Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Câu chuyện về một bài ca

L

àm văn nghệ trong những năm mịt mù khói lửa chiến tranh đã gặp những khó khăn ác liệt nào? Kinh nghiệm có từ những khó khăn ác liệt trong quá khứ, những ký ức đã qua có thể hâm nóng lại góp phần cho hành động ngày hôm nay chăng?

Tôi thường thơ thẩn như thế trước khi thấy hiện ra trong trí nhớ hình ảnh một rừng dương với ngọn gió nồm réo rắc trong đêm. Đêm ấy, Đoàn văn công Quân khu IV chuẩn bị rời rừng dương thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (thuộc tuyến lửa Vĩnh Linh) chờ thuyền vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, biểu diễn phục vụ cho một đơn vị đang bám đảo. Những gì sẽ xảy ra trên đoạn đường biển dài trên 30 cây số dưới hỏa lực của tàu Ma Đốc thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Ý nghĩ ấy hình như đang thấp thoáng trong ánh mắt những tác gia, diễn viên đang lúc nóng lòng chờ trâu biển (thuyền) đến đón. Nhạc sĩ: Lương Ngọc Trác, nhà văn: Nguyễn Khải, họa sĩ: Quang Thọ, nhà viết kịch: Sĩ Hanh, nhà quay phim: Phạm Hanh và các đồng chí khác, tôi không nhớ hết tên cùng các diễn viên: Ánh Dương, Nguyễn Phu, Minh Cảnh, Kim Huệ, Phan Ngạn...

- Đây rồi!

Tiếng khẽ reo lên trước khi anh em nhìn về hướng Quảng Bình. Chín con trâu biển hiện rõ dần trên mặt nước. Lát sau, thiếu úy bộ đội biên phòng, thuyền trưởng Thuyết đã vội vàng nhảy xuống với nụ cười tươi để lộ hàm răng trắng muốt, người bộ đội biên phòng ấy vào năm 1956, đã chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chiếm lĩnh đảo Cồn Cỏ. Theo anh kể: Thuyền của tiểu đội vượt qua cơn gió mùa, lên đảo, chọn cây si cao nhất (đã chọn từ ngoài biển nhìn vào), phát rừng leo lên cây si treo lá cờ vừa xong thì ba chiếc vơđét (thuyền ngụy) từ phía nam Quảng Trị hằm hằm chạy ra, chúng khựng lại nhìn lên thấy cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, chúng bắn ba loạt đạn 14 ly 5 rồi chuồn thẳng. Giờ đây anh sắp dẫn đoàn chúng tôi gồm tác giả, đạo diễn và diễn viên đem lời ca tiếng hát phục vụ những chiến sĩ bám trụ giữ đảo.

Anh Quang Thọ hỏi: Đường ra thế nào? Có nguy hiểm không?

Thuyết cười, chậm rãi nói bằng tiếng Quảng Trị quê hương anh: Không biết bơi cũng chết, gặp địch cũng chết. Còn nếu đến đảo rồi, không được tiếp tế gạo, nước cũng chết. Tui nói thiệt đó, rắn hổ mang nhiều lắm, người ta gọi Cồn Cỏ là đảo rắn mà. Mà thôi, chuyện đó tính sau, chừ mời các anh nhận mỗi người một cái phao cấp cứu đã.

Chín con  trâu biển ấy sắp hàng theo hình thoi, anh em thuyền viên mang lên bãi cát một đống nứa. Cầm cái phao với sáu ống nứa ghép lại, nhà văn Nguyễn Khải ngắm nghía rồi nói: Phao cứu mạng đây à? Thuyết lại cười: Lấy mô ra cao su. Rồi chuyển ngay qua việc phân công khách đi các thuyền. Thuyền của Thuyết đi đầu, thỉnh thoảng những quả pháo sáng của địch vọt lên từ phía xa rồi tắt ngấm nhưng các ngọn đèn của tàu hải quân địch ở Cửa Việt vẫn như con mắt cú đỏ quạch không chịu nhắm lại.

- Chuẩn bị chiến đấu! Tiếng Thuyết ra lệnh.

- Có địch hả? Tôi bồn chồn hỏi. Không quay lại nhìn tôi, Thuyết trả lời: Không phải. Đây là vùng biển ta tự túc, vì pháo đất liền đã hết tầm chi viện, thường được anh em quen gọi là vùng xoáy có lửa. Mấy lần trước đây, thuyền đưa anh em đến đảo, đã gặp địch quét đèn pha cho loa kêu gọi, nhìn thấy thuyền đầy lưới chúng đã cho đi. Nhưng việc may mắn ấy đã không đến với những lần sau, lúc địch bắt đầu nghi ngờ, bắt thuyền ép sát vào, quăng dây neo leo lên thuyền để khám xét. Có lần, khi phát hiện ra hàng tiếp tế, các thủy thủ đã bị tra tấn dã man, từ đó anh em phải bàn cách đánh... Nói đến đây, Thuyết bước đến chỉ cho tôi thấy vũ khí giấu dưới thuyền, lựu đạn cột từng chùm.

Bỗng Thuyết hô to rát cả mặt biển: Bám đảo! Bám đảo!

Thuyền viên đu, bám từ trái sang phải trên cây ganh đang xeo vào thuyền, lúc này thuyền chạy hai buồm, tiếng nước biển réo quanh mạn thuyền vo vo như tiếng hú của viên đạn cuối tầm. Tôi hỏi: Đảo ở đâu? Im lặng. Hình như Thuyết đang bận, tìm đảo, bám đảo, nếu để thuyền chạy vượt qua đảo ra hướng đông gặp tàu địch sẽ bị tiêu diệt. Không nhìn tôi Thuyết dùng tay ấn vai tôi ngồi xuống và nói như quát: Cứ bám vào gờ mũi thuyền nhìn thẳng, thấy con sóng nào đứng yên tại chỗ là đảo đó. Tôi khẽ thở dài nghĩ đến đoạn đường mà người nghệ sĩ phải đi qua,  cả lời ca tiếng hát cũng phải trả giá bằng cái chết. Mũi các con thuyền hướng về phía đảo rẽ nước băng băng...

Tiếng reo đồng loạt của anh em trên các con thuyền, bán đảo Cồn Cỏ đã hiện ra đằng trước, lấp ló dưới các tán lá trên đảo nhanh như chớp họ ùa ra, nhảy lên thuyền. Gạo, nước lớp cõng, lớp vác và tiếng thúc hối chúng tôi: “Nhảy lên bờ nhanh lên”. Trong khoảnh khắc bờ đảo không còn bóng dáng một chiếc thuyền nào, anh em lập tức nhận chìm thuyền, lấy đá đè lên. Máy bay địch đã quần lượn tìm kiếm. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe các chiến sĩ phân chuyển hàng về Hà Nam, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Các chiến sĩ đã đặt năm hướng năm tên, Thủ đô Hà Nội là vạt đất bằng ở giữa đảo để nhớ đất liền.

Được lệnh ra đảo một tuần, đến ngày thứ hai mươi vẫn không vào được. Được biết Quân khu V quyết tâm đưa đoàn cán bộ vào nhưng ta xuất kích thì địch xuất hiện 8 vơđét, 6 phóng ngư lôi và điện cho sân bay Đông Hà chuẩn bị cất cách. Mấy chùm loa bên kia bờ Bến Hải lải nhải ngày đêm: “Đoàn tâm lý chiến ra đảo Cồn Cỏ để phấn khích tinh thần chiến binh Việt Cộng, trên đường vào bị Mađốc nghiền nát”. Gạo ăn từ 7 lạng, 5 lạng, 3 lạng, 2 lạng...Phải bắt cua, hái rau ăn thay cơm. Lại có tin địch sắp đổ bộ vào đảo. Đảo trưởng ra lệnh mỗi cán bộ chiến sĩ trên đảo phải đào 5 mét giao thông hào chiếm giữ đánh địch bảo vệ đảo. Không có bộc phá, xà beng, phải vạt cây máu chó (loại cây nhiều trên đảo) để đào.

Đến đảo ngay ngày đầu, cuộc sống và chiến đấu nơi đây đã khiến tôi và Sĩ Hanh chuẩn bị đề cương:

1. “Chiếc áo giáp” (phải  đào giao thông hào quanh đảo để cơ động phòng ngự đánh địch).

2. “Hầm thiên nhiên”

3. “Ca mổ thần kỳ” (sợ bị lộ không cho tiến hành)

Một buổi chiều, nắng xuyên qua trận địa Cồn Cỏ, đoàn chúng tôi đang đi bỗng nghe tiếng nói của một chiến sĩ đang ngồi lau đạn ở bờ hầm cá nhân bên đường, nheo mắt nhìn chúng tôi, anh hỏi: “Văn công hả? Hát cho nghe một bài đi”. Địa điểm Hà Nội ở đảo địch hay bắn, nên đồng chí Khoa chính trị viên phó của đảo đã hứa: “Yên trí ngày mai cho toàn đảo giấu súng để xem văn công”. Chiến sĩ nói: “Cho nghe bây giờ thì ngày mai mình sẽ thưởng cho đoàn cái vỉ ruồi ngay”. Anh chị em chúng tôi bật cười, anh Lương Ngọc Trác hỏi: “Ở đảo nhiều ruồi lắm hả?”, trước khi được giải thích rằng người chiến sĩ muốn nói đến chiếc máy bay F4H giống cái vỉ ruồi. Kim Huệ hiểu ý reo lên “hoan hô”, tiếng “hoan hô” chưa dứt thì có tiếng “Chạy”, toàn đoàn chạy tới chân Mũi Hổ thì có tiếng quát: “Nằm xuống” cùng lúc với một đoàn máy bay địch từ biển đổ vào... bom đạn, những tia chớp, những cột lửa nóng cháy da... tất cả đều rít lên. Một hồi lâu, trận địa trở lại sự im lặng, im lặng đến rợn người với đám khói trắng bốc lên dưới chân đồi. Minh Cảnh hét: “Chỗ anh ấy đấy!” Phải, người chiến sĩ vừa muốn được nghe văn công hát một bài ấy đã hy sinh. Chúng tôi quay lại chôn cất cho anh. Đảo là nhà, là trận địa, là nghĩa trang, cho anh nằm ngay nơi anh đã ra đi. Tối hôm đó, địch lại pháo kích hướng Hà Nam, nơi đoàn đang ở. Nghe tiếng súng tôi lại nhớ đến anh, nước mắt tôi chảy, hai tay bấu mãi vào vách hầm như sờ soạng để tìm anh. Tiếc gì một bài hát với người lính trước khi ra trận, tôi cứ miên man tự trách mình như thế cho đến ba bốn giờ sáng. Tôi còn nghĩ đến những đêm toàn đảo nhờ vào mạch nước ở bờ đảo, vào những lúc thủy triều xuống, mọi người tranh thủ múc từng giọt nước ở mạch đá, tiếng ca nhôm cạo trên đá nghe như tiếng cào cấu tim gan. Cũng một hôm đi múc từng giọt nước như thế, Tiến (Thanh Hóa) đã bị pháo bom dập nằm bất tỉnh bên chiếc bi đông trước khi được đưa lên bàn mổ. Bác sĩ Lê người Cần Thơ đã tình nguyện mổ ca này. Ca mổ kéo dài từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều để nối sáu khúc ruột của Tiến. Trong gần tám tiếng đồng hồ để giải phẩu không có thuốc tê, gây mê như thế, tay chân anh được trói chặt vào tấm ván, miệng ngậm chiếc khăn, lúc ngất lịm, lúc mơ màng. Một ca mổ mà thầy thuốc, bệnh nhân đều được thưởng huân chương chiến công hạng nhất.

Tôi nghĩ đến Thuyết, người thuyền trưởng đã tươi cười đưa chúng tôi ra đảo và  tươi cười tạm biệt chúng tôi vào đất liền, dọc đường trở lại anh đã rơi vào vòng vây của địch, hầu hết các thuyền đều bị bắn chìm. Để đưa 12 cán bộ diễn viên đem tiếng hát lời ca ra đảo phải đổi lấy bốn mươi hai sinh mạng chiến sĩ, trong đó có Thuyết con chim đầu đàn.

Trong buổi tổng kết chiến sĩ thi đua, Thủ tướng Phạm Văn Đồng biểu dương chiến sĩ đảo và không cầm được nước mắt khi nói: “Mười sáu chiến sĩ đảo hy sinh thì bà con Vĩnh Linh bảo vệ, tiếp tế cho đảo sống và đã có một trăm hai chục thuyền viên hy sinh dũng cảm trên biển đông”.

Một buổi trưa không ngủ được, đến bếp Hoàng Cầm rít hơi thuốc lào, ngó sang lán bên thấy anh Lương Ngọc Trác đang  mân mê chiếc đàn accordeon, tôi đến bên anh và nói: ‘Sáng tác đi anh, ngồi chờ chết mệt quá!” Anh Trác nói: ‘Sáng tác nói cái gì?”, tôi nói: Anh Huy Du ở đất liền gọi ra “Bạch Long Vĩ ơi!”, mình ở ngoài này gọi vô: “Đất liền ơi!”, anh Trác nói: “Tứ ấy được đấy, cậu làm lời mình làm nhạc” – Vậy là bài “Gởi đất liền” ra đời. Tôi nhớ câu mở đầu bài hát: “Vai gánh nặng cả hai miền Tổ quốc, Cồn Cỏ này xin giữ trọn niềm tin, đất liền ơi!”. Bài hát được nghệ sĩ Quang Hưng hát mở đầu cho phim “Đảo Cồn Cỏ anh hùng”.

Đời nó vậy đó bom đạn, đói khát, gạo tính từng hạt, nước đong từng giọt vậy mà dòng chảy đau thương của Cửa Tùng cứ tuôn ra biển. Ngồi bên chiếc hầm của anh Chỉ đảo phó, tôi viết bài kể chuyện đảo theo điệu vè Quảng: “Cồn Cỏ có con cua đá, rau dền, rau má, lá bứa canh chua, lính chén thật no đánh Mỹ càng khỏe”. Có đồng chí chiến sĩ đang đào hầm (tôi không nhớ tên) đề nghị tôi viết tam ca. Tôi thấy đề nghị ấy rất hợp, tôi chuyển luôn: “Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá”. Trung úy Ngọc Cừ nhận chính trị viên phó đi ngang qua, tôi gọi vào và nói: Vào đây cùng sáng tác, mình chết còn Cừ, Cừ chết còn mình làm chứng cho kỷ niệm những ngày sống trên đảo, thế là tôi xướng Ngọc Cừ ghi hết đoạn I, Ngọc Cừ đi nhận bàn giao. Bài hát cũng dừng ở đó vì đoàn cũng được ba chi đoàn của huyện Vĩnh Linh viết quyết tâm thư bằng máu xin cứu đảo được Đảng  ủy chấp nhận. Đêm đó chúng tôi vào đất liền, sáng hôm sau đến Vịnh Mốc, tôi nhờ nhạc sĩ Thái Quý ghi tiếp đoạn 2, 3. Thông qua đoàn không duyệt vì nhạc giật gân (theo tiết tấu trống ngũ liên). Anh Tố Hữu vào Nghệ An, đoàn đến phục vụ, anh có hỏi tôi: “Có sáng tác được gì?”, đồng chí Chất đoàn phó báo cáo: “Có bài tam ca mà không ra sao”. Đồng chí Tố Hữu bảo: “Hát cho tớ nghe”. Nghe xong anh nói với đồng chí Chất: “Sáng mai anh bảo Ngạn đem bài hát cho tôi”.

Tôi nhờ nhạc sĩ Thái Quý chép ngay trong đêm. Cầm bài hát anh nói: “Tớ sẽ đưa cho Đài Tiếng nói Việt Nam thu, khi nào phát sẽ có giấy báo cho Ngạn. Lạ thật! Cứ hát lên là thấy đảo Cồn Cỏ, nghe thấy tiếng cười và gương mặt rạng rỡ của chiến sĩ anh hùng”.

Tôi chỉ  được nghe một lần rồi vào chiến trường. Hôm gặp anh ở chiến trường khu V tại Trà My anh có báo cho tôi biết bài hát được giải cao. Một bài ca cũng có số phận đấy và cũng bị đề phô và nhiễu sóng lung tung (Nhà thơ Tố Hữu đã ra đi, cố đại tá Ngọc Cừ bị bệnh ung thư đã mất, tôi còn nên phải nói để tôi chết, có thể không phải sáng tác Phan Ngạn, Ngọc Cừ mà có khi tác giả khuyết danh cũng nên) và nếu không nhờ anh Tố Hữu thì có lẽ bài Con cua đá đã bò vào cái hang vô tận rồi.

Cuối cùng tôi nghĩ: Dù nghệ thuật không thể làm anh em sống lại, nhưng nghệ thuật có thể lấy cái chết của anh em tạo ra sức sống cho những người còn sống và chiến đấu. Có phải sự khẳng định ấy mà đoàn chúng tôi không bao giờ rời mắt khỏi lá cờ đầu cầu, cánh đồng chằng chịt giao thông hào ở Hồ Xá và bài ca gởi anh lính đầu cầu của Vĩnh An được sĩ quan ngụy yêu cầu phát, và hát những đêm biểu diễn tại Cửa Tùng. Có phải sự khẳng định ấy mà đoàn chúng tôi vẫn hùng hồn hát và những người lính với ánh mắt sáng ngời vẫn im lặng ngồi xem dù gần đấy mảnh bom địch vẫn cứ rào rào rơi với những tiếng nổ chát chúa. Có phải đồng chí Tố Hữu viết: “Tiếng hát át tiếng bom” là vì vậy. Nếu không có những củ khoai lang non bới được dưới đống đất do pháo Cồn Tiên, Dốc Miếu vùi lấp, nếu không ăn được bát cơm rút từ những gié lúa trộn bùn của bom B52. Nếu không được sống thiệt tình với đảo Cồn Cỏ anh hùng thì tôi không thể nào viết được bài hát Con cua đá.

                                                                                                                P.N

Phan Ngạn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 124 tháng 01/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground