Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chi hội Văn nghệ Bến Hải ngày ấy, đến Vĩnh Linh hôm nay

C

hi hội Văn nghệ Bến Hải - một chi hội văn nghệ cấp huyện trước đây, nhưng ngày nay vẫn được người ta nhắc đến nhiều, ca ngợi nhiều bởi sự hoạt động sôi nổi, đã thực sự trở thành nơi tập trung, quy tụ anh chị em sáng tác không chỉ ở trong huyện mà còn ở các huyện khác trong tỉnh. Và dù điều kiện còn khó khăn, về tài chính nhưng chi hội vẫn đều đặn ra được tờ Tập san, trở thành sân chơi bổ ích của tất cả các hội viên, và trong một chừng mực nào đó, Chi hội Văn nghệ Bến Hải còn là “bà đỡ” mát tay cho không ít những cây bút chập chững vào nghề. Có thể nói, Chi hội Văn nghệ Bến Hải thời đó sánh ngang với hai chi hội bạn là Chi hội Văn nghệ Đồng Hới và Chi hội Văn nghệ thành phố Huế.

Để hiểu thêm về Chi hội Văn nghệ Bến Hải ngày ấy, một ngày đầu mùa hạ tôi đã tìm về làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh để gặp nhà viết kịch Vũ Mạnh Thi. Ông Vũ Mạnh Thi hồi đó là Phó Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Bến Hải, kiêm Tổng biên tập Tập san văn nghệ Bến Hải. Vũ Mạnh Thi vừa pha trà vừa nói: “Đó là một thời làm báo vất vả nhưng để lại cho mình nhiều kỷ niệm đẹp, rất khó quên”. Ông mở tủ lục tìm một lúc rồi đưa ra cho tôi xem mấy số Tập san văn nghệ Bến Hải mà ông còn giữ được tới hôm nay. Tôi đón lấy những số Tập san từ tay ông, cảm thấy xúc động, bồi hồi. Tất cả có 5 số, thuộc loại Tập san khổ lớn cỡ 25cm x 18cm. Một vài số còn nguyên bìa, nguyên trang, nhưng cũng có số đã rách nát, hư hỏng. Tất cả đều được in trên một loại giấy màu vàng đục như mật ong, loại giấy mà ngày nay chẳng còn mấy ai dùng cho việc in ấn. Cũng do thời gian cất giữ đã lâu nên một phần ruột Tập san cũng đã ố vàng, chữ in bên trong trở nên mờ nhạt, rất khó đọc. Nhưng giờ đây, khi nâng niu những số Tập san văn nghệ Bến Hải trên tay, tôi lại thấy chúng thật quý giá! Chả trách Vũ Mạnh Thi đã cất giữ chúng bấy lâu nay, và luôn coi chúng như “báu vật”, ai xin cũng không cho, ai mượn cũng từ chối, muốn đọc thì hãy cứ ngồi tại nhà ông mà đọc. Vừa vuốt ve những cuốn Tập san văn nghệ Bến Hải, Vũ Mạnh Thi vừa kể: “Hồi ấy, khoảng tháng tư, năm 1985, khi đang công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bến Hải, thì một hôm ông Phan Chung, Bí thư huyện ủy, gọi lên nói là lần này huyện sẽ giao cho mình một công việc mới. Đó là việc phụ trách Chi Hội Văn nghệ Bến Hải khi được thành lập, quả thực mình không khỏi vui mừng và lo lắng. Còn anh em, cảm giác chung là phấn khởi nên ai cũng chờ đợi ngày ấy đến. Lúc ấy tỉnh Bình Trị Thiên đã sáp nhập được gần mười năm. Cả tỉnh có một thành phố, hai thị xã, mười một huyện, nhưng lúc ấy chỉ duy nhất thành phố Huế là có Chi hội Văn nghệ. Nếu Chi hội Văn nghệ Bến Hải được thành lập thì đó sẽ là huyện đầu tiên của cả tỉnh có Chi hội Văn nghệ, không phải là niềm tự hào sao? Rồi ngày ấy cũng đã đến...”.

Vũ Mạnh Thi không sao quên được cái buổi sáng hôm ấy. Đó là buổi sáng ngày 21 tháng 6 năm 1985, ngày khai mạc Đại hội thành lập Chi hội Văn nghệ huyện Bến Hải. Đại biểu có cả trăm người đến dự. Không một đại diện của ban, ngành nào trong huyện vắng mặt. Nhưng đông đảo nhất vẫn là anh chị em văn nghệ. Rất nhiều hoa tươi và cả những tà áo dài tha thướt của phái nữ. Vẻ mặt ai cũng rạng rỡ, tươi vui. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên có mặt từ rất sớm tại hội trường, bởi ông đã từ Huế ra Hồ Xá ngay từ chiều hôm trước. Cùng dự ngày vui còn có Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn Hồng Nhu, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà văn Hà Khánh Linh, Nhạc sỹ Lê Anh... Lãnh đạo huyện thì có ông Phan Chung, Bí thư Huyện ủy; ông Trần Đắc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, các vị trong thường vụ Huyện ủy, thường trực ủy ban nhân dân huyện... Trong đại hội nhiều tham luận đã được trình bày, nhiều ý kiến đã được nêu ra thảo luận sôi nổi. Các tham luận và ý kiến tựu trung cũng là mong mỏi Chi hội Văn nghệ Bến Hải hoạt động có hiệu quả. Rất nhiều lời chúc mừng của các nhà văn, nhà thơ. Và cũng có rất nhiều những bài thơ, những ca khúc được các nghệ sỹ trình bày ngay giữa đại hội. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hồi ấy đã rất nổi tiếng với tiểu thuyết “Dòng sông phẳng lặng”, nên sự có mặt của ông tại đại hội đã khiến mọi người đặc biệt chú ý. Trong phát biểu của mình gần cuối đại hội, Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nói rất ngắn gọn, nhưng được cả đại hội quan tâm lắng nghe. Ông nói đại ý rằng, ông rất vui khi tỉnh Bình Trị Thiên có thêm một Chi hội văn nghệ cấp huyện được thành lập. Văn nghệ Bến Hải tuy nhỏ nhưng không phải không làm được việc lớn. Rồi ông lấy ví dụ như báo Tuổi Trẻ, đâu phải là báo của Trung ương hay bộ, ngành nào, mà chỉ là tờ báo của Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh thôi, nhưng lại là một trong những tờ báo có số lượng đọc giả lớn nhất ở nước ta hiện nay. Một đất nước như Brasil đâu phải một nước lớn và giàu có gì nhưng lại là nước có đội bóng đá được xếp vào loại hùng mạnh nhất thế giới. Biết đâu sau này, cũng như báo Tuổi Trẻ, như đất nước Brasil, Văn nghệ Bến Hải sẽ làm được chuyện... động trời thì sao! Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nói đến đây thì cả hội trường vỡ ra tiếng cười rồi tiếng vỗ tay kéo dài không dứt... Tại đại hội, một Ban chấp hành gồm bốn người đã được bầu ra, gồm các ông Hoàng Văn Hiến, Nguyễn Hữu Thắng, Hoài Quang Phương, và Vũ Mạnh Thi. Ông Hoàng Văn Hiến, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, được bầu làm Tổng thư ký và ông Vũ Mạnh Thi được bầu làm Phó Tổng thứ ký Hội Văn nghệ Bến Hải. Ông Vũ Mạnh Thi sau đó còn được bổ nhiệm giữ thêm chức vụ Tổng biên tập Tập san văn nghệ Bến Hải như dự định của huyện ban đầu.

Chi hội Văn nghệ Bến Hải vừa thành lập đã có ngay một lực lượng hội viên khá đông đảo. Họ phần lớn là những người đang công tác trong các cơ quan, trường học, địa phương, ít nhiều đã tham gia hoạt động và sáng tác trong các lĩnh vực văn học - nghệ thuật, nhiều người trước đó đã được kết nạp vào Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và đã từng có tác phẩm in trên tờ văn nghệ của Hội là tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên. Có thể kể ra đây những gương mặt quen tên biết tiếng ngày ấy như Hải Hiền, Hồng Khánh, Lê Mậu Đạt, Nguyễn Hữu Thắng, Thanh Bình...về văn học; Võ Đình Hùng, Hoàng Hữu Lộc...về âm nhạc; Công Bảy, Văn Đản, Cao Hạnh, Vũ Mạnh Thi...về sân khấu; Văn Tống, Lê Đức Ngạn...về hội họa...Nhà thơ Hải Hiền khi còn trai trẻ đã từng có bài thơ viết về Bác rất hay, Người Vĩnh Linh, nhất là những ai yêu thơ, không ai là không thuộc. Bấy giờ, khi có Văn nghệ Bến Hải, dù đang công tác ở Huế, ông cũng thường xuyên lui tới với anh chị em văn nghệ quê nhà. Cao Hạnh, Võ Đình Hùng là những hội viên luôn được cử đi công tác địa bàn, xuống cơ sở cùng ăn cùng ở với nhân dân, dàn dựng chương trình, xây dựng phong trào văn nghệ. Có thể nói, vào những năm 80, phong trào văn nghệ địa phương ở Vĩnh Linh, Gio Linh...hoạt động rất hiệu quả. Nhiều xã trong huyện phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rất mạnh và đã giành được nhiều huy chương vàng, huy chương bạc ở các kỳ hội diễn, trở thành những địa chỉ được cả huyện cả tỉnh biết đến. Có được thành công này, không thể không kể đến sự kèm cặp, giúp đỡ tận tình của Phòng Văn hóa - Thông tin và Chi hội Văn nghệ huyện Bến Hải. Nhưng, sôi nổi nhất, đông vui nhất vẫn là những đêm thơ được Chi hội Văn nghệ Bến Hải về tận từng cơ quan, địa phương làm chương trình nhân ngày truyền thống của các cơ quan, địa phương đó. Những đêm thơ ấy, sân khấu được dựng lên rất lộng lẫy. Người khắp các thôn xóm đổ về, ngồi kín cả sân bãi. Diễn viên trình bày thơ thì đa số là những cán bộ, công nhân viên, nhất là những cô gái trẻ đẹp, hay chỉ là những anh thợ cày, cô thợ cấy, nhưng có năng khiếu văn nghệ. Các tác giả thơ cũng là những diễn viên lên sân khấu tự trình bày tác phẩm thơ của mình. Những đêm thơ như vậy thường kéo dài đến tận khuya mới kết thúc.

Ban biên tập Tập san văn nghệ Bến Hải ban đầu chỉ mỗi Vũ Mạnh Thi làm việc, sau này để tiện cho việc biên tập bài vở, còn có thêm các ông Cao Hạnh, Văn Tuyên, Ngô Nguyên Phước. Tập san ra số đầu tiên với số lượng phát hành trên 1500 cuốn. Ngày Tập san văn nghệ Bến Hải phát hành số đầu tiên quả đúng như ngày hội. Ai cũng vui mừng, phấn khởi khi cầm trên tay cuốn Tập san do chính mình làm ra. Dù đã chuẩn bị trước đó rất kỹ về nội dung, nhưng số Tập san đầu tiên ấy cũng đã không tránh được những thiếu sót. Đang chuẩn bị bài vở cho số thứ hai, cũng là số cuối năm, thì cơn bão số 8 năm ấy ập đến. Đúng là một cơn bão mạnh chưa từng có. Huyện Bến Hải lại là tâm bão. Sức tàn phá của nó đã làm tan hoang và đảo lộn tất cả. Biết bao là nhà cửa, vườn tược, cây cối, hoa màu của nhân dân đã bị bão phá hoại. Nhiều người chết và bị thương. Cả nước bàng hoàng, xúc động hướng về Bình Trị Thiên. Số Tập san mới chuẩn bị chào đời ấy thế là phải thay đổi gần như toàn bộ về nội dung. Thường vụ Huyện ủy Bến Hải chỉ đạo cho Chi hội Văn nghệ và Ban biên tập là phải ra ngay số Tập san đặc biệt để nêu cho được một cách toàn diện những thiệt hại do bão số 8 gây ra để nhân dân cả huyện cả tỉnh cùng biết. Sau một thời gian ngắn phát động hội viên và cộng tác viên khẩn trương viết bài về bão cũng đã ra mắt bạn đọc. Tập san cũng có thơ, có bút ký, ghi chép, truyện ngắn, nhưng tất cả các bài viết đều ẩn chứa trong từng con chữ một nỗi buồn man mác. Nhiều bài viết được các tác giả tường thuật lại một cách chân thật về những mất mát, thương đau do bão gây ra, khiến người đọc xúc động, không cầm được nước mắt.

Dù chỉ là một tờ Tập san văn nghệ cấp huyện, nhưng Tập san văn nghệ Bến Hải cũng đã quy tụ được một đội ngũ cộng tác viên rất đông đảo và nhiệt tình. Ngoài các vị lãnh đạo của huyện như Phan Chung, Trần Đắc, Đinh Tấn Vĩnh, Nguyễn Hoa Nam, các nhà văn ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Mai Văn Tấn, Nguyễn Quang Hà...ưu ái cộng tác gửi bài, thì Văn nghệ Bến Hải luôn có những cộng tác viên gan ruột như Lê Vĩnh Định, Lê Quang Thông, Nguyễn Chân Chính, Đoàn Lê, Khánh Vầy, Văn Thành, Lê Kim Quế, Xuân Đức, Trần Biên, Xuân Nguyễn, Hoài Nhạn...Có cả những tác giả trẻ lần đầu gửi bài nhưng đã gây được ấn tượng qua tác phẩm của mình như Nguyễn Thị Minh Tiến, Hương Trà...Mỗi một tác phẩm được đăng tải trên Tập san văn nghệ Bến Hải, cho dù là một bài thơ, một truyện ngắn, một bút ký, hay chỉ là một bài viết bình thường, thì nội dung của nó bao giờ cũng toát lên một tình yêu sâu nặng với quê hương, nguồn cội nơi có dòng Bến Hải đi qua. Tập san văn nghệ Bến Hải đã vào tận Huế, ra mãi Quảng Bình, Hà Tĩnh, đến với người đọc. Bằng cách này cách khác Tập san cũng đã ra đến Hà Nội, khiến Nhà thơ Thanh Tịnh khi đọc nó đã phải gửi thư khen đến Ban biên tập.

Trước những khó khăn chung của cả huyện cả tỉnh, nhất là những thiệt hại to lớn sau cơn bão số 8, Tập san văn nghệ Bến Hải sau đó mỗi năm chỉ phát hành được hai số vào đầu năm và cuối năm. Nhưng để bù vào khoảng trống đó, bắt đầu từ năm 1987, huyện ủy đã cố gắng sắp xếp cho ban biên tập ra thêm một số báo xuân vào dịp Tết Nguyên Đán nữa. Nhưng để ra được hai số Tập san và một số báo xuân trong một năm thôi cũng đã là một sự cố gắng lớn của huyện về mặt ngân sách. Hồi ấy, anh em cộng tác viên rất nhiệt tình, nên bài vở không bao giờ sợ thiếu, dẫu nhuận bút khi có khi không, mà có thì nhuận bút cũng không đáng là bao. Cái khó khăn hàng đầu là kinh phí để in ấn. Làm văn nghệ, ra Tập san mà có thu được đồng nào đâu để “lấy vốn” tái sản xuất. Mỗi số Tập san thường in từ 1500 đến 2000 bản và có độ dày trung bình từ 70 đến 100 trang. Tất tần tật mọi việc, từ vẽ bìa, trang trí, minh họa... đều do nhà in làm. Tập san sau khi in xong ở Huế thì được gửi ra Hồ Xá bằng xe đò chở khách. Phương thức phát hành chủ yếu là biếu không cho tất cả các cơ quan, ban ngành, đến ủy ban nhân dân các xã, các lâm, nông trường, các trường học... trong huyện, chứ đâu đã bán được! Có một dạo cả Vũ Mạnh Thi và Nguyễn Hữu Thắng đã phải mang Tập san đi bộ hàng chục cây số về tận Vĩnh Thái bán để kiếm thêm kinh phí. Gian khổ, vất vả đấy, nhưng vui. Và niềm vui thường được nhân lên gấp bội khi Tập san văn nghệ Bến Hải luôn được các vị lãnh đạo huyện quan tâm chia sẻ. Tuy vậy Tập san văn nghệ Bến Hải cũng đã đi được một chặng đường dài, ra được 8 số và 3 số báo xuân cho đến ngày giải thể sau khi chia tách lại địa giới hành chính tỉnh vào năm 1989.

Trải qua hơn bốn năm tồn tại, từ 1985 đến 1989, Chi hội Văn nghệ Bến Hải đã làm được nhiều việc có ích, để đến bây giờ, sau gần ba mươi năm ngoảnh nhìn lại, anh chị em văn nghệ hồi ấy vẫn còn thấy tự hào và tiếc nuối. Đó là một thời kỳ đẹp! Thời kỳ bao cấp ngặt nghèo, khó khăn trăm bề, tưởng như không có lối thoát, mà cái ăn cái mặc là chuyện thường trực cấp bách ai ai cũng phải lo lắng, nghĩ tới. Nhưng cái tình người ở thời ấy thì quả là cao đẹp biết bao nhiêu! Con người sống với nhau, đối xử với nhau có tình có nghĩa, có trước có sau, tình thương yêu và sự đùm bọc, giúp đỡ nhau luôn luôn được xem trọng. Anh chị em làm văn nghệ Bến Hải hồi ấy cũng đã sống với nhau như thế!

* * *

Đội ngũ hoạt động văn học nghệ thuật ở Vĩnh Linh hiện nay, chủ yếu là không chuyên, nhưng nếu đem ra so sánh với thời còn là huyện Bến Hải trước đây, có thể nói vẫn giữ được phong độ, xứng đáng với lớp đàn anh đàn chị đi trước. Sau ngày chia tách tỉnh, một số các anh chị như Cao Hạnh, Hoài Nhạn, Hoài Quang Phương... đã chuyển vào Đông Hà, một số khác do yêu cầu công tác cũng lần lượt không ở lại Vĩnh Linh nữa. Trong tổng số gần hai mươi người là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị hiện nay thì đã có hơn một nửa trong số ấy từng là hội viên Chi hội Văn nghệ Bến Hải trước đây. Đó là các anh Ngô Nguyên Phước, Lê Nguyên Hồng, Văn Tuyên, Lê Đức Ngạn, Hải Hiền, Ngọc Du, Văn Đản, Văn Tống, Hoàng Hữu Lộc... Số còn lại như Nguyễn Xuân Phùng, Tống Phước Trị, Nguyễn Ngọc Chiến, Trần Biên... bởi những nguyên nhân khác nhau nên chưa có điều kiện tham gia, nhưng họ là những người có đóng góp tích cực cho phong trào văn học địa phương hiện nay.

Lực lượng văn nghệ Vĩnh Linh cả cũ lẫn mới là một lực lượng không những đông đảo về số lượng mà còn mạnh về chất lượng. Chỉ riêng ở chuyên ngành văn học, nếu điểm qua đôi nét cũng thấy rõ điều này. Tác giả Lê Nguyên Hồng, ngoài công việc là một nhà báo, trưởng đài truyền thanh huyện, mấy chục năm qua anh vẫn không ngừng sáng tác văn học. Anh viết cả ký, thơ và truyện ngắn. Thể loại nào anh cũng có những thành công nhất định. Trong vòng mười năm nay, anh đã xuất bản 5 tập sách gồm đủ các thể loại. Đó là các tập truyện ngắn “Cây dừa thiêng”, “Anh ở đâu?”; các tập ký “Một thuở đôi miền”, “Đất Rồng sa” và tập thơ “Nếu một ngày kia”. Ký Lê Nguyên Hồng mượt mà, viết nhiều về người và đất Vĩnh Linh, trước đây từng được sử dụng nhiều trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nguyễn Xuân Phùng là thầy giáo dạy toán trung học phổ thông nhưng lại là người yêu thơ và say sưa làm thơ. Thơ Nguyễn Xuân Phùng đa dạng về đề tài, nhưng đậm nét hơn cả vẫn là mảng thơ chính luận viết về Đảng, Bác Hồ, về các bà mẹ, các chiến sỹ bộ đội, dân quân, những người suốt cả cuộc đời, sống chỉ để cống hiến và hy sinh cho dân tộc. Thơ anh cũng khá gần gụi, tình cảm khi anh viết về nhà trường, tình thầy trò, bè bạn. Đến nay Nguyễn Xuân Phùng đã xuất bản được 2 tập thơ là “Mong đời đẹp hơn” “Gieo hạt tương lai”. Tác giả Tống Phước Trị là người từng trải trong cuộc sống, vì thế mỗi tác phẩm của anh cho dù ở thể loại nào, thơ, ký hay truyện đều toát lên sự chiêm nghiệm sâu sắc, cái lý cái tình, cái thiện cái ác ở đời và trong từng mỗi con người...được anh mổ xẻ, phân tích rạch ròi, chí lý. Anh đã hai lần nhận giải thưởng truyện ngắn và thơ của Tập san Cửa Việt trong các cuộc thi. Dù chưa in thành sách nhưng Tống Phước Trị cũng đã có được một số tác phẩm thơ, ký và truyện ngắn được anh sắp xếp dưới dạng bản thảo. Tác giả Đinh Ngọc Du sáng tác thơ và có thơ in từ những ngày còn Tập san văn nghệ Bến Hải, đến nay anh vẫn miệt mài sáng tác và đã xuất bản được ba tập sách. Đó là các tập thơ “Miền ký ức”, “Tình muộn”, và mới đây là tập “Ký ức xanh” gồm cả thơ, ký và truyện. Tác giả Ngô Nguyên Phước sau tập bút ký “Mảnh đất hồn người” nhận giải thưởng hàng năm của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, chưa thấy anh in thêm tập sách nào, nhưng bút ký, ghi chép của anh vẫn đều đặn in trên Tập san Cửa Việt. Có thể nói Ngô Nguyên Phước là người viết nhanh, và mỗi bài viết của anh bao giờ cũng mang đậm dấu ấn về đất và người Vĩnh Linh. Trần Biên là người viết nhiều về thể ký. Những bài ký hay của ông thường là những kỷ niệm, cảm xúc được ông dồn nén, chắt chiu suốt cả một thời trận mạc và được ông thể hiện khi viết về người lính, về chiến tranh và cách mạng. Ký của Trần Biên đã từng được tặng thưởng là ký hay của Tập san văn nghệ Quân đội, Tập san Cửa Việt, và mới đây là giải thưởng trong cuộc vận động “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật - báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các tác giả khác như Văn Tuyên, Hải Hiền, Nguyễn Ngọc Chiến... mỗi người một thế mạnh khác nhau. Nhưng trên hết, tất cả họ đều viết và đều có tác phẩm.

Bên cạnh những tác giả kể trên thì hiện nay ở Vĩnh Linh đang dần xuất hiện những tác giả mới. Có thể họ chưa phải là hội viên hội VHNT, nhưng tác phẩm của họ thì ít nhiều đã được bạn đọc biết đến và đã được khẳng định. Trần Thanh Hải với các tác phẩm bút ký, ghi chép được giới thiệu nhiều trên Tập san Cửa Việt và Báo Quảng Trị. Nếu Ngô Diệu Hằng có sở trường về truyện ngắn thì Trần Hoài Thắm lại có năng khiếu về thơ. Truyện ngắn của Ngô Diệu Hằng đã có mặt trên báo Văn nghệ Trẻ, Tập san Sông Hương, Nhật Lệ... thì thơ Trần Hoài Thắm cũng đã được in nhiều trên các Tập san văn nghệ như Tập san Lang - Biang, Sông Trà, Cửa Việt... Đây là những người viết mới, rất có khả năng để bổ sung vào lực lượng viết hiện nay ở Vĩnh Linh. Có thể nói, dù là người có mặt từ cách đây vài chục năm, hay chỉ là người mới xuất hiện, thì lực lượng viết hiện nay ở Vĩnh Linh là lực lượng đông đảo và khỏe khoắn, có đóng góp xứng đáng cho phong trào sáng tác văn học của tỉnh nhà.

Từ Chi hội Văn nghệ Bến Hải ngày ấy, đến nguyện vọng có một Chi hội Văn học - Nghệ thuật huyện Vĩnh Linh hôm nay, là một việc làm ý nghĩa và cần thiết. Nhưng để hiện thực hóa được nguyện vọng này thì còn có rất nhiều việc cần phải bàn bạc, thống nhất giữa các cơ quan, ban ngành chủ quản. Bởi, việc thành lập ra một đơn vị mới như Chi hội Văn học - Nghệ thuật huyện Vĩnh Linh sẽ liên quan đến nhiều mặt, nhất là tài chính, tổ chức chứ không đơn giản cứ thành lập ra để có ngay một “sân chơi” dành cho người hoạt động văn học - nghệ thuật là đủ, dẫu biết rằng tất cả những điều đó là cần thiết...

Vĩnh Linh,5.2014

 
N.N.C

NGUYỄN NGỌC CHIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 237 tháng 06/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground