Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cây văn hóa Quảng Trị trong rừng văn hóa Việt Nam

          Mấy lời thưa trước

1. Đây là bài viết tiếp theo bài “Mấy suy nghĩ về Văn hoá Quảng Trị cổ” đã đăng trên tạp chí Văn hoá Quảng Trị số 15 (6 - 1993) và số 17 (2 - 1994). Bài trước viết dựa vào công tác điền dã (tháng 3 - 1992). Bài này viết dựa vào kết quả cả 3 mùa điền dã 3 - 1992; 7 - 1993; 7 - 1994; cái gì viết kỹ thì ở đây chỉ nhắc sơ qua theo một hệ suy nghĩ khác hay và mới hơn.

2. Gọi là Cây Văn hoá là một khái niệm mới đặt ra, giống như “Cây thế hệ” (là một khái niệm cũ thông dụng trong môn Nhân học - Khoa học nhân văn). Cây ở đây, tất nhiên là đại thụ (cổ thụ), hẳn vậy, vì nó có đủ nội lực nội sinh và ngoại sinh, đủ đất và độ phì đất đai để lớn mạnh, càng đủ độ dài thời gian lịch sử để vươn lên thành đại cổ thụ.

Cũng gọi là cây để chỉ cách tiếp cận tiến diễn hóa luận, có cội rễ (cội nguồn), có gốc, có nhánh, có ngọn… Diễn trình lịch sử văn hóa là phức tạp không hẳn chỉ có một con đường nhưng có một xu hướng vươn lên cũng như vừa có liên tục truyền thống vừa có đứt gãy truyền thống để “đổi mới”.

3. Gọi là Rừng văn hóa cũng là một khái niệm mới đặt ra. Rừng Văn hóa Việt Nam cũng như rừng thiên nhiên Việt Nam nhiệt đới ẩm - gió mùa… bao gồm nhiều loại có nhiều tầng cây… chỉ số đa dạng cao. Từ nhiều năm trước đây, tôi đã viết: Bản chất của văn hóa là đa dạng. Văn hóa vừa là cái thường ngày, vừa là cái tượng trưng, cái thăng hoa.

4. Ngay như chỉ với cái nhìn đồng đại và chấp nhận một định nghĩa khái quát nhất về văn hóa là “lối sống” ta cũng thấy hiện trạng văn hóa Quảng Trị hôm nay là đa dạng, ví dụ như:

- Đa dạng theo tộc người: Kinh, Vân Kiều, Pakô… Vân Kiều, Pakô là một thành tố quan trọng của văn hóa Chămpa - Malinhlô (Ô/Thuận) trước đây và vẫn góp phần làm nên bản sắc và văn hóa của Cây Văn hóa Quảng Trị hôm nay với không dưới ba vạn Con Người.

- Trong tộc người có dạng nghề nghiệp: nghề nông (nông dân), nghề ngư (ngư dân), nghề buôn (thương nhân)… Có văn hóa xóm làng và văn hóa thị tứ, có văn hóa sông nước và ven biển, có văn hóa đảo gần bờ…

- Đa dạng theo địa vực: miền núi, miền cồn, miền bàu, miền biển…

Tôi lấy thí dụ ở một phạm vi xã hội: Làng Hà Thanh được dân gian chia làm 4 xóm theo địa vực:

- Xóm Đôộng (động) tức ven cồn

- Xóm Bàu tức ven bàu

- Xóm Làng - tức ở bãi bằng, điền thổ

- Xóm Chồi - (chưa rõ nghĩa)

Cũng vậy, làng Lâm Xuân có 2 giáp Đông - Tây. Lâm Xuân Tây lại chia ra: xóm Bàu đôộng hay xóm Cồn Thôn, xóm Đôộng (gần đôộng Hau Hau, hau hau nghĩa là nho nhỏ), xóm Cồn Trửa (giữa), xóm Cồn Dược, xóm Cồn Trèng, xóm Làng…

Một số ví dụ khác về một vùng vĩ mô hơn: Theo tôi, trong quá khứ cũng như hiện tại, Quảng Trị có 2 Á-vùng (sub-region):

- Á vùng Bắc có đặc trưng trội là các vùng đất đỏ basaltic: Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, tức vùng châu Ma Linh xưa; đây là vùng văn hóa hồ tiêu nổi tiếng xưa nay.

- Á vùng Nam tức vùng Ô Châu xưa có các dải cồn cát bạc Đông Tây nổi bật giữa đồng bằng lúa Triệu Hải (Triệu Phong, Hải Lăng). Đây là vùng văn hóa lúa nước điển hình…

Khác nhau về địa hình, địa mạo thì cũng có khác về văn hóa.

Thí dụ: Chỉ có á vùng Bắc Quảng Trị tức vùng có đồi đất đỏ basaltic, mới có hệ thống giếng thủy lợi xếp đá từ Cồn Tiên (Tây) đến Tùng Luật (Vĩnh Giang) (Đông), từ Liêm Công Đông - Tây (Bắc) đến Cùa (Cam Lộ) - Bồ/Bàu Chao (Cam Thanh) - Nhĩ Thượng (Gio Thành), Mai Xá (Gio Mai) (Nam). Hệ thống đá xếp này được Lê Duy Sơn và rồi Lâm Mỹ Dung xem là của người Chăm, của dân làm lúa nước đầu tiên ở vùng Ma Linh - Ô/Thuận và vẫn được người Kinh sửa sang (bia chữ Nôm ở giếng Liêm Công Đông) và sử dụng đến ngày nay.

Quan điểm của Tạ Chí Đại Trường cho hệ thống này chỉ xuất hiện muộn với đám tù nhân Mạc - Việt ở Cồn Tiên năm 1572 e không đúng. Một bài thơ của Trương Tịch đời Đường (thế kỷ VII - VIII) tán tụng Thiền sư Nhật Nam (Bắc - Trung Trung Bộ) đã viết:

Tả kinh thượng tiêu diệp

Quải nạp lạc đăng hoa

Chỉnh thạch khai tân tỉnh

Xuyên lâm tự chủng trà

Tạm dịch là:

(Viết kinh trên lá chuối

Vắt áo rụng mây hoa

Xếp đá khai giếng mới (tôi nhấn mạnh)

Sau rừng tự trồng chè.)…

Về loại hình kỹ thuật, hệ thống thủy lợi Chăm này có thể phân làm 3 dạng: a) Thuần đá: Hệ thống giếng Cồn Tiên; b) Đá - gạch (Chăm) (Cho đến tháng 7 - 1994 mới phát hiện giếng Tô hình vuông duy nhất ở Lâm Xuân Đông (Gio Mai) phía dưới xây gạch Chăm, bên trên là 4 - 5 phiến lát đá 4 bên. Cũng có loại giếng dưới xếp đá, trên xây gạch (giếng cổ Bích Khê, Nại Cửu); c) Xây thuần gạch Chăm: 2 giếng vuông mới phát hiện ở Hà Thanh bên Quốc lộ I (tháng 7 - 1994). Xin Quảng Trị cố gắng “bảo tồn” hệ thống giếng độc đáo này.

Giờ đây tôi tập trung nói về thời gian và diễn trình lịch sử Văn hóa Quảng Trị cùng những tồn tại cần giải quyết trong những năm tới…

I. Diễn trình lịch sử văn hóa Quảng Trị

- Hệ Văn hóa tiền sử: Cuối đá cũ: Lao Bảo, Khe Sanh, Karol, Cùa… Đầu đá mới: Các hang Tân Lâm, Cam Lộ. Tháng 7 - 1994 lại tìm thêm đồ đá cũ ở Kel Karol (đồi 241) và khai quật chính thức Hang Dơi, Tân Lâm, Cam Thành.

- Hệ Văn hóa sơ sử: Sơ kỳ kim khí: Các di chỉ phát hiện tháng 7 - 1993 và khai quật tháng 7 - 1994; điển hình: Bãi Bình Tra - Cổ Mỹ (Vĩnh Giang), Cồn Tiên, Tân Minh, Mai Xá, Lâm Xuân (Gio Mai).

- Hệ Văn hóa Chăm và các luồng giao lưu kinh tế văn hóa với bên ngoài: Việt Thường, Hán, Đường, Ấn, Nhật, thế giới Nam đảo…

- Hệ văn hóa Việt: Từ truyền thống đến hiện đại.

Các bước đi của văn hóa nông nghiệp Việt ở Quảng Trị, từ “tiền khai khẩn” đến “hậu khai canh”, từ Ma Linh đến Ô Châu, từ Lý Thường Kiệt qua Huyền Trân, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn tiếp theo với các nghi thức thờ cúng “tiền chủ” tức người Hời.

Có văn hóa nông nghiệp trồng khô, ruộng lúa vãi (gạo đỏ) và văn hóa nông nghiệp tưới nước. Có văn hóa trồng củ (khoai) và văn hóa trồng hạt (lúa, ngô). Có hai, ba hệ văn hóa song song tồn tại: Văn hóa xóm làng (làng nông nghiệp, làng chài). Văn hóa cảng thị ở mặt tiền Trung Trung Bộ…

Sau đây tôi chỉ dừng lại nhấn mạnh ở một vài điểm mà tôi coi là những nút (noeud) thắt, cởi trong chuỗi dây văn hóa Quảng Trị, những ngã ba của dòng chảy dòng sông Văn hóa Quảng Trị.

1. Tháng 7 - 1993, Quảng Trị tìm ra đồ đá cũ và di tích văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn đầu đá mới. Tháng 7 - 1994 lại tìm ra thêm đồ đá cũ ở Kel Karol (đồi 241 nổi danh trong chiến dịch 3 - 4 - 1972) và khai quật chính thức hang Dơi - Tân Lâm Cam Thành. Đây là một di tích lớn làm nức lòng giới khảo cổ Việt Nam. Thông tin này được truyền ra ở Hội nghị thông báo KCH toàn quốc 9-1993 tại Hà Nội; được loan báo ở Hội nghị Quốc tế Văn hóa Hòa Bình (Hà Nội, tháng 12 - 1993), Hội nghị Quốc tế về tiền sử học Đông Nam Á (Chiềng Mai, 1 - 1994) và được giới khảo cổ học trong ngoài nước tiếp nhận như một tin vui lớn…

Không gian Văn hóa Sơn Vi vùng thềm cổ sông Nhị, sông Mã, sông Lam; không gian Văn hóa Hòa Bình vùng thung lũng basaltic Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được mở rộng về phương Nam đến Trung Trung Bộ - Quảng Trị (hy vọng là chúng sẽ được mở rộng đến Thừa Thiên Huế, bên này đèo Hải Vân một ngày gần đây).

 Cội rễ Văn hóa Quảng Trị có từ Thời Đại Đá. Thời Đá mới là thời đại cách mạng nông nghiệp - và bởi vậy, văn hóa Quảng Trị “gốc rất sâu, rễ rất bền”, các bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong phú của xã hội loạn li không dễ gì “đào tận gốc, trốc tận rễ” được Cây Văn hóa Quảng Trị. Có nơi, có thời nó chỉ bị đứt rễ phụ, rụng ít nhiều hoa lá…

2. Từ thời các cha cố Pirey, Cadière, cho đến gần đây, người ta tìm thấy nhiều rìu đá mài loại tứ giác nhiều nơi trên đất Quảng Trị (và Trung Trung Bộ). Từ Hướng Hóa, Ba Lòng cho đến Cồn Tiên - Tùng Luật, Hải Lăng… Chúng ám thị rằng văn hóa nông nghiệp trồng khô hay trồng nước, “lôông” khoai hay cấy lúa đã phát triển ở vung đồi basaltic, vùng cồn, bàu, hay trằm ruộng giữa hai dải cồn cát Tây - Đông. Song, đó chỉ là các rìu đá, cuốc, bôn đá nhặt nhạnh trên mặt đất hay thu mua trong dân gian, đã bị lấy tách ra khỏi bối cảnh (contexte), khỏi điều kiện tồn sinh, tự tại của chúng, và do vậy, giá trị khoa học, khảo cổ học bị giảm sút rất nhiều.

Lưỡi cuốc của nhà khảo cổ học chỉ thực sự bổ xuống lòng đất Quảng Trị ở đầu thập kỷ 90 trong khi ở tỉnh bạn Quảng Bình, giới khảo cổ học đã được biết các hang động Đá mới (Minh Cầm, Khe Tong), các di chỉ cuối Đá mới dạng Văn hóa Bàu Tró (Bàu Tró, Cồn Nền, Ba Đồn) từ thập kỷ 30 rồi 60, 70, 80… Có phần tại chiến tranh, có phần tại xao nhãng.

Sự đền bù thích đáng được đáp ứng ở mùa điền dã 7 - 1993 và nhất là tháng 7 - 1994. Có 3 di chỉ nối tiếp nhau theo trình tự lịch sử là:

- Bình Tra - Bến Lũy, thuộc Cổ Mỹ, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh.

- Lòi Rú - Bàu Đông, thuộc Mai Xá chính, Gio Mai, Gio Linh.

- Cồn Chùa, thuộc Lâm Xuân, Gio Mai, Gio Linh

Bình Tra là một di chỉ phân bố ở bãi phù sa cổ ven sông Bến Hải với dải rừng ven biển và vùng đồi basaltic phía Bắc sau lưng. Rất nhiều rìu, bôn đá, bàn mài (cũng có ít mảnh tước). Vừa rìu tứ giác, vừa rìu có vai, loại Bàu Tró. Gốm thô (pha nhiều cát và bã thực vật, văn thừng là chủ yếu). Hoa văn chấm dải trang trí trên miệng một số bình nồi có nét Phùng Nguyên - Sa Huỳnh - Kalanay. Đây là một di chỉ sơ kỳ kim khí thuộc dạng Sa Huỳnh sớm, có niên đại trước Công nguyên (thiên niên kỷ I, trước Công nguyên). Cư dân sống ven rừng, trồng củ trên bãi sông. Di tích gốm thô và rìu có vai ở Đôộng Trụi (di tích ven Cồn - Bàu) thôn Tân Minh, xã Gio Thành, Gio Linh cũng có thể xếp vào giai đoạn này.

Lòi Rú - Bàu Đông là một loại “di chỉ cồn Bàu” (ven cồn, lòi, ven bàu). Gốm có 2 loại: loại thô với văn thừng, văn chải thuộc loại Sa Huỳnh điển hình (với kiểu tô thổ hoàng rất đậm), tô ánh chì lên da gốm; có kiểu hoa văn in con sò và một loại gốm mịn (xương gốm xám, ít pha cát), da gốm vàng đỏ, độ nung không cao. Đã tìm thấy di tích tro than, nhiều cục sét nung đỏ và một mảnh miệng gốm gắn dính với cục sét nung. Rất có khả năng gốm này không nung trong lò mà được nung ở bếp hay ở ngoài trời. Đây là loại gốm “Chăm sớm” mà chúng ta đã tìm thấy ở Trà Kiệu lớp dưới (90cm), ở Hậu Xá và Vạn Đức - Hội An (tháng 6 - 1994). Ở đây (cũng như các di chỉ trên thuộc Quảng Nam), nó nằm cùng lớp đất với gốm thô kiểu Sa Huỳnh và một số mảnh bán sứ có niên đại Lục Triều, Đường (Trung Hoa). Tầng văn hoá tương đối dày (60 - 90cm), chứng tỏ sự định cư khá lâu của cư dân nơi đây. Niên đại của nó thuộc các thế kỷ IV - VII. Di chỉ có bàn mài, mũi nhọn đá (rất ít, mỗi thứ một cái), các mảnh đồng và sắt.

Cồn Chùa - Lâm Xuân cũng thuộc loại di chỉ Cồn - Bàu phân bố gần sông Cánh Hòm, trên sườn đông dải cồn cát trắng miền Trung Trung Bộ. Sông Cánh Hòm nối liền sông Hiếu, sông Thạch Hãn với Sông Hiền Lương - Bến Hải, nối liền Cửa Tùng, Cửa Việt và cùng với Cổ Hà - Vĩnh Định nối liền Quảng Trị với Thừa Thiên Huế, là một lòng sông cực kỳ quan trọng với một số phận rất thăng trầm. Bị cát cồn lấp cửa, lấp thân, được đào đi cuốc lại từ thời các Chúa đến thời Vua Nguyễn, lại đào thêm kênh thời Ngô Đình Diệm làm cạn kiệt Cổ Hà (Hải Lăng), Xuân Long, Hải Chữ (Trung Hải - Gio Linh) để mưu việc đắp đập, làm hồ chứa nước ngọt tắm tưới ruộng đồng: giao thông thuỷ cổ truyền tắt đi cho một nền thuỷ lợi hiện đại kiểu phương Tây hiện hình…     

 Tầng văn hóa nằm nông dưới mặt đất hiện tại dày khoảng 40 - 50cm, chứa đầy gốm thô kiểu Sa Huỳnh, gốm mịn kiểu Chăm sớm với sự gia công miết láng và tô thổ hoàng rất duyên dáng. Cùng lớp đất cũng có ít mảnh gốm Lục Triều, Đường. Bình vò 4 - 6 núm, kiểu bát sứ Đường còn được dùng làm táng cụ chôn nhiều ở vùng động Hau Hau cùng một kiểu mai táng rất cổ truyền và cũng rất phổ biến ở Đông Nam Á lục địa; đó là một quan tài độc mộc (thân cây khoét rỗng. Quan tài độc mộc kiểu Vân Kiều, Pakô Quảng Trị này đã được tìm thấy ở Nhĩ Thượng (Gio Thành), Tam Hà (Hà Thượng, Hà Trung, Hà Thanh) thuộc Gio Châu, ở Lâm Xuân (Gio Mai)…

Di chỉ này phân bố khá rộng trên Cồn Chùa - Lâm Xuân (dọc Đông - Tây, ngang Nam - Bắc trên 100m). Xin nhớ Cồn Chùa cũng như Núi chùa là một khái niệm cổ, chỉ trung điểm sinh hoạt - tâm linh của người Chăm cổ. Bên cạnh đạo Bà la môn của tầng lớp thống trị, cư dân Chăm, nhất là Bắc Chămpa theo đạo Phật rất sớm (tượng Bồ tát ở Quảng Khê, Quảng Trị).

Với hai di chỉ Mai Xá, Lâm Xuân (khai quật 1994) cũng như với di chỉ Trà Kiệu (khai quật 1990) và 2 di chỉ Hậu Xá, vạn Đức ở Quảng Nam, Hội An (khai quật 93 - 94). Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam “nhìn tận mắt, nhặt tận tay” gốm Chăm cổ cũng như lần đầu tiên phục dựng vị trí các xóm làng Chăm cổ. Nhờ các tầng văn hoá thống nhất chứa đựng cùng một lúc gốm Sa Huỳnh, gốm Chăm và gốm sứ Đông Hán, Lục Triều, Đường của Trung Hoa, giới khảo cổ học Việt Nam có thể chỉ định niên đại gốm cổ trong một khung thời gian tương đối chính xác từ thế kỷ II, III, IV, V, VI, VII. Và nhận thức rằng giai đoạn Văn hoá Sa Huỳnh muộn chính là Văn hoá Chămpa sớm, rằng người Chăm cổ bảo lưu rất lâu gốm thô kiểu Sa Huỳnh trong khi có thể do học được từ gốm Trung Hoa - bắt đầu phát triển loại gốm xương mịn hơn, hoa văn đơn giản hơn. Đồng thời, do giao lưu liên tục với thế giới Hoa qua các cảng thị Cửa Tùng, Mai Xá, Mỹ Thuỷ, Hội An đã luôn nhập khẩu một số đồ bán sứ và sứ của người Hoa (Quảng Đông) liên tục từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII, IX, XI. Các mảnh gốm Hán ở bãi Tùng Luật, gốm sứ Lục Triều, Đường tìm thấy ở các di chỉ Mai Xá - Lâm Xuân, các bình 4 - 6 núm Đường to nhỏ khác nhau tìm thấy ở động Hau Hau (7 - 1994) ở Trà Lộc, Hải Xuân (Hải Lăng), ở Triệu Thuận (Triệu Phong)… (7 - 1993), sứ Bạch định Tống, sứ men rạn xám xanh Tống - Nguyên vừa tìm thấy ở động Hau Hau cùng đồng tiền các loại Tống (như Thánh Tống thông bảo), Minh (như Vạn lịch thông bảo) vừa tìm thấy ở Lâm Xuân, Nhĩ Thượng, Nhĩ Trung, Vinh Quang (Gio Quang) là minh chứng cho giao lưu kinh tế Chăm - Hoa ở Quảng Trị cổ.

Những mảnh miệng gốm có hoa văn chấm dải ở Bình Tra, Bến Lũy, ở Mai Xá cho ta thấy những nét tương đồng giữa quan hệ hoa văn gốm Phùng Nguyên - Đông Sơn ở Bắc Bộ với hệ hoa văn gốm thô Sa Huỳnh - Chăm ở Trung Trung Bộ.  Cồn Ràng, một di chỉ Sa Huỳnh muộn ở Phú Ổ - Hương Chữ - Hương Trà (Thừa Thiên Huế) có nhiều đồ gốm biểu hiện rất rõ phong cách tạo hoa văn khắc vạch nét cong chữ S và chấm dải, miết láng kiểu Phùng Nguyên - Gò Bông Bắc Bộ.

Người ta nói tương đối nhiều về quan hệ giao lưu đối ứng Sa Huỳnh - Đông Sơn. Người ta cũng nêu giả thuyết về Bình - Trị - Thiên là vùng đan xen văn hoá của hai hệ Sa Huỳnh (Nam) - Đông Sơn (Bắc). Trống Đông Sơn loại I Heger muộn vừa tìm thấy tháng 4 - 1994 ở Mỹ Hoà trong lưu vực Ô Lâu nơi giáp ranh Hải Lăng - Phong Điền và cả một tổ hợp công cụ đồ đồng (rìu lưỡi thẳng, rìu lưỡi xéo, mũi giáo đồng…, khuyên tai đá Đông Sơn vừa tìm thấy ở thôn Huyện Củ, xã Đakrông (Hướng Hoá) bên bờ Đakrông và Quốc lộ 9 là những minh chứng gần đây nhất cho vùng đan xen, tiếp xúc giao thoa văn hoá Chăm cổ - Việt cổ của Bình - Trị - Thiên.

Ở Quảng Trị hôm nay, các tháp Chàm không còn hiện diện soi bóng xuống các dòng sông Sa Lung, Bến Hải, Cố Hà nữa. Song, hệ giếng Chăm xếp đá hay xây gạch, hình vuông hay tròn, các bình vôi dáng Chăm vẫn là di tích, di vật phổ biến ở nhiều xóm làng Quảng Trị, từ Vĩnh Linh, Gio Linh, tới Triệu Phong, Hải Lăng đòi hỏi việc tổng kiểm kê, xác minh và có biện pháp bảo tồn, bảo tàng hoá, tránh sự huỷ hoại hay làm biến dạng hoàn toàn do công nghệ xi măng, bê tông hiện đại. Năm 1992, chúng tôi đã nói đến bệ đá Yoni to nhất nước Chămpa ở Dương Lệ. Năm nay, khai quật khu tháp An Xá (Trung Sơn, Gio Linh), chúng tôi thấy móng tháp xây gạch vượt sâu thêm 2 mét chưa kể tầng cát cuội bên dưới. (Ở Dương Lệ tầng móng này sâu, dày 3 mét), lòng nền tháp vuông mỗi cạnh 4,3m cộng với 2 tường xây khoảng 2m, ta thấy chân tháp vuông mỗi cạnh 8 mét. Kinh nghiệm điền dã các tháp Chăm cho thấy chiều cao tháp thường gấp đôi chiều rộng mỗi cạnh chân tháp. Ta có thể hình dung tháp chính An Xá cao khoảng 16 mét. Đấy thực sự là một công trình hoành tráng với điêu khắc đá tinh tế ở đầu thế kỷ IX (trước Đông Dương - IX đầu X). Ô Châu cận lục cũng mô tả tháp Trung Đơn cao ngất vờn mây soi bóng diễm lệ xuống dòng sông Cổ Hà (Vĩnh Định cổ). Đoàn vừa thăm lại Trung Đơn, nền tháp còn đó, song điêu khắc đã để phơi sương gió bên đường, hay được dân địa phương nhặt về thờ cúng ở cây hương cạnh nhà hay trong chùa cổ Trung Đơn Thiên Bảo. Và bị lấy cắp như năm 1993, tượng Siva Trâm Lý đã bị mua bán trộm. Chỉ có một cách: khẩn trương tổng kiểm kê di sản văn hoá cổ truyền và khẩn trương xây dựng Bảo tàng tỉnh để bảo tàng hoá tối đa các di sản văn hoá hữu thể (tangible) của các thời đại đã qua và nền văn minh đã tắt.

Kể cả văn minh Đại Việt - Việt Nam mà chúng ta thừa kế, từ Thành Thuận - chợ Thuận thế kỷ XIV đến Dinh Cát - Ái Tử thế kỷ XVI – XVII; từ cảng Mai Xá nối ngã ba Cánh Hòm - Hiếu Giang được nạo vét lại năm 1681, được chuyển cửa nối với Bến Hải từ Cát Sơn lên Hải Chữ đầu thể kỷ XIX đến sông Vĩnh Định được đào lại thời Minh Mạng, nối Quảng Trị với Thừa Thiên.

Chưa thể nói chúng ta đã xem trọng đầy đủ di sản văn hoá quá khứ khi hai tấm bia khắc văn - thơ của ông vua - thi sĩ Thiệu Trị vẫn mòn mỏi đi vì phong sương trong bụi rậm ở bên bờ Vĩnh Định, Hải Lăng. Việc đắp đập mà không nạo vét lại sông Cánh Hòm, Vĩnh Định chưa chắc đã là một biện pháp thuỷ lợi tối ưu. Hình như chúng ta còn xao lãng hệ giao thông đường sông mà thế giới hiện đại đang khôi phục lại, gắn với việc bảo vệ và làm trong sạch môi trường. Chỉ một trận mưa to vừa qua mà dân quanh vùng Bạch Lộc, Xuân Mỵ, Xuân Long, Xuân Hoà đã yêu cầu khơi đập ra để… chống úng.

Năm nay, Đoàn đã thử khai quật một lò gốm ở Phước Lý trong cụm lò thế kỷ XVII - XVIII ở bờ Bắc Bến Hải. Đây là một lò lớn dài 5 mét, rộng 2 mét, có thể gọi là lò rỗng, chứ không còn là lò cóc. Cùng với các cụm lò đồng đại ở Mỹ Xuyên, Phước Tích là vật chứng của một thời kỳ phồn vinh của công - thương nghiệp đất Việt Đàng Trong thế kỷ XVII đầu XVIII, một thời kỳ mở cửa và cởi mở của các Chúa Nguyễn đầu.

Gốm Phước Lý đã cùng với cư dân Việt ra đảo Cồn Cỏ ở Bến Tranh. Một học giả Nhật Bản cho tôi biết loại bình, vò sành Việt thế kỷ XVII - rất nhiều ở cồn Nhĩ Thượng đôộng Hau Hau, Nhan Biều… vừa được tìm thấy nhiều ở Nam Nhật Bản, vùng đảo Kiu Siu (Cửa Châu) và cùng với sứ Hizen (Phì Tiền, huyện Saga Kiu Siu) hiện diện ở Cửa Tùng, Mai Xá, Thanh Hà, Hội An… đó là minh chứng của sự giao lưu kinh tế văn hoá Nhật Bản - Đại Việt (Đàng Trong) ở thế kỷ XVII.

II. Tạm kết

Một thời kỳ mở cửa, cởi mở mới của Việt Nam đã và đang bắt đầu phát triển. Người ta đã nói đến con đường Liên Á mà cửa khẩu Lao Bảo - Đường 9, cảng Cửa Việt là những mắt xích hữu cơ. Người ta đang tìm biện pháp tối ưu liên kết kinh tế - xã hội văn hoá Quảng Trị - Thừa Thiên - Quảng Nam. Có thể dự báo trong tương lai gần về sự phồn vinh mới của Trung Trung Bộ, dưới bộ áo văn minh mới.

Càng tiến lên Hiện Đại người càng thèm thuồng và coi trọng Di sản văn hoá Cổ Truyền kiểu đàn hát dân ca miền Trung vừa được tổ chức ở Đông Hà, hay hội đua thuyền thoi vừa được tổ chức ở Vĩnh Linh cùng trong tháng 7 - 1994.

Chúc Quảng Trị gắn bó Văn Hóa và Phát Triển, xây dựng một nền văn hoá mới đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái Quảng Trị - Trung Trung Bộ.

                                                                                            T.Q.V

Trần Quốc Vượng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 5 tháng 02/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground