Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bàu Nhum - công trình thủy lợi vận hành theo nguyên lý cổ xưa

Hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã hiện hữu ba công trình thủy lợi do ngân sách Trung ương đầu tư hàng trăm tỷ đồng là La Ngà, Bảo Đài, đập dâng Sa Lung, cùng hàng chục công trình thủy lợi vừa và nhỏ khác đã đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên có một công trình thủy lợi được xây dựng hoàn toàn bằng ngân sách địa phương nhưng nó là công trình thủy lợi có thể nói là vô tiền khoáng hậu: đập thủy lợi Bàu Nhum.

Công trình thủy lợi Bàu Nhum hình thành từ thời Pháp thuộc, nó là một công trình “túi nước trên vùng cát, đập chính bằng cát, lấy nước tưới ngang qua thân đập theo nguyên tắc bình thông nhau qua các ống xi phông sợi bố cao su vắt qua mặt đập… Công trình này thực sự là không giống ai ở Việt Nam”. Điều này do Hiệp hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam ghi nhận chứ không phải là ý chí chủ quan của người viết. 

Con đập này do cụ Nguyễn Ước, Tham sự công chính thời Pháp, về sau cụ là Phó Ty Kiến trúc Thủy Lợi Vĩnh Linh thiết kế. Cái độc đáo của hồ, đập thủy lợi Bàu Nhum là nước trong hồ chứa rộng 80 héc-ta, dung tích 1,5 triệu mét khối, chính là tụ thủy tự nhiên giữa vùng cát trắng. Phía đông bắc hồ Bàu Nhum khoảng 5 km là hồ Bàu Sen - xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; về phía đông nam 10 km có Bàu Thủy Ứ ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị.

Trước đây nhiều người vẫn nghĩ Bàu Sen, Bàu Thủy Ứ là nơi cung cấp nguồn nước cho hồ Bàu Nhum. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ty Niên chuyên gia cao cấp, nguyên Cục trưởng cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, khi được phân công thiết kế khôi phục công trình Bàu Nhum bị vỡ, ông đã tìm đến Bộ môn Địa chất thủy văn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội gặp ông Vũ Ngọc Kỷ, đặt vấn đề giúp đỡ nghiên cứu (sau này ông Kỷ là Giáo sư TSKH, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất). Ông Kỷ đã vào Vĩnh Linh cùng nghiên cứu khảo sát và có một báo cáo đánh giá kết luận nguồn nước của hồ Bàu Nhum như sau: “Mực nước hồ Bàu Nhum ở cốt 10,5 m nhưng hồ Bàu Sen thuộc xã Sen Thủy huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình cách Bàu Nhum khoảng 5 km về hướng đông bắc chỉ ở cốt 5 m, thấp hơn Bàu Nhum 5 m. Tương tự như vậy, khảo sát ở Bàu Thủy Ứ mực nước cũng chỉ dao động từ cốt 4 m đến 5 m… Tiếp tục khảo sát các đồi cát kéo dài từ hồ Bàu Nhum ra đến biển từ 4 - 5 km có cao độ từ 30 - 50 m phát hiện thấy có những phễu nước ngay trong mùa khô hạn”.

Từ những cứ liệu đó có thể kết luận: Những túi nước “treo” trong lòng cát trắng ở độ cao cao hơn các hồ khác trong bán kính 10 km chính là nguồn nước ngầm nuôi sống hồ và tự chảy tưới cho những vùng đất khô khát. 

Cái độc đáo thứ hai là thân chính đập Bàu Nhum cũ cao 5 mét đắp bằng cát trắng theo “công nghệ dân gian” là đổ cát rồi bơm thụt nước gia cố. Việc lấy nước tưới và tràn xả lũ được thực hiện qua xi phông bằng ống cao su đường kính 300 mm vắt qua mặt đập. Vì là nguồn sinh thủy tự nhiên lọc qua cát trắng mịn nên nước trong hồ Bàu Nhum rất trong sạch.

Cái độc đáo thứ ba là kể cả những năm hạn hán nhất trong lịch sử, nước trong hồ Bàu Nhum không bao giờ xuống dưới mực nước chết. Giữa mênh mông cát lóa ngày hè, Bàu Nhum như một ốc đảo mát lành.

Tháng 8/1962, hồ chứa nước Bàu Nhum cũ bất ngờ bị vỡ đập, làm ngập lụt một vùng dân cư, cát trôi về hạ lưu làm lấp hàng chục ha ruộng. Loa truyền thanh của ngụy quyền Sài Gòn ở dọc sông Bến Hải, giới tuyến quân sự tạm thời, suốt ngày đưa tin “vỡ đê ở Vĩnh Linh làm người chết, ruộng mất, cuộc sống người dân lầm than…” để bôi nhọ hình ảnh của miền Bắc.

Trước tình hình đó Khu ủy và Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh quyết tâm khôi phục công trình trong thời gian ngắn nhất. Ông Nguyễn Ty Niên cho biết thêm: “Thời điểm vỡ đập Bàu Nhum, tôi vừa tốt nghiệp kỹ sư thủy lợi, Trường Đại học Bách khoa (khóa 3) được điều động đến nhận công tác tại Ty Kiến trúc Thủy lợi Vĩnh Linh. Mới vào nhận công tác, Trưởng ty đã giao ngay cho tôi nhiệm vụ phải nghiên cứu khôi phục công trình. Đích thân ông Trần Đồng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu vực Vĩnh Linh gọi tôi lên trực tiếp giao nhiệm vụ… Không có hồ sơ cũ của công trình Bàu Nhum để lại, không có hồ sơ sự cố, tôi bàn với lãnh đạo Ty Kiến trúc Thủy lợi Vĩnh Linh lúc bấy giờ mày mò, phát triển kinh nghiệm của người tiền nhiệm, nghiên cứu lập và trình một bản thiết kế xây dựng lại đập Bàu Nhum ra Bộ Kiến trúc - Thủy lợi, với các thông số kỹ thuật mới: nâng cao trình đỉnh đập lên 19,8 m, cao trình chân đập 9,5 m, đập cao 10,3 m (đập cũ cao 5 mét), bề rộng mặt đập 5 m, mái đập thượng lưu 1/4, mái hạ lưu 1/6. Dung tích 6,7 triệu m3 (dung tích cũ chỉ 1,5 triệu m3). Diện tích mặt hồ 1,2 km2 (mặt hồ cũ 0,8 km2)… Diện tích tưới 800 ha (tăng gấp đôi diện tích được tưới). Tổng mức dự toán kinh phí đầu tư khoảng 40.000 đồng! Hoàn chỉnh bản thiết kế, tháng 3/1963, tôi mang hồ sơ ra Hà Nội xin ý kiến. Tôi lần lượt gõ cửa Viện Thiết kế, Viện Quy hoạch, Vụ Kỹ thuật… đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu, lý do là “vì không thể chấp nhận một đập đắp bằng cát với chiều cao đập trên 10m, chứa trên 6 triệu m3 nước khi trên thế giới chưa có tiền lệ cơ sở khoa học nào…”. Bí thì liều, tôi tìm đến Phòng Công trình sư, gặp ông Đào Trọng Kim (nguyên là Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính đầu tiên của Chính phủ). Nghe xong ý kiến tôi trình bày, ông ấy nghĩ ngợi thật lâu rồi lặng lẽ lấy bút phê vào bản thiết kế: “Đây là ý tưởng có thể xem xét, ủng hộ”… Ông ấy ký nhưng không được đóng dấu. Có thể đọc hiểu ý ông: Công trình có tính khả thi, cần xem xét, nhưng không phê duyệt đầu tư.

Tôi trở về báo cáo với ông Trần Đồng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh. Ông Trần Đồng hỏi tôi: Bộ không duyệt nhưng anh thấy có đảm bảo làm được không? Tôi trả lời: Các cơ sở khoa học tính toán và kết hợp với kinh nghiệm của người tiền nhiệm, tôi tin tưởng thành công.

Ông Chủ tịch không nói gì, nhanh chóng ký duyệt thi công với số vốn đầu tư khoảng 30.000 đến 40.000 đồng từ nguồn ngân sách địa phương, số tiền này tương đương giá trị 100 tấn gạo lúc đó. Huy động lực lượng 100 dân công là thanh niên. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chỉ có ba người: một kỹ sư là tôi, một cán bộ sơ cấp thủy lợi và một công nhân kỹ thuật có kinh nghiệm. Cả công trình chỉ có hai máy bơm để bơm nước thọc nén cát, vật liệu tại chỗ, nhưng chỉ trong năm tháng từ tháng 4 đến tháng 9/1963 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy ngay hiệu quả, cung cấp nước cho 800 héc-ta lúa hai vụ của các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa…”.

Công trình Bàu Nhum được đưa vào khai thác từ năm 1963 đến năm 2008 mới phải nâng cấp để nâng cao năng lực tưới và kiên cố hơn, hiện đại hơn nhưng nguyên lý lấy nước vẫn như khởi thủy của nó.

Tôi đến công trình thủy lợi Bàu Nhum vào một chiều đầu xuân nắng đẹp, nước trong hồ chứa trong xanh đến ngỡ ngàng. Những ống kim loại để lấy nước tưới được sơn màu nâu non ngời lên như son dưới nắng chiều. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thiết kế thi công đoạn ống hút nước từ hồ chứa lên mái trên con đập được thiết kế ngắn và dốc, còn phần xả nước từ đỉnh đập xuống mái đập phía hạ lưu thoải và dài. Anh Nguyễn Văn Thơm trực tại trạm điều tiết nước chỉ cho tôi một bể nước chứa khoảng mấy chục mét khối nhô cao ở chính giữa thân đập, có đường ống thông từ bể ra 5 ống lấy nước. Anh hướng dẫn cho tôi nguyên lý vận hành: Bình thường nước trên đập thấp hơn đỉnh đập khoảng 5 mét và chênh cao so với chân đập phía hạ lưu khoảng 8 mét, vì vậy nước trên đập không thể tự “leo” qua thân đập được. Muốn “lôi” nước thượng lưu leo lên đỉnh đập rồi tự xả xuống phía hạ lưu thì phải bơm nước đầy cái bể trên thân đập sau đó mở van cho nước từ bể chảy xuống ống dẫn chính phía hạ lưu. Nước từ bể chảy trong ống dẫn chính phía hạ lưu sẽ tạo ra áp suất kéo nước trên đập lên chiếm chỗ, vượt qua đỉnh đập rồi đổ xuống hạ lưu liên tục theo nguyên tắc bình thông nhau. Khi ngừng lấy nước, chỉ cần đóng van cửa lấy nước mái trên của đập.

Kể thì dài dòng khó hiểu nhưng nếu tận mắt quan sát cơ chế vận hành lấy nước tưới “cầu vồng” qua thân đập ở công trình thủy lợi Bàu Nhum ta mới vỡ òa sự thích thú khi nhận ra sự vận dụng ngoạn mục một định luật vật lý thời Trung cổ để “dẫn thủy nhập điền”. Có thể nói đây là công trình còn sót lại trên thế giới hiện đại ngày nay.

 

T.P.T

 

 

 

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 309

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

8 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground