Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện về một ngôi làng

 

N

hiều người biết đến làng Thi Ông thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng là một mảnh đất học có tiếng. Điều này hẳn nhiên là đúng nhưng chưa đủ. Thi Ông cần được nhìn nhận đúng mức như một hương thôn không dễ có với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, nhưng vì nhiều lí do chưa được lan tỏa gần xa.

Chúng tôi về làng Thi Ông khi mới qua rằm tháng bảy. Làm việc với người làng mới biết thêm nhiều thông tin có giá trị. Theo bài viết của nhà giáo Võ Văn Hoa và ông Võ Văn Quang Sinh cùng nhiều bà con nơi đây thì làng Thi Ông được khai sinh sau đợt Nam tiến lần thứ nhất trong lịch sử nước do Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng khởi xướng năm 1558, tính đến nay cũng gần 5 thế kỉ. Bài viết này cho biết: “Trong dòng người di dân vào Thuận Hóa có ngài họ Võ đến đây thấy vùng đất đai bằng phẳng, phong cảnh hữu tình, ngài dừng lại cắm mốc giới để khai hoang lập ấp và trở thành Thỉ Tổ tiền khai khẩn của làng Thi Ông. Sau đó có ngài họ Nguyễn và ngài họ Hồ cũng vào thêm cùng nhau sinh sống ở đây, xác định ranh giới quy vùng đất đai của làng: Ngài Nguyễn là kiến canh địa bộ, ngài Hồ là hậu khai canh của làng. Các ngài đã được nhiều triều đại của Triều đình nhà Nguyễn cấp sắc phong. Hiên nay có 19 tờ sắc phong còn tồn tại. Sau này còn có các họ khác đến nhập cư có số khẩu trên 20 người, trên 5 hộ sinh sống tại Làng như họ Lê, Phạm, Nguyễn Thế…

 Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ (mới lập). Trong đó, huyện Hải Lăng gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang và mảnh đất làng Thi Ông ngày nay khi ấy thuộc tổng An Khang.Theo bản đồ hiện nay làng Thi Ông vị trí là: phía Bắc giáp với làng Phương Lang và làng Ba Du; phía Nam giáp với làng Cu Hoan và làng Thuận Đức; phía Đông giáp với làng Cổ Lũy, làng Lương Chánh và làng Thượng An; phía Tây giáp với làng Lam Thuỷ và làng Thuận Nhơn Ngoài. Làng lại ở gần sông Vĩnh Định”.

 Nhìn toàn cảnh, làng Thi Ông đất đai rộng, địa hình bằng phẳng, phong cảnh hữu tình, dân cư thuần hậu, nếp làng tốt đẹp truyền lại từ nghìn xưa được hậu thế nối tiếp nhau gìn giữ và tô bồi. Các công trình tâm linh, tín ngưỡng chủ yếu nằm cận kề nhau như chùa làng ngay cạnh đình làng cũng là một thuận tiện cho bà con mỗi khi phương việc. Ông Võ Đình Phả, Hội chủ làng trang trọng giới thiệu gốc tích của làng cùng với những lễ hội quan trọng của Thi Ông. Góp chuyện, ông Võ Đình Hương, một trí thức sống ở làng cho biết thêm nhiều mĩ tục, lễ nghi truyền thống của Thi Ông.

 Vào những khi có việc trọng, thường là trọng sự tâm linh của làng thì hội chủ mời các trưởng tộc, thân hào nhân sĩ trong thôn đến họp bàn. Có thể nói văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa tâm linh được con dân Thi Ông coi trọng, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “chim có tổ, người có tông” đối với tiền nhân có công với làng với nước. Dân làng coi những sinh hoạt tâm linh là dịp để mọi người đến với nhau, chung tay lo việc hương thôn, cố kết tình làng nghĩa xóm, một rường cột rất quan trọng trong ý hướng kéo mọi người ngày càng gần lại với nhau. Nghi lễ trang trọng, cung kính, đồng tâm nhất trí được bày tỏ ở chốn đình trung trang nghiêm bậc nhất là nét đẹp cổ truyền vẫn được nâng niu cho đến hôm nay cũng là báu vật phi vật thể của Thi Ông. Đáng nói nhất là làng dẫu qua nhiều binh đao tao loạn vẫn giữ được những sắc phong của triều đình thuở trước như những hương bảo vô giá lưu truyền cho đến ngày nay. Đó quả thực là điều không đơn giản.

 Ngoài những sắc phong rất có giá trị về phương diện lịch sử, văn hóa, tâm linh thì làng Thi Ông còn có những bảo vật như chiếc chuông cổ ở chùa làng. Chuông này tên chữ là Thi Ông tự chung. Theo những dòng chữ còn để lại trên chuông thì vật thể này nặng 185 cân, đươc đúc vào ngày 3/10/1841 vào năm thứ nhất đời vua Thiệu Trị, tính đến nay cũng đã gần 180 năm. Đó cũng là niềm tự hào của dân làng mỗi khi đến chùa vãn cảnh hoặc hành lễ, khói hương đặng tâm lành hướng thiện. Thi Ông còn có bức tượng Quan Thánh cũng là bảo vật đã từng không may bị kẻ gian lấy cắp nhưng rồi vẫn quay về lại với làng một cách khá li kì.

 Nhiều giá trị lịch sử, truyền thống của làng Thi Ông đã được trao truyền qua các thế hệ được những người dân Thi Ông dù ở làng hay đi xa luôn quý trọng giữ gìn hết mực, quyết không để cho mai một. Tâm huyết của họ, trong đó có những nhân sĩ ở làng, không chỉ là thái độ sống đối với tiền nhân, mà còn là trách nhiệm, là tấm lòng đối với hôm nay và cả với mai sau.

 Thi Ông cũng là mảnh đất dạt dào thương nhớ đối với con dân của làng, đối với con cháu nội ngoại. Dẫu sống ở đâu, họ cũng luôn luôn nhớ về nguồn cội, đau đáu với những gì thẳm sâu trong đất đai, hồn vía quê hương và trăn trở với những gì thuộc về cố hương, kể cả những chi tiết như tên gọi của làng. Đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được qua chuyến đi này.

 Đi trong Thi Ông hôm nay, ngay giữa mùa đại hạn mới cảm nhận sức sống của làng quê có thể sánh vai với các danh hương Quảng Trị. Một Thi Ông tươi đẹp, an bình, đầm ấm cứ hiện dần lên như một bức họa đồng quê. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, rồi chuyện tất bật làm ăn, con người nhiều khi xoay trong chuyện cơm áo gạo tiền nên nhiều giá trị truyền thống của làng bị xâm thực và hao mòn thì những làng quê như Thi Ông vẫn tự tin, sừng sững giá trị văn hóa hương thôn không gì lay chuyển nổi. Đó đích thực là những điểm tựa vững vàng trên con đường đi tới tương lai.

 Thi Ông, một làng quê cổ kính mà vẫn tươi mới trong từng ngày đang đến, vẫn ngời lên gương mặt quê hương ở vùng đồng bằng phía Nam Quảng Trị. Càng tìm hiểu sẽ thấy đây là một làng quê đang chuyển mình tạo ra những đổi thay như người xưa vẫn nói, là biết tận dụng và chuyển hóa thành công những cơ hội thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và lòng người vẫn là nhân tố lớn nhất, là hằng số nhân văn bât biến, bất di bất dịch tạo nên sức mạnh sâu xa của Thi Ông từ cổ chí kim.

 

“Mai sau, dù có bao giờ...” vẫn truyền tụng trong sử sách và cả trong câu chuyện dân gian về một làng quê Quảng Trị mang tên gọi Thi Ông như một mạch nguồn chảy mãi đến mai sau.

P.X.D

Nguồn: Báo Quảng Trị

http://www.baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/141946

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground