Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiến tranh đi qua lời thề ở lại

Trong trận chiến đấu khốc liệt một thời chiến tranh giải phóng, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất di hài đồng đội vào góc rừng, hay góp nhặt từng mảnh di hài đồng đội đưa vào lòng đất chiến trường… những người lính chúng tôi vẫn tự thề với lòng mình rằng: Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoà bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các đồng đội về với gia đình, quê hương!

Thương binh Đào Trọng Hòa với một tay thắp hương,  một mắt để khóc bạn - Ảnh: Lê Bá Dương

Thương binh Đào Trọng Hòa với một tay thắp hương, một mắt để khóc bạn - Ảnh: Lê Bá Dương

Vâng, chính xác đó là lời thề đồng đồng đội, hoàn toàn không viết thành văn, thốt nên lời mà thiêng liêng hơn thế khi nó được chạm khắc vào lòng những người lính, để rồi, dẫu cuộc chiến đã đi qua, nhưng lời thề đó vẫn ở lại theo dọc cuộc đời mỗi người lính, vĩnh viễn khôn nguôi.

Lời thề đồng đội! Đó là một chiều cuối năm 1968, 7 người lính trinh sát vừa vượt từ khu bảy nhà vào bãi Cù Đinh, dưới chân cao điểm 544 thì bị trúng bom toạ độ, cướp đi một lúc 5 đồng đội chúng tôi. Nhiệm vụ chưa tròn, 2 người lính còn lại đành bê đá suối, xếp thành mồ chôn đồng đội rồi tiếp tục vượt sâu vào nam Đường 9. Hết chiến dịch quay ra... Sau một tuần mưa núi, cả 5 ngôi mộ xếp bằng đá đã bị trận lũ quét tràn qua cuốn theo di hài các đồng đội thân yêu...

Lời thề đồng đội! Đó là một chiều buông tháng 6 năm 1969, vừa tập kết về khu kiềng sườn bắc 333, bỗng bất ngờ một loạt bom B52 trùm thẳng vào đội hình. Phần phật, và rát rạt như cơn lốc cuốn, khói bụi ken đặc quánh... vừa ngớt. Cả đại đội 67 người lính, chỉ còn nguyên tiểu đội vỏn vẹn 6 người và đồng chí đại đội phó Hoàng Xuân Lục. 7 người lính 14 đôi mắt trân trối, bất lực nhìn thân xác mềm oặt, nhợt nhạt của chính trị viên Hồ Sỹ Xoan đang lịm nhanh giữa một vùng loang đỏ thân xác các đồng đội nát tan trong bãi bom. Dường như không chịu đựng được sự căng thẳng đến tột cùng, sau vài vòng đảo người chạy lên chạy xuống sườn cao điểm... Hoàng Xuân Lục đổ gục xuống. Và đêm đó, trong vàng vọt ánh pháo sáng từ chiếc A130 quần đảo trên không,  6 người lính, 12 bàn tay cào đến bật máu cho đến sáng... cũng chỉ gom góp được chưa đầy 10 ba lô hình hài các đồng đội chúng tôi…

Lời thề đồng đội! Đó là đêm vượt sông đánh vào bốt Lương Mai... Mới ra quãng giữa sông, cả đội hình đại đội bỗng phơi dưới dàn pháo sáng. Và từ phía bờ nam, đạn các cỡ từ phía địch bắn rát rạt... Đành để lại những đồng đội chìm khuất trong lòng sông, cả đại đội bươn bả vừa nổ súng vừa dấn thẳng về phía mục tiêu để giành về phía mình trận thắng, một trận thắng mà khi giáp bờ bên kia, cả đại đội hơn trăm người lính chỉ còn ngót một phần ba... Trận chiến cứ vậy phát triển vào sâu, để lại hơn nửa đội hình đồng đội tôi hoá vào dòng sông nước Quảng Trị...

Lời thề đồng đội! Đó là năm năm, mười năm, ba mươi, bốn mươi… và năm mươi năm… khi ngoảnh lại với lời thề sinh tử, dầm dã trận mạc... dẫu cố gắng đến tột cùng trong cuộc kiếm tìm. Dẫu đã mang hết tâm nguyện lần từng thước đất bờ khe... Nhưng ngoài một phần xương cốt của anh em đồng đội trong số những Liệt sĩ còn nguyên di hài khi hi sinh được tìm thấy và đưa về các nghĩa trang Quảng Trị hoặc quê nhà... Còn lại vô vàn những đồng đội đã hóa tan thân xác vào với đất, với nước chiến trường xưa, hơn ai hết, những người lính đi ra từ một thời trận mạc lại cắn răng, bấm lòng mà trân trối một điều có thật rằng: Dẫu cố gắng đến tận cùng, thì việc đưa hết các đồng đội về với quê hương thật sự khó khăn và là điều không thể.

Lời thề đồng đội! Là đau đáu đắp đầy thành một lời nguyền: Không đưa được đồng đội về với gia đình quê hương, thì mang quê hương vào cho đồng đội! Để rồi 253 người lính một thời Ra đi từ thuở còn xanh/ Ngày về tóc đã hoá thành khói sương... người trẻ nhất cũng đã 58, già nhất cũng đã ngót 70... của Trung đoàn 27 Triệu Hải (sư đoàn 390 Binh đoàn Quyết thắng) cùng đồng đội  các đơn vị thuộc mặt trận B5 từng chiến đấu trên chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị, hiện đang sinh sống tại các địa phương cả nước đã phối hợp với các đồng đội mặt trận Gio - Cam Quảng Trị tổ chức cuộc hành hương đầu tiên (4/2009) “ấm rừng đồng đội”, về thăm lại chiến trường xưa, tìm đến những địa danh từng trực tiếp chiến đấu ở các huyện Gio - Cam, Triệu - Hải, Thành Cổ Quảng Trị... nơi từng là bãi sa trường bời bời khói lửa để tự tay mình hương khói, đem hơi ấm của chính mình và các thân nhân Liệt sĩ làm ấm nơi các đồng đội thân yêu nằm lại nơi đầu suối cuối đồi.

Cứ vậy, khởi từ cuộc hành hương đầu tiên (2009) với tinh thần tự nguyện và tự túc của 253 người lính và 21 thân nhân Liệt sĩ, trong đó người lính “già” nhất đã 79 tuổi… Đến lần thứ hai vào dịp 27/7/2010 với 443 thành viên, 43 thân nhân Liệt sĩ; tiếp cuộc thứ 3 vào tháng 4/2012 với 784 thành viên, thêm 51 thân nhân Liệt sĩ; cuộc hành hương thứ tư với 518 thành viên, cùng 42 thân nhân Liệt sĩ, vào dịp 40 năm ngày hội Thống nhất non sông 30/4/2015… Tiếp cuộc hành hương thứ 5 nhân kỷ niệm  45 năm ngày giải phóng Quảng Trị; 42 năm ngày hội Thống nhất non sông (30/4/2017) với 527 đồng đội và thân nhân Liệt sĩ tham gia và cuộc hành hương thứ 6 vào năm 2018, với gần 600 đồng đội tiếp tục nắm tay nhau, về đất thiêng, cùng đồng bào, đồng đội Quảng Trị hương ấm nơi đồng đội một thời nằm lại chưa về… Chính trong không gian của những chuyến “đưa quê hương vào cho đồng đội đó” là không gian để lời thề đồng đội cứ dội lên từ lồng ngực những người lính một thời sinh tử với không kể hết những chuyện cảm động chỉ có thể có được từ cuộc hội ngộ của những người lính già sau hơn 40 năm bỗng dưng cùng lúc gặp nhau giữa cánh rừng chiến trường xưa.

Là thương binh Đào Trọng Hòa, bên mộ đồng đồng đội nghẹn ngào:

Một tay để lại chiến trường

Một tay còn lại thắp hương cho mày

Mày còn nằm lại nơi này

Tao còn một mắt, khóc mày mãi thôi

Là giữa cánh rừng xưa, hai người lính già góp mỗi người một chân còn lại mới đủ hai chân mà đứng bên nhau; Là hai người lính già, dùng mỗi người một tay còn lại, nối với nhau thành một vòng ôm ngày gặp lại; Là hai mái đầu bạc trắng chụm vào nhau, rung trên hai bờ vai gầy thảng thốt lời sương khói, mày tao…

Là đêm giao lưu giữa cánh rừng nơi chiến địa xưa, là con gái một Liệt sĩ hai tay nâng di ảnh người cha mà nghẹn ngào: Có ai biết bố cháu nằm ở đâu không? Dẫu rằng trước hàng trăm người lính từng đi ra từ cửa tử… cựu chiến binh Trần Kiệm, Nguyễn Xuân Quy (Quảng Trị) khan giọng đọc xen cuộc giao lưu những tin nhắn tìm thông tin Liệt sĩ.

Chợt trong một khoảnh khắc rừng Hồ Khê, nơi dựng bia ghi danh Liệt sĩ do vợ chồng đồng đội Nguyễn Minh Kỳ phát nguyện xây dựng… giữa cánh rừng giăng mắc hơn 800 chiếc võng của 784 thành viên đoàn hành hương và hơn 200 Cựu chiến binh và Đoàn viên thanh niên địa phương, chị Nguyễn Thị Lý 74 tuổi (Vợ Liệt sĩ Ngô Đức Hạt, một trong số 13 đồng đội tan hòa thân xác trong đất rừng Hồ Khê, chỉ còn lại dòng tên trong bia ghi danh 13 Liệt sĩ ) và gia đình dù được các cựu chiến binh trong đoàn tặng đủ võng, nhưng chỉ trải võng, bạt xuống đất nằm… để như chị Lý nói: Võng để nơi khác sẽ mắc theo anh em… còn chỗ này, xin cho được trải nằm dưới đất gần với anh ấy!

Lời thề đồng đội! Là giữa cánh rừng Tân Lâm sáng ngày 28/4/2017… Hơn 500 người lính và thân nhân Liệt sĩ tự làm ấm cả cánh rừng từng là chiến địa xưa. Khi hơn 500 chiếc võng được giăng mắc, những cựu chiến binh nhận hai bánh lương khô 702 và suất cơm thời chiến… cũng là khi ký ức một thời binh lửa ùa về. Có một người lính già đứng trên đôi nạng gỗ, đôi mắt như hút vào giữa xào xạc lá rừng:

Bâng khuâng cánh võng ngày trở lại

Suối đó, rừng đây đồng đội đâu rồi

Lá vẫn xạc xào giữa vòm xanh vời vợi

Bóng bạn đong đầy trong hồ mắt không vơi

Đâu đó giữa những cụm anh chị em cựu chiến binh đang hồn nhiên với những ca khúc thời chiến là tiếng một cựu chiến binh già rành rọt từng lời bài hát Chiến công đền đáp ơn người - một ca khúc do cựu chiến binh lão thành Ngô Minh Hớn sáng tác từ giữa năm 1969 nói về một trận tiêu diệt một đơn vị xe tăng địch ngay chính địa bàn kế cận cánh rừng đoàn hành hương giăng võng. Trong ca khúc nhắc lại chuyện xưa, những người lính ăn vội vàng nửa bánh lương khô rồi xốc súng vào trận với lời hẹn… Miếng lương khô xin để dành một nửa… Để chờ khi thắng trận trở về… Chỉ vậy, những người lính một thời trận mạc nay trở lại rừng xưa… bỗng không ai bảo ai… từng cụm tự động trải bạt, bày cơm với suất lương khô, chai nước, thắp hương mời đồng đội về cùng dùng bữa cơm gợi nhớ cái đêm nhiều những người lính sau trận thắng, đã không còn trở về với nửa bánh lương khô dành lại… Tất cả nghẹn ngào với bữa cơm rừng cúng bạn chan trong nước mắt ngày về với day dứt lời thề đồng đội!

Lời thề đồng đội! Là đêm Thạch Hãn với nghi lễ “Hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn” vốn là điểm nhấn và là nghi thức truyền thống của cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” được tổ chức tại không gian Nhà hành lễ, Bến thả hoa ngay nơi bến vượt bờ Bắc Thạch Hãn. Nơi đây vào ngày 27/7/2009, từng có một nghi lễ động thổ khác biệt với mọi nghi lễ động thổ thông thường. Thay vào đó, là lễ nhập thổ, nhập thủy với đất nước do 5 người lính già của Trung đoàn 27 thỉnh từ mọi miền quê mang về hóa vào chân móng công trình thành chốn linh thiêng. Lần này, cũng như những nghi lễ đã thành tập quán văn hóa tâm linh nối chuỗi trong những cuộc hành hương trước. Nghi lễ nhập thổ, nhập thủy, ngoài đất nước ba miền, từ hũ đất từ nền Hoàng thành Thăng Long xưa, bình nước Hồ Gươm tượng trưng cho đất, nước miền châu thổ sông Hồng Bắc Bộ, đến hũ đất thỉnh từ núi Chung, bình nước sông Lam quê Bác hội tụ linh khí Miền Trung… và không thiếu hũ đất thỉnh từ 18 thôn vườn trầu, nước sông bến Dược tựu trung linh mạch miền quê Nam Bộ… Đại diện các đoàn hành hương và thân nhân Liệt sĩ từ các tỉnh thành cả nước lần lượt tự mình chuyền đất và nước thỉnh từ các tỉnh thành. Từ nắm đất thiêng của núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ; Nắm đất trên đồi A1, hũ nước sông Nậm Rốm Điện Biên; nước sông Kinh Thầy Hải Dương; Chút gạo thơm, muối mặn Diêm Điền Thái Bình; Bình nước nước sông Nhật Lệ - lấy ngay bến đò Mẹ Suốt từng chở quân vào Nam của đoàn Quảng Bình... Tất cả đất và nước tinh khiết của quê hương sau lễ nhập thổ, nhập thủy đã theo bước đoàn hành hương, cẩn trọng được đưa vào dòng Thạch Hãn, nơi đồng đội hóa hình hài. Những mong Đất và Nước của nhiều miền quê cả nước hóa vào lòng Thạch Hãn, nơi các đồng đội đang yên nằm với sâu lắng tình đồng đội, nghĩa đồng bào qua chút đất nước quê nhà được hòa trong ấm áp nghĩa tình đồng bào chiến sĩ Quảng Trị, như thể quê hương vẫn luôn gần gũi, ấm áp bên mình.

Các Cựu chiến binh phát biểu cảm xúc trong Chương trình hành hương  “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ 7 năm 2022 - Ảnh: Thuý Linh

Các Cựu chiến binh phát biểu cảm xúc trong Chương trình hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ 7 năm 2022 - Ảnh: Thuý Linh

Lời thề đồng đội! Là câu chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nghị, thay cho phần tạm kết bài viết mùa tri ân tháng bảy này. Có mặt từ cuộc hành hương đầu tiên (4/2009) khi vừa tròn 80 tuổi. Tại cánh rừng Hồ Khê năm ấy, với tư cách cựu Y tá, người từng băng bó cho hàng trăm đồng đội, cũng là người chứng kiến không ít đồng đội hy sinh… ông Nguyễn Hữu Nghị đã nói trong nước mắt: Được đi vào nơi chiến trường xưa, tự tay thắp hương cho các anh em… Về nhà có chết, tui cũng mãn nguyện rồi.

Vậy nhưng, như chính sự mãn nguyện của một người lính khi được tự nguyện thực hiện lời thề sinh tử với đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nghị  sau mỗi cuộc hành hương như khỏe ra, mạnh hơn… cứ vậy lần lượt tham gia liên tục cả 5 cuộc hành hương. Tại cánh rừng Tân Lâm tháng 4/2017, người cựu chiến binh 88 tuổi đời đó vẫn tự tay móc võng, tự tay sắp bánh lương khô rồi thắp hương mời đồng đội cùng về chung cùng. Ông nói: Năm tới, nếu có cuộc hành hương mới, tui cũng sẽ cùng tham gia mang quê hương vào cho anh em!

Lời thề đồng đội! Là tất tả, hối hả của những người lính già một thời trận mạc, qua 5 cuộc hành hương đưa quê hương vào cho đồng đội, như vẫn chưa yên lòng. Để rồi lại tất tả ngược xuôi khâu nối, rộn rịp chuẩn bị cho chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ 7 vào dịp 27/7/2022 này.

Và lời người cựu chiến binh lão thành Nguyễn Hữu Nghị, cùng chính là lời thề đồng đội không chỉ của ông, mà hơn thế sẽ truyền lại cho các thế hệ đồng đội đã, đang nguyện sống thay đồng đội đã hy sinh với nguyên vẹn lời thề sinh tử.

Vâng, chiến tranh đi qua, lời thề ở lại - lời thề của những đồng đội một thời sinh tử… và tháng Bảy này… hàng trăm người lính Trung đoàn 27 Triệu Hải lại nắm tay nhau với những bữa cơm rừng đồng đội ở Cam Tuyền - nghẹn ngào hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn…

Bạn còn nằm lại chưa về

Để day dứt mãi  lời thề khói hương!

LÊ BÁ DƯƠNG

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

7 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

8 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground