Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Chú" Ái

Đ

êm tháng ba lạnh cóng.

Ngọn đèn phòng không hắt ánh sáng vàng ệch xuống cái phố lúc này đã thưa người qua lại. Những chiếc lá vàng khô bị bứt khỏi cành lăn xào xạc trên đường. Cả cây bàng trước sân nhà giam nữ lúc này cũng chỉ còn trơ lại những cành gầy guộc, khẳng khiu.

Cả nhà giam cũng im ắng đến rợn người, sau cái đêm sấm sét ùng oàng đánh gục đối thủ, bọn lính Nhật không còn mấy tin vào lính khố xanh. Chúng tự thay nhau đi tuần tra. Tuy nhiên trong cái im ắng rợn người ấy, lúc này vẫn như có ngót chục người đàn bà đang dò dẫm từng bước trên cái mái nhà đã bị tốc gần hết ngói sau mấy trận bom vừa qua. Cứ mỗi giây phút trôi qua, lòng họ lại lo lắng, bồn chồn đến tức thở.

Trong số họ người trẻ nhất chưa quá hai mươi, hầu hết chưa chồng, người lớn tuổi nhất mới tròn bốn mươi lại góa chồng, lại đã qua những thử thách đầy ải, cam go nhất tưởng như người phụ nữ bình thường khó có thể vượt qua. Chị em thường ngày vẫn thân mật kính nể gọi vui là “chú” Ái hay o Ái.

Chị em quý nể o vì o rất hiền, o nói giọng miền Trung ấm áp, o là linh hồn của trại tù chính trị nữ. Cả trại hiểu nhiều về o, coi cuộc đời o như một huyền thoại.

O đã từng rời bỏ quê hương, làng Bích Khê nghèo khó để nghe tiếng gọi thiết tha theo anh em đánh đổ thằng Tây cai trị để cho cuộc đời mẹ mình, em mình và bản thân mình khỏi khổ.

Ngày đó, o Ái được anh em đưa vào làm lao công nhà máy chè to nhất Tu-ran (Đà Nẵng), sức làm việc của o được anh chị em thợ nể phục. Có những bao chè nặng tới bảy, tám chục ký họ quất lên lưng o tưởng đến sụn xương sống nhưng o vẫn phải cắn răng vác lên tận tầng ba.

Làm lao công cùng thợ thuyền, giác ngộ thợ thuyền sau đó o được giao làm liên lạc cho Đảng. Phong trào công nhân lên cao, bọn thực dân thẳng tay đàn áp, cơ sở liên lạc bị vỡ. Bọn mật thám xốc đến tận nhà bắt anh Giảng, anh Cầu, bắt cả o Ái. Chúng đánh mỗi người một trận bắt phải khai cơ sở này có những ai, làm gì, liên lạc với ai. Ai cũng khai:

- Đây chỉ là nhà trọ của anh chị em, không liên lạc với ai hết.

Tiếp đó các anh bị chúng dùng đủ cực hình tra tấn. Đến lượt o, chúng tra một cách khác. Năm đó, o còn trẻ mới ngoài hai mươi tuổi và có khuôn mặt dễ coi. Bốn thằng mật thám Tây lực lưỡng đứng quanh o xắn cao tay áo lên một lượt. Một thằng xoay mặt o lại, bắt o cởi quần, o không chịu. Một thằng khác xông vào lột quần của o, o cố giữ chặt cạp quần. Nhưng nó đã giật phắt tay o ra, cái quần rơi xuống. Một thằng hầm hè:

-   Mày đã chịu khai chưa?

  - Tôi đã khai hết rồi – o đáp.

Chúng quát lại:

-   Mày không khai thì mày cứ ở truồng.

Rồi chúng ngửa cổ cười sằng sặc, hết sức đểu cáng.

O đã thấy toàn thân nổi gai óc lên, một cảm giác lạnh buốt chạy suốt từ đầu đến các ngón chân, ngón tay rồi mặt o nóng ran lên. Nhưng o đã cau mặt lại, nghĩ: “Việc chi mà phải xấu hổ”. O ngẩng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào mặt quân thù, mắt như nảy lửa khiến bốn thằng đưa mắt nhìn nhau lúng túng.

Chúng bỗng đẩy mạnh o vào một góc phòng, bốn thằng đứng vây quanh o như những con hổ đói.

Một cuộc tra tấn khác bắt đầu. Chúng lần lượt đưa ra những tấm ảnh, hỏi:

-   Ảnh này là ai? Ai? Ai?

Coi bức ảnh nào, o cũng lắc đầu: Không biết.

Đến một bức ảnh, o giật mình thảng thốt, muốn kêu lên: “Anh Thịnh, anh Sắc, anh còn sống không anh?”.

Chúng đã đưa ảnh anh Nguyễn Phong Sắc, người chồng thân yêu của o, hất hàm hỏi:

-   Đứa nào đây? Nói, nói tao tha.

O cố nén đau thương, cố buông trong tiếng nghiến răng dõng dạc:

-   Không biết.

Một cái tát nảy lửa làm o chóng mặt. Rồi bốn thằng Tây từ bốn góc thay nhau đấm vào đầu, vào lưng, vào ngực o, đứa bên trái đấm o ngã dúi về bên phải, đứa bên phỉa đấm o ngã dúi về bên trái, đứa đấm đằng trước, đứa đằng sau, chúng đấm vào da thịt o như võ sĩ đấm vào bị cát đến khi o chịu không nỏi, ngất xỉu trên nền nhà. Chúng phải xỏ quần cho o, tống o vào nhà giam.

Mấy ngày sau, chúng lại giở trò khác: Bắt quỳ trên ổ kiến lửa để đàn kiến bâu vào đốt đến điên người, chúng đánh o đến rách da nát thịt.

Hơn mười năm hoạt động, ba lần bị tù đày tra tấn, chết đi sống lại o vẫn trơ như đá, vững như đồng. Dù có lần chúng bắt được cả tài liệu chôn trong nhà, o vẫn chỉ một mực khai: “Không biết”...

Và đêm nay o cũng là người chỉ huy cuộc vượt ngục. Chi bộ nhà tù đã chỉ thị: “Tìm cách mà ra, đừng để lộ”.

Nhưng ra bằng cách nào, nghĩ mãi chị em chỉ thấy có cách vượt tường là hơn cả. Phòng giam náo động lên một chút, các chị chia nhau người lấy những cái chăn xé nhỏ ra bện lại thành một cái thang dây thật dài, thật chắc, người đi vận động con mụ cai buồng tối cho chị em lên chơi; trước giờ chúng khóa cửa nhà giam, chị đi vận động chị em tù kinh tế khoảng giờ ấy, giờ ấy ca cải lương, hò Huế để “nghi binh”.

Bước đầu tạm ổn. Các chi đã lên được buồng mụ cai rồi lên được mái nhà nằm sát những chỗ còn lởm chởm lớp ngói còn lại. Căn nhà này ở sát hai lần tường, tường nội thấp và sát nhà tù phụ nữ, tường ngoài sát đường cái và có vọng gác lính khố xanh.

Năm năm bị nhốt trong tù, năm năm chưa từng được nghe một tiếng rao hàng, một tiếng chó sủa, một tiếng gà gáy, đêm nay nằm trên mái nhà dẫu là đang lẫn trốn, o Ái cũng thấy cực sướng. O thấy bầu trời mênh mông cách chi, rồi đâu đó không xa, tiếng nói cười rộn rã, giọng ai hát cải lương, hò Huế khiến o thấy lòng nao nao nhớ nhà.

Chắc mợ đã nhận được thư o, báo mấy ngày mãn hạn tù. O sắp được về với mợ, thật vui biết mấy.

Trên đời lúc này o chỉ có mợ là người thân yêu nhất. Mợ thương o từ nhỏ, từ cái thời o còn là cái “Con”(1)  mười mấy tuổi đã quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đi gặt, đi hái, đi mót lúa, mót khoai từ đồng này qua đồng khác rồi đi mò cua, bắt ốc làm sao kiếm được tiền giúp bố mẹ nuôi em, trả nợ cho người cha quá cố.

Làng xóm đều khen o:

-   O khỏe thật. Bốn năm chục cân gánh trên vai đi hàng mấy chục cây số coi chả mùi chi.

Nhiều người đến xin o về làm vợ. Nhưng o nói với mợ.

-   Mợ, bao giờ em con làm ra tiền con đi cũng chưa muộn.

Mợ thương con cũng không ép. O đang nghĩ lan man, chợt đâu đây ai đang cất giọng hò mái đẩy:

Nguyệt cùng một tháng sáu phiên

Không đi thì sợ lỗi lời nguyền với anh.

Cái giọng Huế sao mà mến thương đến thế. Quê hương như hiện ra trước mắt o, tươi đẹp lạ thường.

Từ đồng làng Bích Khê đến đồng làng Bích La, đồng ruộng thẳng cánh cò bay.

Bích Khê đẹp tựa một bức tranh họa đồ. Xe đò lên xuống từ tỉnh lỵ Quảng Trị đến Cửa Việt. Bên này là đường cái, bên kia sông. Nguồn Hàn trai gái hò hát suốt ngày. Đến khuya thuyền vẫn còn xuôi ngược. Thôn xóm nào cũng ấm cúng. Xóm trước gần sông lại gần đường quan lộ, xóm giữa một cây đa cổ thụ, cành lá xum xuê, gần đó, một cái giếng nước trong văn vắt. Các cô gái làng đi gánh nước thường cúi xuống soi mình trong đó, tém lại mái tóc, sửa lại vành khăn, xóm Chùa hoa màu tươi tốt, xóm Đình có hồ sen, cây cối ven bờ mát rượi. Các cô gái quê o da bánh mật săn chắc, người cũng chắc lẳn như con bống, đi gặt, đi cấy, đập đất áo dài thường vắt ngang lưng, dắt vào cạp quần. Lại có điều không người nào là không có hộp thuốc trong người, bởi hút thuốc lá sâu kèn đã thành lệ, dù có nghèo mấy, làm được mấy quan tiền cũng cố để dành một tiền đi mua thuốc lá và ớt, không bỏ được. Cho đến khi o đi làm lao công, có anh kiếm được hai xu cũng để dành nửa xu mua thuốc lá cho o. Thật cảm động biết bao.

Một làn gió thổi lạnh buốt làm o sực tỉnh nhớ đến hiện tại. O ngẩng đầu lên, dõi theo mấy tên lính Nhật đang đi qua nơi o và các chị em đang nằm. O hồi hộp nghĩ tới giờ phút hành động. O áp tai xuống nghe ngóng động tĩnh, lát lát có tiếng rao “Phở ơ...” trong đêm khuya. Đôi lúc lại có tiếng một em nhỏ nào rao: “Ai lạac raang nóng giòn đây”. Chao, mười một, mười hai giờ khuya mọi người đã yên giấc, em bé nghèo khổ này còn phải lang thang đi rao hàng ngoài đường.

O bỗng nghĩ đến con, đứa con gái tội nghiệp của o, bé Thanh Vân đã phải dứt khỏi bầu vú mẹ lúc mới được vài tháng tuổi. Địch lùng bắt sục sạo dữ quá, o phải cắn răng nhắm mắt gửi chị cơ sở nuôi dùm. Không ngờ vợ chồng chị cơ sở cũng bị chúng bắt, đành mang theo con chị với con của o vào tù. Rồi hai đứa bé trong tù khát sữa mẹ đã qua đời cả.

Lòng o quặn đau. Những giọt nước mắt nóng hổi chầm chậm ứa. O vội lau nước mắt.

Đồng hồ chuông nhà thờ lớn thong thả buông 12 tiếng. Bọn lính Nhật vẫn súng óng nai nịt gọn gàng, lưỡi lê cắm ở đầu súng, chúng vẫn đi tua nhiều quanh nhà pha, quanh các phòng giam. Gió vẫn thổi từng cơn buốt lạnh. Mình không thể vội vàng. O Ái thắt chặt chiếc áo lại cho đỡ lạnh. Lại nằm nghĩ miên man, lại hồi hộp nghe ngóng.

Chờ mãi, chờ mãi, xem chừng các tua đi của bọn Nhật thưa hơn. O Ái ra hiệu hành động, chị em lần lượt dùng thang dây tụt xuống tường nội, hết sức nhanh nhẹn.

Tuy nhiên trong đêm khuya thanh vắng, tiếng chân người nhảy xuống chạm đất làm bọn lính chú ý. Chúng đứng lại. Nhanh như cắt chị em vội đứng nép vào vọng gác. Một người công kênh Nhạn lên, cô Chính đỡ ở hông cho Nhạn buộc cái thang bằng chăn vào dòng điện chết người, Song Nhạn vừa buộc thang dây vào cột điện, đang còn đứng lom khom trên tường chưa kịp tụt xuống, bỗng hai thằng Nhật đã huýt còi và lù lù đứng trước mặt. O Ái lo quá, o vẫn đang mặc cái áo nhung đen của vợ thằng xếp Tây, hôm trước các anh bị bắt đi dọn buồng vợ chồng thằng xếp Tây đã liệng cái áo này xuống cho chị em để tiện cải trang khi đi trốn.

O lùi lại mấy bước sát cửa song sắt, cởi cái áo nhung vất ra đường để phi tang, chị Viếng cũng lùi lại vứt cái bị thuốc tây toàn các thuốc quý hiếm của các anh làm bên nhà thuốc cho chị em để phòng thân khi chưa tìm được cơ sở.

Phía trước, thằng lính Nhật cứ chĩa cái lưỡi lê cắm ở đầu súng vào hông Nhạn. Nó có thể đâm chết Nhạn ngay. Đức kêu toáng lên:

-   “Chú” Ái ơi, “Chú” Ái. Nó đâm con bé chết mất. “Chú” già ra đi chúng em sợ lắm, “chú” ra nói đi.

O Ái đã vứt xong áo. O chạy ra nói với tên Nhật, vừa nói o vừa giơ tay làm hiệu:

-   Đừng dí súng, nó sợ nó ngã chết mất. Để nó xuống, các ông đừng bắn nó.

Chị em kéo đến giả khóc lóc sợ sệt để nó đừng đâm lưỡi lê vào Nhạn. Một tên Nhật nữa lại cầm súng lăm lăm đứng trước mặt chị em. Hai mắt nó thô lố, nó vểnh tai lên nghe và tỏ ra không hiểu gì. Nó gọi ngay tên thông ngôn đến, tên này đến cũng trố mắt trước cảnh tượng này. O Ái nói:

- Nhờ thầy nói hộ với người Nhật “chúng tôi sắp hết hạn tù, chúng tôi sắp được ra, chúng tôi chỉ sợ bom đạn”. Hôm nọ chúng tối suýt chết vì bom (o chỉ cái nhà bị trúng bom) cho nên chúng tôi trèo tường. Thầy nói với ông Nhật cho chúng tôi xuống.

Chẳng hiểu tên thông ngôn nói thế nào, hai thằng Nhật bổng trở báng súng đánh chị em túi bụi, rồi giải tất cả về trước cửa nhà lao. Đến đấy, chúng lại đánh chị em một trận nữa và cướp hết áo len, áo ấm của mọi người, đoạn chúng lùa tất cả vào nhà giam. Chị em lo hết vía, nó cứ nhốt phân tán rồi nó hãm hiếp thì chết. Ở đây chỉ có mình o là nhiều tuổi hơn cả, còn lại là những cô gái chưa chồng, chị em càng sợ, càng giả khóc lóc, kêu la, sợ bọn Nhật là phát xít đánh chết mình không biết chừng. Hơn nữa sợ chúng nhốt riêng, chúng hãm hiếp cũng chết.

Đức cứ nói mãi với o Ái.

- Nó mà giam phân tán “chú” Ái cứ đề nghị nó giam tập trung, “chú” nhé.

Sau cái đêm vượt ngục không thành, trong trại giam nhiều tin tung ra “Nào bọn Nhật sẽ thả, nào chúng sẽ thủ tiêu cộng sản”.

Rồi một hôm vào khoảng đầu tháng tư, tên Cương tên tù nhân Nhật được trả tự do, bước chân đến nhà pha. Nó có gọi một số chị em tù số vuông (tù cộng sản) trong đó có o Ái và một số chị em tù số chéo (tù kinh tế). Không rõ hắn sẽ giở trò gì đây chị em lo lắng. O Ái bình tĩnh nói với chị em:

- Ráng chờ coi. Nếu nó đem đi bắn ta phải nhất loại hô: “Cách mạng thành công muôn năm. Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”.

Chị em nhất trí.

Tên Cương đứng lên diễn thuyết, thao thao ca tụng chính  quyền mới, tâng bốc tinh thần cách mạng của bọn Nhật và tuyên bố thả hết những người được nó gọi lên, còn những người khác chúng sẽ xem xét và thả sau.

Ra khỏi nhà pha sau 5 năm bị giam cầm ngột ngạt, o Ái cùng chị em thở phào nhẹ nhõm, chị em lưu luyến chia tay nhau, lòng bịn rịn. Những chị em có gia đình ở miền Bắc thì về thẳng nhà mình. Riêng chỉ có o Ái là ở miền Trung, ai cũng muốn mời o về nhà nhưng o nóng lòng về quê thăm mẹ.

O ra đến ga Hàng Cỏ, hy vọng kiếm một chỗ trên xe lửa, nhưng xe lửa lúc này toàn để dành chở quân lính Nhật. Có tài thánh cũng không kiếm nổi một chiếc vé xe lửa về Quảng Trị. Cuối cùng được cô Bảo bạn tù trợ giúp, o đã kiếm được một chỗ trên những chiếc thuyền chở nước mắm vào Quảng Bình.

Lênh đênh trên con thuyền giữa thời loạn gặp toàn cướp biển, o phải cùng bạn thuyền chống trả quyết liệt với bọn cướp biển và bị chúng ném một hòn đá vào giữa trán đến chảy máu.

Về được đến Quảng Bình rồi, nghỉ chân một đêm, đi đò dọc cũng tới Quảng Trị. Song con đường từ Quảng Trị về quê phải đi qua truông nhà Hồ, khét tiếng về các vụ cướp bóc, giết người cướp của, chẳng thế đã có câu ca:

Thương anh em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Đúng lúc sắp tới truông nhà Hồ, vào lúc chiều tối, người bạn nữ đi cùng với o bảo:

- Sắp tối rồi, đến quán ăn ta tìm nhà trọ, mai qua truông.

Chị vừa dứt lời, một toán cướp đã nhảy chồm tới giật phắt cái làn mây o gửi trong gánh của chị, chúng ngỡ là có tiền. O phải lấy đòn gánh và cố dùng sức mình đánh trả bọn cướp, tóc o xổ tung ra, cái độn tóc cũng rơi ra, bọn chúng nghĩ độn tóc có tiền nên cướp lấy chạy thẳng.

Về đến quán trọ, o thay áo, chủ quán kêu lên:

- Trời, lưng o này trầy trợt hết cả.

O không ngờ lúc đánh nhau với tên cướp, o đã bị thương nhưng lúc đó hăng lên không biết đau chi hết. Suốt đêm đó, o Ái không ngủ được chỉ ngồi bó gối lên phản, mong trời chóng sáng.

 

***

Ngày hôm sau, vượt truông nhà Hồ, o bước chân xuống thuyền. Con thuyền vẫn thong thả lướt trên sông mà sao o thấy như nó vẫn đứng nguyên, o ước sao mình có đôi cánh để bay thật nhanh về nhà.

Rồi trời cũng tối dần. Đêm xuống. Con thuyền đưa o về đến bến sông Bích Khê vào khoảng ba giờ sáng.

Lòng o trào dâng một nỗi vui mừng khôn xiết. Con sông quê hương đây rồi. Bến sông quen thuộc của thời con gái đây rồi.

O đi một mạch về nhà, lòng khấp khởi nghĩ đến lúc được gặp mợ, gặp em.

  Chao! Nhà mình đây rồi. Lòng o ngập tràn bao cảm xúc. Hồi nào o ra khỏi lao Vinh, o đã gặp mợ, mợ khóc nhiều lắm. Bây giờ sau nhiều năm đợi chờ mòn mỏi lại thêm nạn đói kém, sức khỏe mợ ra sao. Hai chân o bỗng nhiên ríu lại, sao ba giờ khuya nhà vẫn chong đèn thế này. Làm chi mà ba giờ sáng vẫn còn đèn sáng đến vậy.

Lòng o cồn cào lo lắng.

O đẩy cửa bước vào nhà. Ôi, cả nhà khóc oà lên, o bỗng trông lên bàn thờ, rụng rời thấy bài vị, mũ rơm và gậy vòng. Nước mắt o trào ra, giàn giụa. Mợ - Ôi, mợ đã mất rồi, mất thật rồi. Mợ của o, người mẹ thân thương nhất của e đã không còn nữa.

Em Thước vừa lau nước mắt, vừa kể cho e nghe những ngày cuối cùng của mợ. Mợ nhận được thư o từ nhà pha Hỏa Lò Hà Nội gửi về. Mợ đã bấm đốt ngón tay, tính từng tháng, từng ngày, nỗi đợi chờ trong lo lắng đã làm mợ kiệt sức. Rồi một hôm, mợ gọi em Thước đến, mợ vui mừng nói: “Mợ tính rồi, ba tháng nữa là chị Con (tên cúng cơm o Ái) của nhà ta về thôi”. Nhưng sức mợ cứ cạn dần, mợ không còn đủ sức để đợi con gái dù chỉ còn ít ngày.

Bà con lối xóm nghe tiếng o Con về dù đang đêm cũng chạy tới thăm. Mỗi người hỏi một câu tíu tít. Nhưng o Ái đâu còn nghe nỗi tiếng ai, trong tâm óc o chỉ còn lại tiếng vọng của đứa em trai: “Hôm nay là một trăm ngày mợ. Mợ chờ chị mãi”.

Những năm tháng sống trong nhà tù đế quốc, bao roi vọt đòn tra, vết thương cũ chưa lành, những đau thương mới lại dồn dập tới đã quật ngã o. O cứ lên cơn sốt rét, trong cơn mê dai dẳng hình ảnh những người thân yêu cứ hiện lên trước mắt o, hình ảnh mẹ, những đồng chí hy sinh trong tù và cuối cùng, ôi hình ảnh anh Thịnh, anh Nguyễn Phong Sắc người chồng thân yêu cuả o mà bé Thanh Vân, đứa con o dứt ruột đẻ ra cứ hiện lên rồi lại biến mất, lại hiện lên, ôi Thanh Vân vẫn còn sống nay nó đã mười bốn tuổi rồi.

Có đêm o nằm mơ thấy bé Thanh Vân cắp sách đi học với đôi mắt sáng giống hệt cha ngày xưa. Có lúc o lại mơ thấy nó còn bé tí xíu đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa. O chạy tới muốn bồng con lên và bị vấp ngã. O choàng tỉnh, mồ hôi vã ra.

O thấy ngồi bên mình lúc này là o Cam, o Chút, những người bạn cùng phường cấy, phường gặt thuở xưa đến thăm o. Các o ấy mang đến cho o Ái ít rễ cây rừng và gừng, lá chanh, lá sả, hương nhu, các thứ lá. Thấy o Ái tỉnh, các o mừng quýnh tíu tít nấu nước xông, nấu bát cháo hành, tía tô cho o Ái ăn. Ôi tình bạn từ xưa, từ thuở còn cùng nhau đi mót lúa, mót khoai sao thủy chung đến vậy.

O Ái thấy trong mình khỏe dần lên. Các bạn của o cho o hay tình hình làng xóm, cả làng đang trong nạn đói, nạn thiếu ăn kinh khủng. O Ái gắng gượng lên. Khỏe rồi o lại bước chân ra khỏi cửa. Phải đi gặp các đồng chí, o đến tìm o Lê Thị Quế, các anh Quỳ, anh Lưu. Rồi các đồng chí cũng tìm đến o, phải cùng nhau chắp nối liên lạc, gây dựng phong trào. Lòng o Ái phấn chấn, bệnh tật lui dần lúc nào không hay.

Đi trên đồng đất quê hương, o Ái thấy bước chân mình vững lạ thường. Cảnh quê nghèo đói đang cựa quậy với cái nắng tháng năm tháng bảy gay gắt, thêm cái gió Lào hầm hập thổi về như sắp muốn bung ra. Không, không thể thế này mãi. Những trận đòn tù khốc liệt, nỗi đau tột cùng của người vợ bị mất chồng, của người mẹ bị mất con và của người con đã mất mẹ không quật ngã được o, không thể dồn o vào bước đường cùng.

O đi tới đâu, bà con cô bác cũng hồ hởi chào đón, o nói gì chị em cũng gật đầu tán thưởng. Các đồng chí ngồi bên o sôi nổi bàn việc cứu đói cho dân, gây dựng lại các đoàn thể, tổ chức các đội tự vệ.

Đất quê hương Quảng Trị sục sôi từng ngày, từng giờ.

Bởi những bước chân người đi lại rậm rịch. Những o Cam, o Chút và nhiều bạn cùng trang lứa lần lượt vào đoàn thể phụ nữ cứu quốc. Em Thước, em Phan và các bạn vào Thanh niên, vào đội tự vệ tập tành khuya sớm.

Các truyền đơn kêu gọi đồng bào đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật ủng hộ Việt Minh xuất hiện ngày một nhiều ở chợ Đông Hà, ở các đường phố. Những tờ truyền đơn khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật cũng được dán ở các bức tường, lọt vào mỗi nhà qua khe cửa, khe liếp thôi thúc mọi người hành động.

Tin phái xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện tiếp sức cho cao trào khởi nghĩa.

Và một sáng tháng 8 năm 1945 lúc Hà Nội đã tổng khởi nghĩa, các o Đức, o Nhạn, o Chính đã tìm đến nhau, chìa cho nhau xem tờ báo còn thơm mùi mực mới. Chị em ríu rít:

- Này, đã biết tin gì chưa ? “Chú” Ái trong ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Trị đây này. Chao ôi, là “Chú” Ái, chị em vui đến trào nước mắt. Tờ báo ghi rõ rành rành: Đồng chí Hoàng Thị Ái, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ… trong Ủy ban khởi nghĩa.

Chị em càng đọc càng vui: “Chú” Ái qua bao cuộc thử lửa vẫn vững vàng. Thật xứng đáng là “Chú” Ái của chúng mình.

B.T

 

 

 

____________

(*) Tên thường gọi ở nhà của đồng chí Hoàng Thị Ái

Bích Thuận
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 133 tháng 10/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground