Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Các vị thần linh trong lễ cúng A Da Koonh của người Pa Cô

Người Pa Cô1 cư trú trên vùng núi của huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông từ lâu đời và được xem như là chủ nhân của vùng đất này. Trước đây, địa bàn cư trú của người Pa Cô là một vùng rộng lớn xuôi xuống gần giáp ranh với đồng bằng và sang cả Lào. Dân số của người Pa Cô trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông hiện nay có khoảng 16.423 người, phân bố trên 28 xã và thị trấn.

Nghi lễ mừng lúa mới A Da của người Pa Cô ở vùng phía Tây của tỉnh Quảng Trị cũng như nhiều cộng đồng cư trú trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên luôn gắn liền với tết cổ truyền. Khi mùa vụ kết thúc, người Pa Cô có khoảng thời gian nghỉ ngơi để tiến hành các lễ hội, gắn liền với nhiều hoạt động vui chơi, thăm hỏi nhau giữa các làng. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong dịp lễ này vẫn là ý nghĩa cầu mùa, tạ ơn các vị thần linh Yang đã mang lại cho dân làng mùa màng tốt tươi, no đủ.

Lễ A Da Koonh của người Pa Cô

Theo nông lịch của người Pa Cô, hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân trong làng chuẩn bị cho ngày lễ tết ăn mừng lúa mới hay còn gọi là A DaA Da của người Pa Cô  có hai cách tổ chức: A Da Koonh2 và A Da Kăn3, tuy thời gian tổ chức, ý nghĩa lễ hội giống nhau nhưng lại khác về qui trình, qui mô thực hiện. A Da Koonh là một lễ hội lớn mang tính cộng đồng và liên làng, để tổ chức được lễ hội này, ngoài việc chuẩn bị vật chất cần có tinh thần đoàn kết cao giữa các già làng, trưởng họ cùng các thành viên trong làng.

Quy trình chuẩn bị lễ A Da Koonh và một số nghi lễ liên quan

Đối với người Pa Cô, trước lúc quyết định tổ chức lễ A Da Koonh phải có một cuộc giao ước giữa già làng, các trưởng họ để hứa với các vị thần linh và ấn định thời gian tổ chức.

Lễ giao ước Moọt kâr hoọt được thực hiện bởi chủ làng và các trưởng họ, diễn ra tại Moòng (gian khách của ngôi nhà dài). Sau khi đã thống nhất và ấn định ngày tổ chức, vị chủ làng tiến hành Ta nôm (khấn ước) bằng cách: lấy một cái ché, đặt trước bàn thờ rồi bỏ vào đó một ít trấu, nước, gạo và cần rượu, dùng tay đậy miệng ché lại, miệng khấn giao ước ngày tổ chức. Đây là bình rượu tượng trưng, được để vậy cho đến khi lễ tổ chức lễ A Da Koonh, nước trong bình sẽ được bỏ đi. Người Pa Cô xem đây là một nghi lễ ấn định thời gian, thể hiện sự thống nhất cao của các vị trưởng họ trong cộng đồng. Tiếp đến, chủ họ sẽ thông báo cho các thành viên trong dòng họ của mình để sắp xếp công việc và chuẩn bị cho lễ hội.

Lễ chuẩn bị Cha chootq/Cha chọot: Để chính thức chuẩn bị cho lễ A Da Koonh, chủ làng làm một lễ cúng thông báo cho các Yang phù hộ cho con vào rừng tìm kiếm các vật phẩm không gặp sự rủi ro. Lễ vật và thực phẩm của người Pa Cô  chuẩn bị cho ngày lễ này chủ yếu là các món ăn như: các loại thịt, cá được bẫy bắt trên rừng và bảo quản qua các hình thức khác nhau: nướng, phơi khô, bỏ vào ống tre gác lên bếp. Đặc biệt, trong lễ hội này phải chuẩn bị một lễ vật không thể thiếu đó là con A húi (một loại chuột béo, mỏ dài đuôi ngắn) để dâng lên Mẹ Lúa.

Lễ vật dâng cúng thần trong Tết mừng lúa mới của người Pa Cô. - Ảnh: V.T

Lễ vật dâng cúng thần trong Tết mừng lúa mới của người Pa Cô. - Ảnh: V.T

Về thức ăn, người Pa Cô chuẩn bị các loại bánh đãi khách, được chọn lấy từ những loại gạo ngon tre, ra dư, ku da, a lao, a lia, cu púa và các loại nếp Aham (nếp huyết), ku chah (nếp than), ku hom, ca muca đoa vaâng tung... Tiêu biểu có các loại bánh được chế biến từ gạo nếp như: akoát (loại bánh được gói từ nếp và lá đót, có hình dạng giống sừng trâu), azưh (loại bánh dùng nếp giã nhuyễn, trộn với me và được gói trong lá dong), hoor (nướng trong ống tre)...

Về thức uống, người Pa Cô chuẩn bị các loại rượu như: rượu cần (a riêu), rượu trắng (siêu) được nấu từ sắn, gạo, rượu mía (aviet), rượu đoác (tù vaq), đùng đình (târ đin)…

Theo tập tục người Pa Cô, để tránh mọi điều không may mắn cũng như sợ các món ăn, thức uống sẽ không được như ý muốn, trong thời gian chuẩn bị cho lễ hội, làng thường đặt dấu hiệu cấm người lạ (tu pêh) bằng cách dùng lá cây lau lách cuộn tròn phần ngọn lại và treo giữa cổng chính của làng.

Trước ngày diễn ra lễ hội, các hộ gia đình trong làng đã chuẩn bị sẵn một số hạt giống như: kê, vừng, các loại đậu, các loại cây trồng như: môn, khoai lang, ớt, mía, sắn, bầu bí, mía…. Đối với Mẹ Lúa, các gia đình chọn những cây khỏe đẹp rồi bó lại, sau đó để vào góc trái của Mòong và trang trí các hạt cườm, mã não lên các giống cây trồng. Ở gian giữa Mòong nơi diễn ra lễ cúng cũng được trang trí trưng bày nhiều loại thổ cẩm đẹp. Gian bên phải đặt một vật gọi là A ruông rọ dành cho vị thần Ku tăng cai quản cây cối trong rừng.

Lễ tẩy rửa (A xa a rah): Người Pa Cô cho rằng, trong cuộc sống thường nhật, có thể một số thành viên trong làng vô tình làm ảnh hưởng tới các Yang, đặc biệt là những cái chết xấu của người lạ xảy ra trong khu vực của làng… Do vậy, theo tập tục, trước khi tổ chức lễ A Da Koonh, họ phải làm lễ tẩy rửa để xua đuổi những linh hồn xấu cùng những điều xấu xa, các tội lỗi, mối bất hòa giữa các thành viên ra khỏi làng. Đây là một nghi lễ rất quan trọng không thể thiếu trong các lễ hội lớn. Ở mỗi làng có một cách tổ chức khác nhau, tuy nhiên phổ biến theo hai cách như sau:

Cách thứ nhất: Người chủ làng lấy hai tàu lá đoác, dùng một bắp chuối rừng bổ đôi đặt lên trên hai tàu lá đoác, cùng với hai quả chuối; bên trong bỏ ớt, quả chuối non được cắt nhỏ. Dùng một con gà trống để cúng sống báo hiệu với thần linh là họ sẽ tiến hành lễ tẩy uế. Sau đó, chủ làng cử hai người kéo hai tàu lá cùng với các vật phẩm đi hai ngả bao quanh làng, điểm gặp nhau là bến nước hay một con suối của làng.

Cách thứ hai: Lấy hai con gà (một gà trống lớn và một gà con), một quả trứng ra đầu làng để cúng. Sau khi cúng, gà con sẽ được thả ra và vứt bỏ quả trứng để mong gà con và trứng sẽ mang những điều xui xẻo đi khỏi làng. Sau khi tiến hành xong nghi lễ cúng sống, người ta làm thịt gà cho lễ cúng chín và thả trôi các lễ vật đó xuống suối.

Dựng và trang trí cột lễ tế trâu hay là cột đâm trâu (nọc): Song song với chuẩn bị vật phẩm, công việc dựng cột lễ cũng được tiến hành. Cột đâm trâu của người Pa Cô tuy đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Cột được chia thành ba bộ phận chính, làm bằng cây thân gỗ, có đường kính khoảng 20 - 30cm, cao khoảng 2,5 - 3m. Việc trang trí cột lễ đâm trâu và các mâm cúng Yang được người Pa Cô chuẩn bị rất công phu, do nam giới đảm nhiệm. Phía trên đầu cột có trang trí điêu khắc hoa văn biểu tượng cho con người. Phần phụ là hai thanh tre cao vút (anoi) tạo biểu tượng của bông lúa. Bông lúa ngả về hướng mặt trời mọc (phía đồng bằng, người Kinh) với ý nghĩa cầu mong thực hiện việc trao đổi buôn bán vật dụng như cồng, chiêng, dao/rựa, a vinh (chiếc cào làm cỏ lúa), áo quần, muối… được thuận lợi; bông lúa ngả về hướng mặt trời lặn (phía nước Lào, người Tà Ôi) với ý nghĩa cầu mong mua đổi được nhiều dèng, trâu bò, dê lợn… Phần ngọn của hai thanh tre có treo hai mâm gỗ nhỏ hình vuông (văr) trong đó được đặt hai quả trứng luộc chín và hai chén cơm, xung quanh có các dải vải màu đỏ - mâm cỗ dành cho những linh hồn chết xấu không thể xuống dưới đất cùng với những linh hồn chết lành. Vì vậy, người Pa Cô  tách riêng mâm cúng dành cho hai loại linh hồn này.

Làm giàn cúng (parong): Kết hợp với việc làm cột lễ, người Pa Cô làm một giàn cúng chính gồm ba tầng, cao khoảng 1,2m để đặt lễ cúng ba vị thần: Tầng thứ nhất dành cho thần đất (Yang Ku tiẹc), tầng thứ hai dành cho thần nước (Yàang đăq), tầng thứ ba dành cho thần trời (Yang Âr baang). Phía sau giàn cúng chính là tầng phụ để cúng thần rừng xanh (Yang Ku tăng)4.

Nghi lễ mời Mẹ Lúa (Ka coong tro): Đến ngày đã định, vào sáng sớm, một số thành viên của các dòng họ tập trung tại kho lúa (ti nong/ tân nong) của mình để tiến hành mời Mẹ Lúa vào nhà dự hội cùng các loại giống cây trồng khác. Ngoài trang phục, trang sức và các vật dụng mời Mẹ Lúa ra, một vật không thể thiếu là A húi (một loại chuột béo, mỏ dài đuôi ngắn), được chuẩn bị sẵn bỏ vào ống tre nướng chín. Tất cả tập trung ở chân cầu thang kho lúa để làm lễ mời Mẹ Lúa ăn các vật phẩm mà họ dâng lên. Sau đó, người Pa Cô vào kho lấy nắm lúa đầu tiên mang về nấu và ăn trong buổi lễ. Với lời cầu: Từ nay kho lúa sẽ được mở, cầu mong lúa trong kho không hao hụt, ăn lâu hết... Kết thúc lễ Ka coong tro, các dòng họ mang mâm cỗ của mình đã chuẩn bị sẵn đi vòng quanh cột đâm trâu để trình diện, báo cho thần sân (Yang Âng cưm) và thần cột trâu (Yang Cọ) rằng họ đã chuẩn bị đầy đủ vật phẩm ngon nhất để dâng các Yang, theo trình tự dòng họ nào cư trú lâu đời trong làng sẽ được đưa vào trước.

Sau khi thực hiện các nghi lễ trên, lễ cúng A Da Koonh chính thức được bắt đầu bằng các lễ sau:

Lễ báo hiệu (Pa đoh ân đoong): Người Pa Cô dùng hai tiếng nổ lớn để báo hiệu mời các Yang về dự lễ, bằng cách lấy một đoạn tre có phần mắt nung trên lửa, rồi đập mạnh vào đà cửa chính theo hướng Đông (pâl loh) và hướng Tây (pâl lọot).

Tiếng nổ thứ nhất hướng về phía Đông, người Pa Cô: Cầu cho hồn Mẹ Lúa, cùng các loại giống cây trồng... về với cái nương, cái rẫy, không được lưu lạc nơi khác, giúp bà con dân bản có mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

 Tiếng nổ thứ hai hướng về phía Tây, người Pa Cô: Cầu cho của cải, tiền bạc đầy nhà, đi buôn bán ở vùng Lào mua được nhiều trâu, bò, dê, đi vùng Tà oayh (Tà Ôi) mua và đổi được nhiều vải đẹp, đi đồng bằng cầu mua được nhiều cồng, chiêng, ché quý. Như vậy, những lời giao ước trước đây giữa làng và các Yang đã được thể hiện và lời mời được người Pa Cô gửi tới từng Yang về dự: Hôm nay, dân làng chúng tôi tổ chức lễ A Da Koonh như đã giao ước, ché rượu giao ước đã được mở, mời các Yang trời (Âr baang), đất đai (Ku tiẹc), mưa (Boo), nắng (Pụa) lửa (Kâr hil azol), cây cỏ (Ku tăng), giun đất (Cu lun), thần vật nuôi (Pân năn), nhà cửa, của cải (Pa nuôn), những người đã khuất (Ku muuiq), các mẹ lúa (Tro), nếp (Đếêp), ngô (Aưm)… hãy về chung vui với dân bản, dùng các mâm cỗ này, xin các Yang vui lòng đón nhận các vật phẩm mà dân bản dâng lên gồm: gà, bánh Akoát đã chín… các loại rượu đã được mở sẵn xin mời Yang uống, cho con cháu vui lòng5.

Từ đây, cổng làng dỡ bỏ dấu hiệu cấm, các thần linh và khách mời được phép vào làng vui hội, công việc đâm trâu cùng một số hoạt động khác được tiến hành.

Diễu hành trong lễ hội Ariêuping của người Pa Cô. - Ảnh: H.T.T

Diễu hành trong lễ hội Ariêuping của người Pa Cô. - Ảnh: H.T.T

Lễ A Da Koonh cúng các Yang

Sau khi tiến hành xong một số nghi lễ cũng như chuẩn bị xong các lễ vật, người Pa Cô tiến hành lễ cúng các vị Yang. Vị Yang đầu tiên được ưu ái nhất chính là Mẹ Lúa và các giống cây trồng.

Lễ cúng Yang Tro/A cả A bon (thần lúa và các vị giống cây trồng)

Với ý nghĩa tạ ơn các “bà mẹ” của giống lúa, ngô, chuối, sắn, khoai, đậu, cà, mía, dứa, ớt, bầu bí, thuốc lá, kê… đã ban cho mùa màng bội thu, nuôi sống con cháu làng bản lớn khôn, khỏe mạnh. Chủ làng và một số trưởng họ ngồi trước mâm cúng cầu xin và tạ ơn các Yang đã cho mùa màng bội thu. Nội dung cúng như sau: Ơ thần lúa! Xin mời ngài về dự lễ A Da Koonh cổ truyền của chúng tôi. Tạ ơn thần đã phù hộ cho dân làng được nhiều lúa, ngô, khoai, sắn… thu nhiều thóc gạo, thoát nạn đói nghèo. Cầu mong năm sau thần phù hộ nhiều hơn trước, lúa ngô đầy kho, đầy sân, có ăn no có dự trữ, có sức khỏe tốt, cho bụi lúa to, bông dài hạt chắc, không bị sâu bệnh, không bị chim chuột phá hoại, tránh được mưa bão6

- Lễ cúng Yang Xứ (thần sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường sá…)

Đối với người Pa Cô, các vị thần, sông, suối, gió, mây, lửa, đất, đường sá gọi chung là Yang Xứ, đã ban tặng cho con cháu làng bản dòng sông, con suối mát rượi, con cá ngọt lành, mây, gió mát mẻ điều hòa khí trời, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi nặng bông trĩu hạt, lửa sưởi ấm mùa đông, nấu chín món ăn thức uống, thiêu rụi cây cỏ tạo lớp tro màu mỡ, thổ nhưỡng đất đai, hạt lúa, hạt ngô hội tụ vị thơm lành. Dân làng biết ơn Yang Trời che chở, Yang Đất ban cho nơi trồng trọt, chịu ngứa ngáy khi cuốc đất làm cỏ, Yang Cây cỏ đã chịu đau đớn chết chóc khi bị chặt phá, Yang Nắng đã phơi khô, Yang Lửa đã thiêu trụi những nơi cần thiết tạo cho lớp tro màu mỡ, Yang Mưa đã tưới mát cho cây trồng tốt tươi… Mùa năm sau, dân làng cầu xin các Yang giúp đỡ con cháu Phát, cốt, đốt, trỉa thuận lợi hơn, các giống mẹ lúa, ngô, cùng các giống cây trồng… cho bông dài nẩy hạt, cây to, củ lớn hơn nữa, để dân làng có cuộc sống ấm no, cho hội A Da năm sau to hơn, vui vẻ hơn...

- Lễ cúng Yang Ku muuiq (những người đã khuất)

Cũng như các tộc người khác, cúng linh hồn cho người đã khuất là một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do vậy, khi làng tổ chức lễ A Da Koonh, người Pa Cô phải dành một mâm để cúng cho Yang Ku muuiq, mời các linh hồn về chung vui với con cháu trong lễ hội, đồng thời cầu xin Yang phù hộ cho dân làng yên ổn. Ở lễ A Da Koonh, do cúng chung tại làng nên người ta dành một mâm cúng chung cho tất cả các linh hồn người đã khuất về dự, chứ không đọc tên cụ thể như trường hợp cúng ở gia đình.

Lễ cúng Yang Pa nuôn (vị thần giúp con người làm nên của cải vật chất, chở che khi đi buôn bán…)

Ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, người Pa Cô còn khai thác các lâm thổ sản để đổi lấy các vật dụng sinh hoạt như chiêng, ché, trâu bò, vải, nồi đồng, rìu rựa, mã não, vòng bạc và muối… Do vậy, công việc trao đổi buôn bán đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của họ. Điều này được thể hiện qua câu nói: Muốn mặc Dèng thì hãy ngược lên Tà Ôi, Muốn cầm cái rựa thì hãy xuôi về đồng bằng. Vị thần che chở, phù hộ cho người Pa Cô trong những hoạt động này là Yang Pa nuôn. Vì vậy, để nhớ ơn vị thần này, trong lễ hội A Da Koonh, chủ nhà dành riêng một mâm cỗ cho vị thần này để tạ ơn và cầu mong năm tới việc đi buôn được suôn sẻ may mắn hơn.

Nội dung cúng như sau: Ơi Yang atàn pa nuôm! Xin mời thần về dự lễ A Da Koonh truyền thống của chúng tôi, để thưởng thức các lễ vật mà thần ưa thích được dân làng dành tặng cho thần (hơm đá trá pho kỳ cul cai ka lâu thùm, xa âm pa ân niêng…). Tạ ơn thần đã phù hộ cho dân làng có của bán của để, kinh tế gia đình ngày càng khá hơn… Năm sau, cầu mong thần gắn bó phù hộ nhiều hơn năm trước, làm ra nhiều của cải vật chất, gia đình được ấm no, hạnh phúc, của cải dôi dư, nhiều bạn bè gần xa yêu thương, tạo trí thông minh, được mọi người yêu mến, tin tưởng7

Lễ cúng Yang A zel

Yàng A zel gồm A buma boi và Tu looi/ târ tooq là hai vị thần sinh sống và cai quan trên trời và dưới đất8. Do vậy, người Pa Cô dành một mâm cỗ tạ ơn và cầu mong hai vị thần giúp cho năm tới con cháu sinh ra khỏe mạnh hơn, làng bản no đủ hơn.

Lễ cúng Yang Cợt (vị thần ban tặng sức khỏe cho con người/ thần bản mệnh)

Người Pa Cô tin rằng, mỗi người đều có linh hồn luôn đi chung với thể xác của họ, mà vị thần của linh hồn con người chính là Yang Cợt. Vị thần này cai quản tính mạng con người, luôn sát cánh với con người từ khi lớn lên cho đến cuối đời, con người đi đâu cũng có Yang Cợt đi theo. Tất cả mọi việc nếu Yang Cợt bằng lòng thì vợ chồng con đàn cháu đống, ngoan ngoãn, khỏe mạnh… người Pa Cô thường dành một mâm cỗ tạ ơn công đức ban tặng mạng người, sức khỏe. Đồng thời cầu xin Yang ban tặng con cái, cháu chắt, che chở khỏi ốm đau bệnh tật, không vô sinh để gia đình, làng bản được vui vầy, hạnh phúc.

Nội dung cúng như sau: Ơ ờ Yang Cợt! Ông là sức khỏe của mọi người trong gia đình, của từng cá nhân, hôm nay cuối năm làng có làm chung một mâm cúng, mời thần về dự lễ A Da Koonh cổ truyền của chúng tôi, để thưởng thức các món ăn mà dân làng dâng lên. Tạ ơn thần đã theo sát người và che chở những điều không hay, bảo vệ sức khỏe bình an, làm cho đức tính người tốt đẹp… Cầu mong năm mới thần phù hộ nhiều hơn, che chở nhiều mặt trái, làm cho người khôn ngoan, làm điều hay việc tốt, nhiều người khác mến mộ.

Lễ cúng Yang Đung (thần nhà cửa)

Yang Đung là thần nhà cửa che chở mưa, nắng, gió, tránh ma quỷ, rắn rết, bảo vệ tổ ấm cho người Pa Cô, không chỉ bảo vệ tài sản, con người mà còn bảo vệ cảnh quan, không gian sống… Do vậy, trong tâm thức của người Pa Cô, mỗi khi họ rời xa nhà thường báo với Yang Đung về công việc mình sắp làm và xin Yang cho phép thực hiện các hoạt động của mình…

Nội dung lời khấn như sau: Xin mời thần nhà, chung vui ngày lễ A Da Koonh cổ truyền, thưởng thức cơm lam, thịt gà, cá nướng, thịt ống, bánh a quát, bánh đòn và các lễ vật. Tạ ơn thần nhà đã chịu nắng gắt, mưa lạnh, gió buốt, đã che chở con cháu những khi trái gió trở trời và cầu mong năm tới thần che chở mưa, nắng, gió… làm cho nhà ấm cúng, thoáng mát con người, con cháu khỏe mạnh, học tập làm ăn, có kết quả.

Lễ cúng Yang Pân năn (thần vật nuôi)

Vật nuôi chịu sự định mệnh của Yang Pân năn, cung cấp thịt cho con người. Vật nuôi là thức ăn bổ dưỡng và là vật phẩm dâng cúng các vị thần khác. Do vậy, con người phải chăm sóc vật nuôi tốt mới có cái ăn, cái bán, để tạo dựng kinh tế gia đình.

Lời cúng được thể hiện như sau: Mời thần về dự lễ A Da của làng chúng tôi, dùng các lễ vật trong mâm, tạ ơn thần đã phù hộ cho gia đình nuôi được nhiều gà vịt, vừa có cái ăn, vừa bán đổi. Cầu mong năm sau thần phù hộ nhiều hơn năm trước, vật nuôi sinh sản nhiều, không bị dịch bệnh, lúa đầy nhà, gà đầy sân, trâu, bò, lợn đầy chuồng, nhiều người ưa thích, bán được nhiều hơn năm trước 9...

Lễ cúng Yang Âng cưưm cađựp (thần sân, vườn tược trong nhà)

Sân vườn nhà là bạn bè thân thiết giúp con người xua đuổi ma quỷ, rắn rết, những kẻ hãm hại mình, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi, làm cho cảnh vật của khuôn viên nhà ở vui vẻ… Do vậy, trong lễ A Da Koonh, người Pa Cô đã dành riêng một mâm cúng cho các vị thần này để thần phù hộ gia đình, làng bản của họ yên vui…

Như vậy, hình ảnh các vị Yang tồn tại trong tâm thức người Pa Cô cho đến nay đã cho thấy vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Việc nhìn nhận các vị Yang với trọng trách cai quản nhiều lĩnh vực của đời sống thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Pa Cô. Đặc biệt, vai trò và trật tự của các vị Yang được thể hiện một cách rõ nét nhất sau khi kết thúc vụ mùa, qua nghi lễ A Da Koonh.

Hiện nay, lễ A Da Koonh của người Pa Cô ở huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị ngày càng ít được tổ chức, bởi diện tích đất trồng lúa rẫy ở một số địa phương ngày càng thu hẹp, thậm chí nhiều làng không có đất sản xuất lúa rẫy. Một số một số gia đình người Pa Cô có trồng lúa rẫy chỉ tổ chức lễ A Da Kăn với quy mô nhỏ lẻ. Từ thực tế đó, cần có những phương án bảo tồn A Da Koonh và những nghiên cứu sâu hơn nữa hệ thống các Yang của người Pa Cô để hiểu đầy đủ những tập quán của họ.

Chú thích:

1. Theo Danh mục Các thành phần dân tộc Việt Nam, người Pa Cô hiện được xếp vào nhóm tộc người Tà Ôi. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Dân tộc học (2014), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), tái bản có sửa chữa bổ sung, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 534. Tuy nhiên, ở một số văn bản do địa phương ban hành, chưa có sự thống nhất với cách sắp xếp này. Đôi khi, người Pa Cô vẫn được đề cập như một tộc người độc lập.

2. A Za Koonh/ A Za Pựt (Koonh nghĩa là Bố; Pựt nghĩa là lớn) thường được tổ chức vào những năm được mùa lớn, hoặc 3 - 5 năm một lần trên phạm vi làng và liên làng. Đây là lễ hội lớn có tổ chức các nghi lễ đâm trâu, số lượng khách mời đông, từ con cháu trong làng ở xa và các già làng trưởng họ, bạn bè, thân hữu của các làng kết nghĩa với làng mình đến dự. Đây cũng được xem như một lễ hội lớn của cộng đồng người Pa cô và mang tính liên làng. Thời gian tổ chức thường vào cuối tháng 12 âm lịch.

3. A Za Kăn/ A Za kâr loh ku mo (Kăn nghĩa là Mẹ; Kumo nghĩa là nhỏ) thường tổ chức quy mô nhỏ, trong phạm vi gia đình. A Za Kăn được tổ chức hàng năm, thường vào giữa tháng 11 âm lịch; không có nghi lễ đâm trâu, lượng khách ít, chỉ có con cháu trong gia đình, làng bản tham gia.

4. Ở tầng phụ này, người ta dựng một cây tre, phần đầu chẻ loe ra, đan lại thành hình chiếc phễu rồi bỏ lên đó một con gà, cùng một số vật phẩm khác để cúng Yang Ku tăng.

5. Trần Nguyễn Khánh Phong – Vũ Thị Mỹ Ngọc (2015), “Tết A Da cổ truyền của người Pa Cô”  trong Tiếp cận Văn hóa Tà Ôi, Nxb. Văn hóa Dân tộc, trang 171 - 181.

6. A Za Kăn/ A Za kâr loh ku mo (Kăn nghĩa là Mẹ; Kumo nghĩa là nhỏ) thường tổ chức quy mô nhỏ, trong phạm vi gia đình. A Za Kăn được tổ chức hàng năm, thường vào giữa tháng 11 âm lịch; không có nghi lễ đâm trâu, lượng khách ít, chỉ có con cháu trong gia đình, làng bản tham gia.

7. Theo ông Võ Biên, thôn Cu Tai 1, xã A Bung huyện Đa Krông

8. Yang A bum/aboi  là một vị thần ở trên trời, có công mài nhẵn hình hài con người tạo nên các loại giống cây trồng vật nuôi, điều hòa khí hậu cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Yang Tu looi/ târ tooq (thần giun đất) ngự trị ở dưới đất, sinh sản lớp đất thịt màu mỡ, nuôi dưỡng mẹ lúa, ngô, bầu, bí… xanh tươi, nặng bông, trĩu quả… nuôi dưỡng con cháu làng bản sung túc no đủ…

9. Theo ông Hồ Văn Phom, thôn Tì Nê, xã A Bung,  huyện Đa Krông: Xem thêm: Trần Nguyễn Khánh Phong – Vũ Thị Mỹ Ngọc (2015), “Tết A Da cổ truyền của người Pa Cô” trong Tiếp cận Văn hóa Tà Ôi, Nxb. Văn hóa Dân tộc, trang 171 - 181.

Ngô Thanh Hoàng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground