Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một Đài truyền thanh giới tuyến

T

rên thế giới, có những giới tuyến cắt chia đất nước, từng diễn ra những cuộc chiến tranh khốc liệt, đối phương áp đảo lẫn nhau về quân sự, chính trị, kinh tế, qua đó mỗi bên đều tranh giành quyền lực, sự ảnh hưởng của mình trên trường Quốc tế. Trong những cuộc chiến tranh có sự can thiệp của thế lực bên ngoài ấy, có  giới tuyến không bao giờ hàn gắn được, trở thành bức tường ngăn cách lòng người trên cùng một dãy đất vốn lịch sử là một nước thống nhất.

Ở Việt Nam, từ khi hiệp định Giơ-Ne-Vơ được ký kết vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đất nước tạm thời chia làm hai miền Nam- Bắc, chuẩn bị cho hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Đó là giai đoạn: miền Bắc thuộc chế độ xã hội chủ nghĩa, miền Nam tạm thời thuộc chế độ Mỹ-Ngụy.

Vĩ tuyến 17- Nơi có dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương thuộc địa phận khu vực Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) là giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Từ thời điểm hiệp định Giơ Ne Vơ có hiệu lực thì trên mãnh đất này: Dòng sông chia hai, nhịp cầu chia hai, một làng, một xã chia hai, có nhiều gia đình chia hai để chờ hai năm sau ( 20-7-1956) thống nhất Tổ Quốc theo hiệp ước. Hiệp định Giơ Ne Vơ vừa ráo mực đã bị bè lũ xâm lược và lũ bán nước bội ước. Giới tuyến quân sự tạm thời - Khu phi quân sự đã trở thành vĩ tuyến lửa, tọa độ của đạn bom hủy diệt, ngăn chia Việt Nam thành hai miền ngót hai mươi năm đắng cay, uất hận.

Bao nhiêu câu chuyện vui buồn, bao nhiêu cuộc đụng độ, thử thách quyết liệt, đọ trí, đọ lực diễn ra hàng ngày, hàng đêm tại cái lằn ranh giới tuyến phi lý này. Đôi bờ sông bến Hải, hai đầu cầu Hiền Lương đã để lại trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước những chương hào hùng nhất, rực rỡ nhất về những sự kiện chưa ở đâu từng xẩy ra. Một trong những chương hào hùng và rực rỡ đó là cuộc chiến tranh bằng thông tin, những trận “ đấu loa” dữ dội chưa có trong lịch sử loài người dã diễn ra hai đầu cầu Hiền Lương và dọc theo đôi bờ sông tuyến. Khác với các giới tuyến trên thế giới,, cuộc chiến bằng thông tin ở giới tuyến Hiền Lương là cuộc chiến giữa cứu nước với xâm lược, giữa Cách Mạng với phản Cách Mạng. Ở phía Nam, địch xây dựng một hệ thống truyền thanh rất mạnh, có 6 xe lưu động, có sự chỉ đạo trực tiếp và ráo riết của nha thông tin Sài Gòn. Trung tâm đài truyền thanh của địch đặt ở quận Trung Lương - là một quận mới do Mỹ - Ngụy dựng lên tại huyện Gio Linh. Hàng ngày, tiếng loa của chúng chỉa sang bờ bắc, ra rả nói xấu chế độ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kêu gọi những trai tráng miền Nam tập kết ra Bắc trở về với quê hương, gia đình. Bằng những lời tuyên truyền kích động, chia rẽ dân tộc, bằng những bài hát sướt mướt, ủy mị, chúng vẽ nên bức tranh hào nhoáng sặc mùi chủ nghĩa thực dân kiểu mới của chế đọ Sài Gòn hoa lệ do ngoại bang thống trị và bảo hộ, hòng làm lung lạc ý chí của nhân dân giới tuyến và các chiến sỹ Cách mạng miền Nam tập kết ra Bắc. Giọng lưỡi tâm lý chiến ấy càng làm cho đồng bào miền Nam phẫn nộ, vì thực tế hàng ngày đồng bào phải sống trong cảnh ngột ngạt của nhà tù, trại tập trung, ấp chiến lược, bị ngăn sông cấm chợ, bắt bớ, giam cầm, đánh đập, hãm hiếp…Đêm đêm, nhân dân bờ Nam ngóng về phương Bắc, lặng lẽ lấy ảnh Bác Hồ được cất giấu kỹ ra xem và cầu mong lực lượng vũ trang miền Bắc tấn công tiêu diệt hết lũ xâm lược và bè lũ tay sai ôm chân quan thầy Mỹ, phỉnh phờ nhân dân. Đất nước cắt chia, cuộc sống của người dân miền Nam bị đảo lộn, chìm trong chua xót, khổ đau. Dòng Bến Hải không còn là dòng xanh êm ả nâng mái chèo cho những chuyến thuyền lại qua, nối đôi bờ thân thiết. Không còn cảnh đông vui, nhộn nhịp: “ Hiền Lương hai bến quê ta - cùng đi một chợ cùng qua một đò…” nữa rồi. Chợ cầu, chợ Kên ở Gio Linh, chợ Hồ Xá, chợ Do ở Vĩnh Linh trở thành biền biệt đôi nơi, không còn là chốn giao thương buôn bán của đồng bào hai miền như bao đời vẫn thế, như dòng sông, nhịp cầu không bao giờ chia cắt. Giặc ngăn sông, cấm tuyến, bao lứa đôi sắp nên duyên chồng vợ đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, gửi câu thề qua những phong thư bí mật, quyết chờ nhau mãi mãi dù đá nát vàng phai, sông cạn đá mòn…

Nỗi trông chờ của đồng bào bờ Nam cồn cào, cháy bỏng. Miền Bắc đáp lại nỗi đợi chơ ấy bằng những hành động kiên quyết, táo bạo, bằng sức mạnh phi thường trào lên trong máu thịt mà ngay chính kẻ thù nhan hiểm, xảo quyệt cũng không hiểu nổi.

Cuộc chiến bằng thông tin của miền Bắc được dựng lên như một bức tường thành vô hình khiến cho quân thù hoảng hốt, lo sợ. Cuộc chiến này làm sụp đổ ý chí “diệt Cộng” của đối phương, đè bẹp mọi lời lẽ tâm lý chiến như tiếng vo ve của loài ruồi nhặng được truyền đi từ quận Trung Lương. Tiếng súng hòa tiếng loa truyền thanh từ bờ Bắc đồng loạt cất lên dọc giới tuyến, làm cho kẻ thù hớt hải, thất bại thảm hại về chính trị cũng như vũ trang…

Ngày 25 tháng 8 năm 1954, khi tên thực dân pháp cuối cùng rút vào Nam qua cầu Hiền Lương, mảnh đất Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng. Cái mốc lịch sử ấy trở thành ngày truyền thống của vĩnh Linh sau hiệp định Giơ - Ne - Vơ. Ngày truyền thống này không chỉ có ý nghĩa với Vĩnh Linh mà còn có ý nghĩa sâu sắc của đất nước. Do vị trí đặc biệt của vùng đất đầu cầu giới tuyến nên ngày 28 tháng 5 năm 1955, Ban chấp hành Trung Ương Đảng ra nghị quyết số 16 NQ-Tw ,thành lập Đảng Ủy khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đến ngày 16 tháng 6 năm 1955, Thủ Tướng Chính phủ ra nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh, ghi rõ: “ khu vực Vĩnh Linh ( Quảng Trị) từ nay được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng, ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung Ương”. Sau khi có hai quyết định quan trọng mang tính lịch sử của đất nước ấy, Đặc khu Vĩnh Linh đã hình thành các ban ngành trong bộ máy Đảng và nhà nước. Ban tuyên huấn khu vực Vĩnh Linh được thành lập, có các bộ phận:   tuyên truyền, huấn học, truyền thanh, tờ tin “Thống Nhất”. Lúc này bộ phận truyền thanh chỉ có vẻn vẹn một máy tăng âm 25 w và vài chiếc loa công suất nhỏ ở thị trấn Hồ Xá do đồng chí Trần Đảm phụ trách cùng với ba đến bốn công nhân kỹ thuật làm nhiệm vụ tiếp âm Đài Tiếng Nói Việt Nam vào buổi tối, thỉnh thoảng làm vài mẫu tin ngắn để phát. Bước sang năm 1955, tại khu vực bờ Nam sông  Bến Hải, Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm từng bước ngang nhiên vi phạm Hiệp định Giơ - Ne - Vơ, bộc lộ rõ chủ tâm chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này, Ban Bí thư Trung Ương Đảng có chủ trương công tác ở vùng “khu phi quân sự”, là tập trung giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ và nhân dân, ngăn chặn sự gieo rắc luận điệu xuyên tạc nói xấu Vĩnh Linh, đồng thời vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù cho đồng bào Miền Nam rõ để ổn định tình hình kháng chiến bền bỉ, lâu dài. Thực hiện chủ trương khẩn cấp này, tháng 3 năm 1955, Tung Ương điều động vào Vĩnh Linh một đoàn công tác gồm 4 bộ phận: Tuyên truyền, in, Truyền thanh và nhà đèn do đồng chí Rum Bảo Việt (người Nam Bộ) làm trưởng ban. Bộ phận Truyền thanh có kỹ sư Du Cốp (người Nga) và ba cán bộ là: Ngô Văn Tiến, Hoàng Văn Lưu và Nguyễn Văn Thơm với nhiệm vụ xây dựng một hệ thống truyền thanh có phương tiện kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, đủ sức đè bẹp trí và lực của kẻ thù trên phương tiện chiến tranh tâm lý. Sau một thời gian xây dựng, ngày 20 tháng 7 năm 1955, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh chính thức được thành lập, chuẩn bị cho cuộc chiến thông tin với hệ thống truyền thanh của địch ở bờ Nam.

Xin dừng lại một chút để ngược dòng lịch sử, tìm hiểu sự ra đời và phát triển của ngành Phát thanh Việt Nam có liên quan đến Đài truyền thanh Vĩnh Linh. Ngày 7 tháng 9 năm 1945, Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập theo chỉ thị của Hồ Chủ Tịch. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đài Tiếng nói Việt Nam phải di chuyển địa điểm 14 lần để bảo toàn tiếng nói Quốc Gia, phát triển lực lượng, góp phần vào cuộc kháng chiến thắng lợi của dân tộc. Tiếp theo, ngày 14 tháng 10 năm 1954, Đài phát thanh thành phố Hà Nội được thành lập, là đài địa phương ra đời đầu tiên. Ngày 20 tháng 7 năm 1955, Đài truyền thanh Vĩnh Linh là đài địa phương thứ hai của cả nước ra đời. Trên thực tế lúc bấy giờ, Đài truyền thanh Vĩnh Linh là một đài Quốc Gia cắm chốt ở đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được sự chi viện và chỉ đạo trực tiếp của Trung Ương cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam. Sứ mệnh của Đài truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh là đấu tranh trực diện bằng chính trị, binh vận, từng bước làm sụp đổ tư tưởng phản động của kẻ thù, ca ngợi chế độ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kêu gọi đồng bào bờ Nam vùng lên kháng chiến chống xâm lược và sự kìm kẹp của bè lũ ngụy quân ngụy quyền. Lịch sử của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh gắn liền với lịch sử của đất nước, gắn liền với lịch sử của ngành Phát thanh Việt Nam

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, với sự chi viện đắc lực của Trung Ương, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh được xây dựng hai hệ thống truyền thanh khá hoàn chỉnh và hiện đại, với một màng lưới tăng âm có công suất cực lớn. Hệ thống truyền thanh Hồ Xá gồm 3 máy tăng âm: hai máy loại 600w do Liên Xô sản xuất và một máy 500w do Trung Quốc viện trợ. Ngoài hệ thống loa công cộng, còn có 4000 loa hộp (gọi là loa kim) mắc tại các gia đình, cứ hai nhà có một loa hộp lọai 1/4w  do xưởng của Đài tự sản xuất (trừ các xã miền núi và xã Vĩnh thái không có hệ thống loa của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh). Hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo bờ bắc sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ, với chiểu dài hơn mười cây số, mắc một số loa nén 25w trên những cột gỗ. Do vị trí tuyên truyền phải chuyển đổi quy mô để chống lại đài địch ở bờ Nam, tháng 8 năm 1963, Trung Ương quyết định xây dựng một màng lưới truyền thanh dày đặc dọc theo tuyến bờ bắc sông Bến Hải. Bốn cụm loa 500w được mọc lên (mỗi cụm gồm 20 loa nén loại 25w). Ta còn xây dựng 3 cụm loa cực mạnh ở Hiền Lương (xã Vĩnh Thành), Huỳnh Thượng, Tiên An (xã Vĩnh Sơn), mỗi cụm loa 1000w gồm 40 loa loại 25w. Tại mỗi cụm, loa được gắn vào một dàn sắt kiên cố hình chữ nhật đứng trên hai trụ bê tông cốt thép cao 11 mét, hướng miệng loa sang bờ Nam. Mỗi lần hệ thống loa truyền thanh giới tuyến cất lên giống như sấm rền. Để cho hệ thống loa truyền thanh giới tuyến hoạt động liên tục, ta đã xây dựng một trạm tiếp âm lớn đặt ở ngã ba Hiền Lương (xã Vĩnh Thành) với 2 máy tăng âm 10.000w. Chưa hết, Đài truyền thanh Vĩnh Linh còn có một xe lưu động có máy nổ riêng, gắn loa 180w và loa đại có công suất 500w do Trung Quốc sản xuất để phục vụ công tác binh vận, đồng thời áp đảo tiếng loa của địch ở bờ Nam. Cùng với báo THỐNG NHẤT khổ nhỏ, (vì Trung Ương có báo THỐNG NHẤT khổ lớn), Đài truyền thanh Vĩnh Linh đã vạch trần được thủ đoạn của kẻ thù phá hoại Hiệp định Giơ ne vơ, chia rẽ hai miền đất nước. Giai đoạn này, thời lượng tuyên truyền hàng ngày chủ yếu tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. Các chương trình của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh sản xuất phát xen kẻ theo giờ thích hợp. Ban biên tập của Đài chia làm hai bộ phận: Bộ phận nội địa và bộ phận phía Nam. Bộ phận phía Nam, ngoài lực lượng phóng viên của Đài còn có sự tham gia của ban tuyên truyền địch vận Đài Tiếng nói Việt Nam, ban địch vận của công an vũ trang giới tuyến và ban liên hợp đình chiến. Giữa ta và địch dọc theo hai bờ sông Bến Hải đã diễn ra những trận “đấu loa” dữ dội và đầy ngoạn mục. Hệ thống loa Úc của địch ở bờ Nam có công suất thấp hơn nên lần nào cũng thất bại ê chề. Sau những lần như vậy, chúng chửi đổng bằng một tràng tiếng Anh rồi không dám lên giọng nói xấu chế độ miền Bắc. Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã từng thực hiện chương trình binh vận ở bờ bắc Hiền Lương nhớ lại: “…Chương trình phát thanh của chúng tôi làm sẵn cứ thế mà phóng đi, thường là từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Dàn loa 16 chiếc nơi đầu cầu phía Bắc Hiền Lương nói không biết mệt mỏi suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Loa to(chỉ loa 500w) với công suất lớn, mỗi lần lên tiếng là át tiếng nói của địch qua hệ thống loa được dựng lên ở bờ Nam sông Bến Hải. Đây là những trận “đấu loa” không khoan nhượng. Bởi thế, chúng tôi cho ô tô kéo chiếc loa Trung Quốc miệng to như chiếc nong phơi thóc chạy dọc bờ sông, từ đầu cầu Hiền Lương đến gần Cửa Tùng. Khi chiếc loa này “lên giọng” thì cả một vùng sông nước cứ sôi lên ùng ục, “sức đi” của nó có thể sâu hàng chục cây số về phía Gio Linh…” Những trận “đấu loa” thường diễn ra vào dịp chính quyền Sài Gòn trao trả những cán bộ, chiến sĩ của ta không may bị chúng bắt trong chiến đấu và công tác.

Từ năm 1955 đến năm 1964, thời lượng truyền thanh hàng ngày của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh chủ yếu tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam cả trên hai hệ thống. Tại khu vực giới tuyến này, nhiều chương trình của Đài đã cuốn hút sự lắng nghe của đồng bào đôi bờ Bến Hải và tác động sâu sắc đến một bộ phận binh lính Ngụy quyền Sài Gòn, như: chương trình “vì an ninh Tổ Quốc”, “Quân đội nhân dân”, “đọc chuyện đêm khuya”, “tiếng thơ”, “ca nhạc”,“sân khấu truyền thanh”…(hệ truyền thanh dành cho miền Bắc); Giới thiệu miền Bắc vào Nam, nối liền Nam - Bắc, chương trình dành cho binh sĩ quân đội ngụy Sài Gòn…(hệ truyền thanh dành cho miền Nam). Hệ thống loa cực mạnh truyền cánh sóng của Đài vươn xa vào Nam, làm cho quân thù lo lắng. Chúng tìm mọi cách để đối phó. Có những tên chỉ huy quá hoảng sợ phải xin chuyển khỏi địa bàn Gio Linh.

Đài Truyền thanh Vĩnh Linh như một người lính anh dũng kiên cường, xông pha vào trận tuyến để bảo vệ danh dự của Tổ Quốc, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Những cán bộ của Đài là những chiến sĩ vừa trực tiếp cầm súng, vừa đảm bảo chương trình tiếp âm hàng ngày, vừa làm ra những bản tin, bài viết để cổ vũ quân và dân bờ Bắc, đập lại sự xuyên tạc đê hèn của kẻ thù ở bờ Nam. 14 giờ 30 phút ngày mùng 8 tháng 2 năm 1965, 82 lượt máy bay của địch chia thành 14 tốp gồm F4 H, AD6 dội bom ồ ạt xuống thị trấn Hồ Xá- Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Vĩnh Linh. Các cơ sở Quốc doanh, trường học, Đài anh hùng, bệnh viện bị bom đạn phong tỏa dữ dội, mở đầu cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc lớn nhất, dài nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại của Đế quốc Mỹ. Trong đợt oanh tạc này, 6 máy bay của địch bị quân và dân Vĩnh Linh bắn tan xác, nhiều chiếc khác bị thương. Tên tướng không quân ngụy Nguyễn Cao Kỳ trực tiếp chỉ huy không kích suýt bỏ mạng cùng với chiếc máy bay của hắn bị trúng đạn trọng thương. Bị thua đau nhưng hòng lấp liếm sự nhục nhã, hệ thống truyền thanh của địch ở bờ Nam rêu rao: “Vĩnh Linh bị thiệt hại nặng nề. Bí thư Hồ Sĩ Thản chết. Đài Truyền thanh Vĩnh Linh hư hỏng hơn 50 phần trăm. Thằng và con đọc Đài bỏ mạng (ám chỉ 2 phát thanh viên của Đài truyền thanh Vĩnh Linh là Đỗ Công Tích và Nguyễn Thị Kim Nhạn)”. Thực tế, hệ thống loa truyền thanh của ta tại một số xã ở vùng Đông khu vực Vĩnh Linh và dọc bờ bắc sông Bến Hải không hoạt động được do bom đánh đứt các tuyến dây. Trạm Hiền Lương mất tín hiệu truyền thanh đến 8 giờ tối do đường dây tải điện 6KV bị bom đánh trúng. Bà con bờ Nam hết sức hoang mang, lo lắng, bắt mặt ngóng sang bờ Bắc. Tiếng nói của Đài truyền thanh Vĩnh Linh đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong lòng bà con bờ Nam. Những trái tim của người bờ Nam quặn thắt, xa xót…Trước tình hình nước sôi lửa bỏng đó, Bí thư khu ủy Vĩnh Linh Hồ Sĩ Thản chỉ thị cho Đài truyền thanh Vĩnh Linh phải bằng mọi giá phát sóng qua bờ Nam một cách nhanh nhất. Lập tức, lãnh đạo Đài hội ý chớp nhoáng, thành lập một kíp 5 người, gồm: 2 kỹ thuật viên ( Nguyễn Văn Hách, Lê Văn Thành), 2 phát thanh viên (Đỗ Công Tích, Nguyễn thị kim Nhạn), lái xe Hoàng San. Xe lưu động được gắn một tăng âm 200w, hai loa nén 25w và một máy nổ, cấp tốc vào Hiền Lương, mang theo một chương trình làm sẵn tại Hồ Xá. Quá 8 giờ tối, buổi phát thanh cất lên ở phía bắc cầu Hiền Lương: “Đây là Đài Truyền thanh Vĩnh Linh…” Thế là đồng bào bờ Nam đổ xô ra gần bờ sông hoan hô. Bà con la to: “ O Nhạn, eng (anh) Tích chưa chết. Đài Vĩnh Linh còn. Quốc gia nói láo…”.Các đồng chí công an vũ trang đồn Hiền Lương giục: “Cho loa nói to lên nữa, bà con bên kia reo hò dữ lắm…”. Buổi phát thanh kỳ lạ ấy, lúc đầu phát băng làm sẵn, đưa tin chiến thắng của quân và dân Vĩnh Linh, sau đó hai phát thanh viên chuyển qua nói trực tiếp, vạch trần sự che đậy thất bại của Mỹ Ngụy. Buổi phát thanh đã làm cho quân thù bẽ mặt, đồng bào bờ Nam hả lòng hả dạ.

Trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều nơi dây truyền thanh của Đài được chôn trong đất nên bom đạn không phá hủy được. Tiếng loa vì thế mới giữ vững. Cán bộ kỹ thuật, phóng viên, biên tập của Đài có 15 người , lúc đông nhất lên tới 50 người. Hoạt động của cán bộ, nhân viên Đài Truyền thanh liền kề với cái chết, vì địch tìm diệt nơi phát ra tiếng nói của vùng đất này. Có một lần, pháo địch bắn gãy cột, đứt dây truyền thanh, đồng chí Nguyễn Quốc Việt không kịp nối. Trong lúc Đài đang truyền tin địa phương, đồng chí Việt phải dùng kìm kéo hai múi dây chập vào nhau, chờ xong chương trình địa phương mới nối lại. Cán bộ kỹ thuật Võ Huy Hoàng đang trèo trên cột xử lý chập chạm dây thì bị bom nổ, cứa đứt một cẳng chân và 3 ngón tay. Năm 1968, trong khi trực tiếp chỉ đạo đội ngũ kỹ thuật, phát thanh viên chuẩn bị lên chương trình truyền thanh, trưởng Đài Ngô Trang bị hy sinh vì bom đánh sập hầm. Sau khi đồng chí Ngô Trang hy sinh, đồng chí Phạm Đình Hải, phó Ty văn hóa kiêm trưởng Đài đến năm 1970. Năm 1971, đồng chí Nguyễn Quốc Việt làm trưởng Đài. Năm 1972, Đài chuyển trụ sở về Nam Hồ (xã Vĩnh Nam) và đồng chí Ngô Phước Lan, phó ban tuyên huấn khu ủy chuyển sang làm trưởng Đài.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ Cứu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà, Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh như người chiến sĩ hiên ngang tgong đạn lửa để hoàn thành sứ mệnh vinh quang của mình. Những người làm báo nói tại vùng đất lũy thép đầu cầu giới tuyến là biểu hiện sáng ngời bản lĩnh, đạo đức, nhân cách của những người làm báo Cách Mạng. Họ sẵn sàng “quyết tử” để bảo vệ tiếng nói thiêng liêng của Tổ Quốc mà họ đã thề nguyện, cũng giống như người lính hy sinh để bảo vệ độc lập tự do đất nước. Trong số họ, nhiều người anh dũng ngã xuống, làm rạng rỡ truyền thống nền Báo chí Cách Mạng Việt Nam. Đó là các liệt sĩ: Trưởng Đài Ngô Trang, Bí thư chi bộ phụ trách đường dây Nguyễn Văn Thí, công nhân đường dây Nguyễn Biểu, công nhân xưởng sản xuất loa kim Ngô Thị Diệm, kế toán Nguyễn Thị Thảo…Năm 1969, nhà nước tặng cho Đài Truyền thanh Vĩnh Linh huân chương Lao Động hạng Ba.

Những câu chuyện về Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh kể mãi không hết. Những câu chuyện ấy đi theo những người làm công tác truyền thanh trong giai đoạn lịch sử có một không hai này về với nhiều vùng trong nước. Bởi vì thời đó, nhiều cán bộ kỹ thuật, phóng viên, biên tập của Đài được Trung Ương điều động tới, hết lớp này đến lớp khác. Họ là con em nhiều địa phương đến với Đài Truyền thanh giới tuyến, chấp nhận sự hy sinh khi dấn thân vào “tọa độ lửa” cực kỳ nguy hiểm này. Họ đã sống hết mình cho sự nghiệp và lặng lẽ ra đi theo sự điều động của cấp trên khi mảnh đất này không còn giới tuyến. Trong số họ, nhiều người đã qua đời, nhiều người đang nghỉ hưu ở xa ít có dịp về thăm lại Đài Truyền thanh Vĩnh Linh hôm nay. Nhưng trong họ, ký ức của một thời bám trụ, sinh tử với sự nghiệp truyền thanh ở vùng giới tuyến không thể phai mờ. Chính đó là nơi mà họ đã dành trọn quảng đời đẹp nhất tuổi thanh xuân cho Tổ Quốc…

Ông  Phạm Đình Hải, một thời gắn bó với Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, sau giải phóng miền Nam, ông được điều động vào công tác tại Đài truyền hình Đà Nẵng, làm giám đốc rồi nghỉ hưu tại ở đó. Có mấy lần ông trở lại thăm Đài Truyền thanh Vĩnh Linh như tìm về chốn xưa không bao giờ quên được. Lần gần đây nhất, vào tháng 8 năm 2004, ông cùng vợ ra Vĩnh Linh- Quảng Trị thăm lại những đồng nghiệp tâm giao của một thời “tiếng loa hòa tiếng súng”. Có lẽ khi biết tuổi đã xế chiều, ông tìm lại bạn bè kẻo sợ một ngày nào đó muốn đi cũng không còn cơ hội. Khi ông đến thị xã Đông Hà thăm hai vợ chồng một người bạn cùng làm với ông tại Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, đó là ông nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị  Xuyến. Đôi vợ chồng này đều chuyển đến công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị, rồi cùng nghỉ hưu ở Đông Hà. Trước khi nghỉ hưu, ông Hách là phó giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Quảng Trị. Khi ông Hải về thăm thì ông Nguyễn Văn Hách đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ông Hải bùi ngùi kể lại: “ Năm 1960, anh Hách và tôi cùng về Đài Truyền thanh Vĩnh Linh. Quê anh Hách ở Triệu Phong - Quảng Trị. Quê tôi ở Điện Bàn - Quảng Nam. Anh Hách làm kỹ thuật, tôi làm ở bộ phận nội dung. Thời ấy, cả hai đều chưa có người yêu…Anh Hách là người tâm huyết với công việc, thường được phân công làm những việc khó, phức tạp. Tôi tự thấy sự trưởng thành của mình có sự thâm nhập một phần từ tính cách của anh Hách, đó là tình bạn chân thành, cởi mở, trung thực, hết lòng với công việc…”. Ông Hải nói rất nhiều về vị phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị đã từng một thời là nhân viên của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh này. Ông còn nhắc tới những người đã từng lặn lội vói nghề truyền thanh thời chiến tranh khốc liệt như: Phạm Trường Hạnh, Nguyên Ngọc, Hoàng Quỳnh, Trương Công Vinh, Nguyễn Thanh Long, Phùng Bình, Trần Đình Quảng, Nguyễn Kỳ, Bùi Quang Nam, Lâm Ngọc Khôn…Với ông Hải, tất cả những gì của thời làm ở Đài Truyền thanh Vĩnh Linh vẫn còn như mới hôm qua, nguyên vẹn trong nỗi nhớ.

Bà nguyễn Thị Kim Nhạn (người đã được nêu trong bài viết) là thế hệ phát thanh viên đầu tiên của Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh. Ai đã từng xem phim tài liệu “ Lũy thép Vĩnh Linh” sẽ thấy được một Kim Nhạn xinh đẹp của thời thanh xuân với giọng đọc trong trẻo, quyến rủ, có phảng phất “chất Huế”, vì chị là người con xứ Huế. 20 năm làm phát thanh viên, kiêm phóng viên của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, sau đó chị chuyển vào làm ở Đài Phát thanh Bình Trị Thiên rồi nghỉ hưu tại Huế. Chị ít kể về mình, có chăng là kể lại những lần tường thuật trực tiếp và những “trận đấu loa” quyết liệt ở phía Bắc cầu Hiền Lương. Chị rất xúc động mỗi khi nhắc đến đồng nghiệp cùng vào sinh ra tử trên khắp chiến hào, vai súng, vai máy mà vẫn tươi cười, hớn hở. Chị kể nhiều đến các phát thanh viên của Đài truyền thanh Vĩnh Linh như: Hương Loan, Lý Thị Bội Chi, Đỗ Công Tích, Phùng Thế Dưa…

Có một điều bất ngờ làm cho cán bộ, nhân viên của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh vô cùng cảm động, đó là: Đúng vào dịp Đài Truyền thanh Vĩnh Linh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập 20 tháng 7 năm 2005, chị Lê Thị Luật đã nghỉ hưu từ lâu tại quê hương Thanh Hóa lại xuất hiện trước một ngày Đài tổ chức kỷ niệm. Chị khóc và kể rằng: “Hồi được phân công vào Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, tôi chưa đến tuổi 20. Ai cũng bảo vào Vĩnh Linh gian khổ và nguy hiểm lắm nhưng tôi lại xung phong đi. Thời chúng tôi vất vả, đi làm việc phải mang theo súng đạn, có lúc bom đánh liên tục, đi nối dây đứt, phải nhịn đói là chuyện bình thường. Không hiểu sao, lúc ấy vẫn thấy vui và không biết chết là gì cả…Hôm nay về lại nơi đã từng sống, làm việc, thấy Đài phát triển, tôi quá mừng…”. Đến với Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, chị như thấy mình về lại căn nhà xưa. Thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập, kỹ thuật của Đài đón chị như đón người thân đi xa trở về.

Vì chiến tranh khốc liệt, vì các thế hệ công tác ở Đài Truyền thanh Vĩnh Linh thuở giới tuyến thuộc nhiều tỉnh, thành trong nước đến một thời gian rồi lại ra đi, không ai nghỉ đến chuyện ghi chép thành sử sách để lưu truyền cho hậu thế về một chuỗi tháng năm không có ở đâu như ở nơi này. Cũng may, còn những người đang sống kể lại nên thỉnh thoảng đâu đó trên các báo vẫn còn nhắc đến Đài Truyền thanh Vĩnh Linh - là một Đài địa phương có một không hai trong cả nước đứng mũi chịu sào ở đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngót hai mươi năm đất nước chia đôi, trải qua bao vui buồn theo từng thời khắc bi hùng của dân tộc diễn ra ở vùng giới tuyến.

Mỗi nghề đều có sự đam mê, niềm vui và nỗi buồn riêng.“Sinh nghề, tử nghiệp” - đúng là như thế. Đất nước đã thống nhất. Nhưng âm vang của Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh một thuở đất nước cắt chia đã để lại một dấu SON trong lịch sử của ngành Phát thanh Việt Nam anh hùng. Những người làm truyền thanh dạo ấy đã chịu nhiều mất mát hy sinh, thiệt thòi, nhưng với họ đó là cái nghiệp “tử sinh” mà họ đã dấn thân và sẵn sàng chấp nhận. Lớp người ấy giờ đây người còn, người mất. Họ đã để lại cho các thế hệ làm công tác Phát thanh, Truyền thanh hôm nay sự cảm phục, kính trọng, yêu mến, không bao giờ quên. Mãnh đất lũy thép Vĩnh Linh mãi mãi ghi nhớ công lao và tấm lòng của những người làm nên TIẾNG NÓI VIỆT NAM trên quê hương đầu cầu giới tuyến…

                                                                                                L.N.H.

            

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 140 tháng 05/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground