Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiến thắng Khe Sanh đập tan chiến lược

N

ằm về phía tây của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa là vùng đất có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng: Phía nam tiếp giáp với tỉnh Thừa Thiên, phía bắc giáp với tỉnh Quảng Bình, phía tây giáp với tỉnh Savănnakhet - nước bạn Lào anh em; địa hình rừng núi hiểm trở, có đường 9 là huyết mạch giao thông nối liền Đông Hà- Lao Bảo….Từ đó, Hướng Hoá trở thành địa bàn trọng yếu, tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là cửa ngõ hành lang chiến lược của cả nước nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.   

Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, Nhà Trắng đưa quân chiến đấu Mỹ vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh mới: Chiến tranh cục bộ. Nhằm tạo lập một “chốt cứng” ở phí tây- bắc chiến trường Trị - Thiên, Mỹ - nguỵ đã tập trung một lực lượng quân sự lớn hòng biến tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng thành vành đai trắng. Chúng tập trung mọi binh lực và kỹ thuật hiện đại, dựng lên hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra chạy dài từ Cửa Việt lên đến tận biên giới Việt – Lào; trang bị nhiều vũ khí tối tân như máy bay B52, pháo hạng nặng 175mm, chất độc màu da cam, thiết bị nghe nhìn điện tử...cùng các loại vũ khí giết người kiểu mới, đồng thời dốc sức xây dựng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh gồm các cứ điểm: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh và Huội San (Lào)... trở thành khu vực phòng thủ mạnh nhất. Cụm cứ điểm Tà Cơn được xây dựng với hệ thống công sự dày đặc, hình thành thế trận phòng ngự kiên cố, liên hoàn với cứ điểm Làng Vây nằm trên trục đường 9.

Bao bọc giữa miền rừng núi trường sơn hiểm trở, cao nguyên Khe Sanh - một vùng đất với một diện tích gần 10 km2 được địch đánh giá là “cái mỏ neo”, âm mưu làm bàn đạp cho các cuộc hành quân “tìm diệt”, cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn quân ta từ miền Bắc vào, từ Lào sang, và đường tiến quân xuống vùng đồng bằng ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, nên được Nhà Trắng hết sức quan tâm, cam đoan chi viện để giữ bằng được tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Do đó, ngày 21-1-1968, khi quân ta nổ súng tiến công đợt 1 đánh Khe Sanh, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm làng Vây, Tà Cơn... thì Bộ chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng, “đây có thể là một Điện Biên Phủ thứ hai”. Ngay lập tức, tổng thống Mỹ Giôn-xơn chỉ thị cho tướng Tay - lo lập “Phòng tình hình đặc biệt” tại Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự Khe Sanh, kịp thời đề ra cách thức bảo vệ Khe Sanh với bất cứ giá nào; tăng cường thêm 7.000 lính thuỷ đánh bộ lên trấn giữ Khe Sanh ngoài một lực lượng  tinh nhuệ với gần 10.000 tên, gồm 4 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, các lực lượng pháo binh, thiết giáp… một bối cảnh diễn ra giống như thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và mệnh lệnh của quân uỷ Trung ương “về thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam xuân hè 1968”, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh được quân  giải phóng đặt trong kế hoạch tiêu diệt, đập tan toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trong cục diện chiến trường Trị - Thiên Huế nói riêng và trên toàn miền Nam nói chung vào năm 1968.

Theo đúng kế hoạch, từ ngày 20/01/1968, chiến dịch đánh chiếm cụm cứ điểm Khe Sanh và giải phóng Hướng Hóa bắt đầu. Cùng với việc tiêu diệt các cứ điểm phía Tây để mở thông đường số 9, quân và dân ta nổ súng tấn công chi khu quân sự huyện lỵ Hướng Hóa.

Đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7 tháng 2 năm 1968, lần đầu tiên bộ đội tăng thiết giáp xuất trận, phối hợp với bộ binh và bộ đội địa phương bất ngờ tấn công căn cứ Làng Vây. Quân và dân ta với phương châm: "vây, lấn, tấn, phá, diệt địch", kết hợp bao vây Tà Cơn ngày càng mạnh, làm cho địch trong thế bị động, ngày càng lúng túng.

Trước nguy cơ thất bại, Mỹ - ngụy điên cuồng mở cuộc hành quân giải tỏa bằng chiến dịch "Ngựa bay", "Lam sơn 270", huy động Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, kết hợp với 17 tiểu đoàn nhằm tái chiếm các cứ điểm đã bị mất.

Nhưng với vũ khí hiện đại và lực lượng quân khổng lồ lúc này đã không khuất phục ý chí chiến đấu kiên cường, ý chí xông lên quyết chiến quyến thắng của quân và dân ta. Cuộc hành quân giải toả “Ngựa bay” của địch bị thất bại nặng nề, vòng vây Khe Sanh  ngày càng bị thắt chặt, quân đồn trú của Mỹ bị hoang mang lo sợ, hoảng hốt kêu cứu.

Trước sức tấn công như vũ bão của các binh chủng, quân chủng hợp thành, thế trận của quân và dân ta trên chiến trường được hoàn toàn làm chủ. Bị thiệt hại nặng nề và trước tình thế bị bao vây cô lập, từ ngày 26/6 trong thế tuyệt vọng, đế quốc Mỹ buộc phải hạ lệnh rút quân khỏi Khe Sanh trong sự thất bại thảm hại.

Tranh thủ thời cơ quân và dân ta chặn đánh quân địch chạy bằng đường bộ và hàng không. Ngày 9/7 quân và dân ta chiếm giữ cứ điểm Tà Cơn, Khe Sanh hoàn toàn giải phóng, đập vỡ một mảng trọng yếu tuyến phòng thủ đường 9 - Khe Sanh của địch. Từ các hướng quân dân ta tiến về tiếp quản chính quyền huyện lỵ, cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời Khe Sanh - Hướng Hoá. Ngày 11/7/1968 Bộ tư lệnh mặt trận Khe Sanh ra thông báo “Sau 170 ngày chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, quyết liệt, quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải thất thủ ở Khe Sanh”. Vậy, sau  4 đợt tấn công của quân và dân ta vây hãm, tiến công dũng mãnh và đầy uy chiến (từ 20/1 đến 9/7/1968)- huyện Hướng Hoá, huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn.

Thắng lợi trên mặt trận đường 9 mà đỉnh cao là chiến thắng Khe Sanh-Hướng Hoá có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ta đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào đàm phán với ta tại Paris.

Chiến thắng đường 9 - Khe Sanh cùng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã góp phần tạo bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Huyện Hướng Hoá, huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng hoàn toàn, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc xâm lược, chấm dứt sự chia cắt của kẻ thù hơn 14 năm, mở ra một thời kỳ mới; hậu cứ và địa bàn hành lang chiến lược Bắc - Nam được mở rộng, tuyến chi viện Bắc-Nam càng được củng cố vững chắc; liên minh chiến đấu Việt-Lào thêm tăng cường; tạo điều kiện để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971 và giải phóng đồng bằng Quảng Trị Xuân - Hè 1972, tạo đà, tạo thế cho thắng lợi cách mạng miền Nam, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là bản anh hùng ca của dân tộc ta, của quân đội ta, cũng là niềm tự hào của quân và dân Quảng Trị và huyện Hướng Hóa anh hùng. Thật đáng phấn khởi và tự hào, 45 năm qua (9/7/1968 – 9/7/2013) Đảng bộ và nhân dân Hướng Hóa đã kịp viết nên bản anh hùng ca trong thời kỳ đổi mới đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới".

Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc, làm rạng rỡ tên đất, tên sông, tên làng của núi rừng miền Tây Quảng Trị. Thời gian đi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng cuộc chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh với biết bao bài học quý giá và tấm gương chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta còn âm vang trong công cuộc xây dựng đất nước và  bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc hôm nay.

T.Q.H 

 

Từ Quang Hóa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground