiến với trung đoàn 2 sư 1 đang đóng, giữ khu cảng. Biết chắc chắn chúng sẽ không chịu yên. Chắc chắn chúng sẽ tung quân lên tấn công. Để bảo đảm thế trận chống trả lại địch, Trần Văn Thà và Trần Thanh Điệu đi một vòng động viên anh em:

- Đại đội 2 và đại đội DKZ chốt tại Hồng Hà, Xuân Khánh.

- Đại đội 1 chốt ở Nhĩ Hạ.

- Đại đội 3 chiếm lĩnh xóm Kênh - Gio Hà.

- Đại đội địa phương và đại đội đặc công nước hải quân đóng ở Mai Xá.

- Đại đội cối 82, 12 li 7, trạm phẫu và ban chỉ huy đóng ở Lâm Xuân Đông.

Đến đâu các anh chỉ huy cũng kiểm tra kỹ hầm cá nhân, công sự đặt pháo. Bởi đó là sự sống của chiến sĩ nơi đầu tên mũi đạn.

9 giờ 30 ta bắn cháy và mìn nổ diệt năm tàu địch. Coi như ta thắng trăm phần trăm.

10 giờ 30 địch phản ứng bằng pháo rải khắp trận địa mai phục của ta. Sau khi ngớt tiếng pháo, trung đoàn 2 của sư 1 đánh vào làng Kênh và Mai Xá, lính ở căn cứ Gio Linh đánh vào Nhĩ Hạ. Hỗ trợ cho lính bộ binh năm trực thăng địch quần đảo sát sao trên đầu, gặp gì nghi ngờ là xả đạn bắn. Đây là lần đầu tiên chạm trán với trực thăng, không ngờ nó lợi hại đến thế. Chắc những trận đánh ở bờ Bắc sông Bến Hải, Nguyễn Đức Tuân chưa dính cuộc nào với trực thăng, nên anh mới chỉ thấy M79 sát thương nhiều, ấy là khi dàn quân hai phía trên mặt đất bắn nhau. Còn trực thăng thì nó lại bắn trực tiếp ngay từ trên đầu bắn xuống.

Đây là trận đầu Trần Văn Thà cầm quân đánh giặc ở nam sông Bến Hải, thuộc khu vực đất đai đang nằm trong tay địch không thể không ngỡ ngàng khi anh và tiểu đoàn của mình phải đương đầu với trực thăng. Bên ta thiệt hại phải nói là khôn lường. Tiểu đoàn phó Trần Quang Thế bị thương. Đại đội trưởng đại đội một và đại đội trưởng đại đội ba hy sinh.

Trong trận khốc liệt này, Lê Đình Dư, nhà báo đi cùng D47, anh rất dũng cảm. Luôn nhảy lên hầm chụp ảnh. Một ngày, không biết anh có bao nhiêu tài liệu quý trong tay.

Trần Văn Thà phải nhắc:

- Cần phải hết sức bảo trọng đó Lê Đình Dư ơi.

Lê Đình Dư đáp:

- Không dễ gì có tư liệu tại chỗ giàu có như thế này, bỏ phí tôi không chịu được.

Ban chỉ huy tiểu đoàn nhận định, đây là cuộc chạm trán đầu tiên, địch chưa tung hết lực lượng, chắc chắn cuộc chiến đến ngày mai sẽ quyết liệt hơn.

Với nhận định như vậy, qua kinh nghiệm một ngày đối diện với pháo binh, bộ binh và trực thăng của địch, thêm một lần nữa ban chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho các đại đội kiểm tra hết sức cẩn thận hầm hố, công sự của từng chiến sĩ trong đại đội mình. Hầm ai chưa tốt, phải củng cố lại cho thật đảm bảo.

Ngày 2 tháng 1, lực lượng địch giữ Cửa Việt, tung lên toàn bộ hai trung đoàn của sư 1. Chúng tấn công lên, ta đánh bật ra, hai bên giằng co suốt ngày.

Mãi tận ba giờ chiều địch mới dùng đến xe tăng. Một đại đội Ngụy cùng với hai xe tăng tấn công vào Lâm Xuân Đông, nơi tiểu đoàn bộ đóng. Thấy tình thế căng thẳng, lệnh cho Đặng Đình Dư dùng một lực lượng đánh vào bên trái phía địch đang tấn công. Còn Trần Văn Thà huy động cả DKZ và 12 li 7 hạ thấp nòng bắn thiết giáp địch. Hai mũi, một phòng ngự cố thủ, một tấn công mặt trái, bất ngờ, đến bốn giờ chiều thì đánh bật được mũi tấn công của đại đội Ngụy có hai xe tăng yểm trợ.

Phóng viên Lê Đình Dư vẫn hăng hái bám sát hiện trường cuộc chiến đấu, anh bấm máy liên tục.

Trần Văn Thà phải ra lệnh:

- Anh Dư xuống hầm ngay. Anh là lính, anh có biết mệnh lệnh là như thế nào không? Bao nhiêu tài liệu anh giữ trong tay, anh có biết nó quan trọng như thế nào không?

Lê Đình Dư chỉ cười:

- Anh Thà ơi, anh em chiến sĩ có thể quỳ bắn, nằm bắn. Còn nhà báo trong trận chiến mà nằm thì là cái thứ gì, làm sao mà chụp ảnh được. Muốn chụp ảnh phải đứng lên tìm ánh sáng, phát hiện ra góc hình, chọn cho mình một tình thế mới có ảnh tư liệu tốt. Anh hãy thông cảm với tôi nhé.

Chính trong phút đó, máy bay từ ngoài biển bay vào, 12 li 7 nổ súng cháy một AD6.

Lê Đình Dư thấy máy bay cháy, nhảy lên mô đất cao, hướng máy ảnh về chiếc máy bay đang bốc lửa, bốc khói. Bất thình lình pháo bay từ ngoài biển bắn vào.

Trần Văn Thà gào lên:

- Lê Đình Dư xuống hầm.

Nhưng đã chậm. Lê Đình Dư trúng pháo ngã xuống. Anh đã hy sinh không trăn trối được một lời. Cũng ở loạt pháo ấy, Trần Thanh Lục chính trị viên phó tiểu đoàn bị một quả pháo nổ ngay bên chân. Lục ngã xuống tơi tả. Nhu cũng hy sinh. Đại đội 1 chốt ở Nhĩ Hạ, đại đội trưởng và đại đội phó hy sinh.

Tối, các đơn vị lo băng bó cho thương binh để giao cho đội cứu thương chuyển ra ngoài. Còn anh em tập trung chôn cất liệt sĩ.

Chiến sĩ định chôn Lê Đình Dư ở trong làng. Nhưng Trần Văn Thà nghĩ, Lê Đình Dư là của mặt trận gửi về, anh ấy là người của báo Quân đội nhân dân, nếu đơn vị để sau này lẫn lộn, mất xác anh sẽ mang tiếng, Trần Văn Thà đề nghị đưa Lê Đình Dư ra chôn bên lũy tre, ý anh rất rõ ràng trân trọng:

- Nhà cửa có khi còn dễ mất, nhưng lũy tre thì chắc chắn bom đạn này cũng không thể mất được.

Trần Văn Thà có mặt lúc đưa Lê Đình Dư xuống huyệt. Thà còn cẩn thận tháo ống kính máy ảnh đặt lên ngực Dư, chôn cùng xác anh để sau này dễ nhận.

Đêm, đang cùng đồng đội lo cho liệt sĩ, anh Ngải tìm anh Thà, mời anh về họp đảng ủy của tiểu đoàn do trợ lý chính trị tư lệnh Nguyễn Ngọc Năng vốn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 47, sau khi bàn giao cho Trần Văn Thà, Nguyễn Ngọc Năng được cử làm phái viên quân sự cho tiểu đoàn mới về.

Nguyễn Ngọc Năng đặt vấn đề trước cuộc họp đảng ủy:

- Quân lính trong tiểu đoàn ta thương vong khá nặng, hiện tại chúng ta lại đang thiếu đạn, cho nên tôi đề nghị chúng ta tạm lui về phía sau để củng cố lực lượng. Ổn định xong, ta xin ý kiến cấp trên, có ý kiến rồi, ta sẽ tính đánh nữa hay lui.

Trần Văn Thà nói:

- Ta có thương vong, địch cũng thương vong, cháy tàu, cháy máy bay. Ta vẫn giữ được trận địa. Nhiệm vụ của chúng ta là bóp cổ họng Cửa Việt, không cho chúng tiếp tế, lên Đông Hà, Khe Sanh, thế trận của chúng ta đang vững vàng. Chúng ta không có quyền rút ra khỏi trận địa sông Hiếu, Cửa Việt này.

Nguyễn Ngọc Năng nói:

- Nếu anh còn ở lại, đơn vị anh sẽ không còn phiên hiệu nữa.

Trần Văn Thà cãi:

- Chiến trận hy sinh là tất nhiên, không có điều gì phải nói. Anh đánh giá thế nào mà nói là đơn vị này không còn phiên hiệu nữa. Địch đánh lên, ta đánh chúng chạy không dám quay lại, bỏ xác đồng đội. Không dám quay lại lấy. Khí thế anh em đang hăng hái, anh làm thế chính là làm nhụt ý chí chiến đấu của chiến sĩ ta trong đại đội này.

Không cãi nỗi lý của Trần Văn Thà, cậy là phái viên quân sự, là đặc phái viên của cấp trên, Nguyễn Ngọc Năng lấy biểu quyết.

Năm người trong đảng ủy giơ tay biểu quyết rút quân theo ý kiến Nguyễn Ngọc Năng. Một người duy nhất không giơ tay là Trần Văn Thà. Là thiểu số trước quyết định bằng biểu quyết với lý thuyết dân chủ tập trung, Trần Văn Thà đành im lặng chấp hành, ra lệnh cho bộ đội rút lui.

Nguyễn Ngọc Năng nói:

- Mã hồi phải đi nhanh, không để đuôi dính địch.

Năng không đả động gì tới thương binh liệt sĩ. Những người đồng đội đã ngã xuống ấy đã tác động vào tâm hồn người chỉ huy tiểu đoàn, Thà thấy nhục nhã quá, không chịu được. Bất chợt Thà vượt lên ngang Khôn, thộp ngực áo Khôn, hỏi giọng rất gay gắt:

- Tại sao mày đồng ý rút lui. Rút lui nhục nhã thế này mà mày chịu được à?

Khôn - trợ lý chính trị của tiểu đoàn, nghe Trần Văn Thà nói vậy, Khôn như tỉnh ra:

- Tôi biết rút là sai rồi.

Thà hỏi lại:

-Tại sao lúc nãy họp mày không nói năng gì? - Không đợi Khôn trả lời, Thà nói tiếp - Tao không rút nữa. Tao ở lại với Cửa Việt.

Khôn đáp:

- Anh ở lại, tôi cũng ở lại.

Được Khôn ủng hộ, Thà mừng, anh chạy lên phía trước đứng trước hàng quân, nói to:

- Anh em tiểu đoàn 47 dừng lại.

Hàng quân dừng lại. Thà quay xung quanh tìm Trần Thanh Điệu và Nguyễn Ngọc Năng, nhưng chẳng thấy hai người đâu, họ đã đi trước và vọt đi đâu mất rồi. Trần Văn Thà leo lên đỉnh cồn cát. Anh em binh lính đứng xung quanh pháo sáng từ phía Cửa Việt hắt ánh sáng tới chỗ anh em 47 đứng.

Trần Văn Thà nói:

- Pháo sáng này không có gì đáng sợ cả. Tôi muốn nói với các anh điều này: Tôi là tiểu đoàn trưởng, khẳng định với các anh rằng việc quyết định rút lui của đảng ủy tiểu đoàn dưới sự chỉ đạo của phái viên Nguyễn Ngọc Năng là sai lầm. Nhiệm vụ bóp cổ Cửa Việt của cúng ta chưa hoàn thành, tại sao lại rút lui. Rút lui tôi thấy nhục nhã quá, nên tôi xin nói với anh em rằng: Ai dám hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ thì hãy ở lại Cửa Việt cùng tôi. Tôi không ra lệnh nữa, ai nhận ra nhiệm vụ đánh Cửa Việt của chúng ta chưa hoàn thành dám hy sinh vì nhiệm vụ thì hãy theo tôi quay về Cửa Việt chiến đấu.

Giọng Trần Văn Thà trở nên đanh thép:

- Về Cửa Việt chiến đấu, ngày mai nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

Số người ở lại với Trần Văn Thà chừng hơn 100 người. Những người nhanh chân rút đã theo Năng và Điệu đi xa rồi. Vũ khí của những người ở lại còn một khẩu DKZ với 3 viên đạn, do Dương trung đội trưởng chỉ huy, hai khẩu 12 ly 7, mỗi khẩu còn một băng đạn, đại liên, trung liên, tiểu liên, mỗi khẩu của mỗi người còn một băng đạn. Nghe báo cáo vậy, để không bị ngỡ ngàng trước trận chiến đấu ngày mai, Trần Văn Thà trực tiếp kiểm tra lại súng cá nhân, anh mừng vì thấy đạn còn đủ dùng.

Khôn hỏi:

- Ta về giữ làng Lâm Xuân Đông chứ?

Thà đáp:

- Không được, nhiệm vụ của chúng ta là đánh tàu, lực lượng của chúng ta còn ít, không thể rải ra như bữa trước được, ta tập trung về Hoàng Hà. Tới đó, do tình hình cụ thể, tôi là chỉ huy, tôi sẽ trực tiếp bố trí đội hình để ngày mai chạm trán địch ta quyết thắng. Anh em theo tôi.

Về đến Hoàng Hà, Trần Văn Thà cho lực lượng bộ binh chôn mình dưới cát làng Lâm Xuân Đông, cho một tổ hỏa lực ở đây: một trung liên, một B40. Nhiệm vụ của lực lượng Lâm Xuân Đông là đón quân bộ binh Ngụy từ căn cứ 31 xuống.

Còn tất cả bố trí ở Hoàng Hà đón đánh tàu. Tổ 15 oát và 2 oát sửa chữa lại cho hoàn chỉnh, cũng đóng tại Hoàng Hà phục vụ cho chỉ huy chỉ đạo tác chiến.

Tất cả nằm im. Địch không nắm được kế hoạch mai phục của đối phương, chúng tưởng tung đầy đủ lực lượng ra hôm qua đã đẩy lùi được đối phương, nên hôm nay chúng thủng thẳng, tới tận 10 giờ sáng mới có một chiếc tàu từ Cửa Việt ngược sông Hiếu, đến Hoàng Hà DKZ bắn hai quả, trúng tàu, tàu cháy, chúng vừa chạy vừa bắn trả lời DKZ của ta.

Tàu địch đi rồi, Dương tới gặp Trần Văn Thà:

- Bắn hai quả đẹp lắm thủ trưởng ạ.

Thà cười vui:

- Giỏi. Chính thức đạn còn bao nhiêu?

- Dạ, một quả.

Thà nói:

- Còn một quả, sẽ phố hợp đánh bộ binh.

Chỉ một giờ sau, vào lúc 11 giờ, địch cho một tiểu đoàn Ngụy, không có thiết giáp yểm hộ, tấn công vào Lâm Xuân Đông, đúng ổ phục kích của ta, không bỏ thời cơ, ta nổ súng. Địch bị đánh bất ngờ, chết và bị thương một số. Số còn lại chạy về Hoàng Hà, lại trúng ổ phục kích. Một tiểu đoàn Ngụy từ phía Đông đánh lên chi viện cho tiểu đoàn chạy từ Lâm Xuân Đông về. Quân ta từ Lâm Xuân Đông được lệnh nhanh chóng về Hoàng Hà đánh hai tiểu đoàn Ngụy. Từ hai phía đánh quyết liệt khi đã thấy phía Ngụy nao núng, ta hô xung phong. Địch chết bỏ xác đồng đội, chạy. Lúc này pháo địch mới bắn tới yểm hộ cho đồng đội. Dính pháo, hai chiến sĩ ta hy sinh.

Ở Hoàng Hà, Trần Văn Thà điện về bộ chỉ huy mặt trận báo cáo diễn biến ở tiểu đoàn 47 trong hai ngày qua. Sau trận đánh thắng hai tiểu đoàn Ngụy, Nguyễn Đức Tuân dẫn 1 đại đội của trung đoàn 5 về tiếp viện.

Có thêm lực lượng, Trần Văn Thà bố trí lại lực lượng. Đại đội mới được bổ sung chốt tại Lâm Xuân Đông. Số cũ chia đôi, một số về bố trí tại xóm Kênh, một số về Mai Xá. Ban chỉ huy cũng về Mai Xá. Còn 1 quả DKZ, Trần Văn Thà cùng Dương chọn chỗ phục kích tàu.

Ban chỉ huy nhận định, trận đánh quyết liệt hôm nay chắc chắn lính Ngụy sợ hết hồn. Ngày mai chắc Ngụy không dám huênh hoang nữa. Xuất quân chuyến này chắc là lính Mỹ, cũng phải đề phòng chúng cho lính nhảy dù vào đội hình ta. Nắm hết tình hình trận địa rồi, Trần Văn Thà nói với Nguyễn Đức Tuân:

- Anh về báo cáo tất cả với Bộ tư lệnh những gì anh đã nắm được ở đây. Xin thưa rằng tiểu đoàn 47 vẫn bám chắc Cửa Việt. Xin Bộ tư lệnh thêm quân và vũ khí.

Nguyễn Đức Tuân trở về Bộ tư lệnh mặt trận ngay trong đêm ấy. Bộ đội ăn lương khô, nằm lăn trên đất ngủ lấy sức.

Ngày hôm sau, ba chiếc tàu từ Cửa Việt ngược dòng sông Hiếu định theo sông lên Khe Sanh, chúng không ngờ gặp ổ phục kích của Dương. Dương bắn viên DKZ cuối cùng, trúng tàu, tàu cháy. Hai chiếc còn lại sợ, tháo chạy, bị thủy lôi của đặc công nước mai phục, cả hai tàu còn lại trúng thủy lôi, cháy nốt. Anh em rất mừng rỡ.

Đúng như dự đoán, ngày hôm đó lính Ngụy không dám lên, mà một đại đội Mỹ lom khom tiến vào Lâm Xuân Đông. Đợi địch đến thật gần đại đội mới được bổ sung phát hỏa. Cuộc chiến kéo dài suốt buổi sáng, Mỹ không thể vào được làng. Đến trưa thì chúng rút về Cửa Việt.

Địch không tấn công lên Mai Xá, nên Mai Xá ngày hôm đó không hề có động tĩnh gì để giữ nguyên một mắt xích phòng ngự của mình.

Đánh địch, quên ngày quên tháng. Không ngờ hôm đó lại đúng ngày 23 tháng chạp, ngày cúng ông Táo. Một ngày thắng lợi tưng bừng cả quân dân cùng phấn khởi. Lấy ngay ngày cúng ông Táo làm ngày mừng thắng lợi. Một đêm tình quân dân vui hết cỡ.

Hai ngày sau đó, nhằm ngày 25 tháng chạp, tiểu đoàn 5 của trung đoàn 38 được cử vào thay chân tiểu đoàn 47 để đánh Cửa Việt. Còn tiểu đoàn 47 rút ra Thụy Khê, ở đây tiểu đoàn được tăng cường thêm quân và vũ khí để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới…

 

(Kỳ sau in tiếp)

 

      N.Q.H

 

 

Nguyễn Quang Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 171 tháng 12/2008

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground